Dec 7, 2015

Thảm họa và hình ảnh

Về Holocaust, không chỉ có Raul Hilberg hay Claude Lanzmann, không chỉ có những lời chứng của Primo Levi, Kertész Imre hay Robert Antelme (người tù ở trại Buchenwald, tác giả cuốn sách L'Espèce humaine xuất bản năm 1947, người chồng đầu tiên của Marguerite Duras, xuất hiện trong La Douleur của Duras). Tất nhiên đừng nói đến những kiểu như Danh sách của Schindler các thứ. Còn có một phương diện nữa của các trại tập trung, của Holocaust: hình ảnh. Hai cuốn sách này của Georges Didi-Huberman:


đi thẳng vào câu chuyện rất đau đầu này.

Bởi vì, các trại tập trung (KL, tức Konzentrationslager) của Nazi, kể từ "Operation Reinhard", chất Zyklon B, rồi những kẻ như Odilo Globocnik, Adolf Eichmann, Rudolf Höss, Christian Wirth tức Christian Khủng Khiếp (bị du kích Nam Tư bắn hạ gần Trieste) hay Franz Stangl (tưởng chừng đã trốn thoát nhưng cuối cùng đã bị một trong những "nazi hunter" nổi tiếng nhất, Simon Wiesenthal, lần ra dấu vết tại Nam Mỹ, mấy chục năm về sau (tổng thể câu chuyện về tổ chức của Lò Thiêu này đã được miêu tả một cách chính xác rợn người trong bộ tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm), bởi vì các KL hủy diệt có một logic tưởng chừng quá mức đơn giản nhưng thật ra vô cùng hiệu quả, logic ấy là: nếu không có nhân chứng thì tức là chưa từng có chuyện gì xảy ra hết.

Quả thật, gần như không có nhân chứng. Người ta không thể tin nổi rằng quả thật từng có phòng hơi ngạt và lò thiêu trong các trại. Rất lâu, mọi thứ chỉ là tin đồn. Các sĩ quan SS đã kiểm soát ngặt nghèo mọi thứ đến nỗi gần như không hề có thông tin xác thực nào lọt được ra đến bên ngoài. Về sau này, khi khai quật dưới lòng đất các trại tập trung, người ta mới bắt đầu tìm được những lời chứng được chôn xuống, một cách vô vọng, có thể là trong một cái hộp sắt tây (vì đến một cái chai cũng không thể tìm được), của những người biết rằng số phận của mình là sẽ tan biến trong làn khói. Những dòng chữ được tìm lại nhiều khi mất một ít, trở thành những gì rời rạc không rõ nghĩa, điều đó càng làm tăng thêm mức độ khủng khiếp của câu chuyện.

Tại Auschwitz-Birkenau, hoạt động điển hình của công việc giết người diễn ra như sau: các sĩ quan SS trực tiếp phụ trách "Aktion" sử dụng một số tù nhân Do Thái cho những công việc bẩn thỉu nhất, đặc biệt là thiêu xác; các đội này gọi là "Sonderkommando". Ngay nhiều sĩ quan SS trong trại cũng không hề hay biết về công việc đặc biệt này; thành viên Sonderkommando dĩ nhiên tuyệt đối không có liên lạc với bên ngoài, không có chuyện truyền được thông tin đi; từng có một thành viên thông báo cho các nạn nhân về số phận chờ đợi họ, ngay lập tức anh ta bị ném vào lò, thiêu sống, để làm gương. Và các đội này cũng liên tục bị thủ tiêu; tổng cộng đã có năm đợt thủ tiêu như thế.

Trong năm 1944, "Aktion" bên Hungary (vét người Do Thái Hungary) khiến lượng tù nhân Auschwitz tăng vọt, hàng trăm nghìn người bị đưa đến đây, và trại đã phải tổ chức thiêu sống rất nhiều nạn nhân vì không kịp sử dụng biện pháp phòng hơi ngạt trước đó. Chính vào lúc này, đội Sonderkommando quyết định liều lĩnh thực hiện một điều: chụp ảnh lại, để có dấu vết xác thực về những chuyện đã xảy ra, để người ở bên ngoài và hậu thế tin rằng chuyện này không phải là tưởng tượng.

Bởi vậy, chúng ta còn lại bốn bức ảnh, tất nhiên chụp giấu giếm, trong hoàn cảnh nguy hiểm tột cùng. Một trong bốn bức ảnh ấy được Didi-Huberman sử dụng trong cuốn sách Images malgré tout (Dẫu sao cũng phải có những hình ảnh):


Trong sách, Didi-Huberman cũng sử dụng các tài liệu khác, như cuốn sách Ba năm trong một phòng hơi ngạt ở Auschwitz của Filip Müller, trường hợp cực kỳ hiếm thành viên Sonderkommando còn sống sót. Didi-Huberman muốn phản đối quan điểm "không thể tưởng tượng" xuất hiện đậm nét trong Shoah, tác phẩm cực kỳ quan trọng về Holocaust của Claude Lanzmann; với Didi-Huberman, nhất định vẫn phải tưởng tượng. Tưởng tượng là cách duy nhất để vượt qua được thứ logic của "không thể tưởng tượng".

Cuốn sách của Didi-Huberman khi mới xuất bản bị phản ứng dữ dội, nhất là từ phía Claude Lanzmann (về Lanzmann và cả sử gia Raul Hilberg, xem thêm ở đây). Năm nay, ông cho tái bản cuốn sách, thêm một phần để trả lời (mang nhan đề "Malgré l'image toute"). Cách đây hai năm, Didi-Huberman cũng cho in Écorces (Vỏ cây) miêu tả bên trong Auschwitz, đặc biệt là Birkenau. Vài hình ảnh trong sách:




Những hình ảnh này do chính Didi-Huberman chụp. Didi-Huberman đến Auschwitz-Birkenau, giống như là hỏi chuyện những cái cây ở đó, những cây "bu-lô" sống đặc biệt lâu so với tuổi thọ trung bình của loài cây này, vì quả thật đám cây cối chính là những "chứng nhân" duy nhất còn lại cho những gì từng xảy ra ở nơi đây.

Ở đâu đó trong Écorces, như thể vô tình, Didi-Huberman cho chúng ta biết rằng ông bà của ông từng qua đời ở chính trại Birkenau này.

Và chúng ta cũng biết rằng trong Thế chiến thứ hai, từng có khoảng 800 người Do Thái mang họ "Huberman" bỏ mạng.


No comments:

Post a Comment