Jun 20, 2013

Cái ác


Một vài nhà phê bình văn học, không hiểu vì lý do gì, có thể chẳng vì lý do gì hoặc do nội tâm thiếu thốn tình yêu, lâu nay cứ duyên dáng kiên nhẫn và nhảm nhí nhắc đi nhắc lại rằng văn chương không có tình yêu là văn chương vứt đi. Nhiều nhà phê bình khác thì bảo văn chương không có tư tưởng lớn là văn chương thời vụ, chẳng đáng tính đến. Lại có cả một lý thuyết rất nghiêm chỉnh chứng minh văn chương có thể không cần câu chuyện nhưng nhất định tác giả phải miêu tả, không miêu tả cái này thì miêu tả cái khác.

Tức là, dường như mọi thứ đang minh họa một cách phong phú cho lời nhận xét rất nhiều độc địa của Milan Kundera, đại khái theo đó nghệ thuật thì có thể chết, nhưng những làm xàm về nghệ thuật thì lại bất tử.

Nhưng Georges Bataille đã xuất hiện, và đơn giản nói rằng cái ác, bởi gắn liền với cái chết, “là một nền tảng của con người”, do vậy, một cách bắc cầu, văn chương không thể thiếu cái ác. Nhận xét trầm trọng này đẩy lui mọi nhận xét kiểu “văn chương không thể thiếu…” khác vào bóng râm của sự lịch lãm trộn lẫn hời hợt. Trong tác phẩm kinh điển “Văn học và cái ác”, Georges Bataille cho thấy lịch sử văn chương có thể thấm đẫm tình yêu hoặc thiếu hụt tình yêu trầm trọng, có thể có rất nhiều câu chuyện, miêu tả và tư tưởng, chẳng quan trọng mấy, nhưng các thời khắc văn chương bùng lên mãnh liệt một ngọn lửa khủng khiếp, là khi có những nhà văn lớn dám đương đầu với cái ác, tự lấy sự hung bạo của mình đối chiếu với sự hung tợn của cái ác, đem đầu óc hiểm hóc của mình để đo với sự nham hiểm, ma mãnh của cái ác (con quỷ thường được tái hiện là một kẻ “ma lanh”). Trên “bảng phong thần” của Bataille (bản thân cũng là tác giả của không ít tác phẩm “mang mầm ác” dữ dội) có những nhân vật như: Baudelaire chán chường với những “bông hoa ác”, Blake u tối, Hầu tước de Sade hung hiểm hay Proust và Kafka.

Nhìn chung, có thể tưởng tượng giản dị về sự lan tràn hiển nhiên của cái ác như thế này: ngay cả ở trong một câu chuyện tình chân phương nhất, giả dụ như một câu chuyện tình tay ba, thì khi một cặp đôi được hình thành, hạnh phúc của họ cũng đã gây hẫng hụt ở đâu đó, đã gieo mầm ác hóa thân trong nỗi sầu tình của một hoặc vài người. Đấy là còn chưa nói đến tiểu thuyết lịch sử có nhiều cuộc chiến tranh hay những câu chuyện án mạng.

Cái ác không chỉ là “một nền tảng” như Georges Bataille nói, nó còn là một sự cám dỗ thường trực. Đến Chúa Jesus còn bị quỷ tìm cách dụ dỗ hết lần này đến lần khác, nên ta có thể nói ngay là phàm nhân đâu có thể tránh được những mơn man của ý nghĩ xấu xa, những giấc mơ tệ hại về phương diện đạo đức, những khoái trá trước hoặc sau khi làm điều gì đó không hay cho người khác (hoặc hi hữu hơn, cho chính mình).

Đẩy suy nghĩ đi xa hơn, không chỉ ở trong bất kỳ con người nào cũng tồn tại tiềm năng về cái ác, mà nếu gắng gượng can đảm hết mức, có lẽ còn phải công nhận rằng chỉ khi nào mang trong mình đầy đủ tiềm năng của một sát nhân, một Raskolnikov, thì con người mới thực sự là con người. Cái đẹp thì (có thể) cứu rỗi thế giới, nhưng cái đẹp ấy hoàn toàn nên coi cũng có khả năng là vẻ đẹp của cái ác.

Vậy nên, khi bàn về Eichmann “ở Jerusalem” nghĩa là hậu kỳ thời diệt chủng Do Thái, triết gia Hannah Arendt đã tạo ra cụm từ đáng sợ nhưng vẫn không thôi ám ảnh chúng ta suốt bao năm qua: “sự tầm phào của cái ác”. Lars von Trier thì vẫn không thôi sản xuất ra những bộ phim tuy rằng lúc hay lúc không được hay cho lắm nhưng nhất quyết ấn vào đầu óc khán giả rằng chúng ta rất khó tránh việc tiếp tay cho những điều ác tập thể.

Cũng còn may ở chỗ, tác phẩm văn chương nằm ở phía tuyệt cùng của cái ác lại không thực sự hấp dẫn đại chúng: thơ Baudelaire hiếm ai đọc hết nổi, và Georges Bataille cũng chỉ ra rằng tác phẩm của de Sade, con người lừng danh về thói bạo dâm, lại “xám xịt và buồn chán” khác với phong cảnh đa dạng của văn chương “thông thường” có “sông suối ao hồ, đồng ruộng”. Điều này thật ra cũng hao hao quá trình tâm lý của sự tiếp nhận mọi thứ: tình yêu nhỏ bé, “qua đường” thì dễ hơn tình yêu vĩ đại, “love of my life”, một chút ác độc thì vẫn dễ hơn cái ác ở dạng nguyên khối.

Và cuối cùng, nhà văn “chuyên trị” cái ác, rất khó nói họ đứng về “phe” nào. Hoàn toàn có thể họ chẳng đứng về phe thiện mà cũng không đứng về phe ác, họ chỉ đứng ở chỗ của mình. Khi trên môi Hầu tước de Sade nở một nụ cười thân thiện, thì đó có thể là hài kịch hay bi kịch?


Nhị Linh


-----------

vậy đó (là thế là thôi là thế đó :p) kèo kẽo mãi cũng đã sắp tới điểm kết, tôi đã xong được tròn 10 bài trên tổng số 12 bài trước khi đóng lại mục "Đọc" của tôi trên một tờ tạp chí, chuyên mục ấy tồn tại được 5 năm, mỗi tháng một bài

khi quyết định hết 5 năm này là dừng, từ khi bắt đầu loạt 12 bài cuối tôi đã thông báo là sẽ "đổi format", giờ nhìn vào 10 bài này chắc nhiều người đã nhận ra ý tưởng của tôi

mà không nhận ra cũng không sao :)))


Tuổi thơ

Kiểu Nhật

Hư cấu

Buồn chán

Lựa chọn

Cà phê

Cái chết

Âm nhạc

Phụ nữ


còn bài mở ra mục này, đầu tiên của đầu tiên, là viết về Giết con chim nhại, hình như không có ở trên cái blog này

17 comments:

  1. Thế thì gọi là đời sang trang à? :))

    ReplyDelete
  2. May quá thế là từ nay không tốn tiền mua báo đấy nữa, mặc dù chỉ là mua báo cũ để đọc bài của anh. ( thảo mai tý, hí hí)

    ReplyDelete
  3. "Đọc" hay "văn chương từ đâu đến"? Từ phía bên kia của mặt trời? "... pourquoi regretter un éternel soleil, si nous sommes engager à la découverte de la clartée divine, loins des gens qui meurt sur les saisons..." (Rimbeau)

    ReplyDelete
  4. Một và duy nhất: http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/08/hai-muoi-tu.html

    ReplyDelete
  5. Xin lỗi cả nhà, tôi đã viết sai tên sư phụ, đúng phải là Rimbaud!

    ReplyDelete
    Replies
    1. đâu chỉ có thế: "si nous sommes engagés" và "des gens qui meurent"

      Delete
    2. Hì hì... viết tên sư phụ sai lỗi tại tôi, còn câu đó tôi chỉ nhớ lõm bõm, google ra thế nào cut & paste nguyên con thôi. Lesson: không nên tin internet! (nhưng vẫn thấy... quê). PS. vừa google lại, thì chỉ thấy hiện lên những câu đúng văn phạm. Đúng là ma quái. Mà nói cũng chẳng ai tin :-(

      Delete
    3. Nhìn lại còn một chữ sai chính tả: "clarté(e)" hì hì... "thằng" google nào cố tình chơi tôi, rồi trốn mất rồi!

      Delete
  6. Phim Salò của Palo Pasolini về bạo dâm tập thể thời Phát xít, ám cả thời sinh viên, thì ra là "gợi hứng" từ tác phẩm của Sade.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đúng rồi, có cái phân tích của Fromm về vụ í cũng hấp dẫn lắm, có bản dịch tiếng Việt đấy

      Delete
  7. Rimbaud viết sai, mà câu tiếng Tây cũng cò tí sai
    Tôi không nói ra đâu.

    ReplyDelete
  8. Xin lỗi, NL đã chỉ ra mấy cái lỗi đó rồi.

    ReplyDelete
  9. tức là cái tít cứ hai nhát một chứ gì ?

    ReplyDelete
  10. tức là cái tít cứ hai nhát một chứ gì ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. kinh thế nhỉ, nhìn cái là thấy ngay cái gì đó :p

      Delete
  11. "Tự tầm phào của cái ác” (Banality of Evil) là tựa đề, và có lẽ cũng là kết luận, của bà (triết gia)Hannah Arendt về vụ xử án Adolf Eichmann. Nhất quyết, bà Hannah không muốn nói là tội ác của Eichmann là "tầm phào" - ít nhất tội ác đó không "tầm phào" tí nào đối với những nạn nhân - mà là cái chủ thuyết ông ta nhân danh cho đến cuối đời. Dĩ nhiên những kẻ tin vào "chủ thuyết" ấy, dù chỉ một tí, đều là những kẻ "tầm phào".

    ReplyDelete
  12. Về cái Ác (“Crises of the Republic” by Hannah Arendt)
    ... Hegel và Marx đều tin tưởng sâu sắc vào “sức mạnh của Phản đề” của Biện chứng pháp, qua đó sự phản đề và chính đề không triệt tiêu nhau mà từ tốn hòa hợp với nhau. Lý do là sự đối nghịch không ngăn cản, mà trái lại thúc đẩy các đối tác cùng nhau phát triển. Niềm tin này phát xuất từ một định kiến triết học lâu đời, cho rằng cái ác chỉ là một trạng thái biểu lộ nhất của cái thiện; nói cách khác, từ cái ác vẫn có thể nẩy sinh ra điều thiện. Niềm tin này dần dần trở nên điều nguy hiểm. Nhiều người – không riêng “đệ tử” của Hegel hay của Marx – tin vào chuyện đó, lý do giản dị là nó mang lại niềm hy vọng cho họ, cũng như giúp họ quên đi nỗi sợ hãi vốn chính đáng...

    ReplyDelete