Jun 26, 2015

Lên, lên nữa, lên mãi

Trong Tự Lực văn đoàn, ngoài địa hạt viết văn thuần túy, nhân vật nào cũng có thể mỉa mai, châm biếm rất ý vị (nhờ thế mà mới có Phong hóa và cái giọng rất riêng của nó, được Ngày nay nối tiếp, trong một khổ báo nhỏ hơn, hợp lý hơn và dễ lưu giữ hơn). Nhưng Thạch Lam và Thế Lữ thường xuyên đẩy sự mỉa mai đi quá ranh giới, con người ngày nay đọc còn thấy bực hộ các đối tượng công kích của họ. Khái Hưng thì không, giọng mỉa mai của Khái Hưng vô cùng đứng đắn. Đây là đặc điểm đầu tiên của Khái Hưng bên ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch.

Đặc điểm thứ hai của Khái Hưng nhà chính luận là sự nhất quán trong cách nhìn.

Có nhất quán thì mới tạo ra được một thứ mà ta có thể gọi là "sự lương thiện" (thật ra tôi định dùng một từ khác chuẩn xác hơn trong trường hợp này, cái từ bắt đầu bằng chữ "thiên", nhưng thời gian gần đây từ đó đã bị vấy bẩn khủng khiếp, nên không thể dùng được; giờ phải để nó nằm trên giường đắp chăn như người ốm, đợi bình phục đã, may ra sau này mới lại dùng được). Dưới đây sẽ là một ví dụ.

Dưới đây là loạt bài của Khái Hưng đăng trên một tờ báo năm 1946, hai số. Khái Hưng viết về các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp. Loạt bài này không ký tên, nhưng có thể biết ngay tác giả là Khái Hưng. Chính là nhờ sự nhất quán: nhất quán trong giọng văn, trong cách nhìn nhận, và nhất quán cả ở một số chi tiết: năm 1940 Khái Hưng từng viết đến chuyện người Tàu xưa kia khen Lý Cầm, Lý Tiến viết văn chữ Tàu hay, và viết thêm: "Song thiết tưởng hai người này viết văn Tàu cũng không hơn gì hai ông Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Duy Khiêm viết văn Pháp ngày nay." Khái Hưng viết loạt bài này sau khi đọc được trên một tờ báo tiếng Pháp ra ở Đông Dương (cũng ra vào năm 1946) ca ngợi một số nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp. Ở loạt bài dưới đây ta cũng thấy vang vọng một bài trước đó vài năm của Khái Hưng, nơi ông luận về các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt ("tôi", "hắn", "y").

Khái Hưng đã động đến một vấn đề cực kỳ thú vị: các nhà văn, hay nói rộng hơn, các nhà trí thức của Việt Nam thuộc dòng viết bằng tiếng Pháp thì như thế nào?

Đúng, tôi đã đọc văn chương Nguyễn Tiến Lãng. Đó là văn chương học trò, giá kể có tờ Hoa học trò hay Mực tím bằng tiếng Pháp thì Nguyễn Tiến Lãng sẽ tha hồ có đất múa võ biểu diễn. Phạm Duy Khiêm khá hơn một chút. Nhưng đặc biệt nhất là trường hợp Nguyễn Mạnh Tường.

Cách đây vài năm, có một cuộc hội thảo ở Hà Nội chiêu tuyết cho Nguyễn Mạnh Tường. Lúc ấy tôi vừa đọc Nguyễn Mạnh Tường nên quyết định gửi bài tham gia. Tôi viết về các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường viết bằng tiếng Pháp in trước 1945, kết luận của tôi là văn chương Nguyễn Mạnh Tường rất non nớt. Thật ra, về bản chất, ta phải xem Nguyễn Mạnh Tường là một nhà văn thất bại. Ở cuộc hội thảo, tôi kinh hãi nhận ra tất cả các nhân vật tham gia đều không biết gì về Nguyễn Mạnh Tường, phần lớn không biết trước 1945 Nguyễn Mạnh Tường từng làm gì, ngoài mấy cái luận văn (nhưng cũng chỉ là biết tên thôi chứ chắc chắn chưa đọc). Toàn bài học trò ca ngợi thầy, sụt sùi nước mắt nước mũi.

Giờ nghỉ giải lao, một nhà nghiên cứu kỳ cựu rỉ tai tôi: tụi này trước chính là hội chửi thầy kinh nhất đấy, giờ ca ngợi rõ kinh.

Tôi trình bày tham luận trước bao nhiêu cặp mắt thù địch. Tủi thân kinh.

Nhưng chuyện không chỉ có thế. Nguyễn Mạnh Tường đột nhiên trở thành một nhân vật xuất sắc, một người trí thức dấn thân, can đảm etc. với bài phát biểu về cải cách ruộng đất. Và giờ đây Nguyễn Mạnh Tường là một hình mẫu trí thức rất được ca ngợi.

Nhưng điều đấy hiển nhiên sai: chưa bao giờ Nguyễn Mạnh Tường là một học giả, thậm chí một nhà nghiên cứu. Trước tiên, thời còn trẻ, Nguyễn Mạnh Tường nổi tiếng vì đỗ đạt, sau đó Nguyễn Mạnh Tường là một nhà văn thất bại, rồi sau đó cũng không hề có sự nghiệp nghiên cứu. Tôi không thể hiểu nổi người ta đi nghiên cứu cái quái gì nữa.

Toàn bộ thế hệ trí thức Tây học Việt Nam (mảng khoa học xã hội và văn chương) sau thế hệ Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, chỉ có hai nhân vật thực sự trở thành học giả đích thực, với sự nghiệp trước tác đồ sộ và nhiều ý nghĩa: đó là Hoàng Xuân Hãn (xem thêm ở đây) và Nguyễn Văn Huyên. Không có người thứ ba.

Khái Hưng đã nhìn thấy tất tật những điều này từ rất sớm, như ta sẽ thấy ở loạt bài dưới đây. Đó là một nhà trí thức hết sức sáng suốt, bên cạnh một nhà văn đầy tài năng.

-----------

Văn chương Việt Nam cận đại (La Littérature Annamite moderne)

Ai mới đọc cái đầu đề to tát ấy của tuần báo Paris Saigon chẳng tưởng văn chương Việt Nam cận đại được nêu lên cho thế giới biết cái giá trị thực của nó. Nhưng đọc mãi, đọc mãi, vẫn chẳng thấy văn chương Việt Nam đâu cả mà chỉ thấy tên mấy nhà - tạm gọi là nhà văn - viết chữ Pháp: Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Ng. phan Long, Nguyễn tiến Lãng… v.v. Vẫn biết các ông này cũng có viết văn Việt Nam, nhưng bài phê bình của Raoul Sérène chỉ đếm xỉa đến những tác phẩm Pháp văn của họ. Thì ra chỉ văn chương Pháp của người Việt Nam mới đáng gọi là văn chương, còn văn chương viết bằng Việt ngữ thì vẫn là nôm na cha mách qué như thời Bắc thuộc xưa. Phải, ngày xưa người Tàu khen Lý Cầm Lý Tiến thì ngày nay người Pháp khen Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, kể cũng chí lý lắm vậy.

Có ai dám cãi rằng Nguyễn văn Vĩnh không là một dịch giả có đại tài đâu. Nhưng đây, tác giả bài phê bình văn chương Việt Nam cũng không đả động cả tới cái tài ấy. Vậy ông ta đả động tới cái tài gì của nhà văn hào? Ông ta chỉ khen Nguyễn văn Vĩnh là một chiến sĩ của phái Dân chủ và trích một đoạn Pháp văn của ông. Đây đoạn văn chương Việt Nam cận đại, lược dịch ra văn Việt Nam kim thời:

Điều mà chúng ta muốn là một quốc gia Đông-dương đặt dưới quyền thống trị Pháp nhưng một Đông-dương tự trị. Cái quốc gia Đông-dương ấy, nước Pháp dựa vào địa vị thực tế của mình sẽ đứng chủ trương sáng lập ra… Chủ nghĩa quốc gia bướng bỉnh của V.N.Q.D.Đ, cái đảng muốn hành động trước khi bàn luận và hành động không sửa soạn, không phương pháp thì rất tai hại. Sự quay về với nguyên tắc bảo hộ do ông Phạm Quỳnh chủ trương chỉ có vài ông quan to là còn mong mỏi… Vậy chúng tôi xin đề nghị chính kiến của chúng tôi, là cái chính kiến phù hợp với lòng khát vọng của phái quốc gia vì nó sẽ dần dần, chậm nhưng mà chắc chắn, đưa đến sự tự trị. Chỉ có nền tự trị là có thể nhận được vừa không phạm đến lòng ái quốc của chúng ta, vừa giữ được những quyền lợi lớn lao và đích đáng của người Pháp, được sức mạnh che chở, và chống lại sức mạnh ấy sẽ tan nát hết mọi cố gắng để tìm giải phóng bằng bạo động.

Đoạn văn Việt-Nam cận đại được trích chỉ có giá trị về chính trị và thống trị. Còn về giá trị văn chương thì nói làm gì, đó là việc phụ. Ta chẳng thường nghe các nhà phê bình mỹ thuật khen một bức tranh có ý nghĩa sâu xa về triết lý và lịch sử là gì! Còn về giá trị mỹ thuật của nó có đáng đếm xỉa đến chi!

Phạm Quỳnh

Ông văn sĩ này được nhà phê bình chú ý tới văn chương hơn là chính trị: “Văn sản của ông là một công trình bằng tiếng Pháp quan trọng vào bực nhất trong khoảng hai mươi năm gần đây của lịch sử trí thức xứ An-nam. Nó mở đầu bằng hai bài diễn văn “Lý tưởng của Đức Khổng” và “Thi ca bình dân An-nam”. Đó là bước đầu của nhà văn trong văn chương tiếng Pháp: Năm ấy là năm 1928. Từ đó Phạm-Quỳnh chỉ theo đuổi có một mục đích: Cải cách tiếng Việt, để nó mới hơn và có thể tả được những ý mới đem từ Tây phương sang.”

Nhà phê bình cũng chỉ nói lược qua một câu như thế về văn chương tiếng Việt của họ Phạm, mà có lẽ ông ta cũng chẳng biết có những tác phẩm gì, rồi ông ta lại quay sang các văn phẩm tiếng Pháp ngay, nào “essais Franco Annamites” nào “Nouveaux essais Franco Annamites”. Mục đích là để nêu lên vấn đề “Une doctrine nationale dans le cadre du protectorat Français” (một nền học vấn quốc gia trong cái khung Bảo hộ Pháp).

Trở nên thượng thư, Phạm Quỳnh lại có một chủ trương chính trị như cái chủ trương văn chương: “Ông vua biểu hiện của quốc gia, trong cái khung Bảo hộ Pháp”. Nhưng chính trong thời làm chính trị ấy, nhà văn và nhà bác học “vẫn không chết trong người ông.” Đọc đến đoạn văn phê bình sau này chúng ta ai không cảm động? “Ông nghĩ đến cảnh hưu trí, một nếp nhà bên bờ sông Hương ở Huế, đó là nơi ẩn dật, là nơi tháp ngà của ông. Sự giao tế của ông một ngày một thêm hòa nhã, sáng tươi. Bắt đầu đời văn bằng thơ, ông sẽ kết thúc nó cũng bằng thơ. Nhưng mà số mệnh đã định đoạt một cách khác”.

Nguyễn-tiến-Lãng

Người kế nghiệp của Phạm Quỳnh ở thế hệ sau, lời nhà phê bình R. Serène, sẽ là Nguyễn-tiến-Lãng, kế nghiệp trong “công cuộc giữ cho nền văn hóa Việt Nam khỏi đứt rễ bằng cách tự trói buộc vào dĩ vãng, và ngăn cản không để Tây phương lấn vào trong vườn bí mật của linh hồn Việt Nam.”

Ông Nguyễn có sẽ giữ nổi cái trọng trách ấy không? Chưa biết. Người ta chỉ mới biết ông ta có cho ra đời một tác phẩm bằng Pháp văn nhan đề là “L’Indochine la douce” mà báo Phong Hóa dịch là “Đông-dương ngọt”. Kể ngọt ngào thì cả lời văn lẫn ý tứ đều ngọt ngào thật. Chả thế mà ông Toàn-quyền Robin đã phải đề bài tựa tâng bốc trong đó có câu dễ chịu này “C’est moi qui ai inventé Nguyễn-tiến-Lãng” (chính tôi đã “bịa” ra Ng-tiến-Lãng). Đến nay ông R. Sérène lại bịa ra một Nguyễn-tiến-Lãng thứ hai bằng cách tôn nhà văn ve sầu là người tiếp tục chí hướng văn chương của Phạm Quỳnh.

Các nhà văn khác

Sau ba văn hào ấy, nhà phê bình kể đến Nguyễn-phan-Long với hai cuốn tiểu thuyết chữ Pháp “Le Roman de Mlle Lys” (đời cô Huệ) và “Cannibales par persuation” (ăn thịt người bằng cách nói khéo).

[…]

Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng bài phê bình chưa đăng hết. Chúng ta hãy chờ xem trong số tuần báo sau. Còn chán văn sĩ Việt Nam khác, và bài phê bình sẽ còn kéo giài [sic] cho đến mãi Trần-văn-Tùng rồi mới chịu ngừng hẳn.

Một câu chuyện phê bình văn chương Việt Nam

Cái bà toàn quyền người Pháp cố nhiên đã khoe rằng, chồng bà để riêng cho bà điều khiển địa phương mỹ thuật ở xứ này, một hôm đến khánh thành một cuộc chợ phiên. Khi vào xem căn phòng dành riêng cho mỹ thuật Việt Nam trong đó có bày nhiều cuốn sách mới xuất bản, bà toàn quyền trỏ những tác phẩm ấy hỏi: “Những sách gì thế này?” Người ta đáp: “Đó là những tác phẩm văn chương Việt Nam.” Bà kinh ngạc trợn mắt lên ngơ ngác: “Văn chương Việt Nam? Người Việt Nam mà cũng có văn chương? Vậy văn chương Việt Nam viết bằng chữ gì? Hẳn bằng chữ Tàu? - Không, thưa bà bằng chữ Việt Nam. - Chữ Việt Nam? Bà toàn quyền càng kinh ngạc hơn, dân Việt Nam có chữ riêng ư? Tôi cứ tưởng ở xứ này cái gì không viết bằng chữ Pháp thì viết bằng chữ Tàu.”

Mẩu chuyện trên mới xảy ra năm 1939, và tỏ cho ta rõ trình độ hiểu biết văn chương Việt Nam của người Pháp sang xứ này. Ông R. Serène thì cố nhiên hiểu biết văn chương Việt Nam hơn bà toàn quyền, vì ông đã làm chủ nhiệm một tạp chí Pháp Việt, nhưng hiểu biết hơn bà toàn quyền cũng vẫn chưa có thể gọi là hiểu biết được.

Trần-văn-Tùng

Quả nhiên như chúng tôi đã tiên đoán, Raoul Serène vừa phê bình đến sự nghiệp văn chương Trần văn Tùng trong thiên thứ VII mục văn chương Việt Nam cận đại của ông (Paris-Saigon số 35) có sai một chút là chúng tôi tưởng nhà phê bình sẽ dừng lại ở Trần-văn-Tùng. Nhưng hình như sau Trần-văn-Tùng còn có thể có một hay nhiều văn gia nữa được nói đến vì cuối bài còn thấy hàng chữ “sẽ tiếp”.

Phiêu lưu trí thức

Đời Trần-văn-Tùng thực là một chuỗi phiêu lưu trí thức như cái đầu đề sách của ông ta đã nêu ra. Ông ta đã phiêu lưu từ ông quan Tây nọ đến ông quan Tây kia rồi đến cả một ông Tây trong viện Hàn lâm Pháp nữa. Ông ta chỉ thích lên, lên nữa, lên mãi, ông ta nói thế. Và giữa người và cá nhân ông ta đã quả quyết nghiêng về cá nhân, cá nhân, ông ta, mà ông ta đã chăm chút một cách rất cảm động. Cái cá nhân ấy, không bao giờ ông ta quên nó. Ông ta mượn cớ nói đến tư tưởng Việt Nam, để chỉ nói đến mình. Mượn cớ nói đến nước Pháp yêu dấu để chỉ nói đến mình. Rồi đem mớ tác phẩm đầy ùa lên những “cái mình đáng thương” ấy đi xin tựa của ông giám đốc học chính, của ông Toàn quyền rồi sau cùng của Paul Claudel. Đem đi thi nữa để lấy phần thưởng của viện Hàn lâm Pháp, một tấm huy chương đỏ.

Cuộc phiêu lưu đến đây chưa hết, vì Trần-văn-Tùng tuyên bố chỉ sang cái tương lai và không bao giờ bằng lòng cái hiện tại, nghĩa là tương lai y còn hơn hiện tại nhiều, và y còn lên, còn lên. Rồi xem y sẽ không chịu dừng ở ông Claudel đâu, vì cao hơn nhà Hàn lâm còn có vị Thủ tướng, vị Quốc trưởng nước Pháp. Cuộc phiêu lưu của y là một cuộc phiêu lưu từ dưới lên trên, từ thấp lên cao, một cuộc phiêu lưu thăng thiên! Mà phương sách dùng để lên là sự lấy lòng sự… tự hạ (để khỏi nói hèn hạ). Đây ta hãy nghe đoạn văn y tả cuộc gặp gỡ quan thày, ông Giám đốc nha Học chính, đoạn văn mà Raoul Serène mỉa mai khen là đầy hương vị: “Tôi đứng dậy, rạng rỡ… tim tôi đập mạnh… đập mạnh… Không ngờ. Người tiêm vào huyết quản tôi sự sốt sắng, sự sốt sắng mà Gide đã mất công giảng giáo vô công hiệu. Người tiễn tôi đến tận cửa, bắt tay tôi thực mạnh: “Chào anh, tôi rất khen ngợi sự hoạt động của anh, và tôi ước ao rằng tương lai anh sẽ rực rỡ.” Tôi hiểu ngay bổn phận của tôi. Tôi trông rõ ngay cái quãng đời còn lại của tôi sẽ ra sao. Ôi! Cái sức mạnh không ngờ của một lời nói đối với chí khí chúng ta… v.v.”

Và Raoul Serène đã kết luận: “Trần văn Tùng là nhà văn Việt Nam cần phải xử trí bằng sự thẳng thắn (trí thức) nghiêm khắc nhất.

Chính Raoul Serène đã quá nghiêm khắc với Trần văn Tùng vì dẫu sao y cũng chỉ là đứa con văn hóa của chế độ Thực dân của thời nô lệ mà thôi.

----------

Khái Hưng năm 1945, trên tờ Ngày Nay Kỷ nguyên mới:


Tờ này ra được 16 số, dừng đúng vào ngày 18/8/1945. Trên tờ này có vai trò chủ lực của Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách và Khái Hưng, với sự hỗ trợ của Tú Mỡ, Thế Lữ và Vũ Ngọc Phan.

Một mục của Khái Hưng:


Và đây là kỳ thứ nhất của "trường thiên tiểu thuyết" của Khái Hưng mang tên Xiềng xích. Tiểu thuyết này sẽ đăng dang dở, chưa xong. Ở nhiều nơi, Xiềng xích được ghi nhận là tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng. Nhưng điều này không đúng: số phận của Khái Hưng kỳ lạ hơn nhiều. Tờ Ngày Nay Kỷ nguyên mới ra số cuối cùng ngay trước 19/8/1945 thì một tờ báo năm sau đó với Khái Hưng là nòng cốt cộng thêm sự trợ sức đắc lực của Nhượng Tống sẽ ra số cuối vào ngay trước ngày 19/12/1946. Đó mới là mốc cuối cùng của sự nghiệp báo chí và văn chương của Khái Hưng.




Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng

5 comments:

  1. He he, khiếp quá bạn Nhị ạ. Mà cái sự "lương thiện" kia rút cục là giống cái hay giống đực nhỉ?

    ReplyDelete
  2. "Tủi thân kinh", nghe ai oán như thật :))

    ReplyDelete
  3. giống gì à? giống bẩn chứ giống gì

    ReplyDelete
  4. đồng trí lên, lên nữa, lên mãi: lên đồng

    ReplyDelete
  5. “Trường thiên” ngày nay gần như mất hẳn, có phải do không còn ai có khả năng viết trường thiên?

    ReplyDelete