Aug 6, 2015

Vài nhát

Khi chấp nhận làm editor, tôi tự có một số "mạnh lệnh" (học theo cách nói của Nhượng Tống), tôi tự thấy là một số tác giả nhờ có tôi, ở tư cách editor, phải xuất hiện ở đây, trong phong cảnh này. Rốt cuộc thì mãi rồi tôi cũng sắp đưa được một trong các tác giả ấy tới (thật ra là trở lại) sau những gian truân không tính xuể: Malaparte.

Đây là cách để thông báo rằng cuốn tiểu thuyết Mặt trời mù (Il sole è cieco) đã sắp xuất hiện tại các hiệu sách ở Việt Nam :p

Malaparte xuất bản Mặt trời mù tại Napoli vào năm 1943, không lâu sau khi quân Đồng minh đã đổ bộ lên Normandie. Cuốn tiểu thuyết này, cũng như các tác phẩm khác của Malaparte, mang rất nhiều màu sắc tiên tri, lời tiên tri vọng lên từ chém giết và đổ nát, và nó cũng thể hiện một sự đồng cảm sâu xa của một người Ý trước những người lính Pháp thất trận ở dãy núi Alpes. Ta luôn luôn phải nhớ rằng trong quân đội phát xít có những nhà văn rất lớn, vai trò và tiếng nói của họ không dễ nhìn nhận: bên Đức chỉ cần nhắc tới Ernst Jünger, một thần tượng văn chương, còn bên Ý là một nhà văn trẻ hơn nhiều, Malaparte. Kiệt tác của Malaparte là cuốn tiểu thuyết Kaputt (xem bản dịch chương một ở đây).

Những cuộc chém giết xa xưa, cứ một thời gian lại vẫy gọi những nhà văn mới quay trở lại nhìn chúng, bắt chúng phải nói lên những bí mật còn chưa chịu nói ra. Một toan tính như thế, một cách rất đồ sộ, tập trung trong câu chuyện về hai chị em sinh đôi, Anna và Lotte, trong cuốn tiểu thuyết hay được biết đến trong tiếng Anh dưới nhan đề The Twins. Ta đang nói đến một nhà văn nữ người Hà Lan: Tessa de Loo. Anna và Lotte là chị em sinh đôi sinh ra ở Đức, nhưng hoàn cảnh gia đình khiến họ bị chia lìa khi còn rất nhỏ, một ở lại Đức, một bị đưa sang Hà Lan, và thế là họ trải qua Thế chiến thứ hai từ hai phía, đao phủ và nạn nhân. Tình cờ gặp lại nhau khi đã rất rất già, tại một nơi tên là Spa ở Thụy Sĩ, hai bà già kể chuyện đời mình cho nhau nghe. Cuốn tiểu thuyết cực kỳ nổi tiếng và đau xót này cũng sắp có bản dịch tiếng Việt, dưới nhan đề Còn chị còn em, các bác đón đọc (tôi không có vai trò gì trong việc xuất bản nó).

Giờ đây đã trở nên rất nghi ngại văn chương đương đại, tôi phải cố gắng lắm mới bắt đầu đọc được một cuốn tiểu thuyết mới:


Cũng phải lâu rồi tôi mới không bị thất vọng trong vài cuộc thám hiểm các nhà văn mới.

Cuốn tiểu thuyết chưa đầy 300 trang này cũng quay ngược về lịch sử: cô con gái nghe bà mẹ đã chín mươi tuổi kể lại cái năm bà mười lăm tuổi, đúng khi tướng Franco bắt đầu lên nắm quyền ở Tây Ban Nha. Với bà mẹ, trí nhớ đã rệu rã, chỉ cái năm ấy còn lại trong ký ức, còn cả bảy mươi lăm năm sau đó thì đã bay sạch. Năm ấy, cô gái nhà quê đã say mê lý tưởng cộng hòa, chứng kiến sự giao tranh giữa các ý thức hệ, những tội ác của Franco khả kính, và gặp rồi làm tình một đêm trong luyến ái náo nhiệt với một thanh niên Pháp hình như là nhà thơ, chỉ biết tên là André (các con gái của bà gọi người tình nhân này là "André Malraux" - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất về giai đoạn Tây Ban Nha đẫm máu này tên là L'Espoir, của Malraux), mang thai rồi về làng lấy chồng.

Một câu chuyện được kể một cách cự phách, cho thấy các chức sắc tôn giáo ở Tây Ban Nha đã đồng lõa như thế nào trong tội ác, đây là danh sách những người có vai vế của giới tôn giáo ủng hộ Franco:


(cái danh sách ấy còn tràn ra trang trước và trang sau của trang này, nghĩa là cực dài)

Cuốn sách cũng nhắc đến Unamuno, một nhà văn Tây Ban Nha, nhưng nhất là nó có một mạch truyện song song, về một nhà văn khác, lần này là một nhà văn Pháp, Georges Bernanos.

Một cuốn tiểu thuyết nhiều khi giá trị nhất khi nó làm độc giả muốn đọc lại một tác giả cũ. Tôi đã bị Pas pleurer bắt phải lục Bernanos ra đọc. Bernanos nghĩa là như thế này:


Lần đọc này mới thấy Bernanos là một nhà văn lớn đến như thế nào, một văn chương rung động sâu thẳm, một buổi chiều cũng có thể kêu vo ve và ánh trăng vàng thì biết run rẩy. Lịch sử văn chương toàn chuyện quái đản: những nhà văn tiền phong và tiến bộ thường xuyên chạy thẳng vào sọt rác, trong khi các nhà văn phát xít, các pháo đài bảo thủ hạng nặng lại thường xuyên là những nhà văn lớn. Bernanos là một người Thiên chúa giáo (các tiểu thuyết của Bernanos chỉ xoay quanh các ông thầy tu và giáo dân địa phận), căm thù người Do Thái (Bernanos từng rất nổi tiếng khi ca ngợi Édouard Drumont, người lập ra cả một học thuyết về bài Do Thái, thủ lĩnh của một bộ môn mới đây đã được Umberto Eco lược lại lịch sử); Bernanos lại là một người bảo hoàng, từng rất thân cận với lãnh tụ nhánh bảo hoảng Charles Maurras (về Maurras xem ở đây).

Không cần thực sự đọc thì nhiều người cũng biết đến Georges Bernanos: ngay thập niên 50 Nhật ký một cha xứ vùng quê đã được dựng thành phim và đặc biệt Sous le soleil de Satan từng là một bộ phim rất nổi tiếng, với hình ảnh được mang ra làm bìa ấn bản trong ảnh chụp. Bernanos, nghĩa là sự giao tranh giữa thiện và ác, quỷ Satan và tiếng cười đáng sợ ở nhiều cung bậc khác nhau, là ân sủng của Chúa và các vị thánh lòng đầy hoài nghi. Sous le soleil de Satan có nhân vật Mouchette rất nổi tiếng, mười sáu tuổi đã mang thai và bắn súng tung mặt người tình hầu tước, nhưng ở Việt Nam lại có bản dịch câu chuyện về một Mouchette khác, Chuyện mới về Mouchette, in trong cùng quyển sách với Nhật ký một cha xứ vùng quê, do nhóm Lê Hồng Sâm thực hiện hồi cuối thập niên 90. Mouchette thứ hai này mới mười ba tuổi. Câu chuyện về Mouchette ở Sous le soleil de Satan làm ta hiểu tại sao trong Pas pleurer Georges Bernanos lại được Lydie Salvayre nhắc đến đậm đà như vậy, vì đó là cùng một câu chuyện; nhưng ở Pas pleurer thì Salvayre nhắc đến một Bernanos khác nữa: Bernanos sống ở Palma, Majorque, đúng vào năm 1936, và bằng những bài viết của mình đã tố cáo các tội ác của phe Franco, khiến cho Franco từng treo giải cái đầu của ông. Những bài này được tập hợp lại trong cuốn sách Les Grands cimetières sur la lune (Những nghĩa địa lớn dưới ánh trăng), cuốn sách mà tôi đang rất muốn đọc.

Và còn có một Bernanos khác nữa: năm 1938, Bernanos bỏ sang sống ở Braxin và sẽ tích cực ủng hộ Kháng chiến de Gaulle từ đó. Rồi sau giải phóng, lại tố cáo tội ác của giải phóng. Ta có thể hiểu các nhà văn châu Âu một thuở, như Bernanos, như Malaparte, có thể bị giằng xé như thế nào giữa đủ mọi thứ ý thức hệ, và can đảm đến như thế nào. Làm một nhà văn đâu có dễ, có phải là chuyện bóp nặn trí tưởng tượng còm cõi đẻ ra những câu chuyện trông thì cũng đẹp nhưng thật ra dở như hạch đâu.

Tranh thủ một công lục sách trong tàng thư bí hiểm: đã moi ra được một cuốn tiểu thuyết hi hữu trong lịch sử văn chương, và lại thêm một người Ý nữa, một người Sicilia: công tước Giuseppe di Tomasi, hoàng thân di Lampedusa:


Nhà quý tộc này cả đời không liên quan gì đến văn chương, bỗng khi gần sáu mươi tuổi, cuối thập niên 50 thế kỷ 20, ngồi lì mấy năm viết cuốn tiểu thuyết mang tên con báo về giai đoạn Garibaldi này, viết xong thì chết luôn. Kể từ đó, nước Ý có thêm một kiệt tác nữa. Trong ảnh là đời in đầu bản dịch tiếng Pháp.

7 comments:

  1. Chúa ơi dù rất là thích đọc,theo dõi blog bác.Nhưng sao mệt quá, chạy quắn cả đít, vỡ cả mật mà vẫn không Theo kịp diễn biến tình hình thế giới hehe.

    ReplyDelete
  2. đâu, toàn thứ cổ lổ sĩ đấy chứ, tình hình thế giới và diễn biến của các nền văn học thật ra tôi có biết gì đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. chui vào đây là không lối thoát

      Delete
  3. thế giới ở đây là thế giới Nhị Linh (khg phải sao?:))

    ReplyDelete
  4. "đã sắp" xuất hiện ư, thật là xuyên không :3

    ReplyDelete
  5. Anh ei, Spa của Bỉ

    ReplyDelete
  6. "những nhà văn tiền phong và tiến bộ thường xuyên chạy thẳng vào sọt rác, trong khi các nhà văn phát xít, các pháo đài bảo thủ hạng nặng lại thường xuyên là những nhà văn lớn"

    ReplyDelete