Jan 7, 2018

Trở lại với Khái Hưng

Tầm này năm ngoái, tôi viết bài "Đoạn cuối của Khái Hưng", đó là thời điểm tôi đi tới được với một sự nhìn nhận mà tôi nghĩ là tương đối đầy đủ về một quãng thời gian mà tôi gọi là "22 tháng cuối cùng của Khái Hưng". Lúc đó tôi nghĩ, và bây giờ tôi vẫn cho là đúng thế, câu chuyện về 22 tháng này có một ý nghĩa không nhỏ đối với không ít thứ.

Và tiếp tục, phải làm gì?

Trước hết, tôi xem xét lại từng điểm nhỏ. Đến lúc này, tôi bắt đầu nhìn thêm được những gì mà tôi gọi là "rẽ nhánh", những rẽ nhánh có nhiều khi rất bất ngờ. Và lúc này, tôi cũng biết là tôi đã đủ sức trám thêm một số trong số những lỗ hổng còn lại. Trám được một chỗ thì không chỉ thoát khỏi một lỗ hổng, mà cùng lúc, nhờ thế, có thể mở ra những lối đi mới; rất giống hoạt động làm các "polder" tức là đắp đất lấn biển tại một số đất nước châu Âu: người ta lấn được ra biển, và thế là biến được tính chất của biển (và nước biển) thành tính chất của đất liền.

Câu chuyện của Khái Hưng là câu chuyện có biểu nghĩa liên quan rất nhiều tới không ít câu chuyện khác. Đấy là vì ở Khái Hưng Trần Khánh Giư có một độ rộng rất đặc biệt, điều mà tôi hy vọng sẽ có lúc miêu tả được rõ ràng. Đâu là các best-seller đích thực của văn chương tiền chiến Việt Nam? Trong thơ, đó là tập Thơ thơ của Xuân Diệu, còn trong văn xuôi, đó là Nửa chừng xuân của Khái Hưng. Ai thống kê được một cách tương đối chính xác từng có bao nhiêu bản Nửa chừng xuân được in sẽ làm được một việc rất lớn. Theo tôi ước tính, cho đến 1945, Nửa chừng xuân đã được in nhiều chục nghìn bản. Và tất nhiên, bản thân cái nhan đề "Nửa chừng xuân" là một phần của một câu Kiều.

Đấy là một ví dụ về "độ rộng Khái Hưng". Độ rộng này, trước hết, có ý nghĩa: văn xuôi là khả dĩ, tiểu thuyết đã thực sự hình thành (có hình thức, có bản thể - ta hãy gạt khái niệm "nội dung" sang một bên, ít nhất là tạm thời), và được ý thức chung nhìn nhận là đúng. Chỉ Tự Lực văn đoàn mới làm được điều này. Văn chương Việt Nam hình thành với Tự Lực văn đoàn, trong một sự đổ vỡ (tôi muốn nói: một đảo chiều). Thời điểm của điều đó: đầu thập niên 30 của thế kỷ 20.

Tiểu thuyết là gì? Trong quy chiếu với Khái Hưng và Tự Lực văn đoàn, tôi nghĩ có thể phát biểu một định nghĩa như sau: tiểu thuyết là sự mở rộng, trên nền tảng của một đảo chiều. Và đảo chiều cái gì? Đảo chiều thực tại: nói chính xác hơn, thực tại của thơ đã rút dần đi nhường lại cho thực tại của tiểu thuyết. Thơ là thực tại, tiểu thuyết là một thực tại khác.

Pha chuyển (nói đúng hơn, chiếu) từ thơ sang văn xuôi có tính chất quyết định; một cách tường minh, đó là bước đưa thực tại này sang thực tại khác; giống như là từ một vị thế nào đó, tạm gọi là "vị thế cao", đã có một sự hiểu (hiểu tức là gì? là đưa một thực tại này sang một thực tại khác - đó là Claude Lévi-Strauss nói).

Không một nhà văn Việt Nam nào khác làm được điều này; vị trí của Khái Hưng là duy nhất.



Tạm ngừng vài điều dường như hơi trừu tượng (thật ra, tôi nghĩ chúng không hề trừu tượng, thậm chí còn hết sức cụ thể), tôi muốn quay trở lại với thời điểm cách đây một năm. Và liên quan đến một "giới" ở Việt Nam: giới sưu tầm sách.

Trong bài đầu năm ngoái, tôi nói rất rõ ràng là tôi được xem (và chụp lại) một số tài liệu từ một số bộ sưu tập cá nhân. Đó là một phần nhỏ trong số những gì tôi tìm được; và đối với mỗi chủ bộ sưu tập, tôi đều hỏi có muốn tôi ghi rõ tên tuổi không, tất cả đều trả lời là không.

Không lâu sau đó, một trong số những người ấy bỗng đi nói là tôi sai cái này, sai cái kia (không hề nói cụ thể là sai cái gì), và nhất là nói cái gì đó đại khái tôi rất hay tự ái. Điều này khiến tôi rất ái ngại: vì tôi biết người đó, nhà sưu tầm đó, tự ái, chứ không phải là tôi. Không phải là tôi không biết tâm lý của nhiều nhà sưu tầm, tuy có thể cho xem những gì họ lưu giữ, nhưng họ rất không thích ai đó từ những thứ ấy lại suy ra được những gì mà chính họ, những người sở hữu, không hề nhìn ra.

Điều kỳ quặc nằm ở chỗ nhà sưu tầm kia nói như thế, ở một chỗ đông người, chỉ vài ngày sau khi gặp tôi (đó là sau khi tôi đã đăng bài về Khái Hưng). Nếu muốn nói gì thì hoàn toàn có thể nói thẳng với tôi chứ, ấy thế mà không, tuyệt đối không nói gì, nhưng mấy hôm sau lại đi rêu rao ở chỗ đông người thế này thế nọ.

Một điều tôi cũng ái ngại nữa nhà sưu tầm ấy rất muốn trở thành nhà nghiên cứu. Chính tôi là người, khi biết người ấy muốn viết báo, dẫn người ấy đến gặp luôn một nhân vật báo chí ở Hà Nội và ngay lập tức nhà sưu tầm đăng được nhiều bài (mà tôi chưa bao giờ đọc, nhưng nghĩ chắc là rất hay); dẫu giữa báo chí và tôi chẳng có mấy thông hiểu, nhưng việc tìm một tờ báo cho bất kỳ ai lấy làm chỗ đăng bài thì lúc nào tôi cũng làm được ngay lập tức, miễn là có nhờ tôi. Nhà sưu tầm lại còn muốn viết sách và từng (tất nhiên, đấy là trước bài Khái Hưng và mấy chuyện sau đó hồi năm ngoái) nói với tôi; tôi rất ngán nhưng tôi vẫn nhất trí sẽ giúp, và tôi đã nói sẽ giúp thì tức là tôi sẽ giúp, chỉ cần viết được, bất kỳ cái gì, tôi cũng biến được nó thành một thứ không tệ. Trong giới xuất bản, có truyền thuyết kể rằng một tác giả nọ viết thư gửi nhà xuất bản, nói ông ta mới viết được một cuốn sách rất là hay nhưng vì ngại mấy thứ vặt vãnh nên không bỏ dấu chấm dấu phẩy và đề nghị nhà xuất bản điền hộ; nhà xuất bản bèn trả lời, ông cứ gửi các dấu chấm dấu phẩy, chúng tôi sẽ điền nội dung, như vậy thì thuận tiện hơn. Tôi tin câu chuyện ấy.

Trong cuộc nói ở chỗ đông người còn có thêm một nhà sưu tầm sách rất nổi tiếng nữa (thành tích lớn liên quan đến Giông tố bản 1937; gần đây đã xuất hiện thêm một Giông tố 37 nữa), cũng nói kiểu vu vơ; nhân vật này thích sưu tầm bia mộ, trông mặt giờ cũng giống cái bia mộ lắm rồi.

Và "chỗ đông người" là ở đâu? Ồ, bất ngờ chưa, đó là trên facebook của một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng: Lại Nguyên Ân.

Một cuốn sách mới in gần đây của Lại Nguyên Ân, tôi có nhắc đến ở kia. Nhưng tôi có thể nói một điều: những gì viết trong cuốn sách ấy liên quan đến tờ Trăm hoa là không đúng. Điều hài hước là trước đó, khi tìm ra những số lâu nay bị thiếu chưa ai tìm được của Trăm hoa (đoạn Nguyễn Bính, trên đó có các bài cho thấy Nguyễn Bính chính là đao phủ của Nhân văn-Giai phẩm), tôi đã báo tin đầu tiên cho chính ông Lại Nguyên Ân, tức là ông Lại Nguyên Ân hoàn toàn biết, thế nhưng khi in sách ông không hề sửa lại bài cũ: tình trạng tư liệu liên quan đến Trăm hoa ở trong đó hoàn toàn sai.

Tôi cũng nghĩ tôi đã tìm ra một định nghĩa cho trí thức Việt Nam: trí thức Việt Nam là những người lê la facebook.

Và trong số ấy có không ít nhà sưu tầm sách. Bùi Quốc Huy chẳng hạn, giống y con khỉ chuyền cành, có ý kiến về một trăm nghìn lĩnh vực, gì cũng thông thạo hết.




nhân tiện: đã tiếp tục Sao cho trong ấm của Balzac




Khái Hưng Nguyễn Tuân
Đoạn cuối của Khái Hưng
Khái Hưng vs Phạm Quỳnh
Khái Hưng viết về Hồ Hữu Tường
Văn chương miền Nam: Hồ Hữu Tường (2) Hà Nội
Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
những trở lại
Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu

Lan Hữu trở lại
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác

7 comments:

  1. hi vọng năm nay anh viết về sự đọc của Khái Hưng

    ReplyDelete
  2. "bước chuyển" thật tinh tế.
    người ta cứ bị nghe "tiểu thuyết VN" như là thứ vật-tự-nó. nhưng cuộn chỉ Arian đây nhỉ.

    ReplyDelete
  3. Tôi thấy bác Ân và bác Bảo Thư có phản ứng lại bài viết này, bác Thư tôi chả bàn nhưng ý kiến của bác Ân thì Nhị Linh thấy sao, chả biết ai đúng ai sai.

    ReplyDelete
  4. qua câu chuyện này, có thể thấy rõ là chẳng một ai quan tâm đến Nguyễn Bính thì như thế nào, Khái Hưng thì như thế nào, tất tật đều chỉ lo chứng tỏ mình là người giỏi giang, công chính và tốt đẹp, ngày nào cũng rửa mặt bằng xà phòng trước khi gào lên lịch sử và xã hội là bất công và tiếp tục công cuộc thương vay khóc mướn

    ReplyDelete
  5. St bia mộ thì, em biết ai rồi.
    Chán nhỉ!
    Thế là, cmt trước, về yếu nhân của Trúc bạch TX, coi như bể, nhỉ :(
    Thôi, em quay qua, chơi với người săn sóc bìa.

    ReplyDelete
  6. giao du rộng nhỉ, chắc quen luôn cả người đóng sách, chuyên làm bản đặc biệt?

    ReplyDelete
  7. giới sưu tầm cũng nhiều mặc cảm

    ReplyDelete