Jun 15, 2015

Thạch Lam

Đây này, người ta chê văn nhau như thế này này haha.

Bài dưới đây là của Trương Chính viết về Thạch Lam, rút từ tập Dưới mắt tôi, 1939 (từ tr.145 đến tr.151). Thạch Lam là chương thứ 8 của cuốn sách, sau Trương Tửu (chương 7) và trước Lan Khai (chương 9). Lúc này, Trương Chính mới ngoài hai mươi tuổi.

Quyển phê bình văn học nào là xuất sắc nhất của thời "tiền chiến"? Chắc chắn trước câu hỏi này, gần như bất kỳ ai cũng sẽ trả lời Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và/hoặc bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan. Nhưng không hẳn vậy: Dưới mắt tôi của Trương Chính có một điều mà hai tác phẩm kia không có. Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan đều thiên về công việc kiểm kê, trong khi Trương Chính thì thiên về giá trị. Giá trị là thứ khó xác định nhất, chứ không phải các sự kiện; không những thế, phê bình của Trương Chính còn có tính dự phóng rất cao, điều mà hai nhà phê bình kia thực sự thiếu. Tất nhiên, Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan thì đều phải quan tâm đến "giá trị", nhưng lúc này câu chuyện lại quay trở về với khái niệm mức độ (xem thêm ở đây).

Trương Chính viết về Thạch Lam (ở thời điểm Gió đầu mùa) chính xác đến đáng kinh ngạc. Tôi sẽ quay trở lại với trường hợp Thạch Lam một cách kỹ càng, vì Thạch Lam cần được đặt bên cạnh một nhân vật nữa: Nam Cao.




Thạch-Lam là một ngôi sao mới của Tự-Lực-Văn-Đoàn. Nhưng sáng nhất và đẹp nhất thì chưa hẳn. Thiếu kinh-nghiệm và thiếu công-phu, tác-giả Gió-Đầu-Mùa còn là một cây viết non-nớt và trễ-nải.

Nếu dùng phép chữa văn tỉ-mỉ và khắc-nghiệt để phân-tách văn Thạch-Lam, ta sẽ thấy không một tác-giả nào lười biếng và ngượng-nghịu đến thế.

1) Ông phung-phí những quán-từ (articles).

Cái kết quả, - cái kỷ-niệm, - cái giờ-khắc, - cái cảm-giác, - cái chán-nản, - cái khổ-sở, - cái hy-vọng, - cái quan-trọng, - cái chua-chát, - cái thiếu-thốn, - cái bí-mật, - cái yên-tĩnh.

Những chữ ấy cứ như thế liên-tiếp nhau, nhiều khi trong một trương, trong một câu, nặng-nề một cách buồn cười, và khó chịu. Không phải ta nên bỏ hẳn những quán-từ đi mà viết một cách trâng-tráo: một u-buồn, một ủ-rũ, một thương-tâm…, nhưng ta trở thành quá-quắt nếu ta viết: cái đói - cái đau (bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết), - cái cần (chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn).

2) Ông dùng sai chữ:

- Chàng nhớ lại cái ngày bị thải sở chàng làm…

Tại sao lại ?

- Chúng tôi học lớp nhất…

Học ở lớp nhấthọc lớp nhất khác nhau!

- Liên thơ dại nhớ lại quãng đời nàng tự lúc đi lấy chồng…

Ông muốn viết ngây thơ.

- Một thời thiếu-niên hăng hái…

Thiếu-niên hay niên-thiếu?

- Bác Lê đem thằng Hy, con Phún ra gọt tóc cho chúng nó bằng một cái mãnh chai sắc…

Với chứ?

3) Ông viết những câu văn sai mẹo:

- Một chút hối hận, đến cửa, làm chàng quay mặt lại.

Theo câu văn, chủ-ngữ của đến cửa phải là một chút hối-hận. (Trong mẹo Pháp, đó là chỗ hỏng nặng).

- Quen biết nhau, rồi yêu mến nhau, chàng đã chẳng quản sự ngăn trở của nhà lấy nàng.

Câu này phải chữa: quen biết nhau, rồi yêu mến nhau, hai người đã chẳng quản sự ngăn trở của nhà mà lấy nhau. Hoặc: quen biết nàng, rồi yêu mến nàng, chàng đã chẳng quản sự ngăn trở…

- Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình sắt lại vì rét.

Thiếu động-từ (verbe).

- Trên bờ hè bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, miệng cười và giơ tay vẫy.

Miệng cười (souriant) là một hình dung-từ chứ không phải một động-từ. Phải viết: Trên bờ hè bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, miệng cười, giơ tay vẫy. Hoặc: Trên bờ hè bên kia, một người nhỏ bé, bận quần áo ta, cười và giơ tay vẫy.

Tôi cũng nhận thấy trong câu văn annam nhiều khi không đủ cả ba phần-tử cần-thiết: chủ-ngữ, động-từ, bổ-nghĩa-từ. Nhưng không thể vin vào đó mà viết những câu văn sai mẹo và tối nghĩa.

4) Ông dùng những chữ: bị, một cách sống-sượng và vụng-về:

… và sau khi biết nàng bị khổ…

Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa…

Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư chữ viết non nớt.

Một buổi chiều, đàn con nhịn đói đã suốt buổi…

5) Ông để sót lại nhiều hạt đậu dọn to tướng.

Chàng chỉ muốn chết ngay lúc bây giờ để tránh khỏi cái nghèo khốn khó nặng nề quá đè ở trên vai.

Ở trên vai thì quả không phải!

Tôi dừng bút ở đây, vì muốn bắt-bẻ câu nào, chữ nào cũng được. Thạch-Lam không biết “viết văn”.

Trích những lối ấy ra, tôi không cố ý chế-nhạo tác-giả. Tôi chỉ muốn ông - và tất cả các nhà văn - quan-tâm đến cách dùng câu, dùng chữ hơn để đi tới những qui-luật nhất-định. Thế, chữ quốc-ngữ mới phân-minh, đích-xác và chặt-chẽ được.

*
*       *

Tôi nhắc lại, những lỗi ấy là những lỗi nhỏ, cần phải tránh; nhưng một văn-tài, không vì thế, mà mất lòng yêu-mến của ta.

Quả vậy, ta hi-vọng nhiều ở Thạch-Lam vì ông có một dấu-hiệu riêng, không thể lầm-lẫn được.

Không sâu-sắc bằng Khái-Hưng, không điêu-luyện bằng Nhất-Linh, không rắn-rỏi bằng Hoàng-Đạo, Thạch-Lam có một tâm-hồn dễ rung-động hơn. Ít tư-tưởng và ít tâm lý, nhà văn ấy lại nhiều tình cảm.

Bởi thế, không phải sau khi đã suy-xét và tìm tòi những nguồn-rễ của sự bất-công vô-lý trong xã-hội, ông mới thù ghét những người trưởng-giả và thương xót những kẻ xấu-số. Mùa đông tới. Những ngọn gió rét mướt bắt đầu thổi. Lòng ông se lại. Thế là ông “nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét cả một đời. Gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu, lo sợ, vì mùa đông sắp tới, mùa đông giá lạnh và lầy-lội phủ trên lưng họ cái màn lặng-lẽ của sương mù” (Lời nói đầu). Hoặc, nằm cuộn kín trong chăn, ấm-áp và sung-sướng, khi ấy ngoài trời mưa phùn ẩm ướt và gió thổi ào ào, ông mới “thương hại cho những nhà nghèo bên hàng xóm, giờ này vợ chồng con cái, đều phải dậy để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem các chậu than hứng những chỗ giột nước.”

Không có những điều-kiện phụ thuộc kia, ông không bao giờ nghĩ đến những kẻ sống đau-khổ và cằn-cỗi trong bóng tối. Một quan-niệm bình-dân xuất tự tâm-can như thế thật là thành-thực và cảm-động. Ông Thạch-Lam là một nhà văn nghĩ bằng cảm-giác.

Những cảm-giác ấy, ông tìm ghi lấy, mới-mẻ và y-nguyên. Không để bị ám-ảnh và làm sai-lạc bởi một định-kiến hay một lý-thuyết nào, nên ông có thể trung-thành chép lại những điều trông thấy và nghe thấy. Những bức tranh cũng như những kiểu-mẫu của ông, ông không tô-vẽ và sửa-chữa. Những tình-tiết, tư-tưởng của nhân-vật, ông trình bày một cách thản nhiên và vô tư.

Cặp vợ chồng trẻ của ông không phải là một đôi uyên ương sống những ngày thần-tiên và vui-sướng. Họ cũng yêu-mến nhau, quyến-luyến nhau, nhưng họ hờn-rỗi nhau, cãi-cọ nhau “vì một câu nói, vì một cớ không đâu” (Đứa con đầu lòng).

Người đàn ông cau-có, khó chịu, nhiều lòng tự-ái và lúc nào cũng muốn giữ lấy phần thắng (Đứa con đầu lòng), tàn nhẫn một cách vô-lý (Một đời người, Một cơn giận) hoặc trưởng-giả, ích-kỷ (Trở về, Kẻ bại trận).

Người đàn bà hay hờn-rỗi, vụn-vặt (Đứa con đầu lòng), hay ghen-tuông hay ngờ vực (Kẻ bại trận), ít nghị-lực nhưng nhiều ái-tình (Một đời người) mà lại giàu lòng hy-sinh (Đói).

Người mẹ hiền-hậu, dịu-dàng và cao-quí, quyến-luyến con nhưng không hề biết tiết-lộ lòng thương ra ngoài (Trở về).

Những người nghèo khổ an-phận và chịu phục tòng số-mệnh một cách tội-nghiệp (Nhà mẹ Lê).

Sau Nhất-Linh, sau Khái-Hưng, Thạch-Lam đã hiểu biết NGƯỜI một cách đầy-đủ và xác-đáng hơn. Không một nét nào thừa và cũng không một nét nào quá đậm.

*
*       *

Tôi chưa bằng lòng quyển Gió Đầu Mùa, nhưng tôi yêu-mến Thạch-Lam và tôi còn chờ ở ông nhiều nữa.

12 comments:

  1. Có người nói văn của em giống Thạch Lam đó anh. Em biết, văn của em không có gi đặc biệt nhưng ít nhất nó được viết bằng trái tim!

    ReplyDelete
  2. Bài cụ Trương Chính đọ sợ thật. Như phản biện luận án Tiến sĩ bây giờ í :p

    ReplyDelete
  3. Có thể coi 'Những cây lan trong chậu' là chủ đề câu không?

    ReplyDelete
  4. câu "lan trong chậu" có thể hiểu là một câu đặc biệt, chính vì thế ở dưới TC cũng có nói về những câu không đủ ba thành phần cơ bản

    ReplyDelete
  5. TC nói câu ấy thiếu động từ, mình thắc mắc vì 'lá rung động...' đã là một vế hoàn chỉnh. Thêm một từ nữa đầu câu, chẳng hạn về/ở/trên, 'những cây lan trong chậu' sẽ là một trạng ngữ thông thường.

    ReplyDelete
  6. TC phân tích câu thế này: mệnh đề chính là "những cây lan trong chậu", mệnh đề ấy đúng là thiếu động từ; vế sau thật ra cũng không có động từ

    nhưng tổng thể, câu này không thể gọi là lỗi, nó là loại câu có thể gọi là "bancal", có thể hiểu nôm na là "câu không nuột", người đọc khó tính vẫn có thể bắt bẻ được

    ReplyDelete
  7. Cụm danh từ có cần động từ không?
    Nếu 'rung động' và 'sắt' (đbiệt trong 'sắt lại') không phải động từ thì mình chịu đấy.

    ReplyDelete
  8. tất nhiên

    nhưng ý của TC là mệnh đề trước, và ông í cũng hoàn toàn ý thức được đưa câu này ra là rất chênh vênh

    ReplyDelete
  9. Theo tôi biết hiện nay ở Saigon có con đường Thạch Lam. Tác phẩm của ông được giảng dạy tại các trường trung học.

    Xem ra ông đã qua mặt các bậc đàn anh trong Tự Lực Văn Đoàn. Hẳn là ông có nhiều may mắn hơn họ.

    Nói như vậy chắc nhiều người sẽ cười tôi...vớ vẩn.

    Tôi nghĩ tôi cũng không hoàn toàn nhảm nhí, ở đời nhiều người hay nói " Hay không bằng hên " .
    Tự ngàn xưa, có nhiều người tài giỏi, nhưng suốt đời không được trọng dụng.

    Cũng như việc ca sỹ bị giới truyền thông chê thậm tệ, lại có cát sê cao ngất ngưỡng, và lịch biểu diễn thì dày đặc.

    Nếu như Thạch Lam đang bị đưa lên cao quá, cao hơn tầm vóc của ông, thì cũng không phải lo. Thời gian sẽ đặt ông vào đúng vị trí.

    Nghĩ cho cùng, hào quang mà ông đang có, không là kết quả của các vận động hành lang. Cũng không do quan hệ hậu duệ hay tiền tệ.

    Đọc những thông tin trên Internet, được biết gia cảnh của Thạch Lam cũng rất thanh đạm. Ông lại chết sớm, bà Thạch Lam sau này dẫn ba con nhỏ vào Saigon sinh sống. Không nghe nói bà có tái hôn hay không.

    Một người con trai của Thạch Lam, ông Nguyễn Tường Giang, có lần nói, nhà tôi là nhà nghèo nhất dòng họ.
    Bước khởi đầu của họ như vậy, nhưng cuộc đời của họ không như vậy.

    Ông Nguyễn Tường Giang là một bác sỹ y khoa. Thời đó, muốn vào trường y, phải là học sinh giỏi xuất sắc. Học trình đến bảy năm. Bù lại, người nào mang mác bác sỹ, cả làng xúm lại gã con. Mặc dù là thời chiến, ai cũng phải vào quân đội, nhưng bác sỹ quân y được phép mở phòng khám bệnh tư. Nghĩa là được quyền kiếm thêm thu nhập, ai thấy cũng ham.

    Một người con gái của Thạch Lam lại oách không kém. Chồng bà là một vị tướng tư lệnh quân khu. Tư lệnh một vùng chiến thuật, hét ra lửa. Quyền uy trùm thiên hạ. Dưới một người nhưng trên vạn người.

    Nếu không gian tiểu thuyết của Khái Hưng là những người học thức, quyền quý giàu sang xinh đẹp Hà Thành, thì không gian của Thạch Lam quanh quẩn nơi ruộng đồng, làng quê . Nơi những người lao động tay lấm chân bùn.

    Ông gần gũi với họ, và đặc biệt lúc nào cũng mong họ có đời sống tốt đẹp hơn.

    Chỉ bao nhiêu điều ấy, Thạch Lam xứng đáng được có tên trên những con đường.

    ReplyDelete
  10. Cách triển khai câu chữ của Thạch Lam nhiều khi bí bách và không đúng lế lối nhưng lại làm tôi thấy thú vị, vì nó làm câu chuyện có vẻ nặng nề theo đúng phong cách của ông.

    ReplyDelete
  11. người ta có thể thấy thú vị vì rất nhiều thứ mà, điều đó thì không có gì cần nghi ngờ

    (vấn đề không phải "không đúng lề lối" đâu)

    ReplyDelete