May 22, 2016

đọc là gì

đọc là gì? câu hỏi này đưa ta thẳng luôn vào một địa hạt: địa hạt của siêu hình học

một quãng dài, nếu không phải rất dài, ít nhất là không ngắn, người ta, ít nhất là những người giỏi nhất, cảm nhận rất rõ là không thể đặt ra những câu hỏi siêu hình học: Nelson Goodman khi bàn về nghệ thuật đã không đặt câu hỏi what is art mà lái hướng cái nhìn đi, câu hỏi trượt sang một vùng lân cận với siêu hình học chứ không hoàn toàn thuộc về siêu hình học nữa: when is art

giờ đây, khi dường như siêu hình học đã biến hình xong xuôi (biến hình của Ovid mới đúng, của Kafka sai, và bản thân Kafka, một con người rất trung thực [vì chẳng có gì đạt được nếu thiếu trung thực] đã thừa nhận điều đó - nhưng hậu thế lại cứ tưởng Kafka nói phét, lạ thật: Kafka gần như không có khả năng trong địa hạt biến hình, vì đây là một địa hạt nằm ngoài quyền năng của Kafka; không nhìn nhận được điều rất đơn giản này, có sống thêm mười kiếp cũng chẳng thể nào mon men được vào địa hạt Kafka), đã lại có một địa hạt siêu hình học (rất có thể là khác so với trước đây), ta lại đã có thể đi vào đó

để trả lời những câu hỏi thuộc dạng này, ta phải chấp nhận đi thật sâu xuống bên dưới; mọi thứ tồn tại đều có nhiều tầng, điều căn bản hơn cả là phải chấp nhận rằng chỉ cần xuống thêm một tầng, cái vừa như thế này ở tầng trên đó đột nhiên có thể trở nên hoàn toàn đối ngược, trở thành một cái như thế kia phủ nhận luôn cái như thế này

dừng luôn ở tầng trên cùng thì cũng được, càng đỡ vi phạm nhiều thứ; nhưng tại sao có những người (rất ít) như Claude Lévi-Strauss cứ bới tung hết mọi thứ lên để tìm các cấu trúc? Lévi-Strauss liên tục đi xuống các tầng bên dưới, nhất là các tầng bên dưới của những huyền thoại

ta cũng phải chấp nhận thêm một điều: con người có một bản chất thứ hai, cái bản chất thứ hai lừng danh từng được không biết bao đời triết gia cố công tìm hiểu; ở mức độ này, hãy cứ tạm hiểu ngoài một bản chất nào đó, con người còn mang một bản chất, bản chất do chữ tạo ra; chính vì vậy, hiểu hoạt động đọc là một vấn đề quan yếu (nó từng có một số biến thể, vài biểu hiện rất nổi tiếng - nhưng thực chất chẳng quan trọng mấy - ví dụ khởi thủy là lời)

Lévi-Strauss, khi nghiên cứu người Amérindien (từ này không có gì khó hiểu, đó là người Anhđiêng ở châu Mỹ, là cách để phân biệt với người Ấn Độ; nhưng thật ra, chưa chắc sự phân biệt này đã là đúng), nhận ra chẳng hạn con người có thể có bản chất cá hồi, gấu (nhất là gấu grizzly, tức là con này này), hoặc cũng có thể chó sói, hoặc linh miêu; các nghiên cứu dân tộc học, với các cấu trúc của nó, đã thay thế triết học rất nhiều trong công cuộc giải thích thế giới (vấn đề là phải giải thích thế giới, chứ không phải là thay đổi nó)

như vậy, vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là: đọc nghĩa là gì, và nó có quan hệ như thế nào với cấu trúc của thế giới? để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy thử đặt ra một câu hỏi phụ: đọc không phải là gì? đọc không phải là ba điều dưới đây

thứ nhất, đọc không phải là đếm chữ

điều này dường như không hề khó hiểu; ta đã biết, một người thuộc hết mặt chữ, thậm chí thuộc lòng một văn bản dài nào đó, hoàn toàn có khả năng chẳng hề hiểu văn bản đó nói gì (trong các nghi lễ, ta có thể nhận ra, người hành lễ không hiểu các văn bản mà họ đọc, và điều đó chẳng hề ảnh hưởng gì hết)

một văn bản, ví dụ, có 50.000 từ: sẽ là thậm tệ ngu nếu ta tưởng phải lần theo từng đơn vị một trong khối 50.000 đơn vị ấy thì mới hiểu được văn bản

gần đây, ta đã có một ví dụ rất lớn: những vụ bình luận dịch thuật mấy năm vừa qua tại Việt Nam

trong tổng số các tác nhân (agent) tham gia tích cực nhất, tôi nhận ra một cách dễ dàng tất cả đều không biết đọc, thậm chí tôi còn thấy tất cả đều chưa thực sự thoát nạn mù chữ, vì tất cả đều coi đếm chữ nghĩa là đọc; đẩy thêm một chút: tất cả đều không đọc

đẩy thêm nữa: việc phổ cập giáo dục toàn dân không hề là điều kiện đầy đủ để toàn dân thoát nạn mù chữ; theo tôi, tỉ lệ không biết đọc hiện nay vẫn giữ nguyên như trước khi có công cuộc ấy, tức là (mà thôi, không nói nữa)

một ví dụ cụ thể: Nguyễn Trung Kiên (xem thêm ở kia), một nhân vật rất tích cực trong mấy vụ đánh đấm dịch thuật (ở đây, ta còn tạm bỏ qua cái ham muốn của rất nhiều người được tỏ ra mình thông tuệ, mình uyên bác, ngắn gọn là mình rất giỏi - đây là tâm lý học, không cần quan tâm lắm)

Nguyễn Trung Kiên từng mở riêng một cái blog để dịch lại một cuốn tiểu thuyết; giờ nó bị xóa đi mất rồi, nhưng ở thời buổi này, làm gì có cái gì xóa đi được? ở thời buổi này, viết một cái gì đó, rồi xóa đi, là thậm tệ ngu, ngu ở mức độ chưa thực sự là một con người (có thể là ở bản chất thứ hai, chuột, bọ, mèo gì đó nếu áp dụng mô hình của Lévi-Strauss chăng? rất có thể); viết rồi xóa đi là biểu hiện lớn của bọn nửa người nửa ngợm

cũng áp dụng mô hình tạo cấu trúc của Lévi-Strauss (trong câu chuyện đàn ông và đàn bà tắm, Lévi-Strauss lập một cấu trúc ba phần, và cấu trúc ấy thiếu, từ đó Lévi-Strauss đặt được giả thuyết về một phiên bản hẳn từng tồn tại nhưng đã biến mất hoặc còn chưa thu thập được), từ rất lâu, liên quan đến Trần Đức Thảo, tôi đã biết quyển sách mà nhân vật Nguyễn Trung Kiên này làm sẽ như thế nào: một người còn chưa thực sự thoát nạn mù chữ thì làm được gì? (đây chỉ là một biểu hiện cá thể của một tập hợp lớn hơn, một thế hệ mới, đặc biệt hung hăng, của các nhà biên soạn sách, trong đó có nhiều nhà báo); hôm trước, ở hiệu sách tôi nhìn thấy cái quyển ấy đã in, dày đến nghìn sáu, nghìn tám trăm trang gì đó, tôi mở ra xem, và đúng như tôi đã nghĩ, đó là một mớ rác khổng lồ; chỉ có bọn ngu mới đi mua quyển sách này

thứ hai, đọc không phải là thông giao

người ta không cần đọc mới có thể có communication với người khác, với thế giới; đọc không giúp gì nhiều cho phương diện này, cùng lắm thì nó cũng chỉ ngang bằng về ý nghĩa với rất nhiều hoạt động khác; người ta thông cảm với những người có cảnh ngộ khó khăn gặp ngoài phố hơn nhiều so với thông cảm với các câu chuyện

vì đang nói đến Lévi-Strauss, ta sẽ lấy một ví dụ về thông giao được Lévi-Strauss miêu tả: ở các tộc người Amérindien, luôn luôn có các câu chuyện về giao cấu, rễ cây giao cấu với phụ nữ loài người (chính vì vậy, cuốn tiểu thuyết của Uông Triều mới có ý nghĩa lớn đến thế: chúng ta đang dần bước vào giai đoạn của các câu chuyện đúng), và còn có câu chuyện, một phụ nữ loạn luân bị biến thành cành cây nhiều mấu: cành cây nhiều mấu là bởi, nếu bỏ đi mấu, ta sẽ có chỗ lõm vào, đó là biểu hiện về hình thức của phụ nữ

những người nghĩ đọc là để thông giao không thực sự đọc

thứ ba, đọc không phải là ngây ngất

rất nhiều người đọc để tìm các cảm giác: ngây ngất, hưng phấn, lắng đọng, kích động, bồn chồn, lên đồng, etc.

nhưng đây là địa hạt của tâm thần học (ta cũng sẽ không lạ khi nhận ra văn chương có khoảng tồn tại trùng rất nhiều vào khoảng tồn tại của sự điên), kể cả sự yên bình của tâm hồn cũng là một biểu hiện của tâm thần; và ở đây, tâm thần học còn bị cạnh tranh bởi lĩnh vực tín ngưỡng; những từ như "an nhiên", "an yên", "an lành" đã trở nên thật đáng kinh tởm

vậy, đọc là gì?

đọc là xếp; là một hoạt động rất đơn giản: xếp cái này cạnh cái kia

khi đã thuộc các mặt chữ, muốn đọc được, ta phải thực hiện các thao tác xếp đặt, dần dần chúng trở thành tự động (phản xạ có điều kiện)

ở mức độ cao hơn, muốn hiểu một văn bản, ta phải xếp được nó vào đâu đó, nhất là cạnh một hoặc những gì đó; nếu không làm được như vậy, và nếu xếp sai, việc đọc là vô nghĩa

xếp giống như là xếp Lego ấy; các nhà sư phạm mẫu giáo đều hiểu khi bọn trẻ con chơi thì tức là chúng đang thực hiện một điều tương đương với người lớn làm việc; làm việc thật ra cũng chỉ là chơi, làm việc=chơi; và đồng thời, nhất là trong các trò chơi xếp, bọn trẻ con tìm hiểu cấu trúc thế giới; thật ra, ta đã biết hết cấu trúc của thế giới khi mũi còn chảy thò lò và mặc quần thủng đít (sau này có nhớ được hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác)

xếp giống như xếp Lego thì tốt hơn là xếp trong một trò đặc thù, jigsaw puzzle, vì lý do sau đây: ở trò puzzle, ta xếp các mảnh lại theo một hình ảnh cho trước, tức là có mục đích, còn khi xếp Lego, ta vừa có thể xếp để hướng tới một hình ảnh cho trước, vừa có thể không phải là như vậy

không một thứ gì có mục đích thực sự có ý nghĩa hết, chỉ những gì không hoàn toàn có mục đích mới tồn tại; cũng chỉ các cấu trúc bất đối xứng mới có ý nghĩa

đọc là xếp, ở các cấp độ khác nhau, rất nhiều khi hoạt động đọc không còn thực sự liên quan đến chữ nữa, người ta cũng có thể đọc bằng mũi, lại cũng có thể đọc trong lúc nhắm mắt


(trên đây, thật ra tôi áp dụng mô hình của Gilles Deleuze, trong cuốn sách Qu'est-ce que la philosophie? tức là Triết học là gì?, in năm 1991; bất kỳ ai thực sự biết về Deleuze đều thấy ngay tôi áp dụng một cách máy móc luôn, chẳng có sáng tạo gì hết, Deleuze đặt ra câu hỏi siêu hình học ấy, rồi cũng hỏi triết học không phải gì, trong ba thứ mà triết học không là, có một sự rất choáng đấy: triết học không phải là tư duy, và điều này tuyệt đối đúng; cuối cùng Deleuze cũng đi đến một định nghĩa triết học rất giản đơn, triết học=? thôi, tự đọc đi mà biết nhé; tôi cũng cố tình chọn cuốn sách nơi Deleuze ký tên chung với Guattari: ai biết Deleuze thật [tôi ngờ mấy người từng liên quan đến Deleuze ở Việt Nam lắm] đều phải phân biệt được chỗ nào là Deleuze, chỗ nào là Guattari; bởi vì, xếp đồng thời cũng bao hàm tách, ta sẽ không xếp được nếu không đồng thời tách)



bài trên đây cũng là cách thức để thông báo: chúng ta sẽ sớm quay trở lại với Michel Foucault


truyện của Krasznahorkai đã bắt đầu đi vào đoạn cuối

10 comments:

  1. Vậy đọc chưa bao giờ dễ như người ta tưởng, dù đã đọc cả trăm cuốn to tổ bố

    ReplyDelete
  2. Thật đáng kinh tởm. Cảm ơn anh.

    ReplyDelete
  3. Có lẽ đọc là xếp thật, vì vậy người ta mới mở chuyên ngành comparative literature, haha.

    Nhân quyển của Trần Đức Thảo, thông tin trước mù mờ quá, nay Nhị Linh làm post này càng hoang mang hơn, quyển ấy thực sự tệ vậy à? May là chưa mua, chắc hôm nào mượn đọc thử.

    ReplyDelete
  4. comparative literature chẳng có gì liên quan

    ReplyDelete
  5. triết học cũng như hình học gớm lắm, lại còn siêu vào đó thì quá kinh, chị em chúng iem sợ nó như sợ mụn, sợ béo, sợ già. Chúng iem chỉ thích đơn giản yêu nhẹ nhàng hoặc giông bão cũng được, trên giường, trong baignoire hay trên đỉnh kilimanjaro càng vui;)

    ReplyDelete
  6. đọc xong chỉ rõ mỗi tên riêng nguyễn đức kiên với trần đức thảo. Vậy nên thứ4, đọc không phải là gắng sức cho ong váng hết quả đầu phùuuu

    ReplyDelete
  7. Em theo phương án dịch: agent = tác thể (action being; hữu thể hành động), agency = tác năng (năng lực hành động; capacity to act). "nhân" trong "tác nhân" có khuynh hướng chỉ đến "factor" , "element", hơn là "human", dẫu sao cũng có nghĩa là "being" (hữu thể/tồn tại).

    ReplyDelete
  8. thể là chuyện khác, không có gì liên quan

    ReplyDelete
  9. đọc là xếp (mọi sắp xếp đều làm vi phạm trật tự, cần phải điều chỉnh), đọc là mơ, đọc là lặp, đọc là niệm, đọc là tìm đường và lạc đường (hành lang, thức thứ) nhưng sự tìm đường đúng nghĩa nào cũng là vẽ một con đường chưa bao giờ, không một người nào khác - đó, tuy nhiên, lại là cách duy nhất để lặp

    sự đọc diễn ra ở đâu? trong mê cung, trong thư viện? có thể; nhưng ở bên trong, trọn vẹn ở bên trong không hề là đương nhiên - đó là cả một cuộc chiến đấu; lasciate ogne speranza, voi ch'intrate

    ReplyDelete