Nhiều điều rất ghê gớm, gây khủng hoảng trong cuộc sống thực,
thì trong văn chương lại là chuyện tầm phào. Ai có sức đọc nhanh một ngày càn
lướt được ba cuốn tiểu thuyết sẽ chứng kiến bảy cuộc hôn nhân, hơn chục pha làm
tình, một trăm câu nói đùa (trong đó chín mươi câu rất kém hài hước) và dăm ba
cái chết.
Hình dung một cách hòa bình, bao dung và thân ái, văn chương
có thể hiểu là một cách thức luyện tập tinh thần cho con người ta, giảm trừ sức
nặng của những nỗi khủng khiếp ở đời, chuẩn bị để đối mặt với mất mát, tổn thất,
với cái chết, với “bước đường cùng” cam go mà rồi thì ai cũng sẽ phải trải qua,
với nỗi cô đơn vô bờ bến, sự hiu quạnh tuyệt cùng, tiếc nuối, với “trí nhớ suy
tàn” hay một đời “sống mòn”, thân phận “có được là người”, hoàn cảnh “nhân gian
thất cách”; thậm chí nó còn chuẩn bị sẵn để ta không đến nỗi tuyệt đối bất ngờ
nếu có ngày tỉnh dậy thấy mình bỗng biến thành một con bọ.
Nhiều khi, văn chương chỉ nên là như thế, chứ cứ mãi “chất
thép”, “xung kích”, “xung đột”, “chiến đấu”, “mặt trận”, cuộc đời vốn dĩ đã mệt
mỏi từ bản chất càng trở nên mệt mỏi thêm.
“Nỗi buồn” chẳng hạn, thật ra nó là một thứ đe dọa khủng khiếp,
nó hung hiểm hơn bạo lực và gặm nhấm tâm hồn con người như chất cường toan; thế
nhưng, dưới ngòi bút của một nhà văn như Françoise Sagan, người có cái nhìn mọi
thứ đều rất mực nhẹ nhõm, giản dị và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ví như bà từng
nói đại ý người ta yêu nhau rồi ngừng yêu nhau, chuyện chỉ có vậy thôi, dưới
ngòi bút của Françoise Sagan trong cuốn tiểu thuyết vang dội một thời “Bonjour
tristesse”, nỗi buồn ngay ở đoạn mở đầu đã được tác giả đánh giá là
“honorable”, là trang trọng, đáng kính trọng, diễm lệ.
Văn chương làm nghiêng vấn đề đi, đảo ngược nhận thức, hoặc
chỉ bằng một nhận xét bâng quơ mà biến hóa một cảm giác thành ra khác hẳn. Sự kết
hợp cái nhìn độc đáo và ngôn từ đặc dị có thể biến một căn phòng thành đại
dương, trần nhà thành bầu trời, hoặc cuộc đi vòng quanh thế giới chỉ diễn ra
trên cái ghế bành.
Cái chết có thể được nhà văn miêu tả thật kịch tính, thống
thiết và dài, tỉ như Victor Hugo trong tiểu thuyết “Chín mươi ba”. Bước ra khỏi
chủ nghĩa lãng mạn, cái chủ nghĩa đeo thêm sức nặng vào mọi thứ và buộc tua diềm
diêm dúa cho gần như mọi thứ, văn chương về cái chết đã có thể như sau: một cuốn
tiểu thuyết của Frederick Forsyth mở ra bằng câu văn “Kẻ chỉ còn mười phút để sống
đang mỉm cười”. Dazai Osamu, mà độc giả Việt Nam được làm quen dồn dập trong
vài năm trở lại đây qua hai kiệt tác “Tà dương” và “Thất lạc cõi người” cống hiến
một cái nhìn thản nhiên, lạnh lẽo vào cái chết, ở đâu đó lưng chừng giữa coi
cái chết như một nghi lễ huy hoàng và nhìn cái chết như một chuyện tuyệt đối tầm
phào.
Nhà văn châu Á, trong cõi “siêu hình phương Đông” của mình,
không mấy quan tâm miêu tả phong tục, trào lưu, phòng khách văn chương hay thị
thành hoa lệ ăn chơi phồn thực, đặc biệt ưa nói tới cái chết, và trong cuộc diễu
hành những quan điểm về chết đa dạng nhiều quái dị ấy, Kim Young-Ha đã thử
thách người đọc ngay từ một cái nhan đề đi ngược lại toàn bộ giáo lý Tây
phương: “Tôi có quyền hủy hoại bản thân”.
Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng luôn một cái chết: nhà cách mạng
Marat bỏ mạng dưới tay Charlotte Corday, sự kiện quan trọng để khiến Cách mạng
Pháp chuyển sang giai đoạn Khủng Bố (Terreur) hồi năm 1793. Khai cuộc như vậy
xong, cuốn tiểu thuyết chìm luôn vào những cái chết, cái chết như một nghề, cái
chết như một trò chơi, cái chết còn không xứng được gọi là trò chơi.
Cứ đậm đặc nồng độ chết mãi như vậy, độc giả thần kinh thép
sau khi đã đi qua câu chuyện hốt nhiên mơ hồ tự hỏi: nếu cái chết quả thật là một
điều tầm phào, thì sao? Thì ngay cái ác, cũng từng có một triết gia danh tiếng
gọi là một sự tầm phào đích thực.
Nhị Linh
Nếu gọi cái ác là một sự tầm phào, thì lời nói đó thực là quá độc ác.
ReplyDeleteyeah, chính vì thế mà văn chương có sức hút kinh người đối với những kẻ trót động vào nó :D Nhưng không có nghĩa là những người không đọc thì không mạnh mẽ :)
ReplyDeleteĐợi NL viết về tính tầm thường của cái chết ;)
ReplyDeletehehe đã tìm ngay ra được Hannah Arendt và "banality" rồi cơ đấy à :)
Deletecó gì là ghê gớm ;)
DeleteCảm ơn vì một bài viết hay và cách nhìn văn chương rất nhẹ!
ReplyDeleteF
Kinh! Khái quát văn chương đương đại trong có mấy dòng, gói gọn trong có một câu không thèm sử dụng tính từ nào :-p "Ai có sức đọc nhanh một ngày càn lướt được ba cuốn tiểu thuyết sẽ chứng kiến bảy cuộc hôn nhân, hơn chục pha làm tình, một trăm câu nói đùa (trong đó chín mươi câu rất kém hài hước) và dăm ba cái chết."
ReplyDeletechưa được diệu nghệ như thế, vì "hài hước" ở đây là tính từ :(
DeleteỜ, lẽ ra tôi bỏ cái dòng trong ngoặc đơn đi đấy, copy xong quên không cắt :d
Delete