Jun 25, 2017

Này các ông Hội Nhà văn

Tôi mới được đưa cho một tờ Văn nghệ, số 2992 mới ra:


Trên số báo này đăng bài này:


Tất nhiên báo Văn nghệ đăng bài của tôi, ghi rõ tên tôi, nhưng tôi không hề biết.

Tôi nghĩ là tôi đoán được, các vị lấy bài từ kia. Một ai đó đã nhìn thấy bài này, cứ thế copy lại, rồi đăng lên tờ Văn nghệ. Mà không nói gì với tôi. Làm như tôi chủ động gửi đăng.

Không bao giờ tôi là người khó khăn, nhưng tôi xin trình bày cho các vị, các nhân vật của Hội Nhà văn (bởi vì tờ Văn nghệ là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam), một số điều như sau.

Trong đường link trên đây, các vị có nhìn thấy ngày tháng không: rất rõ ràng, ngày 7 tháng Chín năm 2011. Để tôi nói rõ thêm: tôi post nó lên đây sau khi nó đã đăng báo (tất nhiên không phải đăng báo Văn nghệ). Hồi ấy tôi có viết báo, nói vậy để loại trừ mọi nhầm lẫn có thể có. Tức là, các vị hiểu chứ? rất dễ hiểu: nếu bài này đăng ở tờ báo của các vị, một cách đơn giản, một cách thản nhiên, mà tôi không phản ứng gì, thì có nghĩa tôi lấy một bài đi đăng hai lần ở hai tờ báo khác nhau. Điều đó hàm nghĩa tôi ăn hai lần nhuận bút cho cùng một thứ. Như thế là rất xấu, tập quán của báo chí không chấp nhận điều đó. Các vị làm báo chuyên nghiệp, cho nên tôi không cần nói thêm.

Một điều nữa còn gây khó xử hơn cho tôi: 2011 tức là cách đây đã khoảng sáu năm. Trong vòng sáu năm ấy, một số điều ở tôi không hề thay đổi, nhưng một số điều khác thì có thay đổi. Rất đáng tiếc, cái nhìn của tôi thể hiện trong bài báo mà các vị, tức là các ông bên Hội Nhà văn, tự tiện lấy in lên báo, đã thay đổi không ít; về cùng chủ đề tôi đã thay đổi cách nhìn rất nhiều. Chẳng hạn, về văn chương Mỹ, gần đây, tôi nhìn nhận theo hướng "một nước Mỹ khác" (các vị có thể xem ở kia). Tôi không còn thấy văn chương của một nhân vật như Russell Banks có gì đáng quan tâm nữa. Thậm chí không hề đáng quan tâm, chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì.

Thành thử, khi tự dưng các vị đăng lại cái bài này lên, tôi khá là hoảng hốt, giống như là tôi nói một điều rồi lại phủ nhận nó ngay. Giống như một hòn đá bỗng từ quá khứ ném trúng vào người tôi. Tôi rất không thích cái cảm giác này. Tôi nghĩ không ai thích cái cảm giác này. Điều này, các vị chắc cũng thấy rất dễ hiểu.

Điều sau đây còn gây cho tôi nỗi khó chịu lớn hơn. Đối với không ít tờ báo, tôi từ chối khi họ mời tôi viết bài. Tôi không muốn viết báo, ít nhất trong một khoảng thời gian. Các tờ báo ấy hiểu điều đó và tôn trọng ý muốn của tôi - các vị có biết là từng có bài của tôi, gần đây, đã lên khuôn ở một tờ báo rồi lại gỡ xuống bởi vì tôi từ chối, không cho họ đăng. Các vị cũng làm báo, các vị hiểu nỗi bực dọc ấy, có phải không? Lên khuôn chuẩn bị in rồi lại phải gỡ bài, tìm cái khác thay thế, etc. Rất mệt, rất bực mình. Giờ, các tờ báo ấy thấy tôi lại đăng bài ở Văn nghệ, họ sẽ nghĩ gì về tôi? Các vị có thấy là các vị gây khó dễ cho tôi không?

Thêm một điều cuối cùng: cách đây chừng hai năm, tôi từ chối cho cơ quan ngôn luận của một "văn đoàn" đăng bài của tôi (xem ở kia, rất rõ ràng). Đó không phải là để hợp tác với một "hội" mà tất tật vẻ bên ngoài đều cho thấy là đối nghịch với "văn đoàn" ấy. Không, tôi không hề có ý đó.

Mà tôi muốn nói lên rằng: tôi không đứng về nhóm hay hội nào hết. Tôi không liên quan đến bên này thì không đồng nghĩa với chuyện tôi quan tâm đến bên kia. Không hề. Tôi không quan tâm đến cả hai bên như nhau. Điều làm tôi tránh xa không phải là hội này hay nhóm kia, điều làm tôi tránh xa, điều mà tôi từ chối là: tôi từ chối thuộc về bất kỳ nhóm nào, hội nào. Bản thân cái tinh thần của hội nhóm là điều mà tôi tránh, mà tôi quay lưng đi.

Tôi chưa bao giờ, suốt cả cuộc đời tôi, thuộc về bất kỳ hội hay nhóm nào hết. Tôi không phải thành viên của bất kỳ cái gì có thể gọi là nhóm hay hội, hội hở hay hội kín, hoặc hội lưng chừng không hở lắm không kín lắm. Tôi không thuộc về những cái đó, tôi cũng sẽ không thuộc về những cái đó. Tôi có thể tôn trọng mọi sự tồn tại, nhưng tôi không liên quan, tôi từ chối liên quan với mọi thứ gì mà tôi thấy là hội với chẳng nhóm. Dòng chính hay bên lề, chính thống hay chống đối, tất tần tật, tôi không phân biệt, tôi không thuộc về bất kỳ một cái gì hết. Kể cả khi chưa đến tuổi hai mươi, tôi đã không để cho tôi chui vào một tổ chức nào, dẫu cho nó có vẻ sẽ giúp tôi rất nhiều thứ. Sau cũng vậy. Tôi ở bên ngoài mọi câu chuyện như vậy.

Chúng ta rất khác nhau, có lẽ. Tôi tôn trọng sự tồn tại của các vị, tôi nghĩ điều tối thiểu tôi có thể đề nghị từ các vị, là tôn trọng cái sự không thuộc về hội nhóm nào của tôi. Có được không, hả các ông Hội Nhà văn, cũng như mọi thứ hội nhóm khác?


NB. tôi vẫn rất muốn biết vài chi tiết về cuốn tiểu thuyết Ba người lính ngự lâm tại Việt Nam, có ai giúp hộ phát không (xem thêm ở kia)

4 comments:

  1. Thật đanh thép và cũng thật đanh đá quá ạ :P

    ReplyDelete
  2. wtf, sao lại có cái trò mọi rợ như thế này anh ơi... thật là khóc tiếng Mán
    EMi

    ReplyDelete
  3. Tôi xin góp ý hai điều: Thứ nhất, tôi rất "thán phục" cách trả lời rất chính xác và đanh thép của Cao Việt Dũng. Trong giới văn nghệ, chúng ta thường hay nể nang nhau quá, khiến dẫn đến tình trạng "lờn mặt" như hai thí dụ điển hình chính nạn nhân đã phải nêu ra và phải mất thì giờ viết minh xác. Những người chủ bút hay chủ trương diễn đàn càng cần hiểu rằng tình thân hữu không có chỗ đứng nào trong việc giới thiệu hay lựa chọn cho đăng một bài viết hay tác phẩm. Huống chi có khi chỉ quen sơ sài. Sự hợp tác--nghĩa là cho bài xuất hiện ở nơi nào--có khi rất quan trọng với một tác giả vì độc giả còn có thể suy luận ra xu hướng thời thế của người ấy nữa. Thứ hai, loại chủ bút "nhẩy dù" như thế xẩy ra cũng vì tác giả không phản ứng đã đành mà độc giả--gồm cả những tác giả khác--cũng cho qua luôn. Nếu bị phản ứng đồng loạt từ độc giả, các ban biên tập hay người chủ bút không thể không suy nghĩ về sự vấp phạm của họ để tránh đi trong tương lai. Đó là một cách giúp hướng dẫn các chủ bút này trưởng thành và có trách nhiệm hơn. Tôi đang chờ đợi một sự lên tiếng để xin lỗi của Văn Nghệ. Dù gì đó cũng là một tờ báo đại diện cho một nhóm và được nhiều tác giả thành danh cộng tác. Trừ phi các tác giả đó cũng bị lấy bài một cách thầm lặng và in ấn lên một cách ồn ào như nhà phê bình Cao Việt Dũng đã bị!!!

    ReplyDelete