Khi đọc Orhan Pamuk viết về thành phố Istanbul, ta thấy ngưỡng mộ. Nhưng thật ra, ta ngưỡng mộ gì khi đọc Pamuk? Chủ yếu, ta ngưỡng mộ ở đó sự nỗ lực, những nỗ lực lớn, rất nhiều nỗ lực.
Một đại cao thủ đệ nhất giang hồ gây khiếp sợ, tạo ra lòng ngưỡng mộ (một sự ngưỡng mộ ép buộc; về ngưỡng mộ, xem thêm ở kia). Đấy là một sự ngưỡng mộ đương nhiên, khi ngần ấy đầu rơi máu chảy tan nát trên con đường một nhân vật vươn lên vị trí đệ nhất.
Nhưng độc giả của Kim Dung cũng biết đến hình ảnh một vài nhân vật hành tẩu giang hồ mà không một lần rút kiếm. Người ta không cảm thấy sự ngưỡng mộ mà mình dành cho những người đó là một cái gì ép buộc nữa, mà nó tự nhiên, như là nhất định phải thế.
Cuốn sách dưới đây, Istanbul là một câu chuyện, dài khoảng gấp đôi cuốn sách về Istanbul của Pamuk:
(tác giả tên là Mario Levi: cẩn thận kẻo nhầm :p)
(bản dịch tiếng Pháp của Ferda Fidan; trong ảnh là ấn bản thuộc tủ sách 10/18; tại sao lại có "10/18"? lý do thật ra hết sức đơn giản, đấy chính là kích cỡ quyển sách, một chiều mười xăng ti mét, chiều kia mười tám xăng ti mét)
Mario Levi viết cuốn sách lớn về thành phố Istanbul như nước chảy mây trôi (về "nước chảy mây trôi", xem ở kia), với vô vàn nhân vật nhưng không vì thế mà không đi thật sâu vào bên trong con người. Những gì phức tạp nhất sẽ thực sự phức tạp khi đạt tới trạng thái đơn giản. Người ta thực sự viết khi đạt tới trạng thái không viết. Nỗ lực lớn nhất chính là nỗ lực đạt tới trạng thái không nỗ lực.
Dưới đây là một đoạn tuyệt tác, về một thằng bé thích chơi bi. (thế giới của những thằng bé con, xem ở kia)
[trích từ chương "Đống bi của Mimiko"; ở đây là câu chuyện dưới lời kể của nhân vật mang tên Jülyet]
[....]
"Berti đã bị chấn động lâu dài vì chuyện ấy... Hôm đó, anh ấy dẫn em đến Tozkoparan, các phố nơi họ từng cùng chơi bi với nhau. Anh ấy kể cho em về sự khéo léo khó tin của Mimiko trong trò chơi đó, về những phố kia, chúng chiếm một vị trí vô cùng lớn trong tuổi thơ của họ. Tất cả mọi người từng chơi bi trên các phố ấy... Phải, Mimiko là bậc thầy trong trò này. Không một ai sánh nổi với cậu ấy. Cậu ấy đạt tới một mức độ thiện chiến khủng khiếp. Chính vì thế mà cậu ấy cứ mê mải chơi suốt không ngừng. Nhiều tiếng đồng hồ liền... Mặc cho sự bực bội và những lời nhiếc móc của mẹ cậu ấy. Người ta đồn cậu ấy có hàng đống túi to đựng bi. Nhưng cậu ấy thì luôn luôn bảo vậy là nói quá lời. Có thể nào đoạt hết bi trên đời được hay không? Một đứa trẻ - hoặc một người đàn ông không muốn từ bỏ tuổi thơ của mình - có thể nào hiện thực hóa một giấc mơ như vậy hay không? Mimiko rất sung sướng khi được ở một mình vời kho báu nhỏ của cậu ấy. Trong mắt cậu ấy mỗi viên bi có một màu riêng, một sắc riêng. Berti vẫn còn nhớ rất rõ, với tư cách chứng nhân duy nhất được chấp nhận vào vùng cấm đó. Một thế giới riêng biệt, xa xôi, nơi đống bi gọi cậu ấy. Có thể nhét cả thế giới vào túi áo, trong một viên bi... Cứ như là trong truyện cổ tích... Nhưng, lần này, đó là để gieo mầm cho câu chuyện cổ tích riêng của cậu ấy... Đến mức quên đi hoàn toàn, ít nhất là trong một khoảng thời gian, cuộc sống thực, những ngày hiện tại mà người ta buộc phải sống... Một chiều muộn, từ trường về. Cậu ấy vẫn chơi với các bạn. Cậu ấy chơi say sưa đến nỗi không gì còn tồn tại xung quanh cậu ấy nữa. Trời tối dần. Rồi tối hẳn. Hoảng quá, bà Viktorya lao ra phố đi tìm. Bà đã dễ dàng tìm thấy Mimiko ở cách nhà hai phố, ở "cái nơi đặc biệt thích hợp cho các cuộc chơi bi thật dài". Bà xách tai cậu lôi về nhà.
Trước đám bạn, những người không thể địch lại với cậu, hoặc giả chỉ chơi với mục đích được trầm trồ trước tài khéo léo của cậu ấy. Vào đúng cái lúc cậu ấy chuẩn bị ghi được một điểm tuyệt vời. Hình như họ đang chơi bi lỗ. Sự muộn màng này đã khiến bà Viktorya lên một cơn giận dữ hiếm thấy đối với con trai bà. Bình thường vốn dĩ bà là người khá bình tĩnh và dịu dàng nhưng, một khi bà đã nổi tức, chẳng ai dám đối đầu với bà nữa. Hẳn đó là một phương cách để tự vệ, cũng như để bảo vệ những người thân của bà. Đứng yên được mà dễ à? Một cuộc tranh đấu nhọc nhằn cũng có thể, theo năm tháng, dẫn ta đến nơi mà ta không hề muốn đến. Trước khi phán xét, em cố sức hiểu, anh cũng thấy đấy, nhưng em chẳng làm sao biết được bà ấy có đúng khi lên cơn tam bành như vậy đối với con trai hay không. Quả thật, Mimiko đã bị sỉ nhục trước các bạn buổi chiều tối hôm đó, nhưng cậu ấy cũng mất luôn tất tật đống bi. Về đến nhà, ngay tức thì bà Viktorya vớ lấy một cây búa và đập vỡ hết chỗ bi, từng viên một. Bà ấy từng có lần thú nhận với mẹ chồng em rằng bà ấy rất hối tiếc vì đã làm thế. Đấy là mãi nhiều năm về sau rồi. Mọi người khi ấy đều đã lớn. Đó là một vụ sát nhân nho nhỏ mà bà ấy đã thực hiện. Bà ấy thực sự nghĩ vậy đấy. Bà ấy sẽ không bao giờ tự tha thứ cho mình vì chuyện đó. Nhưng nỗi xấu hổ, sự hối hận thì ích gì đây, mãi về sau? Sau đó, Mimiko không bao giờ chơi bi nữa, không bao giờ đưa một viên bi lên ngược sáng để ngắm nghía, không bao giờ muốn nghe thấy tiếng những viên bi nữa. Theo Berti đó là một trong các sự kiện chính yếu đã khiến cậu ấy ghê sợ cuộc sống, đẩy cậu ấy đến chỗ thu mình lại... Dường như cùng đống bi, cậu ấy đã đánh mất thế giới nhỏ bé của cậu ấy, chốn trú ngụ của cậu ấy..."
nhân tiện: mới thêm những đoạn rất dài Ferragus và Một vụ việc ám muội; chúng ta lại tiếp tục con đường Balzac :p
những người giống nhau đi tìm những cái giống nhau :P
ReplyDeletesẽ còn quay trở lại với trò chơi bi nữa
ReplyDeletetiếp theo và hết :p
có liên quan gì tới "la première nuit", "un sentiment plus fort que la peur" với cả "sept jours pour une éternité..." không anh ơi :v :v
DeleteTuyệt quá. Cảm ơn chú. Thú thực là cháu k có chơi bi nhưng đọc đoạn này làm nhớ lại rất nhiều thứ.
ReplyDelete"Một đứa trẻ - hoặc một người đàn ông không muốn từ bỏ tuổi thơ của mình - có thể nào hiện thực hóa một giấc mơ như vậy hay không?"
Đọc truyện này bỗng nhớ, ngày xưa tôi cũng là một cao thủ bắn bi ở khu phố nhà tôi đấy. Sự nghiệp bắn bi của tôi cũng kết thúc bi đát không kém gì anh bạn Mimiko: vì quá siêu, tôi bị bọn con giai không cho chơi bắn bi chung nữa. Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn luôn mỉm cười sung sướng ngắm những viên bi ve xinh đẹp. :p
ReplyDeleteở đấy có chơi bi kiểu "thủ tương" không?
ReplyDeleteỐ, bắn bi cũng có thuật ngữ chuyên môn à? :(
DeleteChào bạn, mình tình cờ ghé qua blog của bạn và mình thấy blog của bạn rất tuyệt. Mình có nhã ý muốn nhờ đặt một số bài viết tin tức lên bog của bạn. Nếu được, hãy comfirm lại số phone tại mail Luongnguyen2703@gmail.com để chúng ta có thể bàn cụ thể hơn về chính sách cũng như giá cả phù hợp nhất. Thanks
ReplyDeleteMột đề nghị hay quá đi.
Deleteđề nghị hay quá đi í chứ, đang phải nghĩ rất là lung đây, "chính sách" và "giá cả" như thế nào nhờ?
ReplyDeletechơi bi thì phải có luật chứ, không biết "thủ tương" à? thế có biết "lồ" không?
ta sẽ bàn kỹ về vụ này, hehe, Jean Piaget từng có nghiên cứu rất chi tiết về bọn trẻ con chơi bi theo các lứa tuổi đấy