Mar 21, 2020

projet Maupassant

nhân tiện tròn thêm một triệu view (lần thứ n): khởi động một vụ mới

vì có vẻ như khi dùng từ "project" thì mọi chuyện không được suôn sẻ cho lắm (ví dụ, xem ởkia), cho nên lần này tôi chuyển sang dùng "projet" - à mà cũng không hẳn, vì như ởkia thì cũng đâu quá tệ; chẳng biết đâu mà lần


Trong mục các nhân vật văn chương nước ngoài ở Việt Nam (xem ởkia, và theo các đường link trở ngược về trước), Guy de Maupassant mới thực sự là trường hợp hấp dẫn, một trong những gì kích thích mạnh nhất. Tôi đã đến được với một kiểm kê tương đối sát sạt mọi thứ gì của Maupassant từng xuất hiện ở Việt Nam, tính đến từng truyện ngắn nhỏ. Như vậy là đủ để làm cả một luận án tiến sĩ - thậm chí còn hơi quá so với đòi hỏi. Chính vì thế, tôi thấy cần phải có một toàn tập Maupassant: một bộ sách đầy đủ mọi truyện ngắn, trong tiếng Việt. Maupassant là con người của truyện ngắn, hãy hình dung nhìn chung có khoảng 300 truyện, ấy là một khối khổng lồ. Tiểu thuyết không đáng quan tâm lắm (dẫu thế nào, Maupassant đâu phải Flaubert - thêm nữa, trong tiếng Việt, tiểu thuyết Maupassant lại tương đối không quá bị hụt). Nhưng tôi thấy Chroniques của Maupassant lại đặc biệt quan trọng - có lẽ tôi sẽ tiến hành song song nouvelles cùng chroniques.

Tương quan giữa Maupassant và tôi không hề yên ổn. Tất nhiên tôi có đọc Maupassant, đọc nhiều là khác; tôi đọc Une vie từ rất sớm. Nhưng tôi nghĩ tôi giống Roland Barthes (không phải để vơ vào đâu, hay nói đúng hơn, không phải par ricochet - à mà nghĩ thế nào cũng được), tức là Barthes của Le Degré zéro de l'écriture, trong đó ví dụ về văn chương tệ hại (thương mại, dễ dãi, etc.) là văn chương Maupassant.

Nhưng Barthes đã thay đổi (như Barthes từng nói, trong một bài phỏng vấn: "j'évolue" - ấy là nói chung, chứ thay đổi ở Barthes có thể đi theo rất nhiều hướng khác nhau). Chừng như Barthes đã đọc lại Maupassant, sau Le Degré không ít thời gian, và hiểu ra mình đã nhầm lẫn như thế nào - kết quả của cái đó là một lời tựa tuyệt đẹp cho một ấn bản in tác phẩm Maupassant (tôi sẽ đến với nó một cách cụ thể sau). Văn chương Maupassant không hề đơn giản.

Tôi cũng vậy. Khi quyết định đọc truyện ngắn Maupassant trong toàn thể, cách đây vài năm, tôi hiểu ra là quá dễ để nghĩ đó là một văn chương dễ dãi - bởi vì nó không như vậy. Nhưng các truyện ngắn của Maupassant cần được nhìn nhận trong tổng thể của chúng.

Vì vậy cho nên, bắt đầu thôi.

Dự án (projet) về toàn tập truyện ngắn Maupassant gần đây đã bị một cơ sở xuất bản Việt Nam từ chối. Tôi nghĩ đó chính là một may mắn lớn, cho Maupassant cũng như cho chúng ta.




Đốc tờ Héraclius Gloss

- Maupassant


I. Đốc tờ Héraclius Gloss ra sao, về mặt tinh thần

Ấy là một người rất uyên bác, đốc tờ Héraclius Gloss. Dẫu chưa từng bao giờ một cuốn sách nhỏ nhất ký tên ông xuất hiện tại các hiệu sách của thành phố, thì mọi cư dân của đô thành thông thái Balançon đều xem đốc tờ Héraclius là một người rất uyên bác.

Cách nào và về cái gì mà ông là đốc tờ? Hẳn không ai nói được. Người ta chỉ biết rằng bố của ông và ông của ông từng được những người đồng hương gọi là đốc tờ. Ông đã nhận truyền thừa danh hiệu từ họ, cùng lúc với họ của họ và tài sản của họ; trong gia đình họ là đốc tờ từ cha đến con, giống như, từ cha đến con, họ tên là Héraclius Gloss.

Thêm nữa, mặc dù chẳng hề sở hữu tờ đíp lôm nào được ký và đối ký bởi mọi thành viên của trường đại học xuất chúng nào đó, đốc tờ Héraclius đâu vì thế mà kém phần là một con người rất mực cao vời và rất mực uyên bác. Chỉ cần nhìn bốn mươi giá chất đầy sách phủ kín bốn vách ca bi nê rộng thênh thang của ông là đã đủ tin rằng chưa bao giờ có đốc tờ nào uyên thâm hơn từng làm rạng danh đô thành Balançon. Rốt cuộc, mỗi lần nào có ai nhắc đến ông trước mặt ngài trưởng khoa hay ngài hiệu trưởng là người ta lại luôn luôn thấy họ mỉm cười đầy bí ẩn. Thậm chí người ta còn kể rằng một hôm ngài hiệu trưởng từng có một bài ngợi ca ông rất dữ bằng tiếng Latin trước mặt Đức ông Giám mục; chứng nhân kể lại chuyện này lại còn trích dẫn làm bằng, không thể cãi, mấy lời này mà anh ta đã nghe được:

Parturiunt montes, nascitur ridiculus mus.

Chưa hết, ngài trưởng khoa và ngài hiệu trưởng tối Chủ nhật nào cũng dùng bữa ở nhà ông; vậy nên hẳn chẳng ai dám đặt nghi ngờ về chuyện đốc tờ Héraclius Gloss có phải một người rất uyên bác hay không.


II. Đốc tờ Héraclius Gloss ra sao, về mặt thể chất

Nếu đúng, như một số triết gia bảo, rằng có một sự hài hòa hoàn hảo giữa tinh thần và thể chất nơi một con người, và người ta có thể đọc trên các đường của khuôn mặt những nét chính yếu của tính cách, thì đốc tờ Héraclius đã không được sinh ra để cung cấp một phản bác cho nhận định ấy. Ông thấp, lanh lẹ và bồn chồn. Ở ông có một cái gì của chuột, của chồn và của chó baxet, tức ông thuộc về họ của những kẻ hay tìm kiếm, những kẻ gặm nhấm, những kẻ săn lùng và những kẻ không biết mệt mỏi. Nhìn ông, người ta không sao hình dung được rằng tất tật các học thuyết mà ông từng nghiên cứu có thể đi vào cái đầu nhỏ tí kia, nhưng người ta tưởng tượng, thay vì thế, là chắc chính ông xâm nhập khoa học và sống trong đó, sột soạt nó như một con chuột trong một quyển sách lớn. Cái đặc biệt hơn cả của ông là sự mỏng lét ngoạn mục của thân hình ông; bạn của ông, ngài trưởng khoa, nói, có lẽ chẳng phải không có lý, rằng chắc ông đã bị bỏ quên suốt nhiều thế kỷ, kẹp vào giữa những trang của một quyển sách khổ in-folio, bên cạnh một bông hoa hồng cùng một bông vi-ô-lét, bởi lúc nào ông cũng rất điệu và xức nước hoa. Nhất là khuôn mặt ông, có dáng diệu của một lưỡi dao lam đến mức hai gọng cái kính vàng của ông, vượt vô chừng mực hai bên thái dương của ông, trông khá là giống một cái trục căng buồm lớn trên cột chính một con tàu. “Nếu chẳng phải là đốc tờ Héraclius uyên bác, đôi khi ngài hiệu trưởng trường đại học Balançon nói, thì chắc chắn ông ấy hoàn toàn có thể trở thành một con dao rọc giấy hảo hạng.”

Ông mang tóc giả, ăn vận chải chuốt, không bao giờ ốm, yêu thú vật, không ghét người và sùng mộ những cái xiên thịt chim caille [chim này rất hiện diện trong các truyện của Maupassant].


III. Đốc tờ Héraclius dùng mười hai tiếng ban ngày làm những gì

Đốc tờ vừa mới chỉ thức dậy, rửa ráy, cạo râu và điểm tâm một cái bánh nhỏ quết bơ nhúng cốc sô cô la vị va ni xong xuôi là xuống vườn ngay. Vườn không rộng, như mọi khu vườn thành phố, nhưng dễ chịu, mát mẻ nhiều hoa, yên tĩnh, hẳn tôi sẽ nói là đầy suy tư, nếu tôi đủ bạo gan. Tóm lại người ta cứ hình dung khu vườn lý tưởng của một triết gia đang tìm kiếm sự thật thì phải như thế nào, là sẽ không ở xa chỗ biết khu vườn mà đốc tờ Héraclius Gloss rảo bước đi quanh ba hay bốn vòng, trước khi buông mình vào những xiên thịt chim caille hằng ngày, trong bữa thứ hai. Bài tập luyện nhỏ này, ông hay nói, là tuyệt hảo cho lúc mới ra khỏi giường; nó làm sống lại chu trình của máu, vốn dĩ ì ra do giấc ngủ, đuổi đi những u ám khỏi óc và chuẩn bị các con đường của tiêu hóa.

Sau đó thì đốc tờ dùng bữa trưa. Rồi, ngay khi uống cà phê xong, và ông uống nó chỉ một hơi, không bao giờ buông thả bản thân vào những lơ mơ gà gật của sự tiêu hóa đã khởi đầu tại bàn ăn, ông vận lên mình chiếc rơ đanh gốt lớn rồi đi. Và mỗi ngày, sau khi đi qua trước trường đại học, và chỉnh giờ trên chiếc đồng hồ quả quýt Louis XV của mình theo đồng hồ to của trường, ông biến mất vào ngõ Bồ Câu Già, từ đó ông chỉ chui ra để về nhà ăn tối.

Vậy đốc tờ Héraclius Gloss làm gì tại ngõ Bồ Câu Già? Những gì mà ông làm ở đó, Chúa ơi!… ông tìm ở đó sự thật triết học - và sau đây là bằng cách nào.

Nơi ngõ nhỏ kia, tăm tối và bẩn, tất tật chủ hiệu sách của Balançon tụ hội. Chắc phải cần đến nhiều năm thì mới có thể đọc hết, dẫu chỉ là nhan đề mọi quyển sách bất ngờ, chất đống từ hầm lên tới tầng áp mái, tại năm mươi nhà xập xệ tạo nên ngõ Bồ Câu Già.

Đốc tờ Héraclius coi cái ngõ, nhà cửa, các chủ hiệu và những quyển sách như là sở hữu riêng của ông.

Thường xảy ra chuyện, ông lái đồ lạc xoong nào đó, vào lúc lên giường đi ngủ, nghe thấy có tiếng lịch kịch trên tầng áp mái, và rón rén đi lên, vũ trang một thanh kiếm lưỡi sùi khổng lồ thuộc thời xa xưa, ông ta nhìn thấy… đốc tờ Héraclitus Gloss - nửa thân mình chôn dưới các đống sách, trên tay cầm một mẩu nến đang tan ra chảy vào những ngón tay ông, còn tay kia thì lật giở một bản thảo cổ kính từ đó có lẽ ông hy vọng sẽ vọt trào sự thật. Và ông đốc tờ khốn khổ hết sức sửng sốt khi biết chuông ngoài tháp đã điểm chín giờ từ lâu, và ông sẽ phải ăn một bữa tối đáng ghét.

Đấy là bởi ông tìm kiếm nghiêm túc lắm, đốc tờ Héraclius! Ông biết cặn kẽ tất tật các triết học cổ cũng như hiện đại; ông từng nghiên cứu các giáo phái Ấn Độ cùng những tôn giáo người mọi châu Phi; không có tộc người nhỏ bé đến mức nào giữa những người man rợ miền Bắc hay những người dã man miền Nam mà ông chưa thăm dò các tín ngưỡng! Than ôi! Than ôi! càng nghiên cứu, càng tìm, càng sục, càng suy tư, thì ông lại càng thêm phần thiếu chắc chắn: “Bạn ơi, một tối nọ ông nói với ngài hiệu trưởng, sao mà sung sướng, hơn chúng ta nhiều, những Colomb lao mình qua các biển để đi tìm một thế giới mới; bọn họ chỉ cần cứ thế đi về phía trước mà thôi. Những khó khăn chặn họ lại đều chỉ phát xuất từ các trở ngại vật chất mà một con người quả cảm luôn luôn vượt qua được; trong khi chúng ta, cứ không ngừng trôi nổi trên đại dương của những điều không chắc, đột nhiên bị lôi kéo bởi một giả thuyết giống một con tàu bởi gió aquilon, thế là bỗng chúng ta gặp, hệt cơn gió ngược, một học thuyết đối nghịch, nó đưa chúng ta trở lại, chẳng kèm chút hy vọng nào, bến cảng khởi hành ban đầu.”

Một đêm kia, ông triết lý với ngài trưởng khoa, ông nói: “Người ta thật có lý, bạn ơi, khi bảo sự thật thì ở dưới một cái giếng… Những cái xô cứ liên tiếp được thả xuống để vớt nó nhưng lúc nào cũng chỉ có thể lấy lên được nước lã… Tôi xin mời anh đoán, ông láu lỉnh nói thêm, tôi viết từ [seau cái xô và sot bọn xuẩn, đồng âm] thế nào.”

Đó là trò chơi chữ duy nhất người ta từng được nghe ông phát ra.


IV. Đốc tờ Héraclius dùng mười hai tiếng ban đêm làm những gì

Khi đốc tờ Héraclius về đến nhà, buổi tối, thông thường ông béo hơn nhiều so với lúc đi. Ấy là bởi mọi túi quần túi áo của ông, và ông có mười tám túi cả thảy, nhét đầy những quyển sách triết học cổ, mà ông vừa mua ở ngõ Bồ Câu Già; và ông hiệu trưởng ranh mãnh bảo, nếu có nhà hóa học nào phân tích ông vào thời điểm đó, chắc hẳn ông ta sẽ thấy rằng giấy cũ chiếm hai phần ba cấu tạo của đốc tờ.

Bảy giờ, Héraclius Gloss ngồi vào bàn, và vừa ăn ông vừa lướt qua những quyển sách cũ mà ông vừa tự biến mình thành người chiếm hữu.

Tám giờ rưỡi thì đốc tờ uy nghiêm đứng dậy, đó không còn là con người nhỏ bé nhậm lẹ và lanh lợi như ông từng suốt cả ngày, mà là nhà tư tưởng nghiêm trang với vầng trán nhăn lại dưới trọng lượng những suy tư tót vời, giống một phu khuân vác dưới một khối quá nặng phải gánh. Sau khi tung cho bà quản gia một câu oai vệ “tôi không tiếp ai” ông biến mất vào phòng ca bi nê. Vào đến đó là ông ngồi ngay xuống trước bàn làm việc chất đầy sách và… ông nghĩ. Một cảnh tượng mới lạ thường làm sao cho người nào, lúc ấy, nhìn được vào suy nghĩ của đốc tờ! !… Cuộc diễu gớm ghiếc của các Vị Thần trái ngược nhau nhất và các tín ngưỡng tản mát nhất, sự giao nhau đầy huyền ảo của những học thuyết cùng giả thuyết. Ấy giống như một đấu trường nơi mọi triết học lao sầm vào nhau trong một cuộc thi thố khổng lồ. Ông trộn, ông nối, ông hòa thuyết duy linh phương Đông cũ kỹ vào với vật chất luận Đức, đạo đức của các Tông Đồ với đạo đức của Épicure. Ông thử các kết hợp những học thuyết giống người ta thử, trong phòng thí nghiệm, các kết hợp hóa học, nhưng chẳng bao giờ thấy sôi lên trên bề mặt cái sự thật được mong muốn nhường kia - và ngài hiệu trưởng bạn tốt của ông ủng hộ rằng sự thật triết học vĩnh viễn được trông chờ đó thì rất giống một hòn đá triết học… ngáng đường.

Đến nửa đêm, đốc tờ đi ngủ - và những giấc mơ trong cơn ngủ của ông cũng chính là những giấc mơ của ông khi thức.


V. Như thế nào mà ngài trưởng khoa trông đợi mọi điều từ thuyết chiết trung, đốc tờ từ khải ngộ còn ngài hiệu trưởng, từ tiêu hóa

Một tối nọ, ngài trưởng khoa, ngài hiệu trưởng và ông họp nhau trong ca bi nê rộng lớn của ông, họ có một cuộc tranh luận thuộc hàng những gì hấp dẫn nhất.

“Bạn ơi, ngài trưởng khoa nói, cần phải chiết trung và theo thuyết Épicure. Hãy chọn những gì là tốt, ném bỏ đi những gì là xấu. Triết học là một khu vườn rộng mở ra trên toàn trái đất. Hãy hái lấy các bông hoa nở rộ của phương Đông, những kỳ hoa nở nhợt nhạt của miền Bắc, các bông vi-ô-lét cùng hoa hồng những khu vườn, bó chúng thành bó rồi ngửi. Dẫu hương thơm của nó không phải tuyệt hảo nhất mà người ta có thể mơ, thì ít nhất nó cũng sẽ dễ chịu, và êm dịu hơn cả nghìn lần so với hương một bông hoa duy nhất - cho dù đó là loài hoa thơm nhất trên đời. - Chắc chắn là đa dạng hơn rồi, đốc tờ đáp, nhưng êm dịu hơn thì không, nếu thật ông tìm được bông hoa tụ hội và tập trung nơi nó tất tật hương thơm những hoa khác. Bởi, trong bó hoa của ông, ông sẽ chẳng thể nào ngăn vài mùi gây hại lẫn nhau và, ở triết học, một số lòng tin trái ngược nhau. Cái đúng là một - và với thuyết chiết trung của ông, bao giờ ông cũng sẽ chỉ có được một sự thật của các mảnh và các mẩu. Tôi cũng từng là người chiết trung, giờ tôi là người chuyên nhất. Điều tôi muốn, đó không phải một đại khái của gặp lẫn nhau, mà là sự thật tuyệt đối. Mọi con người trí tuệ, tôi nghĩ, đều có dự cảm về điều ấy và ngày nào tìm thấy nó trên con đường của mình, anh ta sẽ kêu lên: “nó đây rồi”. Cũng như vậy, đối với vẻ đẹp; vậy nên tôi, cho đến tuổi hăm lăm tôi chưa yêu; tôi từng thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp, nhưng họ chẳng có ý nghĩa gì với tôi - để cấu tạo nên con người lý tưởng mà tôi thoáng thấy, hẳn phải cần lấy từ mỗi người một cái gì đó, và kể cả vậy thì chuyện vẫn giống bó hoa mà ông vừa nhắc tới, hẳn ta không thể theo cách ấy mà đạt được vẻ đẹp hoàn hảo vốn dĩ chẳng thể nào gỡ nhỏ ra, như vàng và sự thật. Rốt cuộc một ngày, tôi đã gặp người phụ nữ đó, tôi hiểu ngay đó là nàng - và tôi đã yêu nàng.” Đốc tờ, có chút xúc cảm, im bặt, và ngài hiệu trưởng cười đầy vẻ láu lỉnh, nhìn sang ngài trưởng khoa. Sau một lúc Héraclius Gloss nói tiếp: “Chính là từ khải ngộ mà chúng ta phải chờ đợi mọi thứ. Chính khải ngộ đã soi sáng tông đồ Paul trên con đường đi Damas và trao cho ông lòng tin Ki-tô. - … và ấy không phải lòng tin đúng, ông hiểu trưởng phá lên cười, ngắt ngang lời, vì ông đâu có tin - do đó khải ngộ không chắc chắn hơn so với chiết trung thuyết. - Xin lỗi bạn ơi, đốc tờ nói, Paul đâu phải một triết gia, ông đã có một khải ngộ thuộc dạng đại khái. Tinh thần ông hẳn đã không thể nắm bắt sự thật tuyệt đối vốn dĩ trừu tượng. Nhưng kể từ bấy triết học đã tiến bước, và cái ngày một hoàn cảnh nào đó, một cuốn sách, có lẽ một lời, hé lộ nó cho một người đủ sáng trí hiểu được nó, thì nó sẽ đột nhiên soi sáng người ấy, và tất tật những trò mê tín sẽ bị xóa đi trước nó giống các ngôi sao lúc mặt trời lên. - Amen, hiệu trưởng đáp, nhưng đến hôm sau ông sẽ có một người được lóe sáng thứ hai, người thứ ba hôm sau nữa, và họ sẽ ném vào mặt nhau các khải ngộ của họ, chúng, thật may sao, không phải những thứ vũ khí quá mức nguy hiểm. - Nhưng vậy thì tức là ông chẳng tin gì hết?” đốc tờ kêu lên, ông bắt đầu giận. “Tôi tin vào Tiêu Hóa, hiệu trưởng nghiêm trang đáp. Tôi nhai nuốt, một cách thờ ơ, mọi tín ngưỡng, mọi giáo thuyết, mọi đạo đức, mọi mê tín, mọi giả thuyết, mọi ảo tưởng, cũng như, vào một bữa tối ngon lành, tôi ăn, với sự ngon miệng bằng nhau, canh, hors-d’oeuvre, rô ti, la ghim, món phụ và tráng miệng, sau đó theo lối triết học rất mực, tôi nằm ra giường, chắc chắn về việc cuộc tiêu hóa bình thản của tôi sẽ mang đến cho tôi một giấc ngủ dễ chịu cho ban đêm, sự sống cùng sức khỏe cho ngày hôm sau. - Nếu các ông tin lời tôi, trưởng khoa vội xen vào, chúng ta thôi đừng đẩy xa sự so sánh thêm nữa.”

Một tiếng sau, khi họ ra khỏi nhà Héraclius uyên bác, đột nhiên hiệu trưởng phá lên cười và nói: “Cái ông đốc tờ khốn khổ kia! nếu sự thật hiện ra với ông ấy như người phụ nữ được yêu, thì ông ấy sẽ là người bị đánh lừa nhiều nhất mà trái đất từng có bao giờ mang trên mình.” Và một tên xỉn đang cố mò về nhà ngã bổ chửng vì kinh hãi trước tiếng cười hùng hậu của trưởng khoa như tiếng trầm thật sâu đệm theo chất giọng kim cao vống của hiệu trưởng.


VI. Như thế nào mà con đường đi Damas của đốc tờ lại nằm ở ngõ Bồ Câu Già, và làm sao sự thật sáng bừng lên dưới hình thức một bản thảo về luân hồi thuyết

Ngày 17 tháng Ba năm hồng ân một nghìn bảy trăm - bao nhiêu đó - đốc tờ thức dậy, thấy mình bừng bừng sốt. Trong đêm, ông đã nhiều lần thấy khi mơ một người đàn ông da trắng cao lớn, ăn vận kiểu cổ xưa đưa ngón tay chạm vào trán ông, và phát ra những lời không sao hiểu nổi, và giấc mộng ấy với Héraclius uyên bác dường là một cảnh báo rất nhiều ý nghĩa. Nó là cảnh báo về cái gì?… và nó có ý nghĩa ở đâu?… đốc tờ không biết rõ lắm, thế nhưng ông đợi điều gì đó.

Sau bữa trưa như thường lệ ông đi tới ngõ Bồ Câu Già và bước vào, đúng lúc giữa trưa điểm chuông, số 31, cửa hiệu của Nicolas Bricolet, bán trang phục, lái buôn đồ gỗ cổ, chủ tiệm sách và chuyên sửa giày cổ, tức là thợ vá giày, vào những khi không có gì làm. Đốc tờ, như được một cảm hứng xui giục, leo ngay lên tầng áp mái, đặt tay lên giá thứ ba một cái tủ Louis XIII và rút từ đó ra một bản thảo viết tay dày bằng da dê tên là:

MƯỜI TÁM LẦN CHUYỂN KIẾP CỦA TÔI.
CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG TỒN TẠI CỦA TÔI TỪ NĂM 184
THUỘC KỶ GỌI LÀ KI-TÔ

Ngay sau cái nhan đề kỳ khôi đó là lời tựa sau, mà Héraclius Gloss vội vàng lần đọc không sao kìm chế nổi:

“Bản thảo này, chứa đựng câu chuyện trung thành về những chuyến tôi đầu thai, đã được tôi bắt đầu viết tại thành đô La Mã vào năm CLXXXIV thuộc kỷ nguyên Ki-tô, như trên đây đã nói.

“Tôi ký tên viết lời giải thích này dành để soi sáng cho những con người về các xen kẽ trong sự xuất hiện trở lại của linh hồn, hôm nay, ngày 16 tháng Tư năm 1748, tại thành phố Balançon nơi những oái oăm của số phận tôi đã ném tôi vào.

“Đối với bất kỳ ai được rọi sáng và bận tâm về các vấn đề triết học sẽ chỉ cần đặt ánh mắt xuống những trang này là đủ để ánh sáng sẽ tỏa rạng trong anh ta theo lối chói lói nhất.

“Tôi sẽ, để được như vậy, tóm tắt trong vài dòng phần chính yếu câu chuyện của tôi, mà người ta sẽ có thể đọc ở dưới, chỉ cần biết tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp; vì, vào các thời kỳ khác nhau trong những xuất hiện trở lại dưới hình thức con người của tôi, tôi đã sống ở chỗ những dân tộc khác nhau đó. Rồi tôi sẽ giải thích bằng chuỗi ý nào, bằng những cẩn trọng tâm lý học nào và bằng các phương tiện thuộc thuật ghi nhớ nào, mà tôi đã không thể sai trệch đến với những kết luận thuộc luân hồi thuyết.

“Năm 184, tôi sống ở Rome và tôi là triết gia. Một hôm đang đi dạo trên Via Appia thì tôi nảy ra ý rằng Pythagore có thể đã giống như bình minh hẵng còn dùng dằng của một ngày lớn lao sắp sinh ra. Kể từ khoảnh khắc ấy tôi chỉ có độc một ham muốn, một mục đích, một mối bận tâm thường hằng: nhớ lại quá khứ của tôi. Hỡi ôi! tất tật nỗ lực của tôi đều vô vọng, chẳng gì đến với tôi từ những tồn tại trước.

“Thế nhưng một ngày kia do tình cờ tôi nhìn thấy trên bệ một bức tượng Jupiter đặt nơi sân trong nhà tôi, vài nét mà tôi đã khắc vào từ hồi còn trẻ và đột nhiên chúng nhắc tôi về một sự kiện đã quên từ lâu. Cái đó giống như một tia sáng; và tôi hiểu rằng nếu vài năm, thậm chí chỉ một đêm, là đủ để xóa đi một kỷ niệm, thì lại càng hơn thế nữa, những chuyện đã hoàn thành trong các tồn tại trước, trên đó đã lướt qua cơn mộng mị lớn những cuộc đời trung gian và thuộc thú vật, phải biến mất khỏi ký ức chúng ta.

“Thế là tôi bèn khắc câu chuyện của tôi lên các tấm bảng đá, hy vọng số phận rồi đây sẽ đặt nó dưới mắt tôi, và đối với tôi nó sẽ giống như những chữ tìm thấy lại trên bệ pho tượng.

“Điều tôi mong muốn đã được hiện thực hóa. Một thế kỷ sau, khi tôi đang là kiến trúc sư, người ta giao cho tôi phá một ngôi nhà cũ để xây một cung điện vào chỗ trước đây của nó.

“Đám công nhân mà tôi chỉ huy, một hôm, mang tới cho tôi một phiến đá vỡ phủ đầy chữ viết mà họ đã tìm được trong lúc đào móng. Tôi bắt tay vào giải mã nó - và khi đọc cuộc đời của cái người đã vạch những ký hiệu kia, trong giây phút vụt trở lại với tôi như những luồng sáng đi rất nhanh từ một quá khứ đã quên. Dần dà ánh sáng lớn bừng lên trong tâm hồn tôi, tôi hiểu, tôi nhớ lại. Phiến đá, ấy chính tôi đã khắc lên nó!

“Nhưng trong quãng giãn cách một thế kỷ đó tôi đã làm những gì? tôi đã là gì? dưới hình thức nào tôi đã chịu đau đớn? chẳng gì có thể nói cho tôi điều đó.

“Tuy nhiên một ngày kia tôi đã có một dấu chỉ, nhưng nó yếu và rối tung đến mức hẳn tôi sẽ không dám nói ra. Một ông già vốn dĩ là hàng xóm của tôi kể cho tôi là người ta đã cười rất nhiều tại Rome, năm mươi năm về trước (đúng chín tháng trước khi tôi sinh ra) về một phiêu lưu xảy tới với nguyên lão nghị viên Marcus Antonius Cornélius Lipa. Vợ ông, xinh đẹp, và cũng rất trụy lạc, người ta kể, đã mua ở chỗ đám lái buôn Phénicien một con khỉ to mà bà ta rất yêu. Nguyên lão Cornélius Lipa ghen với tình cảm mà một nửa của ông ta dành cho con thú bốn tay mang bộ mặt người đó nên giết nó đi. Nghe câu chuyện ấy tôi có một tri giác rất mù mờ, rằng con khỉ đó chính là tôi, rằng dưới hình thức kia tôi đã chịu đựng thật lâu như kỷ niệm về một sự sa đọa. Nhưng tôi chẳng tìm ra được gì thật sáng sủa và cụ thể. Tuy nhiên tôi đã được dẫn tới chỗ thiết lập giả thuyết ấy, ít nhất thì nó cũng khả dĩ lắm.

“Hình thức thú vật là một hình phạt áp đặt cho linh hồn do những tội ác đã phạm dưới hình thức người. Kỷ niệm về các tồn tại cao hơn được trao cho con thú nhằm trừng phạt nó thông qua cảm giác về sự sa đọa của nó.

“Chỉ linh hồn được thanh tẩy nhờ nỗi đau đớn mới có thể lấy lại hình thức con người, khi đó nó đánh mất ký ức về các thời kỳ thú mà nó đã đi qua vì nó đã được tái sinh và nhận thức ấy đối với nó hẳn sẽ là một đau đớn không đáng phải chịu. Do vậy con người phải bảo vệ và tôn trọng con vật như người ta tôn trọng một kẻ tội phạm đang đền tội và cũng là để những người khác bảo vệ mình lúc, đến lượt anh ta, anh ta xuất hiện trở lại dưới hình thức này. Điều đó khá gần với câu sau đây của đạo đức Ki-tô: “Đừng làm với người khác những gì mi không muốn người ta làm với mi.”

“Người ta sẽ thấy, qua câu chuyện về những kiếp luân hồi của tôi, bằng cách nào tôi đã có hạnh phúc tìm lại được các ký ức nơi mỗi tồn tại của tôi; bằng cách nào tôi lại viết thêm lần nữa câu chuyện này trên những tấm bảng kim loại, rồi trên giấy papyrus Ai Cập, và cuối cùng, rất lâu về sau, trên da dê Đức mà ngày hôm nay tôi vẫn còn dùng.

“Tôi còn cần phải rút ra kết luật triết học về học thuyết này.

“Mọi triết học đều đã dừng lại trước vấn đề không thể giải quyết của phần số linh hồn. Các giáo thuyết Ki-tô giờ đây chiếm thế thượng phong giảng rằng Chúa sẽ tập hợp những người công chính tại một thiên đường, và gửi những kẻ độc ác xuống địa ngục, ở đó bọn họ bị thiêu cùng quỷ.

“Nhưng lương tri hiện đại không còn tin vào Chúa với khuôn mặt trưởng lão ấp dưới cặp cánh của mình những linh hồn người tốt giống một con gà mái với lũ gà con của nó; và thêm nữa lý trí nói ngược lại các giáo thuyết Ki-tô.

“Vì thiên đường chẳng thể ở đâu và địa ngục chẳng thể ở đâu:

“Bởi không gian vô tận là nơi sống của những thế giới tương tự với thế giới của chúng ta;

“Bởi bằng cách lấy các thế hệ đã cứ thế tiếp nối nhau kể từ khởi thủy của trái đất này nhân với các thế hệ từng nhung nhúc tại những thế giới vô số kể có người ở giống thế giới chúng ta, hẳn ta sẽ có một số lượng linh hồn siêu nhiên và bất khả, vì số nhân là vô tận, đến mức Chúa hẳn nhất định sẽ phát điên, dẫu cho đầu của Chúa có vững chãi tới đâu, và Quỷ hẳn cũng sẽ thế, điều này dẫn đến một rối loạn rất phiền;

“Bởi, số lượng linh hồn người công chính vốn dĩ vô tận, cũng như số lượng linh hồn bọn độc ác và cũng như không gian, cho nên sẽ phải có một thiên đường vô tận và một địa ngục vô tận, điều đó đồng nghĩa với chuyện sau đây: thiên đường hẳn phải ở khắp mọi nơi, địa ngục cũng ở khắp mọi nơi, tức là chẳng đâu hết.

“Thế nhưng lý trí không đi ngược lại lòng tin thuộc luân hồi thuyết:

“Linh hồn chuyển từ rắn sang lợn, từ lợn sang chim, từ chim sang chó, rốt cuộc tới khỉ và tới người. Rồi luôn luôn nó lại bắt đầu ở mỗi lỗi mới bị phạm, cho đến lúc đạt tới mức đỉnh của sự thanh tẩy trái đất, điều này làm cho nó được di lên một thế giới cao hơn. Bằng cách ấy nó không ngừng chuyển từ thú sang thú và từ tầng cầu này sang tầng cầu khác, đi từ cái kém hoàn hảo hơn cả đến cái hoàn hảo hơn cả để rồi rốt cuộc tới hành tinh của hạnh phúc tối hậu từ đó một lỗi mới lại có thể đẩy bắn nó đến những vùng của đau đớn tối cao nơi nó lại bắt đầu các cuộc đầu thai của mình.

“Như vậy vòng tròn, hình tượng vũ trụ và định mệnh, chứa đựng những oái oăm các tồn tại của chúng ta cũng giống như nó điều hành những tiến hóa của các thế giới.”


VII. Như thế nào mà người ta có thể diễn giải theo hai cách cùng một câu thơ của Corneille

Đốc tờ Héraclius đọc xong tài liệu dị thường ấy là người ông cứng đờ lại vì lạ - rồi ông mua nó mà không mặc cả, mất toi số tiền mười hai đồng mười một xu, vì chủ tiệm cứ nằng nặc bảo đó là một bản thảo Hebrew tìm được trong khu đào bới khảo cổ tại Pompéi.

Trong vòng bốn ngày và bốn đêm, đốc tờ không rời ca bi nê của ông, và nhờ lòng kiên nhẫn cũng như các loại từ điển, ông đọc được lối chập chờn thời kỳ Đức và thời kỳ Tây Ban Nha của bản thảo; vì tuy biết tiếng Hy Lạp, tiếng Latin và một chút tiếng Ý nhưng ông lại gần như hoàn toàn không biết tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Rốt cuộc, vì sợ mắc phải những hiểu sai thô thiển nhất, ông nhờ hiệu trưởng bạn mình, vốn dĩ rất rành hai thứ tiếng đó, đọc lại giúp ông bản dịch. Hiệu trưởng rất vui lòng làm việc ấy; nhưng ông để trôi qua ba ngày tròn thì mới có thể nghiêm túc thực hiện công việc, vì bị lên cơn, mỗi lần nào ông đọc lướt qua phiên bản của đốc tờ, cười dài và dữ đến mức tận hai lần thiếu điều ông đã lăn ra ngất xỉu. Khi người ta hỏi ông nguyên do cho cơn hí lạ lùng ấy: “Nguyên do, ông đáp, trước hết có ba: 1o khuôn mặt quá mức hài của đồng nghiệp quý Héraclius của tôi; 2o bản dịch quá mức hài của ông ấy, nó giống bản gốc đại khái cũng như một cây đàn guitar giống cối xay gió; và, 3o cuối cùng, bản thân bản gốc là điều buồn cười nhất có thể tưởng tượng ra.”

Ôi ngài hiệu trưởng! chẳng gì có thể thuyết phục được ông. Mặt trời có đích thân đến đốt cháy bộ râu cùng mái tóc của ông thì chắc ông vẫn coi đó là một ngọn nến!

Về phần đốc tờ Héraclius Gloss, tôi khỏi cần phải nói rằng ông rạng ngời, được thắp sáng, được chuyển hóa - ông cứ nhắc đi nhắc lại suốt, hệt Pauline:

Je vois, je sens, je crois, je suis désabusé

và, lần nào hiệu trưởng cũng ngắt lời ông để nêu nhận xét rằng “désabusé” phải viết thành hai từ, có “s” ở cuối:

Je vois, je sens, je crois, je suis des abusés.

[tự google xem như thế nào, tại sao lại buồn cười nhé, ngại giải thích quá - câu này lấy từ Polyeucte, tuy nhiên trong câu gốc “désabusé” không phải ở giống đực mà giống cái, và nhất là không phải “je sens” mà “je sais”: nhiều khả năng Maupassant không thuộc thơ Corneille lắm, chữ tác thành chữ tộ]


VIII. Như thế nào mà, vì cùng nguyên nhân mà người có thể bảo hoàng hơn vua và ngoan đạo hơn giáo hoàng, người ta lại cũng có thể trở nên sùng kính luân hồi thuyết hơn cả Pythagore

Niềm vui của kẻ đắm tàu có là thế nào lúc, sau khi đã lang thang nhiều ngày dài và nhiều đêm dài trên biển mênh mông, trơ trọi trên một chiếc bè mảnh, không cột, chẳng buồm, không la bàn và không hy vọng, đột nhiên trông thấy bờ xiết bao mong đợi, thì niềm vui đó cũng chẳng là gì bên cạnh niệm vui tràn lên đốc tờ Héraclius Gloss vào lúc, sau khi đã lâu tới vậy trôi nổi dập vùi trong sóng lừng của các triết học, trên chiếc bè của những sự không chắc chắn, rốt cuộc ông đã tiến vào, thắng lợi và được rọi sáng, bến cảng của luân hồi.

Sự thật của học thuyết ấy đã tác động mạnh lên ông đến độ chỉ một nhát ông bao quát lấy toàn bộ nó, cho đến tận những hệ quả cực điểm của nó. Ở đây đối với ông chẳng gì là tối tăm và, chỉ trong vài ngày, nhờ suy tư và tính toán thật nhiều, ông đã xác định chắc chắn được thời kỳ cụ thể nơi một con người, chết vào năm này năm kia, sẽ xuất hiện trở lại trên trái đất. Ông biết, với sai số rất nhỏ, niên đại của tất tật những đầu thai của một linh hồn vào các sinh thể thấp hơn và, tùy theo tổng mức giả định thiện và ác đã hoàn thành trong thời kỳ vừa xong của cuộc sống người, ông có thể chỉ ra thời điểm linh hồn đó nhập vào cơ thể một con rắn, một con lợn, một con ngựa thồ, một con bò, một con chó, một con voi hay một con khỉ. Những xuất hiện trở lại của cùng một linh hồn trong vỏ bọc cao hơn tiếp nối nhau, với các quãng giãn cách đều đặn, dẫu cho những lỗi lầm trước đó có là như thế nào.

Như vậy, mức độ của sự trừng phạt, luôn luôn tỉ lệ thuận với mức độ phạm tội, đồng nghĩa, hoàn toàn không phải với độ dài hay ngắn của cuộc lưu đày dưới các hình thức thú, mà với kỳ lưu trú dài hay vắn mà linh hồn đó có trong lớp da của một con vật đáng tởm. Thang bậc của lũ thú khởi đầu tại những mức độ dưới bằng rắn hay lợn để kết thúc bằng khỉ “vốn dĩ là một con người nhưng không biết nói” đốc tờ nói; - hiệu trưởng bạn quý của ông lúc nào cũng trả lời lại, rằng, dùng đúng lập luận ấy, Héraclius Gloss không là gì khác ngoài một con khỉ biết nói.


IX. Mề đay và mặt trái

Đốc tờ Héraclius hết sức sung sướng trong vòng vài ngày tiếp sau khám phá đáng kinh ngạc của ông. Ông sống trong một hớn hở sâu sắc - nơi ông ngập tràn sự rạng ngời của những khó nhọc đã chiến thắng được, những bí ẩn đã rơi mạng che, những niềm hy vọng lớn được hiện thực hóa. Luân hồi bao bọc lấy ông như một bầu trời. Ông thấy dường đột nhiên một tấm màn bị xé toang và cặp mắt ông được mở ra cho những điều xa lạ.

Ông cho con chó của mình ngồi vào bàn bên cạnh ông, với nó ông có các cuộc mặt đối mặt nghiêm trang bên lò sưởi - tìm cách bắt chợt nơi con mắt của con thú ngây thơ kia bí ẩn các tồn tại trước.

Tuy nhiên ông nhìn thấy hai chấm đen trong hạnh phúc lớn lao của mình: ấy là ngài trưởng khoa và ngài hiệu trưởng.

Trưởng khoa nhún vai đến tợn mỗi lần nào Héraclius tìm cách cải ông sang học thuyết luân hồi, còn hiệu trưởng quây chặt hành hạ ông bằng những lời đùa cợt lệch lạc nhất. Nhất là cái này thì không thể tha thứ. Ngay khi đốc tờ trình bày tín ngưỡng của ông, hiệu trưởng quỷ quái liền chạy bổ theo; ông giả dạng môn đệ đang lắng nghe lời một vị tông đồ vĩ đại, và ông tưởng tượng ra, đối với mọi con người xung quanh họ, các phả hệ thú vật kỳ khôi nhất: “Như vậy, ông nói, père Labonde, ông kéo chuông nhà thờ, ngay từ lần đầu thai thứ nhất, chắc đã không thể là gì khác ngoài một quả dưa”, - và kể từ bấy thêm nữa ông ta đã rất ít thay đổi, chỉ làm mỗi một việc là sáng và tối rung cho kêu cái chuông dưới đó ông ta đã lớn lên. Ông bảo, trưởng tu Rosencroix, trợ tá giám mục của Sainte-Eulalie, khỏi phải nghi ngờ từng là một chú quạ hay mổ hạt cứng, vì từ đó ông ta vẫn còn lưu giữ bộ cánh đen cùng các quyền hạn. Rồi, hoán đổi các vai theo cách thức ỡm ờ nhất, ông khẳng định rằng maître Bocaille, nhà bào chế, chỉ là một con dang bị truất hạ, bởi ông ta bị buộc phải dùng tới một loại dụng cụ để lọc lấy phương thuốc hết sức đơn giản mà, theo Hérodote, loài chim thiêng tự mình làm ra chỉ với cái mỏ dài của nó.


X. Như thế nào mà một tay hề xiếc té ra lại có thể mưu trí hơn một đốc tờ uyên bác

Dẫu có thế, đốc tờ Héraclius vẫn không nản chí, tiếp tục chuỗi các khám phá của ông. Kể từ nay con thú nào đối với ông cũng mang một biểu nghĩa bí hiểm: ông ngừng nhìn thấy con vật, mà chỉ còn ngắm con người đang tự thanh tẩy bản thân bên dưới cái lốt kia, và ông đoán những lỗi đã qua, chỉ căn cứ vào dáng vẻ của lớp da sự chuộc tội.

Một bữa, đang đi dạo bộ trên quảng trường của Balançon thì ông trông thấy một túp nhà lớn bằng gỗ từ đó phát ra những tiếng hú hét khủng khiếp, trong khi trên bục sân khấu một chú hề bẩn rệu rã mời chào công chúng đến xem nhà thuần phục thú khủng khiếp apache Tomahawk hay Sấm Rền trình diễn. Héraclius cảm thấy xúc động, ông trả mười xăng tim tiền vé và bước vào. Ôi Thần Vận Mệnh bảo trợ cho những tinh thần lớn! Chỉ mới vào bên trong túp nhà ấy thôi ông đã thấy một cái lồng to tướng trên viết hai từ sau đây, đột nhiên chúng sáng lòe lên trước cặp mắt quáng của ông: “Người rừng.” Đốc tờ đột ngột nhận thấy sự run đầy căng thẳng của những rung chuyển thuộc tinh thần và, nhũn đầu gối vì xúc cảm, ông tiến lại gần. Ông nom thấy một con khỉ khổng lồ đang bình thản ngồi bệt, hai chân bắt chữ ngũ theo kiểu người Thổ và, trước cái mẫu tuyệt diệu của con người tại kỳ chuyển kiếp sau chót của anh ta ấy, Héraclius Gloss, mặt nhợt nhạt vì mừng vui, chìm sâu vào một suy tưởng hùng mạnh. Sau vài phút, người rừng, chắc hẳn đoán ra được mối cảm thông khôn cưỡng vừa đột nhiên bừng nở nơi trái tim thị dân đang trân trối nhìn mình, hướng về người anh em đã được tái sinh kia một cú nhăn mặt đáng kinh hãi đến nỗi đốc tờ cảm thấy tóc trên đầu mình dựng ngược hết cả lên. Rồi, sau khi làm một cú vọt đi huyền ảo, tuyệt đối chẳng hề tương thích với phẩm giá của một con người, thậm chí tuyệt đối sa đọa, công dân bốn tay lên một cơn hí lộng thuộc dạng kệch cỡm hơn cả vào bộ râu của đốc tờ. Tuy nhiên đốc tờ hoàn toàn không thấy có gì phải bợn, sự vui vẻ ở nạn nhân kia của những lầm lạc xa xưa; ngược lại ông thấy tại đó thêm một sự giống với loài người, một khả năng lớn hơn về tình quyến thuộc, và nỗi hiếu kỳ khoa học của ông trở nên mãnh liệt tới mức ông quyết định mua với bất kỳ giá nào bậc thầy nhăn mặt kia để thỏa thích mà nghiên cứu. Vinh dự biết bao cho ông! thắng lợi lớn biết bao cho học thuyết vĩ đại! nếu rốt cuộc ông cũng bước được vào liên hệ với phần thú của nhân loại, hiểu được con khỉ khốn khổ kia và làm cho nó hiểu được ông.

Lẽ dĩ nhiên ông chủ gánh xiếc ca ngợi với ông hết sức nhiệt liệt về người khách trọ; ấy chính là con thú thông minh nhất, dịu dàng nhất, biết điều nhất, khả ái nhất mà ông ta từng gặp trong suốt sự nghiệp nuôi thú dữ rất dài của mình; và, nhằm tăng thêm sức nặng cho những gì ông ta nói, ông ta tiến lại gần các song sắt và thò tay vào, bàn tay ấy, con khỉ cắn ngay lập tức, theo cách thức của một lời đùa. Cũng lẽ dĩ nhiên, ông ta đòi một cái giá cắt cổ mà Héraclius trả luôn không mặc cả mảy may. Rồi, theo sau hai phu khuân vác oằn mình dưới cái lồng to tướng, đốc tờ ca khúc khải hoàn đi về nhà.


XI. Ở đây được chỉ ra rằng Héraclius Gloss chẳng hề được miễn khỏi mọi điểm yếu của giống mạnh

Nhưng càng gần đến nhà, ông càng bước chậm lại, vì tâm trí ông náo động lên một vấn đề còn khó hơn nhưng là khó cách khác, so với vấn đề sự thật triết học; và vấn đề ấy được phát biểu như sau đối với đốc tờ thiếu may mắn: “Phải dùng mưu mẹo nào đây thì mình mới có thể giấu được cô hầu Honorine của mình việc đưa vào dưới mái nhà mình bản phác thảo người này?” A, đấy là bởi Héraclius khốn khổ vốn dĩ đầy gan dạ đương đầu với những nhún vai đáng ngại của ngài trưởng khoa cùng những đùa cợt khủng khiếp của ngài hiệu trưởng, lại còn xa mới can đảm giống thế trước những bùng nổ của cô hầu Honorine. Vậy tại sao đốc tờ lại e sợ nhiều đến thế, trước người phụ nữ hẵng còn trẻ trung và dễ mến kia, có vẻ hết sức lanh lợi và vô cùng tận tâm với các lợi ích của ông chủ? Tại sao? Hãy hỏi tại sao Hercule lại lao tới phủ phục dưới chân Omphale, tại sao Samson để cho Dalila cướp mất đi sức mạnh cùng lòng can đảm của chàng, vốn dĩ nằm nơi mái tóc chàng, theo như những gì Thánh Kinh dạy cho chúng ta.

Than ôi! một ngày kia, đốc tờ đang đưa đi dạo trên các cánh đồng niềm tuyệt vọng của một mối say mê bị phản bội (vì chẳng phải không lý do mà ngài trưởng khoa cùng ngài hiệu trưởng từng lôi Héraclius mà đùa tợn đến vậy, cái buổi tối họ cùng nhau đi về), thì gặp nơi góc một hàng giậu, một đứa bé gái chăn cừu. Con người uyên bác, vốn dĩ còn chưa phải lúc nào cũng chỉ chuyên nhất tìm kiếm sự thật triết học và vả lại còn chưa ngờ tới bí ẩn vĩ đại của luân hồi, thay vì chỉ quan tâm đến lũ cừu, như lẽ ra chắc chắn ông đã làm, nếu biết những gì mình không biết, hỡi ôi! khởi đầu trò chuyện với con bé đang giữ chúng. Ông mau chóng nhận nó vào làm người hầu và một sự yếu đuối đầu tiên liền cho phép những yếu đuối tiếp sau. Chính ông chỉ trong vòng một thời gian ngắn là người đã trở thành con cừu của nữ nhân mục đồng đó, và người ta thì thầm nói với nhau rằng nếu, như nhân vật của Thánh Kinh, Dalila thôn dã này cắt mất tóc của người đàn ông khốn khổ quá mức cả tin, thì làm vậy rồi cô vẫn không cướp đi được từ vầng trán ông mọi sự trang trí.

Than ôi! điều ông đã dự tính được hiện thực hóa và thậm chí còn vượt quá những nỗi ngại của ông; chỉ vừa mới nhìn thấy cư dân của rừng, bị nhốt trong ngôi nhà chằng các sợi dây thép của hắn, là Honorine đã lên một cơn cuồng nộ rất không đúng chỗ và, sau khi giáng lên ông chủ đang khiếp hãi một trận mưa rào những tính ngữ nghe rất gớm, cô quay sang ném cơn giận dữ của mình vào người khách không đợi mà tới kia. Nhưng kẻ này, chắc hẳn bởi không có cùng những nguyên do với đốc tờ để gượng nhẹ một cô quản gia láo lếu như thế, bắt đầu hét, hú, giậm chân bình bịch, nghiến răng; nó bám dính vào các song sắt nhà tù của nó với một cơn thịnh nộ khủng khiếp kèm với các cử chỉ thô thục về phía một con người mà nó nhìn thấy lần đầu tiên, đến nỗi con người đó phải chuồn vội, và như một chiến binh bị thua trận, xuống bếp tự nhốt mình vào đó.

Bằng cách ấy, trở thành ông chủ của chiến địa và mừng vui trước sự chi viện bất ngờ mà người đồng hành thông minh của ông vừa mang tới cho ông, Héraclius cho mang nó vào phòng ca bi nê của ông, nơi ông đặt cái lồng cùng cư dân của nó, trước bàn của ông bên lò sưởi.


XII. Như thế nào, mà người thuần hóa thú và đốc tờ chẳng hề là từ đồng nghĩa

Thế là khởi sự một cuộc trao đổi các ánh mắt thuộc hàng nhiều ý nghĩa hơn cả giữa hai cá thể ở cùng nhau; và ngày nào, suốt một tuần liền, đốc tờ cũng dành nhiều giờ dài để nói chuyện bằng mắt (ít nhất ông tưởng vậy) với chủ thể hấp dẫn mà ông vừa kiếm về. Nhưng cái đó không đủ; điều mà Héraclius muốn là nghiên cứu con thú một cách tự do, bắt chợt những bí mật của nó, những ham muốn của nó, những ý nghĩ của nó, để mặc cho nó đi lại tùy thích, và nhờ ngày ngày ở gần cuộc sống riêng mà thấy nó khôi phục các thói quen đã quên mất, và bằng cách ấy nhận ra, căn cứ vào những dấu hiệu chắc chắn, kỷ niệm về một tồn tại trước kia. Nhưng để được như thế người khách trọ của ông cần phải được tự do, tức là phải mở lồng. Thế nhưng việc đó chẳng hề khiến người ta yên tâm chút nào. Đốc tờ có cố công thử ảnh hưởng của thôi miên cũng như ảnh hưởng của những cái bánh ngọt cùng đống hạt, thì con thú bốn tay vẫn cứ lao mình vào các ma nớp đáng lo ngại đối với cặp mắt của Héraclius, mỗi lần nào ông hơi lại gần những song sắt quá. Rốt cuộc một hôm, không thể cưỡng nổi ham muốn đang hành hạ mình, đột nhiên ông bước tới, xoay chìa trong ổ, mở rộng cửa ra và, hổn hển vì xúc động, bước lui vài bước, chờ sự kiện, vả lại nó cũng không bắt phải đợi lâu.

Con khỉ sửng sốt thoạt tiên do dự, rồi, chỉ bằng một cú nhảy, nó đã ra bên ngoài, một cú nữa, lên cái bàn mà, chỉ chưa cần đến một giây, nó đã làm nháo nhào hết giấy má cùng sách, rồi với cú nhảy thứ ba, nó nằm gọn trong vòng tay đốc tờ, và những chứng nhận cho tình cảm của nó dữ dội đến mức, nếu Héraclius không mang bộ tóc giả, thì hẳn những sợi tóc cuối cùng của ông cầm chắc đã nằm lại giữa những ngón tay người anh em đáng ngại của ông. Nhưng nếu con khỉ khéo léo, thì đốc tờ cũng đâu kém phần: ông nhảy vọt sang phải, rồi sang trái, lướt đi như một con lươn vào dưới gầm bàn, vượt qua đám phô tơi như một chú chó săn thỏ và, vẫn bị bám sát, rốt cuộc tới được chỗ cánh cửa, mà ông đột ngột đóng lại sau lưng; thế là, hào hển, giống một con ngựa đua vừa cán đích, ông dựa lưng vào tường cho khỏi ngã.

Suốt phần còn lại của ngày hôm đó Héraclius Gloss đờ người ra; ông cảm thấy bên trong mình như thể có một cuộc sụp đổ, nhưng điều khiến ông bận tâm hơn cả là ông tuyệt đối không biết bằng cách nào mà người khách kém nhìn xa trông rộng kia cùng ông có thể thoát ra khỏi vị thế của mỗi bên. Ông mang một cái ghế đến gần cánh cửa không thể vượt và dùng lỗ khóa làm đài quan sát. Thế là ông thấy, ôi tuyệt!!! ôi sao sung sướng khó ngờ!!! kẻ thắng trận phè phỡn nằm phưỡn trong một cái phô tơi và giơ hai chân ra sưởi ấm. Trong cơn vui mừng ban đầu, thiếu điều đốc tờ đã đi vào phòng, nhưng nghĩ kỹ hơn ông ngừng lại và, như thể được rọi chiếu bởi một ánh sáng đột nhiên, ông tự nhủ rằng hẳn sự đói sẽ làm được điều mà sự dịu dàng đã chẳng thể làm. Lần này sự kiện cho thấy là ông đúng, con khỉ đói quá đành đầu hàng; vả lại bởi đó là một con khỉ đực tốt tính, sự hòa giải là hoàn toàn và, kể từ hôm đó, đốc tờ và nó chung sống như hai người bạn lâu ngày.


XIII. Như thế nào mà đốc tờ Héraclius Gloss ở chính xác vào cùng chỗ của đức vua Henri Đệ tứ tốt bụng, Bệ Hạ từng nghe hai thầy cãi biện hộ và cho cả đôi bên đều đúng

Một thời gian sau cái ngày đáng nhớ ấy, một trận mưa dữ dội ngăn cản đốc tờ Héraclius xuống khu vườn của ông như ông vẫn có thói quen. Ngay từ sáng ông ngồi trong phòng ca bi nê và khởi sự nhìn nhận, lối triết học, con khỉ của ông, nó đang chồm chỗm trên một cái tủ nhỏ, giải trí bằng trò ném giấy vo viên vào con chó Pythagore nằm trước lò sưởi. Đốc tờ nghiên cứu những thang bậc đi lên cùng diễn tiến của trí năng nơi các con người bị truất hạ kia, và so sánh mức độ tinh tế của hai con thú đang ở đó trước mặt ông. “Ở chó, ông tự nhủ, bản năng vẫn còn chế ngự trong khi ở khỉ lập luận chiếm thế thượng phong. Một thì đánh hơi, nghe, tri nhận bằng các cơ phận tuyệt vời của nó, một nửa trí năng của nó đã ở đó rồi, còn con kia thì kết hợp và suy nghĩ.” Đúng lúc đó con khỉ, lên cơn sốt ruột vì sự hờ hững và bất động của kẻ thù nó, cứ bình thản nằm đó, đầu gục lên hai cẳng trước, chỉ thỉnh thoảng ngẩng đầu lên về phía kẻ gây hấn vắt vẻo cao quá, bèn quyết định tới gần thám thính xem sao. Nó nhẹ nhàng nhảy khỏi cái tủ và tiến lên, rất êm, êm đến nỗi người ta tuyệt đối chỉ nghe thấy tiếng tí tách của lửa cùng tiếng tíc tắc đồng hồ treo tường đang dường tạo một tiếng ồn rất lớn trong sự im lặng khổng lồ của phòng ca bi nê. Rồi, bằng một chuyển động rất nhanh và bất ngờ, nó dùng hai tay tóm lấy cái đuôi có chùm lông của Pythagore thiếu may mắn. Nhưng con kia, vẫn bất động, đã dõi theo từng cử động của con vật bốn tay: vẻ bình thản của nó chỉ là một cái bẫy nhằm thu hút đối thủ của nó lại gần, cho tới lúc ấy con kia vẫn ở chỗ không thể tấn công, và đúng vào lúc thầy khỉ, sung sướng với cái trò của nó, túm lấy cái bộ phận phụ tức là đuôi của con chó, nó liền nhảy bật lên và trước khi con kia kịp chạy trốn, ngoạm vào cái miệng mạnh mẽ chó săn của mình phần trên người đối thủ, mà người ta hay gọi đầy e lệ là đùi gigot, ở lũ cừu. Không thể biết trận đua tranh sẽ kết thúc ra sao nếu Héraclius không can thiệp; nhưng khi đã tái thiết được hòa bình, thì ông tự hỏi trong lúc ngồi xuống trở lại, thở không ra hơi, hay là, nhìn nhận thật cẩn thận, con chó của ông đã chẳng cho thấy nhân dịp ấy là nó khôn lanh hơn so với con thú được gọi là “ma lanh tuyệt vời”; và ông cứ thế chìm đắm trong một nỗi băn khoăn sâu thẳm.


XIV. Bằng cách nào mà Héraclius thiếu điều thì đã chén một xiên toàn những quý bà xinh đẹp thời quá khứ

Vì đã tới giờ cho bữa trưa, đốc tờ bước vào phòng ăn, ngồi xuống trước bàn, cài khăn ăn vào áo rơ đanh gốt, mở ra đặt bên cạnh bản thảo viết tay quý giá, và đã sắp đưa lên miệng một miếng cánh chim caille nhỏ rất béo và rất ngậy thì bỗng, liếc mắt xuống quyển sách thánh, vài dòng mà ánh mắt ông đậu phải lóe sáng lên trước ông còn khủng khiếp hơn là ba cái từ lừng danh đột nhiên được viết bởi một bàn tay xa lạ trên bức tường phòng tiệc của một vị vua nổi tiếng tên là Balthazar!

Đây là những gì mà đốc tờ trông thấy:

“… Vậy nên mi hãy tránh mọi thứ đồ ăn từng có sự sống, vì ăn thịt thú vật chính là ăn thịt đồng loại của mình, và ta coi kẻ nào, đã được thấm nhuần sự thật luân hồi thuyết vĩ đại, giết và ăn những con thú, vốn dĩ không là gì khác ngoài những con người dưới các hình thức thấp hơn của họ, cũng phạm tội ngang mức với kẻ chuyên ăn thịt người hung dữ ăn thịt kẻ thù thua trận của hắn.”

Và trên bàn, đặt cạnh nhau, được giữ bằng một kim nhỏ bằng bạc, là nửa chục chim caille, tươi và núc ních, đang phả vào không khí mùi ngon lành của chúng.

Cuộc chiến thật khủng khiếp giữa tinh thần và cái bụng, nhưng, chúng ta hãy nói điều này vì vinh quang của Héraclius, nó chỉ ngắn thôi. Con người khốn khổ, đờ ra, sợ không thể kháng cự lâu trước cám dỗ hãi hùng kia, bấm chuông gọi cô hầu và, giọng tan nát, ra lệnh ngay lập tức mang cái món kinh tởm kia đi, rồi kể từ nay chỉ dọn cho ông trứng, sữa cùng la ghim. Honorine suýt ngã ngửa ra đằng sau lúc nghe thấy những lời đáng kinh ngạc ấy, cô định phản đối, nhưng trước ánh mắt đăm đăm của ông chủ, cô chuồn vội, cùng đám thức ăn biết bay đã bị kết án, tuy nhiên được an ủi nhờ cái ý nghĩ dễ chịu, rằng nhìn chung, cái mất đi với một người thì không mất đi với mọi người.

“Chim caille! chim caille! lũ chim caille có thể từng là gì trong một cuộc đời khác nhỉ?” Héraclius tội nghiệp tự hỏi, trong khi buồn bã ăn một cái súp lơ tuyệt vời trộn kem, đối với ông hôm đó nó dở như hạch; - con người nào từng đủ mức trang nhã, tế nhị và xuất sắc để có thể chui được vào cơ thể những con vật nhỏ hết sức điệu đà và xinh xẻo kia? - a, chắc chắn đó chỉ có thể là các nàng tình nhân bé nhỏ khả ái của những thế kỷ vừa qua… và đốc tờ còn tái mặt thêm nữa lúc ông nghĩ rằng từ gần ba mươi năm nay ông đã ngày ngày ngốn, vào bữa trưa, chừng nửa chục quý bà xinh đẹp của thời quá khứ.


XV. Bằng cách nào mà ngài hiệu trưởng diễn giải những chỉ thị của Chúa

Buổi tối cùng cái ngày bất hạnh ấy, ngài trưởng khoa [chắc phải đổi hết thành “khoa trưởng”] và ngài hiệu trưởng đến nhà nói chuyện trong vòng một hay hai tiếng đồng hồ, tại phòng ca bi nê của Héraclius. Đốc tờ kể ngay cho họ về nỗi bấn ông đang mắc phải và chỉ ra cho họ biết bằng cách nào lũ chim caille cùng những con vật dùng để ăn khác đối với ông đã trở nên bị cấm ngặt cũng như giăm bông đối với một người Do Thái.

Ngài trưởng khoa, chắc hẳn đã ăn tối tệ hại, khi đó đánh mất toàn bộ chừng mực, buông lời báng bổ một cách khủng khiếp tới nỗi ông đốc tờ khốn khổ vốn dĩ kính trọng ông ta lắm, tuy vẫn than phiền suốt về sự mù quáng của ông ta, chẳng còn biết phải trốn vào đâu nữa. Về phần ngài hiệu trưởng, ông hoàn toàn tán thành những mối đắn đo của Héraclius, thậm chí còn bày ra thêm rằng, một môn đệ của Pythagore mà lại đi ăn thịt thú vật thì rất có thể cũng sẽ ăn sườn bố mình rán với nấm hoặc ăn chân ông cụ tổ nhồi rau dưa, cái đó tuyệt đối trái ngược với tinh thần của mọi tôn giáo, rồi ông lại còn trích, để làm chỗ dựa cho những gì mình nói, lời răn thứ tư của Chúa những người Ki-tô:

Tes père et mère honoreras
Afin de vivre longuement.

“Thật đúng, ông nói thêm, cái chuyện đối với tôi đây, vốn dĩ không phải là người theo đạo, thay vì để mặc cho mình chết đói, tôi thà sửa đổi tí ti mệnh lệnh của Chúa, hay thậm chí đổi nó bằng câu sau đây:

Père et mère dévoreras
Afin de vivre longement.


XVI. Bằng cách nào mà lần thứ 42 đọc bản thảo đã rọi một ánh sáng mới vào tâm trí của đốc tờ

Cũng giống một người giàu có thể mỗi ngày dũi lấy trong tài sản to lớn của mình các khoái lạc mới cùng những sung sướng mới, đốc tờ Héraclius, chủ nhân của bản thảo viết tay quý vô chừng kia, có được các khám phá đáng kinh ngạc ở đó, mỗi lần nào ông đọc lại nó.

Một tối nọ, sắp hoàn thành lần đọc thứ bốn mươi hai tài liệu kia, thì có một rạng ngời bất chợt ập xuống ông, nhanh như cú sét.

Như chúng ta đã thấy từ trước, đốc tờ có thể biết, với rất ít sai lệch, vào thời nào một người đã chết sẽ xong xuôi những cuộc đầu thai và xuất hiện trở lại dưới hình thức ban đầu; thế nên bỗng ông bị giáng một cú mạnh khi nghĩ rằng tác giả của tập bản thảo biết đâu có thể đã chiếm lại được chỗ của mình nơi nhân loại.

Thế là, cũng rừng rực sốt như một nhà giả kim nghĩ mình sắp tìm ra hòn đá triết học đến nơi rồi, ông lao vào các tính toán tỉ mỉ nhất để thiết lập xác suất cho giả định đó, và sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc không ngơi, cùng những kết hợp thuộc luân hồi thuyết vô cùng uyên bác, ông đi được tới chỗ tin rằng người ấy hẳn phải sống cùng thời với ông, hoặc, ít nhất, sắp tái sinh với cuộc sống thuộc lý trí. Héraclius, quả thật, bởi không sở hữu tài liệu nào gia dĩ chỉ được cho ông niên đại cụ thể cái chết của nhà luân hồi vĩ đại, không sao mà định thật rõ được thời điểm trở lại của người ấy.

Vừa thoáng thấy khả năng tìm lại được cái con người kia, vốn dĩ đối với ông còn hơn là một con người, hơn một triết gia, gần như hơn một vị Chúa, ông liền cảm thấy một trong các xúc cảm sâu sắc ấy, mà người ta hay có những lúc đột nhiên biết được rằng một ông bố mà người ta cứ tưởng chết lâu rồi hóa ra còn sống nhăn và đang ở ngay gần. Ông thánh ẩn sĩ từng cả đời tự nuôi mớm bản thân bằng tình yêu và kỷ niệm về Đức Ki-tô, khi đột ngột hiểu ra rằng Chúa của ông sắp hiện ra trước ông hẳn cũng chẳng thể nào thấy bị đảo lộn đến như đốc tờ Héraclius Gloss, vào lúc ông đã chắc chắn là rồi một ngày mình có thể gặp tác giả tập bản thảo viết tay của ông.


XVII. Bằng cách nào đốc tờ Héraclius Gloss tiến hành, để tìm lại tác giả tập bản thảo

Vài hôm sau, độc giả tờ Ngôi sao Balançon sửng sốt thấy, ở trang bốn của báo, lời rao sau đây: “Pythagore - Rome, năm 184 - Ký ức tìm lại được trên bệ một bức tượng Jupiter - Triết gia - Kiến trúc sư - Lính - Thợ - Thầy tu - Nhà hình học - Bác sĩ - Nhà thơ - Thủy thủ - v.v… Hãy suy niệm và hãy nhớ lại. Câu chuyện đời anh đang nằm trong tay tôi.

“Hãy viết thư về hòm thư lưu tại Balançon, đề H.G.”

Đốc tờ không hề ngờ vào việc, nếu cái người mà ông thèm muốn xiết bao đọc được thông báo kia, không thể hiểu nổi đối với mọi người khác, hẳn người ấy sẽ ngay tắp lự nắm bắt được nghĩa bị che giấu và sẽ tự tìm đến ông. Thế là ngày ngày, trước khi ngồi vào bàn, ông ra bưu điện hỏi xem có bức thư nào cho H.G. không; và lúc đẩy cánh cửa ở trên viết dòng chữ: “Bưu điện. Phục vụ thư, thông tin, tem”, chắc chắn ông xúc động hơn một người tình sắp mở lá thư đầu tiên của nàng người yêu.

Hỡi ôi, ngày nối ngày trôi và cứ thế giống nhau tới mức tuyệt vọng; nhân viên bưu điện sáng nào cũng có cùng câu trả lời cho đốc tờ và, hằng sáng, ông về nhà, buồn bã hơn và nản chí hơn. Thế nhưng bởi người dân Balançon, cũng như mọi dân chúng trên đời, thì tinh tế, thiếu kín đáo, hay nói xấu và hau háu tin tức, đã mau chóng nối được lời rao đáng sửng sốt đăng trên tờ Ngôi sao Balançon với những chuyến viếng thăm ngày ngày của đốc tờ đến chỗ Bưu Điện. Thế là họ tự hỏi bí mật nào đây có thể được giấu ở trong đó, và khởi sự thẽ thọt với nhau.


XVIII. Ở đây, đốc tờ Héraclius Gloss sững sờ nhận ra tác giả của bản thảo

Một đêm, vì không sao ngủ nổi, đốc tờ nhỏm dậy vào khoảng giữa một và hai giờ sáng để đi đọc một đoạn mà ông nghĩ mình còn chưa hiểu lắm. Ông xỏ giày vào chân và mở cửa phòng, nhẹ nhàng hết sức để không quấy động giấc ngủ của tật tật những thứ hạng người-thú đang ăn năn hối cải dưới mái nhà ông. Thế nhưng, dẫu các điều kiện trước đây của các con thú sung sướng đó có là như thế nào, thì chắc chắn chưa từng bao giờ chúng được hưởng một sự yên bình và một hạnh phúc hoàn hảo đến như thế, bởi chúng tìm được nơi ngôi nhà hiếu khách này đồ ăn ngon, chỗ ở tốt, và thậm chí cả những gì còn lại nữa, vì con người tuyệt hảo kia có trái tim giàu cảm thông lắm. Ông tới được, vẫn không gây ra tiếng động nào dẫu nhỏ đến đâu, ngưỡng cửa phòng ca bi nê và bước vào. A, chắc chắn, Héraclius rất can đảm, ông không sợ ma cũng như những hiện hình; nhưng dẫu lòng can đảo của một con người có là như thế nào đi nữa, thì vẫn có những hãi hùng bắn thủng, giống các viên đạn đại bác, những lòng can đảm bất khuất nhất, và đốc tờ đứng sững ở đó, nhợt ra, khủng khiếp, mắt dại đi, tóc dựng ngược trên đầu, răng va lập cập và run rẩy từ đầu xuống chân bởi một cơn rung kinh khiếp trước cảnh tượng không sao hiểu nổi đang bày ra trước ông.

Ngọn đèn làm việc của ông được thắp trên bàn và, trước lò sưởi của ông, lưng quay ra cánh cửa mà ông vừa đi vào, ông nhìn thấy… đốc tờ Héraclius Gloss đang chăm chú đọc tập bản thảo của ông. Chẳng thể có mối nghi ngờ nào hết… Ấy chính là ông… Người đó khoác trên mình cái áo choàng dài mặc trong nhà của ông, bằng lụa có hình những bông hoa lớn và, trên đầu, là cái mũ bon nê Hy Lạp của ông, bằng nhung đen thêu vàng. Đốc tờ hiểu rằng nếu chính ông nhưng lại khác kia ngoái đầu lại, nếu hai Héraclius nhìn thẳng vào nhau, thì bên nào, khoảnh khắc đó, run lên trong mình hẳn sẽ ngã xuống như bị sét đánh trước bản sao. Nhưng đúng lúc ấy, vì quá căng thẳng nên quặn cả người, hai tay ông buông lỏng ra, và vậy là đĩa nến ông đang cầm rơi xuống lăn mạnh trên sàn nhà. - Tiếng động rất dữ ấy khiến ông nhảy dựng lên khủng khiếp. Người kia đột ngột quay đầu lại và đốc tờ đang hãi hùng nhận ra… con khỉ của ông. Trong vài giây các ý nghĩ của ông xoáy cuồng trong óc ông như những lá rụng bị cơn lốc cuốn. Rồi đột nhiên ông bị xâm chiếm bởi niềm vui hăng nhất từng có bao giờ ông cảm thấy, vì ông đã hiểu rằng tác giả đó, được trông đợi, được mong muốn như Đấng Cứu Thế bởi những người Do Thái, đang ở ngay trước mặt ông - chính là con khỉ của ông. Ông vội lao tới, phát điên vì sung sướng, quàng tay ôm chầm lấy sinh vật được kính ngưỡng, và hôn nó với một sự nhiệt thành to lớn mà chưa từng bao giờ có cô tình nhân được yêu chiều nào được hưởng theo lối say mê nhường ấy từ tình nhân của cô ta. Rồi ông ngồi xuống đối diện với nó, bên kia lò sưởi và, cho đến tận sáng bạch, ông thành kính chiêm ngưỡng nó.


XIX. Bằng cách nào đốc tờ bị rơi vào sự lựa chọn thuộc hàng khủng khiếp nhất

Nhưng cũng giống những ngày đẹp nhất của mùa hè đôi khi đột nhiên bị khuấy động do một cơn giông đáng sợ, niềm hạnh phúc lớn lao của đốc tờ bỗng bị xuyên ngang bởi gợi ý thuộc loại ghê gớm hơn cả. Quả là ông đã tìm lại được người mà ông tìm, nhưng than ôi! đó chỉ là một con khỉ. Chắc hẳn họ hiểu được nhau, nhưng đâu có nói chuyện được với nhau: đốc tờ rơi từ trên trời xuống đất trở lại. Vĩnh biệt những cuộc trò chuyện dài kia, mà ông hy vọng rút được thật nhiều lợi ích, vĩnh biệt cuộc thập tự chinh thật đẹp chống lại sự mê tín mà cùng nhau họ tiến hành, đó. Bởi, chỉ một mình, đốc tờ không sở hữu những thứ vũ khí đủ để quật ngã con rắn nhiều đầu của vô tri. Ông cần một con người, một vị tông đồ, một người nghe xưng tội, một kẻ tuẫn đạo - các vai trò ấy, một con khỉ, hỡi ôi, đâu có khả năng đảm nhiệm. - Làm gì đây? [cứ như Lênin, à Tchernychevsky thì đúng hơn]

Một giọng nói khủng khiếp hét lên trong tai ông: “Giết nó đi.”

Héraclius run lên. Trong một giây, ông tính toán rằng nếu giết nó, linh hồn thoát ra hẳn sẽ ngay lập tức chui vào cơ thể một đứa trẻ sắp sinh. Rằng sẽ phải để cho nó ít nhất hai mươi năm để nó đến được tuổi trưởng thành. Khi đó đốc tờ sẽ bảy mươi. Tuy nhiên cái đó là khả dĩ. Nhưng vậy thì cách nào đây để ông tìm lại con người ấy? Rồi tôn giáo của ông ngăn cấm tiêu diệt mọi sinh vật sống nếu không đó sẽ là một vụ giết chóc: và linh hồn của ông, Héraclius, sau khi ông chết đi hẳn sẽ phải đi vào cơ thể một con thú dữ như chuyện vẫn thường xảy ra với bọn sát nhân. - Quan trọng gì? hẳn ông sẽ trở thành nạn nhân của khoa học - và của lòng tin nữa! Ông vớ lấy một thanh mã tấu Thổ lớn treo trên một giá vũ khí, và đã định chém xuống, giống Abraham trên núi [chuyện này được phân tích bởi chính Kierkegaard, tất nhiên trong Sợ và Run], thì một ý nghĩ vụt tới chặn tay ông lại… Nếu cuộc sám hối của cái con người kia còn chưa kết thúc, và nếu, thay vì chỗ chuyển qua cơ thể một đứa trẻ, linh hồn anh ta lại lần thứ hai trở lại trong cơ thể một con khỉ thì sao? Điều này là có thể, thậm chí rất có cơ - gần như chắc chắn là đằng khác. Qua đó mà phạm một tội ác vô ích, đốc tờ cầm chắc sẽ phải chịu một trừng phạt khủng khiếp mà chẳng hề mang lại lợi lộc gì cho đồng loại của ông. Người cứng đờ, ông thả mình rơi phịch xuống ghế. Những xúc cảm lặp đi lặp lại đó khiến ông kiệt sức, và thế là ông ngất đi.


XX. Ở đây đốc tờ có một cuộc nói chuyện nhỏ với cô hầu

Khi ông mở mắt ra, cô hầu Honorine đang dùng giấm day hai bên thái dương cho ông. Đã bảy giờ sáng. Thứ đầu tiên đốc tờ nghĩ tới là con khỉ của ông. Con thú đã biến mất. “Con khỉ của tôi, con khỉ của tôi đâu? ông kêu lên. - A đúng đấy, ta hãy nói chuyện này, cô hầu kiêm tình nhân, vốn dĩ lúc nào cũng sẵn sàng nổi giận, đáp, nếu mà mất nó thì sẽ tệ lắm đấy nhỉ. Con thú mới đẹp làm sao, tin tôi đi! Nó bắt chước mọi cái gì mà nó thấy ông làm; chẳng phải hôm trước tôi đã thấy nó đi đôi bốt của ông, rồi thì sáng nay, khi tôi vớt được ông ở đây, mà Chúa mới biết lâu nay những ý nghĩ đáng nguyền rủa nào nhảy nhót trong đầu ông và ngăn cản ông ở yên trên giường, cái con vật tởm lợm kia, mà đúng hơn ấy là một con quỷ đội lốt khỉ, chẳng phải nó đã đội mũ ca lô của ông và mặc áo choàng của ông và có vẻ cười lúc nhìn ông, như thể thật là vui khi chứng kiến một người bị ngất, đấy ư? Rồi, lúc tôi muốn tiến lại gần, cái đồ giẻ rách đó liền lao vào tôi như muốn ăn thịt tôi đến nơi. Nhưng, ơn Chúa, người ta đâu có nhát và người ta vẫn còn nắm đấm mạnh lắm; tôi bèn vớ lấy cái xẻng và giáng lên lưng nó một cú thần sầu đến độ nó phải chạy vọt vào phòng ngủ của ông để trốn, chắc trong đó nó lại đang làm cái trò mốc nào rồi. - Cô đã đánh con khỉ của tôi! đốc tờ điên tiết hú lên, hãy biết, thưa cô, rằng kể từ nay tôi muốn người ta phải tôn trọng nó và phải phục vụ nó như ông chủ của cái nhà này. - A vâng được, nó không chỉ là chủ nhà đâu, mà đã từ lâu nó là ông chủ của ông chủ nữa kia”, Hororine lầm bầm, rồi cô rút xuống bếp, tin rằng đốc tờ Héraclius Gloss đã điên đứ đừ.



XXI. Bằng cách nào mà được chứng minh, rằng chỉ cần một người bạn thân ái rất mực là đã đủ để trút đi những sầu muộn nặng nề nhất

Đúng như đốc tờ đã nói, từ ngày hôm ấy con khỉ thực sự trở thành chủ nhà, và Héraclius tự biến mình thành kẻ gia nhân thấp hèn của con vật cao quý kia. Ông ngắm nhìn nó suốt nhiều tiếng liền với một sự dịu dàng bất tận; ông ân cần săn đón như một người đang yêu; ông nói với nó, về mọi thứ, đủ cả quyển từ điển toàn những mẫu câu êm ái; bắt tay nó như người ta vẫn hay bắt tay một người bạn; vừa nhìn nó chăm chăm vừa nói chuyện với nó; giải thích các điểm có thể gây khó hiểu trong những câu nói của mình; bọc lấy cuộc đời con thú ấy vào trong những săn sóc dịu nhất và thuộc vào các chăm lo tuyệt hảo nhất.

Và con khỉ cứ để mặc mọi sự, bình thản như một Chúa nhận về sự vinh danh của con nhang đệ tử.

Cũng như mọi tinh thần lớn sống đơn độc bởi vì sự cao vời của họ cô lập họ ở phía trên mức chung của sự xuẩn ngốc dân chúng, cho đến lúc đó Héraclius từng cảm thấy trơ trọi. Chỉ có một mình trong những công việc, chỉ có một mình trong những niềm hy vọng, chỉ có một mình trong những tranh đấu và những suy sụp, rốt cuộc chỉ có một mình trong khám phá của mình và trong thắng lợi của mình. Ông vẫn chưa áp đặt được học thuyết của mình lên đám đông, thậm chí ông còn chưa thể thuyết phục hai người bạn thân nhất của ông, ngài hiệu trưởng cùng ngài trưởng khoa. Nhưng kể từ cái ngày đốc tờ khám phá nơi con khỉ của ông triết gia vĩ đại mà ông vốn thường hay mơ thấy đến vậy, ông cảm thấy bớt cô lẻ hơn.

Tin chắc rằng con thú chỉ bị tước mất sự nói năng do sự trừng phạt các lỗi đã qua của nó và, cũng bởi đòn trừng phạt ấy, trong nó ngập tràn kỷ niệm về những tồn tại trước, Héraclius khởi sự yêu cuồng nhiệt bạn đồng hành của ông và thấy mình được an ủi nhờ tình cảm âu yếm ấy, khỏi tất tật các nỗi khốn cùng giáng xuống ông.

Từ ít lâu, quả thật, cuộc sống trở nên buồn hơn đối với đốc tờ. Ngài trưởng khoa và ngài hiệu trưởng đến thăm ông thưa hơn nhiều và điều này tạo ra một trống rỗng to lớn quanh ông. Thậm chí họ đã ngừng tới ăn tỗi mỗi Chủ nhật, kể từ lúc ông cấm dọn ra bàn mọi thực phẩm từng có sự sống. Thay đổi trong chế độ của ông, đối với ông cũng là một tước bỏ to lớn, có lắm lúc, điều này mang những tỉ lệ của một nỗi buồn đúng nghĩa. Ông, người xưa kia từng sốt ruột đến vậy mà đợi cái giờ xiết bao êm ả của bữa trưa, giờ gần như ông e ngại nó. Buồn rầu, ông đi vào phòng ăn, biết rõ rằng mình chẳng còn gì dễ chịu để trông đợi nữa và ông không ngừng bị ám bởi kỷ niệm về những xiên chim caille, nó đè nặng lên ông như một sám hối, than ôi! chẳng hề là sám hối bởi đã chén đẫy cái món đó, mà đúng hơn, niềm tuyệt vọng vì đã vĩnh viễn cự tuyệt nó rồi.


XXII. Ở đây đốc tờ phát hiện thấy con khỉ của ông còn giống ông hơn so với mức mà ông nghĩ

Một sáng nọ, đốc tờ Héraclius bị đánh thức bởi một sự ồn ào bất thường; ông nhảy vọt ra khỏi giường, quáng quàng mặc quần áo rồi chạy về phía bếp nơi ông nghe thấy những tiếng hét cùng những tiếng giậm chân lạ lùng.

Từ lâu trong tâm trí đã nung nấu những dự dồ trả thù đen tối nhất chống lại kẻ đột nhập cướp đi mất khỏi tay cô tình âu yếm của ông chủ cô, Honorine tráo trở, vốn biết rõ các sở thích cùng những món khoái khẩu của những con vật ấy, đã, nhờ một mưu mẹo nào đó, trói thật chắc được con khỉ khốn khổ vào chân cái bàn trong bếp. Rồi, khi đã chắc chắn được rằng nó bị buộc chặt cứng, cô lui ra đầu kia của căn hộ và, vui sướng chìa cho nó xem món ngon có sức kích thích nỗi thèm muốn ở nó mạnh hơn cả, cô bắt nó phải chịu một màn cực hình Tantale kinh khiếp mà hẳn dưới địa ngục người ta chỉ dùng để trừng phạt những kẻ từng phạm vô cùng nhiều tội; và cô quản gia quái thai ngâm giấm cười như nắc nẻ và tưởng tượng ra các trò tinh xảo của tra tấn mà chỉ một phụ nữ mới có khả năng hình dung nổi. Người-khỉ kia quằn quại đầy thịnh nộ trước cái món ngon lành đang được chìa ra từ xa, và cơn điên giận vì cảm thấy mình bị trói vào chân cái bàn lớn khiến cho nó thực thi những nhăn nhó gớm ghiếc, chúng lại càng làm tăng lên gấp đôi niềm vui nơi kẻ đao phủ cám dỗ.

Rốt cuộc, đúng vào cái lúc đốc tờ, ông chủ hay ghen, hiện ra trên ngưỡng cửa, nạn nhân của cuộc đón lõng hãi hùng kia, nhờ một nỗ lực ghê rợn, giật đứt được những sợi dây đang giữ nó, và nếu không có sự can thiệp dữ dội của Héraclius lòng đầy phẫn nộ, chỉ Chúa mới biết Tantale bốn tay mới mẻ này sẽ lấy những gì để mà đánh chén cho thỏa thuê.


XXIII. Bằng cách nào đốc tờ nhận ra, con khỉ của ông đã lừa ông thật thê thảm

Lần này cơn giận vượt lên trên lòng kính trọng, nên đốc tờ, túm chặt lấy cổ họng con khỉ-triết gia, lôi nó vào trong phòng ca bi nê và cho nó một trận tẩn kinh khiếp nhất từng có bao giờ hàng xương sống của một luân hồi gia phải hứng chịu.

Khi cánh tay mỏi nhừ của Héraclius nới một chút khỏi họng của con vật khốn khổ, chỉ phạm tội là có những sở thích quá giống với các sở thích của người anh em bậc cao hơn của nó, nó liền vùng ra khỏi vòng ôm của ông chủ tức tối, nhảy vọt qua bàn, nắm lấy, trên một quyển sách, hộp đựng thuốc lá lớn của đốc tờ và cứ để mở nắp ném thẳng vào mặt chủ sở hữu. Ông chỉ kịp nhắm mắt lại để tránh cơn lốc sợi thuốc lá hẳn sẽ làm ông bị mù, nhưng khi ông mở mắt ra, tên tội phạm đã biến mất, mang theo với nó tập bản thảo vốn dĩ nó được cho là tác giả.

Nỗi hoang mang của Héraclius là không giới hạn - và ông lao đi như một thằng điên theo dấu vết kẻ chạy trốn, nhất quyết sẵn sàng hy sinh mọi thứ hòng đoạt lại tập giấy da dê quý giá. Ông chạy khắp nhà từ hầm lên tầng áp mái, mở tất tật các tủ, nhìn xuống gầm mọi thứ đồ gỗ. Các tìm kiếm của ông chỉ mang lại công cốc. Rốt cuộc, ông tuyệt vọng đến ngồi dưới gốc một cái cây ngoài vườn. Ông thấy như thể từ một lúc có những vật thể nhẹ rơi xuống đầu mình, và ông nghĩ đó là những cái lá rụng bị gió bứt rụng, thì bỗng nhiên ông trông thấy một viên giấy đang lăn trước mặt ông trên lối đi. Ông nhặt nó lên - rồi mở nó ra. Chúa lòng lành! đó là một trong những tờ giấy của tập bản thảo. Ông ngẩng phắt đầu lên, đầy kinh hãi, và nhìn thấy con thú tệ hại kia đang bình thản chuẩn bị những viên đạn mới cùng dạng - và, vừa làm thế, con quái vật vừa nhăn nhó tạo ra một nụ cười khoái trá đáng hãi đến mức chắc chắn Satan cũng không làm được hãi hùng hơn, lúc hắn thấy Adam cầm lấy quả táo định mệnh, mà từ Eva cho tới Honorine đã không ngừng trao cho chúng ta. Trước dáng vẻ ấy bỗng một ánh sáng ghê khiếp nảy ra trong tâm trí đốc tờ, và ông hiểu mình đã bị đánh lừa, đã bị chơi, đã bị che mắt theo cách thức tởm lợm nhất bởi cái con ranh trên người phủ đầy lông kia, nó chẳng hề là tác giả được xiết bao mong chờ, không hề hơn so với Giáo hoàng hay Người Thổ Vĩ đại. Hẳn tác phẩm quý giá đã biến mất đi hoàn toàn nếu Héraclius không trông thấy ở gần ông vòi phun mà những người làm vườn hay dùng để tưới nước cho các bồn hoa nằm ở xa. Ông vội cầm nó lên và, với một sức mạnh siêu nhân, ông chĩa vòi lên trời, bắt con thú xảo trá phải chịu một trận tắm khó ngờ đến mức nó hết chuyền từ cành này sang cành khác, kêu choe chóe, và đột nhiên, nhờ một mưu mẹo thuộc chiến tranh rất thiện xảo, chắc hẳn nhằm có được một giây phút hoãn chiến, nó ném tập giấy da dê tơi tả thẳng vào mặt đối thủ của mình: thế rồi mau chóng rời vị trí, nó chạy bổ về nhà.

Trước cả khi tập bản thảo chạm vào người đốc tờ, ông đã ngã chổng vó lên trời, tê liệt vì xúc động mạnh. Lúc nhỏm dậy, ông không có đủ sức để mà trả thù sự gây hấn mới ấy, ông nặng nề trở vào trong phòng ca bi nê và nhận thấy, chẳng phải là không sung sướng, chỉ mất tổng cộng có ba trang.


XXIV. Eurêka

Ngài trưởng khoa cùng ngài hiệu trưởng tới thăm khiến ông được kéo ra khỏi trạng thái ủ dột. Họ trò chuyện trong vòng một hay hai tiếng mà không nhắc một lời tới luân hồi thuyết; nhưng vào lúc hai người bạn sắp đi khỏi, Héraclius không thể kìm giữ lâu hơn được nữa. Trong khi ngài trưởng khoa choàng lên người cái áo choàng lớn bằng da gấu, ông kéo người ấy, mà ông ít e ngại hơi, ra một chỗ và kể nỗi bất hạnh của mình. Ông cho biết bằng cách nào ông từng tưởng tìm ra được tác giả tập bản thảo của ông, bằng cách nào mà ông đã bị lừa, bằng cách nào con khỉ tệ hại của ông đã chơi ông theo cách thức thấp hèn nhất, bằng cách nào ông bị rơi vào cảnh bị bỏ rơi và tuyệt vọng. Và trước sự sụp đổ các ảo tưởng của mình Héraclius bật khóc. Hiệu trưởng, đầy xúc động, cầm lấy tay ông; ông đã sắp cất lời thì giọng trầm của trưởng khoa ầm vang: “Ơ này, đến đây nào, hiệu trưởng” ngoài phòng sảnh. Thế là ông, ôm lấy đốc tờ thiếu may mắn một lần cuối, mỉm cười dịu dàng mà bảo ông, giống người ta vẫn hay làm để an ủi một đứa trẻ hư: “Kìa, bình tĩnh đi, bạn ơi, ai biết đâu, có lẽ chính anh mới là tác giả của tập bản thảo ấy chứ.”

Rồi ông lao mình vào bóng tối ngoài phố, để lại Héraclius ngây độn trên bậu cửa.

Đốc tờ chầm chậm leo trở lại lên phòng ca bi nê, cứ chốc lại lẩm bẩm qua kẽ răng: “Có lẽ mình là tác giả tập bản thảo kia.” Ông đọc lại thật chăm chú cách thức tài liệu ấy được tìm thấy vào mỗi lần tác giả của nó xuất hiện trở lại; rồi ông nhớ chính mình đã tìm ra nó như thế nào. Giấc mộng đêm ngay trước cái ngày sung sướng đó giống như một báo hiệu từ trời, cảm xúc của ông lúc đi vào ngõ Bồ Câu Già, tất tật quay trở lại với ông thật sáng sủa, rõ ràng, rạng ngời. Thế là ông nhỏm người thẳng dậy, dang hai tay như một người vừa ngộ và kêu lên giọng lanh lảnh: “Chính là tôi, chính là tôi.” Một luồng run rẩy chạy khắp nhà ông, Pythagore sủa ăng ẳng dữ dội, lũ thú bị quấy động đột ngột tỉnh dậy và khởi sự náo nhiệt lên như thể con nào cũng, bằng ngôn ngữ riêng của nó, những muốn chào mừng cuộc hồi sinh vĩ đại của nhà tiên tri thuộc luân hồi thuyết. Rồi, trong một cơn xúc động siêu nhiên, Héraclius ngồi xuống, mở trang cuối cùng của quyển thánh kinh mới ấy ra, và đầy thành kính, ông viết tiếp vào đó, câu chuyện cuộc đời ông.


XXV. Ego sum qui sum

Kể từ ngày hôm ấy Héraclius Gloss thấy xâm chiếm mình một niềm kiêu ngạo khổng lồ. Giống Đấng Cứu Thế đi trước Đức Chúa Cha, ông là truyền nhân trực hệ từ Pythagore, hay nói đúng hơn, chính ông là Pythagore, do xưa kia từng sống trong cơ thể triết gia đó. Như vậy, phả hệ của ông thách thức những khu phố của các gia đình phong kiến hiển hách nhất. Ông bọc vào trong một niềm khinh bỉ ngạo nghễ mọi kẻ vĩ đại của nhân loại, những thành tích lớn nhất của họ, với ông thật nhỏ mọn nếu đặt bên cạnh các thành tích của riêng ông, và ông tự cô lập trong một sự vươn cao trác tuyệt ở giữa các thế giới và giữa các con vật; ông là sự luân hồi và nhà ông trở thành ngôi đền cho nó.

Ông đã cấm cô hầu cùng người làm vườn không được giết lũ vật có tiếng là hay gây hại. Sâu cùng sên nhung nhúc trong vườn nhà ông và, dưới hình thức bọn nhện lớn với những cái cẳng mượt, các người phàm ci-devant đưa đi dạo chơi sự chuyển hóa gớm ghiếc của chúng, trên những bức tường phòng ca bi nê của ông; điều này khiến ông hiệu trưởng tệ hại nói rằng nếu tất tật đám cựu ăn chực, đã được biến hình theo cách thức riêng của mình, hẹn nhau tụ hội trên cái đầu của ông đốc tờ quá mức nhạy cảm, thì ông sẽ tránh gây chiến với những thứ tầm gửi khốn khổ bị hạ cấp ấy. Chỉ duy nhất một điều gây rối loạn cho Héraclius trong đợt bừng nổ tuyệt vời, ấy là cứ không ngừng phải chứng kiến lũ vật ăn thịt lẫn nhau, nhện thì rình ruồi bay ngang, chim mang lũ nhện đi, mèo chén chim, còn con chó Pythagore của ông lại sung sướng bóp cổ mọi con mèo nào lỡ ở trong tầm răng của nó.

Từ sáng đến tối ông dõi theo bước đi chậm và tiến về trước của luân hồi, qua mọi bậc của thang thú vật. Ông có những khải ngộ đột nhiên khi ngắm chim sẻ lích chích nơi máng nước; kiến, các kẻ lao động cần mẫn vĩnh cửu và đầy sáng suốt ấy, tạo cho ông những mềm lòng to lớn; ông nhận thấy nơi chúng mọi kẻ ăn không ngồi rồi và vô tích sự, đám người, để sám hối thói biếng nhác cùng nỗi ơ hờ đã qua của bọn họ, bị kết án phải thực hiện cái công việc cần mẫn không ngớt kia. Ông dành hàng giờ, mũi cắm xuống cỏ mà chiêm ngưỡng chúng, và ông ngây ngất trước sự sâu sắc của mình.

Rồi, giống Nabuchodonosor, ông bò bốn cẳng, lăn lộn cùng con chó của mình trong bụi, sống với lũ thú của ông, phơi bụng ra cùng chúng. Đối với ông con người dần dà biến mất khỏi sáng tạo, và ông sớm chỉ còn thấy ở đó toàn những con vật. Thế là ông ngắm chúng, ông cảm thấy rõ rằng ông là anh em của chúng; ông chỉ còn trò chuyện với chúng và những khi, vì tình cờ, buộc lòng phải nói với những con người, thì ông thấy mình tê liệt như đang ở giữa những kẻ xa lạ và trong lòng nổi phẫn nộ về sự ngu xuẩn của đồng loại.


XXVI. Điều người ta nói quanh công toa của Mme Labotte, bán hoa quả, tại 26, phố de la Maraîcherie

Cô Victoire, cordon bleu [chef giỏi] của ngài khoa trưởng tại trường đại học Balançon, bà Gertrude, người hầu của ngài hiệu trưởng cũng của đại học ấy và cô Anastasie, quản gia của ông trưởng tu Beaufleury, cha xứ của Sainte-Eulalie, ấy là nhóm kín đáng kính trọng họp lại với nhau một sáng thứ Năm nọ, quanh công toa của Madame Labotte, bán hoa quả, số 26, phố de la Maraîcherie.

Những quý bà đó, tay trái xách giỏ mua đồ, đầu đội một chiếc bon nê trắng đặt thật điệu lên tóc, điểm trang tươi đẹp với những đăng ten cùng nếp với diềm, với dải dây buông thòng sau lưng, chăm chú lắng nghe cô Anastasie, cô kể cho họ như thế nào mà mới hôm qua thôi, ông trưởng tu Beaufleury đã trục quỷ một phụ nữ tội nghiệp bị tận năm con quỷ ám.

Đột nhiên cô Honorine, quản gia của đốc tờ Héraclius, bước vào như một cơn gió, cô ngã phịch xuống một cái ghế, ngạt thở bởi một mối xúc cảm dữ dội, rồi, chừng đã thấy tất cả mọi người đủ tò mò, to giọng: “Không, đúng là đã quá rồi, người ta cứ việc thích nói gì thì nói: tôi sẽ không ở lại trong cái nhà đó nữa.” Rồi, đưa hai tay lên che mặt, cô khóc nức lên. Sau một phút cô lại tiếp, đã bình tĩnh lại một chút: “Mà cũng không phải lỗi của con người khốn khổ đó, nếu ông ấy phát điên. - Ai cơ? Madame Labotte hỏi. - Ông chủ tôi chứ ai, đốc tờ Héraclius, cô Honorine đáp. - Vậy ra ông trưởng khoa nói chủ cô mất trí là đúng hả? cô Victoire tra hỏi. - Tôi nghĩ vậy mà! cô Anastasie kêu lên, hôm trước cha xứ khẳng định với ông trưởng tu Rosencroix rằng đốc tờ Héraclius là một người bị đọa đúng nghĩa; rằng ông ấy yêu lũ thú vật, noi gương một tay Pythagore nào đó, dường như ấy là một tên đồi bại không kém đáng ghê tởm hơn Luther. - Có gì mới không, cô Gertrude ngắt lời, đã xảy ra chuyện gì? - Các chị có tưởng tượng được không, Honorine lại nói, đưa vạt tạp dề lên lau nước mắt, ông chủ tội nghiệp của tôi từ sáu tháng nay lên cơn điên với thú vật và chắc ông ấy sẽ tống tôi ra khỏi cửa nếu thấy tôi giết một con ruồi, mà tôi ở nhà ông ấy được gần mười năm rồi còn gì. Thật tốt khi yêu quý thú vật, nhưng tuy nhiên chúng được tạo ra cho chúng ta chứ, còn đốc tờ thì chẳng còn nhìn đến người nữa cơ, ông ấy chỉ nhìn thấy những con thú, ông ấy nghĩ mình được tạo ra và sinh ra trên đời để phục vụ chúng, ông ấy nói chuyện với chúng như với những con người có lý trí và có thể nói ông ấy nghe thấy từ bên trong chúng một giọng nói đáp lời ông ấy. Rốt cuộc, tối hôm qua, vì nhận ra lũ chuột ăn mất đồ thực phẩm của tôi, tôi bèn đặt một cái bẫy trong tủ buýp phê. Sáng nay, thấy có một con chuột dính bẫy, tôi bèn gọi con mèo và sắp quẳng cho nó cái thứ sâu mọt kia thì ông chủ chạy vào như kẻ rồ dại, ông ấy giật cái bẫy khỏi tay tôi rồi thả con chuột ngay vào giữa đồ ăn của tôi, rồi, vì tôi nổi giận, ông ấy liền quay sang và đối xử với tôi còn tệ hơn một con mẹ chuyên nhặt rác.” Một sự im lặng to lớn kéo dài vài giây, rồi cô Honorine nói tiếp: “Dẫu thế nào thì tôi cũng không trách gì con người tội nghiệp đó, ông ấy bị điên.”

Hai tiếng sau, câu chuyện con chuột của đốc tờ đã đi vòng quanh những cái bếp của Balançon. Đến trưa, nó trở thành giai thoại của bữa ăn tại nhà các bậc trưởng giả thành phố. Tám giờ, ngài Chánh Tòa, vừa uống cà phê vừa kể nó cho sáu ông tòa vừa ăn tối ở nhà ông, và những ông đó, trong các dáng điệu đa dạng và nghiêm trang, vẻ mơ mộng lắng nghe, không hề mỉm cười, đầu gật gật. Mười một giờ, ông quận trưởng đang tổ chức dạ tiệc tỏ ý lo lắng về chuyện này trước sáu ma nơ canh cai trị, và khi ông hỏi ý kiến hiệu trưởng lúc ấy đang đi hết nhóm này sang nhóm khác gieo rắc những lời độc ác của mình, cùng cái cà vạt trắng, thì hiệu trưởng đáp như sau: “Xét cho cùng điều đó cho thấy, thưa ngài quận trưởng, rằng nếu La Fontaine còn sống, hẳn ông ấy sẽ làm một bài ngụ ngôn mới tên là “Con chuột của triết gia”, và chắc nó sẽ kết thúc bằng câu sau đây:

La plus bête des deux n’est pas celui qu’on pense.

[nhại La Fontaine, bài “Le meunier, son fils et l’âne”, câu “Le plus Âne des trois n’est pas celui qu’on pense”; muốn nói cái kẻ ngu nhất lại không phải đứa mà ai cũng nghĩ]


XXVII. Như thế nào, mà đốc tờ Héraclius chẳng hề nghĩ giống con cá heo, sau khi cứu một con khỉ khỏi chết đuối,

… L’y replonge et va chercher
Quelqu’homme afin de le sauver.

[tiếp tục ám chỉ đến La Fontaine: trên đây là hai câu cuối bài “Le singe et le dauphin” - tàu đắm, cá heo cứu người khỏi chết đuối, một con khỉ bị tưởng nhầm là người nên cũng được cứu, vào đến gần bờ thì chuyện vỡ lở, cá heo bèn quẳng con khỉ xuống nước để mặc cho ai thích cứu thì đi mà cứu]

Khi, hôm sau, Héraclius ra khỏi nhà, ông nhận thấy ai cũng nhìn ông đi qua vẻ hiếu kỳ và người ta lại còn ngoái đầu để nhìn ông. Sự chú ý mà ông là đối tượng thoạt tiên khiến ông ngạc nhiên; ông tìm nguyên nhân cho điều đó, và nghĩ rằng học thuyết của ông có lẽ đã được phát tán mà ông không hay, và vào lúc này ông đã được những đồng bào của mình hiểu. Thế là một niềm dịu dàng đột nhiên nảy sinh ở ông, hướng tới những người trưởng giả kia, nơi họ ông đã nhìn thấy các môn đệ đầy nhiệt hứng, và ông khởi sự vừa mỉm cười vừa chào bên phải, bên trái như một ông hoàng giữa dân chúng của mình. Những tiếng thì thào đuổi theo ông, đối với ông giống một thì thầm chất chứa ngợi khen và ông tỏa rạng nỗi khoan khoái khi nghĩ tới nỗi bối rối sắp tới của hiệu trưởng cùng trưởng khoa.

Cứ như vậy, ông đến bờ ke sông Brille. Cách vài bước, một nhóm trẻ con đang đùa nghịch và vừa cười ré vừa ném đá xuống nước trong lúc đám chèo thuyền hút tẩu dưới nắng như thể quan tâm tới trò chơi của mấy thằng bé kia lắm. Héraclius lại gần, rồi đột nhiên bước lùi như một người vừa phải lĩnh một cú mạnh vào giữa ngực. Cách bờ mười mét, hết hụp xuống lại ngoi lên, một con mèo con đang chết đuối dưới sông. Con thú nhỏ bé khốn khổ không ngừng nỗ lực trong tuyệt vọng để bơi vào bờ, nhưng cứ mỗi lần nó nhô được đầu lên khỏi mặt nước, tức thì một hòn đá của một trong mấy thằng ranh đang vui đùa trước cơn hấp hối đó lại làm nó biến mất đi. Lũ nhóc độc ác thi đua về độ khéo và khích bác lẫn nhau, và khi một cú ném đáp trúng con vật thảm hại, trên ke liền nổ ra một tràng cười cùng những tiếng giậm chân vui tươi. Đột nhiên một viên sỏi có cạnh sắc đập tin vào giữa trán con thú và một vệt máu chảy ra trên bộ lông trắng. Thế là giữa đám đao phủ bùng lên một cơn cuồng những tiếng hét và tiếng vỗ tay, nhưng đột nhiên nó biến thành một cơn hoảng ghê người. Nhợt cả ra, run lên vì giận, đẩy ngã mọi thứ gì hiện ra trước mặt, vung vẩy chân tay loạn xạ đấm đá, đốc tờ đã lao vào giữa đám ầm ĩ như một con chó sói giữa một đàn cừu. Nỗi hãi thật lớn và cuộc chạy trốn chóng vánh đến mức một trong lũ nhóc, sợ quá, lao xuống sông và mất hút. Héraclius vội cởi áo rơ đanh gốt, tháo giày và, tới lượt mình, nhảy xuống. Người ta thấy ông bơi thật dữ một lúc, túm lấy con mèo con đúng vào lúc nó chìm đi, rồi đầy vẻ chiến thắng quay trở lại trên bờ. Rồi ông ngồi lên một cái ụ, lau chùi, hôn, vuốt ve con vật bé nhỏ mà ông vừa giật khỏi tay cái chết, và âu yếm ôm lấy nó như một đứa con trai, chẳng buồn để tâm tới thằng bé đang được hai tay chèo thuyền đưa vào, thờ ơ với sự náo loạn đằng sau ông, ông rảo bước đi về nhà, quên bẵng giày cùng áo trên bờ sông.




XXVIII

Câu chuyện này thưa độc giả sẽ cho bạn thấy rằng,
Chừng người ta muốn giúp đồng loại tránh những cú ném,
Chừng người ta nghĩ cứu một con mèo thì hơn là cứu một con người,
Thì hẳn các hàng xóm người ta sẽ làm nổi cơn tức giận,
Làm thế nào mọi con đường đều có thể dẫn tới Rome,
Còn luân hồi thì đến nhà thương điên.

Ngôi sao Balançon

Hai tiếng sau, một đám người đông đảo la hét ồn ào tụ lại trước các cửa sổ nhà đốc tờ Héraclius Gloss. Rất chóng, một trận mưa các hòn đá đập vỡ những cửa kính và đám đông đã sắp phá cửa ra vào thì cảnh binh xuất hiện ở đầu phố. Dần dà tất cả bình tĩnh lại; rốt cuộc đám người tản đi; nhưng cho đến hôm sau, có hai cảnh binh đứng gác trước nhà của đốc tờ. Còn ông đã qua buổi tối trong một nỗi náo động lạ thường. Ông tự giải thích cơn bùng nổ của dân chúng bằng những trò xấu chơi mà các linh mục ngấm ngầm xúi giục chống lại ông, và bằng sự bùng phát của lòng căm ghét mà kỳ đăng quang của một tôn giáo mới nào cũng gây ra, giữa lũ môn đồ của tôn giáo cũ. Nhiệt tâm của ông lớn đến mức tuẫn đạo và ông cảm thấy mình sẵn sàng khai nhận lòng tin riêng trước đám đao phủ. Ông cho đưa vào phòng ca bi nê của mình tất cả bọn con thú mà nó có thể chứa, và mặt trời lên bắt gặp ông đang thiêm thiếp ở giữa con chó của ông, một con dê cùng một chú cừu, ôm chặt trên ngực con mèo con mà ông đã cứu sống.

Một cú đập mạnh giộng vào cửa đánh thức ông, và Honorine dẫn một ông trông rất nghiêm nghị vào, theo sau là hai nhân viên trật tự. Không xa phía sau họ, lấp ló bác sĩ của sở cẩm. Ông nghiêm nghị tự giới thiệu mình là chánh cẩm cảnh sát và hết sức lịch thiệp mời Héraclius đi theo; ông nghe lời, hết sức xúc động. Một cỗ xe đợi sẵn ngoài cửa, người ta cho ông lên đó. Rồi, ngồi bên cạnh ông cẩm, đối diện là bác sĩ cùng một nhân viên, người còn lại thì lên ngồi cạnh xà ích, Héraclius thấy họ đi theo phố Do Thái, quảng trường Tòa Đô Chính, đại lộ Nàng Pucelle [tức là Jeanne d’Arc] rồi rốt cuộc dừng lại trước một tòa nhà lớn có dáng vẻ u tối trên cửa viết dòng chữ “Trại Điên”. Đột nhiên ông ngộ ra cái bẫy khủng khiếp mình đã rơi vào; ông hiểu độ thiện xảo đáng sợ nơi những kẻ thù của ông và, dồn hết sức lực, ông cố lao ra ngoài phố; hai bàn tay mạnh mẽ làm ông ngã trở lại xuống ghế. Thế là một trận chiến khủng khiếp khởi sự, giữa ông và ba người đang giữ ông; ông cựa quậy, oằn oại, đập, cắn, hú hét vì tức tối; sau rốt ông cảm thấy mình bị quật ngã, bị trói lại thật chắc rồi bị mang vào ngôi nhà tồi tệ, cửa lớn đóng lại sau lưng ông với một tiếng động hung ác.

Người ta đưa ông vào một xà lim hẹp có dáng vẻ kỳ khôi. Lò sưởi, cửa sổ cùng gương đều được gắn song sắt bảo vệ rất vững chắc, giường và cái ghế duy nhất thì gắn chặt xuống sàn bằng dây xích sắt. Không một thứ đồ gỗ nào tại đó có thể nhấc lên và dịch chuyển bởi tù nhân. Thêm nữa, sự kiện cho thấy rằng các cẩn trọng ấy không hề thừa. Vừa thấy mình ở cái nơi hoàn toàn mới đối với ông là đốc tờ nổi xung lên ngay. Ông tìm cách đập phá mấy thứ đạc, giật song sắt và đập vỡ những ô kính. Thấy rằng mình không thể làm được, ông bèn lăn ra đất, cất lên những tiếng hét khiếp đảm tới nỗi hai người đàn ông vận bờ lu và đội một dạng mũ cát két đồng phục đột nhiên chạy vào, theo chân là một ông cao lớn đầu hói và ăn vận toàn đen. Theo một ra hiệu của nhân vật đó, hai người đàn ông nhảy bổ lên Héraclius và, chỉ trong giây lát, mặc cho ông áo camisole người điên; rồi họ nhìn ông đồ đen. Ông ta nhìn đốc tờ một lúc rồi quay sang mấy bộ hạ: “Vào phòng tắm”, ông ta nói. Thế là Héraclius bị đưa vào một căn phòng lớn lạnh toát chính giữa có một cái bồn không nước. Ông bị lột hết quần áo, vẫn không ngừng la hét, rồi bị đặt vào bồn tắm; và trước khi kịp có thời gian nhận biết, ông đã bị tuyệt đối ngạt thở bởi cuộc phun kinh hoàng nhất của thứ nước lạnh giá chưa từng bao giờ rơi xuống vai một người phàm, ngay cả tại những vùng gần địa cực hơn cả. Héraclius đột ngột bặt tiếng. Ông đồ đen vẫn nhìn ông; ông ta nghiêm trang bắt mạch ông rồi nói: “Thêm một lần.” Lần thứ hai nước lại phun từ trên trần xuống và đốc tờ gục xuống, run lẩy bẩy, họng nghẹn lại, ngạt hơi nơi đáy bồn tắm giá băng. Sau đó ông được nhấc lên, quấn vào chăn ấm sực và được đặt nằm lên cái giường trong xà lim, ở đó ông ngủ ba mươi lăm tiếng liền, say như chết.

Hôm sau ông tỉnh dậy, mạch ổn và đầu nhẹ. Ông suy nghĩ một hồi về tình thế của mình, rồi khởi sự đọc tập bản thảo mà ông đã cẩn thận mang theo. Ông đồ đen sớm vào. Người ta mang tới một cái bàn dọn sẵn đồ ăn và họ ngồi đối diện nhau dùng bữa. Đốc tờ, vốn dĩ còn chưa quên cú tắm rửa hôm trước, tỏ ra hết sức bình thản và lịch sự; chẳng nói một lời về chủ đề chắc hẳn sẽ khiến ông lại phải trải qua chuyến phiêu lưu tệ hại tương tự, ông nói chuyện thật lâu theo cách thức hấp dẫn nhất và gắng sức chứng tỏ cho chủ nhà của ông rằng ông lành mạnh về tâm trí cũng như bảy nhà thông thái Hy Lạp.

Lúc rời khỏi đó, ông đồ đen đề nghị Héraclius đi dạo một vòng trong khu vườn của bệnh viện. Đó là một cái sân vuông lớn trồng đầy cây. Chừng năm chục cá thể người đang dạo bộ ở đó; một số cười, hét và lảm nhảm, những người khác thì nghiêm trang và sầu muộn.

Trước hết đốc tờ để ý một người đàn ông cao lớn mang bộ râu dài cùng mái tóc trắng, bước đi một mình, đầu cúi gằm. Dẫu không biết là tại sao, số phận của người ấy khiến ông quan tâm và, cùng lúc, người lạ, ngẩng đầu lên, chăm chăm nhìn Héraclius. Rồi họ đi về phía nhau và kính cẩn chào nhau. Thế rồi cuộc trò chuyện khởi sự. Đốc tờ biết rằng người đồng hành của ông tên là Dagobert Félorme, là giáo sư sinh ngữ tại trường collège Balançon. Ông không nhận thấy có gì vẹo vọ trong đầu óc người ấy và đang tự hỏi điều gì đã có thể dẫn ông vào một nơi như thế này, thì người kia, đột nhiên ngừng nói, cầm lấy tay ông và, siết thật mạnh, hạ giọng hỏi: “Ông có tin vào luân hồi chăng?” Đốc tờ lảo đảo, ấp úng; ánh mắt họ giao nhau và trong vài giây hai người cứ đứng đó mà ngắm nhau. Rốt cuộc xúc cảm chiến thắng Héraclius, những giọt nước mắt trào ra - ông dang rộng vòng tay và họ ôm lấy nhau. Thế là những lời tâm sự bắt đầu và họ chóng nhận ra rằng họ được soi chiếu bởi cùng ánh sáng, tắm đẫm cùng học thuyết. Chẳng có lấy một điểm nào mà ý tưởng của họ không gặp nhau. Nhưng đốc tờ càng nhận ra sự giống trong suy nghĩ đáng kinh ngạc đó, thì ông càng cảm thấy một nỗi khó ở đặc biệt xâm chiếm mình; ông thấy dường, người lạ càng lớn lên trong mắt ông, thì chính ông lại càng nhỏ đi trong nhìn nhận của chính ông. Lòng ghen cắn xé trong lòng ông.

Đột nhiên người kia kêu lên: “Luân hồi, ấy là tôi; chính tôi đã khám phá luật tiến hóa của các linh hồn, chính tôi đã thăm dò các phần số con người. Chính tôi từng là Pythagore.” Đốc tờ dừng khựng lại, mặt nhợt hơn khăn liệm. “Xin thứ lỗi, ông nói, Pythagore, ấy là tôi.” Và họ lại nhìn nhau. Người kia tiếp: “Tôi đã lần lượt là triết gia, kiến trúc sư, lính, công nhân, thầy tu, nhà hình học, bác sĩ, nhà thơ và thủy thủ. - Tôi cũng thế, Héraclius đáp. - Tôi đã viết câu chuyện đời tôi bằng tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp”, người lạ hét lên. Héraclius đáp ngay: “Tôi cũng thế.” Họ dừng lại và ánh mắt họ giao nhau, nhọn hoắt như những mũi kiếm. “Năm 184, người kia gào lên, tôi sống ở Rome và tôi là triết gia.” Thế là đốc tờ, còn run hơn một cái lá trong gió cơn giông, rút từ túi áo ra tài liệu quý và chìa nó ra như một thứ vũ khí dưới mũi đối thủ. Ông ta nhảy bật về sau. “Bản thảo của tôi”, ông ta hú lên; rồi ông ta chìa tay ra định cầm lấy nó. “Nó là của tôi”, Héraclius gầm lên và, với một tốc độ rất đáng kinh ngạc, ông giơ đối tượng tranh chấp lên cao quá đầu, chuyển nó từ tay này sang tay kia sau lưng, khiến nó thực hiện những chuyển động ngoạn mục nhất nhằm không để cho cuộc truy đuổi điên cuồng của địch thủ thu được kết quả. Kẻ kia nghiến răng, giậm chân và rống lên: “Đồ ăn cắp! Đồ ăn cắp! Đồ ăn cắp!” Cuối cùng ông ta cũng, nhờ một động tác nhanh cũng ngang bằng với khéo, túm được một đầu tập giấy mà Héraclius định hất đi. Trong vòng vài giây hai bên cùng ra sức kéo với một cơn giận và một sức mạnh tương tự, rồi, vì không bên nào chịu nhường, bản thảo, đang là gạch nối thể chất giữa họ, kết thúc trận đấu theo lối cũng thông thái hệt như đức vua Salomon quá cố hẳn có thể làm, nó tự chia đôi ra thành hai phần bằng nhau, điều này cho phép đôi bên tranh chấp mau chóng bỏ đi ngồi cách nhau mười bước, bên nào cũng khư khư cầm lấy một nửa chiến thắng của mình trong bàn tay nắm thật chặt.

Họ chẳng hề đứng dậy, nhưng lại khởi sự nhòm ngó nhau, hệt hai thế lực cạnh tranh, sau khi đã ước lượng sức lực nhau, do dự trong việc lại đâm bổ vào nện nhau lần nữa.

Dagobert Félorme là người cất lời gây hấn trước. “Chứng cứ cho thấy tôi là tác giả tập bản thảo này, ông ta nói, là tôi biết nó trước anh.” Héraclius không đáp.

Người kia tiếp: “Chứng cứ cho thấy tôi là tác giả tập bản thảo này là tôi có thể đọc nó cho anh nghe từ đầu đến cuối bằng bảy thứ tiếng dùng để viết nó.”

Héraclius không đáp. Ông đang suy tưởng rất sâu sắc. Một cuộc cách mạng đang diễn ra bên trong ông. Nghi ngờ là không thể, chiến thắng nằm lại nơi địch thủ của ông; nhưng tác giả kia, mà ông từng dùng hết lòng mong mỏi gọi đến giờ đây khiến ông phẫn nộ như một vị thần giả hiệu. Ấy là bởi, vì bản thân ông chỉ còn là một ông thần bị tước sở hữu, ông nổi loạn chống thần linh. Chừng còn không tin mình là tác giả của tập bản thảo ông đã mong muốn đến điên cuồng được gặp người ấy; nhưng kể từ cái ngày ông tự nhủ: “Chính ta đã làm cái đó, luân hồi, đó chính là ta”, thì ông không còn có thể đồng ý để cho ai đó chiếm mất chỗ. Tương tự những người thà đốt nhà mình đi còn hơn thấy nó được ở bởi một kẻ khác, kể từ khi một người xa lạ trèo lên ngồi chễm chệ trên ban thờ mà ông đã tự dựng, thì ông đốt đi ngôi đền cùng Chúa, ông đốt luôn luân hồi. Vì vậy, sau một quãng im lặng dài, ông nói, giọng chậm và trầm: “Anh điên.” Nghe thấy thế, đối thủ của ông liền lao tới như một kẻ rồ và một trận vật mới chuẩn bị khởi sự, khủng khiếp hơn trận thứ nhất, nếu những người gác không chạy bổ đến và đưa hai nhà cải cách chiến tranh tôn giáo về lại chỗ của mỗi người.

Trong gần một tháng, đốc tờ chẳng hề rời khỏi phòng; ông qua những ngày của mình đơn độc, hai tay ôm đầu, nhập thần một cách sâu sắc. Ngài trưởng khoa và ngài hiệu trưởng thỉnh thoảng tới thăm ông và, thật dịu dàng, dùng đến các so sánh khéo kéo cùng những ám chỉ tế nhị, trợ sức cho cái công việc đang được tiến hành trong tâm trí ông. Họ cho ông biết bằng cách nào một kẻ tên Dagobert Félorme, giáo sư sinh ngữ tại trường collège của Balançon, đã phát điên trong lúc viết một khảo luận triết học về học thuyết Pythagore, Aristote và Platon, khảo luận mà ông ta tưởng tượng ra rằng mình đã bắt đầu viết dưới triều hoàng đế Commode.

Rốt cuộc, một buổi sáng đẹp trời, đốc tờ, đã quay trở lại với chính mình, Héraclius của những ngày tươi đẹp, mau mắn bắt tay hai người bạn và thông báo với họ rằng ông đã chối bỏ vĩnh viễn luân hồi, chối bỏ những kỳ sám hối thú vật cũng như những đầu thai của ông, và ông đấm ngực công nhận nhầm lẫn của mình.

Tám hôm sau những cánh cửa của bệnh viện mở ra trước mặt ông.


XXIX. Bằng cách nào đôi khi người ta rơi từ Charybde sang Scylla

Rời khỏi ngôi nhà định mệnh, đốc tờ dừng chân chốc lát trên ngưỡng cửa mà hít cho đầy phổi không khí tự do thoáng đãng. Rồi, lấy lại dáng dấp nhậm lẹ của trước kia, ông lên đường đi về nhà mình. Ông đi được năm phút thì một thằng bé, trông thấy ông, đột nhiên huýt một tiếng sáo thật dài, ngay lập tức đáp lại là một tiếng huýt giống thế cất lên từ một phố bên cạnh. Ông nhóc thứ hai chạy tới liền, và thằng đầu tiên, chỉ Héraclius cho bạn, vận hết sức lực hét: “Ki… kìa lão mê thú mới sổng trại điên”, và cả hai, tiếp bước sau lưng đốc tờ, khởi sự bắt chước thật tài tình mọi tiếng kêu của những loài vật được biết đến. Chừng một chục ranh con khác mau chóng nhập bọn với hai thằng đầu tiên và tạo ra cho cựu luân hồi gia một đám hộ vệ cũng ồn ào y như khó chịu. Một trong số chúng đi mười bước trước đốc tờ, thay cho lá cờ cầm trên tay một cán chổi ở đầu buộc bộ lông thỏ chắc hẳn vớ được nơi góc phố; ba đứa khác đi ngay sau, giả dạng quân đánh trống, rồi đến ông đốc tờ sợ sệt, co mình lại trong cái áo rơ đanh gốt rộng, mũ sụp xuống tận mắt, thật giống một vị tướng giữa đội quân của mình. Sau ông toán nhãi con chạy, nhảy tưng tưng, trồng chuối, gào, ré, sủa, meo meo, hí, gầm, ò ó o, và tưởng tượng ra cả nghìn điều vui tươi khác, trước sự thích thú lớn lao của các trưởng giả hiện ra nơi cửa nhà họ. Héraclius, ngây ra, mỗi lúc một cố rảo bước nhanh thêm. Đột nhiên một con chó đang lảng vảng gần đó chạy tới cọ vào chân ông. Một luồng sóng của giận dữ dâng lên trong óc đốc tờ và ông chơi cho con thú khốn khổ mà trước đây ông từng cưng nựng một cú đá khủng khiếp đến độ nó vừa tru lên vì đau vừa bỏ chạy. Một tràng vỗ tay hoan hô kinh khiếp nổ ra quanh Héraclius, ông đã mất cả trí, bắt đầu dồn hết sức để chạy, vẫn bị bám sát bởi đám tùy tùng náo nhiệt.

Đám người lướt qua như một cơn lốc trên những phố chính của thành phố và dồn ép nhau lại trước nhà của đốc tờ; còn ông, thấy cửa đang mở hé, lao ngay vào và đóng nó lại sau lưng, rồi, vẫn chạy, ông leo lên phòng ca bi nê, ở đó ông được đón tiếp bởi con khỉ của ông, nó thè ngay lưỡi ra ra dạng chào mừng. Cảnh tượng ấy làm ông bước giật ngược về sau như thể một bóng ma đang đứng đó trước mắt ông. Con khỉ của ông, ấy chính là kỷ niệm sống về tất tật những nỗi bất hạnh của ông, một trong những nguyên nhân cho chứng điên của ông, cho các nhục nhã cùng sự xâm phạm mà ông vừa phải gánh chịu. Ông túm lấy một cái ghế gỗ sồi nằm trong tầm tay và, chỉ một cú, đập vỡ toang đầu con thú bốn tay thảm hại, nó rũ xuống như tàu lá dưới chân kẻ giết nó. Rồi, lòng nhẹ nhõm nhờ cuộc hành hình, ông thả phịch người xuống một cái phô tơi và cởi cúc áo rơ đanh gốt.

Đúng lúc ấy Honorine hiện ra và thiếu điều ngất xỉu vì vui, khi thấy Héraclius. Trong nỗi phấn chấn, cô nhào vào ôm cổ ông chúa của cô và hôn lên hai má ông, vậy là quên mất khoảng cách phân chia, trong mắt mọi người, giữa ông chủ và cô hầu; cái đó thì, người ta bảo, trước kia đốc tờ hay làm gương cho cô noi.

Tuy nhiên băng đảng nhóc con vẫn chưa tản đi và tiếp tục, trước cửa, một cơn huyên náo khủng khiếp đến nỗi Héraclius, sốt ruột quá, bỏ ra vườn.

Một cảnh tượng gớm ghiếc khiến ông choáng váng.

Honorine, vốn dĩ thực tâm yêu ông chủ tuy rất phiền lòng vì sự điên của ông, đã muốn tạo cho ông một bất ngờ dễ chịu chừng ông được về nhà. Cô đã trông coi như một người mẹ lên tồn tại của tất tật những con thú trước đây từng được tập hợp lại tại chỗ này, thành thử, nhờ khả năng sinh đẻ lớn rất chung nơi mọi giống thú, khu vườn lúc đó bày ra một cảnh tượng giống với cảnh tượng hẳn sẽ phải có, khi nước Hồng Thủy rút đi, bên trong Con Thuyền ở đó Noé tập hợp mọi loài vật sống. Ấy là một mớ hỗn độn, một nhung nhúc những thú và thú, dưới đó, cây cối, đá, cỏ và đất biến mất đi. Các cành oằn xuống dưới trọng lượng hàng trung đoàn chim, trong khi bên dưới chó, mèo, dê, cừu, gà, vịt và gà tây lăn lộn trong bụi. Không khí tràn ngập những ồn ào đa dạng, tuyệt đối giống với tiếng mà đám trẻ ranh đang tạo ra ở phía bên kia nhà.

Trước cái cảnh đó, Héraclius không còn tự kiềm chế được nữa. Ông lao vào một cái mai bị bỏ quên dựa vào tường và, giống các chiến binh lừng danh mà Homère kể những chiến công, nhảy, khi lên trước lúc về sau, đập sang phải và sang trái, trong lòng thì điên giận, bọt mép sùi ra, ông tiến hành một cuộc thảm sát đáng sợ tất tật những người bạn vô hại của ông. Bọn gà hãi qua bay tứ tung trên tường, mèo thì leo lên cây. Chẳng con nào được hưởng ân xá trước ông; đó là một hỗn loạn không bút nào tả xiết. Và rồi, lúc trên mặt đất đã lỏng chỏng xác chết, rốt cuộc ông ngã xuống vì mệt và, như một viên tướng chiến thắng, ngủ thiếp đi trên cảnh nồi da nấu thịt.

Hôm sau, cơn sốt đã hạ, ông muốn thử đi một vòng quanh thành phố. Nhưng chỉ mới vừa bước qua bậu cửa nhà ông thôi là tức thì lũ nhóc rình sẵn ở góc các phố đã lại bám sát gót ông, hét lên: “U u u, lão mê thú, lão bạn của thú!” và chúng lại tái khởi những tiếng hét của ngày hôm trước với vô số kể các biến tấu.

Đốc tờ vội về nhà. Cơn thịnh nộ làm ông chết ngạt và, vì không thể làm gì những con người, ở ông phát sinh một niềm căm hận không thể giải trừ và ông tiến hành một cuộc chiến khốc liệt với mọi giống loài thú. Ngay khi đó, ông chỉ có độc một ham muốn, một mục đích, một mối bận tâm thường hằng: giết thú. Ông rình chúng suốt từ sáng chí tối, giăng những cái lưới trong vườn để bắt chim, những cái bẫy nơi các máng xối nhằm bóp cổ bọn mèo sống quanh. Cửa nhà ông lúc nào cũng mở hé bày ra những miếng thịt ngon lành dụ dỗ lũ chó đi ngang, và đột nhiên đóng lại ngay khi nào một nạn nhân thiếu thận trọng không kháng cự nổi trước đó. Những phàn nàn mau chóng dậy lên từ tứ phía quanh ông. Ông chánh cẩm cảnh sát nhiều lần đích thân đến hạ lệnh bắt ông phải ngừng cuộc chiến tranh khốc liệt đó lại. Ông bị kiện liên hồi; nhưng chẳng gì chặn được cuộc trả thù của ông. Rốt cuộc sự phẫn nộ dâng cao. Thêm một náo loạn nổ ra trong thành phố, và chắc hẳn lẽ ra ông đã bị đám đông hành hình nếu không có sự can thiệp của lực lượng vũ trang. Mọi bác sĩ ở Balançon đều được triệu tập đến Sở Cẩm, và đồng lòng như một tuyên bố rằng đốc tờ Héraclius Gloss điên. Lần thứ hai, ông đi ngang thành phố giữa hai nhân viên cảnh sát và thấy khép lại sau lưng mình cánh cửa nặng nề của ngôi nhà trên ghi dòng chữ: “Nhà thương Điên”.


XXX. Như thế nào, mà câu thành ngữ “càng điên càng hay cười” không phải lúc nào cũng đúng một cách chuẩn xác

Hôm sau, ông xuống sân bệnh viện, và người đầu tiên hiện ra trước mắt ông là tác giả của tập bản thảo luân hồi thuyết. Hai kẻ thù bước về phía nhau, dùng ánh mắt ước lượng đối phương. Một vòng tròn người hình thành quanh họ. Dagobert Félorme kêu lên: “Đây là kẻ từng muốn ăn trộm tác phẩm của cuộc đời tôi, ăn cắp vinh quang khám phá của tôi.” Tiếng thì thầm chạy suốt đám đông. Héraclius đáp: “Đây là kẻ bảo rằng những con thú là người và những con người là thú.” Rồi cả hai bên cùng bắt đầu nói, dần dà họ khiêu khích lẫn nhau và, cũng giống lần trước, lao bổ vào nhau. Các khán giả can họ ra.

Kể từ ngày hôm đó, với một sự bướng bỉnh cùng một lòng nhẫn nại tuyệt vời, mỗi bên tìm mọi cách thu nhận đệ tử và, không lâu sau đó, toàn bệnh viện bị chia thành hai đảng đối nghịch, đầy hào hứng, khốc liệt, và không thể hòa giải, đến mức một luân hồi gia không thể bắt gặp một trong số các đối thủ mà một trận đấu khủng khiếp không nổ ra. Nhằm tránh các cuộc chạm trán đẫm máu, ông giám đốc buộc lòng phải quy định những giờ đi dạo dành riêng cho mỗi phe, bởi chưa bao giờ có sự căm ghét nào kiên trì hơn từng thôi thúc hai giáo phái đối lập như thế, kể từ cuộc cãi cọ lừng danh giữa Guelfes và Gibelins. Thêm nữa, nhờ biện pháp thận trọng ấy, thủ lĩnh của hai nhóm đối nghịch sống sung sướng, được yêu quý, được các môn đệ lắng nghe, được nghe lời và được kính ngưỡng.

Đôi khi trong đêm, một con chó lảng vảng quanh những bức tường tru lên, làm run rẩy trên giường của họ Héraclius và Dagobert: ấy là con Pythagore trung thành, nó, nhờ phép mầu mà thoát khỏi cuộc trả thù của ông chủ, đã lần theo dấu vết ông tới tận ngưỡng cửa nhà mới của ông, và tìm cách mở cửa cái ngôi nhà ấy, nơi chỉ con người được quyền vào.





NB. đã tiếp tục:

+ "1/3"
+ "F & C"
+ "tiền"
+ "paradis"
+ "giọng rõ"
+ "tiếng Việt abc"
+ "nouveau riche buông và nouveau riche ngẩng"

8 comments:

  1. Nhiệt liệt chúc mừng triệu view lần thứ n, tung bông tung hoa, haha. Trong giây phút này bạn nghĩ đến ai?

    ReplyDelete
  2. vậy là giã biệt rồi à

    ReplyDelete
  3. thật ra lần này có cả hai từ projet và project :D

    ReplyDelete
  4. nhân dã nhân dã

    ReplyDelete
    Replies
    1. ta hiểu ý bác này nói gì rồi haha

      Delete
  5. núi ko đến thì Mohamed đến. chỉ là lại một chuyện thời độ :)

    ReplyDelete
  6. "do you have to let it linger?

    tiếp tục

    ReplyDelete