May 10, 2009

Còn hết cuối tuần thì...

... thì khác tí teo :))

* Đọc Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Thomas S. Kuhn, Chu Lan Đình dịch, NXB Tri Thức, “Tủ sách Tinh hoa”, 2008

Quyển sách lớn của Thomas Kuhn, Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học (The Structrure of Scientific Revolutions, 1962), mặc dù mang rất nhiều yếu tố kỹ thuật gắn liền với các bộ môn thuộc ngành vật lý, vẫn rất có ích cho ngay cả những ai thuần túy coi những cái tên như Bernoulli, Boyle hay Coulomb là những ám ảnh đáng sợ và xưa cũ của nhà trường phổ thông.

Trước hết và hơn hết là vì nó đề nghị điều vừa quyến rũ nhất vừa gây sợ hãi nhất trong khoa học và không chỉ khoa học: sự thay đổi. Sự thay đổi đó xuất phát từ chính bản thân Kuhn: theo như ông kể lại trong “Lời nói đầu”, tuy được đào tạo về vật lý (tại đại học Harvard), nhưng ông nhanh chóng chuyển sang nghiên cứu lịch sử khoa học và sự nghiệp xuất sắc đã khiến ông được xếp vào các triết gia về khoa học lớn nhất của thế kỷ XX, cùng Lakatos, Popper, Feyerabend (bạn của ông) hay Heilbron (học trò của ông). Mục đích ban đầu của Kuhn là “thúc đẩy một sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá các dữ liệu quen thuộc” (tr. 26), bởi ông sớm nhận ra những khiếm khuyết lớn ở các “bức tranh khoa học” theo lối biên niên như vẫn được thể hiện ở sách vở kinh điển và sách giáo khoa: chúng hoàn toàn không có ích lợi gì cho việc hiểu biết về hoạt động nghiên cứu đã đẻ ra chúng.

Phản đối khái niệm “phát triển bằng tích lũy”, Kuhn tìm đến một lối hình dung khác về tiến trình phát triển của khoa học. Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học đưa ra một suy tư độc đáo về lịch sử khoa học và kể từ đó mô hình mà nó đề nghị đã trở thành kinh điển, với các khái niệm xương sống: “cách mạng khoa học”, “paradigm” (trong bản dịch là “mẫu hình”, còn có thể dịch là “hệ hình” hay “phạm thức”) và cặp từ đối nghĩa “normal science” (trong bản dịch là “khoa học chuẩn định”, còn có thể hiểu là khoa học ở trạng thái bình thường) và “extraordinary science” (trong bản dịch là “khoa học phi chuẩn định”, ở đây nên hiểu là “khoa học bất thường”). Lịch sử của khoa học (tự nhiên) đi qua các mẫu hình khác nhau, mỗi mẫu hình chi phối, quyết định, dự đoán và thậm chí tiên liệu sự diệt vong của chính mình. Cách hình dung này khá tương đồng với Michel Foucault khi bàn về sự phát triển của tri thức. Thay đổi mẫu hình là điều kiện tiên quyết cho khả năng về một cuộc cách mạng khoa học: “Cách mạng khoa học chính là quá trình chuyển sang một mẫu hình mới” (tr. 189). Một điểm quan trọng nữa là Kuhn hoàn toàn không bỏ qua khía cạnh xã hội của phát triển khoa học.

Kuhn đặt mẫu hình, tức “thành tựu khoa học cụ thể” (tr. 51), quan trọng hơn các khái niệm, định luật, lý thuyết và quan điểm đã dẫn tới thành tựu đó vì ông cho rằng đó là đơn vị cơ bản dùng để nghiên cứu sự phát triển của khoa học. Cách mạng, theo Kuhn, chính là “kiểu phát triển thông thường của một khoa học trưởng thành” (tr. 53), nhưng lại không đặc trưng cho thời kỳ trước Newton; đây là một khái niệm khá muộn, nhưng có hiệu quả đặc biệt, vì nó bỏ bớt cho nhà khoa học gánh nặng luôn phải trình bày lại từ đầu những vấn đề cơ bản nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của mình do không có sẵn một chuẩn mực chung được toàn bộ giới khoa học cùng thời đồng thuận. Cũng thông qua cách mạng mà chúng ta có thể nói đến sự tiến bộ.

Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học chắc chắn sẽ thu hút độc giả quan tâm đến các phát minh lớn trong khoa học và những cuộc đối đầu của trí tuệ đỉnh cao (với những cái tên như Aristotle, Newton, Lavoisier, Boyle hay Einstein), nhưng ở một khía cạnh khác nó còn có khả năng lớn lao trong việc khích lệ công việc nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ, khi Kuhn bàn rất hay đến ý nghĩa của khoa học (ở các chương III và IV), dù cho ông khẳng định ở môi trường bình thường với sự thống trị của một mẫu hình thực thụ, công việc chủ yếu của nhà khoa học là “vun đắp” chứ không hẳn là tìm ra cái mới, thậm chí nhà khoa học còn dị ứng với những cái dị biệt và lý thuyết mới. Mặt khác, ông cũng khẳng định: “Có một điều nên lưu ý: hầu như bao giờ cũng vậy, những người có các phát minh cơ bản về một mẫu hình mới là những người hoặc rất trẻ hoặc là mới bước vào lĩnh vực mà họ làm thay đổi mẫu hình” (tr. 188).

Đẩy xa hơn suy tư của mình, Kuhn đặt các cuộc cách mạng khoa học vào sự đối sánh với các cuộc cách mạng chính trị và tìm ra nhiều điểm tương đồng giữa chúng. Cả hai loại đều khởi đầu bằng một cảm giác bất ổn chung của cộng đồng, tiếp đến là giai đoạn khủng hoảng bắt buộc trước khi dẫn đến quá độ và thay thế về mẫu hình (ở điểm này Kuhn khác với Popper, người cho rằng sẽ có thay đổi mẫu hình khi một mẫu hình cũ bị vứt bỏ; Kuhn lại khẳng định phải đến khi một mẫu hình mới thay thế xong xuôi một mẫu hình cũ thì quá trình này mới thực sự được hoàn thành). Gần gũi với cách mạng chính trị (đó cũng chính là lý do khiến Kuhn chọn từ “cách mạng”), “việc lựa chọn giữa các mẫu hình cạnh tranh nhau cũng là một sự lựa chọn giữa những lối sống không tương thích nhau của cộng đồng” (tr. 194).

Và toàn bộ quá trình đó cứ liên tục diễn ra, dù các cộng đồng có muốn hay không, bởi vì sự thay đổi không chỉ là một thuộc tính của thế giới, mà thế giới còn thuộc về sự thay đổi.

3 comments:

  1. Bác 2 0 ơi, bên NXB Tri Thức có dịch các cuốn phylosophy of science nào ạ?

    ReplyDelete
  2. mới thấy có quyển này, đang làm một quyển của Popper nhưng chẳng biết bao giờ xong

    ReplyDelete