Sep 29, 2017

Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì

Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì thuộc những truyện mà Andersen viết và cho xuất bản trong giai đoạn 1858-1860, trong tập này đã có một số truyện nổi tiếng ở Việt Nam: "Giấc mơ cuối cùng của cây sồi già", câu chuyện về Valdemar Daae và các con gái, "Đứa trẻ trong mồ", câu chuyện về thời nhỏ của điêu khắc gia vĩ đại Bertel Thorvaldsen; cũng tập này có Con gái chúa tể đầm lầy.

Con gái chúa tể đầm lầy đã động đến không ít tính chất của đầm lầy, nhưng còn chưa nói đến đặc tính của sương mù trên đầm lầy: khi đầm lầy có sương mù, vào mùa hè, thì tức là "bà chủ đầm lầy" đang nấu bia để uống. Điều này xuất hiện trong không ít truyện của Andersen, và trong cả Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì.

Ở kia đã nói đến những triết lý xuyên suốt các câu chuyện của Andersen. Thật ra, chúng có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với các "triết lý": ta hoàn toàn có thể coi đó là các yếu tố làm nên cấu trúc thế giới văn chương của Andersen.

Bản thân câu chuyện về năm hạt đậu cũng đã nói lên một phần về triết lý "bị giấu kín nhưng không bị lãng quên"; cùng triết lý này sẽ xuất hiện ở vị trí nền tảng trong Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì. Andersen cũng viết một câu chuyện tên đúng là "Bị giấu kín nhưng không bị lãng quên". Không có gì bị lãng quên trong thế giới các câu chuyện của Andersen.


Nhân tiện: đã đầy đủ Mộc thần nữ




Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì


Chắc hẳn bạn từng nghe nói đến đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì để khỏi làm lấm đôi giày của nó, và tất tật những bất hạnh xảy đến với nó sau đó. Chuyện này đã được viết ra, thậm chí đã được in thành sách.

Đó là một đứa bé nhà nghèo, nhưng cao ngạo, nó có bản chất tồi tệ, như người ta vẫn hay nói. Hồi còn nhỏ xíu, nó thích chơi trò bắt ruồi, vặt cánh chúng và biến chúng thành những con vật chỉ có thể bò và lết. Nó bắt bọ da và bọ cánh cứng, lấy kim ghim chúng lại, sau đó lấy một cái lá hoặc một mẩu giấy đặt dưới chân chúng, và con vật tội nghiệp liền chụp lấy, giữ thật chặt, lật đi lật lại cái lá hoặc mẩu giấy, loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cái kim.

- Xem con bọ da đọc sách kìa! con bé Inger nói, xem nó lật trang kìa!

Lớn lên, nó còn trở nên độc ác hơn, nhưng nó xinh xắn và đó chính là nỗi bất hạnh của nó, vì nếu không, chắc nó đã bị đối xử nghiêm khắc hơn.

- Nó cứng đầu lắm, thế nào nó cũng gây chuyện to! mẹ ruột của nó cũng nói thế. Còn nhỏ tí, mày đã hay giẫm chân lên tạp dề của tao, tao sợ chừng nào lớn hơn, mày sẽ còn giẫm đạp lên tấm lòng của tao luôn.

Và quả thật đó chính là điều mà nó làm.

Nó đi đến vùng nông thôn để làm gia nhân ở nhà những người giàu có, với nó họ đối xử như thể nó là con của họ, họ cho nó ăn mặc đẹp, trông nó thật xinh và thế là nó lại càng kiêu ngạo hơn.

Nó rời khỏi nhà được một năm thì chủ của nó bảo nó: “Dẫu sao thì cháu cũng phải về thăm bố mẹ chứ, bé Inger!”

Vậy nên nó đi về nhà, nhưng chỉ là để chứng tỏ nó đã trở nên sang trọng tới mức nào; tuy nhiên, khi về đến đầu làng và nhìn thấy lũ con gái cùng con trai chuyện gẫu cạnh cái ao, đúng chỗ mẹ nó đang ngồi nghỉ trên một tảng đá, với một bó củi mà bà đã nhặt trong rừng, Inger bèn quay ngoắt đi, nó thấy xấu hổ, nó đây ăn vận đẹp đẽ như thế, mà lại có một bà mẹ rách rưới đi nhặt củi. Nó hoàn toàn không thấy hối tiếc vì đã quay lưng bỏ đi, nó chỉ thấy tức tối.

Sáu tháng trôi qua.

- Hôm nào cháu phải về nhà thăm bố mẹ già, bé Inger! bà chủ của nó nói. Đây là một ổ bánh mì trắng to, cháu mang về cho bố mẹ nhé; họ sẽ rất vui khi được gặp cháu đấy!

Thế là Inger mặc những quần áo đẹp nhất, đi đôi giày mới, nó nâng váy lên và bước đi hết sức cẩn thận để giữ cho chân sạch và đẹp, để không ai có thể trách nó điều gì! nhưng khi đến chỗ con đường phải băng qua đầm lầy, lúc đó đang lầy lội đầy bùn mất một đoạn, nó bèn ném ổ bánh mì xuống bùn, giẫm chân lên để đi qua đó, cho khỏi bị lấm bẩn, nhưng vào lúc nó giẫm một chân vào ổ bánh mì, còn chân kia nhấc lên, thì ổ bánh mì lún xuống, cùng với nó, mỗi lúc một sâu thêm, nó hoàn toàn biến mất, người ta chỉ còn nhìn thấy một đống bùn nhão đen kịt và những bong bóng nước.

Đó là câu chuyện.

Nó đi tới đâu? Nó rơi xuống nhà bà chủ đầm, bà đang nấu bia. Bà chủ đầm là dì của các nữ yêu tinh, đám này thì rất nổi tiếng, người ta từng viết nhiều bài hát về chúng, và người ta từng vẽ tranh chúng, nhưng về phần bà chủ đầm, người ta chỉ biết rằng khi, vào mùa hè, các đồng cỏ phủ một lớp sương mù, thì có nghĩa bà chủ đầm đang nấu bia để uống. Inger rơi tõm xuống trúng vào gian ủ bia của bà, nơi mà người ta chẳng thể nào ở lâu. Một cái máng đầy bùn vẫn là tòa cung điện nếu so với nơi ủ bia của bà chủ đầm lầy! Thùng nào ở đây cũng bốc lên một mùi hôi thối khiến ta choáng váng đầu óc, và đống thùng được đặt san sát với nhau, nếu ở đâu đó hiện ra một khoảng trống có thể đi lọt, thì dẫu sao người ta cũng không làm vậy được, vì tất tật lũ cóc ướt nhẹp và rắn nước người đầy nhớt chất đống hỗn độn tại đó; con bé Inger rơi trúng xuống nơi đây; toàn bộ sự lúc nhúc đáng ghê tởm kia lạnh giá đến mức cả người nó run lẩy bẩy, người nó mỗi lúc một thêm cứng đờ. Nó dính rất chặt vào ổ bánh mì, ổ bánh hút nó, giống như một viên hổ phách hút sợi rơm.

Bà chủ đầm đang ở nhà, đúng hôm ấy con quỷ và bà của nó đến thăm thú lò bia, đó là một mụ rất già vô cùng hiểm ác không bao giờ chịu ngơi tay ngơi chân; không bao giờ mụ đi đâu mà không mang theo đồ khâu vá, và vào dịp này mụ cũng mang theo luôn! Mụ khâu đế lò xo để gắn vào các đôi giày, người nào đi chúng sẽ không thể ở yên một chỗ; mụ thêu những lời dối trá và móc đồ bằng những lời nói xuẩn ngốc rơi xuống đất. Tất tật những thứ đó là nhằm hãm hại và lôi kéo người ta nhầm đường lạc lối. Ồ đúng thế! mụ biết khâu, thêu và móc, mụ già khắm khú đó!

Mụ trông thấy Inger, đeo cặp kính vào và dòm nó thêm một lần nữa: “Con bé này nhiều tiềm năng đây! mụ nói. Ta muốn mang nó theo như một món xú vơ nia cho chuyến thăm của chúng ta nơi đây! nó sẽ rất hợp để làm bức tượng trong phòng chờ nhà thằng cháu ta!”

Và mụ nhận lấy nó. Bằng cách đó, con bé Inger đi đến địa ngục. Không phải lúc nào con người ta cũng xuống thẳng đó, có những khi người ta đi đường vòng, nếu mà thích hợp cho điều này.

Phòng chờ ấy rộng đến bất tận; người ta sẽ thấy chóng mặt khi nhìn ra phía trước và chóng mặt khi nhìn ra phía sau; người ta sẽ thấy cả một đám rất đông, gần như hoàn toàn rệu rã, ở đó đợi cánh cửa ân huệ mở ra; bọn họ có thể phải đợi rất lâu! Những con nhện to béo vừa lắc lư người vừa tiến lên, dùng chân dệt các tấm mạng hàng nghìn năm tuổi, chúng có thể siết lại giống như các dụng cụ tra tấn và chắc chắn như những sợi xích đồng; và thêm vào đó, linh hồn nào cũng bị giằng xé trong một sự náo loạn vĩnh hằng, một sự náo loạn khủng khiếp. Kẻ keo kiệt đã quên biến mất chìa khóa cái hòm đựng tiền, thế nhưng nó vẫn nằm trong ổ khóa, hắn ta biết rõ. Sẽ mất rất nhiều thời gian nếu muốn liệt kê tất tật mọi kiểu hành hạ và tra tấn mà người ta phải gánh chịu ở nơi này. Inger thấy thật ghê rợn khi bị biến thành một bức tượng; hai chân nó như thể bị đóng đinh xuống bởi ổ bánh mì.

- Chuyện sẽ xảy ra như vậy đấy, nếu người ta cứ muốn giữ cho chân thật sạch! nó tự nhủ. Ôi! bọn họ nhìn mình mới khiếp chứ! Đúng thế, tất tật bọn họ đều nhìn nó; các ham muốn xấu xa của bọn họ lấp lánh trong ánh mắt và bọn họ nói chuyện với nhau nhưng miệng không phát ra lời, trông bọn họ thật gớm ghiếc.

- Đến phải tin là nhìn mình thì thích lắm! con bé Inger nghĩ. Mình có một khuôn mặt xinh xắn và mình mặc quần áo đẹp! và nó đưa ánh mắt đi chỗ khác, cổ nó đã trở nên quá cứng, không quay được nữa. Ô! nó bị lấm bẩn rất ghê tại nơi ủ bia của bà chủ đầm, điều này thì nó chưa hề nghĩ tới. Bộ quần áo của nó như thể bị dây một vệt bẩn lớn nhơn nhớt; một con rắn nước dính vào tóc nó và treo lòng thòng trên cổ nó, và từ mỗi nếp váy nhảy ra một con cóc, chúng sủa ăng ẳng như một con chó bông bị hen suyễn. Thật khó chịu. “Nhưng những kẻ khác ở đây trông cũng đáng sợ y hệt!” nó tự nhủ để tự an ủi.

Điều tồi tệ hơn cả dẫu sao vẫn là cơn đói khủng khiếp mà nó đang cảm thấy; nó không thể cúi xuống để bẻ lấy một mẩu từ cái bánh mì mà nó đang giẫm lên hay sao? Không, lưng của nó đã trở nên cứng ngắc, hai cánh tay và bàn tay cũng cứng ngắc, cả người nó giống như một bức tượng đá, nó chỉ có thể đảo mắt nhìn quanh, mắt của nó có thể xoay đủ một vòng tròn, thành thử nó nhìn được về phía đằng sau, và ở phía đó thật ghê tởm. Và rồi lũ ruồi nữa, chúng dạo chơi trên hai mắt nó, xuôi ngược không ngừng, nó nháy mắt, nhưng lũ ruồi không chịu bay đi, bởi vì chúng không bay được, chúng đã bị vặt mất cánh, chúng đã trở thành những con vật chỉ biết bò và lết; đây thực sự là một sự tra tấn, và rồi cơn đói nữa, và nó cảm thấy bên trong trống rỗng, trống rỗng đến khủng khiếp.

- Nếu cứ thế này mãi, mình sẽ không chịu nổi mất thôi! nó nói, nhưng nó buộc lòng phải nhẫn nại cho đến cùng và điều này cứ tiếp diễn.

Đúng lúc ấy một giọt nước mắt nóng bỏng rơi trúng vào đầu nó, giọt nước lăn trên mặt rồi ngực nó, sau đó rơi xuống ổ bánh mì, thêm một giọt nước mắt nữa, nhiều giọt. Ai khóc cho con bé Inger? Chẳng phải là nó có một bà mẹ ở trên mặt đất đấy ư? Những giọt nước mắt buồn thương giống những giọt nước mắt mà một bà mẹ nhỏ xuống đứa con của bà luôn luôn tới được chỗ của nó, nhưng chúng không giải thoát, mà chúng thiêu đốt, chúng chỉ càng làm cho sự tra tấn trở nên nặng nề hơn. Và giờ đây, cái cơn đói không sao chịu nổi kia, và chuyện không thể với xuống ổ bánh mì mà nó đang giẫm chân lên! rốt cuộc nó có cảm giác mọi thứ, bên trong nó, tự ngấu nghiến đi, nó trở nên giống như một cái ống tuy-ô mảnh và rỗng thu hút mọi tiếng động; nó nghe thấy rõ rành rành mọi thứ gì liên quan đến nó ở trên mặt đất, và những gì mà nó nghe thấy đều độc ác và nặng nề. Chắc chắn, mẹ nó khóc, bà xúc động và buồn bã một cách sâu sắc, nhưng cùng lúc bà cũng nói: “Kiêu ngạo sẽ dẫn đến lạc lối! đó chính là thứ đã gây bất hạnh cho con đấy, Inger ạ! sao mà con làm mẹ buồn đến thế!”

Mẹ nó cùng tất cả mọi người, ở trên kia, đều biết về tội lỗi của nó, họ biết rằng nó đã giẫm chân lên ổ bánh mì, nó đã bị chìm xuống rồi biến mất; người chăn bò đã kể lại câu chuyện, chính mắt anh ta trông thấy toàn bộ từ trên gò đất.

- Sao mà con làm mẹ buồn đến thế, Inger! mẹ nó nói; à mà! đó cũng chính là điều mẹ từng nghĩ!

- Giá như mình chưa bao giờ được sinh ra thì tốt biết bao nhiêu! Inger nghĩ khi nghe thấy câu nói đó. Giờ đây, mẹ mình có khóc lóc thì cũng chẳng ích gì!

Nó nghe thấy những gì mà ông bà chủ nó, những con người trung hậu từng giống như là bố mẹ của nó, họ nói: “Đó là một đứa bé bị tội lỗi cám dỗ! họ nói, nó chẳng hề biết tôn trọng những món quà của Chúa Trời, và nó đã lấy chân giẫm lên chúng, nó sẽ khó mà mở được cánh cửa của ân huệ!”

- Lẽ ra họ đã phải nghiêm khắc đối với mình hơn! Inger nghĩ, họ phải đánh đuổi những thói hư của mình, nếu mà mình có các thói hư.

Nó nghe thấy người ta viết ra một bài hát kể chuyện nó, “Con bé gái kiêu ngạo giẫm chân lên ổ bánh mì để giữ sạch đôi giày”, và người ta hát bài ấy trên khắp đất nước.

- Khốn khổ quá, phải nghe thấy tất tật những thứ đó, rồi lại còn phải chịu đựng những đau đớn như thế này! Inger nghĩ, những người khác cũng phải bị trừng phạt vì những gì mà bọn họ làm chứ! sẽ phải có những sự trừng phạt! ôi! sao mà mình bị tra tấn khủng khiếp thế này!

Và tâm trí nó trở nên còn cứng rắn hơn cả vỏ bọc bên ngoài của nó.

- Với tất tật cái đám ở đây làm bầu bạn, thật không tài nào mà trở nên tốt đẹp hơn được! Và mình không muốn tốt đẹp hơn! xem thử bọn họ nhìn mình như thế nào kìa!

Và tâm trí nó nổi giận, hết sức độc ác đối với tất cả mọi người.

- Thế đấy, ở trên kia, bọn họ có nhiều chuyện để kể với nhau!… ôi! sao mà mình bị tra tấn khủng khiếp thế này!

Và nó nghe thấy người ta kể câu chuyện của nó cho bọn trẻ con, và bọn trẻ con gọi nó là Inger xấu xa… “Nó thật đáng ghê tởm! chúng nói, quá gớm ghiếc, nó phải gánh chịu những sự hành hạ thật lớn là đúng!”

Không ngớt vang lên khắp nơi những lời nặng nề hướng đến nó, từ miệng của bọn trẻ con.

Và thế nhưng, một hôm, khi cơn giận và cơn đói gặm nhấm ở bên trong cái vỏ bọc trống rỗng của nó, nó nghe thấy có người nhắc tên nó và người ta kể câu chuyện của nó cho một đứa trẻ ngây thơ, nó nhận ra là con bé gái kia òa khóc nức nở khi nghe câu chuyện về Inger, với lòng kiêu ngạo của nó, sự đỏm dáng của nó.

- Nhưng cô ấy sẽ không bao giờ được lên nữa à? con bé con hỏi.

Và người ta trả lời nó:

- Nó sẽ không bao giờ được lên nữa!

- Nhưng nếu cô ấy xin tha thứ, rồi không bao giờ làm thế nữa?

- Nhưng nó không muốn xin tha thứ! họ đáp.

- Con rất muốn cô ấy làm như vậy! con bé con nói, nó thấy không thể nguôi ngoai. Con sẽ cho đi tủ búp bê của con, nếu cô ấy được lên! Thật quá khủng khiếp cho Inger khốn khổ!

Và những lời nói đó đi thẳng vào trái tim của Inger, chúng gần như làm cho nó cảm thấy sung sướng; đây là lần đầu tiên có người nói: “Inger khốn khổ!” mà chẳng thêm bất kỳ lời nhận xét nào về các lỗi lầm của nó; một đứa trẻ ngây thơ khóc và cầu nguyện cho nó, điều này tạo cho nó một cảm giác lạ lùng, và nó cũng rất muốn bật khóc, nhưng nó không thể khóc, và đó cũng là một sự hành hạ.

Nhiều năm trôi qua, trên kia, chẳng có gì thay đổi, càng ngày nó càng ít nghe thấy các âm thanh từ trên đó, người ta đã ít nhắc đến nó hơn; rồi nó nghe thấy một tiếng thở dài: “Inger! Inger! sao mà con làm mẹ buồn đến thế! mẹ đã nói với con rồi cơ mà!” Đó là mẹ nó, sắp chết.

Thỉnh thoảng nó nghe thấy những người chủ cũ nhắc tên nó, và bà chủ nói những lời độ lượng nhất: “Bao giờ ta mới gặp lại cháu đây! chẳng bao giờ người ta biết chuyện gì sẽ xảy ra!”

Nhưng Inger hiểu rõ bà chủ trung hậu của nó sẽ chẳng bao giờ xuống cái nơi mà nó đang đứng.

Một quãng thời gian nữa, thật dài và cay đắng, trôi qua.

Bỗng Inger nghe thấy có người nhắc tên nó và nó nhìn thấy phía bên trên như thể có hai ngôi sao lấp lánh sáng; đó là một cặp mắt thật dịu dàng, đang nhắm lại trên trái đất. Rất nhiều năm đã qua đi, kể từ ngày con bé con khóc, không thể nguôi ngoai, cho “Inger khốn khổ”, đứa bé ấy đã trở thành một bà già mà Đức Chúa giờ đây muốn gọi về bên mình, và đúng vào lúc hiện lên những ý nghĩ chính là kết quả toàn bộ cuộc đời, bà cũng nhớ đến chuyện, hồi còn nhỏ, bà từng khóc nức nở khi nghe kể câu chuyện về Inger; thời điểm ấy và cảm giác ấy hiện rõ trong tâm trí bà già đến mức vào lúc chết đi bà kêu lên: “Thưa Chúa, chẳng phải là con cũng đã, giống như Inger, từng giẫm chân lên những món quà tặng của thiên đường mà chẳng hề nhận ra, cả con cũng thế, chẳng phải là con từng kiêu ngạo trong tinh thần, nhưng với ân huệ của Người, Người đã không để cho con bị đắm chìm, Người đã giữ con lại! Đừng bỏ rơi con vào giây phút cuối cùng này!”

Và cặp mắt của bà già khép lại, đồng thời cặp mắt của tâm hồn bà mở ra, hướng vào những thứ bị giấu đi, và bởi Inger từng sống động đến thế trong những ý nghĩ cuối cùng của bà, bà nhìn thấy nó, bà nhìn thấy rằng nó đã rơi xuống thật sâu, và trước cảnh tượng đó, tâm hồn hiền dịu của bà bật khóc, tại vương quốc thiên đường bà giống hệt như hồi vẫn còn nhỏ, và bà khóc cho Inger khốn khổ! Những giọt nước mắt ấy, cùng những lời cầu nguyện ấy vang lên như một vọng âm trong cái vỏ trống rỗng bọc lấy tâm hồn tù tội và bị hành hạ, tâm hồn đó bị đảo lộn bởi tình yêu từ trên cao ào xuống, điều mà nó chưa từng bao giờ nghĩ tới: một thiên thần của Chúa khóc cho nó! Tại sao nó lại được hưởng điều này? Tâm hồn bị hành hạ tập hợp, theo cách nào đó, bằng ý nghĩ, tất tật mọi hành động mà nó từng làm trong cuộc đời trên mặt đất của nó, và nó bị chấn động bởi những tiếng nức nở, chưa từng bao giờ Inger có thể khóc như vậy; nỗi buồn mà nó cảm thấy vì chính bản thân nó xâm chiếm lấy nó, nó nghĩ rằng cánh cửa ân huệ sẽ chẳng bao giờ có thể mở ra cho nó, và đúng vào lúc nó công nhận điều này, trong sự sám hối sâu thẳm, thì một tia sáng rọi vào vực thẳm, tia sáng ấy còn mang nhiều sức mạnh hơn tia nắng làm tan chảy người tuyết mà lũ trẻ con đắp lên ngoài sân, và thế là, trong khoảng thời gian còn ngắn hơn khoảng thời gian cần thiết để bông tuyết rơi vào cái miệng ấm nóng của đứa trẻ kịp tan ra thành giọt nước, bóng hình hóa đá của Inger biến đi, một con chim nhỏ lao vút về phía thế giới con người, bay dích dắc như tia chớp, nhưng nó thấy sợ và ngượng ngùng trước mọi thứ gì vây quanh nó, nó thấy ngượng vì chính nó, trước mọi sinh vật, và ngay lập tức nó trốn vào trong một cái lỗ tối om mà nó tìm được trên bức tường xập xệ; nó ở lại đó, co quắp, cả người nó run lên, nó không thể phát ra âm thanh giọng nói của nó, nó không có giọng; mất một lúc thật lâu nó mới có thể bắt đầu ngắm nhìn toàn bộ vẻ rực rỡ ngoài kia và nhận thức được về điều đó! Quả thật đó là sự rực rỡ: không khí trong mát và dịu dàng, ánh trăng bừng sáng, đám cây và bụi rậm tỏa hương; và thật tốt lành tại nơi nó đang ở, tấm váy lông chim sạch sẽ và đẹp. Ôi! sao mà mọi tạo vật đều in dấu tình yêu và vẻ rực rỡ. Mọi ý nghĩ đang náo loạn trong ngực con chim những muốn được phát ra thành tiếng, nhưng nó không đủ sức, nó muốn hót, giống chim cu và họa mi vào mùa xuân. Đức Chúa, có thể nghe thấy bài ngợi ca câm lặng của loài sâu, nhận ra bài ngợi ca vang lên từ các hợp âm ý nghĩ của nó, giống như bài thánh thi vang lên trong lồng ngực David trước khi biến thành lời ca và giai điệu.

Trong suốt nhiều ngày và nhiều tuần, những khúc hát lặng câm ấy lớn dần lên, chúng sắp bùng ra, ngay ở cú đập cánh đầu tiên của một hành động tốt, cần phải làm một việc tốt!

Thánh lễ Giáng sinh đã tới. Người nông dân dựng một cây cột gần sát bức tường, ông rải lên đó những hạt yến mạch, để lũ chim trời cũng có thể có một lễ Giáng sinh vui tươi cùng một bữa ăn sung sướng.

Và mặt trời hiện ra vào buổi sáng ngày Giáng sinh, chiếu sáng lên những hạt yến mạch, thế là tất cả lũ chim bay đến quanh cây cột, chúng kêu chiêm chiếp, và có tiếng kêu phát ra từ bức tường, ý nghĩ đã lớn lên biến thành âm thanh, tiếng chiêm chiếp yếu ớt là một bài ca của niềm vui, ý nghĩ về một hành động tốt đã nảy sinh và con chim chui ra khỏi chỗ trốn của nó; tại vương quốc thiên đường, chắc chắn người ta biết đó là con chim nào!

Đang là giữa mùa đông khắc nghiệt, nước đóng băng từ tận dưới sâu, các loài chim và thú trong rừng khó lòng tìm được thức ăn. Con chim nhỏ bay dọc theo đường cái, và tại đó, theo dấu các cỗ xe, nó tìm kiếm và thấy đây đó một hạt lúa, rồi vài vụn bánh mì ở những chỗ dừng chân, nó chỉ ăn một vụn, nhưng nó gọi tới tất tật lũ sẻ đói, để chúng cũng được ăn. Nó đến các thành phố, tìm kiếm khắp nơi, và những nơi nào một bàn tay xót thương đặt bánh mì lên bệ cửa sổ cho lũ chim, nó chỉ ăn một vụn duy nhất, phần còn lại nó nhường cho những con chim khác.

Trong mùa đông, con chim tập hợp và cho đi rất nhiều vụn bánh mì, tổng cộng lại, chúng nặng bằng cả ổ bánh mì mà con bé Inger từng giẫm chân lên để đôi giày của nó khỏi bị lấm bẩn, và vào lúc vụn bánh mì cuối cùng được tìm thấy, được cho đi, cặp cánh màu xám của con chim hóa thành màu trắng, dang rộng ra.

- Có một con én biển đang bay trên hồ! lũ trẻ con nói khi nhìn thấy con chim trắng; nó lặn xuống hồ, rồi bay lên trong ánh mặt trời, người nó sáng lấp lánh, người ta không thể nhìn thấy rồi sau nó thế nào, người ta bảo nó đã bay thẳng lên chỗ mặt trời.



các truyện khác của Andersen:

Andersen: Mộc thần nữ
Andersen: "Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu", "Đứa trẻ tật nguyền", "Thiên thần"
Andersen: Cây đèn đường cũ
Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy
Trở về cổ điển: Andersen

12 comments:

  1. Hoặc bạn cũng có thể pha trà quế và cam thảo.

    ReplyDelete
  2. có lẽ mặt trời xa với vùng Cực Bắc này như nào thì Chúa cũng xa vùng Cực Bắc này như thế.
    đâm ra thấy tính TC giáo của Andersen hơi bị heretical.
    nhất là khi con chim nhỏ nhặt vụn bánh vụt biến thành con nhạn bể.
    thần thông đó hình như ngầm đặt dấu tương đương giữa mụ chủ đầm lầy nấu bia với cái ông trên chỗ rất xa kia.
    lại nữa, có hơi hướng làn gió luân hồi thoáng qua hay sao í?
    và ấn tượng trước tiên là nhớ đến Đôi giày đỏ của hai bác Grimm.

    ReplyDelete
  3. đôi giày đỏ thì lại là của Andersen :p cả đôi giày hạnh phúc nữa

    ReplyDelete
  4. hehe

    à, Andersen viết mấy truyện rất dài và rất hay về những quyển sách đấy, đều chưa được dịch ra tiếng Việt

    đặc biệt có một truyện rất khủng khiếp, về các đụn cát, đọc là nghĩ ngay đến "Người phụ nữ cát" của Kobo Abe

    ReplyDelete
  5. Chú ạ, mẹ cháu vẫn thường trợn mắt hỏi thế văn chương thơ phú có làm cho mày no không, có làm cho mày ngủ ngon khôg con. Thế đấy chú ạ

    ReplyDelete
  6. cái này là rất kinh điển, kinh điển đến mức quá dễ đáp lại

    vả lại, đọc sách là để làm gì đây, nếu không phải là để dễ dàng đối đầu với mấy điều tương tự?

    ReplyDelete
  7. anh Kim Đồng ơi anh Kim Đồng ơi nay anh đâu rồi? Thấy bên anh có họa sĩ vẽ minh họa rất tài. Sao chưa đến xin bản quyền để in một cuốn truyện nho nhỏ tuyệt đẹp như này cho các bà mẹ và em nhỏ có cái đọc chung với nhau thay cho mớ dạy con theo phương pháp tây tàu nhật bổn với chả bước cùng toàn cầu?

    ReplyDelete
  8. “lũ cóc ướp nhẹp” (đoạn dưới “Đó là câu chuyện”) “tâm hồn bị thành hạ tập hợp” (đoạn “Và cặp mắt của bà già khép lại”) chắc bị type lỗi ?

    ReplyDelete
  9. Không chỉ dành cho trẻ con, không chỉ dành cho người lớn, câu chuyện này có thể đọc cho cả những Thiên Thần.

    ReplyDelete
  10. Really when someone doesn't be aware of afterward its
    up to other viewers that they will help, so here
    it happens.

    ReplyDelete