Mar 25, 2018

Biến mất, trở lại và ý nghĩa (2)

Tiếp tục câu chuyện đã mở đầu ở kia; và, cũng có liên quan đến ở kia. Nhưng trước hết, nên xem ở kia (về một cú lật mặt bàn).

Năm ấy, tôi được dẫn đến nơi ở của một nhà sưu tầm; khu vực đó của Sài Gòn tôi không thực sự rành, dường như không xa Vườn Chuối. Chính đó là nơi, không phải lần đầu tiên, mà sau đó một thời gian, tôi lấy được quyển Nam hoa kinh Nhượng Tống thứ nhất (nói là "thứ nhất" vì tôi sẽ còn tìm thêm được quyển thứ hai, về sau nữa: xem ở kia).

Lần đầu tiên đến đó, tôi không thực sự có hy vọng gì, vì biết tin trước đó không lâu đã có một cuộc càn quét, tức là có tới thì cũng chưa chắc đã tìm được gì.

Quả nhiên là không còn gì mấy thật. Vài Võ Phiến, hai số tạp chí Thế kỷ hai mươi (tuy nhiên đó lại chính là tiền đề để một thời gian ngắn sau đó tôi kiếm đủ bộ này). Tôi đã chuẩn bị ra về, người chủ nhà chắc cũng thấy ái ngại cho tôi vì thu hoạch được ít quá, thì tôi bỗng để ý đến một quyển sách đóng bìa da màu đen nằm hơi chơ vơ.

Quyển sách hôm ấy tôi tiện tay cầm theo, rồi một ngày đi Huế, tôi sẽ mang theo để đọc, chuyện đã được kể ở kia.

Ấn bản Mộng kinh sư màu đỏ hiện nay rất phổ biến được làm từ chính quyển sách tôi cầm về trong cơn thất vọng năm ấy. Ấn bản Mộng kinh sư (mới) là một thành công vang dội về bán hàng; đồng thời, đó cũng là quyển sách có cái bìa đẹp nhất của sách Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Hai chậu lan Tố Tâm cũng được làm từ sách của tôi.

Đến cả Đồng tiền hai mặt, cũng lại làm từ sách của tôi nốt. Tôi chắc chắn không một ai, ngoài tôi, ở thời điểm này, nghĩ tới Nguyễn Khắc Mẫn, mà lại không phải Nguyễn Khắc Mẫn của cuốn tiểu thuyết ai cũng biết, mà là Đồng tiền hai mặt: cuốn này thì rất ít người biết. Tôi cũng chính lại là người tìm ra dấu vết gia đình của nhà văn để có thể liên hệ mua bản quyền.

À, mà tại sao lại là Đồng tiền hai mặt? Đấy là vì tôi muốn người ta biết rằng trên đời không chỉ có Vỡ đê. Tập Vỡ đê cắt từ Tiểu thuyết thứ Năm có chữ ký Phan Văn Dật, đóng lại thành tập (từ đó mà ngày nay tồn tại một "sách phiên bản"), tôi tìm được ở Huế; tập này thì tôi đem đổi lấy Chương Dân thi thoại ấn bản 1936 (tôi không thấy tôi có chút quan tâm nào đến Vũ Trọng Phụng, và trước sau tôi giữ rất đúng nguyên tắc, là đã không quan tâm thì thôi, không động vào: từng ít nhất bốn lần Lục xì rơi vào tay tôi nhưng tôi đều thả đi luôn; thậm chí có lần, trước cuộc hẹn với người sẽ dẫn tôi đi đến chỗ có thể lấy được Số đỏ 1938, tôi lại quyết định hủy bỏ; xét cho cùng, đó không phải là việc của tôi). Nói tóm lại, Nguyễn Khắc Mẫn có một sự quay trở lại xuất phát từ việc tôi tìm ra được quyển sách đã bị quên lãng.

Cũng từ chỗ nhà sưu tầm đã nhắc ở trên đầu, tôi tìm được Dưới mắt tôi của Trương Chính (một người bạn hớt hải gọi điện thoại cho tôi, nói ở đây có quyển sách ấy). Đây là một quyển vô cùng hiếm. Quay trở lại với "search engine" của Thư viện Quốc gia Việt Nam: ta sẽ không tìm được cuốn sách này (tuy Những bông hoa dại thì vẫn có thể tìm được). Dường như chưa một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nào thực sự đọc Dưới mắt tôi, kể cả những người vẫn được gọi (và tự coi) là chuyên gia về văn học Việt Nam (tôi không phải chuyên gia về văn học Việt Nam, chưa bao giờ); tôi rất tò mò: thật ra, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, họ đọc gì? điều đó dĩ nhiên tôi không thể biết, nhưng có một điều tôi biết, là không ít nhà nghiên cứu toàn đọc báo điện tử Dân trí.

Dưới mắt tôi của Trương Chính là một pha phi thường và quái dị. Ai cũng biết Trương Chính hết. Ai cũng biết là có một cuốn sách (rất xa xưa) của Trương Chính tên là Dưới mắt tôi, nhưng chẳng ai biết thực sự nó như thế nào.

Ta hãy xem:



Bộ Tuyển tập Trương Chính hai tập in khi Trương Chính vẫn còn sống. Dưới mắt tôi chỉ được trích vài bài, đưa vào "phần phụ". Đó là những bài về Nhất Linh, Khái Hưng, thêm Lê Văn Trương. Irony to lớn xuất hiện ở đây: những gì đúng nhất, lớn nhất của nhà phê bình Trương Chính (ở tuổi đôi mươi) nằm chính xác ở những gì đã bị bỏ đi mất, đó là những gì Trương Chính viết về Nguyên Hồng, Từ Ngọc hay Nguyễn Khắc Mẫn, nhưng nhất là những gì Trương Chính viết về Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam và Nguyễn Công Hoan.

(có thêm quyển kẹp ở giữa là vì để phòng trước, sẽ rất dễ nhầm với một cuốn sách mang cùng nhan đề: trong Hương hoa đất nước in năm 1979 này, đề từ là trích lời Trường Chinh: thêm một irony nữa; người ta kể, Trương Chính khi vào dạy lớp sinh viên mới, sẽ trịnh trọng viết tên mình thật to lên bảng, và nói không được nhầm với cái người tên rất hao hao)

Nói tóm lại, trường hợp Trương Chính nói lên vô cùng nhiều điều. Ấn bản đã trở nên rất phổ biến ngày nay được thực hiện từ sách của tôi; tôi cũng chỉ định luôn người viết lời tựa cho nó. Tôi nghĩ ai cũng tưởng tôi sẽ viết lời tựa, nhưng không (tôi sẽ nói thêm về điều này ở đoạn dưới): tôi muốn nhân vật viết lời tựa cho sự quay trở lại cho cuốn phê bình văn học vĩ đại của thời tiền chiến là người duy nhất từng nói được cho tôi một điều mà tôi cần biết ở trường hợp Nguyễn Huy Thiệp; điều này, tôi đã nói rõ khi viết về Nguyễn Huy Thiệp.

Không, tôi không giành lấy quyền viết lời tựa cho một pha kinh điển như vậy, vì tôi chỉ viết lời tựa cho cuốn tiểu thuyết Lan Hữu của Nhượng Tống. Tôi biết là tôi nhất thiết phải làm được cho Lan Hữu quay trở lại, và sau khi nhận mấy lời từ chối, tôi sẵn sàng cho nơi nào in cuốn sách rất nhiều thứ.

Và tôi cho thật, cho bất kỳ cái gì. Phan Du, hai quyển, Trương Chính, cuốn sách huyền thoại, rồi Nguyễn Khắc Mẫn, cuốn sách bất ngờ, đến luôn cả Dương Nghiễm Mậu; vì đúng, cuộc trở lại của Dương Nghiễm Mậu cũng lại là tôi.

Cơ sở xuất bản thậm chí còn chưa mang trả tôi cả đống sách đã mượn của tôi. Nhưng tôi không giống nhà nghiên cứu nào đó ra chỗ đông người gào lên đòi trả sách. Tôi không thấy làm thế thì có gì là xấu, tốt là khác ấy chứ, nhưng tôi không đòi, vì tôi cho không luôn. Tôi cho mọi thứ, muốn gì tôi cũng cho, tôi cho phép chơi cả trò cheating, mang túi thủng đến mà đựng cũng được, tôi vẫn cứ cho, tôi sẽ cho đến lúc nào không thể nhận nổi nữa. Cứ lấy tiếp đi, tôi không tính nợ bất kỳ cái gì hết.


(còn nữa)





Biến mất, trở lại và ý nghĩa (1)
những trở lại
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
Phan Khoang và Phan Du
Lan Hữu trở lại
Mộng kinh sư
Một sự nghiệp tuyệt đẹp
Vàng và máu: một vị trí

6 comments:

  1. "Tình đã cho không lấy lại bao giờ" nhưng mà tự nhiên em hết yêu quý cơ sở xuất bản đó, dù có thể sau này sách vẫn cứ mua

    ReplyDelete
  2. Liên quan và không liên quan: Hôm nào xử lý nốt "Thượng Thư" của Nhượng Tống đi cậu ơi.

    ReplyDelete
  3. Bác nói nghe ghê quá, mấy sách này tôi thấy ra bây giờ hay chục năm nữa cũng có gì khác nhau đâu, với lại chả ai đọc đâu

    ReplyDelete
  4. vài ngày trước tôi vừa nghe tin về sự quay trở lại của Đồ Phồn, người bị lãng quên từ rất lâu. cũng là do bác Nhị làm nhỉ?

    ReplyDelete