Aug 22, 2015

Không chỉ Kiều

Lịch sử Việt Nam từng có một nhân vật không khác gì Jesus đấy chứ, đó chính là Nguyễn Du.

“Câu đố” mà Nguyễn Du để lại cho hậu thế, cho một quãng ước lệ “tam bách dư niên”, theo tôi, chủ yếu nằm trong điều vừa nói ở trên, điều ấy cũng là theo “một cách ước lệ”. Một nhà văn vĩ đại luôn luôn biết trước rằng hậu thế sẽ chẳng hiểu họ mấy. Lịch sử đã hùng hồn và lạnh lùng cho thấy Nguyễn Du quá đúng: triết lý tình thương của ông dành cho chốn này, vai trò người chịu nạn cho người khác luôn luôn bị đẩy xuống hàng thứ yếu so với những diễn giải “tâm sự hoài Lê”, thậm chí cả đến sự “phê phán chế độ phong kiến” hay “chủ nghĩa hiện thực”. Và cũng như trường hợp Jesus, sau cái thời đại bạo tàn đã biến Jesus thành xác thịt đóng lên thập giá, khi triết lý tình thương của Jesus đã được lan truyền rộng rãi rồi, thì các thời đại về sau lại còn bạo tàn hơn, sau thời Trịnh-Nguyễn-Lê-Nguyễn, đã có tác phẩm của Nguyễn Du rồi, sẽ lại có thêm những giai đoạn còn đẫm máu hơn nữa. Trong vòng ba trăm năm, quả thật người ta đâu có thực sự hiểu Nguyễn Du, và lời tiên tri của Nguyễn Du chính là một lời tiên tri cay đắng.

Nhưng tại sao lại như vậy? Có nghĩa là triết lý của Jesus hay Nguyễn Du chẳng hề có ý nghĩa gì? Không phải thế. Điều này Cioran đã giải thích vô cùng sâu sắc (tất nhiên về Jesus chứ không phải về Nguyễn Du), tôi sẽ nói sau.

Tất nhiên tôi đã chọn “hình ảnh Jesus” hoàn toàn không có liên quan gì đến Nguyễn Du một cách có chủ ý. Nếu muốn có một so sánh, hiển nhiên người ta sẽ chuyển Nguyễn Du đến bên cạnh Phật: Kiều đậm hương vị Phật giáo đến như thế, có ai còn lạ nữa đâu. Nhưng đây là một cái bẫy, đẩy Kiều và Nguyễn Du sang “phía đó” chính là cách tốt nhất để không hiểu gì nữa. Với Nguyễn Du và Kiều có mấy cái bẫy lớn: một là Phật giáo; hai là câu chuyện Thanh Tâm Tài Nhân.

Nguyễn Du đã mượn Thanh Tâm Tài Nhân theo cách thức như thế nào thì cũng đã mượn ở Phật giáo theo cách thức như thế. Quá chú tâm vào những chỗ đi mượn (tất nhiên trong chuyện “mượn” thì điều cần làm là phân tích các “chuyển hóa”, việc này nhiều người đã làm) thì lại không thấy được những điều khác, dĩ nhiên quan trọng hơn.

Và vẫn còn một cái bẫy thứ ba nữa, một cái bẫy rất lớn: đâu có thể hiểu trọn vẹn Kiều nếu không đặt nó ở bên cạnh tác phẩm được Nguyễn Du viết để đi kèm với Kiều, đó chính là Văn tế thập loại chúng sinh. Hiểu một cách đơn giản nhất, một bên là câu chuyện, một bên là triết lý, hoặc, một bên là thuyết lý, một bên là sinh động.

Đã đặt hai bài thơ này ở cạnh nhau thì tất yếu một câu hỏi phải nảy ra: Nguyễn Du viết Kiều trước hay Thập loại chúng sinh trước?

Thích Nhất Hạnh, một đại diện ưu tú của nhánh phân tích Kiều theo lối Phật giáo, khẳng định Kiều được viết trước Thập loại chúng sinh (xem Thả một bè lau) với lý do là trong Kiều Nguyễn Du thể hiện mình giác ngộ đạo Phật chưa chín, chưa thực sự hiểu Phật giáo, nhiều điều còn mù mờ, tuy đã nhiều lúc thể hiện giác tính, trong khi Thập loại chúng sinh minh chứng cho việc Nguyễn Du giác ngộ rất cao.

Theo tôi, đây chính là một ví dụ điển hình cho sự nghèo nàn của “nhánh Phật giáo” trong việc phân tích Kiều. Tất nhiên, các nhà Phật giáo sẽ không chấp nhận rằng thật ra Nguyễn Du chỉ mượn Phật giáo giống như từng mượn Thanh Tâm Tài Nhân: đó là mượn của thời đại mình, chứ bản chất của vấn đề đã được phát biểu ngay từ đầu sự tồn tại của Kiều, qua lời Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân: “con mắt trông thấy cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Nghĩa là, nếu chỉ dựa vào “mức độ hiểu đạo Phật” của Nguyễn Du để phân tích, thì nhìn chung chẳng thấy được cái gì.

Đây là một tác phẩm khảo cứu Thập loại chúng sinh (mà tác giả gọi là Chiêu hồn thập loại chúng sinh):


(bên phải là một bất ngờ rất lớn của tôi: trước đó tôi chưa từng biết tác phẩm thứ hai trong Trois contes của Flaubert, tức là La Légende de Saint Julien l'Hospitalier đã được dịch, và người dịch là Đàm Quang Thiện)

Mỗi khi đọc cổ văn, ta phải tìm đến những bản bình chú đáng tin cậy và độc đáo nhất. Với Cung oán, tôi chọn bản của Vân Bình Tôn Thất Lương:



Quay trở lại với Thập loại chúng sinh của Đàm Quang Thiện (để biết thêm về Đàm Quang Thiện, xem ở đây). Theo kinh nghiệm của tôi, cần phải đọc những người có số phận bị vùi dập tàn tệ, vì chính họ được Nguyễn Du nói cho nhiều điều nhất (ví dụ: Đào Duy Anh, Trương Tửu), họ hiểu Nguyễn Du hơn người khác nhiều. Không có nòi tình mà cứ đòi lao vào trường tình, sổ đoạn trường không có tên mà cứ đi khảm kha bất bình, thập tải phong trần chưa trải mà lại đinh ninh thấu hiểu, thật là buồn cười lắm thay. Đàm Quang Thiện còn viết một thiên sách về Kiều, chỉ tập trung vào “ý niệm bạc mệnh”: đó là một trong những thời khắc Kiều được thấu hiểu hơn cả.

Đàm Quang Thiện nêu giả thuyết Thập loại chúng sinh phải viết trước Kiều (nghĩa là ngược lại với Thích Nhất Hạnh). Ta sẽ dừng lại lâu hơn ở điểm này, vì đây là kết luận sau khi Đàm Quang Thiện đã có những phân tích rất sắc sảo về bút pháp của Nguyễn Du.

(Điều này nói ra cũng không thừa, mặc dù rất căn bản: Kiều được viết theo thể lục bát, còn Thập loại chúng sinh được viết theo thể lục bát gián thất, hay còn gọi là song thất lục bát, thể này gần như đương nhiên được coi là “ngâm khúc”: Cung oánChinh phụ.)

Đàm Quang Thiện chỉ ra ba “bút pháp” đặc trưng ở Nguyễn Du: 1) lưỡng long song phụng 2) uyên ương phượng hoàng 3) long phụng song phi. Đừng vội sợ hãi với những cái tên này, các phân tích của Đàm Quang Thiện thật ra rất hiệu quả.

1) Biểu diễn lại dưới dạng ký hiệu: L1 L2 P1 P2. L (long) và P (phượng) có thể kết hợp tùy ý, nên ở dạng này ta có 16 biến thể.

Ví dụ: L1 là “góc”, L2 là “bên”, P1 là “bể”, P2 là “trời”, thì trong Thập loại chúng sinh có:

Mênh mông góc bể bên trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào

Trong Kiều có:

Từ đây góc bể bên trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân

hoặc:

Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

2) Cách kết hợp của U Ư P H hẹp hơn, chỉ có bốn cách thay vì 16 cách như L1 L2 P1 P2, đây là dạng của những kết hợp từ kiểu:

Cũng có kẻ vào sông ra bể
Cánh buồm mây chạy xế gió đông

hoặc:

Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ

3) Thực chất là “tiểu đối”: câu bát chia thành hai phần đối nhau, ví dụ:

Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng

hoặc:

Dãi thây trăm họ, làm công một người

hoặc:

Dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời

Đàm Quang Thiện thống kê: một phần ba số câu bát của Thập loại chúng sinh thuộc dạng “Long phụng song phi”. Dạng “Uyên ương phượng hoàng” xuất hiện ở tần suất cứ khoảng 15 câu một lần.

Đặc biệt, dạng “Lưỡng long song phụng”: trong Thập loại chúng sinh, có 39 câu dạng này, tức là 1/4,71, tức là cứ ngót năm câu lại xuất hiện một lần. Còn trong Kiều, phải 11 câu mới xuất hiện một lần. Từ đó, Đàm Quang Thiện nêu giả thuyết: Thập loại chúng sinh phải viết trước Kiều rất lâu, vì xét trên phương diện bút pháp, khi viết Thập loại chúng sinh Nguyễn Du còn chưa có nhiều bút pháp nên dùng quá nhiều “Lưỡng long song phụng”, tới khi viết Kiều thì đã phát triển hơn nên dùng ít đi.

Như vậy, Đàm Quang Thiện và Thích Nhất Hạnh hoàn toàn ngược nhau, và chỉ một ví dụ nho nhỏ thế này thôi đã đủ thấy, Nguyễn Du gây bối rối cho người ta đến thế nào.

Theo tôi, Thập loại chúng sinhKiều không cần đặt vấn đề trước hay sau. Thậm chí nhiều khả năng nhất là hai tác phẩm này được viết cùng một lúc. Không thể hiểu Kiều nếu không đọc Thập loại chúng sinh và không thể hiểu Thập loại chúng sinh nếu không đọc Kiều. Và điều oái oăm là Thập loại chúng sinh rất nhiều phong vị Phật giáo nhưng cũng chính nó cho thấy Nguyễn Du chỉ mượn Phật giáo mà thôi. Thật ra, các triết lý tình thương đều hao hao giống nhau, rất dễ chập vào nhau, và thật ra cũng đâu có quan trọng gì, với Nguyễn Du có lẽ bị coi là theo Phật hay hoàn toàn không theo Phật, bị coi là buộc chặt vào Thanh Tâm Tài Nhân hay hoàn toàn không buộc chút nào, thì quan trọng gì.

Nhưng mặc dù thấy Đàm Quang Thiện phân tích rất hay và nhiều gợi ý, tôi vẫn cho rằng người ta đọc KiềuThập loại chúng sinh thì cần phải đặc biệt chú ý đến từ thứ ba của mọi câu thơ. Từ thứ ba này rất đặc trưng Nguyễn Du, nhất là tạo ra một thứ rất khó nhìn thấy, là nhịp điệu. Có một nhịp điệu Nguyễn Du rất riêng, tôi sẽ phân tích cẩn thận sau.

Hai tác phẩm này gần nhau đến mức nhiều câu được dùng cho cả hai bên: “Đau đớn thay phận đàn bà” trong Thập loại chúng sinh được đặt trước câu “Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu” còn trong Kiều thì trước câu “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Đặc biệt, có những cụm từ có trong Kiều còn được dùng trong các câu thất của Thập loại chúng sinh:

Trên lầu cao, dưới dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi

Thì trong Kiều, chúng đã đi vào những câu thơ nổi tiếng:

Hàn gia ở mé tây thiên
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu

và:

Thuyền tình vừa ghé tới nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ

Ta còn có thể nhặt ra rất nhiều ví dụ về mối liên quan này nữa. Nhưng cần đặc biệt để ý: tất cả đều là những hình ảnh đau xót; sợi dây nối Kiều với Thập loại chúng sinh chính là sự đau xót.

Nói thêm về Thập loại chúng sinh: tôi đọc những miêu tả

Trong trường dạ tối tăm trời đất
Cô hồn thường phảng phất u minh
Thương thay Thập Loại Chúng Sinh
Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người

Và thấy là Nguyễn Du đã miêu tả rộng khắp, nhưng chưa hết. Thế nên cũng vào một dịp tháng Bảy, tôi đã viết đoạn văn dưới đây, coi như là thể hiện chút đồng thanh tương khí. Nguyễn Du viết về thập loại chúng sinh trên mặt đất, còn dưới nước thì sao?


Những con trai tháng Bảy

Đầu tháng Bảy, những con trai dưới biển làm một việc rất đặc biệt. Cùng lúc ấy, trên mặt đất, những lá đa đã bắt đầu được dùng để đựng cháo. Làm ra cháo lá đa để cho những âm hồn ăn là một công việc nhộn nhịp, rất nhộn nhịp, nhưng nhộn nhịp một cách hoang vắng. Lũ trai dưới biển cũng làm công việc của mình trong một sự lặng lẽ to lớn. Chúng làm cái việc duy nhất mà chúng có thể làm, là há rộng miệng, không gây ra một âm thanh nào. Hai bên vỏ tách ra, chờ đợi sẵn. Để những gì phiêu dạt ở biển chui vào đó mà có chỗ trú ngụ. Hãy nhớ rằng, ngọc trai lung linh như thế là vì, những thứ kia, để trả ơn cho chuyện tìm được chỗ trú, đã đóng góp những gì mình có vào cho viên ngọc. Nếu không như vậy, làm sao ngọc trai lại có thể lung linh?

-----------

Mỗi thời lại có một cách đọc Nguyễn Du (KiềuThập loại chúng sinh, nhưng chủ yếu là Kiều) riêng. Giờ đã đến thời điểm thế hệ của tôi phải làm việc ấy. Mới gần đây, anh Đinh Bá Anh viết một bài về Kiều. Theo tôi, một cách biểu tượng, đó chính là lời tuyên bố rằng một thế hệ mới phải trình bày cách hiểu của mình về Kiều.

Ở ý nghĩa ấy, tôi đã trực tiếp nói với anh Đinh Bá Anh là bài của anh tạo một cảm hứng lớn. Tôi sẽ sớm viết một bài, để chỉ ra rằng bài của anh Đinh Bá Anh (tập trung vào Kim Trọng; bài viết này hiện nay rất dễ tìm trên mạng) gây cảm hứng lớn cho tôi ở chỗ tôi thấy rằng anh Đinh Bá Anh đã hoàn toàn hiểu sai về Kiều.


9 comments:

  1. Mỗi người có một góc nhìn về một vấn đề, tùy thuộc vào chỗ họ đang đứng, nhận thức và cái tâm của họ, anh!

    ReplyDelete
  2. "Không có nòi tình mà cứ đòi lao vào trường tình, sổ đoạn trường không có tên mà cứ đi khảm kha bất bình, thập tải phong trần chưa trải mà lại đinh ninh thấu hiểu, thật là buồn cười lắm thay". Ặc ặc....

    ReplyDelete
  3. a nữ sĩ đây rồi

    nhân đây, ta cũng nhân đà tiếp tục dự định tổng kết nghiên cứu Kiều bị bỏ dở ngày xưa nhỉ, tớ mới bới ra thêm một đống thứ mới đấy hehe

    ReplyDelete
  4. Hay hợp tác viết chung 1 bài nhỉ :p

    ReplyDelete
  5. diệc bất năng vô khảm kha bất bình sự ^^

    đợi xử lý xong giai Kim Trọng này rồi bàn cụ thể nhá

    ReplyDelete
  6. Một người quen, rất quen, vô cùng quen của chúng ta, có một câu bình về chàng Kim mình thấy chân lý hơn cả chân lý: Mai sau dù tán hơn giờ/Chàng Kim vẫn chán như tờ bích chương.

    ReplyDelete
  7. Cũng ko phải tự nhiên mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại chọn Kiều ra để đọc cho đoàn Việt Nam

    ReplyDelete
  8. Sau khi đọc blog này, cháu thấy các bản Kiều có thiếu sót là không kèm Văn chiêu hồn và vài thứ liên quan đến nó. Nhiều người có khi còn chưa nghe tới VCH chứ đừng nói tới chuyện đọc

    ReplyDelete
  9. cho đến tận tầm giữa thế kỷ 20, về cơ bản người ta vẫn chưa xác quyết được Thâp Loại chúng sinh có phải là của Nguyễn Du thật hay không

    kể cả hiện nay, nhiều người vẫn không tin như vậy, hoặc ít nhất là nửa tin nửa ngờ

    ReplyDelete