Aug 15, 2015

Tô Hoài kể chuyện (3)

Giờ, giỗ lễ xong rồi, ta đã có thể nói sâu vào văn chương Tô Hoài.

Đọc đi đọc lại Cát bụi chân ai, chẳng biết đến lần thứ mấy, tôi bỗng nhận ra, mình đúng là có mắt như mù, Cát bụi chân ai hấp dẫn một cách lạ thường như vậy chính là vì ở nó, lần duy nhất, Tô Hoài để lộ một số chìa khóa ngõ hầu giúp người ta bước vào một thế giới kín bưng. Một lần, chắc là vì hoảng hốt thế nào đó, hoặc có một tâm trạng hơi đặc biệt, Tô Hoài đã đi chệch một chút khỏi con đường quen, thành ra đã xuất hiện những thứ bình thường không bao giờ người ngoài mong thấy được. Về cơ bản, chẳng ai hiểu Tô Hoài hết, kể cả những người từng ở rất sát Tô Hoài, rất quan tâm đến Tô Hoài, nói chuyện rất nhiều với Tô Hoài. Một khi Tô Hoài đã không muốn, thì chẳng ai có thể nhìn thấy gì, mọi thứ cứ lờ mờ. Ấy là vì chủ đích của Tô Hoài chính là tạo ra một sự lờ mờ gầy gùa bao lấy xung quanh. Với văn chương tỉ mỉ ấy, chỉ có thể dùng một sự tỉ mỉ còn lớn hơn, đừng để xao động bởi bất kỳ cảm xúc gì, thì mới may ra nhìn nhận được.

Giờ đây, với Tô Hoài, tầm vóc ấy, danh tiếng ấy, sự lịch duyệt ấy, chỉ còn duy nhất một câu hỏi có nghĩa: văn chương Tô Hoài có lớn không?

Tôi kinh ngạc khi đọc Nguyễn Đăng Mạnh; là một giáo sư văn chương, thế mà trong câu chuyện với Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh chỉ chăm chăm hỏi người ta đồn ông từng ngủ với bà kia, có đúng không. Lẽ tất yếu, với đầu óc như thế, Nguyễn Đăng Mạnh không hề hiểu văn chương Tô Hoài. Chỉ cần đọc đến chỗ Nguyễn Đăng Mạnh quy văn chương Tô Hoài về một chữ buồn, tôi đã thấy là hỏng hẳn. Đọc lại Nguyễn Đăng Mạnh viết về Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân, chắc hẳn là những thứ đắc ý nhất trong đời giáo sư, tôi cũng thấy là Nguyễn Đăng Mạnh thật ra chẳng hiểu họ mấy. Văn chương Tô Hoài phức tạp chính vì nó quá đơn giản. Và nó không hề buồn.

Có hai điều thường xuyên được nêu lên khi người ta nhắc đến Tô Hoài: thứ nhất, các nhà văn trẻ cần học tập tấm gương lao động chữ nghĩa Tô Hoài, thứ kỷ luật viết văn không quá nệ vào cảm hứng, thậm chí không hề cần đến cảm hứng và thứ hai, Tô Hoài là một chứng nhân lịch sử và lại rất chịu khó ghi chép tỉ mỉ, nên những chuyện Tô Hoài kể rất đáng tin.

Cả hai điều trên đều rất sai. Tô Hoài không hề là người trau chuốt, kỹ lưỡng về chữ nghĩa (như Nguyễn Đăng Mạnh nhận định). Chẳng qua là viết quá nhiều, thỉnh thoảng bỗng bật ra một câu là lạ, chữ nghĩa nhặt nhạnh khắp nơi bỗng có lúc đắc dụng. Và đừng có dại mà học theo “tấm gương Tô Hoài”: chỉ một mình Tô Hoài mới đi được con đường Tô Hoài từng đi. Điều này không hề bao hàm ý đánh giá tốt hay xấu, giá trị văn chương vẫn có thể nằm ở những chỗ khác, bên ngoài cảm hứng, sự trau chuốt v.v… và bản thân Tô Hoài đã là minh chứng cho điều ấy.

Điều thứ hai thì càng tệ: đừng có dại tin bất kỳ điều gì Tô Hoài nói, nhất là trong các tự truyện. Cũng như mọi người khác, Tô Hoài thường xuyên nhớ nhầm. Trong Tự truyện tái bản (không phải bản đầu 1978), Tô Hoài nhắc đến chuyện thời Nhân văn-Giai phẩm, Hoàng Huế từng viết trên tờ Đất mới chỉ trích “tác phong” của Nguyễn Tuân. Có nhân vật Hoàng Huế thời ấy thật, nhưng không phải Hoàng Huế viết trên Đất mới.

Hay như dưới đây, trích từ Chiều chiều:

“Cái người thấp, đội mũ lông để ria trông như Nhật cũng bước lại và nói với tôi:

- Chào anh. Tôi là Lê Vinh Quốc. Tôi có thể dịch hộ anh.

Tôi không quen Lê Vinh Quốc. Nhưng tôi đã đọc trên báo ở Hà Nội của anh bài thơ “thi sĩ máy” hay “thi sĩ gỗ” thế nào đó, tôi không thuộc. Lê Vinh Quốc sang học bên này rồi ở lại.”

(Chương 16, chuyện xảy ra tại một hội nghị nhà văn ở nước ngoài, đúng lúc Aimatôp đến bắt chuyện với Tô Hoài mà không có người phiên dịch ở đó)

Ở đây Tô Hoài đã nhớ nhầm, lẫn lộn, chập Lê Vinh Quốc với một người khác nữa. Lê Vinh Quốc hồi Nhân văn-Giai phẩm đăng một bài thơ, tên là “Những người máy” (và là đăng trên một tờ báo chính thống), còn “Thi sĩ máy” là một tiểu phẩm đăng trên báo Nhân văn của Châm Văn Biếm, bút danh của Ngô Như Mai (đây vẫn là một bút danh).

Đoạn dưới đây là một đỉnh cao của “phong cách ký ức Tô Hoài”:

“Ở nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hồ Dzếnh làm với tổ sơn toa tàu, được trả tiền công khoán cẩn thận - Hồ Dzếnh bảo tôi thế, tôi cũng lây cái ham thích của anh. Hồi ấy, anh cho tôi những tập thơ Rừng phong của Vũ Hoàng Chương Nhà xuất bản Đông Phương của anh in 1953 và tập thơ thiếu nhi Mấy vần tươi sáng của Trần Trung Phương. […] Trước kia, tôi cũng chỉ biết, không quen Hồ Dzếnh. Khi ấy, anh đã thôi đứng bán hàng tơ lụa cho Thượng Hải thương điếm, nhà Phan Thái Thành ở Hàng Ngang. Anh đi sửa mo-rát, trông nom nhà in Á Châu xuất bản cục, phố Emin Nôly - đường Châu Long bây giờ, chủ nhà in và xuất bản Nguyễn Bá Dĩnh mượn anh, nhưng Dĩnh cũng là bạn anh. Tập truyện ngắn Chân trời cũ của anh in ở đấy. Những hôm cạn tiền đi uống, đi ả đào, Vũ Trọng Can và tôi đứng đầu phố đợi Nguyễn Bính vào nhà in Á Châu đả tiền Hồ Dzếnh, nhưng cũng như Trúc Đường trong Ngũ Xã, anh không kéo lũ đi đàn đúm với chúng tôi.”

Nhà xuất bản Tiếng Đông Phương xuất bản tập thơ Mê hồn ca của Đinh Hùng vào năm 1954, kèm một lời giới thiệu rất nổi tiếng không đề tên tác giả nhưng gần như 100% là của Hồ Dzếnh (xem thêm ở đây). Tập thơ Rừng phong của Vũ Hoàng Chương in năm 1954 ở cơ sở xuất bản Phạm Văn Tươi trong Sài Gòn (xem thêm ở đây), chứ không in ở Tiếng Đông Phương. Tô Hoài luôn luôn lấn bấn với cặp Vũ Hoàng Chương-Đinh Hùng này.

Nhưng ở đoạn trích trên, điều đáng nói nhất là sự im lặng của Tô Hoài ở một điểm liên quan đến chính Tô Hoài. Ai rành văn học sử Việt Nam đều biết, viết như thế kia tức là Tô Hoài ngầm tố cáo Hồ Dzếnh từng in sách trong thành Hà Nội trước 1954, “thời tạm chiếm”. Chỉ có điều, cũng chính nhà Á Châu đã in sách của Tô Hoài, ít nhất là quyển Quê người (xem thêm ở đây). Điều này thì Tô Hoài lẳng lặng giấu đi.

“Phong cách ký ức Tô Hoài” hoạt động rất mạnh khi đối tượng là những người mà Tô Hoài không ưa. Ta đã biết, Tô Hoài rất ghét Việt Nam Quốc dân đảng, Đệ tứ, Sài Gòn sau 54. Đây là đoạn về Vũ Anh Khanh, người từng thân cận Thẩm Thệ Hà, tại miền Nam cuối thập niên 40 đầu thập niên 50:

“Lại cũng ở đơn vị như Lê Lựu, Vũ Anh Khanh miền Nam tập kết. Vũ Anh Khanh là cây bút trẻ ở Sài Gòn rồi vào chiến khu. Đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Ấn Độ, Lưu Quí Kỳ giới thiệu với tổ chức và Vũ Anh Khanh được đi cùng Nguyễn Công Hoan. Ở Ấn Độ về, Vũ Anh Khanh lại trở về đơn vị. Nhưng cái anh tiểu đội trưởng đội phó Vũ Anh Khanh đã mờ mờ đi đâu mất rồi. Người ta được Thủ tướng Nêru tiếp, người ta rong thuyền chơi sông Hằng. Về đơn vị cảm thấy đây chật chội quá, đây không phải đất dung thân. Nửa đêm, Vũ Anh Khanh đã bơi qua sông Hiền Lương. Vũ Anh Khanh gặp nước cường bị chết đuối hay Vũ Anh Khanh mới ra đến cái bãi cát giữa dòng đã bị dân quân tóm được. Không biết, việc thì tình cờ, nhưng không tình cờ ở con người.”

(Chiều chiều, Chương 8)

Những chuyện “khẩu thiệt vô bằng” chĩa vào những người mà Tô Hoài không thích được Tô Hoài liên tiếp tung ra, thường là theo một cách thức lửng lơ, như thể là tiện miệng mà nói. Trong Chiều chiều ví dụ như chuyện Quang Dũng sang Trung Quốc gặp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, hoặc chuyện Phan Khôi kể về những người Quốc dân đảng ở 80 Quan Thánh. Trong Cát bụi chân ai thì mật độ những câu chuyện này lớn khủng khiếp.

Theo tôi, Chiều chiều được viết ra là để giảm bớt mức độ cho Cát bụi chân ai, mà bản thân Tô Hoài chắc cũng nhận thấy là quá đà. Về cơ bản, Chiều chiều viết rất dở, kém xa Tô Hoài thông thường, và đặc biệt kém so với Cát bụi chân ai. Chiều chiều cũng lặp lại quá nhiều nhưng đồng thời bỏ sót một số điều lẽ ra cần nói, chẳng hạn như cái tác phẩm “Bà ký Đường” quan trọng như thế, được Tô Hoài dùng để kết lại cho Chiều chiều, thì Tô Hoài tảng lờ không nhắc đến số phận của tác giả Nguyễn Khắc Mẫn, một nhà văn quá chán chường mà bỏ lên miền núi (Lạng Sơn thì phải), một dạng Nguyên Hồng khác.

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể nhiều chuyện nhất về ba nhân vật lớn: Nguyên Hồng, Văn Cao và Nguyễn Tuân, nhưng Nguyên Hồng và Văn Cao đều hiện lên rất xấu xí, cực kỳ xấu xí (sang đến Chiều chiều, Đặng Đình Hưng và Nguyễn Sáng bị thế vào chỗ những nhân vật bị dìm xuống này, nhưng mức độ đã giảm đi nhiều, về cơ bản hình ảnh của họ không xấu lắm, chứ trong Cát bụi chân ai, một nhân vật Nhân văn-Giai phẩm khác là Trần Dần cũng được nhắc tới, vô cùng thảm hại, dẫu chỉ là lướt qua). Theo tôi, về cơ bản, Cát bụi chân ai là sản phẩm của một cơn hoảng hốt trộn lẫn với mặc cảm ở Tô Hoài. Tôi có biết về sự ra đời của cuốn sách, giống như là vơ lấy tất cả mà đem in, thành ra bản thân tác giả cũng không kịp sửa chữa. Cát bụi chân ai kể những câu chuyện theo tôi là bốc phét, mà Tô Hoài dùng để thanh toán ân oán xưa. Đặc biệt là liên quan đến Vũ Hoàng Chương (cái sự tích “mười hai tháng sau” và “mười hai tháng Sáu”): tôi nghĩ lúc ấy Tô Hoài mới đọc hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương và phát hiện ở trong đó mình bị miêu tả ngớ ngẩn, thảm hại quá.

Những chuyện như thế, tôi không thấy tốt hay xấu. Khi đọc Tô Hoài, tôi chỉ cố gắng sao cho mình đừng có cảm xúc gì. Tỉ mỉ nhưng không có cảm xúc. Nguyễn Đăng Mạnh đã nhầm một điều cơ bản: văn chương Tô Hoài không buồn, bởi vì văn chương ấy không buồn không vui, mà nó không có cảm xúc. Cả điều này nữa cũng không tốt chẳng xấu. Nhưng phải hiểu rõ như thế thì mới nắm được văn chương của Tô Hoài. Tôi từng nhiều lần nhìn thấy Tô Hoài, có lần chỉ ở cách Tô Hoài chừng mươi bước chân, nhưng chưa từng bao giờ tôi có ham muốn trò chuyện với Tô Hoài, tôi tin là đối với văn chương ấy, cần phải giữ khoảng cách thì mới nhìn rõ được.

Đọc lại Chiều chiều, tôi mới nhận ra bản thân Tô Hoài cũng từng đọc Kaputt của Malaparte (xem thêm ở đây). Nhưng không biết có ai nhận ra chưa: Tô Hoài nói đến sách vở mà không bao giờ hào hứng. Tô Hoài đã quá nổi tiếng vì những lời chê thơ Đinh Hùng và Hoàng Cầm. Có vẻ như Tô Hoài chẳng bao giờ thấy có văn chương nào hay, không đặc biệt hào hứng với bất kỳ ai. Đây không phải là một văn chương tiết chế, kìm nén cảm xúc, mà là một văn chương thực sự không có cảm xúc. Điều ghê gớm của văn chương Tô Hoài nằm chính ở đó, từ đầu đến cuối nó không cần sự chi viện của các cảm xúc. Cũng chính bởi vậy, khi động đến những gì kinh khủng, như trong Ba người khác, văn chương ấy càng ghê rợn.

Mặc dù tôi chỉ muốn nhìn nhận văn chương Tô Hoài, nhưng cũng có lúc không thể tách rời văn chương với con người được. Về bản thân mình, Tô Hoài nhìn nhận như thế nào? Ngay từ “Cỏ dại” (được viết từ trước 1945 và sẽ nằm đầu tiên trong tập Tự truyện 1978) đã có một chi tiết rất nhiều ý nghĩa: Tô Hoài kể lẽ ra mình tên là Liên, nhưng vì trùng tên với ông hay cụ của nhà hàng xóm, người ta sang vật nài, nên đổi thành Sen. Đây là một chi tiết đặc vị văn chương, thậm chí là “tự huyền thoại hóa”. Trong Chiều chiều, trái với mọi trông đợi về sự tự thú nhận, Tô Hoài thoáng nói qua về sự son sắt thủy chung trong cuộc sống vợ chồng của mình.

Vậy sự thật có thể nằm ở đâu? Với Tô Hoài thì khó nói về “sự thật” lắm. Có một lúc, như thể buột miệng, trong Chiều chiều, Tô Hoài viết:

“Tôi là con ếch Cu Ba, ở rừng thì da xanh thẫm lá rừng, ở ruộng mía thì đổ màu lá mía, đến mùa hoa, lưng ếch chấm đỏ, chấm vàng như cánh hoa rơi.”

Sự thật có thể gần gần như thế. Nhưng chưa hết. Hồi Nhân văn-Giai phẩm, Tô Hoài đã làm những gì, và thế nào mà thoát thân gọn ghẽ thế? Trong cuộc họp đấu tố Trần Dần và “Nhất định thắng”, ta không thấy nhắc tên Tô Hoài (xem ở đây). Điều này rất lạ. Hoàng Cầm là phó giám đốc cho Tô Hoài đứng đầu nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhưng Hoàng Cầm thì thê thảm, Tô Hoài thì không, như vậy là thế nào? Có lúc Tô Hoài động phớt qua những điều này trong Chiều chiều:

“Sau vụ Nhân Văn mà tôi có sai sót, tôi đã đề nghị cho đi học trường dạy viết văn Gorky ở Matxcơva. Nguyễn Khải được chấm đi, còn tôi thì xin đi. Tôi nghĩ chỉ bỏ ra ít năm ăn chắc một ngoại ngữ lại đưa hiểu biết và nhận thức của mình tới được một bước mới. Nhưng rồi dự định ấy trên không chấp nhận. Lý do: Người sáng tác thì nắm thực tế đời sống đất nước là cần hơn.

Năm sau, Nguyễn Minh Tấn ở viện Văn học được đi học viện Gorky. Tôi thắc mắc thì nghe giải thích: Anh ấy làm nghiên cứu, cần đi.”

(Chương 7)

Nhưng chẳng có gì là cụ thể hết cả.

Cũng trong Chiều chiều, có những lúc Tô Hoài dường như nói rất thật, chẳng hạn như thuật lại lời Phan Khôi nói với mình:

“Tôi chưa xem bài nào của anh. Chẳng biết anh viết có ra cái gì. Nghe có người nói anh viết truyện con giun, con dế.”

(Chương 3)

Nhưng dẫu có là thế nào, trước hết Tô Hoài là một người ngoại thành Hà Nội, và tôi chưa từng thấy có văn chương nào đậm dấu ấn ngoại thành Hà Nội như văn chương Tô Hoài. Người tỉnh khác, người ở xa đến không thể có ấn tượng mạnh về Hà Nội như người ở vùng ven (cái vùng ven ở sát sạt nhưng lại như nơi đồng không mông quạnh, năm chết đói dân nội thành được cứu tế phát chẩn gạo trong khi người làng Tô Hoài chết như rạ, vì chỉ cứu đói đến Thụy Khuê, tức là cách nhà Tô Hoài vài trăm mét - Tô Hoài kể trong Chiều chiều), điều này Tô Hoài đã thể hiện rất rõ trong “Cỏ dại”, nhất là khi, hồi bé, được gửi lên ở trên khu phố cổ, tròn mắt với trò đua xe đạp của một người họ hàng. Điều này sẽ in dấu sâu đậm lên văn nghiệp Tô Hoài, mặc cho Tô Hoài có viết bao nhiêu tác phẩm về miền núi, về Tây Bắc, các ký sự đường xa, nước ngoài đi chăng nữa: một tập truyện ngắn không được biết đến nhiều của Tô Hoài tên là Người ven thành, và mãi đến Chiều chiều, Tô Hoài lại nhấn mạnh mình là người “ven nội”, ở đoạn kể về mấy năm theo học ở trường Nguyễn Ái Quốc, nghĩa là trên phố Hoàng Quốc Việt, chính xác ở vùng quê nhà của Tô Hoài.

Ta hiểu một người ngoại thành như Tô Hoài có thể bị hấp dẫn trước một sự ngông nghênh điển hình Hà Nội như thế nào, ta có thể thấy Tô Hoài đã tập trung quan sát Nguyễn Tuân chăm chú ra sao, và bởi vậy mà Nguyễn Tuân trở thành trung tâm trong Cát bụi chân ai, khi mà sự thẳng băng, buồn tẻ của văn chương Tô Hoài bỗng tan loãng để chợt xoáy lên một cách bất ngờ.

Sự hấp dẫn này (rất có thể nó xuất phát từ mặc cảm) lại trộn lẫn với một cảm giác mà Tô Hoài dường như chưa bao giờ có: sự hốt hoảng. Có vẻ như những biến chuyển của thời cuộc đã làm Tô Hoài cảm thấy chông chênh, đúng vào cái lúc Tô Hoài nghĩ là cần tạo ra một hình ảnh về bản thân mình cho hậu thế, và vậy là ở đầu cái thập niên 90 ấy, Tô Hoài bỗng viết Cát bụi chân ai. Vốn dĩ Tô Hoài đã rất giỏi trong việc tạo ra huyền thoại, mà đỉnh cao rực rỡ nhất là trường hợp Nam Cao. Tất nhiên, những điều này không tốt cũng chẳng xấu.

Trước Cát bụi chân ai, văn nghiệp của Tô Hoài lúc nào cũng được giữ ở mức bình lặng, không bao giờ chỏi lên. Viết rất nhiều, nhưng Tô Hoài sẵn sàng nhận lấy về mình một sự mờ nhạt rất đặc trưng. Không bao giờ Tô Hoài là người nổi bật, có như vậy thì mới trôi qua được quãng 1945 một cách yên bình, qua được cả đận Nhân văn-Giai phẩm mà không chịu mấy thiệt hại. Như tôi đã nói ở trên, có lúc trong Chiều chiều Tô Hoài tự nhận mình giống “con ếch Cu Ba” (không rõ thực sự là con gì) thay đổi tùy theo môi trường, nhưng nói như thế vẫn chưa đúng. Bản thể Tô Hoài, văn chương của Tô Hoài, gần nhất với kiến.

Con kiến không có cảm giác, mà mọi thứ ở nó thuần túy là hóa học. Và kiến thích nghi nhanh khủng khiếp. Một nhà văn từng viết bộ sách ba tập về kiến, vô cùng thấu đáo, là Bernard Werber. Ngay cả nếu có bom nguyên tử nổ, thì kiến cũng sẽ tự điều chỉnh để thích nghi ngay lập tức, mà không bị tuyệt diệt. Con người thì có thể biến mất khỏi trái đất, chứ kiến thì không. Đường đi của kiến rất mờ, rất khó nhìn, kho tàng của kiến rất bí mật, không trông thấy được bao giờ, và cái nhìn của kiến rất đặc biệt. Trong Chiều chiều, có nhiều lúc Tô Hoài thể hiện cái nhìn ấy, dưới đây là một ví dụ:

“Thử cười, không gật cũng không lắc. Anh tuổi chuột, tên Thử, người loắt choắt, dáng rụt rè tinh tướng con chuột nhắt.”

(Chương 8)

Một người tên là Thử, lại có tướng tinh con chuột. Tô Hoài nhận ra ngay những điều như thế. Và không hề ngẫu nhiên khi Tô Hoài có một con dế mèn lừng danh đến vậy.

Nhưng hành trình kiến của Tô Hoài bị xáo trộn vào lúc Tô Hoài thấy là cần phải sắp xếp hậu thế cho chính mình. Cách nhìn đặc trưng kiến của Tô Hoài dẫn đến một lựa chọn rất chính xác: cần phải bám lên một ngọn núi duy nhất ở trong tầm tay với, đó chỉ có thể là Nguyễn Tuân. Thời điểm ấy, những ngọn núi khác chết cả rồi, hoặc đã ở quá xa. Điều này dĩ nhiên không tốt cũng chẳng xấu, chỉ có thể nói đó là một lựa chọn rất giỏi.

Một con kiến có thể ở rất cao, vì kiến thì có thể bò lên ngọn cây, hoặc đỉnh núi, nhưng cái cao ấy là một ảo giác. Dẫu sao thì như thế cũng đã là rất giỏi.

Trong Chiều chiều, Tô Hoài tả con rái cá, rồi con rắn hổ mang ở Thái Bình rất tởm, chúng đều cắn đứt cổ vịt (hai con vịt ấy Hoàng Trung Thông rồi Phùng Quán đều không dám ăn), nhưng con vật đáng nhớ nhất trong những tự truyện của Tô Hoài nằm trong Cát bụi chân ai: đó là con kỳ đà. Con kỳ đà xuất hiện ở đoạn cuối cuốn sách, và đó không phải là lần duy nhất nó xuất hiện trong Cát bụi chân ai. Về cơ bản, kỳ đà là một giống vật đáng ghê tởm. Kiến thì không, nhưng kiến nhận ra những điều như thế.


7 comments:

  1. Cảm ơn anh, một bài quá sức thú vị.

    ReplyDelete
  2. ếch Cu ba thời điểm ấy là một giống ếch cho thịt rất đáng kể (như một loại gia súc) chứ không chỉ ăn chơi như giống ếch quê, được kỳ vọng góp phần tăng nguồn thực phẩm ít ỏi thời chiến gian khổ (thế nên mới được nhập về từ nước bạn Cuba!), có thể ví như loại văn chương vị nhân sinh, ích lợi thiết thực (cho nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng XHCN...!) chứ không chỉ ăn chơi hoa lá cành
    còn khả năng biến ảo như tắc kè của nó thì chỉ mới nghe Tô Hoài nói ;p

    ReplyDelete
  3. vậy rốt cục văn chương Tô Hoài lớn bằng con Dế Mèn (?)

    ReplyDelete
  4. dế mèn với kiến con nào to hơn?

    ReplyDelete
  5. dế mèn vs bulldog ant to bằng nhau :D

    ReplyDelete
  6. con ếch Cu Ba chắc là con này
    https://en.wikipedia.org/wiki/Cuban_tree_frog

    về kiến, ngoài bộ của Bernard Weber thì còn gì khác không nhỉ? :v

    ReplyDelete
  7. Maurice Maeterlinck viết cả về mối, ong và kiến, nhưng trong mấy cái đó toàn điều ngớ ngẩn đấy, kiếm nhân vật tên là Jean-Henri Fabre mà đọc

    ReplyDelete