Jun 3, 2015

Italo Calvino: Những thành phố vô hình

Trong số mới nhất của tờ Books (tuy bị mất một số nhân sự sang cho tờ tạp chí mới này, số vừa xong, tháng Năm 2015, của Magazine Littéraire tức ML vẫn đặc biệt hay, với chuyên đề về tụi pervers tức là perverse tức là "biến thái", tức là toàn bộ loài người, nhất là một bài trong chuyên đề ấy, về Georges Bataille và Jean Genet, cùng một bài ngoài chuyên đề, một bài báo hiếm hoi viết về Jean-Pierre Richard, một nhà phê bình văn học kiệt xuất), Kazuo Ishiguro khi trả lời phỏng vấn bỗng nói được một câu rất hay, về vai trò của các tiểu thuyết gia, đại ý nói rằng nhà văn là những người viết về những cảm xúc mà một số câu hỏi làm hiện ra, như là để bù lại cho việc họ không thể trả lời được những câu hỏi đó.

Văn chương không phải để đi trả lời các câu hỏi, mà nó toàn đặt thêm ra những câu hỏi mới - nhà văn càng lớn thì càng đặt ra những câu hỏi khó. Những câu trả lời thì đi qua, những câu hỏi thì còn lại. Trong Những thành phố vô hình (Le Città invisibili) đặt ra một câu hỏi kín đáo: trú sở của con người là ở đâu? Câu trả lời tương đối dễ: con người có hai trú sở quan trọng nhất, là thành phố và giấc mơ. Nhưng đọc hết Những thành phố vô hình thì một câu hỏi khác lại hiện ra và chắc chắn mắc lại không cách gì trả lời cho nổi: các thành phố, thật ra chúng có thực, hay chỉ là vô hình?

Cảm hứng nhẹnhiều chưa bao giờ đạt đến mức độ cao đến thế này trong tất tật tác phẩm của Calvino. Những thành phố vô hình là một lời gợi ý diệu vợi: hãy sống ở thành phố, nhưng hãy sống trong cả các giấc mơ nữa.

Miêu tả cuốn sách này không khó: tổng cộng trong đó có 11 loại thành phố, mỗi loại lại có 5 cá thể, ta có chẳng hạn các loại "thành phố và ký ức", "thành phố mỏng", "thành phố và mắt", vân vân và vân vân; mỗi thành phố có thể chỉ rất ngắn, thường là vô cùng ngắn, và ngay lập tức Calvino xộc thẳng vào tinh chất của mỗi thành phố cá thể ấy; cuốn sách này không có chút hoa lá cành rườm rà nào.

Toàn bộ được giả định là những cuộc đối thoại giữa Marco Polo và Hốt Tất Liệt Đại hãn: chàng trai người Ý kể cho Hốt Tất Liệt nghe về các hành trình của mình. Những đoạn dẫn dắt này cũng vô cùng kỳ thú: "Đế chế đang bị đè bẹp bởi chính sức mạnh của nó. - Hốt Tất Liệt nghĩ, và trong giấc mơ của vị hoàng đế giờ đây xuất hiện những thành phố nhẹ như diều, những thành phố thưa thoáng như đăng ten, những thành phố trắng trong như màn ngủ, những thành phố gân guốc như lá".

Các thành phố trong Những thành phố vô hình mang tên kiểu như Diomira, Anastasia, Zora, Despina, Isaura..., đó có thể là "cái thành phố mọi thứ đều tịnh tiến lên cao".

Hoặc, Zobeide, "thành phố và dục vọng" số 5, ở phần 3 của cuốn sách: thành phố ấy được tạo ra từ những người đàn ông từng mơ thấy mình chạy đuổi theo một người đàn bà khỏa thân.

Thành phố Fillide: "nếu giữa hai vòm hè phố có một vòm đối với lữ khách dường như vui tươi bất tận, thì đó là vì ba mươi năm trước đã có một cô gái áo thêu tay rộng đi qua đó".

Các "quy tắc" của Những thành phố vô hình được Calvino khéo léo gài vào đây đó, lắm khi chỉ bâng quơ, ví dụ như trong "Thành phố và cái tên" số 3 có câu: "Tâm tưởng tôi tiếp tục lưu giữ rất nhiều thành phố mình chưa từng nhìn thấy cũng như sẽ không bao giờ nhìn thấy". Cả về những hành trình của Marco Polo cũng vậy: "quá khứ của người lữ khách thay đổi tùy theo cái lộ trình đã hình thành". Hoặc về thời gian, thật ra là chủ đề lớn nhất trong toàn bộ tác phẩm của Italo Calvino: "Tương lai không thực hiện chỉ là cành nhánh của quá khứ, những cành nhánh đã khô".

Marco Polo: "Với thành phố, như với giấc mơ: bất kỳ điều gì trong cõi tưởng tượng đều có thể mơ thấy, nhưng ngay cả một giấc mơ không ngờ nhất cũng là một hình đồ giấu kín một dục vọng, hoặc mặt lộn trái của nó, một nỗi sợ. Thành phố, những giấc mơ, được xây dựng bởi dục vọng và nỗi sợ".

Marco Polo: "Về một thành phố, ngài không vui hưởng bảy hay bảy mươi kỳ quan mà vui hưởng câu trả lời của nó cho câu hỏi của ngài".

Câu cuối cùng của cuốn sách, lời của Marco Polo: "Địa ngục của người sống, nếu có, không phải là nơi nào đó sẽ là, mà đã là nơi này; cõi địa ngục chúng ta đang sống từng ngày, do chính chúng ta hình thành khi chung sống. Có hai cách đương đầu với nỗi thống khổ. Cách thứ nhất dễ tiếp cận đối với nhiều người: chấp nhận địa ngục và dự phần trong đó đến mức không còn thấy nó là địa ngục. Cách thứ hai đầy rủi ro và đòi hỏi sự chú tâm tìm kiếm và học hỏi liên tục để nhận biết người nào, sự nào, giữa địa ngục, không là địa ngục, duy trì và dành không gian cho người ấy, sự ấy".

Đây cũng chính là tóm gọn cách sống của Calvino.

Italo Calvino: người không nói chuyện với bất kỳ ai ở đây, để sống ở một thế giới khác, thế giới có thằng bé sống cả đời ở trên cây hay có cái người bị chẻ ra làm đôi. Và cái thế giới kỳ lạ của Calvino tìm được người để chuyển dịch sang tiếng Việt không thể thích hợp hơn, là anh Vũ Ngọc Thăng. Đọc Nam tước trên cây hay nhất là Hiệp sĩ không hiện hữu, thấy ngay đúng là không thể khác như vậy được.

Với riêng tôi, Italo Calvino có một vị trí vô cùng đặc biệt. Không phải chỉ vì đó là một cõi văn chương đặc biệt đẹp, điều đó thì ai biết đọc cũng thấy ngay, mà là vì ngay từ lần đầu tiên đọc Calvino cách đây đã rất nhiều năm, tôi đã thấy ngay là mình đã tìm được đúng những gì mình cần tìm, một cõi mà tôi hoàn toàn thông thuộc nhưng phải nhờ Calvino gợi ý thì mới có cú "click" đầu tiên. Tôi thấu hiểu cuộc đời, cách nghĩ của Calvino ngay lập tức, những gì đọc về sau chỉ để khẳng định những điều tôi đã biết, mà không tự biết là đã biết. Trong mỗi cuộc đời đọc, những hạnh ngộ như vậy không nhiều đâu. Calvino nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều, nhất là cái lời thì thầm mê hoặc ấy: thôi, nhẹ đi, nhẹ nữa đi, nhẹ thêm nữa đi, nhẹ đến mức bay bổng được, gạt hết ra mà bay đi, khi đã có thể... (thế cho nên label "italo-calvino" ở blog này cũng khá là phong phú)

Sự liên thông ấy thể hiện một cách hữu hình bằng chuyện này: khi mà tác phẩm "fiction" thứ năm của Italo Calvino qua tay tôi, tức là Những thành phố vô hình này, khi mà nó sắp sửa có sự hiện diện tại nơi đây một cách rực rỡ nhưng đầy khiêm tốn, hôm qua tôi ra hiệu sách thì thấy ngay một chồng Calvino để sẵn đó để đợi tôi, tất cả đều là những quyển chưa từng có tiếng Việt. Ông già đã thưởng cho tôi, tặng cho tôi thì đúng hơn:


Ngần ngừ một lúc, tôi quyết định không lấy hết tất cả, mà để lại một quyển. Cho nên ở đó vẫn còn Difficult Loves đấy, biết đâu sẽ có một người nào đó nhờ quyển sách ấy mà tìm được sự khích lệ từ Italo Calvino. Nhất là những ai thích những mối tình khó nhọc. Nó vẫn nằm yên tại chỗ đấy ;)

Cái thành phố tôi đang sống đây, nếu chẳng may rơi vào câu chuyện của Marco Polo kể cho Hốt Tất Liệt nghe, hẳn nó sẽ mang tên Hanoia; thật ra có nhiều mảnh của Hanoia đã có sẵn trong Những thành phố vô hình, bởi vì ở đó có tất cả mọi khả năng của thành phố, nhưng chắc hẳn cái thành phố nông choèn này, nông đến nỗi mọi thứ ác nghiệt chẳng mất công chui xuống mà lộ thiên hết cả dưới ánh nắng nhiệt đới, nó cũng là một khả năng cho văn chương. Lại thêm một gợi ý nữa của Italo Calvino, con người rất ưa nâng đỡ người khác.

7 comments:

  1. Dạ cho em hỏi cái cuốn còn lại đó đang nằm ở đâu ạ? :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. haha, mãi mới có người cắn câu:

      Bookworm, 44 Châu Long, ra ngay đi ;)

      Delete
  2. ơ, thế cuối cùng đã có ai mua quyển Difficult Loves chưa í nhờ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em vừa mua được sáng nay ạ! Nghĩ lại thấy mình may mắn chạy ra kịp, không là nhỡ mất cơ hội được Italo Calvino khích lệ. Cảm ơn anh đã tốt bụng để lại :)

      Delete
  3. Sự viết của anh cũng nâng đỡ em rất nhiều như một người anh, một người bạn:D

    ReplyDelete
  4. "Italo Calvino: người không nói chuyện với bất kỳ ai ở đây, để sống ở một thế giới khác, thế giới có thằng bé sống cả đời ở trên cây hay có cái người bị chẻ ra làm đôi. Và cái thế giới kỳ lạ của Calvino tìm được người để chuyển dịch sang tiếng Việt không thể thích hợp hơn, là anh Vũ Ngọc Thăng. Đọc Nam tước trên cây hay nhất là Hiệp sĩ không hiện hữu, thấy ngay đúng là không thể khác như vậy được." - NL.

    Không một lời tri ân nào đẹp hơn dành cho tác giả và độc giả bằng cách viết như thế này cuả Nhị Linh. Dù "tự hành xác" không đọc văn chương cho đến khi nào chỉ còn lại độc nhất nó, như Bùi Giáng thơ dại, tôi đã còn kịp "chụp" lấy những cánh hoa bay đẹp tuyệt vời, như khi ông nằm dưới gốc cây nhìn "nghìn thu rớt hột" rồi "Phụng Hiến" mà tôi tưởng tượng vậy, Và tôi đã được một kỳ thú nhớ mãi, khi đọc Italo Calvino từ dịch giả Vũ Ngọc Thăng, và một vài mảnh viết tản mác cuả bác Gấu, cuả Nhị Linh. Tôi biết ơn qúi vị.
    Tôi thật sự kinh ngạc, hãi hùng, không hiểu làm sao mà văn chương Ý lại có cả những... "bưng biềng"?

    -- Gió Chướng.

    ReplyDelete
  5. Tôi đã viết là
    "Không một lời tri ân nào đẹp hơn dành cho tác giả và dịch giả bằng cách viết như thế này cuả Nhị Linh."
    - Gió Chướng

    ReplyDelete