Nov 5, 2017

Dantzig

Günter Grass là nhân vật mà tôi nghĩ ngay đến, khi bắt đầu thấy quan tâm đến chuyện văn chương trình hiện các thành phố như thế nào (tôi đã thử vài lần và thấy là khả dĩ :p xem chủ yếu ở kiaở kia). Bởi vì Dantzig, Danzig, vì ba cuốn tiểu thuyết tạo nên "trilogy" về Dantzig của Grass.

Cuốn tiểu thuyết về cái trống (không hề thiếc) và thằng lùn Oscar (Oskar) Matzerath (xem thêm về vụ dan díu dưới gầm bàn với ông béo Grass ở kia) làm sao mà đã đủ để nhìn nhận, dẫu chỉ một phương diện, văn chương Grass được.

Günter Grass ở Việt Nam cũng rất giống vô số trường hợp khác: cuốn tiểu thuyết về cái trống chỉ là phần thứ nhất của một bộ ba tác phẩm (và cuốn tiểu thuyết này thì Grass, vốn dĩ sinh ra tại Dantzig, lại viết khi ở Paris), nhưng dường như chưa một ai đọc hai cuốn còn lại: Mèo và chuột (Katz und Maus) và Những năm chó (Hundesjahre). Các nhân vật Việt Nam từng du học ở Đức, thêm vào đó, lại rất thần thánh hóa Marcel Reich-Ranicki, vốn dĩ là một nhà phê bình văn học vô cùng tầm thường: tất tật làm nên một hình ảnh Günter Grass rất méo mó ở đây.

Nhưng cũng nên nói đến một cuốn sách khác của Grass, xuất bản đầy ý nghĩa năm 1999, Thế kỷ của tôi, tức là Mein Jahrhundert, đây là bản dịch tiếng Pháp:



Dantzig, như nó hiện lên trong văn chương của Günter Grass, là thành phố nơi có các địa danh nghe như thể bán nguyên khai, "Đường Gấu", "Lối đi phía Đông", "Lối đi phía Tây" hay "công trường Schichau", vân vân và vân vân. Dantzig từng có thời điểm là một "Nhà nước tự do"; nhìn vào vị trí địa lý của nó, có thể hiểu nó từng có vai trò trọng yếu như thế nào ở Đông Âu (và không xa Tây Âu); cho đến một cuốn tiểu thuyết rất gần đây, Claudio Magris vẫn nhắc đến những người công nhân anh hùng của "bến cảng Gdańsk" bên bờ biển Baltique trong Thế chiến thứ hai.

Mèo và chuột diễn ra vào thời điểm: "không lâu sau khi chiến tranh bùng nổ, Joachim Mahlke tròn mười bốn tuổi". Câu chuyện nhìn từ phía đối nghịch với phía của Magris: từ những đứa trẻ đi học ở trường, trong đó phần lớn là thành viên của Đoàn Thanh niên Hitler và không ít sẽ trở thành lính cho Wehrmacht. "Mahlke cao kều" với tài bơi lội (nhất là lặn) vô song là nhân vật chính, bên cạnh các thằng bạn như Schilling, Kupka, Esch hay Hotten Sonntag. Đó là trường "lycée Gudrun" nơi có ông hiệu trưởng Waldemar Klohse. Người thuật truyện là một trong đám học sinh, Pilenz, hay đọc [Léon] Bloy, các Gnostique, Friedrich Herr và có một cú sốc lớn khi đọc Confessions của thánh Augustin.

Thằng lùn Oskar của Cái trống không vắng mặt trong Mèo và chuột (bởi vậy, cần nhấn mạnh vào tính chất "trilogy"), nó được nhắc thoáng qua trong hình ảnh một thằng bé ba tuổi cứ đánh trống không ngừng. Câu chuyện sẽ tập trung chủ yếu vào một con tàu thuộc hạm đội Dantzig bị đắm, mà lũ trẻ con không ngừng lặn xuống chơi, và sự kiện một học sinh cũ đã trở thành lính của Wehrmacht trở về thăm trường, phát biểu trước học sinh ở đây.

Mèo và chuột là một tiểu thuyết ngắn. Nếu quen đọc Grass, ta sẽ rất sớm có cảm giác Grass thất bại ở một phần rất lớn. Dự định biến "Mahlke cao kều", giống "Le Grand Meaulnes", trở thành một dạng đấng cứu thế đã không thực sự đi đến được đích, nếu quả thật Grass từng có một ý định như thế. Nhưng, nếu còn quen với văn chương Grass hơn nữa, ta có cảm giác, Grass không "đủ chỗ" nếu đó là một cuốn sách mỏng. Grass cần rất, rất nhiều chỗ.

Chính vì vậy, Những năm chó khác hẳn. Mức độ dày đặc và cái mà người ta gọi là "intensity" hiện lên ngay từ những dòng đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết đồ sộ (dường như, nếu tôi không nhầm, nó dày hơn cuốn tiểu thuyết về cái trống; như vậy, "trilogy về Dantzig" của Grass gồm hai tác phẩm rất dài ở đầu tiên và cuối cùng, ở giữa là một tiểu thuyết tương đối ngắn, chỉ bằng khoảng một phần tư hay một phần năm so với hai cuốn còn lại), gồm ba phần, thay đổi điểm nhìn.

Mèo và chuột có "mèo" và "chuột", tất nhiên, nhưng theo một đường lối phúng dụ cao độ (gần như không thể hiểu nổi ý nghĩa biểu tượng của chúng, vì chúng quá mờ: quả thật, Grass không thể xoay xở khi có quá ít trang sách); trong Những năm chó, ngược lại, hình ảnh con chó hiện lên rõ ràng và hữu hình. Có con chó Harras rồi mẹ của nó, rồi ngược lên tiếp nữa trong "pedigree", nhưng chủ yếu là có con chó Prinz, con của Harras, nó sẽ được tặng cho Führer và trở thành "con chó Dantzig" ở bên cạnh Adolf H.

Thằng lùn đánh trống xuất hiện trở lại rõ nét hơn so với trong Mèo và chuột, nhưng một sự trở lại khác quan trọng hơn, làm nổi rõ hẳn tính chất "trilogy", cuốn này nối vào cuốn kia: Tulla Pokriefke, đứa con gái thích giao du (một cách khá là bất hảo) với lũ học sinh thích lặn biển trong Mèo và chuột trở thành đối tượng để Harry Liebenau viết "thư tình" (các tình thư của Liebenau chiếm toàn bộ phần giữa, tổng cộng hơn một phần ba cuốn sách). "Trường Gudrun" cũng xuất hiện trở lại, nhưng không ở vị trí trung tâm như trong Mèo và chuột nữa, vì nhóm trẻ con trong Những năm chó đã là một nhóm khác.

Những năm chó có độ dày đặc và "intensity" lớn đến mức nó thuộc ngay vào dạng tiểu thuyết không thể thuật lại cốt truyện. Vả lại thuật lại cốt truyện là điều có lẽ thứ yếu nhất khi cần phải nói về một tác phẩm văn chương nào đó. Nếu chỉ đọc cuốn tiểu thuyết về thằng bé đánh trống, người ta không bao giờ có cảm nhận chuẩn xác được về một số phương diện then chốt của văn chương Grass. Những năm chó biểu lộ rất rõ một phạm trù: "cocasse", đây là điểm đặc biệt nổi bật của một dòng lớn văn chương tiếng Đức, mà tôi nghĩ có thể thấy rõ nét ở Robert Musil, Joseph Roth và Hermann Broch. Tôi sẽ sớm quay lại với điểm này. Mặc dù mọi vẻ bề ngoài đều nói ngược lại, Grass là một truyền nhân lớn của chuỗi Musil-Roth-Broch.

Nhưng vẫn còn một điều nữa, khi nhận ra được thì tôi hiểu tại sao tôi lại mất nhiều thời gian đến thế để loay hoay, thì mới có thể thực sự bước vào được thế giới của Grass. Ta hãy xem vài trang của Những năm chó:




Grass viết một "trilogy" về thành phố Dantzig, và trilogy này có yếu tính là sử thi. Một sử thi là một tác phẩm văn chương kiệt cùng theo cách riêng của nó. Thức trình hiện của Günter Grass không gần với thức trình hiện của thế giới hiện đại hơn so với gần sử thi truyền thống: để hiểu rõ điều này, cần quay trở lại với cuốn sách lớn về trình hiện văn chương trong phạm trù "mimesis", tất nhiên là cuốn sách của Erich Auerbach (xem ở kia). Auerbach dành chương đầu tiên cuốn sách của mình để bình luận Homer. Trình hiện của Homer khi thuật truyện Ulysse là trình hiện tất tật. Mọi thứ đều hiện hết lên, trong một phối cảnh mà người hiện đại chúng ta không còn thực sự quen thuộc nữa. Mọi thứ đều nằm hết lên trên cùng một bề mặt. Grass rất gần với điều này. Và ngay tức khắc, tôi hiểu tại sao văn chương Grass từng gây cho tôi nhiều băn khoăn đến thế: chính xác là bởi vì Grass lặp lại Goethe ở không ít khía cạnh.

Tất nhiên, tôi sẽ còn quay trở lại với Günter Grass :p còn dưới đây là bản dịch một năm trong Thế kỷ của tôi, để thoát được ra khỏi trilogy về Dantzig:



1908


Đó là một dạng truyền thống, trong gia đình chúng tôi: bố dẫn theo con trai. Ngay ông tôi, làm việc cho hãng xe lửa và tham gia công đoàn, đã dẫn thằng con cả của ông theo mỗi khi Wilhelm Liebknecht tổ chức một cuộc meeting trong công viên Hasenheide. Và bố tôi, cũng là người lái tàu và thuộc đảng xã hội, từng kể cho tôi về những cuộc biểu dương lực lượng lớn đó, chúng bị cấm suốt quãng thời gian Bismarck còn nắm quyền, rồi truyền cho tôi cái câu gần như có tính chất tiên tri này: "Việc nhập Alsace-Lorraine sẽ không mang tới cho chúng ta hòa bình, mà chiến tranh!"

Đến lượt mình, ông cũng dẫn theo tôi, khi tôi còn là một thằng bé chín, mười tuổi, những lúc con trai của Wilhelm, đồng chí Karl Liebknecht, diễn thuyết ngoài trời hoặc, nếu bị cấm đoán, trong những quán rượu mù mịt khói. Ông cũng đã đưa tôi đi tàu điện tới Spandau, bởi vì Liebknecht xuất hiện ở đó, cho một cuộc bầu cử. Năm 5 thậm chí tôi đã, vì Bố là người lái tàu và được đi lại miễn phí, đi cùng ông đến Leipzig, bởi tại quán rượu Felsenkeller, khu Plagwitz, Karl Liebknecht nói về cuộc đình công lớn vùng Ruhr, vốn dĩ được báo chí đưa tin rất đậm đà. Nhưng ông không chỉ nhắc đến những người thợ mỏ, cũng không chỉ tấn công vào các ông chủ lớn người Phổ của những cánh đồng củ cải và lò cao, ông chủ yếu, theo cách thức đúng là tiên tri, nhấn mạnh vào tổng đình công như là vũ khí tương lai của quần chúng vô sản. Ông phát biểu không cần giấy và cứ như thể chộp lấy các từ bay lơ lửng trong không khí. Ông đã chuyển sang cuộc cách mạng bên Nga và chế độ Sa hoàng đẫm máu.

Những loạt vỗ tay đều đặn rộ lên. Và cuối cùng một quyết nghị đã được thông qua với đa số tuyệt đối, theo đó những người tham gia - bố tôi bảo chắc chắn phải hơn hai nghìn - nhất trí đoàn kết với các đồng chí đang anh dũng chiến đấu bên Nga và ở vùng Ruhr.

Thậm chí có thể là tận ba nghìn người, chen chúc nhau trong Felsenkeller. Bởi vì xét cho cùng tôi nhìn rõ hơn bố tôi, do ông cho tôi ngồi lên cổ ông, giống bố ông từng làm với ông khi Wilhelm Liebknecht hoặc đồng chí Bebel nói về tình hình giai cấp công nhân. Tôi nói với các bạn rằng đó là một truyền thống, ở nhà chúng tôi. Dẫu thế nào, hồi còn nhóc con, tôi vẫn luôn luôn nhìn đồng chí Liebknecht từ trên cao, và không chỉ nhìn, cả nghe nữa. Đó là một chuyên gia diễn thuyết. Không bao giờ bị thiếu từ. Điều mà ông đặc biệt thích là hướng đến giới trẻ. Ngoài trời, tôi đã nghe thấy ông hét lên, qua chẳng biết là mấy nghìn cái đầu nữa: "Nếu có tuổi trẻ, ta sẽ có quân đội!" Thêm một điều rõ ràng rất nhiều tính chất tiên tri. Dẫu thế nào, ngồi trên vai bố tôi, tôi đã thực sự cảm thấy sợ khi ông hét to về phía chúng tôi: "Chủ nghĩa quân phiệt là tên tay sai bạo tàn của chủ nghĩa tư bản, là bức thành máu lửa của nó!"

Bởi tôi còn nhớ rõ, như thể mới là hôm qua, cái nỗi sợ mà ông gây cho tôi ngay khi ông nói đến kẻ thù bên trong mà ta cần đánh trả. Hẳn chính vì thế mà tôi bỗng thấy mót đái quá thể, tôi nhấp nhổm trên cổ bố tôi. Nhưng bố tôi không nhận thấy cơn mót của tôi, ông đang phấn khích quá mà. Tôi không nhịn được nữa, ở cái tư thế chênh vênh ấy. Vào năm 7 tôi đã cứ thế, qua cái quần lót bằng da, đái lên cổ bố tôi. Không lâu sau đó, đồng chí Liebknecht bị bắt, ông bị kết án vì tác phẩm đả kích chủ nghĩa quân phiệt của ông, và ông phải vào - năm 1908 rồi sau đó - ngồi trong pháo đài Glatz.

Về phần bố tôi, lúc tôi chẳng thể làm gì khác ngoài tưới ướt hết lưng ông, ông đã hạ tôi xuống khỏi cổ và, trong khi cuộc biểu dương lực lượng tiếp diễn và đồng chí Liebknecht tiếp tục hướng đến giới trẻ, ông cho tôi xơi một cú tát thần thánh. Bàn tay ông thật nặng, tôi còn cảm thấy nó rất lâu. Và  bởi lẽ đó, chỉ do vậy thôi, khi chiến tranh rốt cuộc cũng bùng nổ tôi đã chạy tới phòng tuyển quân xin tình nguyện đăng lính, do vậy thậm chí tôi đã không được gắn huân chương và sau hai vết thương lĩnh tại Arras và Verdun tôi vẫn chỉ là hạ sĩ. Dẫu luôn luôn, cả khi ở trong các đội tấn công thần tốc tại Flandre, tôi vẫn tin rằng đồng chí Liebknecht - mà về sau, rất lâu về sau, vài đồng chí thuộc Freikorps bắn hạ, cùng đồng chí Rosa, lại còn vứt một trong mấy cái xác xuống Landwehrkanal - đã đúng đến cả nghìn lần khi ông hướng đến giới trẻ.





nhân tiện: đã tiếp tục Les Fleurs de Tarbes của Jean Paulhan: đến phần mới này, đã có thể bắt đầu thấy rõ Paulhan muốn đi về đâu trong cái công trình đầy hung hiểm này, một trong những gì, theo tôi, vĩ đại nhất của phê bình văn học thế giới thế kỷ 20



và tiếp tục chuyên mục "hơn một nghìn post về trước": p

xem ở kia: liên quan rất nhiều đến các "châm ngôn"; à mà lâu lâu rồi chưa làm tí châm ngôn nhỉ :p




Lisbon
Buenos Aires
Istanbul

2 comments:

  1. Grass tuyệt thú, kể cả có bị "thiếc". nên khá tò mò lúc đọc thấy "giáo hoàng văn học Đức" chê ông ấy, mà lý do có vẻ ko được nói rõ. nhưng, đoán mò thôi, có nhẽ một phần vì Grass ko hợp với "văn học ti-vi". thêm nữa, những nhà văn mà từ bé đã nhìn những nhà kách-mệnh "từ trên cao" rồi dù ko muốn vẫn phải đái lên cổ bố mình thì căn bản ko thể đi chung đường với các loại "giáo hoàng".

    ReplyDelete