Feb 16, 2017

Postscript

Cuốn sách mới nhất của Gérard Genette:


Thời gian gần đây, ở Pháp có mấy sự kiện xuất bản lớn, niềm vui cho các độc giả, ít nhất là một số độc giả: cuối cùng, kỳ hạn định ra trong di chúc của André Breton đã kết thúc (Breton qua đời năm 1967), người ta đã bắt đầu có thể in các thư từ của Breton: ta đã có chẳng hạn thư của Breton gửi cho Simone Kahn, người vợ đầu, hay thư của Breton gửi cho Jacques Doucet, một nhà sưu tầm lớn, rất quan trọng đối với nhiều điều, mà có lẽ rồi ta sẽ nói tới sau, và đồng thời cũng rất quan trọng đối với André Breton thời tuổi trẻ (Breton tuổi hai mươi là cố vấn nghệ thuật cho Doucet và ngay lập tức đã nhìn ra giá trị của Marcel Duchamp - đấy mới chỉ là một ví dụ).

Trong số các sự kiện xuất bản khác, có cuốn sách trên đây của Gérard Genette.

Postscript là cuốn thứ tư trong loạt sách gần đây nhất của Genette, ba cuốn trước là Bardadrac, ApostilleCodicille. Loạt sách này là một sự kinh dị lớn lao: trước đó, người ta không thể ngờ sẽ có ngày một con người nghiêm cẩn như Genette lại có thể bắt đầu một sự nghiệp hoàn toàn mới, và hết sức phóng túng (trước đó, Genette đã có cú rẽ từ phê bình văn học sang phê bình nghệ thuật rất ngoạn mục, nhưng cú rẽ này chưa là gì so với chuyện Genette viết bốn cuốn sách trên đây).

Trong Postscript, ngay từ đầu Genette cũng thể hiện nỗi kinh ngạc của chính mình, vì có ngày lại khởi sự cái mà Genette gọi là "désordre" (sự mất trật tự), trong khi đối với bất kỳ ai biết rõ hành trình (parcours) của Genette, Genette là con người của "ordre", rất nghiêm ngắn, rất chặt chẽ, rất đáng sợ. (xem thêm cuộc trò chuyện giữa Antoine Compagnon và Gérard Genette ở kia; Compagnon cũng rất mau chóng hiểu được tầm quan trọng của loạt sách mới đây của Genette và viết bài về chúng, trong đó vận dụng khái niệm "late style" của Edward Said, xem ở kia).

Genette gọi những cuốn sách mới này là sự đi vào giữa "fiction và diction" (một tác phẩm thời kỳ đầu của Genette tên là Fiction et diction) và đi vào giữa "réflexion và recréation", tức là giữa suy tư và sự ngơi nghỉ, nhưng là sự ngơi nghỉ "tái sáng tạo".

Những người thay đổi gây nghi ngại. Chỉ rất ít sự thay đổi đứng vững được: sự thay đổi của Gérard Genette, nếu có thể gọi đó là "thay đổi", đối với tôi cũng giống như là, nếu ta có thể hình dung, Descartes bỗng biến thành Montaigne. Quả thật, Genette của giai đoạn "late style" này không ngừng làm người ta nhớ đến Montaigne. Và đã lâu lắm rồi nước Pháp chưa thực sự sản sinh được một Montaigne mới.

Tôi đọc Postscript khi mới biết tin Tzvetan Todorov qua đời. Hai con người này đã gợi cho tôi vô vàn cảm hứng vào cái giai đoạn cách đây hơn mười năm, khi tôi bắt đầu thực sự nghĩ là mình sẽ đi vào một con đường, mà trước đó chẳng một giây phút nào tôi có thể hình dung. Genette, đối với tôi ngày ấy, là sự nghiêm trang và nghiệt ngã, sự chuẩn xác rợn người, còn Todorov là một sự phóng túng vô bờ bến. Câu chuyện cuộc đời riêng của Todorov, con trai giám đốc Thư viện Quốc gia Bungari, cũng thu hút tôi cực điểm. Đầu thập niên 70, họ đã cùng nhau lập ra tờ tạp chí Poétique, một tờ báo có ý nghĩa lớn lao vô cùng.

Cách đây hơn năm năm, khi cuốn sách của Todorov, Văn chương lâm nguy, bị lợi dụng một cách thô bỉ ở Việt Nam, bởi những kẻ hoàn toàn không có một khái niệm nào về "lý thuyết văn học", tôi đã hết sức cố gắng xen vào cuộc hung bạo chung một tiếng nói, xem chủ yếu ở kia. Nhiều người còn nhớ vụ việc này đã khiến tôi phải gánh chịu những gì, nhưng nhiều lúc phải vậy thôi: phải bảo vệ những gì mà chúng ta tin, phải tỏ thái độ trước sự ngu xuẩn, cho dù đó là sự ngu xuẩn của một đám đông cực lớn.

Chuyện qua rồi không cần nói nữa, chỉ cần thêm một điều: cả Todorov cũng có rất nhiều thay đổi, mà một ngày gần đây tôi sẽ nói rõ hơn.

Quay trở lại với Genette: đã phải có một quá trình chuyển hóa nào đó giống như một màn giả kim thuật rất lớn mới có thể đưa Genette đi qua rất nhiều thập niên của lao động như vậy. Thêm một lần nữa, ta thấy tầm quan trọng của một người tỏa bóng giống như Roland Barthes (xem thêm ở kia), bởi vì Genette từng được hưởng sự tỏa bóng ấy. Những câu chuyện như thế này (không nhiều đâu) khiến ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa đích thực của mấy từ thường xuyên bị dùng sai: "ảnh hưởng" (hay "vang bóng"), "tác động", etc.

Nhắc đến André Breton trong trường hợp Genette hoàn toàn không phải là vô ý: Genette không ưa Breton, nhưng lại rất thần tượng Marcel Proust, như ai cũng biết (Genette có vị trí thuộc hàng cao nhất trong suốt một lịch sử đọc Proust, là "proustien toàn tòng", và tôi không tin bất kỳ ai trong lĩnh vực Proust nếu đó không phải độc giả của Genette). Breton lại thuộc vào một nhóm nhỏ tinh tú rất không ưa Proust.

Và ta lại có một trường hợp đảo chiều: có một nhân vật vô cùng thần tượng Breton nhưng lại cực ghét Proust: đó là Julien Gracq (bài tiểu luận "Proust considéré comme terminus" của Gracq là một đỉnh cao của lịch sử "Contre Marcel Proust").

Có ai hiểu tại sao tôi lại nói mấy cái chuyện liên quan đến Proust và Breton kia không? Chắc là không, hehe.

Trong lịch sử không ưa Proust, còn có một nhân vật trọng yếu: Borges, mà ta sẽ sớm quay trở lại. Nhưng Borges lại là một thần tượng của Genette: đó chính là nhân vật đầu tiên Genette nhắc đến trong Postscript, ngay sau đó là Montesquieu, nếu không tính lời đề từ lấy của Stendhal.

5 comments:

  1. blog này nhiều người vào không nhỉ, toàn tin hay về sách

    ReplyDelete
  2. nhiều người hay không thì liên quan gì đến ai? liên quan gì đến tôi?

    tôi cũng chưa bao giờ là người đưa "tin hay về sách" hết

    ReplyDelete
  3. rất xui giục! như tường thuật của bài này thì Proust gây chia rẽ quá. và hehe sự chia rẽ thật có tính xui giục y như sự "thay đổi." quả "late style" gây tò mò.

    ReplyDelete
  4. một người nữa không ưa Proust: Raymond Queneau

    ReplyDelete