Aug 20, 2017

[tiện bút] Đêm thấy ta là ác điểu

Một đêm bước chân về gác nhỏ

chợt nhớ đến những cơ thể, giờ đây đã trở nên rất hiếm hoi, không có hình xăm nào. Những cơ thể không có bất kỳ một hình xăm nào giờ đây hiếm, theo một đường lối chính xác là đối xứng với tình trạng của trước đây, tức là cách đây còn chưa lâu: sau hồi những cơ thể có xăm hình rất hiếm trong tổng số các cơ thể trên đời, thì đến hồi, tức là hồi này, những cơ thể không có hình xăm nào hiếm ở mức độ tỉ lệ tương tự. Hiếm đến nỗi, cũng như mọi sự hiếm (hiếm tức là bị đẩy khỏi sự phong phú từng có), nó gây ra nostalgia.

Những người xăm hình trên người, với nhau, không biết họ có xì xụp khấn vái nhau không nhỉ? (Em Mẫu Tượng của lòng anh hải cảng etc.) Nhưng nếu mà không để hướng đến sự thờ phụng, thì các hình xăm, chúng có thể được sử dụng để làm gì?

Chỉ một điều, trong câu chuyện này, có thể tương đối chắc chắn được: bất kỳ cái gì cũng có thể trở thành mốt. Kể cả cuộc sống trong nhà tù cũng có thể trở thành mốt; đọc các câu chuyện về cuộc sống trong tù, chẳng hạn như đọc Jean Genet, là đọc về những hình xăm trên người: giờ đây, như thể cuộc sống trong tù lan rộng ra bên ngoài. Như thể những bức tường nhà tù không còn thực sự tồn tại nữa; bên trongbên ngoài của nhà tù đã trở thành một. Còn hơn thế nữa, con người ngày nay dường như có khoái cảm trong việc mang cái lốt tù nhân. Việc ngồi tù không còn thực sự đáng sợ? Rất có thể là như vậy. Thành tựu trái khoáy của một công cuộc dài tranh đấu cải thiện điều kiện nhà tù, con đường in dấu ấn của những Foucault hay Deleuze, cả Guy Debord, nhưng khởi đầu chắc cần phải tính Tocqueville (bởi vì tác phẩm lớn hồi trẻ của Tocqueville không phải bộ sách về dân chủ ở Mỹ, mà là cuốn sách miêu tả hệ thống nhà tù). Thậm chí còn có thể nói, khi mà đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hình xăm, trên gần như mọi cơ thể, những hình xăm khoe khoang, và cả những hình xăm không khoe khoang cho lắm: mọi thứ đã lộn trái, trong chừng mực mối quan hệ của trong và ngoài nhà tù.

Trong nỗi nostalgia mỗi lúc một thêm mênh mông, tôi thử làm một việc rất ngớ ngẩn, tôi thử kiểm kê: trong chừng mực kinh nghiệm cá nhân, tỉ trọng các cơ thể có hình xăm và các cơ thể không có hình xăm, có thể là như thế nào? Nhưng chỉ một lúc là tôi chóng mặt: công việc này thực sự là ngớ ngẩn. Nhưng ngớ ngẩn dường như không phải là sở trường của tôi. Kiểm kê hay liệt kê cũng không phải dạng công việc mà tôi quá giỏi, nhưng kiểm kê ngớ ngẩn thì tôi thấy là gần như tuyệt đối không thể làm nổi. Không phải điều gì tôi cũng có thể làm.

Cũng có thể chỉ đơn giản là ban đêm, "một đêm bước chân về gác nhỏ", tôi chợt thấy mình như một loài ác điểu. Một con chim đêm, một ác điểu không ngừng mổ vào các vết thương, trong đó những gì sâu hoắm nhất là vết thương của cơn nostalgia. Mổ mãi, mổ mãi, cho đến khi nostalgia nứt toác ra thành vực thẳm.

Đêm là sự trở về của nhớ. Văn chương của đêm (bởi vì có văn chương của ngày - diurne - và văn chương của đêm - nocturne) là sự nứt toác ra của những sáng suốt.

Người ta quá mức sáng suốt vào ban đêm, vậy cho nên người ta làm bạn với những cơn mất ngủ. Insomnia: cú bắt tay của sự sáng suốt trong cuộc nhìn vào các nỗi đau. Cũng có thể không chỉ là một cú bắt tay, mà là một tiếp xúc sâu sắc hơn thế nhiều.

Baudelaire hay Kafka còn đêm hơn cả đêm. Văn chương của họ, hễ chạm phải, dẫu chỉ là tình cờ và dẫu chỉ thoáng qua, cũng có thể gây sát thương. Ở mức độ không thể cứu chữa được, nhiều khi.

Hãy trở thành ác điểu, những khi nào đọc Baudelaire hay Kafka. Bởi vì đọc, nghĩa là phải vươn lên (cũng có thể là hạ xuống, nhưng điều này không đáng quan tâm cho lắm) bình diện đúng, nếu muốn nhìn vào mắt các ác điểu, ta chẳng có cách nào khác, ngoài đứng ngay trước mặt ác điểu ấy. Kafka hay Baudelaire là những ác điểu. Mắt có lim dim thì các ác điểu cũng tột cùng nguy hiểm: sự nguy hiểm nằm ngay trong chính vẻ lim dim mắt kia. Không có gì hoạt bát mà thực sự nguy hiểm. Và không có thể thực sự có gì nếu không có sự nguy hiểm.

Kafka nguy hiểm đến mức độ (à, mà tại sao Kafka nhất định bắt Max Brod đốt hết mọi thứ bản thảo? chắc hẳn đó cũng, ít nhất một phần, nhưng là một phần không nhỏ, là vì sự nguy hiểm này: những bản thảo ấy quá mức nguy hiểm, nếu tồn tại) thấy từ trước toàn bộ câu chuyện về hình xăm hiện nay. Cả thế giới ngày nay xăm hình lên người, và điều đó, Kafka đã nhìn thấy. Câu chuyện, vẫn câu chuyện ấy, về cái trại trừng phạt (xem ở kia), của Kafka, đã miêu tả chuyện con người xăm hình lên người, trên một diện rộng đến không ngờ, ngày nay.

Và, Kafka còn giải thích được tại sao.

Tại sao con người cứ xăm hình lên người? Trong câu chuyện của Kafka, những kẻ có tội bị trừng phạt bằng cách xăm lên da tội lỗi của chúng.

Người ta xăm hình là để miêu tả tội lỗi của chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà tù nhân (ít nhất là trước đây, và trong một khoảng thời gian không ngắn, đó là một hiện tượng thuần túy thuộc môi trường nhà tù, trước khi nó tràn ra bên ngoài các bức tường) xăm hình. Hình xăm và tội lỗi: cả cuộc sống tù nhân (ít nhất là tù nhân "cổ điển") lẫn Kafka đều đã giải thích thấu đáo.

Con người xăm hình lên người là vì yêu quý tội lỗi.

Nhưng điều này, xét cho cùng, không khó hiểu. Thật ra, con người có gì thực sự là của bản thân mình đâu, ngoài rất ít điều, trong đó có tội lỗi? Nếu không có tội lỗi, con người thực ra có gì? Dường như không có gì hết. Thế cho nên, trong một thế giới nơi mọi thứ gì khiến người ta có thể kiêu hãnh (ở phương diện cá nhân) đều được trưng bày, người ta xăm hình một cách tràn lan. Họ khoe tội lỗi. Bởi vì thế giới đã đi đến một đoạn nơi tội lỗi gần như là những gì cuối cùng mà con người sở hữu.

Con người không còn sở hữu gì nhiều nữa. Gần như không gì nữa.

Nhưng điều này còn sâu xa hơn thế nhiều, rất nhiều. Thật ra, con người không thể có khoái lạc nếu bị tách rời hoàn toàn khỏi tội lỗi. Không một tôn giáo nào thực sự tồn tại được nếu không biết cách nhấn mạnh vào tội lỗi. Tội lỗi là một trong (rất ít) điều kiện của thân phận con người.

Bởi vì không thể trở thành ác điểu mổ những hình xăm, tạo ra chúng, dường như người ta phải chấp nhận để những ác điểu vô hình mổ lên người - để duy trì tội lỗi.

Nhưng dẫu sao, tôi vẫn lên cơn nostalgia với những cơ thể phụ nữ không có hình xăm nào, giờ đây dường như đã trở nên hiếm khủng khiếp.



NB. đã tiếp tục Văn xuôi thế giới của Merleau-Ponty



Hà Nội mùa thu
Nhìn những mùa thu không đi

10 comments:

  1. Hehe em thì lại không thể hứng nổi với các phụ nữ trên người không có hình xăm nào. Phần yêu quý tội lỗi hình như là đúng hay sao ấy, có lẽ phải suy nghĩ thêm về việc này.

    ReplyDelete
  2. nói thế thôi, xăm hình trước tiên là bôi bẩn lên người

    ReplyDelete
  3. Uầy,nghĩa tối sơ của từ "văn chương" (文章)chính là để chỉ hình xăm bác ạ.Đến ngày nay "văn" vẫn cỏn nghĩa "đường vân, vằn vện" còn "chương" có nét nghĩa "màu sắc". Về tự hình, từ 章 từ trên xuống có thể thấy rõ 3 phần rõ rệt gồm tay cầm, bầu mực và mũi kim. Từ nghĩa "trang trí lộng lẫy bằng mực", văn chương mới dần trở thành "sắp xếp câu chữ lộng lẫy, công phu". Như vậy, chẳng phải bản chất văn chương cũng là một dạng phơi bày tội lỗi sao?
    Cthulhu

    P/S Tôi cũng không có hình xăm nào, chủ yếu là do sợ đau, nên đành dùng nhiều cách khác để phơi bày tội lỗi.

    ReplyDelete
  4. trong tiếng phương Tây, chẳng hạn tiếng Pháp, tình hình không khác nhiều lắm: "littérature": thành tố đầu tiên là "lit", cái giường, người ta nằm trên giường, tội lỗi bắt đầu, thành tố thứ hai: "rature" nghĩa là xoá đi, gạch đi :p

    anw, chắc dịch vụ hot nhất trong thời gian tới đây sẽ là dịch vụ xoá hình xăm

    ReplyDelete
  5. đọc xong, đến đêm mơ thấy mình nằm chết, phơi thây trên đồng cỏ xanh rì, xác đang trong quá trình phân huỷ thì có con ác điểu với đôi mắt bồ câu sà xuống, kêu lên chant d'automne và quắp trái tim bay đi;))
    "Now will we plunge into the frigid dark,
    The living light of summer gone too soon!
    Already I can hear a dismal sound,
    The thump of logs on courtyard paving stones."

    còn điều này thì thực: giờ mới có được quyển Văn chương và Cái ác để đọc:)

    ReplyDelete
  6. đọc Roberto Calasso viết về Baudelaire í, hoặc Jean-Pierre Richard, hơn xa Bataille đấy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ! khi tìm quyển Baudelaire's folly (la folie Baudelaire) em thấy thêm quyển Un été avec Baudelaire của Antoine Compagnon (chắc anh đã đọc rồi?)

      Delete
  7. Montaigne, Baudelaire và Proust là sở trường của Ngài mà (may quá quyển Proust viết chung với nhiều người, một mùa hè với Proust í)

    về Baudelaire: ở đoạn sớm thì Albert Thibaudet (trong quyển viết chung về Amiel và Fromentin, tên "Interieurs"), thế hệ sau đó thì nên đọc Paul Claudel

    nhưng trước tiên vẫn phải là chính Baudelaire đã, những gì ngoài Les Fleurs du Mal

    ReplyDelete
  8. e rằng mọi tội lỗi đều qua đi, chỉ mặc cảm tội lỗi là còn lại.

    ReplyDelete