Sep 8, 2016

những trở lại

một lần nữa, tôi dùng lại một cái tên gần giống một tên cũ (nghèo nàn quá)

những cuộc trở lại (mới đây tôi đã nói đến mấy ví dụ cụ thể) của các nhân vật quá khứ bị lãng quên có thể có ý nghĩa như thế nào?

có một hiện thực (đáng phê phán hay không thì tôi cũng không biết): giới nghiên cứu văn học chính thống rất cố gắng lờ đi sự trở lại của Phan Khôi, mặc dù trong hơn chục năm vừa rồi, đó là sự trở lại vĩ đại nhất; sự trở lại của Phan Khôi là đầu mối cho tất cả, là ngòi nổ cho một sự bùng phát của những trở lại, kín đáo nhưng tôi tin là có sức mạnh rất lớn (và tôi nói như vậy không phải để vơ vào cho tôi: công việc nghiên cứu, ở bản chất của nó, chỉ mượn tay nhà nghiên cứu, và tôi nghĩ chỉ nên coi những ai không đặt lợi ích riêng vào công việc hoặc ít nhất là gần như không nhằm đến lợi ích riêng là nhà nghiên cứu)

tôi nói "giới nghiên cứu văn học chính thống" theo nghĩa không chỉ là những người ở trong "bộ máy", mà muốn nói đến những nhân vật ít nhiều có tiếng nói; gần đây, một nhân vật kiểu như thế nói đại ý rằng Phan Khôi chỉ là một nhà báo (đồng thời hàm ý, một cách tế nhị, tất nhiên, vì các nhà nghiên cứu văn học thường rất biết cách tỏ ra tế nhị, giá trị của Phan Khôi không cao cho lắm); tôi nghĩ, đã đến lúc coi những ai nghĩ công việc nghiên cứu văn học (ở Việt Nam) chỉ dựa trên sách in, đồng thời coi thường các bài báo thực chất đã không hiểu gì về văn chương Việt Nam

và tại sao rất nhiều người cố gắng lờ Phan Khôi đi?

với câu hỏi này, ta sẽ xuyên thẳng vào một điểm quan yếu hạng nhất trong bản chất của nghiên cứu văn học

sự trở lại của Phan Khôi thật ra cho thấy rằng: bức tranh quá khứ học thuật và văn chương Việt Nam như ta vẫn thấy từ trước đến nay đã sai hết, sai một cách trầm trọng; có những sự quay trở lại giống như là khiến những gì đang tồn tại ở đó nép lại hơn để nhường chỗ (đó là ý nghĩa sự quay trở lại của những Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng và Thạch Lam cách đây chừng ba chục năm - xem thêm ở kia), nhưng cũng có những sự quay trở lại làm đảo lộn hết

sự trở lại của Phan Khôi giống như một cú lật mặt bàn: những gì vẫn được trưng bày trên đó rơi, vì hóa ra những thứ bị giấu ở dưới gầm bàn từ rất lâu xứng đáng được trưng bày hơn nhiều

người ta lờ Phan Khôi đi, tỏ ra không thực sự quan tâm, vì nếu thực sự nhìn nhận, những gì vẫn được nói xưa nay, tồn tại trong đủ thứ giáo trình, sách nghiên cứu bỗng phải xem lại hết; tâm lý con người cũng buồn cười, tôi từng nghe hơn một người gọi Lại Nguyên Ân là "nhà khảo cổ", với một cách hiểu "khảo cổ" theo ý châm biếm, đặc biệt là các nhà văn: thật ra các nhà văn rất sợ các nhà phê bình quay ra quan tâm đến các giai đoạn quá khứ, bởi như vậy thì họ mất đi một cá nhân có tiềm năng khen ngợi họ trên báo

Phan Khôi có thể gây trục trặc đến mức độ nào? tôi sẽ lấy ví dụ liên quan đến chính tôi, và liên quan đến một nhân vật nữa: Phạm Quỳnh

tôi từng trải qua một giai đoạn người ta rất hào hứng chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh, và ở Phạm Quỳnh, quả thật tôi cũng từng tìm được một khuôn mặt ngoại hạng, rất đặc biệt; tôi trở thành một độc giả rất trung thành của Phạm Quỳnh, và tôi dám chắc tôi từng đọc những tác phẩm của Phạm Quỳnh mà rất ít người biết đến, kể cả những người hăng hái chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh

khi bức tranh thay đổi với sự trở lại của Phan Khôi, khi tôi nhận ra Phan Khôi đóng vai trò giống như "âm chuẩn" nếu ta muốn lắng nghe các âm thanh của một thời, thì hình ảnh Phạm Quỳnh đối với tôi bắt đầu thay đổi; hãy nghĩ là mình may mắn khi bỗng có một điểm nhìn mới, khi một ai đó hoặc một cái gì đó nhấc ta ra khỏi chỗ cũ, để có thể nhìn một đối tượng cũ theo một khía cạnh mới

ta hãy quay trở lại với năm 1930, hai bài báo của Phan Khôi:



hai bài trên đây đăng trên Phụ nữ tân văn trong vòng một mùa hè; đây là giai đoạn Phan Khôi viết những bài cực kỳ quan trọng, "Thân oan cho Võ Hậu", về viết đúng tiếng Việt, về "chính danh", etc., và đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của Phụ nữ tân văn, thời kỳ mà họ đăng Mảnh trăng thu của Bửu Đình (dường như lúc này đã ngồi tù) và Khóc thầm của Hồ Biểu Chánh

hai bài báo này của Phan Khôi thì ai cũng biết: một hướng vào Trần Trọng Kim, một hướng vào Phạm Quỳnh

đồng thời, cũng phải nhấn mạnh, ở giai đoạn này, Phan Khôi tỏ ra không mấy màng đến chuyện chính trị, ít nhất là các hoạt động cách mạng (tôi vẫn tự hỏi, không hiểu tại sao đến đoạn 45-46 hóa ra Phan Khôi lại là một nhân vật Việt Nam Quốc dân đảng)

Phan Khôi coi trọng Trần Trọng Kim và khinh bỉ Phạm Quỳnh; tôi nghĩ đặt hai bài này cạnh nhau là việc rất có ý nghĩa, vì nếu Phạm Quỳnh được coi là thân Pháp, thì Trần Trọng Kim cũng là một công chức của nhà nước bảo hộ; như vậy, ở đây có thể nghĩ vấn đề thuần túy liên quan đến học thuật

tôi nghĩ, trong mắt Phan Khôi, Trần Trọng Kim là học giả, mà Phạm Quỳnh chỉ là học trò; thái độ, cách nói của Phan Khôi thể hiện rất rõ điều đó

càng ngày, tôi càng thấy thực sự phải coi Phan Khôi là "âm chuẩn" của một thời: đúng thế, Phạm Quỳnh có tư cách học trò chứ không có tư cách học giả, cái học của Phạm Quỳnh là cái học kiểu Trương Vĩnh Ký, mà ta có thể coi là một truyền thống không nhỏ của nửa cuối thế kỷ 19 và đoạn đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam (về Trương Vĩnh Ký, ta sẽ nói kỹ sau); trong khi, Phan Khôi và các trí thức thế hệ tiếp theo coi trọng thực học, và nhất là tác động của học thuật để làm thay đổi xã hội

thật ra, con người chính trị ở Phạm Quỳnh phong phú hơn con người học giả (hay "con người văn hóa", như rất nhiều người nói), Phạm Quỳnh là một nhà chính trị xoay vòng vòng; cách đây một thời gian, có một hội thảo mời tôi tham gia, tôi thấy đúng là cơ hội tốt để một lần nữa quay trở lại Phạm Quỳnh, ở một phương diện khác (ở kia); học thức của Phạm Quỳnh, tài năng của Phạm Quỳnh trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy chẳng còn mấy ý nghĩa nữa

vấn đề là, quãng cuối thập niên 90 rồi sau đó, có những người tung hô Phạm Quỳnh lên tận mây xanh, như một học giả lớn; thế cho nên, sự trở lại của Phan Khôi thật là phiền hà

tôi cũng biết, những Khái Hưng, Nhượng Tống, Trương Chính cũng sẽ gây phiền hà to lớn; những tầm vóc lớn gây đảo lộn tỉ lệ thuận với tầm vóc ấy

mở rộng thêm nữa, tôi chuẩn bị đến với hai nhân vật mà tôi thấy là rất đặc biệt: Xuân Diệu và Nguyên Hồng

văn chương tiền chiến Việt Nam vẫn còn gần như chưa được nghiên cứu, mặc cho người ta có thể nói bất kỳ điều gì, và văn chương ấy cần được nhìn nhận một cách kiên nhẫn, cẩn thận và chậm rãi

9 comments:

  1. giai đoạn tiền chiến bác đưa ra được nhiều cái hay quá, mong bác bền vững công việc nghiên cứu của mình

    ReplyDelete
  2. Đọc-phiệt!?!

    ReplyDelete
  3. Rất mong chờ các bài viết tiếp theo về văn nghệ tiền chiến của anh NL!

    ReplyDelete
  4. Tuyệt. Mong bác sớm cập nhật sản vật từ Hội xách thu

    ReplyDelete
  5. thấy bảo năm nay hội sách nhiều thứ hay lắm đấy, chẳng rõ có đúng không

    ReplyDelete
  6. Từ "âm chuẩn" dễ gây hiểu nhầm bố trẻ ạ. Tìm từ khác đê. Nhiều cuộc "cãi lộn" lớn trên báo chí giai đoạn này đều do Phan Khôi châm ngòi, nhất là cuộc tranh luận về Nho giáo. Ông cụ còn đay đi đay lại kiểu: vài năm trước ta viết về vấn đề này rồi mà chẳng có đứa nào mon men bàn luận. Giờ vừa động đến đám anh A, chị X thế là cả lũ nhao nhao...Kiểu kiểu thế :P

    ReplyDelete
  7. ôi thế à, thế thì chắc phải đổi sang dùng từ "diapason" :p

    ReplyDelete
  8. Trong quyển "Ánh đạo vàng" có một câu rất hay: Hãy lên cho tôi một sợi dây đàn, đừng quá cao, cũng đừng quá thấp! Hồi nhỏ, nhà CT có một tủ sách, cứ đọc...Sau 75, tủ sách không còn. Suốt thời gian ở trường PT, chỉ học văn chương cách mạng. Thầy lén đọc và bình Màu tím hoa sim của Hữu Loan (cảm giác như ăn vụng, thấy ngon và đã...). Rồi bùng nổ Cánh đồng bất tận của NNT. kẻ đưa lên, người kéo xuống, om sòm...Khi vào ĐH, CT lại được học vài tác phẩm gọi là văn chương bình dân (trong đó có những TP đã đọc rồi, mà lúc trước ngỡ như một tội phạm khi đã trót đọc). Còn phê bình văn học thì chỉ là một cơn gió...chỉ mát. Thôi, cứ nghĩ đó là lẽ thường, thắc mắc làm chi!

    ReplyDelete