Sep 7, 2011

(Brand New Ones) Russell Banks

Hic không biết bác NSC đi đâu lâu thế, giá kể có bác ấy ở đây giúp "mở rộng phạm vi đấu tranh" :p

Mở rộng phạm vi…

Cho tới rất gần đây, một nền văn học lớn như văn học Mỹ hiện diện ở Việt Nam thật ra rất mỏng và lệch. Nếu không phải Cuốn theo chiều gió thì độc giả Việt Nam thường sẽ nghiêng về hai thái cực: say đắm các nhà văn “cánh tả” như Ernest Hemingway hay Jack London và cả nhà văn tương đối trung bình O. Henry, hoặc nếu không thì sẽ theo dòng rất mực giải trí gồm tác phẩm của những người như Sydney Sheldon, Stephen King hay John Grisham.

Điều này hẳn là có nguyên do lịch sử, nhưng có thể nói rằng ngoài một số hiện tượng đột xuất như Trên đường (Jack Kerouac), Giết con chim nhại (Harper Lee) hay Bắt trẻ đồng xanh (Salinger) từng có bản dịch từ cách đây nhiều chục năm, cả miền Bắc và miền Nam đều không dịch nhiều văn chương Mỹ, mặc dù ở miền Bắc đã sớm có Chữ A màu đỏ (Hawthorne) và miền Nam đã dịch rất công phu Moby Dick (Melville) ở ngay đầu sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa. Với sự xuất hiện của các nhà văn như Saul Bellow, Don DeLillo, Raymond Carver và Philip Roth, dòng chủ lưu của văn chương Mỹ (tạm gọi là “cao cấp”) mới bắt đầu được đưa dần vào Việt Nam.

Việc có tương đối đầy đủ những gương mặt lớn của văn chương Mỹ là điều rất cần thiết, bởi cách hoạt động của giới nhà văn nơi đây có những điểm đặc thù, trong đó nổi bật là tính chất “kế thừa”: Don DeLillo và Thomas Pynchon “thoát thai” từ ghế sinh viên ngồi nghe Vladimir Nabokov giảng bài; khi nhắc tới Philip Roth hay John Updike người ta thường nhắc luôn bậc trưởng thượng của họ là Saul Bellow; và đọc nhà văn đang gây nhiều tranh cãi hiện nay, Jonathan Franzen (sinh năm 1959), nhất là trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông xuất bản hồi năm ngoái, Freedom, người ta dễ dàng nhận ra dấu ấn của Philip Roth; rồi rất nhiều nhà văn trẻ thán phục và đi theo con đường của Raymond Carver…

Thử khảo sát một nhà văn Mỹ nổi tiếng như Russell Banks (sinh năm 1940), tính chất cá nhân chủ nghĩa của nhà sáng tạo không hoàn toàn tách rời khỏi tính chất “hội đoàn nghề nghiệp”. Không giống các nhà văn châu Âu thường ngại nói tới những người ảnh hưởng tới mình và hay sử dụng các bài trả lời phỏng vấn báo chí để công kích người khác, trong những bài phỏng vấn, Russell Banks vui vẻ nhìn nhận Jack Kerouac (mà ông từng gặp hồi còn trẻ) như là nguồn cảm hứng quan trọng; ông cũng coi Doctorow là một hình mẫu lớn của mình và không che giấu tình bạn với Joyce Carol Oates và Toni Morrison.

Russell Banks, cũng giống không ít nhà văn Mỹ nổi tiếng khác (chẳng hạn Scott Fitzgerald hay Bret Easton Ellis), không hề xa lạ với điện ảnh. Trong khi nhà văn châu Âu hay chơi nhạc hoặc làm chính trị, một số người còn không cho phép chuyển thể tiểu thuyết của mình thành phim, thì Russell Banks từng không ít lần chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch bản phim cho Hollywood. Đọc văn chương Mỹ, không ít lần ta cảm thấy ngờ ngợ như đoạn này đích thị được viết để dễ dàng chuyển hóa thành một xen trong phim.

Tính chất điện ảnh ấy xuất hiện rất rõ trong cuốn tiểu thuyết The Reserve in năm 2008 của Russell Banks (cho đến nay ông đã là tác giả của khoảng hai mươi tác phẩm, trong đó đa phần là tiểu thuyết). The Reserve không hẳn là tiểu thuyết thành công nhất của Russell Banks như The Sweet Hereafter hay Rule of the Bone trước đó, nhưng nó cho thấy nhiều nét đặc thù trong cách viết của nhà văn Mỹ nói chung.

Mặc dù có rất nhiều đoạn “mê lô”, The Reserve (kể chuyện về mối quan hệ giữa một họa sĩ nổi danh thế giới, Jordan Groves, và một cô gái rất giàu có, Vanessa Cole, bắt đầu từ năm 1936 tại khu bảo tồn “The Reserve” Adirondack) là một câu chuyện rất thú vị và thể hiện tham vọng rất lớn của Russell Banks: phạm vi quan sát của ông không chỉ là chuyện tình ái mà còn là cuộc đối đầu giai cấp, bệnh tâm thần trong đầu óc phức tạp của Vanessa Cole, và cả một giai đoạn lịch sử với sự xuất hiện tại nước Mỹ của khinh khí cầu Hindenburg mang trên mình biểu tượng thập ngoặc phát xít. Rồi nhân vật của ông sẽ tham gia cuộc chiến tại châu Âu, và Russell Banks cũng dùng ngòi bút của mình để miêu tả cặn kẽ đời sống của giới thượng lưu hồi ấy, thậm chí không bỏ qua ngành phân tâm học đang hồi phát triển mạnh…

Không ồn ào như các nhà văn châu Âu, nhất là Pháp, nhưng văn chương Mỹ luôn luôn dồi dào tác giả xuất sắc và đặc biệt tham vọng trong cách nhìn thế giới. Ta sẽ không ngạc nhiên khi cách đây chừng 70 năm, chính triết gia và tiểu thuyết gia Jean-Paul Sartre của Pháp từng nồng nhiệt ca ngợi tiểu thuyết Mỹ, nhất là John Dos Passos, và coi đó là một hình mẫu lớn, kể cả đối với các nhà văn của Cựu Lục địa.

16 comments:

  1. 1. Cuốn của Russel Banks sắp được dịch ra tiếng Việt?
    2. Câu này "Không ồn ào như các nhà văn châu Âu, nhất là Pháp, nhưng văn chương Mỹ luôn luôn dồi dào tác giả xuất sắc và đặc biệt tham vọng trong cách nhìn thế giới." có vẻ không chuẩn vì chủ ngữ ở hai vế không tương tự nhau, không thể so sánh 'văn chương Mỹ' về sự ồn ào với 'các nhà văn châu Âu".

    ReplyDelete
  2. các bác thật là xấu tính, tại sao cứ nghĩ tôi nói đến ai thì người đó sắp được in ở VN nhỉ hehe, câu trả lời là không, cũng như phần lớn nhân vật trong mục "Brand New Ones"

    ReplyDelete
  3. Miền Bắc ít dịch văn của kẻ thù đã đành, miền Nam trước đây không hiểu vì sao cũng ít dịch văn học Mỹ nhưng dịch bằng hết Camus, Gide, Sartre?

    Đâu quãng những năm 80 có một tập truyện ngắn tên là Lối sống Mỹ của ai chả nhớ, nội dung tố cáo ghê lắm, thấy xà hội Mỹ toàn những người hiếp dâm và chực chờ hại nhau thôi:)

    Hình như Thanh Tâm Tuyền từng dịch Nabokov? Mà Nabokov được coi là nhà văn Mỹ hay Nga nhở?

    ReplyDelete
  4. "Lối sống Mỹ" rồi "Giấc mộng vàng", tập truyện ngắn "Cỏ dại", tiểu thuyết "Cội rễ", toàn những tố cáo kinh hoàng :p

    Cái điều bác hỏi thì đợi Mr. Tin Văn vào giải đáp cho.

    Nabokov hình như là nhà văn Việt Nam hay sao ấy hehe.

    ReplyDelete
  5. John Steinbeck là tả hay là hữu nhỉ, "Chùm nho uất hận" dịch sớm lắm mà.

    ReplyDelete
  6. còn John Steinbeck nữa , nhà văn từng có vinh dự sang VN .

    ReplyDelete
  7. John Steinbeck là tả, nhưng ghét cộng sản và ủng hộ chiến tranh VN.
    Nói chung, văn nghệ sĩ tìm được người theo phe hữu là hơi bị hiếm, à có Nabokov :D. Martin Amis nữa (nhưng không phải Mỹ).

    ReplyDelete
  8. hề đã cố tình không nhắc đến Steinbeck rồi mà không bác nào tha cho mình cả :p

    mình thì lại chưa thấy nhà văn vĩ đại nào mà lại tả cả, hoặc không tả không hữu, hoặc hữu, hoặc (phổ biến nhất) thì hồi trẻ tả rồi sau chả tả tí tẹo nào nữa hehe

    ReplyDelete
  9. V/v TTT dịch Nabokov:
    Một sinh hoạt kiếm sống: dịch truyện. Ông lấy bút hiệu là Từ Trí (tên con trai út và con trai đầu), dịch cuốn Mary của Nabokov (tác giả Lolita), nhà xuất bản Đồng Nai, 1989.
    Nguồn: Website Tân Hình Thức
    http://thotanhinhthuc.org/tho/Title/hoso_thanhtamtuyen/hs_ttt_tulieu.html
    NQT

    ReplyDelete
  10. Thêm một trường hợp cố tình nữa : Mark Twain .

    ReplyDelete
  11. Dạ em chào anh.
    Tình cờ em đang search thông tin về bản dịch quyển Cuốn theo chiều gió của bác Vũ Kim Thư thì được gg dẫn link tới blog anh ạ. Tuy là bài viết của anh không liên quan gì đến cuốn đó nhưng có duyên vào đây mà lại biết anh là người đọc rộng biết nhiều nên anh có thể cho em hỏi thăm là muốn tra thông tin về bản dịch của bác ấy (dịch từ tiếng Anh hay tiếng Pháp chẳng hạn) thì tra ở đâu không ạ? Nếu được anh chỉ bảo cho thì em rất cảm ơn ạ. Và anh cho em xin lỗi nếu có làm phiền anh ạ.

    ReplyDelete
  12. Đang đọc cuốn Thằng cười của Victor Hugo nên tiện comment trên tôi xin được hỏi về thông tin dịch giả Hoàng Lâm và Lệ Chi. Sách có ghi "các chi tiết về ấn bản trước đây được trình bày rõ trong sách" nhưng hình như không có. Trân trọng cảm ơn.

    ReplyDelete
  13. tôi không biết, phần (ghi) đó tôi không phụ trách

    Vũ Kim Thư: đợi xem trong sách viết thế nào nhé

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ ý anh là đợi trong sách nào ạ? Em rất cảm ơn vì anh có trả lời qua giúp em ạ. Em xem bản của Đất Sống in năm 1974 thì ghi là:

      Nguyên tác Anh văn Gone with the wind... Bản Việt văn Cuốn theo chiều gió do Vũ Kim Thư dịch.

      (Tức là theo em thấy không ghi rõ bản Việt văn dịch từ bản tiếng Anh hay tiếng Pháp.)

      Các bản in khác thì em không thấy đề cập gì.

      Mà em xem mấy quyển Remarque (Bản du ca, Bia mộ đen) của bác Thư thì thấy bảo là bác dịch từ tiếng Pháp, em sợ bác là dịch giả chuyên chuyển ngữ tiếng Pháp chứ không dịch tiếng Anh ạ.

      Nếu anh có biết mà chỉ điểm hộ thì em xin cảm ơn vô cùng.

      Delete
  14. à đúng là thế, vừa tìm cách xem được trong ấn bản 74 thì quả thật cách ghi không giúp người ta biết được cụ thể, ngoài ra tôi không biết gì hơn - VKT toàn dịch những gì tôi không mấy quan tâm nên không thực sự rõ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ vâng, em cảm ơn anh rất nhiều ạ.

      Delete