nếu cần một ví dụ về tên sách rất tệ hại trong quãng thời gian vừa rồi, thì tôi có ngay: đó chính là tên bản dịch The Invention of Solitude của Paul Auster; tất nhiên ở đây ai cũng biết, tên tiếng Việt chính thức của nó là Khởi sinh của cô độc
(văn chương Paul Auster, nhìn chung, sẽ còn lại lâu dài không? tôi đã chắc chắn câu trả lời là không; Auster có một khởi đầu lớn như thế, vậy mà tất tật những gì đáng quan tâm mà Auster thực sự viết được chỉ nằm ở một đoạn thời gian không dài lắm, chưa đầy chục năm: tính từ The Invention of Solitude đến Moon Palace; ngay cả Moon Palace, cuốn tiểu thuyết khá khẩm cuối cùng của Auster, cũng sẽ chỉ còn tồn tại duy nhất nhờ đúng một hình ảnh mà nó chứa đựng bên trong, một trường hợp không hề khác so với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách; thế mà Paul Auster là cả một sự hứa hẹn ngay từ cái tên trở đi: trong cuốn sách của Ovid về những sự biến hình, Auster là một trong bốn anh em nhà gió, Auster là gió ở phương Nam, chủ trì cho mưa bão giông tố)
ta có mấy điều không dễ phân biệt sau đây:
1) creation 2) invention 3) discovery
có thể coi ba từ trên đây (hoặc ba khái niệm, ba ý niệm, gọi thế nào cũng được) tạo thành ba góc của một tam giác, tạo thành một cái gì đó gồm ba phần; nhưng tôi đề nghị nhìn nhận đơn giản hơn (mà tại sao chúng ta cứ cố nhìn mọi thứ phức tạp như vậy nhỉ, cái gì cũng có thể đơn giản hơn nhiều cơ mà), chỉ gồm hai phần: ta có một bên là số 1, bên còn lại gồm cả 2 và 3
khi châu Mỹ được "tìm ra", người ta sẽ dùng từ "discovery", khi nhà khoa học "tìm ra" một thứ gì đó (chẳng hạn vắc xin), người ta hay dùng từ "invention", và ta hay có cảm tưởng đây là hai điều hoàn toàn khác nhau, nhưng thật ra ranh giới không rõ ràng đến như thế, dường như ta chỉ có một sự khác biệt về mức độ: giữa một sự tìm ra mang tính chất hữu hình nhiều hơn và một sự tìm ra mang tính chất vô hình nhiều hơn
trong địa hạt của "invention" và "discovery", không có cái gì chưa hề tồn tại; ở đây, ta chỉ có các đối tượng vốn dĩ đã có sẵn, chỉ có điều trước đó ta còn chưa biết đến chúng; kể cả khi nói đến "bịa ra một câu chuyện", thì cũng cần hiểu, câu chuyện ấy cũng có sẵn rồi, người ta chỉ tìm ra nó nằm ở đó mà thôi
creation là chuyện khác hẳn; không phải ngẫu nhiên mà người ta từng tạo ra một khái niệm nho nhỏ nhưng gây nhiều nhức đầu, là khái niệm chúa; sáng tạo, hay làm cái gì đó sinh ra, là một câu chuyện hoàn toàn khác, ở một địa hạt hoàn toàn khác so với "invention" hay "discovery"
cho nên, The Invention of Solitude không phải là Khởi sinh của cô độc
cái tên này là sản phẩm của sự nhầm lẫn; trong những năm vừa qua, thế giới sách vở tại Việt Nam thật ra thu hút rất nhiều người (bởi vì nó thực sự hấp dẫn), nhưng không ít trong số đó là những nhân vật tay ngang, nghiệp dư, trong đời có đọc dăm ba tiểu thuyết, vài bài thơ, và nghĩ mình có thể nói gì cũng được trong địa hạt văn chương; nhưng như vậy là rất nhầm: văn chương là một thứ trông thì rất lỏng, nhưng nó cũng có các quy tắc rất nghiêm ngặt, nó không chấp nhận những thứ tay ngang hợm hĩnh, rùm beng với những cuộc ra mắt sách liên tu bất tận, trong đó phần lớn là để xiển dương những cuốn sách ngớ ngẩn, những tác giả rất kém, mà những người tham gia còn không đủ sức nhìn nhận đúng giá trị
và ngoài những nhân vật kiểu như thế (thật ra theo tôi không đáng quan tâm: chỉ cần hiểu ra đó là những kẻ giả vờ - mà nhận ra điều này thì nhanh lắm, không hề khó - là xong), còn có những nhân vật tinh vi hơn nhiều, mà ta sẽ sớm đề cập, ở một trường hợp rất nổi bật, một nhân vật còn chưa có đủ những hiểu biết và năng lực tối thiểu nhưng rất nhiều năm nay ra sức đóng vai học giả khả kính sau khi đã hụt mất vai diễn của một nhà văn lớn
bây giờ chuyển đến Trong bóng hoa nữ: đây là cái tên tôi nghĩ ra cho À l'ombre des jeunes filles en fleurs, tức là tập hai của bộ À la recherche du temps perdu của Marcel Proust; ở Việt Nam đã tồn tại bản dịch tập này (một sự tồn tại phải nói là rất kỳ cục): đó là bản dịch của Nguyễn Trọng Định, tên là Dưới bóng những cô gái tuổi hoa
bản dịch của Nguyễn Trọng Định là cả một niềm vui lớn cho những ai từng đọc Proust thật (từ thật này rất quan trọng: tôi nghĩ chưa có một ai trong số những người vẫn được gọi là chuyên gia văn học phương Tây ở Việt Nam từng thực sự đọc hết bộ sách của Proust; nếu mà có ai đó thật thì tôi xin lỗi, nhưng tôi tin là không có đâu), có cảm giác Nguyễn Trọng Định không hề biết Proust là ai; tôi rất thích cụm từ "râu cằm và râu mép" mà Nguyễn Trọng Định sử dụng trong bản dịch của mình, tôi cũng rất thích những khi chứng kiến Nguyễn Trọng Định lộ rõ sự bực tức với ma trận mê cung Proust và tức tối cắt nhỏ các câu ra cho tiện; nhưng Nguyễn Trọng Định vẫn cứ là người tiên phong đáng kể nhất trong riêng lĩnh vực dịch Proust ở Việt Nam, và ta có thể thấy được từ bản dịch của ông ấy vô số điều hay; Proust đúng là cả một sự rùng rợn: mất rất nhiều năm tôi mới đi đến được cái nhan đề Trong bóng hoa nữ này, nhưng vẫn chưa thực sự tìm được cho đúng những từ tiếng Việt nào, cách sắp xếp nào thực sự chuẩn xác cho chính cái tên chung "À la recherche du temps perdu"; trước đây tôi cũng định để ai thích thì cứ dùng cụm "Trong bóng hoa nữ" của tôi, nhưng giờ tôi không muốn thế nữa
à, tiện đây, tôi cũng muốn nói một điều: trái ngược với điều chắc hẳn nhiều người tưởng, tôi không hề có liên quan gì đến bất cứ dự án dịch À la recherche du temps perdu nào ở Việt Nam đâu nhé, tức là không một chút nào ấy; nhưng khi thấy có mấy cái bọn chẳng biết đọc được đến ba trang sách chưa cũng lao vào rỉa rói cắn xé thì tôi thấy bực cả mình; sốt hết cả ruột với lũ ruồi, ngoài đó ra lại thêm một đám bu vào nữa, trong đó có cả vài người mà tôi vẫn nghĩ là không ngu đến mức ấy: sự ngu xuẩn đúng là một địa hạt không thể thấy được giới hạn
Trong bóng hoa nữ là khi Marcel cùng bà ngoại đi xem nhân vật "La Berma" biểu diễn lần đầu tiên; nữ ca sĩ hát tại một sân khấu rất khiêm tốn chứ không hề hào nhoáng, và trái ngược với sự phấn khích trước đó (La Berma biểu diễn Racine, không hề tầm thường), cậu bé Marcel gần như thấy buổi biểu diễn là vô vị, và tiếp theo là cuộc nói chuyện (rất dài, tất nhiên: có cuộc nói chuyện nào ngắn trong À la recherche du temps perdu đâu) với de Norpois, nhà ngoại giao hiển hách
nhưng tôi vẫn tiếp tục quan tâm chủ yếu đến những cái tên: tại sao Racine lại tên là Racine được, cũng như Corneille, làm sao lại có thể có một nhân vật xuất chúng mang cái tên ấy được? ("racine" nghĩa là rễ cây còn "corneille" nghĩa là một loài quạ) hay là, biết đâu, mọi thứ gì nhiều ý nghĩa nhất đã chủ yếu nằm ở trong những cái tên rồi, ngoài đó ra không còn nhiều thứ lắm như ta tưởng
vài tập hợp
Benjamin về Proust
Beckett về Proust
Hầu tước thần thánh và nữ hầu tước thần thánh
Đi từ hiện thực đến văn chương
Đi tìm thời gian đã mất không phải là đi tìm thời gian đã mất
Quên tình yêu
Paul Valéry hạ sát Marcel Proust
Cái ý này mình nghĩ cũng liên quan đến chủ đề kafka. Cụ MK lý-luận rằng hình người có sẵn trong các phiến đá rồi cụ chỉ việc ngắm nghía và đẽo bỏ phần thừa đi thôi, bản thân hình dáng người cũng là có sẵn, vậy thì có cái gì là creation trong việc tạc tượng? ...
ReplyDeleteĐặt tên khó nhỉ, đúng, nhưng còn phải hay nữa
ReplyDeleteGái ơi làm sao để tìm được hard copy của Moon Palace tầm này nhỉ. Em chuyển nhà mất mẹ, ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa luôn (vì phải loay hoay mãi tìm một quyển để vào toilet ngồi đọc mà không ưng quyển nào). Hãy cứu em trước khi em bị đại tràng hoặc ung thư dạ dày.
ReplyDeleteMẹ đọc Cu Trí í
Deletemua sách cũ
ReplyDeletethị trường sách cũ Việt Nam hiện nay đang vô cùng sôi động, nó sôi động như thế từ khoảng mười năm trở lại đây, với vai trò không nhỏ của một nhân vật vụt qua đó như một ngôi sao băng, nhân vật í tên là NL
cứ tự giới thiệu là Hoàng Hối Hận, có quen biết chút chút với NL, thế nào cũng được giảm giá, có thể từ 30 nghìn chỉ còn 29 nghìn 500