Oct 1, 2017

Những cuốn sách mất

Thêm một chút vào "mấy sách mới":


Đây là ấn bản tiếng Pháp dịch từ tiếng Ý (Storie di libri perduti) của một tác giả người Ý, tên Ý nhưng lại có cái họ Hà Lan.

Montesquieu từng nói, một tác phẩm văn chương đích thực, một cuốn sách văn chương lớn, sẽ khiến sinh ra sau nó 600 cuốn sách khác. Tức là 601 cuốn sách sẽ được viết về cùng một điều, khởi đầu từ cuốn sách đầu tiên trở đi; và vẫn còn cụ thể hơn được nữa: 601 có cùng một thực tại. Một nhà văn người Ý, Leonardo Sciascia, từng công nhận điều mà Montesquieu nói là rất đúng, bằng cách từ Candide của Voltaire viết cuốn sách Candido. Một "tác phẩm văn chương đích thực": ta hãy lấy ví dụ Kịch Thần của Dante (xem thêm ở kia); cuốn sách của Dante cũng hết sức có ý nghĩa khi bàn về Cuốn sách về những cuốn sách mất của Giorgio Van Straten.

Nhưng thế giới của những cuốn sách còn phức tạp hơn thế rất nhiều. Chúng ta sống giữa sách cũng hoàn toàn giống như chúng ta sống trong thực tại cuộc đời: cho dù khoa học có phát triển đến đâu, dẫu những người duy lý (hoặc những người được gọi như vậy) có khẳng định những gì, thì đa phần ai cũng tin mình sống giữa các bóng ma nhiều hơn là giữa các thực thể sống. Jacques Lacan từng châm biếm mà nói rằng, chính thời Phục hưng mới là thời đại mê tín nhất trong lịch sử loài người.

Những cuốn sách nằm đó, nhưng còn có những cuốn sách khác, trong đó có những cuốn sách đã không bao giờ sinh ra đời, không bao giờ được hiện thực hóa. Cũng có những cuốn sách thực sự đã tồn tại, nhưng đã mất, không còn dấu vết, rất ít hy vọng tìm lại được.

Hồi ký của Saint-Simon được in rất muộn sau khi tác giả đã chết; hồi ký Casanova thoát khỏi sự tan biến trong gang tấc, gần như theo một đường lối kỳ diệu; bản thân bộ sách vĩ đại của Tư Mã Thiên (mà nếu thiếu, đơn giản toàn bộ lịch sử Trung Quốc là không thể hình dung được) cũng từng mang đầy đủ tiềm năng để trở thành hư vô.

Dẫu Aristote có nhất định dạy rằng không thể vừa vừa không là, thì dường như thực tại vẫn cứ nhất quyết phức tạp hơn như vậy. Cuốn sách của Van Straten vạch lại dấu vết (không thực sự là dấu vết) của một số cuốn sách lẽ ra đã tồn tại nhưng rốt cuộc đã không tồn tại (nhưng về cơ bản, ta không bao giờ thực sự chắc chắn được rằng chúng đã thực sự biến mất).

Sau câu chuyện đầu tiên liên quan đến Romano Bilenchi (một nhà văn Ý, mà Van Straten quen biết, được đọc bản thảo một cuốn tiểu thuyết sau khi Bilenchi qua đời, do bà vợ góa của Bilenchi đưa cho; nhưng trước khi đến lượt mình cũng qua đời, người vợ góa ấy đã quyết định tiêu hủy bản thảo cuốn sách kia - điều này đối với Van Straten là một thảm họa, vì trong mắt Van Straten, Bilenchi là một trong những nhà văn Ý lớn nhất thế kỷ 20, mặc dù không được đông đảo quần chúng biết đến, tức là không nổi tiếng lắm), là bảy câu chuyện về bảy cuốn sách-tiềm năng.

Câu chuyện liên quan đến Hemingway đã quá quen thuộc: những ai từng đọc cuốn hồi ký của Hemingway đều còn nhớ cái va li hay cái cặp mà người vợ đầu của Hemingway do vô ý làm mất trong một chuyến tàu hỏa. Ta cũng có câu chuyện bản thảo hồi ký của lord Byron bị người thân quyết định đốt ngay sau khi nhà thơ qua đời, mặc dù Byron đã gửi bản thảo cho nhà xuất bản, thậm chí còn nhận tiền ứng trước; nguyên do của điều này chủ yếu là vì cuốn hồi ký ấy có thể hé lộ về phong hóa tình dục đồng tính của Byron. Một câu chuyện khác: Sylvia Plath khi tự sát để lại nhiều bản thảo, và người chồng, nhà thơ Ted Hughes nổi tiếng, dường như che giấu về bản thảo cuốn tiểu thuyết Double Exposure.

Một chương trong bản trường ca về những cuốn sách bị mất này có nhân vật chính là Walter Benjamin (xem thêm ở kiaở kia).

Ngày 26 tháng Chín năm 1940, Walter Benjamin - chạy trốn khỏi Paris ngay hôm trước khi quân nazie tiến vào Paris (hồi tháng Sáu), sau rất nhiều khó khăn cũng đến được Marseille và từ đó chỉ cần đi sang được Bồ Đào Nha là có thể sang Mỹ, tức là thoát thân, với đầy đủ giấy tờ - đến ngôi làng hẻo lánh Portbou ở Tây Ban Nha. Sự đen đủi muốn rằng Benjamin đến đây đúng vào hôm quy định vừa mới thay đổi; chỉ hôm trước thôi cảnh sát sẽ để ai muốn đi qua thì đi qua, nhưng từ hôm đó, những người như Benjamin sẽ bị đuổi trở lại Pháp (và tức là chắc chắn sẽ rơi vào tay Gestapo). Đây là ngày cuối cùng của Benjamin: Benjamin sẽ tự sát đêm hôm đó. Lúc quân Đức tiến vào Pháp, một người khác, cũng chạy trốn nazie, đã tự sát tại Paris, đó là Ernst Weiss (xem ở kia).

Cả Weiss và Benjamin đều cầm theo, vào thời điểm cuối cùng, một va li lớn. Cái va li của Weiss đã được tìm thấy lại, và do vậy ta có cuốn tiểu thuyết lớn Chứng nhân tận mắt. Nhưng cái va li của Benjamin thì tới giờ vẫn chưa tìm được; gần như ai cũng tin trong đó đựng bản thảo một cuốn sách lớn.

Ngôi làng Portbou bỗng trở thành một địa điểm định mệnh của câu chuyện văn chương châu Âu, bởi vì ở đây, lại có một cái va li đựng bản thảo khác.

Ngay trước khi Benjamin đến đây, chỉ cách chừng một năm rưỡi, một nhân vật văn chương lớn khác cũng dừng chân ở đúng làng Portbou, đó là nhà thơ Antonio Machado, thần tượng thơ ca của nhiều thế hệ nhà văn trong khối nói tiếng Tây Ban Nha suốt thế kỷ 20, chẳng hạn María Zambrano. Antonio Machado đi ngược con đường với Walter Benjamin: Benjamin thì chạy trốn khỏi Pháp, còn trước đó, Machado từ Tây Ban Nha chạy sang Pháp. Cuối thập niên 30, đầu thập niên 40, tại châu Âu có những cuộc chạy trốn ngược chiều như thế; đều là để giữ mạng sống nhưng người ta hoàn toàn có thể đi ngược hẳn với nhau. Thời điểm đầu năm 1939, Antonio Machado đã 65 tuổi. Antonio Machado dừng chân tại Portbou rồi sau đó sang được Pháp, nhưng chỉ vài ngày sau thì chết; Antonio Machado phải bỏ lại ở Portbou một va li đựng bản thảo (dường như cả nó cũng chưa được tìm thấy lại).

Đây là Antonio Machado:


Ba câu chuyện về những cuốn sách-tiềm năng, cuốn sách-bị mất còn lại trong cuốn sách của Giorgio  Van Straten liên quan nhiều đến lửa, và đều có mối quan hệ mật thiết với Dante, theo các đường lối khác nhau.

Gogol đốt bản thảo phần hai Những linh hồn chết. Cuốn tiểu thuyết ấy, như nhiều người biết, Gogol được Pushkin gợi ý cho (dường như đúng hơn là có lần nói chuyện với nhau, Pushkin buột miệng nhắc đến một "tin cán chó" về một kẻ đi mua "những linh hồn chết", Gogol bèn lấy đó làm chủ đề viết thành tiểu thuyết; về sau không phải Pushkin không cay cú vì chuyện bị thuổng mất ý tưởng này): Những linh hồn chết của Gogol thì được ghi là "thơ" trong sách in, trong khi bài thơ dài "Ép-ghê-nhin Ô-nhê-ghin" của Pushkin thì lại ghi là "tiểu thuyết".

Cũng nhiều người biết lẽ ra Những linh hồn chết phải có thêm phần thứ hai, chỉ có điều, chừng chục ngày trước khi chết, Gogol đã đốt hết bản thảo đi. Những linh hồn chết lẽ ra phải giống như Kịch Thần của Dante, đã có địa ngục rồi, sẽ phải có nhân gian, và nhất là thiên đường. Nhưng rốt cuộc, đã không có thiên đường nào hết cả. Gogol không muốn người ta nhìn thấy thiên đường?

Một "thiên đường" khác cũng biến mất, và cũng bị cháy: Malcolm Lowry cho in Under the Volcano năm 1947: Popocatepetl trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại là hình ảnh của địa ngục. Lowry sẽ sống mười lăm năm trong rừng, ở nơi hẻo lánh, tại "British Colombia", chính xác hơn là Dollarton, từ 1940 đến 1954. Năm 1944, cái lán nơi Lowry sống bị cháy, và cháy luôn trong đó bản thảo cuốn tiểu thuyết đã viết đến cả nghìn trang, In Ballast to the White Sea, "thiên đường" mà Malcolm Lowry muốn tạo ra, theo "mẫu" Kịch Thần của Dante: ta thấy Montesquieu đã đúng như thế nào.

Kiều cũng hoàn toàn có thể coi là theo đúng mô hình của Kịch Thần. Điều này thậm chí còn quá mức đương nhiên.

Malcolm Lowry luôn luôn gặp vấn đề với các bản thảo: bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay Ultramarine bị mất cắp (khi nó được để trong một cái va li - lại thêm một cái va li nữa - và cái va li ấy để trên ghế chiếc xe mui trần của editor của Lowry) nhưng rất may người bạn đánh máy chữ bản thảo tìm lại được bản giấy than và khôi phục lại. Ngay bản thảo Under the Volcano lẽ ra cũng đã mất: Lowry để quên nó, may mà người vợ tìm thấy.

Nhưng, lại thêm một lần nữa, dường như các thiên đường không được phép tồn tại. Hoặc cũng có thể, những cuốn sách không có đủ chỗ để chứa thiên đường, chúng cũng không có chức năng nói đến thiên đường. Có lẽ không nên cố.

Câu chuyện còn lại trong cuốn sách của Giorgio Van Straten liên quan đến Bruno Schulz, tất nhiên (xem thêm ở kiaở kia). Có cả một folklore xung quanh cuốn tiểu thuyết đã bị mất bản thảo của Schulz: nó mang nhan đề Messiah. Dường như đã quá rõ ràng, những cuốn sách bị mất như thể muốn nói rằng, đừng có quan tâm đến thiên đường, cũng đừng chú ý đến các "Messiah".

Kể cả trong trường hợp của Dante: địa ngục thì hấp dẫn vô song, nhưng phần thiên đường của Kịch Thần thì liên tục làm người ta ngáp ngủ.

8 comments:

  1. Cái link đầu bài có thêm bớt gì đâu? Mà chú quan tâm đến Malcom Lowry nhỉ?

    ReplyDelete
  2. à í chỉ là bài này chính là để bổ sung cho bài trước thôi

    đây là một cuốn sách rất mới, bản gốc tiếng Ý cũng mới chỉ xuất bản năm 2016

    ReplyDelete
  3. Mà chú xem thế nào tiếp tục Balzac để bàn dân thiên hạ được đọc ké cái nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. ông ấy quên rồi mà ano này còn vào nhắc lại, đến là sầu

      Delete
  4. a đúng, tôi cũng sắp tiếp tục rồi

    chính lúc "material" đã tương đối nhiều thì chuyện mới khó hơn một chút, lúc đó phải sắp xếp, khuôn lại, xem nên phát triển về các hướng nào

    dường như tôi đã bắt đầu thấy rõ hơn rồi

    ReplyDelete
  5. tình trạng những bản thảo, nên gọi luôn là sách, bị mất như thế thì hẳn phải có một Tam giác Bermuda của sách.
    ước gì Andersen quay lại. chắc chắn ông sẽ kể một truyện hé lộ bí mật đó.
    nhưng về "thiên đường" thì hẳn ko thể khác được.
    còn nhớ một giai thoại, kể một scientist ( - có tên. tiếc là quên mất - ) tự nhận là đã "leo" lên được Bức tường Planck để cố ghé mắt qua, "beyond the garden", và đã thấy "một ảo giác siêu hình đập vào mắt ta mãi mãi."
    những sách kia định phận phải mất thôi.

    ReplyDelete
  6. "nobody said it was easy, no one even ever said it would be this hard, I'm going back to the start" (The Scientist - Coldplay) :p

    ReplyDelete