Sep 16, 2011

Tâm sự của nước độc

khai quật đồ cổ :p

Những ngày cuối năm này bỗng nhiên thấy nhớ ông Nguyễn Tuân. Tôi bèn trang trọng kính mời tôi đi tìm ông ở trên giá sách. Nói nhớ ông Nguyễn Tuân là không chính xác, tôi chỉ nhớ Chùa Đàn, nơi có câu đề từ “Ai hát hay mà ai hay nghe hát” lấy lại từ một bài hát nói của Nguyễn Công Trứ.

Lay lắt một tập Chuyện nghề (NXB Tác phẩm mới, 1986; tôi vẫn thích nhìn vào trang xi nhê của sách in hồi đó, thường xuyên là các số có năm chữ số: lần này là “In 10.100 cuốn khổ 13×19”, rất không giống sách của bây giờ, nhiều khi chỉ có đìu hiu ba chữ số) nằm bên cạnh tập Mưa Thuận Thành. Tập thơ này tôi còn nhớ rất rõ mình đã mua nó (hay là cứu nó?) từ một gánh hàng đồng nát nào đó tình cờ gặp trên đường. Chắc là tôi cũng đã không mua nó, nếu như ở trang đầu tiên không có dòng chữ “Thân tặng” và chữ ký ở dưới đọc rất rõ là “Hoàng Cầm”, ghi thêm ngày tháng “1/91”. Giá của tập thơ này hình như chưa đến 500 đồng, nếu tính thị giá tương đương của bây giờ thì cũng rất rẻ mạt. Trong lịch sử văn học hiện đại, đã có chuyện Paul Theroux vì tình cờ phát hiện sách mình đem tặng Naipaul xuất hiện cả lố tại một hiệu sách mà đã trở thành một kẻ tử thù của “Sir”. Chắc là tôi cũng sẽ đỏ mặt một chút hoặc là cười một chút khi chính mình rơi vào cảnh tượng ấy. Rất may (hay không may) là tập Mưa Thuận Thành tôi tìm thấy trên vỉa hè lần ấy không ghi rõ tên người nhận của lời đề tặng.

Trong một sự kinh ngạc ngày càng lớn, tôi không sao tìm được Chùa Đàn. Tôi nhớ là tôi có nó; tất nhiên chuyện không tìm thấy một quyển sách nào đó ngày càng xảy ra thường xuyên hơn - hình như tôi còn không có đủ thời gian để sắp xếp đống sách theo một trật tự nhất định. Trong một tiểu luận (ở tập Other Colors hay cái gì đó tương tự) Orhan Pamuk cho rằng đến một lúc nào đó cần phải biết vứt bớt sách trong nhà đi, phải tàn nhẫn đi, để ít nhất là thoát được cái kiếp culi. Culi thật đấy: theo tính toán của Pamuk thì nếu trong nhà có khoảng một chục nghìn quyển sách thì có nghĩa hằng ngày bạn phải nai lưng khiêng dăm ba quyển sách về. Không đơn giản là chuyện trí óc đâu, cả tay chân đấy. Cứ thử chuyển nhà mà xem, cho đến khi đếm được số thùng các tông đựng sách lên đến cỡ hơn một trăm thì bạn sẽ hiểu tôi nói gì và hiểu tại sao các nhân viên bốc xếp mặt lại méo đi như một ảo tưởng tan tành sau khi hớn hở nghe nói “nhà đó ít đồ đạc lắm, không có cả đến tivi”.

Tôi không tìm được Chùa Đàn. Tuyệt vọng đi một chút, tôi thử một kế hoạch B: ngó vào bộ Tuyển tập Nguyễn Tuân, 2 tập, NXB Văn học, 1982 (lần này là “In 10.200 cuốn khổ 13×19”; như vậy là hơn Chuyện nghề 100 bản). Bộ sách này có một “Lời giới thiệu” dài hơn 60 trang của Nguyễn Đăng Mạnh, bắt đầu bằng “Nguyễn Tuân là một hiện tượng văn học phức tạp, nhất là trước Cách mạng tháng Tám” [sau thì hết phức tạp, thậm chí là đìu hiu phức tạp]. Rất có thể đây là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh (ngoài Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh còn là chuyên gia về Vũ Trọng Phụng). Rất kỳ quặc vì trong bộ sách này không có Chùa Đàn. Vậy mà tôi vẫn nghĩ mình luôn luôn chủ trương common sense thì ít ra cũng phải giông giống mọi người chứ, hóa ra rốt cuộc cái mà tôi cho là hay nhất trong những gì Nguyễn Tuân từng viết ra thậm chí còn không có chỗ trong một Tuyển tập dày đến gần nghìn trang, dù trong đó có cả “Thiếu quê hương” lẫn “Tóc chị Hoài” (“Quãng đời Chị Hoài cũng cũng không khác một vại dưa muối hỏng mấy”).

Dù vậy, trong danh sách tác phẩm in ở đầu sách cũng ghi ở mục “Sau Cách mạng tháng Tám”: “Chùa Đàn (truyện), Quốc văn, Hà Nội, 1946”. Giai đoạn này không có nhiều tác phẩm được in ra. Tao tác loạn lạc sách vở nỗi gì. Nhưng cũng có một số, chẳng hạn như Vũ Hoàng Chương (tập Rừng phong hay là một tập nào đó). Cuối cùng thì Tuyển tập bỏ Chùa Đàn ra mà thế chỗ vào “Lột xác”, một cái gì đó rất cái gì đó.

Cuối cùng của cuối cùng, tôi vẫn may mắn vì vẫn tìm được chút ít Chùa Đàn, dù đến lúc này thì ham muốn đọc đã rơi đi đâu mất - rất có thể là vào một nơi mưỡu đầu mưỡu cuối nào đó (Chùa Đàn có đoạn “Mưỡu cuối”, thêm một dấu ấn nữa của hát nói, và điều đó giải thích thêm tại sao lại có câu đề từ mượn của Nguyễn Công Trứ). Lần này vẫn nhờ GS Nguyễn Đăng Mạnh (thì đó là chuyên gia về Nguyễn Tuân mà): tập Yêu ngôn tập hợp các truyện của Nguyễn Tuân theo dòng “yêu ngôn”, ma quái, NXB Hội Nhà văn, 2000 (trang signet lần này ghi một cái số dị kỳ: “In 1.050 cuốn, khổ 13×19” - ôi cái khổ 13×19 xấu xí này đã bao nhiêu năm ám ảnh sách xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam). Trong này có mấy truyện ngày xưa tôi từng rất thích (giờ chẳng nhớ là viết cái gì nữa): “Đới roi”, “Xác ngọc lam” và “Rượu bệnh”. Văn chương mà không kỳ quặc thì tồn tại làm gì cho kỳ quặc. Và truyện thứ tám chính là “Tâm sự của nước độc”, trích lại đoạn dài nhất của ba đoạn trong Chùa Đàn, khi người tù chính trị tên Lịnh đưa cho người bạn tù đọc hồi ký, tức là những đoạn Lãnh Út rồi Bá Nhỡ rồi cái cây rồi hát rồi đàn etc.

Hành trình đến đây là hết. “Ai hát hay mà ai hay nghe hát?”

-----------



12 comments:

  1. cuối năm nào mà nghe giọng buồn bã u hoài thế?:0

    ReplyDelete
  2. NĐM còn là một chuyên gia về Nhật ký trong tù , hồi học phổ thông, e rất ấn tượng với đoạn so sánh thơ Bác với động tác sư tử vờn mồi .

    ReplyDelete
  3. Tôi lại tưởng Tuổi nước độc của Phí Ích Nghiễm :)

    ReplyDelete
  4. Ờ, cái này nhớ là đọc lâu rồi cơ mờ...
    Ờ mờ cũng thật là lạ khi mình cũng đang đọc NT (Cái tuyển tập tôi cầm có dấu của thư viện mới ghê chứ, nhưng không phải tôi, nhất định không phải!) Lại cứ nhớ thành "Ai hay hát mà ai hay nghe hát" cơ...

    ReplyDelete
  5. Bác Nhị Linh đánh giá sao về Nguyễn Tuân?

    Người ta cứ khen Nguyễn Tuân viết bút ký hay, tui đọc thấy viết chán chết...

    ReplyDelete
  6. tôi thấy nhiều chỗ hay trong "Sông Đà", còn "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" thì kiểu viết của một thời rồi, nhìn chung tôi cũng không đặc biết thích bút ký NT, tôi thấy nhiều chỗ điệu đàng quá đáng, sau này Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng cùng vệt

    nhưng thật ra truyện của NT cũng rất gần bút ký

    ReplyDelete
  7. Nguyễn Tuân có lẽ hay nhất là thời Chùa Đàn, Thiếu quê hương...Nó có cái "tâm sự của nước độc". Sau này, ổng vít bút kí tùy bút tung tẩy rộn ràng chữ nghĩa, nhưng nó cứ hớn hở quá, chỉ lừa mị banj đọc tập viết văn miêu tả thôi.

    ReplyDelete
  8. Năm 1989, Nxb Văn học và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP. HCM có in lại Chùa Đàn, không biết Nhị Linh đã có bản này chưa?
    PS: Mình đã trở về VN, như đã hứa, hôm nào sẽ lục lọi lại sách cũ xem có cái gì NL chưa có để tặng cho NL 1 quyển cho vui :-)

    ReplyDelete
  9. quý hóa quá :p

    bản bác nói thì em chưa có nhưng từ năm 2008 em cũng đã kịp kiếm được một bản 195x, bản Quốc văn 1946 hình như là quá khó

    ReplyDelete
  10. Tìm đọc VTP lại gặp NT ở đây - hai nhà văn tôi yêu mến nhất. Vô tình đang nghe "Con Đường Cái Quan", tới đoạn Duy Khánh hát "Sông Thương ơi nước chẩy đôi ba dòng - Anh về Hà Nội..." tự nhiên lồng ngực rung mạnh, rồi nước mắt cứ thế trào ra...

    Ở Sài Gòn thời ấy, nhà xuất bản Đông Nam Á có in cuốn Vang Bóng Một thời. Năm 72, về chơi SG, thấy nó trên kệ sách của thằng bạn, mê mẩn vì chưa thấy cuốn sách nào in đẹp đến thế. Mình cũng chẳng dám xin, mà thằng bạn biết ý nhưng cũng nhất định không cho, bảo: "Cậu lấy cuốn nào cũng được, bao nhiêu cuốn cũng được, nhưng cuốn đó nhất định không được!". Hiểu rằng bạn cũng mê như từng mê chung một người con gái, chỉ hơi tiếc mấy năm sau cuốn sách lẫn ngưòi con gái cũng chẳng còn đó nữa!

    ReplyDelete
    Replies
    1. vừa hay có quyển sách tôi mới post trên đây, mời bác xem cho vui, Ngọn đèn dầu lạc, Mai Lĩnh xuất bản, 1941

      Delete