Oct 29, 2016

Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (20A)

Ký hiệu lưu trữ: B. 52367
Tác giả: chưa rõ


Tờ 20A


+ Các ẩn dụ bay phía trên từ ngữ giống như những con phượng hoàng; xin lỗi, nhầm: như một đàn kền kền. Hoán dụ thì trượt patanh nhưng mặt mũi sầu khổ như bị ép buộc, và rất hay trượt chân ngã như thể đã chểnh mảng trong những bài học cơ bản.


+ Từ con mèo, khi nó được thốt ra, nói chính xác đến con mèo, vì đó không phải một con chó. Ferdinand de Saussure không làm tiêu tan điều trên đây, cũng không làm cho điều đó trở thành sai, mà chỉ đóng góp thêm một chiều mới, lắp thêm một lớp đệm mới vào độ dày chung: từ con mèo vừa chính là “con mèo” lại vừa không phải là con mèo. Saussure trả lại cặn của ngôn ngữ bị tản mát đi từ trước; “cặn” này là phần không “motivation” của “motivation”, phía bên kia của motivation. Saussure chính là người củng cố mạnh mẽ nhất cho sự thể từ “con mèo” chính là để chỉ con mèo.


+ Làm thế nào để hiểu từ “xấu hổ”? Một con hổ thì không bao giờ xấu, thậm chí con hổ còn là thiêng, thế nên khi có một con hổ mà lại xấu, đương nhiên là không thể chấp nhận được, đương nhiên gây ra sự nhục nhã, và đương nhiên con hổ ấy phải trốn đi, đừng để ai nhìn thấy. Từ đấy mà có sự ngượng ngùng, và có từ “xấu hổ”.


+ Ngôn ngữ thì đần độn, nhưng nó sẽ đạt đến mức đần độn tối cao khi loay hoay tìm cách miêu tả sự im lặng.


+ Nghĩa là gì? Là nhiều thứ cùng một lúc, nhưng trước hết, nghĩa là hướng.


+ Nếu thế giới quả thật cần một ngôn ngữ chung, thì ngôn ngữ ấy tất nhiên sẽ không phải là esperanto, mà phải là chữ Hán. Biến thể đẹp nhất của nó, và cũng gần nhất với nó, chính là chữ Nôm. Tiếng Nhật không bao giờ tiến lại gần được cái đẹp thuần túy này, vì kênh kiệu, vì hiểu nhầm, nó đã tự đưa mình đi quá xa khỏi gốc rễ, hiraganakatakana là những dây tầm gửi bám vào thân cây chính và làm thân cây ấy trở nên còi cọc.


+ Lần duy nhất bóng tối lại tạo ra được bóng: đó là trường hợp của nghĩa đennghĩa bóng. Một trò chơi khăm rất điển hình của ngôn ngữ, nó đạt đến mức độ quỷ quái cao nhất khi ngu xuẩn nhất.


+ “Tận thế” là một ẩn dụ rất kém, thuộc loại kém nhất trong các ẩn dụ tồn tại trên đời; sở dĩ như vậy là bởi vì thật ra đó là một nghịch dụ.


+ Ngôn ngữ thì bất động, và bất động đến mức ảo tưởng lớn nhất mà nó tạo ra cho tri giác của con người là một tính chất linh động thường trực.


+ Roger Caillois đã làm gì với Borges? Đưa Borges từ bóng tối đi ra ánh sáng, hay ngược lại, đẩy Borges sâu hẳn vào trong bóng tối, tức là một bóng tối khác, từ đó không có đường ra nữa? Cả hai, nhưng điều thứ hai đáng nói hơn, quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều.


+ Phụ nữ thì vô định hình. Một điều còn đáng sợ hơn nữa: ở cái khối vô định hình ấy, lớn nhất, mãnh liệt nhất là ý chí tạo hình.


+ Trong hành động tạo ra luôn luôn có hành động phá hoại, ít nhất là ở khía cạnh trong khi tạo ra, người ta, dẫu muốn hay không, đồng thời cũng phá tan hành động không tạo ra. Những mất mát cũng cấu thành nên cái được tạo ra sau đó.


+ “những dòng chữ sẽ đen kịt và sít sịt, với những chữ cái nhỏ li ti, không gạch xóa, không sám hối, không suy tư, không trí tưởng tượng, không sốt ruột, không lời hứa, nếu chẳng phải về sự tồn tại của chúng, được đảm bảo theo từng dòng trên trang sổ nơi tôi đang viết chúng ra”
(Jacques Roubaud)


+ “Sự đồng ý làm khuôn mặt sáng bừng lên. Lời từ chối khiến nó trở nên đẹp.”
(René Char)


+ “He says that leaves are old and that for flowers
Mid-summer is to spring as one to ten.”
(Robert Frost)


+ “Malone ở kia. Chỉ còn lại rất ít dấu vết từ sự sống động chết người của anh ta.”
(Samuel Beckett)


+ Nghiên cứu tập tính con người: Người nói và người im lặng. [bị gạch đi rất nhiều, không thể phục hồi - nldr]




Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (19B)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (19A)
Châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (18B)

4 comments:

  1. " Nếu thế giới quả thật cần một ngôn ngữ chung, thì ngôn ngữ ấy tất nhiên sẽ không phải là esperanto, mà phải là chữ Hán."

    Nói câu này với người Trung Hoa thì họ sẽ cười thật tươi vì sướng quá, nhưng khi người nói đi rồi họ sẽ đỏ mặt, lại cười một lần nưã.

    Không thường xuyên nhưng mỗi khi viết về Nhật bản bạn Nhị Linh luôn có vẻ gì đó như là chỉ trích, không mấy thân thiện.

    GC

    ReplyDelete
  2. Lâu đài của Kafka là một mê cung, nhưng là một mê cung không có ngõ cụt, nếu đã có ngõ cụt thì tốt quá vì chúng ta có chút hi vọng rằng ít nhất một hướng đã không dẫn tới đâu, nhưng vì không có ngõ cụt chúng ta chỉ có thể bào mòn niềm hi vọng cho đến con số không, mà ngay lúc đó niềm hi vọng rằng vẫn còn đủ hơi thở để còn hi vọng cũng là thứ duy nhất mà hơi thở còn làm được, cho đến cái chết.
    Mà ai dám nói rằng Lâu đài là một mê cung? Nếu không thể giải mã được để nhìn toàn cảnh mà nói rằng đó là một mê cung chứ không phải nhiều?

    ReplyDelete
  3. chữ Hán với người Trung Hoa hiện đại thì khác gì Latin với người Ý hiện nay, những ai cười được thì ở dưới mồ hết rồi

    đọc Kafka thì đừng đâm đầu vào khái niệm "mê cung", văn chương của Kafka không mê cung, tuy rằng cũng có những khi nó gợi ý điều đó, mà quan trọng nhất là ở chương hai của "Amerika" (đừng bao giờ gọi nó là "Nước Mỹ" đấy nhé: chẳng có nước mỹ nào hết)

    ReplyDelete