Aug 28, 2015

Một mình Kiều

Không ngờ, trong bài "Vẫn là Kiều", một điều tôi chỉ tiện miệng nói, là trong lịch sử đọc Kiều ở Việt Nam gần như không có sự tham gia của phụ nữ, lại được quan tâm có lẽ còn hơn các luận điểm quan trọng hơn. Như vậy kể ra cũng không hay lắm, nhưng cũng là tốt: giờ chính là lúc tôi muốn nói đến một phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu Kiều.

Cứ những năm kết thúc bằng số 5, đặc biệt nếu kết thúc bằng 65 hoặc 15, ở Việt Nam lại có rất nhiều thứ liên quan đến Nguyễn Du và Kiều. Mới gần đây có một bản Kiều mới, thấy rõ là lắm tai tiếng, tôi chưa xem cụ thể nên không bình luận. Nhưng ngoài đó ra còn rất nhiều thứ khác, đặc biệt trong giới nghiên cứu. Bản thân tôi cũng "đứng trong hậu trường" một phần nhỏ xuất bản vài thứ. Trong tổng số những gì đã xuất hiện tính tới thời điểm này, tôi đặc biệt muốn nói đến một cuốn sách:


Phạm Tú Châu là một dịch giả tiếng Trung rất quan trọng. Tôi đã đọc Tuyết Sơn Phi Hồ của Kim Dung qua bản dịch của Phạm Tú Châu, cũng nhờ các bản dịch của Phạm Tú Châu mà tôi đọc được Phùng Ký Tài, tập truyện Chuồng bò trong tháng mù sương hay tập Đất dày của Lý Nhuệ, cùng rất nhiều tác phẩm khác. Tôi đặc biệt thích một số bản dịch của bà Phạm Tú Châu.

Phạm Tú Châu còn là một nhân vật có tiếng nói hết sức quan trọng trong giới nghiên cứu Kiều, đặc biệt là trong cái ngạch không được độc giả đại chúng biết nhiều nhưng với tôi là vô cùng hấp dẫn và đặt ra vô số vấn đề: mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du, cùng những gì nảy sinh từ mối quan hệ rất rắc rối ấy.

Đỉnh điểm của lĩnh vực này có lẽ là cuộc bút chiến xung quanh một nghiên cứu của Đổng Văn Thành, một học giả Trung Quốc. Đổng Văn Thành khảo sát Kiều và cho rằng Nguyễn Du kém xa Thanh Tâm Tài Nhân ở mọi mặt. Cách đây nhiều năm, tôi đã đọc bài của Phạm Tú Châu, "Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch", đả phá ý kiến của Đổng Văn Thành, với một luận điểm quan trọng là Đổng Văn Thành đã rất sai lầm vì chỉ dựa trên một bản dịch Kiều sang tiếng Trung không đáng tin cậy cho lắm: bản dịch của Hoàng Dật Cầu xuất hiện lần đầu tiên năm 1959.

Hoàng Dật Cầu dịch Kiều vào giai đoạn Việt Nam-Trung Quốc thắm thiết, được sự giúp đỡ về văn bản của vài học giả Việt Nam như Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh.

Xung quanh Đổng Văn Thành không chỉ có bài viết của Phạm Tú Châu, và cho đến tận bây giờ vấn đề này vẫn tiếp tục được tranh luận. Một cuộc tranh luận rất hay, thể hiện rất nhiều điều (theo tôi có không ít thứ liên quan đến tinh thần quốc gia). Chắc tôi chưa đọc hết được, nhưng cũng đã đọc những bài đáng nói nhất. Không phải chỉ "phía Việt Nam" mới phản ứng trước Đổng Văn Thành, mà còn có những học giả nước ngoài, điển hình là Trần Ích Nguyên (về Trần Ích Nguyên xem thêm ở đây).

Trong cuốn sách mới, Phạm Tú Châu tiếp tục quay trở lại chủ đề này, nhưng không đặt trọng tâm vào đó. Kể từ bản dịch Hoàng Dật Cầu, tại Trung Quốc đã có thêm hai bản dịch. Trước hết là bản dịch của La Trường Sơn quãng đầu thập niên 00 và gần đây hơn cả là bản dịch của Triệu Ngọc Lan. Trong sách, Phạm Tú Châu dịch hai bài của Triệu Ngọc Lan liên quan đến dịch Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Trung và viết lại nhiều ý kiến của La Trường Sơn (đã qua đời) mà bà có mối quan hệ cá nhân, gần như ở tư cách một cố vấn.

Ta thử tham khảo các bản dịch, ở bốn câu thơ đầu tiên của Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Hoàng Dật Cầu dịch (theo cổ thể):

Nhân sinh bất mãn bách
Tài mệnh lưỡng tương phương
Thương tang đa biến ảo
Xúc mục sự kham thương

La Trường Sơn dịch (theo thể tự do):

Tại ná du du bách niên đích bi thảm nhân hoàn
Mệnh vận dữ tài hoa tổng thị tương tăng hựu tương phương
Đương kinh lịch liễu nhất trường thương tang đích kiếp biến
Hồi thủ văng sự tâm đầu tiện dũng khởi vô hạn đích bi thương

Tham khảo thêm một bản dịch sang tiếng Hán rất đặc biệt: Lê Dụ (người Việt Nam) dịch Kiều từ Nôm sang Hán lục bát, xuất hiện trong thập niên 1940:

Bách niên thân thế sự tình
Sắc tài nhị tự lưỡng sinh xai hiềm
Nhất kinh thương hải tang điền
Sự vu nhãn kiến thái phiền tâm thương

Trọng tâm cuốn sách mới của Phạm Tú Châu là những chuyển dịch của Kiều Nguyễn Du ngay tại Việt Nam và giữa người Việt Nam.

Một mình Kiều mà nhiều chuyện ghê lắm. Lê Dụ thì dịch Kiều sang Hán lục bát, nhưng lại có Kim Vân Kiều lục nữa.

Nói tóm gọn, ta có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tiểu thuyết văn xuôi Trung Quốc, có một địa vị tương đối trung bình trong lịch sử văn chương Trung Hoa. Nguyễn Du đọc được tiểu thuyết này, mượn câu chuyện của nó để viết bài thơ dài Đoạn trường tân thanh tức Kiều, tác phẩm văn chương kiệt xuất của Việt Nam. Một nhà nho vô danh chắc sống trong khoảng cuối thế kỷ XIX lại đọc Đoạn trường tân thanh rồi viết lại nó thành tiểu thuyết chữ Hán (văn xuôi) một lần nữa, gọi là Kim Vân Kiều lục, nhưng hoàn toàn không dính dáng gì đến Kim Vân Kiều truyện Thanh Tâm Tài Nhân.

Được mượn một lần nữa, câu chuyện lại tiếp tục thay đổi. Nhà nho vô danh mở đầu bằng bài thơ vịnh của Hoa Đường Phạm Quý Thích (ta hãy nhớ cái hiệu "Hoa Đường" có liên quan đến cả Phạm Quỳnh, xem thêm ở đây), chính là bài có câu tuyệt bút "Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy" rồi vào chuyện luôn:

"Năm thứ ba niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh, thiên hạ đều yên ổn, bốn phương không nỗi lo, được gọi là đời thái bình. Bấy giờ có viên ngoại họ Vương ở Lôi Châu, dòng dõi nếp nhà, nhiều đời trâm anh, cũng là bậc hào phú trong số đông. Bà vợ viên ngoại cầu đảo ở núi Hành Sơn, nằm mộng thấy một cụ già cho ba cành hoa đào, một cành đã kết trái, một cành hoa mới chúm chím, còn một cành hoa nở đã hầu tàn. Đến đây bà chợt tỉnh giấc, nhớ rất rõ mấy cành hoa trong mộng, lòng thấy bồn chồn, cho đó là giấc mộng dự báo chính xác. Trở về, bà kể cho viên ngoại biết, viên ngoại nói:

- Đấy là mấy thứ trời cho ta. Một cành đã kết trái, ắt là ta sẽ sinh con trai, hai cành hoa nở ắt sinh hai con gái và dung mạo đều xinh đẹp cả."

Đặc trưng thể loại (tiểu thuyết văn xuôi) khiến tác giả vô danh có "đất" để đưa vào câu chuyện một số thứ. Ví dụ khi Thúy Kiều "vạch da cây vịnh bốn câu ba vần" (đoạn thăm mả Đạm Tiên) thì tác giả ấy đưa luôn vào một bài thơ, rất ý vị:

Tuyền hạ giai nhân tri dã vô?
Hồng nhan thùy thị cánh vô phu?
Lạc nhạn trầm ngư mê khách tứ
Thê lương phong nguyệt xúc nhân sầu

Ngoài Kim Vân Kiều lục, Phạm Tú Châu còn dịch và in vào sách một tác phẩm nữa rất độc đáo bắt nguồn từ Kiều Nguyễn Du: Kim Trọng và A Kiều của lưu dân Việt Nam sống ở Quảng Tây, do Lý Hướng Dương sưu tầm năm 1984 và được Trần Ích Nguyên dẫn nguồn. Câu chuyện lại một lần nữa được viết lại:

"Trước kia, có một nhà tài chủ họ Nguyễn sinh được hai cô con gái, cả hai đều đẹp như tiên xuống đầu thai. Cô chị tên A Kiều, cô em tên A Vân. Hai chị em càng lớn càng xinh đẹp, nổi tiếng cả một vùng tới trăm dặm. Ông nhà giàu sợ các cô sinh chuyện, bình thường không khi nào cho các cô ra khỏi cửa".

Cốt truyện bám tương đối sát Kiều, nhưng có thêm thắt, ví dụ khi Kiều ở lầu xanh thì nàng có biệt hiệu Mỹ Nhân Băng Giá. Trong truyện có Từ Hải nhưng không có Vương Quan lẫn Thúc Sinh, kết thúc ngay lúc Kim Trọng gặp được Kiều bên bờ sông sau mười lăm năm cách trở.

"Kim Trọng nghe xong, nặng tình vô hạn, nói:

- Trăng khuyết rồi trăng lại tròn, hoa tàn rồi hoa lại nở."

Thuật lại nội dung một cuốn sách nghiên cứu thật vô vị, nên tóm lại các bác mà quan tâm thì mua lấy mà đọc :p

Những câu chuyện cũng có thể du hành. Milan Kundera từng viết đại ý người thì nhiều, cử chỉ động tác thì ít, ở đây cũng tương tự: người thì nhiều, câu chuyện (hay) thì ít, nên những câu chuyện ấy rất hay dịch chuyển. Cũng đã đến lúc tôi thấy cần phải quay trở lại với một cuốn sách nghiên cứu khác mà tôi từng giới thiệu qua (xem ở đây) của tiến sĩ Trần Thị An. Những câu chuyện kỳ diệu không biến mất đâu, mà cứ xuất hiện đi xuất hiện lại. Faust là một ví dụ kinh điển (chính ở điểm này ta lại có thể nhắc đến Goethe một cách thích đáng).

3 comments:

  1. Cuốn của Phạm Tú Châu có thể kiếm được ở đâu vậy?

    ReplyDelete
    Replies
    1. để tôi hỏi nhé, quyển này thì tôi được tặng

      Delete
    2. Sách này in ở trong Nam, không rõ là có được gửi ra Bắc không. Nếu bác cần thì tôi sẽ hỏi mua hộ ạ.

      Delete