Mar 8, 2013

Trưng bày sách (3) Manga và chúng ta :p

Xem mấy lần trước (đâyđây), tình hình một thời (không ngắn) sách tại Việt Nam đại khái có thể thấy rõ là nghèo nàn, khô cứng, một chiều, một giọng, một màu.

Thế nên với riêng tôi, sự phát triển vượt bậc của nhà xuất bản Kim Đồng trong một quãng thời gian giống như một sự kỳ diệu. Nhà xuất bản Kim Đồng có một lịch sử dài, rất hào hùng ngay từ lúc mới được mở ra, là nơi có dấu ấn của gần như mọi nhân vật từ tên tuổi lớn đến có chút tên tuổi ở Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ, nhưng Kim Đồng chỉ thực sự hùng mạnh và phá vỡ nhiều tảng băng định kiến vào đầu thập kỷ 90, với vai trò của Nguyễn Thắng Vu, một ông lớn đích thực của lịch sử xuất bản Việt Nam.

Thế hệ của tôi là đầu tiên về nhiều thứ: đầu tiên thoát khỏi thời kỳ bao cấp, nhưng vẫn dính tí chút gọi là, ít người còn nhớ xếp hàng, tem phiếu nó như thế nào, những ai "cường ký" lắm mới nhớ được cái tàu điện trông ra sao, nhưng vẫn biết đến đổi tiền: cái ngày năm 1985 ấy, tôi học lớp một, trường tôi nghỉ một hôm để lấy địa điểm đổi tiền. Cái thế hệ đầu tiên thực sự sau chiến tranh ấy biết đến ti vi, nhạc disco, sách sến truyện tình, trò chơi điện tử bốn nút, phim video chiếu ngoài quán cà phê, nhưng có hai điều đầu tiên tôi thấy thực sự có ảnh hưởng rất lớn: Internet và manga.

Năm 17 tuổi, tôi và rất nhiều bạn thức đêm triền miên để vào Internet miễn phí (24h đến 7h sáng), và từ năm 12 tuổi, chúng tôi bắt đầu biết đến manga Nhật.

Đây là mấy bộ manga vang bóng nhất. Mấy quyển truyện tranh nho nhỏ này đã làm bùng nổ thị trường xuất bản, tạo ra một không khí mới hẳn, mở đường cho rất nhiều thay đổi về sau.

Trước tiên, tất nhiên là Đô rê môn, bốn tập đầu tiên (hồi ấy tập đầu mới dám in 3000 bản, nhưng mấy chục tập sau đã gấp cả trăm lần):


Cho con gái thì có bộ này :p Cũng bốn tập đầu tiên:


Và bộ này nhất định thế hệ ấy ai cũng từng đọc ít nhất vài tập (đây là bốn tập đầu):


Còn đây là quả bom đích thực, là sách truyền tay nhau trong giờ học, là cả một kỷ niệm lớn (lại bốn tập đầu nữa):


Ngày nay, manga do nxb Kim Đồng ấn hành vẫn rất dồi dào, và chuyên nghiệp hơn hẳn. Bộ này mới ra được sáu tập, in đúng theo kiểu truyền thống của manga, nghĩa là giở từ bên phải sang, dày đến 300 trang:


21 comments:

  1. Hôm nào rảnh bác xem có cuốn nào thiếu nhi thuần Việt thì trưng bày nốt cho bà con thưởng tí nhể?
    Tôi nhớ còn một bộ nữa cũng hoành tráng không kém: Bác sỹ quái dị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhiều chứ, nhưng thành một cái gì thật đáng nhớ thì gần như không có.

      Ở Việt Nam, thị trường gần như không chấp nhận truyện tranh Tây đủ thể loại, và manga người lớn.

      Delete
    2. đâu, các em bé vẫn đọc truyện tranh tây online nhiều nhiều đấy ạ :D

      Delete
    3. đọc miễn phí thì cái gì chẳng "chạy", in thành sách thì chết hết, có bán được khối hehe, Lucky Luke với Iznogoud còn ế xưng thì nói làm quái gì :p

      Delete
  2. Thật ra truyện tranh người lớn gần đây đang được xuất bản, hầu hết là thế hệ manga trước đây đọc, từ nhỏ đến lớn vẫn đọc truyện tranh :D .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi, gần đây có một số, nhưng không cái nào có thể gọi là thành công cả :p

      Delete
    2. Đắc ý với bác năm tiền quá!
      Em vẫn đang chờ đợi loạt bài báo kiểu như: "Báo động trẻ em không đọc truyện tranh nữa"
      Mà báo động đỏ đấy ạ, không đọc truyện tranh khi nhỏ khi lớn lên sao được như anh NL đây (hihi)
      Còn nhớ em có đọc bài báo rất hay mà giờ chỉ nhớ được cái tit "Trẻ em có quyền đọc truyện tranh" (nói vậy là mất quyền rồi, huhu)

      Delete
  3. Nhớ lại trước khi ra tập 1 Doraemon, nxb Kim Đồng đã dùng một chiêu PR rất khéo là đăng trước 1 truyện trong tập 1 lên báo Nhi Đồng. Truyện này in trong 2 trang giữa của báo, phải xé ra gấp lại rồi lấy dao rọc. Chưa ra tập 1 đã tạo cơn sốt rồi, vì đứa con nít nào cũng đọc Nhi Đồng. :D

    ReplyDelete
  4. Sau manga, tiếp theo sẽ là gì? Tiểu thuyết chữ to? Anime? :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dám bác Nhị chuyển qua thể loại tầu lắm :P

      Delete
    2. đúng đó, Tín Đức thư xã nhé :p

      Delete
    3. Em hỏi dò trước để em còn chuẩn bị đua :))

      Delete
  5. "Cái thế hệ đầu tiên thực sự sau chiến tranh ấy biết đến ti vi, nhạc disco, sách sến truyện tình, trò chơi điện tử bốn nút, phim video chiếu ngoài quán cà phê, nhưng có hai điều đầu tiên tôi thấy thực sự có ảnh hưởng rất lớn: Internet và manga." Em từ miền quê đến, nên phim video chiếu trong những khoảng sân rộng, bán vé 2000, chưởng Tàu, tài tử Hồng Kông lung linh. Trò chơi điện tử bốn nút quả thật là một sự đua tranh kì diệu. Còn manga và internet là sau đó, sau cái giai đoạn disco, điện tử, video, sách sến...chứ?
    Hồi nhỏ, đứa nào đọc truyện chữ mà không thật mê đọc truyện tranh thì bị liệt vào hàng "quái dị, bác học, đừng chấp", nhưng không tính truyện chữ tình iu học trò 1 tiếng đọc hai chục cuốn bằng bàn tay. Mấy bộ manga anh khoe này quả tình làm mưa làm gió dưới gầm bàn học, nem nép dưới sách giáo khoa, dưới cặp sách, là tác nhân tình bạn lẫn oán cừu. Ngoài ra sau này có mấy thứ lung linh như Nữ hoàng Ai Cập thì chắc anh Nhị Linh hem đọc nữa:)) Tương lai có thể là graphic novel?
    Slogan của thế hệ mất mát này là sống trong quá khứ:))

    ReplyDelete
  6. "Cái thế hệ đầu tiên thực sự sau chiến tranh ấy biết đến ti vi, nhạc disco, sách sến truyện tình, trò chơi điện tử bốn nút, phim video chiếu ngoài quán cà phê, nhưng có hai điều đầu tiên tôi thấy thực sự có ảnh hưởng rất lớn: Internet và manga." Internet và manga thì hơi sau một tí chứ ? Em từ miền quê đến thì video tài tử hồng kông chiếu ở sân các nhà rộng rãi, có bán vé. điên cuồng tuyệt diệu là trò điện tử bốn nút và sách sến truyện tình:)).
    Mấy quả manga anh khoe hàng quả đã từng làm mưa làm gió trong các ngăn bàn, dưới tập sách giáo khoa trong giờ học, nóng nảy trong cặp, gây ái ân lẫn oán cừu. Nhưng những bộ về sau kiểu Nữ hoàng Ai Cập lung linh chắc Nhị Linh đang giai đoạn bớt con gái nên không đọc:D.
    Chao ôi mong nhớ ối ôi mong nhớ! Xứng đáng là thế hệ sống trong quá khứ. Có thể tương lai là graphic novel?

    ReplyDelete
  7. tương lai có thể là: Những mối quan hệ nguy hiểm :p

    Nữ hoàng Ai Cập quả là chỉ văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, nhưng anh xin khai là có đọc "Tuổi 17" Xvétlana hehe

    ReplyDelete
  8. Haha xoá giùm em một cái comment sao nó hiện thành 2?:))

    ReplyDelete
  9. Vào thời điểm năm 92 trở đi Đô Rê Mon và bác Vu đã làm thay đổi diện mạo ngành xuất bản Việt Nam. (Bác Vu được mệnh danh là người anh hùng của ngành xuất bản mà.)

    Nhưng nói như Nhị Linh ở cái comments trên: "Ở Việt Nam, thị trường gần như không chấp nhận truyện tranh Tây đủ thể loại, và manga người lớn." thì không đúng đâu ạ. Nếu tìm hiểu về truyện tranh ở VN, thì thấy từ năm 80 trở về trước, truyện tranh tây ảnh hưởng rất lớn, nhất là ở miền nam VN. Thế nên hầu như các họa sĩ đọc truyện tranh thời đó, sau này vẽ nét comic hết, như Hoàng Tường, Hướng Dương, ViVi Võ Hùng Kiệt,... sau khi vẽ truyện tranh, rồi minh họa thì sau này những người như Hoàng Tường, ViVi,... cũng khẳng định mình là những cây cọ tài hoa trong hội họa. Truyện tranh Tây Âu thời kì này có thể nói là những cái tác động cơ bản về cái đẹp đầu tiên cho lứa trẻ nhỏ, sau này thành họa sĩ lớn hết trơn á :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái này mình cũng có research và cũng tích trữ một ít đồ Tây chuyển qua đồ Việt theo nhiều kiểu, nhưng bối cảnh trên đây chủ yếu mình muốn đề cập thời hậu Đổi Mới :)

      Delete
  10. Một câu hỏi không liên quan, dạo gần đây anh còn đọc manga không? Có theo dõi bộ Q.E.D của Kim Đồng không? Em thấy đó cũng là một bộ manga hiếm có nên muốn giới thiệu

    ReplyDelete
  11. có mấy tập đầu, sau bận nên không theo được đầy đủ nữa

    ReplyDelete