Aug 13, 2017

Khái Hưng Nguyễn Tuân

Nghiên cứu "văn chương tiền chiến Việt Nam", người ta quá nhấn mạnh vào các nhóm (Tự Lực văn đoàn, Tân Dân, Lê Cường, Mai Lĩnh, "áo bào gốc liễu", "xuân thu nhã tập", etc.). Giới hạn phân chia các nhóm nhiều lúc chỉ là sự đánh lừa. Các nhà nghiên cứu Việt Nam lại có cái thói rất thích áp dụng mấy khái niệm mà họ học được (và toàn là học một cách vớ vẩn) nên ôi thôi là nhiều những nhìn nhận kiểu "lợi ích nhóm" etc. Vấn đề rất có thể không phải là như vậy.

Tôi nhớ đến Évariste Galois cùng "thời điểm Galois", một trong những khoảnh khắc của khải thị lớn nhất của lịch sử. Vào lúc đó, Galois nhìn thấy rằng rất nhiều thứ "nhóm vào với nhau", những thứ thông thường vẫn được coi là xa nhau hết sức.

Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa siêu thực, cách nhau theo lịch đại trên dưới một trăm năm, nhưng đối với Albert Béguin (xem ở kia), chúng không hề xa nhau (đến cả "écriture automatique" tức là "viết tự động" của siêu thực, xét cho cùng nó đâu có khác mấy so với "thực hành cầu cơ", mà các nhà lãng mạn vô cùng yêu thích, giống như một môn thể thao cực kỳ phổ biến: Victor Hugo thì ta đã biết ở kia, nhưng còn rất nhiều người khác nữa; ta sẽ sớm đến với câu chuyện về "Charles Dickens huyền bí", bởi vì Dickens cũng thế).

Có một cái gì đó lơ lửng trong không khí vào một thời điểm nhất định. Chính khoảng cách khiến chúng ta hình dung được những điều kiểu như vậy. Nguyễn Du thật ra thuộc vào "phong trào" occultism diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, cùng thời điểm, với việc khẳng định cuộc sống của con người không hề tách biệt khỏi thế giới của các âm hồn, thậm chí cõi chết mới là thứ chính yếu làm nên cõi sống. Nhánh thần bí của Do Thái khẳng định sự tồn tại của các "dybbuk" cũng giống như đối với một người Việt Nam, hiển nhiên tháng Bảy âm lịch là câu chuyện của vong nhân xá tội.

Nhưng "nhóm" vào nhau cụ thể như thế nào, nếu ta quay trở lại với quãng "tiền chiến" của văn chương Việt Nam?

Đọc là xếp, tôi đã thử diễn đạt cụ thể hơn về điều đó ở kia, nhất là khi sự đọc có "đối tượng" là rất nhiều cá nhân, ở trên một bình diện rộng lớn, trong đó đáng kể hơn cả là hiện tượng người này rất có thể lấp người kia đi, các "nhóm" thật ra không đúng như vẻ bên ngoài, etc. Đọc một thời kỳ có lẽ là chuyện đi vòng ra sau lưng mọi thứ, dò hỏi chúng, thậm chí đẩy vào chúng, bắt chúng nói. Bắt được một điều gì đó kể câu chuyện của nó dường như chính là bước đầu tiên. Nhưng phải tính đến chuyện các câu chuyện là không tin được. Không phải khách quan (hoặc những gì được coi là khách quan) thì đáng tin: người ta luôn luôn khẳng định mình rất khách quan, và đó gần như luôn luôn là cách để đánh lừa người khác, và nhất là đánh lừa chính mình. Nói đi, nhưng cả chuyển động đi nữa: ta phải đối mặt với những gì đã quá quen với bất động, đã ngừng, ít nhất ở một phương diện nhất định, chuyển động từ lâu, bởi vì "động cơ" hay "động lực" đã hỏng. Gần như câu chuyện là những gì xảy ra ở một vùng của tiền-phát ngôn, vùng của sự từ chối chuyển động, ít nhất là từ chối lại chuyển động. Thật ra, có ích gì đâu?

Tôi nhớ đến Spinoza và bộ ba khái niệm quý, hiếm và khó. Có lẽ đó cũng chính là các thuộc tính của đọc. Ta đọc như thế nào? Câu hỏi này thậm chí còn không mấy có ý nghĩa, bởi vì cần phải, trước đó, đặt câu hỏi về chuyện có thể đọc được không, rồi thì cả chuyện có vượt qua được độ khó hay không. Hơi giống với leo núi, nhưng khác ở một điểm căn bản: người leo núi nếu chưa lên được đỉnh thì họ biết mình chưa lên đến đỉnh, rất hiếm có chuyện không biết điều đó. Nhưng các ẩn dụ rút từ đó không có nổi sự chắc chắn này, rất có thể chưa hề đến đỉnh nhưng người leo núi (bằng phương thức ẩn dụ) vẫn đinh ninh mình đã đến.

Tôi đã không ngừng thử đẩy rất nhiều thứ, để xem các chuyển động có thể có từ đó. Đi theo hướng này có thể là nhầm, đi theo hướng khác vẫn có thể chẳng có ý nghĩa gì. Gần như tất tật đều rối tung vào với nhau. Nhưng vẫn cứ phải thử, thử không ngừng.

Phải gạt đi rất, rất nhiều thứ. Gần như mọi thứ. Thử, rồi lại gạt đi, rồi lại thử, rồi lại gạt đi. Nhưng xếp cũng bao hàm cả gỡ ra. Nếu không tháo thì không xếp được. Tôi nghĩ, sau một quãng thời gian dài nghiên cứu văn học tại Việt Nam có vấn đề chính, lớn nhất là tài liệu, thì nay đã khác. Thật ra, vấn đề vẫn thế, nhưng đã chuyển hướng: trước đây, thật ra chưa lâu, vấn đề là thiếu tài liệu, nhưng lúc này, vấn đề là có hiểu tài liệu hay không. Vấn đề lại quay trở về với đọc. Thật ra, không thể khác được.

Tách mãi, gạt mãi, chợt tôi hiểu ra: Khái Hưng và Nguyễn Tuân. Đấy, đấy chính là cú xếp cần thiết.

Khái Hưng đặc biệt quan tâm đến Nguyễn Tuân (như ta đã thấy ở kia). Dường như, Khái Hưng dìu dắt Thạch Lam nhưng không thực sự tin tưởng. Có lẽ Khái Hưng nhìn thấy ở Nguyễn Tuân rất nhiều điều. Như trong đường link cho thấy (rất có thể lại là một sự đánh lừa), Khái Hưng đối đầu với Nguyễn Tuân.

Nhưng càng ngày tôi càng nghĩ mối quan hệ Khái Hưng-Nguyễn Tuân (mối quan hệ nằm đích xác ở trung tâm văn chương tiền chiến Việt Nam) phức tạp hơn nhiều. Ở một phương diện rất quan trọng, Nguyễn Tuân tiếp nối Khái Hưng.

Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân vẫn được coi là một đột xuất. Tôi nghĩ đây là nhầm lẫn thuộc vào hàng kinh điển, thuộc vào những nhầm lẫn lớn nhất của nghiên cứu văn học Việt Nam, đặc biệt của nhánh văn học sử. Nó sai lầm ở cỡ tương đương với chuyện coi văn chương Vũ Trọng Phụng là có giá trị lớn.

Vang bóng một thời, hoặc Vang và bóng một thời giống như khi nó đăng báo (tạp chí Tao Đàn) chỉ là sự lặp lại Khái Hưng. Phong hóa ngay đoạn đầu (vẫn trong năm 1932), ở trang 2, đã bắt đầu mục "Thế giới cũ: Mực tàu giấy bản" của Khái Hưng. Mực tàu giấy bản và Vang bóng một thời: đâu có xa nhau.

Vả lại, Nguyễn Tuân (và cả Phan Khôi) có thực sự xa (như nhiều nhà nghiên cứu kiên trì khẳng định: đây là một trong những điều mà tôi nhìn thấy ở mối quan hệ giữa nghiên cứu và tài liệu, hiện nay) Tự Lực văn đoàn hay không? Tôi nghĩ là không đâu.

Từ Mực tàu giấy bản, chẳng hạn ta sẽ có Ông đồ bể in vào bộ "Sách hồng" của nhà xuất bản Đời nay (xem thêm ở kia).

Câu chuyện này tất nhiên sẽ được nói thêm. Ít nhất, tôi có thể nói rằng Khái Hưng và Nguyễn Tuân cần được nhìn nhận trong quan hệ với nhau. Điều đặc biệt nhất nằm ở câu hỏi: họ đối đầu với nhau, hay dựa lưng vào nhau?

Tôi được gợi ý rất nhiều từ cách nhìn Flaubert và Baudelaire trong thế kỷ 19 như được thể hiện trong cuốn sách của Philippe Muray, một cuốn sách lớn, rất nên đọc (xem ở kia).


NB. đã viết tiếp "Lý thuyết văn học và triết học", cũng như tiếp tục Văn xuôi thế giới của Maurice Merleau-Ponty (đã hết "chương" thứ nhất)

No comments:

Post a Comment