May 1, 2009

Họ bắn vào hòa bình, chúng tôi bắn vào hòa bình

Về Bảo Ninh, nếu muốn phản đối việc người ta cứ nói là cả đời ông ấy chỉ có mỗi Nỗi buồn chiến tranh, thì có thể nêu tên truyện ngắn "Gió dại". Nhưng nếu bảo ngoài hai cái đó nữa còn có gì, thì thực sự là khó. Bảo Ninh còn cả loạt truyện ngắn đặc sắc, nhiều truyện rất hay, như truyện về Hà Nội hồi những năm trước 1975 có "Người anh hùng thời đại" để ria theo lối chất nghệ (tên Vinh hay sao?), hay gần đây hơn là "Bội phản". Thỉnh thoảng viết bút ký cũng rất giỏi, chẳng hạn như gần đây nhất là "Đêm cuối cùng ngày đầu tiên". Nhưng cái hay của những cái ấy là cái hay bình thường. Đặc biệt thì chỉ có Nỗi buồn chiến tranh và "Gió dại".

"Gió dại" trên Internet: đọc tại đây, bản dịch tiếng Anh của Phan Huy Đường và Nina McPherson ở đây.

Thời gian của truyện là giai đoạn ngay trước 30/4/1975. Ẩn dụ "gió dại" ngay lập tức cho thấy tính chất vô nghĩa, nhỏ nhoi, thảm hại của con người, và của cái chết, trong một cuộc chiến tranh như cuộc chiến tranh Việt Nam. Cái nhìn của người kể chuyện đặt ở bên phía bộ đội, lúc đó đóng quân tại một vùng vừa chiếm được, một vùng theo đạo có ông cha cố, và nhất là có một cô ca sĩ vì loạn lạc mà bị kẹt lại và sống luôn ở đây, đêm đến vẫn thường tiếp khách đàn ông, đều là bộ đội.

Chuyện tình duyên giữa Diệu Nương cô ca sĩ và anh lính phụ tá anh nuôi nhanh chóng trở thành một thảm kịch. Thảm kịch này giống như là một tiếng thở dài, rất dài - sở trường của văn Bảo Ninh. Văn của Bảo Ninh phải đi theo từng hơi một, cay đắng, buồn bã, không thể vui được, và những trường hợp tác phẩm khác không được thành công lắm có lẽ là bởi vì cái hơi này không đủ dài.

Và đặc biệt là "Gió dại" có một câu kết không thể nào quên: "Chúng tôi đã bắn chết những người báo trước hòa bình, vậy mà hòa bình vẫn đến." Nghe nói câu văn này một thời đã gây sóng gió (truyện này hình như được viết cuối những năm 1990), thậm chí một thời gian đã bị cắt khỏi truyện, như một hình thức kiểm duyệt. "Những người báo trước hòa bình" là cô ca sĩ Diệu Nương và người tình bộ đội của mình trên đường chạy trốn, khi bị bắt gặp họ xin được tha mạng vì "chẳng làm hại gì cả", "không chống lại ai", nhưng các đồng đội của anh lính (trong đó có "tôi", người cũng đã từng nhiều lần ngủ với Diệu Nương) đã xả súng qua đám cây. Sau khi bắn xong rồi họ mới nhìn thấy xác hai con người kia, quấn chặt vào nhau.

Bây giờ cứ mỗi dịp 30/4 xem người ta kỷ niệm hào hùng mà thấy mệt. Phần lớn khăng khăng tô màu đỏ màu hồng rộn ràng cho một cuộc chiến đáng tởm. Một số khác tìm cách chứng minh rằng tất cả đều rất tởm, nhưng chúng tôi ít tởm hơn, và một số khác nữa: tất cả đều rất tởm, nhưng chúng nó tởm hơn chúng tôi.

16 comments:

  1. Cứ giả dụ có thằng nào tự nhận là "tao tởm lắm đây này, nhưng thằng kia cũng tởm không kém tao đâu. Chúng tao cùng phường cùng hội đấy." thì nó vẫn được mang tiếng là tởm nhưng mà dám nói, còn những thằng ko dám nói thì lại thành ra tởm và rất hèn. Nhhư vậy rốt cuộc mấy kẻ đi chê bai đó cũng là tự tôn mình lên trên mức tởm một chút? Vậy bác 2nd Linh nghĩ mấy người đó nếu hiểu ra thì họ có dám đi chê ai tởm nữa không?

    Đọc truyện của Bảo Ninh chỉ thấy ấn tượng nhất mấy cảnh tả xác chết và ám ảnh thôi. :D

    Có vẻ như mình không yêu nước cho lắm, 30/4 nằm nhà nghe Mozart. Mới phát hiện ra 1 cô vào vai Queen of the night đạt đến mức đỉnh của đỉnh. Mấy đoạn saccato phải gọi là (ôi...) ;))

    Bác ngồi xem DVD về dàn Berlin đi, cho qua mấy ngày.

    ReplyDelete
  2. À, ra vậy. "Mùa khô cuối cùng của cuộc chiến." Sau "gió dại" là "giải phóng" phải không bác? ;P

    ReplyDelete
  3. Nhị Linh là con ông lớn hay sao mà dám nói bạo thế? Không sợ bị đóng blog à?

    ReplyDelete
  4. nghi cái "phần lớn" ấy bây giờ bớt lớn rồi, nhưng vẫn cứ vui với ngày 30/4 chứ, dù sao thì "...hòa bình vẫn cứ đến".

    ReplyDelete
  5. Gió dại theo tôi đúng là một truyện ngắn xuất sắc của Bảo Ninh, nhưng đúng là nó bị Nỗi buồn chiến tranh che lấp.
    Cá nhân tôi cũng thích truyện ngắn của ông này, ngày trước định hướng dẫn sinh viên nghiên cứu truyện ngắn Bảo Ninh nhưng các giáo sư bảo truyện ngắn ông này có cái gì mà viết...

    ReplyDelete
  6. "Văn của Bảo Ninh phải đi theo từng hơi một, cay đắng, buồn bã, không thể vui được, và những trường hợp tác phẩm khác không được thành công lắm có lẽ là bởi vì cái hơi này không đủ dài"....

    Gớm, với mấy bác phê bình văn học, nhà văn đến thở thế nào cũng không được phép mà cần phải có đủ độ dài hay dở. Thiệt tình là dã man mà...:)) :)) :))

    ReplyDelete
  7. à không bạn Quách ạ, đôi khi thở gấp cũng hay đó :)

    ReplyDelete
  8. mình còn nhớ Bảo Ninh với "Khắc dấu mạn thuyền", thật sến. :p

    ReplyDelete
  9. Hai "chúng tôi" này giống nhau: "chúng tôi ít tởm hơn" = "chúng nó tởm hơn chúng tôi".

    Suy ra là chỉ có hai phần: Phần lớn và Một số.
    Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến 30-4 là hai bên lại ôn nghèo kể khổ, ôn cố tri tân rất là thân mật.

    ReplyDelete
  10. bác làm em đọc lại Nỗi buồn chiến tranh

    ReplyDelete
  11. chết em xin lỗi bác, bác đang ở giai đoạn kiên quyết từ chối sách vở mà em lại mang mồi ra nhử :)

    ReplyDelete
  12. Đọc truyện ngắn Bảo Ninh, nhất là những đoạn tả cảnh, tôi thấy bàng bạc không gian Nga của Gogol, Paoutovski... mặc dù trước đó, khi đọc Nỗi Buồn Chiến Tranh, tôi cứ đoan chắc đây là Remarque của Mặt Trận miền Tây vẫn yên tĩnh tái sinh.

    ReplyDelete
  13. Tôi đọc bản tiếng Anh - The sorrow of war - trước, do vô tình rồi mới tò mò đọc bản tiếng Việt (Thân phận tình yêu?). Thú thật, tôi khá thất vọng. Trước hết, nỗi chán chường phô trương - dù có thể rất thành thực - không thích hợp với những đoạn mô tả "quân địch" như những con vật không có chút lương tâm hay ít nhất như những khí cụ giết người. Về mặt "văn chương", tôi cũng không cảm thấy ở Nỗi Buồn Chiến Tranh không khí chán chường vô vọng mà trong sáng như nước mưa của Remarque, hay khôi hài cay đắng đầy tính lãng mạn của Gogol... Ngược lại, đọc TPTY, tôi có cảm tưởng đang đọc phó bản "Bắc kỳ" của những ông lính viết văn (không phải những nhà-văn-cầm-súng) của miền miền Nam trước 1975. Vấn đề của những người cầm bút thuộc loại này là vừa muốn bào chữa cho một điều không thể bào chữa, lại vừa tôn tôn vinh "chủ nghĩa" tự do của mình. Dĩ nhiên họ có quyền làm thế, nhưng đó không phải là văn chương đích thực nữa... TB. Trả lời câu hỏi của một ký giả nước ngoài, 2006, tại sao ông không viết (nhiều) nữa, BN trả lời: "Tôi có nhiều chuyện (stories) để viết, nhưng không thể viết chúng ra vào lúc này", rồi ông thêm: "Mỗi người cầm bút có một số đề tài riêng". Có thể vấn đề là BN vẫn chưa thực sự tự do (như Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư...)?

    ReplyDelete
  14. Anh tên Vinh, biệt danh là Pét xồm, buồn nhỉ, 2 anh thanh niên đánh nhau bên nồi bánh chưng sùng sục vì một chị, rồi sau, chả ai lấy được chị ấy ( T)

    ReplyDelete
  15. Èo, đoạn 2 anh đánh nhau là lúc bánh chưng mới gói xong. Còn bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, anh Trung với chị Giang ôm nhau rồi.

    ReplyDelete