Jul 1, 2018

Tử tước de Bragelonne (2)

Lại nói, Ba-dờ-lôn tử-tước, được de Condé đại-nhân giao việc, mang tin tới thành Blois cho Gát-tông Đoọc-lăng đại-nhân, xong xuôi đâu đấy, được Monsieur và Madame ưa-chuộng lắm trong cuộc hội-kiến, chàng chuẩn-bị lên đường về nhà thăm cha là de La Fère bá-tước. Nhưng chưa kịp lên ngựa thì dưới cổng lâu-đài chàng gặp một tiểu-thư mời chàng đi theo mình lên cầu-thang tối, rồi chàng gặp lại cố-nhân nàng Louise mảnh-dẻ.

Nguyên mademoiselle de Montalais bạn của Louise tính-khí tinh-quái lắm, cứ thích đẩy con-người ta vào những tình-huống khó xử thì nàng ta mới thấy vui-mầng.

Sau rốt, Ba-dờ-lôn tử-tước vẫn về được nhà thăm cha. Chư-quân hẳn đã nhận ra, bá tước de La Fère phụ thân của Ba-dờ-lôn chính là A-tố thuở nào trong cái truyện Ba người ngự-lâm pháo-thủ mà bản thư-xã in trước đây.





Thật thế, sau tất tần tật những xúc cảm của Fronde mà xưa kia chúng tôi từng gắng sức thuật lại đoạn đầu, Louis de Condé đã gây cuộc hòa hoãn chính thức cùng triều đình, trang trọng và thẳng thắn. Suốt thời gian Đức Ông Hoàng Thân đoạn tuyệt với Nhà Vua, ngài Hoàng Thân, vốn dĩ đem lòng ưa chuộng Bragelonne quá, đã ban cho chàng mọi ân điển có cơ làm choáng ngợp một chàng thanh niên, nhưng chỉ vô vọng. Bá tước de La Fère, lúc nào cũng một dạ trung thành với những nguyên tắc trung tín cùng những nguyên tắc trung quân, một ngày nọ ông truyền đạt lại chúng cho con trai ông dưới khu hầm mộ tại Saint-Denis, bá tước de La Fère, nhân danh con trai, đã luôn luôn từ chối. Lại thêm nữa, thay vì theo ông de Condé trong cuộc tạo phản, tử tước lại theo dưới trướng ông de Turenne để chiến đấu vì đức vua. Rồi kíp tới khi cả ông de Turenne cũng xoay qua rời bỏ công cuộc phụng sự hoàng thượng, chàng đã rời khỏi ông de Turenne, như từng rời ông de Condé. Nhờ vào lối hành xử bất di bất dịch ấy, cũng vì cả Turenne lẫn Condé đều chỉ thắng được nhau khi chiến đấu dưới lá cờ của nhà vua, Raoul, dẫu còn trẻ vậy, công trạng của chàng đã có tới cả chục, lòng can đảm cũng như ý thức của chàng chưa từng phải gánh chịu lấy một thất bại nào hết.

Thành thử, Raoul, theo đúng ý nguyện của cha chàng, khăng khăng và thụ động phụng sự vận hạn của vua Louis Thập tứ, mặc cho mọi nỗi đắn đo đặc hữu, ta lại còn có thể nói, chúng là không thể tránh khỏi vào thời bấy giờ.

Ông de Condé, lại được sủng ái, đã vận dụng mọi điều, trước hết ngài dụng tới lòng nhân đã ân xá cho ngài nhằm đòi lại nhiều thứ từng được ban cho ngài trước đây, trong số các thứ ấy có Raoul. Rất chóng, ông de La Fère bá tước, vốn dĩ không thể lay chuyển trong sự nhìn xa trông rộng, đã sai Raoul quay trở lại chỗ hoàng thân de Condé.

Vậy là một năm đã trôi qua kể từ khi phụ tử chia lìa; dăm thư từ làm dịu bớt, nhưng đâu có thể chữa tiệt những đau đớn nảy sinh do sự đi vắng của chàng. Ta đã thấy Raoul cũng để lại ở Blois một tình yêu khác nữa, chứ không chỉ là tình cha con đâu.

Nhưng hãy công bằng với chàng, nếu chẳng có sự tình cờ cùng cô de Montalais, hai con quỷ thích gieo rắc cám dỗ đó, thì Raoul, sau khi trao tin xong, hẳn đã lên ngựa phi như bay về nhà cha chàng, và chắc chàng đã quay mặt đi, nhưng chẳng phải là không kìm ngựa giây lát, nếu thấy nàng Louise chìa tay về phía mình.

Thế cho nên, nửa đầu chặng đường đối với Raoul đậm nuối tiếc dĩ vãng mà chàng vừa rời bỏ quá mức vội vã, tức là nàng tình nhân ấy; nhưng nửa còn lại thì hướng tới người bạn mà chàng sắp được gặp lại, hầu như quá chậm chạp nếu chiểu theo mong muốn riêng rộn rã trong lòng chàng.

Thấy cửa vườn mở, Raoul lao luôn ngựa vào, chẳng buồn để ý tới hai cánh tay dang rộng tỏ lộ niềm giận dữ của một ông già mặc áo len tím đội một cái mũ bon nê to tướng bằng nhung đã sờn.

Ông già ấy, đang dũi các ngón tay chăm sóc một cái bồn trồng hoa hồng lùn cùng hoa marguerite, nổi cơn tức tối khi thấy một con ngựa phóng bạt mạng trên những lối rải cát mới được bừa phẳng của ông ta.

Ông lại còn “hừm” lên một tiếng dữ dội, nó khiến chàng kỵ sĩ quay ngoắt đầu lại nhìn. Thế là cảnh tượng biến chuyển quá mức; bởi ngay lúc nom tỏ mặt Raoul, ông già đứng bật dậy, chạy về phía ngôi nhà, miệng phát ra những tiếng càu nhàu không ngớt, ở ông ta điều đó ý hẳn cho thấy đỉnh điểm của một cái niềm vui nó lớn quá. Raoul đã đến chỗ tàu ngựa, giao con ngựa của chàng cho một tên hầu thấp bé, rồi chàng nhảy ngay lên thềm, dáng dấp vội vã này chắc sẽ làm vui lòng cha chàng lắm đây.

Chàng đi qua tiền phòng, rồi phòng ăn và xa-loong mà không bắt gặp một ai; mãi rồi, tới cửa phòng của ông de La Fère bá tước, chàng hùng hổ gõ và bước vào luôn hầu như chẳng đợi nghe thấy cái câu: Vào đi! thốt ra với chàng từ một giọng nói vừa nghiêm trang lại vừa rất đỗi dịu dàng.

Ông bá tước đang ngồi trước một cái bàn phủ đầy giấy tờ và sách: đây vẫn là ngài quý phái cao quý và đẹp đẽ xưa kia đó, nhưng thời gian đã gia giảm vào vẻ cao quý của ông, vào vẻ đẹp của ông, nó thêm một cái tính cách trang trọng hơn, nổi bật hơn. Vừng trán trắng không chút nếp nhăn ở dưới mái tóc nhiều sợi trắng hơn sợi đen, ánh mắt thì sắc lẹm và êm dịu dưới hàng lông mày vẫn còn trẻ trung, hàng ria của ông mảnh, chỉ mới hơi vẩn bạc, nó khuôn lấy cặp môi có dáng thuần khiết và nhã nhặn, như thể chưa có bao giờ chúng nhăn rúm lại vì những thị dục chết người; thân hình ông thẳng tắp nhưng mềm dẻo, bàn tay không thể chê trách điều gì nhưng đã trở nên gầy guộc, ông quý phái xuất chúng ấy vẫn giữ được mình như vậy đấy, cái con người mà xiết bao cái miệng xuất chúng từng cất lời ngợi ca dưới cái tên Athos. Khi này, ông đang mải sửa chữa các trang của cái quyển sổ mà ông viết vào, tất tật do tự tay ông.

Raoul ôm lấy cha chàng, cả vai, cả cổ, hôn ông êm ái và mau chóng đến nỗi bá tước không có cả sức lực lẫn thời gian để hẩy chàng ra, cũng như không vượt lên nổi trên nỗi xúc động tình phụ tử.

- Con đây rồi, con đây rồi, Raoul! ông nói, có thể nào vậy được chăng?

- Ồ! cha ơi, cha ơi, gặp cha sao con mầng lạ?

- Con còn chưa trả lời cha đấy, tử tước. Con được đi phép à, để mà lại có mặt ở Blois này, hay đã xảy ra chuyện bất hạnh gì trên Paris?

- Ơn Chúa! thưa cha, Raoul đáp, dần dà chàng bình tĩnh trở lại, toàn chuyện sung sướng xảy tới thôi cha ạ; nhà vua sắp lấy vợ, như con đã có vinh hạnh báo với cha trong bức thư vừa rồi, và ngài ngự đang đi sang xứ Y-pha-nho. Bệ hạ sẽ ghé thành Blois này.

- Để vấn an Monsieur?

- Vâng, thưa ngài bá tước. Thành ra, vì sợ ngài ấy bị bất ngờ trở tay không kịp, hoặc cũng vì muốn tỏ ra khả ái hết mức với ngài ấy, Hoàng Thân đã sai con đến trước để chuẩn bị nơi ở.

- Con đã yết kiến Monsieur? bá tước vội hỏi.

- Con đã có vinh dự ấy.

- Tại lâu đài?

- Vâng, thưa cha, Raoul đáp, cụp mắt xuống, bởi vì, đã hẳn, chàng cảm thấy trong cuộc tra vấn của ông bá tước có nhiều hơn sự hiếu kỳ thông thường.

- A! thật ư, tử tước?… Ta chúc mừng con đấy.

Raoul nghiêng mình.

- Nhưng con còn gặp ai nữa tại Blois?

- Thưa cha, con đã gặp Lệnh Bà Điện Hạ.

- Tốt lắm. Ta đang không định nhắc tới Madame.

Mặt Raoul đỏ lựng lên, chàng chẳng đáp chẳng rằng.

- Trông như là con không nghe ta nói, có phải chăng, tử tước hỡi? ông de La Fère vẫn hỏi tiếp, giọng ông thì không mãnh liệt thêm, nhưng mắt ông nhìn thì đã lộ vẻ nghiêm khắc.

- Con vẫn nghe rõ mà, cha ôi, Raoul nói, con còn đang chuẩn bị để trả lời, thì đó không phải vì con định nói dối, cha cũng biết rõ còn gì.

- Ta biết là con chẳng bao giờ nói dối. Vậy nên, ta đâm phải ngạc nhiên vì con mất ngần ấy thời gian để nói với ta: có hay không.

- Con đâu có thể trả lời cha nếu không hiểu cha, mà nếu con hiểu cha không sai, cha sẽ không vừa ý với những lời đầu tiên con nói. Thưa ngài bá tước, chắc là cha sẽ chẳng vừa lòng đâu, vì con đã gặp…

- Cô de La Vallière, có phải không?

- Con biết rõ, thưa ngài bá tước, là cha muốn nói đến nàng ấy, Raoul đáp, với một dáng điệu dịu dàng không bút nào tả xiết.

- Và ta hỏi con có gặp nó không.

- Thưa cha, con hoàn toàn đâu biết, lúc vào lâu đài, rằng cô de La Vallière lại có thể đang ở đó; mãi cho tới khi truyền tin xong đi ra khỏi, thì sự tình cờ mới khiến hai chúng con giáp mặt nhau. Con đã có vinh hạnh được chào hỏi nàng.

- Cái sự tình cờ đã khiến con hội tụ với cô de La Vallière tên là gì vậy?

- Tên là cô de Montalais, thưa cha.

- Cô de Montalais nghĩa là gì đó?

- Một cô gái trẻ trước đây con chưa có quen, chưa từng bao giờ con gặp. Nàng ấy là tùy tòng của Madame đó cha.

- Thưa ngài tử tước, ta sẽ không đẩy đi xa thêm nữa những tra hỏi của ta, đương lúc này ta đã tự trách mình vì kéo dài quá rồi. Ta đã khẩn thiết yêu cầu con tránh xa cô de La Vallière, nói rõ là con chỉ được gặp con bé ấy nếu được ta cho phép. Ồ! ta biết chứ, con đã nói thật, là con đã không làm điều gì để có thể lại gần nó. Sự tình cờ chơi ta một vố đau quá; ta đâu có thể buộc tội gì con. Ta sẽ chỉ nhắc lại những gì ta đã nói về cái cô nương kia. Ta chẳng trách móc gì con bé ấy cả, Chúa chứng giám cho ta điều này; nhưng, trong các dự đồ của ta không có chuyện con giao du với bên nhà nó. Ta yêu cầu con thêm một lần nữa, Raoul yêu quý ạ, là phải hiểu thấm thía điều này.

Ánh mắt trong trẻo thuần khiết của Raoul chừng như mờ tối khi nghe những lời ấy.

- Giờ thì, bạn ơi, ông bá tước nói tiếp, ông nở nụ cười hiền dịu, lấy lại giọng nói lệ thường, ta nói chuyện khác thôi. Chắc con sẽ quay trở lại vị trí của con luôn?

- Không, thưa cha, con sẽ được ở lại đây cả ngày hôm nay. Ngài Hoàng Thân, may mắn quá, đã không giao cho con bổn phận nào khác ngoài việc kia, nó hợp quá mức với các mong mỏi của con.

- Nhà vua có được mạnh giỏi?

- Xuất sắc.

- Ngài Hoàng Thân cũng vậy?

- Như mọi khi, thưa cha.

Ông bá tước quên mất Mazarin; đó là một thói quen xưa cũ.

- Vậy! Raoul, vì con được ở đây rồi, từ phía ta, ta cũng sẽ giao nộp cho con cả ngày hôm nay của ta. Hôn ta đi… nữa… nữa… Con đang ở nhà của con đấy, tử tước ạ… À mà! Grimaud già nua của chúng ta kia rồi!… Tới đây nào, Grimaud, tử tước cũng muốn ôm hôn ông đây.

Ông già cao lớn không đợi phải nhắc lại câu gọi; ông dang rộng hai cánh tay chạy bổ đến. Raoul giúp ông rút ngắn được một nửa chặng đường.

- Giờ, con có muốn chúng ta ra ngoài vườn không, Raoul? Ta sẽ chỉ cho con thấy cái chỗ mới mà ta đã cho chuẩn bị riêng cho con, phòng những lúc con được về phép, và rồi vừa ngắm nhìn cây cối trồng từ mùa đông mới rồi cùng hai con ngựa mới, con sẽ kể cho ta tin tức về bạn bè chúng ta trên Paris nhé.

Ông bá tước khép quyển sổ viết bản thảo của ông lại, khoác lấy tay chàng thanh niên, ông cùng đi ra vườn.

Grimaud sầu muộn ngắm nhìn Raoul đi khỏi, đầu của chàng thiếu điều thì đụng khung trên cánh cửa, rồi, vừa vuốt chòm râu bạc, ông vừa buột miệng thốt ra cái lời sâu sắc sau đây:

- Lớn quá rồi!






V

Ở thiên này sẽ nhắc tới Cropoli, Cropole cùng một họa sĩ vĩ đại chẳng ai hay biết


Trong lúc bá tước de La Fère cùng Raoul đi thăm thú các nhà cửa mà ông đã hạ lệnh xây dựng, cùng lũ ngựa ông mới cho mua về, xin chư quân hãy cho phép chúng tôi đưa chư quân trở lại thành Blois, để khiến chư quân dự vào sự náo động bất thường đang quấy đảo toàn thành phố.

Người ta cảm thấy rõ nhất tại các khách sạn sức hoạt động phi thường mà cái tin Raoul mang tới gây ra.

Có thế thật, đức vua cùng triều đình đến Blois này, như thế ý chừng sẽ là cả trăm kỵ sĩ, mười cỗ xe lớn, hai trăm con ngựa, số gia nhân bằng số ông chủ, biết cho tất cả những người ấy vào đâu, ấy là còn chưa nói những nhà quý phái trong vùng sẽ tới đây có lẽ chỉ trong vòng dăm ba giờ nữa, ngay khi cái tin đã mở rộng được tầm vang vọng của nó, giống những vòng tròn mỗi lúc một lớn thêm lên khi mà một hòn đá rơi tõm xuống một cái hồ nước yên ả?

Blois, hồi sáng thì êm đềm là thế, ta đã thấy rồi, hệt cái hồ nước yên ả nhất trên đời, mới chỉ vừa có tin hoàng gia sắp đến, đã đột nhiên ồn ào lên, nhặng xị hết cả lên.

Tất tật bọn gia nhân của lâu đài, dưới sự trông chừng của các viên chưởng cơ, tất tả vào thành kiếm thực phẩm, mười tên nhanh nhẹn phi ngựa lao về phía các kho đồ dự trữ của Chambord để lấy thú săn, rồi đến các làng chài Beuvron tìm cá, đến các nhà kính Chaverny tìm hoa quả.

Người ta lấy từ trong tủ ra những tấm thảm quý, những đèn chùm có dây xích lớn mạ vàng; cả một đạo quân người nghèo quét các sân và lau rửa đá ngoài mặt tiền, vợ của họ thì lao ra những cánh đồng bên kia sông Loire để hái lá phục vụ công việc tô điểm cùng hoa thơm dân dã. Cả thành phố, sao cho không bị tụt xuống bên dưới mức xa xỉ về độ sạch sẽ kia, cũng thi nhau dùng bàn chải, chổi và nước để cọ rửa.

Những rãnh nước của khu thành thượng, dềnh lên vì không ngớt nước đổ ra, trở thành các con sông dưới khu hạ, và phố xá, lắm lúc lầy lội lắm, phải nói vậy, được quét dọn, sáng lấp lánh lên dưới ánh nắng bầu bạn.

Sau rốt, người ta chuẩn bị âm nhạc, các ngăn kéo bị rút kiệt; người ta đổ tới chỗ các cửa hiệu để mua sáp, ruy băng cùng nơ trang trí gươm kiếm; các bà nội trợ thì tích trữ bánh mì, thịt và đồ gia vị. Tới cả đám trưởng giả, rất đông đảo, nhà của bọn họ lúc nào chẳng được trang bị như thể sẵn sàng chịu cả một cuộc vây hãm, vốn dĩ chẳng phải lo lắng điều gì, bận lên mình đồ lễ phục rồi đi ra cửa ô nhằm được là những người đầu tiên thông báo hoặc nhìn thấy đoàn người. Bọn họ biết rõ đức vua mãi đêm mới đến, có thể thậm chí sáng hôm sau. Nhưng đợi chờ nghĩa là gì đây, nếu nó không phải một dạng của rồ dại, và rồ dại là gì đây, nếu nó không phải niềm hy vọng quá lố?

Nơi thành hạ, chỉ cách tòa lâu đài trăm bước, giữa con đường phía dưới và lâu đài, tại một phố khá đẹp hồi ấy mang tên Phố Cũ, mà đúng là nó cũ kỹ thật, mọc vươn lên một tòa công trình đáng kính ngưỡng, chỏm mái nhọn hoắt, dáng hình đường bệ rộng lớn, có ba cửa sổ nhìn xuống phố nơi từng trên, từng trên nữa có hai cửa sổ, còn từng trên cùng chỉ có một lỗ trổ nho nhỏ.

Sát kề mấy cạnh của hình tam giác ấy mới gần đây người ta xây dựng thêm khá rộng rãi, lấn hẳn ra ngoài phố, theo đúng tập quán xây nhà rất quen thuộc hồi đó. Cái phố bị thu nhỏ mất chừng một phần tư, nhưng nhà thì rộng ra thêm khoảng một nửa; bù trừ như vậy há chẳng phải một cách hay lắm đấy ư?

Người ta kể ngôi nhà có chỏm mái nhọn hoắt ấy thời Henri Đệ tam là nơi ở của một vị cố vấn, rồi hoàng hậu Catherine* có tới đây, người bảo để thăm thú, kẻ lại bảo để bóp cổ. Dầu là gì thì gì, chắc bà hậu từng đặt bàn chân cẩn trọng của bà lên ngưỡng cửa ngôi nhà ấy.

Sau khi vị cố vấn đã chết, vì bị bóp cổ hay cũng có thể vì tự nhiên mà chết, có quan trọng gì đâu, nhà bị bán, rồi bị bỏ mặc, sau rốt trở nên biệt lập khỏi những nhà khác trên cùng phố. Mãi cho tới quãng giữa triều trị vì của Đức Lô y Thập tam, một người Ý-đại-lị tên Cropoli, thoát ra từ khu nhà bếp của thống chế d’Ancre**, mới tới ở trong nhà. Ông ta bèn dựng ở đó một ngôi khách sạn nhỏ, tại đây làm ra một thứ mì macaroni ngon lừng danh, người khắp xứ ở cách nhiều dặm quanh đó cũng đến để mua về hoặc để ăn luôn.

Sự thịnh vượng của cửa hàng có xuất xứ từ cái sự hoàng hậu Marie de Médicis, lúc đó đang bị giữ làm tù nhân, như ta đã biết, tại lâu đài, đã có lần sai người đi mua mì về cho ngài ngự thưởng thức.

Đó lại cũng chính là ngày hoàng hậu trốn đi từ cái cửa sổ lừng danh. Đĩa mì macaroni vẫn ở trên bàn, miệng hoàng gia mới chỉ nếm qua tí chút mà thôi.

Tổng chi ngôi nhà hình tam giác có tới tận hai vinh hạnh, một là cuộc bóp cổ, thứ đến là một thứ mì macaroni, vậy nên lão Cropoli nảy ra ý định đặt cho ngôi khách sạn nghèo nàn của mình một cái tên kêu như mõ. Nhưng vì là người Ý-đại-lị, vào thời đó lão ta chẳng mấy được coi trọng, lại thêm chuyện món của còm cõi mà lão ra sức giấu giếm cũng ngăn cản lão bày tỏ quá đáng.

Lúc sắp chết đi, sự kiện xảy ra vào năm 1643, ngay sau khi Lô y Thập tam băng hà, lão gọi con trai đến, lúc đó cậu cả là phụ bếp, một cái hy vọng lớn lao, thế rồi nước mắt đầm đìa lão nhắn con phải giữ bí mật về món macaroni cho thật cẩn thận, cần phải đổi tên họ đi sao cho giống người Pháp, rồi thì phải lấy một gái Pháp làm vợ, và sau rốt, chừng nào chân trời chính trị đã được quang quẻ khỏi vướng những đám mây nó ám mãi nữa - vào thời ấy người ta đã sính dùng lối nói ví von ngày nay rõ thịnh hành ở chốn thượng lưu Paris cũng như tại Nghị viện - thì sang nhà thợ rèn kế bên mà cậy khắc lấy một biển hiệu đẹp, trên đó một họa sĩ lừng danh do lão chỉ định sẽ vẽ hai chân dung hoàng hậu, cùng mấy chữ sau: “Médicis”.

Lão Cropoli, truyền đạt xong xuôi rồi, còn đủ sức đưa tay chỉ cho thừa kế nhân trẻ tuổi của lão một cái ống khói, nguyên dưới sàn chiếu thẳng ống khói xuống lão đã chôn một nghìn đồng lô y vàng mỗi đồng trị giá mười quan, đoạn lão tắt thở.

Cropoli con, vốn dĩ tốt tính lắm, nhẫn nhục chịu mất mát, mà được lợi thì cũng không hề tỏ ra hỗn láo. Khởi đầu, hắn khiến người ta quen với việc càng ngày càng ít nói cái âm “i” ở cuối danh tính hắn, mãi rồi, mà người ta cũng thích thú như vậy lắm, hắn chỉ còn được gọi là ông Cropole, cái tên này thì đặc Phan lang sa.

Sau đó hắn lấy vợ, đang khi đúng lúc sẵn có một cô gái Pháp nhỏ bé trong tầm tay, mà hắn yêu lắm, hắn lại giật được từ ông bà nhạc một món hồi môn rất hời, sau khi cho họ thấy bên dưới sàn nhà hắn chôn cất những gì.

Xong xuôi đâu đấy hai việc đó, hắn khởi sự tìm kiếm họa sư đủ sức vẽ biển hiệu.

Họa sĩ mau chóng được tìm ra.

Đó là một lão già Ý-đại-lị truyền nhân của những Raphael, của những Carrache, nhưng là truyền nhân bất hạnh lắm thay. Lão tự nhận mình thuộc về họa phái Venise, chắc hẳn bởi vì lão rất thích màu mè. Tranh lão vẽ, chưa từng bao giờ bán nổi lấy một tấm, làm người ta phải trố mắt mà nhìn từ cách xa cả trăm bước và khiến các nhà trưởng giả rợn hết người, thế cho nên sau rốt lão chẳng còn động tay chân vẽ gì nữa.

Lão hay khoe khoang mình từng vẽ phòng tắm cho phu nhân thống chế d’Ancre, rồi lại than thở phòng tắm ấy đã bị cháy ra tro lúc ngài thống chế bị nạn.

Cropoli, chỗ đồng hương, rộng rãi với Pittrino lắm. Người nghệ sĩ tên như vậy đấy. Cũng có thể lão từng được ngắm những tranh vẽ trong phòng tắm kia. Dầu có vậy hay không vậy thì lão già không chỉ trọng thị mà còn thân ái với Pittrino lừng lẫy đến nỗi vác lão ta về nhà.

Pittrino, lòng đầy biết ơn, lại thêm được mì macaroni vỗ béo, ra sức cổ võ cho món ăn quốc hồn quốc túy Ý-đại-lị, ngay hồi sinh thời con người khai môn ấy, lão đã dùng tài uốn lưỡi cú diều của mình mà phụng sự đắc lực cho hãng Cropoli.

Già rồi, thì lão gắn bó với thằng con in hệt với lão bố, dần dà lão trở thành một dạng tổng quản coi sóc cái cửa hàng, lão nổi danh trung tín hết mức, thanh bạch tuyệt vời, lại đạo đức sáng ngời, thêm đến cả nghìn phẩm hạnh khác nữa mà chúng tôi thấy là không nhất thiết phải liệt kê ra ở đây làm chi, nhờ đó mà lão có chỗ đứng vững chắc trong nhà, lão lại được quyền củ soát đám gia nhân. Ngoài ra nữa, lão chính là người được giữ trọng trách nếm mì macaroni, nhằm giữ vững hương vị thuần túy của truyền thống quê nhà cổ xưa; cũng nên biết chẳng bao giờ lão dung thứ cho một tí ti hạt tiêu quá tay nêm, không bao giờ bỏ lỗi cho một chút chụt pho mát bị hao hụt đi. Niềm vui của lão trở nên vô bờ bến vào cái ngày, được Cropole con tâm sự điều bí mật, lão cũng được giao luôn cái việc vẽ biển hiệu cho cửa hàng.

Người ta chứng kiến lão bới tung một cái thùng cũ để kiếm bút vẽ đã bị chuột gặm mất một phần nhưng hẵng còn dùng tốt, rồi thì màu vẽ đựng trong mấy bóng lợn đã hơi khô, dầu lanh trong một cái chai, một pa lét ngày xưa từng thuộc về Bronzino, vị thừn của hội huệ, nhà nghệ sĩ hứng khởi như trai trẻ nói như vậy đấy.

Pittrino như thể lớn bổng lên nhờ nỗi vui mầng được trải qua sự biến đổi.

Lão làm giống y như Raphael từng làm, lão đổi cách thức và vẽ theo kiểu Albane hai nữ thần thay vì hai bà hoàng hậu. Hai nữ nhân cao quý ấy ngự trị trên biển hiệu thật tuyệt diệu, họ trưng bày cho các ánh mắt sửng sốt đến là nhiều hoa huệ và hoa hồng tập hợp lại, ấy là kết quả gây mê hoặc từ sự đổi thay cung cách của Pittrino; họ có dáng điệu nàng tiên cá trông thật cổ xưa, đến nỗi mà ông quan chưởng giám sát thành, vào lúc ông tới nhà Cropole xem tấm biển, đã ngay tức thì truyền lời rằng hai bà ấy quá đẹp, quá mức quyến rũ, không thể dùng làm biển hiệu cho đám bộ hành tầm thường tha hồ thưởng ngoạn.

Đức Ông Điện Hạ, ông quan nói với Pittrino, vốn dĩ hay tới thành phố chúng ta, hẳn sẽ không an lòng thấy thân mẫu xuất chúng của ngài ăn bận ít đồ trên người như thế, ngài sẽ tống ông xuống hầm ngầm của lâu đài cho mà xem, vì chẳng phải lúc nào cái ông hoàng vinh quang ấy cũng có lòng dạ tốt lành đâu. Vậy nên ông hãy xóa ngay đi, hoặc ông xóa hai tiên cá, hoặc ông xóa dòng chữ, nếu ông không chịu làm, tôi cấm ông bày biển hiệu. Đấy là vì lợi ích của ông thôi, ông Cropole ạ, cũng như lợi ích cả ông nữa, thưa ông Pittrino.

Đáp lại thế nào đây? Cần phải cảm tạ ông quan coi thành vì đã khả ái; Cropole làm như vậy.

Nhưng Pittrino thì hằm hè mặt mày, lão thất vọng lắm.

Lão cảm thấy rõ chuyện sẽ xảy đến.

Ông quan vừa đi khuất thì Cropole khoanh hai tay lại, nói:

- Nào! thầy ôi, ta sẽ làm gì đây?

- Ta sẽ bỏ dòng chữ, Pittrino buồn bã nói. Tôi có sẵn bột ngà voi màu đen hảo hạng đây, dễ như trở bàn tay thôi, và chúng ta sẽ thay Médicis bằng Nữ thần sông hay Nàng tiên cá, anh thích thế nào cũng được.

- Không đâu, Cropole đáp, nếu mà như vậy ý nguyện của cha tôi sẽ không được thực hiện. Cha tôi rất muốn…

- Ông ấy muốn có hình ảnh hơn, Pittrino nói.

- Ông ấy muốn dòng chữ hơn, Cropole nói.

- Bằng chứng cho chuyện ông ấy muốn hình ảnh là ông ấy đã đòi chúng sao cho thật giống, và chúng giống thật, Pittrino đáp.

- Có thế thật, nhưng nếu hình vẽ mà không giống, thì ai có thể nhận ra họ nếu không có dòng chữ đây? Giờ đây khi mà ký ức cư dân thành Blois đã có phần phai nhạt về mấy con người lừng danh ấy, ai sẽ còn nhận ra Catherine và Marie nếu không có cái từ này: Médicis?

- Nhưng thế còn mấy hình vẽ của tôi thì sao? Pittrino tuyệt vọng, vì lão cảm thấy Cropole con nói đúng. Tôi không muốn đánh mất đi thành quả công việc của tôi đâu.

- Tôi thì không muốn ông phải vào tù còn tôi thì vào ngục thất.

- Ta xóa Médicis đi vậy, Pittrino cầu khẩn.

- Không, Cropole cả quyết nói. Tôi vừa nảy ra một ý, một ý rất tuyệt… tranh của ông vẫn sẽ được bày, dòng chữ của tôi cũng thế… Médici nghĩa là thầy thuốc trong tiếng Ý-đại-lị có phải không nhỉ?

- Đúng rồi, số nhiều.

- Thế thì ông đi đặt hộ tôi một tấm bảng khác bên chỗ thợ rèn đi; ông sẽ vẽ lên đó sáu thầy thuốc, rồi ông viết bên dưới: Médicis… chơi chữ thế mới gọi là tài chứ.

- Sáu ông thầy thuốc! Không thể nào! Thế còn bố cục thì sao? Pittrino kêu toáng lên.

- Đó là chuyện của ông, nhưng sẽ là vậy đấy, tôi muốn thế, phải vậy thôi. Macaroni của tôi đang cháy mất rồi.

Lý lẽ này là tối thượng; Pittrino vâng lời. Lão vẽ tấm biển hiệu có sáu viên thầy thuốc cùng dòng chữ; ông quan coi thành vỗ tay hoan hô và cho phép treo nó lên.

Tấm biển hiệu giành được thành công vang dội trong thành. Điều này cho thấy thơ ca khi nào cũng sai trái khi ở trước các nhà trưởng giả, Pittrino đau lòng mà nói vậy.

Cropole, để đền bù cho họa sĩ trong nhà, treo vào trong phòng ngủ của hắn hình mấy nàng tiên trên tấm biển hiệu trước, nó làm bà Cropole đỏ mặt ngượng ngùng mỗi khi nào thay quần áo ban tối mà lại nom thấy.

Đó là sự tích khiến ngôi nhà mái nhọn có một tấm biển, nó cũng giải thích tại sao, ăn nên làm ra, ngôi khách sạn Médicis buộc lòng cơi nới cho rộng hẳn ra, như chúng tôi đã mô tả. Vậy là tại thành Blois có một khách sạn mang tên ấy, chủ là Cropole, còn họa sĩ cư trú là lão Pittrino.






VI

Kẻ lạ mặt


Được dựng lên như vậy, lại được củng cố uy danh nhờ tấm biển hiệu, ngôi khách sạn của chủ ông Cropole đường hoàng đi tới sự thịnh vượng bền lâu.

Chẳng phải Cropole hướng tới một gia sản kếch sù đâu, nhưng dù gì hắn cũng có thể mơ tưởng nhân đôi được món nghìn lô y vàng mà cha hắn để lại, kiếm thêm một nghìn lô y nữa nếu bán ngôi nhà cùng công việc làm ăn, sau rốt sẽ được tự do mà sống sung sướng, ở địa vị một người trưởng giả trong thành phố.

Cropole hăng kiếm lợi lắm, hắn phát điên vì mầng khi nghe tin nhà vua Lô y Thập tứ sắp đến đây.

Hắn, vợ hắn, Pittrino, cùng hai chú phụ bếp ngay lập tức quơ lấy mọi sinh vật sống trong chuồng chim, dưới cái sân gia cầm và chuồng nhốt thỏ, cho nên từ mấy cái sân của khách sạn Médicis vang lên xiết bao tiếng rên rỉ và la hét, giống hệt như Thánh Kinh từng có đoạn miêu tả.

Đương lúc này Cropole chỉ có độc một người lữ khách ở trọ mà thôi.

Đó là một người mới trạc độ tam tuần, tuấn tú, cao lớn, thanh đạm, mà đúng hơn người ấy lộ vẻ u sầu trong mọi động tác cử chỉ, trong mọi ánh mắt nữa.

Chàng ta bận cái áo nhung đen trang trí họa tiết cũng màu đen; một cái cổ áo màu trắng, giản dị như cổ áo dân thanh giáo thuộc hàng khắc khổ nhất, làm nổi bần bật làn da nhẵn mịn của cái cổ trông trẻ trung lạ; hàng ria hoe vàng phớt mỏng phủ mờ lên môi trên, nó có vẻ rung động và nhiều khinh thị.

Nói chuyện với người khác, chàng nhìn thẳng vào mặt họ, chẳng hề giả đò, cái đó đúng, nhưng ấy cũng là cái nhìn chòng chọc; thế cho nên khó mà chịu đựng nổi cặp mắt xanh sáng rực của chàng, nhiều ánh mắt đã phải cụp xuống trước ánh mắt chàng, giống thanh gươm nào yếu ớt hơn trong một cuộc chiến lạ thường cũng phải vậy.

Vào cái thời ấy, con người, dầu đều được Chúa tạo ra để ngang hàng với nhau, do những định kiến, được chia thành hai hạng khác biệt, nhà quý phái và kẻ tiện dân, cũng như họ vốn dĩ vẫn được chia thành nòi da đen và nòi da trắng, thế cho nên lúc đó, chúng tôi xin nói, cái người mà chúng tôi vừa phác họa nét vẻ xong không khỏi được người đời coi là một nhà quý phái, lại còn thuộc dòng dõi cao quý nhất. Để thấy điều đó cũng chỉ cần ngó kỹ đôi bàn tay chàng ta, chúng dài, thanh tú và rất trắng, trên đó mỗi thớ cơ, mỗi mạch máu, đều hiện lên bên dưới làn da ở mỗi cử động, rồi thì những đốt ngón tay đỏ lựng lên hễ mà có tác động vào.

Tức là, nhà quý phái ấy đã một thân một mình tới ở trọ chỗ Cropole. Chàng chẳng hề do dự, hồ như còn chẳng suy tính gì, lấy luôn chỗ rộng hơn cả, mà ông chủ khách sạn chỉ cho chàng bởi cái tính lý tài rất đáng chê trách, nhiều người sẽ nói thế, nhưng lại nhiều người sẽ bảo vậy là đáng khen lắm, nếu những kẻ này chấp nhận Cropole giỏi xem tướng và mới thoạt thấy bất kỳ ai đã đủ sức đánh giá chuẩn xác rồi.

Cái chỗ đó chiếm hết phần phía trước của ngôi nhà hình tam giác: nó gồm một phòng khách có hai cửa sổ soi tỏ, trên từng lầu thứ nhất, thêm một phòng ngủ nhỏ kế bên, trên có thêm một phòng nữa.

Vậy mà, kể từ lúc đến đây, nhà quý phái chỉ động qua loa đồ ăn được người ta mang phục vụ trong phòng, động vào cho gọi là có thôi. Chàng chỉ nói gọn ghẽ với ông chủ để thông báo sẽ có một lữ khách tên Parry tới đây, nói cứ để người đó lên thẳng chỗ mình.

Rồi, chàng ta cứ thế im lìm mãi, đến độ Cropole gần như thấy bị xúc phạm, vốn hắn ưa chuộng những kẻ mau mồm mau miệng.

Sau rốt, nhà quý phái ấy dậy từ rõ sớm vào buổi sáng cái hôm bắt đầu câu chuyện này, chàng ta ra chỗ cửa sổ phòng khách của mình, ngồi lên bệ và dựa người vào lan can bao lơn, buồn rầu và bướng bỉnh nhìn ra hai phía dưới phố, chắc rình đợi người lữ khách mãi chưa thấy đến.

Nhờ vậy, chàng ta đã nom thấy toán người nhỏ trong đó có Monsieur đi săn về, rồi lại được thưởng thức sự êm ả sâu thẳm của thành phố, thỏa sức chàng ta chìm đắm vào trong nỗi đợi chờ.

Hốt nhiên, đám dân nghèo ồn ào đổ ra ngoài đồng cỏ, các sứ điệp thì lao đi, rồi thì người ta cọ rửa dưới đường, người từ chỗ hoàng gia túa đi mua đồ, đám làm công cửa hàng thì nhặng xị và nói liến thoắng không ngớt, xe kéo rùng rùng chạy, các bác thợ cạo luôn tay và các chú thị đồng phải làm việc vất vả; tuy bị những rầm rĩ náo động ấy làm cho sửng sốt, chàng ta vẫn không đánh mất đi dáng điệu uy nghiêm thản nhiên cao vời nó khiến đại bàng và sư tử có được cái ánh mắt thật thanh thản chất chứa niềm khinh bỉ ở chính giữa những hò reo và giậm giật của đám thợ săn nhãi nhép, hoặc lũ người hiếu kỳ.

Rồi mau chóng, những tiếng rộn ràng của lũ nạn nhân dưới sân gia cầm, tiếng chân chạy rầm rập của bà Cropole trên cái cầu thang nhỏ bằng gỗ rất hẹp và kêu rất to, vẻ tất bật của Pittrino, vốn dĩ sáng ngày lão còn đứng trước cửa mà hút thuốc với cái vẻ hờ hững đặc trưng Hòa Lan, tất tật khiến lữ khách bắt đầu thấy ngạc nhiên và náo động.

Chàng ta vừa dợm đứng dậy định bụng đi hỏi xem có chuyện gì thì cửa phòng bật mở. Người lạ mặt cứ nghĩ chắc hẳn lữ khách mới mà chàng đang sốt ruột đợi đã được dẫn lên.

Vậy nên chàng vội vã đi vài bước về phía cánh cửa đang mở ra.

Nhưng thay vì khuôn mặt chàng cứ mong nhìn thấy, thì lại là chủ ông Cropole, và sau lưng hắn, trong bóng tối nhờ nhợ cái cầu thang, khuôn mặt nom cũng duyên tệ nhưng đã trở nên hèn kém bởi tò mò quá, của bà Cropole, mụ ta liếc vội mắt nhìn nhà quý phái điển trai rồi biến mất đi.

Cropole bước tới, cười xun xoe, mũ bon nê cầm tay, người cong gập lại chứ chẳng còn là nghiêng xuống nữa.

Người lạ mặt chỉ phác một cử chỉ để hỏi, mà không thốt lấy một lời.

- Thưa ngài, Cropole cất tiếng, tôi đến để hỏi ngài, tôi phải gọi ngài ra sao: đức ông, hay ngài bá tước, hay ngài hầu tước?…

- Gọi ông là được rồi, mà nói nhanh lên, người lạ mặt đáp, vẻ rất cao ngạo như không thể chấp nhận tranh cãi hay đáp lời.

- Vậy, tôi đến để xin hỏi, đêm rồi ông ngủ có ngon không, và ông có định giữ phòng hay chăng.

- Có.

- Thưa ông, đấy là vì đang xảy tới một sự cố mà trước đây chúng tôi còn chưa tính đến.

- Gì?

- Đức Bệ hạ Lô y Thập tứ hôm nay sẽ tới thành phố của chúng tôi, ngài ngự sẽ ở đây một hôm, mà cũng có lẽ hai hôm.

Vẻ ngạc nhiên rất mực hiện ra trên mặt người lạ.

- Vua Pháp tới Blois?

- Hoàng thượng đang trên đường, thưa ông.

- Vậy ta càng có lý do để ở lại đây, người lạ nói.

- Tốt quá, thưa ông; nhưng ông vẫn giữ cả mấy phòng luôn?

- Ta không hiểu mi muốn gì. Tại sao hôm nay ta lại chỉ có ít hơn so với ta đã có hôm qua?

- Là bởi, thưa ông, tôn ông cho phép tôi được nói, hôm qua lẽ ra tôi đã không nên, khi ông chọn chỗ, đề ra một cái giá nó dễ khiến cho tôn ông nghĩ tôi có ý coi thường khả năng của tôn ông… trong khi mà, hôm nay…

Người lạ đỏ bừng mặt. Ngay tức khắc chàng ta nghĩ ra, người ta ngờ là chàng nghèo, người ta sỉ nhục chàng.

- Trong khi mà hôm nay, chàng lạnh lùng nhắc lại, mi lại có ý?

- Thưa ông, tôi là người có dòng có dõi đấy ạ, ơn Chúa! Và tuy trông tôi thì giống chủ khách sạn thật đấy, nhưng trong người tôi có dòng máu quý phái, thưa ông; cha tôi từng là người phục vụ, là chưởng cơ của ngài thống chế d’Ancre quá cố. Cầu Chúa đoái thương linh hồn của ngài!…

- Ta không phản đối anh ở điểm này; chỉ có điều, ta muốn biết, và biết cho mau, các câu hỏi của anh muốn hướng tới điều gì.

- Thưa ông, tất lẽ ông khôn ngoan quá đi nên ông chẳng thể không hiểu rằng thành phố của chúng tôi thì bé, triều đình thì sắp ào tới, nhà nhà sẽ chật ních những người là người, thế rồi, do đó, tiền nhà sẽ tăng giá lắm đó.

Người lạ càng đỏ mặt tợn hơn.

- Cứ nói các điều kiện của ngươi đi, chàng ta nói.

- Tôi rất mực đắn đo, thưa ông, bởi vì tôi làm ăn lương thiện, tôi đâu muốn làm gì kệch cỡm hoặc lỗ mãng… Thế nhưng mà, ngài đang ở lắm chỗ quá, mà ngài lại chỉ có một mình…

- Có liên quan đến ai đâu.

- Ồ! hẳn là vậy đi rồi; thế nên tôi đâu có đuổi ông đi.

Máu dồn lên hai bên thái dương người lạ mặt; chàng ta tung vào Cropole tội nghiệp, hậu duệ của một chưởng cơ từng phụng sự ngài thống chế d’Ancre, một ánh mắt hẳn đủ sức ấn hắn xuống tận bên dưới lớp lát sàn nhà lừng danh của ống khói, nếu như Cropole chẳng bị bắt vít cứng tại chỗ bởi vấn đề liên quan đến các lợi ích của hắn.

- Ngươi định đuổi ta đi chăng? giải thích ngay, nhưng chóng lên.

- Thưa ông, thưa ông, ông đã không hiểu ý tôi rồi. Việc tôi đang làm đây nó tế nhị; nhưng tôi nói dở quá, hoặc cũng có thể là do ông đây là người ngoại quốc, nghe giọng nói tôi nhận ra liền…

Quả có thế, trong giọng của người lạ có cái vẻ mềm mọng vốn dĩ nó là nét chính của lối nói năng Anh-cát-lị, nó thấp thoáng ngay trong lối nói những con người thuộc đất nước ấy dầu họ nói tiếng Phan lang sa thạo đến đâu.

- Vì ông là người ngoại quốc, tôi xin nói, có lẽ ông đây không nắm bắt hết mọi nhẽ trong những điều tôi nói. Ý tôi là chắc ông có thể bỏ một hoặc hai trong số ba phòng mà ông đang dùng, như thế tiền nhà của ông sẽ giảm nhiều lắm, mà lương tâm tôi lại được thanh thản; quả có thế, đau lòng lắm chứ khi mà phải tăng giá phòng lên vô lối, khi mà người ta có vinh dự được định giá một cách hợp nhẽ.

- Từ hôm qua tới giờ, tiền nhà là bao nhiêu?

- Thưa ông, một lô y, cộng thêm tiền ăn và tiền chăm ngựa.

- Được. Thế còn hôm nay?

- A! khó khăn nằm ở chỗ này đây. Hôm nay là ngày nhà vua tới đây; nếu triều đình đến tìm chỗ ngủ, phòng trọ sẽ được giá lắm đấy. Từ đó ta có kết quả, ba căn phòng ngủ mỗi căn hai đồng lô y, vị chi sáu lô y. Hai lô y, thưa ông, rẻ quá, nhưng sáu lô y thì lại là nhiều.

Người lạ, sau khi mặt đỏ lên hết cỡ như ta đã thấy, giờ tái nhợt đi.

Chàng rút từ trong túi, với cái dáng điệu gan dạ đậm cách anh hùng, một cái túi tiền thêu hình gia huy, mà chàng giấu biến trong lòng bàn tay. Cái túi trông gầy, nó nhẽo, nó lại hõm nữa, tất tật những điều ấy không lọt được qua mắt Cropole.

Người lạ dốc hết những gì cái túi đựng ra tay. Nó gồm tổng cộng ba đồng lô y đúp, nghĩa là tương đương sáu lô y, đúng như ông chủ khách sạn đòi.

Tuy nhiên, Cropole lại đòi tận bảy đồng.

Rồi hắn nhìn người lạ như muốn nói: Rồi sao?

- Còn thiếu một đồng lô y, có phải không, ông chủ?

- Vâng, thưa ông, nhưng…

Người lạ lục tìm tiếp trong túi, rút ra một cái ví nhỏ, một cái chìa khóa vàng cùng ít tiền xu màu trắng.

Chàng ta đếm xu cho đủ một đồng lô y.

- Cám ơn, thưa ông, Cropole nói. Giờ, tôi cần biết ông có định ngày mai vẫn ở đây hay không, nếu có thì tôi giữ phòng; còn như nếu ông không định thế, tôi sẽ hứa cho người của Đức Bệ hạ thuê, họ cũng sắp đến rồi.

- Đúng đó, người lạ mặt nói sau một quãng im lặng dài, nhưng vì ta không còn tiền, như ngươi vừa mới thấy đây, thế nhưng ta lại vẫn cứ giữ phòng, ngươi sẽ phải đem bán viên kim cương này trong thành, hoặc ngươi giữ nó làm của tin.

Cropole nhìn viên kim cương hồi lâu, nên người lạ mặt vội nói thêm:

- Ta thích ngươi đem nó đi bán là hơn, vì nó đáng giá ba trăm đồng bích tôn cơ đấy. Một tên Do Thái, trong thành Blois có tên Do Thái nào không? sẽ đưa cho ngươi hai trăm, chưa biết chừng chỉ trăm rưởi; hắn đưa bao nhiêu tiền thì cứ cầm, miễn sao cho đủ tiền trọ là được. Đi đi!

- Ôi! thưa ông, Cropole kêu lên, chợt thấy xấu hổ vì sự thấp kém đột nhiên trước người lạ, qua sự từ bỏ cao quý ngần ấy, thong dong ngần ấy, cũng cả thông qua cái vẻ nhẫn nại khăng khăng đối với xiết bao toan tính và ngờ vực nữa; ồ! thưa ông, tôi đồ rằng tại Blois này người ta không ăp cắp ăn trộm nhiều như ông dường như đang tưởng đâu, và một khi viên kim cương đáng giá đúng như ông nói…

Người lạ mặt thêm lần nữa giáng sấm sét lên Cropole bằng ánh mắt xanh thẳm của chàng ta.

- Tôi làm sao mà biết cho rành điều này được, thưa ông, xin ông tin điều đó, hắn kêu lên.

- Nhưng đám thợ kim hoàn thì rất rành, cứ đi mà hỏi bọn họ, người lạ mặt đáp. Giờ, ta cho nợ nần giữa chúng ta đã thanh toán xong, có đúng không hả, ông chủ?

- Vâng, thưa ông, với sự hối tiếc sâu sắc của tôi, bởi tôi e đã xúc phạm đến tôn ông.

- Không hề, người lạ mặt đáp, với vẻ uy nghi của đấng toàn năng.

- Hoặc đã có vẻ róc xương một lữ khách cao quý… Nếu vậy, xin ông cứ cho tôi được biết.

- Thôi không nhắc đến chuyện đó nữa, ta nói với ngươi đấy, và để ta lại một mình ở chỗ của ta đi.

Cropole cúi người rạp đất, đi ra với cái dáng vẻ ngơ ngác nó tố cáo nơi hắn một tấm lòng tuyệt hảo kèm nỗi sám hối đích thực.

Người lạ đích thân đi ra đóng cửa, rồi khi chỉ còn lại một mình, chàng nhìn xuống tận đáy cái túi tiền, ở đó chàng đã lấy ra một túi nhỏ bằng vải lụa đựng viên kim cương, món của duy nhất của chàng.

Chàng cũng tra hỏi sự trống rỗng của những túi quần túi áo, ngó đám giấy tờ để trong ví và tin tưởng chắc chắn vào sự trần trụi tuyệt đối mà chàng sắp rơi vào.

Rồi chàng ngước mắt lên nhìn trời, bằng một cử động tuyệt đẹp, đầy bình thản nhưng cũng rất mực tuyệt vọng, đưa bàn tay run rẩy chùi đi vài giọt mồ hôi đang túa ra trên vừng trán cao quý của chàng, sau đó chàng chĩa xuống đất cái ánh mắt xưa kia in đậm dấu ấn một vẻ uy nghi thần thánh.

Giông tố vừa đi xa khỏi chàng, có lẽ chàng đã cầu nguyện từ tận sâu thẳm tâm hồn mình.

Chàng tiến lại chỗ cửa sổ, ngồi lại về cái chỗ bên bao lơn, và bất động ở đó, chẳng nói chẳng rằng, ngây ra, cho tới cái lúc, trời đã bắt đầu sẩm tối, những ngọn đuốc đầu tiên băng ngang phố thơm lừng, ra hiệu lệnh bật đèn cho mọi cửa sổ của thành phố.






VII

Parry


Người lạ mặt đang say sưa ngắm những ánh đèn ấy, cùng lúc dỏng tai lắng nghe mọi tiếng động, thì chủ ông Cropole bước vào phòng cùng hai tên người hầu, bọn họ dọn bàn ăn.

Người lạ chẳng buồn để ý chút nào.

Cropole bèn tiến lại gần người khách, thì thầm vào tai chàng ta, vẻ sâu sắc kính trọng:

- Thưa ông, viên kim cương đã được định giá rồi đấy ạ.

- A! lữ khách nói. Sao rồi?

- Thì, thưa ông, thợ kim hoàn của Đức Ông Điện Hạ bảo giá của nó là hai trăm tám mươi đồng bích tôn đó ạ.

- Ông lấy tiền chưa vậy?

- Tôi đã nghĩ là tôi cần phải lấy, thưa ông; tuy vậy, tôi xin được thỏa thuận việc này với ông, nếu ông đây muốn giữ viên kim cương cho đến lúc nhận được tiền… thì nó sẽ được trả lại cho ông.

- Không đâu; tôi đã nói với ông là tôi bán nó.

- Vậy, tôi đã tuân lời, hay có thể nói như thế, bởi dầu còn chưa bán đứt nó đi nhưng tôi đã lấy tiền về đây rồi.

- Thế thì đưa tiền đây, người lạ nói.

- Thưa ông, tôi xin vâng, bởi ông nhất định đòi vậy.

Nhà quý phái nở nụ cười buồn.

- Để tiền lên kia đi, chàng ta nói, quay người chỉ cái tủ.

Cropole đặt một cái túi rõ to lên đó, hắn đã lấy từ đó tiền nhà trước rồi.

- Giờ, hắn nói, xin ông đừng khiến tôi đây phải đau khổ vì chẳng chịu dùng bữa lấy mảy may… Bữa tối, ông đã từ chối rồi; đối với cửa hàng Médicis chúng tôi như vậy thì đau lòng lắm. Đó thưa ông, bữa đã dọn rồi, tôi lại dám nói thêm là ngon lắm đấy ạ.

Người lạ đòi một cốc rượu, bẻ một mẩu bánh mì, rồi vẫn không rời cửa sổ, vừa uống vừa ăn.

Rồi có tiếng kèn đồng, kèn ống vang lên ông ổng: xa xa có tiếng hét, khắp khu thành hạ ầm cả lên, tai người lạ mặt nghe được rõ nhất tiếng vó ngựa phi lẫn vào trong đó.

- Hoàng thượng! Hoàng thượng! đám người ồn ào chật như nêm hét.

- Hoàng thượng! Cropole nhắc lại, hắn bỏ lại ông khách cùng những ưu tư để chạy đi thỏa nỗi hiếu kỳ.

Hỗn loạn giẫm đạp lên nhau trong cầu thang là Cropole, bà Cropole, Pittrino, lũ phụ việc và phụ bếp.

Đoàn người chậm chạp tiến lên, hàng nghìn ngọn đuốc soi tỏ cho nó, hoặc đuốc ngoài phố, hoặc đuốc chỗ các cửa sổ.

Sau một đội ngự lâm rồi một đám quý phái đi sát vào nhau là tới kiệu của Hồng y giáo chủ Đức ông Mazarin. Nó được bốn con ngựa ô kéo đi, trông như một cỗ xe to.

Lũ thị đồng, tay chân của giáo chủ đi bộ đằng sau.

Rồi tới cỗ xe ngựa của thái hậu, các nữ quan của lệnh bà lố nhố chỗ mấy cửa xe, những nhà quý phái của bà, cưỡi ngựa đi hầu hai bên.

Sau đó nhà vua hiện ra, ngài cưỡi một con tuấn mã nòi Saxon bờm dài. Đức hoàng thượng trẻ tuổi chào đáp trả vài cửa sổ nào có tiếng hoan hô to nhất, ngài tỏ lộ khuôn mặt cao quý và duyên dáng của mình, được những bó đuốc lũ thị đồng của ngài chiếu cho sáng.

Bên đức vua, nhưng cách hai bước về sau, là ông hoàng de Condé, ông Dangeau cùng lối hai chục triều thần nữa, người của họ và đồ đạc của họ bám gót, khép lại cuộc diễu hành trông thật giống khải hoàn.

Sự hào nhoáng ấy trông có màu nhà binh.

Chỉ vài triều thần, chủ yếu đã già, bận trang phục đi xa bình thường; gần như tất tật đều mặc áo dấu để chinh chiến cả. Nhiều người mang miếng kim loại che cổ và đeo dây lưng da trâu giống thời Henri Đệ tứ và Louis Thập tam.

Lúc vua đi ngang qua phía dưới, người lạ mặt, chúi người xuống bao lơn để nhìn cho rõ, nhưng đưa tay ra để giấu mặt đi, cảm thấy trong lòng dâng nỗi não nề và thấy sao mà chàng ghen tức lạ.

Tiếng kèn inh ỏi khiến chàng ngây ngất, những tiếng la hét dân chúng làm chàng mụ mị cả người; trong phút chốc chàng thả lý trí của chàng cho nó bồng bềnh trên làn sóng của ánh sáng, sự ồn ã và những hình ảnh chói ngời kia.

- Vua đấy! chàng ta thì thầm, giọng của chàng là cái giọng của tuyệt vọng và đau xót, nó hẳn đi lên được tận đến dưới chân ngai vàng của Chúa.

Rồi, chàng còn chưa kịp trở về từ cơn mộng tưởng tối tăm, tất tật tiếng ồn và vẻ rực rỡ kia đà tan biến. Nơi góc phố phía bên dưới người lạ chỉ còn những giọng nói rời rã và khàn tiếng chốc chốc còn cố hét lên: Đức vua vạn tuế!

Cũng còn lại sáu ngọn nến mà người của khách sạn Médicis cầm trên tay, đó tức là: hai nến của Cropole, hai nến của Pittrino, cùng một nến cho mỗi chú phụ bếp.

Cropole nhắc không ngừng như sau:

- Nhà vua trông tuyệt quá, ngài trông thật giống tiên vương hiển hách phụ thân của ngài.

- Đẹp hơn, Pittrino bảo.

- Vẻ mặt ngài kiêu hãnh lắm! bà Cropole nói, bà đã kịp chen lời bình luận với đám hàng xóm.

Cropole góp thêm vào đó những lời nhận xét riêng của hắn, mà không để ý thấy có một ông già đi bộ, nhưng dắt theo một con ngựa Ái-nhĩ-lan thấp nhỏ, đang lần hồi tìm cách đi qua đám đàn ông đàn bà đứng đông đặc trước quán trọ Médicis.

Đúng lúc đó người lạ mặt hét to từ trên cửa sổ vọng xuống.

- Chủ khách sạn, ông làm thế nào để người ta vào được nhà ông đi chứ.

Cropole ngoái đầu nhìn, mãi lúc ấy mới nom thấy ông già, bèn dẹp đường cho ông ta đi.

Cửa sổ khép lại.

Pittrino chỉ đường cho người mới đến nơi, ông ta bước vào, chẳng mở miệng nói lấy một lời.

Người lạ đứng ở đầu cầu thang đợi sẵn, dang tay ông lấy ông già rồi dẫn ông ta bảo ngồi xuống một cái ghế, nhưng ông ta không nghe.

- Ôi! xin không, xin không, milord, ông ta nói. Tôi, ngồi trước mặt ngài! không bao giờ!

- Parry, nhà quý phái kêu lên, ta xin ông đấy… ông mới từ bên quê nhà Anh-cát-lị sang đây… xa xôi thế! A! lẽ ra ở tuổi của ông rồi người ta không nên còn phải trần sức chịu những nỗi mệt nhọc giống như những mệt nhọc để phụng sự ta. Ông nghỉ ngơi đi…

- Trước hết, thưa milord, tôi cần chuyển cho ngài câu trả lời cái đã.

- Parry… mà thôi, đừng nói gì với ta vội… vì nếu tin tốt, thì ông hẳn đã không dài dòng vậy. Ông nói vòng vèo, như vậy đó là tin xấu.

- Milord, ông già đáp, xin ngài đừng vội kinh động. Còn chưa mất hết cả đâu, tôi mong vậy. Cái cần là lòng quyết tâm, sự nhẫn nại, rồi thì nhất là cần phải biết cam chịu nữa.

- Parry, chàng thanh niên nói, ta đã một mình tới đây, băng qua cả nghìn cái bẫy và hiểm nguy; ông có tin vào lòng quyết tâm của ta không? Ta đã nghiền ngẫm chuyến đi này mười năm nay rồi, mặc cho mọi lời khuyên nhủ cùng trở ngại: ông có tin vào sự nhẫn nại của ta không? Tối nay ta đã bán viên kim cương cuối cùng của cha ta, vì ta không còn tiền để trả cho quán trọ, tay chủ định đuổi ta đi.

Parry tỏ lộ vẻ phẫn nộ nhưng chàng trai chỉ khoát tay và mỉm  cười.

- Ta vẫn còn đây hai trăm bảy mươi tư đồng bích tôn, ta thấy ta giàu lắm; ta không tuyệt vọng đâu, Parry ạ: ông tin vào sự cam chịu của ta hay chưa?

Ông già giơ hai bàn tay run rẩy lên.

- Nào, người lạ nói, đừng giấu ta điều gì: chuyện chi đã xảy ra?

- Tôi sẽ kể rất ngắn, milord; nhưng nhân danh Chúa, ngài đừng run lên như vậy.

- Đấy là vì sốt ruột, Parry ạ. Nào, tướng quân đã nói gì với ông?

- Lúc đầu, tướng quân đã không muốn tiếp tôi.

- Ông ta coi ông là một tên gián điệp.

- Phải rồi, milord ơi, nhưng tôi đã viết cho ông ta một bức thư.

- Rồi?

- Ông ta đã nhận được, và đọc nó, thưa milord.

- Bức thư ấy giải thích kỹ càng tình thế của ta, các mong muốn của ta chứ?

- Ồ! vâng, Parry đáp, kèm một nụ cười buồn… nó miêu tả rất trung thành suy nghĩ của ngài đấy.

- Rồi sao, Parry?…

- Rồi tướng quân sai tên lính hầu mang trả bức thư lại cho tôi, thằng kia cũng thông báo với tôi rằng hôm sau, nếu tôi còn lại trong vùng ông ta cai quản, ông ta sẽ cho người bắt tôi.

- Bắt! chàng trai thì thầm; bắt! ông, cận thần tin cẩn nhất của ta!

- Vâng, thưa milord.

- Thế nhưng mà ông đã ký tên là Parry trong thư đấy chứ?

- Viết rất rõ ràng, thưa milord; và tên lính hầu từng biết tôi ở Saint-James, lại còn, ông già thở dài nói thêm, cả ở White-Hall nữa!

Chàng trai cúi đầu xuống, vẻ mơ mộng và u tối.

- Đó là những gì ông ta đã làm vì có người của ông ta chứng kiến, chàng nói, vẫn cố nuôi hy vọng mong manh… nhưng theo lối ngầm… chỉ riêng giữa ông ta và ông… ông ta đã làm gì? Trả lời đi.

- Hỡi ôi! thưa milord, ông ta đã gửi đến cho tôi bốn kỵ sĩ, họ trao tôi con ngựa mà ngài vừa thấy tôi dắt tới đây rồi đấy. Mấy kỵ sĩ kia phi ngựa như bay dẫn tôi đến cảng nhỏ Tenby, ném tôi thì đúng hơn là đưa tôi xuống một thuyền chài, nó giong buồm đi sang Bretagne, và thế rồi tôi đã ở đây.

- Ồ! chàng trai thở dài, nóng nảy đưa tay lên chẹn lấy cổ họng mình, tại đó một cơn nức nở đang dâng mãnh liệt… Parry, vậy thôi à, chỉ vậy thôi à?

- Vâng, thưa milord, vậy thôi!

Sau lời đáp ngắn ngủn của Parry có cả một quãng im lặng thật dài; chỉ còn nghe thấy tiếng gót chân chàng trai giận dữ tra tấn sàn nhà.

Ông già thử tìm cách đổi chủ đề cuộc trò chuyện; nó đưa đến các ý nghĩ quá mức hắc ám.

- Milord, ông ta nói, sao lúc tôi đến đây thiên hạ ồn ào thế? Những người kia hét: Đức vua vạn tuế!… nghĩa là sao? Ông vua nào thế, và tại sao trong thành lại sáng rực lên?

- À! Parry, ông không biết, chàng trai đáp, vẻ mỉa mai, ấy là nhà vua Pháp đi thăm thú thành Blois đẹp đẽ của ông ta đấy; tất tật kèn đồng kia là của ông ta, tất tật vải vóc viền kim tuyến kia là của ông ta, tất cả đám quý phái mang gươm kia là của ông ta. Mẹ ông ta đi trước, trên một cỗ xe lớn khảm bạc và vàng đẹp lắm! Bà mẹ mới sung sướng chứ! Lão tể tướng của ông ta thì quơ về cho ông ta hàng triệu hàng triệu và đang dắt ông ta đến chỗ một vị hôn thê giàu có. Thế là tất tật dân chúng kia vui quá, bọn họ yêu ông vua của bọn họ, bọn họ gào lên chào mừng ông ta, và bọn họ hét: Đức vua vạn tuế! đức vua vạn tuế!

- Ra vậy! ra vậy! thưa milord, Parry nói, lo lắng vì câu chuyện xoay chuyển sang hướng này còn hơn so với khi trước.

- Ông cũng biết, người lạ mặt lại nói, mẹ ta, em gái ta, trong lúc mọi thứ kia đang diễn ra để vinh danh vua Louis XIV, chẳng còn tiền, chẳng còn bánh mì; ông biết là ta, trong vòng hai tuần nữa ta đây sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và nhục nhã, chừng nào cả châu Âu đã biết những gì ông vừa kể cho ta nghe!… Parry này… Đã bao giờ có ví dụ nào về một người ở vào cảnh ngộ giống như ta?…

- Milord, nhân danh Chúa!

- Ông nói đúng, Parry ạ, ta hèn nhát quá, mà nếu ta không tự xoay xở, thì Chúa sẽ làm gì đây? Không, không, ta có hai cánh tay, Parry nhỉ, ta lại có một thanh gươm…

Và chàng đập mạnh lên cánh tay mình, gỡ lấy thanh gươm đang treo trên bức tường.

- Ngài định làm gì vậy, thưa milord?

- Parry, ta sẽ làm gì ấy hả? điều mà mọi người trong gia đình ta vẫn làm: mẹ ta sống nhờ lòng từ thiện người đời, em ta đi ăn xin nuôi mẹ ta, ở đâu đó ta có những người anh em cũng đi ăn xin nuôi lấy thân; còn ta, ta lớn nhất, ta cũng sẽ làm giống tất cả họ, ta sẽ đi xin của bố thí!

Nói đoạn, chàng cất lên một tiếng cười dữ dội, hiểm ác, rồi chàng đeo gươm lên người, cầm lấy mũ, choàng một cái áo choàng đen mà chàng đã mang trên suốt chặng đường, và nắm chặt lấy hai bàn tay ông già, lúc đó đang lo lắng nhìn chàng:

- Parry trung hậu của ta, chàng nói, đốt lửa mà sưởi đi, uống rượu đi, ăn đi, rồi ngủ đi, tận hưởng đi; chúng ta phải thật sung sướng, ông bạn trung tín của ta hỡi, người bạn duy nhất của ta: chúng ta giàu có như những ông vua vậy!

Chàng giáng nắm đấm vào cái túi đựng những đồng bích tôn, nó rơi bịch xuống đất, lại phá lên cười, vẻ độc địa quá nó làm Parry thấy hãi hùng, và trong lúc cả ngôi nhà đang la hét, hát hò, chuẩn bị nhận và bố trí cho các lữ khách đã có kẻ hầu đến tìm chỗ, chàng lẻn từ phòng lớn ra ngoài phố, ra ngoài đó rồi, ông già, vốn dĩ đã ra cửa sổ đứng, để mất hút chàng trong vòng chỉ một phút.






VIII

Đức hoàng thượng Lô y Thập tứ ở tuổi hăm hai thì như thế nào


Chư quân đã thấy qua lời thuật chuyện của chúng tôi, vua Lô y Thập tứ đi vào thành Blois gây ra sự náo nhiệt và huy hoàng quá, thế cho nên đức hoàng thượng trẻ tuổi tỏ lộ vẻ vui mầng.

Tới chỗ cổng lớn của tòa lâu đài, vua thấy ngay, vây quanh là lính gác cùng các nhà quý phái hầu cận, Điện Hạ Đại Nhân quận công Gaston d’Orléans, với dáng điệu mượn được từ khung cảnh trang trọng lúc đó một vẻ uy nghi mới, thế mà vốn dĩ tự nhiên như nhiên ngài đã oai phong lắm rồi.

Madame thì bận lễ phục, đứng trên một bao lơn trong sân mà đợi đứa cháu đi vào. Tất tật cửa sổ của lâu đài cũ kỹ, vốn dĩ hoang liêu và u buồn trong những ngày thường, lấp lánh sáng rực các bậc nữ lưu cùng những ngọn đuốc.

Đức vua trẻ tuổi, trong sự náo nức rầm trời của tiếng trống, tiếng kèn và tiếng người la hét, bước vào tòa lâu đài ấy, nơi mà tiên vương Henri Đệ tam, bảy mươi hai năm về trước, đã phải nhờ tới thuật ám sát và sự phản bội nhằm giữ trên đầu ngài, giữ lại trong nhà của ngài, cái vương miện đã bắt đầu tuột từ trên trán ngài xuống để rơi vào một nhà khác rồi***.

Mọi con mắt nhìn, sau khi trầm trồ ngắm ông vua trẻ, rất mực đẹp mẽ, rất mực xinh trai, rất mực cao quý, tìm sang ông vua khác của nước Pháp, ngài là vua theo lối rất khác so với ông vua kia, rất mực già nua, rất mực nhợt nhạt, rất mực lưng còng, người ta gọi ngài là đức hồng y giáo chủ Mazarin.

Lô y khi ấy được thiên bẩm đến mức tối đa mọi đặc tính gì nó làm nên nhà quý phái hoàn hảo: ánh mắt ngài sáng rực rỡ và dịu dàng, xanh thuần khiết như thiên thanh; nhưng những ai xem tướng số thạo nhất, những ai nhìn người mà lần tìm được cả ở trong tâm hồn, nếu như có lúc nào bị ánh mắt nhà vua rọi vào, thì những kẻ xem tướng, chúng tôi xin nói, chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ dò cho thấu tận đáy cái vực thẳm của dịu dàng kia. Ấy là bởi có những cặp mắt vua giống chiều sâu thăm thẳm của tầng trời cao vợi, lại có các cặp mắt còn gây nhiều kinh sợ hơn nữa, gần ở mức trác tuyệt, như là Địa Trung Hải mở ra bên dưới thân những con tàu của nó trong một ngày hè đẹp trời, tấm gương khổng lồ trên đó bầu trời thích phản chiếu lúc những ngôi sao của nó, khi lại là những giông tố của nó.

Nhà vua nhỏ người, cao chỉ lối năm bộ hai tấc mà thôi; nhưng tuổi trẻ của ngài đủ sức khỏa lấp đi cái khiếm khuyết ấy, vả để bù lại trong mọi cử động của ngài đều có một cái vẻ rất cao quý, thêm nữa ngài có làm gì thì trông cũng khéo léo lắm.

Thì đã hẳn đó là nhà vua, thêm vào đó ngài lại còn là vua ở cái thời của lòng tôn quân và sự tận tụy truyền thống; nhưng, bởi cho đến khi này người ta hẵng mới chỉ rất ít khi trưng bày ngài cho công chúng thấy, có trưng bày thì cũng lại chỉ thấp thoáng thôi, thành ra những ai đang được thấy ngài cũng thấy luôn ở bên cạnh ngài mẹ của ngài, một quý bà cao lớn, rồi thì đức giáo chủ, cái con người có dáng dấp khôi vĩ, nhiều người thấy ngài sao mà không phải đức vua cho lắm, và họ nói: Vua không cao lớn bằng ngài giáo chủ.

Dầu những nhận xét về phương diện ngoại hình có là như thế nào, nhất là ở kinh đô, đức hoàng thượng trẻ tuổi vẫn được cư dân thành Blois đón tiếp như một vị thần, và được hoàng thúc cùng phu nhân, Monsieur và Madame, tức là các cư dân của lâu đài, đón tiếp gần như thể ngài là một ông vua.

Tuy vậy, cũng cần nói, khi nhìn thấy trong phòng đại sảnh những cái ghế bành bằng in cỡ nhau đặt sẵn cho ngài, mẹ ngài, giáo chủ, vợ chồng hoàng thúc, cái cách sắp xếp được che giấu đầy khéo léo nhờ có đông người xếp thành hình bán nguyệt, Lô y Thập tứ đỏ mặt vì tức giận, nhìn quanh để dò xét vẻ mặt những người ở đó xem có phải sự làm nhục này được chuẩn bị sẵn để nhằm vào ngài hay chăng; nhưng bởi chẳng thấy gì trên bộ mặt thản nhiên của giáo chủ, chẳng thấy gì trên mặt mẹ của ngài, chẳng gì trên mặt những người khác nữa, ngài đành thúc thủ và ngồi xuống, lo sao để mình là người ngồi xuống trước nhất.

Các nhà quý phái cùng những quý bà được dẫn tới ra mắt hoàng thượng, hoàng hậu và giáo chủ.

Vua nhận thấy mẹ ngài và ngài hiếm khi biết tên những người tới chào trước mặt, nhưng giáo chủ thì lại, nhờ vào trí nhớ và tinh thần linh mẫn đáng ngưỡng mộ, chẳng lần nào bỏ qua không nói với họ đôi lời về đất đai của họ, tổ tiên hoặc con cái của họ, ngài còn nêu được vài cái tên, điều này khiến các thân hào cao ngạo ấy phấn khởi vô chừng và càng làm họ thêm thấm thía rằng chỉ con người này mới thực là nhà vua, ngài biết rõ thần dân của mình, dựa trên cùng cái lý lẽ là mặt trời thì không có đối thủ, chỉ mỗi mặt trời thì mới sưởi ấm và soi sáng mà thôi.

Cuộc nghiên cứu của nhà vua trẻ, đã khởi sự từ lâu mà chẳng ai ngờ tới, cứ tiếp tục, và ngài chăm chú nhìn, nhằm cố gắng tách bạch ra điều gì đó trên vẻ ngoài của họ, những khuôn mặt lúc thoạt đầu ngài thấy sao mà nhỏ mọn và vô vị quá.

Đồ ăn được mang ra. Nhà vua, vốn dĩ trước đó không dám đòi hoàng thúc, sốt ruột đợi mãi. Vậy nên lần này thì ngài được hưởng tất tật vinh dự mà ngài đáng được hưởng, nếu chẳng phải cho địa vị thì ít nhất cũng là cho nỗi thèm ăn của ngài.

Về phần giáo chủ, ngài chỉ hơi ghé cặp môi khô héo lấy lệ vào món xúp đựng trong một cái chén vàng. Ngài tể tướng uy quyền lệch trời đất từng đoạt quyền nhiếp chính từ tay thái hậu, rồi lại đoạt từ tay nhà vua vương quyền, ấy thế nhưng ngài đã chẳng thể giành lấy từ tự nhiên một cái dạ dày lành mạnh.

Anne d’Autriche****, đã bắt đầu có khối u trong người, sáu hay tám năm sau đó nó sẽ lấy mạng bà, cũng chẳng ăn nhiều hơn so với giáo chủ.

Còn Monsieur, vẫn còn đương lấn cấn lúng búng trong cái sự kiện lớn lao nó xảy tới trong cuộc sống chốn tỉnh lẻ của ngài, thì hoàn toàn không ăn gì.

Chỉ mỗi Madame, đúng thực người vùng Lorraine, đương đầu nổi với ngài ngự; thành thử, Lô y Thập tứ, nếu mà không tìm được người nào ăn cùng thì coi như phải ăn một mình, thấy trước hết hàm ơn bà thím, rồi ngài biết ơn ông de Saint-Remy, chủ sự tổng quản lâu đài của bà, ông lo chuyện đồ ăn thật khéo quá.

Hết bữa, sau một động tác tỏ ý cho phép của ông de Mazarin, nhà vua đứng dậy, rồi ngài đi theo bà thím duyệt các hàng người đứng đó.

Khi ấy đám nữ lưu nhận ra, có một số điều phụ nữ họ quan sát tài lắm, ở Blois này hay tại Ba lê thì cũng vậy thôi, đám nữ lưu nhận ra Lô y Thập tứ có ánh mắt mau lẹ và dạn dĩ, nó hứa hẹn rồi đây sẽ có một con người thượng hạng về tài thưởng thức. Về phần mình, đàn ông thì để ý thấy đức hoàng thượng kiêu hãnh và ngạo mạn, ngài thích làm cụp xuống những cặp mắt nào cứ đòi nhìn ngài quá lâu, quá chăm chú, điều này hồ như báo trước là họ sẽ có một ông chủ hùng mạnh.

Lô y Thập tứ gần xong xuôi được một phần ba cuộc xem mặt thì tai ngài bắt được một lời mà Đức Giáo Chủ thốt ra, giáo chủ đang nói chuyện với Monsieur.

Lời ấy là tên của một phụ nữ.

Lô y Thập tứ vừa nghe thấy lời ấy, tức thì ngài chẳng còn nghe thấy, hay nói đúng hơn ngài chẳng buồn nghe gì khác nữa, ngài bèn hết để tâm đến đoạn giữa vòng cung người đứng đợi ngài đi qua, ngài chỉ còn quan tâm mỗi đến việc sao cho chóng hết vòng cung ấy.

Monsieur, vốn dĩ ngài là triều thần xuất sắc, hỏi thăm Đức Giáo Chủ tin tức mạnh giỏi của mấy cô cháu gái ngài. Có thế thực, dăm sáu năm về trước, ba cô cháu gái đã được gửi từ Ý-đại-lị sang cho giáo chủ: đó là các cô Hortense, Olympe và Marie de Mancini.

Vậy, Monsieur hỏi thăm sức khỏe các cô cháu gái của đức hồng y; ông nói thật tiếc vì ông không được hân hạnh tiếp đón họ cùng lúc với ngài giáo chủ đây; chắc chắn họ đã lớn lên nhiều, đẹp xinh và duyên dáng lắm, bởi lần đầu tiên Monsieur gặp họ thì họ đã hứa hẹn sắp mãn khai tuyệt đẹp.

Điều trước hết làm nhà vua để ý là một sự tương phản nhất định trong giọng nói của hai con người ấy. Giọng Monsieur thì bình thản và tự nhiên lúc ngài nói điều đó, còn giọng của ông de Mazarin lên hẳn một tông rưỡi so với khi thông thường khi ngài đáp lời.

Hồ như có thể nói ngài muốn giọng mình vang được đến cái tai đang ở xa quá, tận nơi cuối phòng.

- Thưa Đức Ông, ngài đáp, các cô de Mancini vẫn còn phải học hỏi nhiều lắm, cũng cần phải thực thi nhiều bổn phận nữa, còn cần được giáo huấn. Cứ ở tại một triều đình trẻ trung và rạng rỡ quá, chúng cũng bị phân tán nhiều.

Nghe tới cái tính ngữ cuối cùng ấy, Lô y mỉm cười buồn bã. Triều đình trẻ trung, cái đó đúng, nhưng sự hà tiện của hồng y ra sức lo sao cho triều đình chẳng hề rạng rỡ chút nào.

- Nhưng ngài không có ý, Monsieur lại nói, cho họ vào nhà tu hay lấy cho họ mấy tay chồng trưởng giả đấy chứ?

- Không hề đâu, giáo chủ đáp, ngài ép uổng cách phát âm đặc vị Ý-đại-lị của ngài ghê quá nên từ chỗ dịu dàng về êm mượt nó trở nên the thé và rung bần bật, không hề đâu. Tôi rất muốn cho chúng nó lấy chồng, càng chỗ ấm thân càng tốt.

- Đâu có thiếu các đám, thưa ngài hồng y, Monsieur đáp, vẻ hồn hậu giống một lái buôn đang chúc mừng người đồng liêu.

- Tôi cũng mong vậy, thưa Đức Ông, nhất là vì Chúa đã ban cho chúng cùng một lúc vẻ duyên dáng, sự nết na, lại còn đẹp xinh nữa chứ.

Trong lúc cuộc trò chuyện ấy diễn ra, Lô y Thập tứ, được Madame hướng dẫn, sắp sửa, như chúng tôi đã nói, đi hết vòng tròn người.

- Cô Arnoux, quận công phu nhân nói, chỉ cho Bệ hạ một cô gái to béo tóc vàng hăm hai tuổi, mà nếu ở chỗ một cuộc hội làng hẳn người ta sẽ cho là một cô nông dân ăn diện đỏm dáng, cô Arnoux, con gái nữ giáo sư dạy âm nhạc của tôi đấy.

Nhà vua mỉm cười. Madame chưa từng bao giờ tạo ra nổi bốn nốt cho êm tai từ cây đàn viole hoặc clavecin.

- Cô Aure de Montalais, Madame tiếp tục, rất tốt tính mà lại hầu hạ khéo.

Lần này không phải nhà vua cười, mà lại chính là cô thiếu nữ đang được trình diện, bởi vì, lần đầu tiên trong đời, nàng nghe thấy Madame, vốn dĩ bà chẳng bao giờ chiều chuộng nàng, ca ngợi nàng lớn lối làm vậy.

Thế là Montalais, chỗ quen biết cũ của chúng ta, cúi rạp người thật sâu trước Đức Kim Thượng, nàng làm vậy cả vì lòng tôn kính lẫn bởi làm thế là cần thiết, phải làm sao để khỏi bị trông thấy môi nàng đang rung lên vì cười, nhà vua hẳn sẽ chẳng thể hiểu tại sao nàng lại cười như thế.

Đúng khi ấy nhà vua nghe thấy cái từ khiến ngài rùng mình.

- Thế cô thứ ba tên là? Monsieur hỏi.

- Marie, thưa Đức Ông, giáo chủ đáp.

Chắc hẳn cái từ ấy chứa đựng một quyền năng ma thuật nào đó, bởi vì, chúng tôi đã nói rồi, nghe thấy nó vua bèn rùng mình, rồi, kéo Madame ra giữa vòng tròn, như thể ngài muốn hỏi riêng bà một câu, nhưng thật ra là với mục đích sáp lại gần đức hồng y:

- Lệnh Bà ơi, thím ơi, ngài vừa cười vừa hạ giọng nói, ông thầy địa dư của ta đã không hề dạy cho ta là Blois nằm cách Paris đường sá xa xôi đến vậy.

- Thế nào kia, cháu của ta? Madame hỏi lại.

- Do ở chỗ dường phải cần nhiều năm các thứ mốt mới đi hết được chặng đường phân cách. Thím cứ nhìn mấy cô nương kia thì biết.

- Nhưng mà! thím biết rõ họ mà.

- Vài cô trông xinh tươi đáo để.

- Đừng nói to vậy chứ, cháu ta ơi, kẻo cháu làm các cô ấy phát điên lên bây giờ đấy.

- Hượm đã nào, hượm đã nào, thím yêu quý, nhà vua mỉm cười mà rằng, bởi phần sau câu nói của ta sẽ chỉnh lý cho phần đầu. Nào thì, thím yêu quý, vài cô trông lại già, một số khác còn xấu nữa, ấy là vì họ vẫn theo mốt cách đây mười năm lận.

- Nhưng, thưa hoàng thượng, thành Blois chỉ cách kinh đô Ba lê năm ngày đường thôi mà.

- Chà! vua đáp, vị chi mỗi ngày ứng với hai năm chậm trễ.

- A! ngài quả thấy thế thật? Lạ nhỉ, tôi thì lại chẳng để ý đâu.

- Kìa, thím ôi, Lô y Thập tứ lại nói, vẫn tiếp tục tiến thêm về phía Mazarin, ngài làm ra vẻ mình muốn nhìn kỹ hơn, kìa, ở bên cạnh những món trang sức cũ rích cùng những mũ mão dị hợm kia, thím thử nhìn cái rốp màu trắng giản dị đó mà coi. Chắc đó là một nữ quan theo hầu thái hậu mẹ ta đấy, nhưng ta không nhận ra nàng là ai. Nhìn thử mà xem, dáng điệu giản dị chưa, tư thái thì duyên quá chừng! Chà chà! đấy, đấy mới là một phụ nữ, phải vậy chứ, còn những người còn lại thì chỉ tuyền là trang phục thôi.

- Cháu yêu quý, Madame cười phá lên mà đáp, cho phép thím nói một điều, lần này, tài năng trác tuyệt của ngài bị hỏng hóc mất rồi. Cái người mà ngài đang ca ngợi đây đâu phải một gái Ba lê, mà là một cô người Blois này đó.

- A! thím ôi! vua kêu lên, ngài tỏ vẻ ngờ vực lắm.

- Lại đây, Louise, Madame truyền lệnh.

Và cô thiếu nữ, mà chúng ta đã biết, e lệ lại gần, mặt bừng đỏ, xem chừng người đổ xiêu vẹo trước ánh mắt vương giả.

- Cô Louise-Françoise de la Beaume-Leblanc, con gái hầu tước de La Vallière, Madame trang trọng trình bày với đức vua.

Thiếu nữ nghiêng mình chào trông thật yểu điệu quá chừng giữa nỗi rụt rè sâu thẳm mà ông vua gây ra nơi nàng, tới nỗi vua nhìn nàng mà để sót mất không nghe thấy vài lời trong cuộc nói chuyện giữa giáo chủ và Monsieur.

- Cô gái ấy gọi, Madame nói tiếp, ông de Saint-Remy, chủ sự của lâu đài, cũng chính là người đã lo liệu món thịt gà om nấm mà Bệ hạ vừa dùng rất ngon miệng, là cha dượng.

Làm sao mà có sự duyên dáng nào, vẻ đẹp nào, tuổi trẻ nào kháng cự nổi trước một lời giới thiệu như vậy. Vua mỉm cười. Lời của Madame dẫu có là nói đùa hay chỉ tỏ lộ niềm thơ ngây thì chúng cũng đã thẳng tay tiêu diệt mọi thứ gì Lô y vừa thấy xiết bao hấp dẫn và xiết bao thi vị ở nơi cô thiếu nữ.

Cô de La Vallière, đối với Madame, rồi luôn cả đối với nhà vua, đương tạm thời lúc này chỉ còn là người gọi một nhân vật có tài năng vượt trội trong chuyên môn nấu món gà om nấm là cha dượng.

Nhưng vốn dĩ các đấng quân vương đều được tạo ra như vậy cả. Vả những vị thần trên đỉnh Olympe cũng thế mà thôi. Diane cùng Vénus thì cũng từng hành hạ nàng Alcmène xinh đẹp và nàng Io khốn khổ, khi mà, do lơ đãng, trong lúc thưởng rượu tiên cùng cao lương mỹ vị thượng giới, người ta lại đi bàn về các giai nhân giữa đám người phàm, bên bàn ăn của chúa tể Jupiter.

Thật may là Louise cúi người thấp quá nên nàng chẳng hề nghe được lời Madame, nàng cũng lại không nom thấy nụ cười của vua. Có thế thực, ví cô thiếu nữ tội nghiệp kia, mà cô khéo léo tinh tế đến độ trở thành người duy nhất nghĩ ra là nên bận đồ trắng giữa các bạn; ví cái trái tim bồ câu kia, vốn nhạy bén với đủ mọi nỗi đau đớn đến vậy, mà bị những lời tàn nhẫn của Madame hay nụ cười ích kỷ và lạnh lùng của vua chạm tới, ắt hẳn nàng dễ lăn ra chết ngay tức khắc.

Bản thân Montalais, cái cô thiếu nữ tinh ranh là thế, chắc cũng sẽ chẳng tìm cách hồi sức cứu giúp bạn, bởi cái sự lố nó giết chết tất, nó giết luôn cả cái đẹp.

Nhưng may sao, như chúng tôi vừa mới nói, Louise, tai nàng đang kêu ong ong và mắt thì mờ đi, Louise không nhìn thấy gì, cũng chẳng nghe được gì, còn nhà vua, vẫn dành hết sự chú tâm của ngài cho những lời qua lại giữa giáo chủ và hoàng thúc, vội trở lại chỗ của họ.

Ngài tới nơi đúng vào lúc Mazarin nói lời cuối:

- Marie, như các chị nó, lúc này đang đi Brouage. Tôi bắt chúng đi bờ bên kia sông Loire chứ không phải bờ mà triều đình đã đi, và nếu tôi tính toán đúng, căn cứ các mệnh lệnh mà tôi đã truyền, ngày mai chúng sẽ đến được Blois này.

Những lời ấy được phát ra xiết bao tinh tế, cân nhắc, chắc chắn về tông giọng, về ý đồ và tầm với, chúng biến signor Giulio Mazarini trở thành kịch sĩ hạng nhất trên khắp cả cõi đời.

Kết quả là chúng bắn thẳng vào trái tim Lô y Thập tứ, và giáo chủ, ngoái đầu lại nhìn khi mới chỉ nghe thấy thấp thoáng tiếng bước chân hoàng thượng đang tiến lại, thấy hiệu ứng tức thì tỏ lộ trên mặt học trò của ngài, cái hiệu ứng mà chỉ một vệt ửng đỏ rất nhỏ cũng đủ để Đức Giáo Chủ thấy được. Vả, đâu có bí mật nào chẳng bị phanh phui trước cái người từ hai mươi năm nay đủ mức mưu mẹo để lỡm mọi nhà ngoại giao Âu châu?

Ngay khi ấy, đã nghe trọn những lời vừa xong, nhà vua trẻ tựa như phải nhận vào nơi trái tim một mũi phi tiêu đầu tẩm độc. Ngài không còn ở yên một chỗ cho nổi, ngài đưa một ánh mắt sao mà nó trống trải, mòn mỏi, vô hồn, lên toàn bộ những người ở đó. Có đến hơn hai chục lần ngài đưa mắt dò hỏi thái hậu, bà đang mải bận chuyện trò với cô em dâu, thêm vào đó bà lại còn bị cái nhìn của Mazarin kiềm giữ, chừng như bà không hiểu được tất tật thương đau ẩn chứa trong những ánh mắt con trai bà.

Kể từ giây phút ấy trở đi, âm nhạc, hoa, ánh sáng, vẻ đẹp, thảy đều trở nên gớm ghiếc và nhạt nhẽo đối với Lô y Thập tứ. Sau khi đã cả trăm lần bặm môi, thả chân rơi tay, giống đứa trẻ ngoan nó, vì không dám mở miệng mà ngáp, dụng đến mọi phương cách nhằm làm người khác thấy nó đang buồn chán lắm, nhưng không hề cất lời oán thán mẹ cùng ngài tể tướng vì biết có làm vậy cũng vô ích, ngài hướng ánh mắt tuyệt vọng của mình ra cửa, tức là về phía của tự do.

Nơi cánh cửa đó, trong cái khung nó dựa ở trên, chủ yếu ngài nhìn thấy, hiện lên thật rõ, một khuôn mặt kiêu hãnh, tóc nâu, mũi khoằm, cái nhìn thì cứng rắn nhưng sáng lấp lánh, tóc bạc và để dài, hàng ria đen nhánh, đích thực là quân nhân kiêu hùng, cổ đeo miếng kim loại yểm trợ, còn sáng hơn cả gương, bẻ gãy mọi tia phản chiếu tập trung vào đó, rồi bắn chúng đi thành các tia chớp. Vũ sĩ đội cái mũ màu ghi cắm lông chim đỏ, dấu hiệu cho thấy ông ta được vời tới đây do nhiệm vụ chứ chẳng hề vì vui thú đâu nào. Nếu mà do vui thú, nếu là triều thần chứ không phải lính, thì hẳn ông đã cầm mũ ở tay, tại vì luôn luôn phải trả cho thú vui một cái giá nào đó.

Điều càng chứng thực thêm rằng vũ sĩ kia đang làm nhiệm vụ và đang hoàn thành một công việc mà ông ta đã quá quen đi rồi là ông ta khoanh tay mà giám sát, với dáng vẻ hờ hững rất đáng lưu tâm và với ác cảm tột độ, những mầng vui cùng những nỗi buồn chán của bữa tiệc. Đặc biệt, hồ như, giống một nhà triết gia, mà mọi người lính già đều là triết gia tuốt, hồ như đặc biệt ông hiểu thấu những buồn chán muôn vạn lần hơn so với các mầng vui; nhưng ông chọn phía của buồn chán, mà vẫn biết vượt qua những vui mầng.

Dầu vậy, như chúng tôi vừa mới nói, ông ta đứng đó tựa lưng vào khung cửa chạm trổ, đúng lúc ấy cặp mắt buồn khổ và mệt não của vua do tình cờ mà bắt gặp ánh mắt ông ta.

Tựa như đây chẳng phải lần đầu tiên ánh mắt vũ sĩ gặp ánh mắt kia, mà ông ta biết thật rõ lề lối cũng như ý nghĩ ẩn đằng sau, vì ngay khi chiếu cái nhìn lên dáng vẻ của Lô y Thập tứ, và rồi thông qua vẻ ngoài, ông ta đọc được những gì đang diễn ra bên trong trái tim ngài, tức là tất tật nỗi buồn chán đang đàn áp lên ngài, tất tật niềm cả quyết rụt rè chỉ chực đi khỏi đây đang khuấy đảo tận đáy trái tim kia, ông ta hiểu mình cần giúp đỡ nhà vua dầu chẳng hề được yêu cầu, giúp đỡ nhà vua mà như thể chẳng hề làm gì, sau rốt, và thật gan dạ, như thể đang chỉ huy đội kỵ binh trong một trận chiến:

- Lính đâu, ngự lâm quân! Tới hộ giá hoàng thượng! ông hét lên, giọng vang lừng.

Lời hô to ấy hồ như tiếng sấm nó bạt đi tiếng của dàn nhạc, lời ca, những tiếng vo ve cùng là các đi lại, giáo chủ và thái hậu sửng sốt nhìn sang hoàng thượng.

Lô y Thập tứ, mặt tái nhợt nhưng mà kiên quyết, được hộ sức bởi cái trực giác trong suy nghĩ riêng của ngài, ngài đã tìm lại được nó ở nơi tinh thần viên thống lĩnh ngự lâm quân kia, nó vừa được bộc lộ ra bằng mệnh lệnh ấy, đứng bật dậy khỏi ghế bành, đi một bước về phía cửa.

- Bệ hạ con ta, ngài đi đấy à? thái hậu cất tiếng hỏi, trong khi Mazarin thì chỉ đưa mắt dò hỏi, ánh mắt ấy lẽ ra trông có vẻ dịu dàng lắm, nếu như mà nó chẳng sắc bén đến thế.

- Vâng, thưa mẫu hậu, vua đáp, ta thấy mệt, vả tối nay ta muốn viết thư.

Một nụ cười thoáng hiện ra trên môi ngài tể tướng, ngài gật đầu ra dấu đồng tình với vua.

Monsieur và Madame vội mau mắn truyền các mệnh lệnh cho các chưởng cơ đương có mặt ở đó.

Nhà vua chào mọi người, đi qua phòng, ra đến cửa.

Tới chỗ cửa, đã có sẵn một hàng hai chục ngự lâm quân đợi sẵn hoàng thượng.

Đứng đầu hàng là viên thống lĩnh dáng điệu thản nhiên kia, gươm tuốt trần cầm tay.

Vua đi qua, tất tật đám đông còn kiễng chân lên để nhìn ngài thêm nữa.

Mười ngự lâm quân rẽ lối đám đông nơi các tiền phòng và mấy bậc cầu thang, dọn đường cho vua.

Mười người còn lại vây quanh vua và Monsieur, ngài muốn đưa tiễn hoàng thượng.

Đám người phục dịch đi tiếp phía sau.

Đoàn người nhỏ ấy hộ tống vua tới khu phòng dành cho ngài.

Khu này chính là nơi tiên vương Henri Đệ tam từng ở lúc ngài đến Blois.

Monsieur đã truyền lệnh riêng. Các ngự lâm quân, có thống lĩnh của họ dẫn đầu, tiến vào lối đi nhỏ nối hai cánh của lâu đài với nhau.

Lối đi này trước hết gồm một tiền phòng nhỏ hình vuông, rất tối, kể cả vào những ngày đẹp trời.

Monsieur chặn bước Lô y Thập tứ lại.

- Cháu ta, ngài đang bước qua đúng cái nơi quận công de Guise phải nhận nhát dao đầu tiên đấy.

Vua, vốn dĩ kém lịch sử lắm, có biết sự biến, nhưng lại chẳng hề hay địa điểm cũng như các tình tiết.

- A! ngài nói, người run lên.

Ngài dừng chân.

Tất cả cũng dừng lại, trước ngài và sau ngài.

- Quận công, thưa Bệ Hạ, Gaston kể tiếp, lúc đó ở gần như đúng chỗ tôi đang đứng đây; ông ta đi theo hướng mà Bệ Hạ đang đi; ông de Loignes thì ở nơi mà viên thống lĩnh ngự lâm của ngài đang đứng; ông de Sainte-Maline cùng người của Hoàng Thượng thì ở sau lưng và vây quanh ông ta. Chính khi đó ông ta bị đâm.

Vua quay sang nhìn vũ sĩ của ngài, và thấy như thể có một áng mây đen lướt qua dáng điệu nhà binh và táo bạo của người này.

- Phải, từ đằng sau, viên thống lĩnh thì thầm, kèm với một cử chỉ khinh thị tột cùng.

Và ông định bước đi tiếp, như thể thấy khó ở giữa những bức tường xưa kia từng bị sự phản bội viếng thăm này.

Nhưng vua, hồ như chẳng đòi hỏi gì hơn là được biết thêm chuyện, tỏ ra muốn nhìn kỹ thêm cái chốn tang tóc kia.

Gaston hiểu mong muốn của người cháu ruột.

- Kia kìa, thưa Bệ Hạ, ngài nói, cầm lấy một ngọn đuốc từ tay ông de Saint-Remy, kia là chỗ ông ta đã ngã xuống. Ở đây từng có một cái giường, ông ta xé rách tấm màn che của nó vì níu tay vào.

- Tại sao sàn nhà chỗ này lại có vẻ lõm xuống thế? Lô y hỏi.

- Là do tại chỗ này máu chảy ra đấy, Gaston đáp, máu ngấm sâu vào gỗ sồi, chỉ có cách khoét sâu xuống thì mới cạo hết máu đi được, lại nữa, Gaston nói thêm, gí ngọn đuốc lại gần, lại nữa, cái sắc đỏ nhạt này mãi không chịu mất đi dầu cho mọi sự mà người ta đã làm.

Lô y Thập tứ ngẩng đầu lên. Có lẽ ngài đang nghĩ tới cái vệt máu chảy ngày nọ ngài từng được chỉ cho xem tại điện Louvre, và nó, như thể có kết nối với vệt máu tại Blois, đã xuất hiện một ngày kia bởi tay tiên vương phụ thân ngài, với máu của Concini*****.

- Đi thôi! ngài nói.

Họ đi tiếp liền ngay, chắc hẳn bởi xúc cảm đã khiến giọng của hoàng thượng trẻ tuổi mang sắc vẻ ra lệnh mà vốn dĩ người ta chẳng hề thấy quen thuộc.

Tới khu phòng dành riêng cho vua, để đến đó có thể đi không chỉ cái lối nhỏ chúng ta vừa dõi theo, mà còn nhờ một cầu thang lớn dẫn xuống dưới sân:

- Mong Bệ Hạ, Gaston nói, vui lòng nhận khu này, dầu nó chẳng xứng được với ngài ngự.

- Hoàng thúc, đức kim thượng trẻ tuổi đáp, ta xin cảm tạ ngài vì đã hiếu khách hết mực.

Gaston chào người cháu, Bệ hạ ôm hôn Điện hạ, rồi đi khỏi.

Trong số hai chục ngự lâm quân đi cùng vua, mười quay trở ngược đưa Monsieur về đại sảnh, ở đó vẫn đông đặc người dẫu hoàng thượng đã đi rồi.

Mười người khác được viên thống lĩnh cắt đặt, đích thân ông bỏ tận năm phút dò xét khắp các ngõ ngách với ánh mắt lạnh lùng và chắc chắn, thường ta chẳng được thấy nó đâu, do chỗ ánh mắt ấy thuộc về thiên tài.

Rồi, lúc tất cả người đã được cắt đặt xong đâu đấy, ông chọn tiền phòng làm đại bản doanh cho mình, ở đó có một ghế bành lớn, một ngọn đèn, rượu, nước và bánh mì khô.

Ông châm đèn, uống nửa cốc rượu, miệng ông nở một nụ cười nó chất chứa nhiều ý nghĩa, đoạn ông ngả người xuống cái ghế, tìm cách dỗ giấc ngủ.






IX

Ở thiên này người lạ mặt tại ngôi khách sạn Médicis đánh mất sự vô danh tính


Dầu vậy, viên thống lĩnh đang ngủ hoặc sắp ngủ kia, mặc cho dáng vẻ vô lo nghĩ, phải lĩnh một trọng trách.

Là thống lĩnh ngự lâm nhà vua, ông chỉ huy cả đội lính đi từ Paris, đội này gồm tổng cộng một trăm hai mươi người; nhưng, ngoài hai chục mà chúng tôi đã nhắc, trăm lính còn lại còn bận canh gác cho thái hậu và nhất là cho ngài giáo chủ.

Ông Giulio Manzarini tiết kiệm khấu trừ vào chi phí chuyến xa giá, để khỏi dùng vệ binh riêng của ngài, ngài dùng luôn lính của nhà vua, và dùng rõ tợn, vì ngài chiếm lấy năm mươi người cho riêng mình, nét đặc biệt chắc hẳn không khỏi gây thắc mắc cho bất kỳ kẻ nào xa lạ với tập quán cái triều đình ấy.

Một điều nữa hẳn cũng không khỏi có vẻ, nếu chẳng gây thốn thì ít nhất cũng ngoạn mục đối với kẻ lạ ấy, đó là phía của lâu đài dành cho ngài hồng y thì rực rỡ, sáng trưng, nhộn nhịp. Những ngự lâm quân ở đó đứng gác trước mỗi cánh cửa và không để ai khác đi vào ngoài các sứ điệp, bọn họ, dẫu đang trong chuyến ngự hành, theo chân giáo chủ để chuyển thư từ.

Hai mươi người phụng sự cho thái hậu; ba mươi người còn lại thì nghỉ ngơi để thay cho bạn đồng ngũ vào hôm sau.

Ở phía của vua, ngược hẳn lại, tối, im lìm và cô độc. Cửa giả đã đóng hết, chẳng còn dáng vẻ nào của vương quyền nữa. Dần dà đám phục dịch đều đã rút lui hết lượt. Ngài Hoàng Thân đã sai người tới hỏi Đức Bệ Hạ có cần gì thêm nữa hay chăng, và khi nghe từ không tầm thường phát ra từ viên thống lĩnh ngự lâm quân, cái người vốn dĩ đã quá quen với câu hỏi cùng lời đáp đi rồi, mọi sự bắt đầu thiếp ngủ, chẳng khác tại nhà một ông trưởng giả trung hậu nào.

Thế nhưng rất dễ nghe thấy, từ khu phòng mà đức vua trẻ tuổi trú, tiếng nhạc của bữa tiệc, rồi thì nom rõ những cửa sổ sáng lung linh của gian phòng lớn.

Mười phút sau khi vào tới nơi ở, Lô y Thập tứ đã có thể nhận ra, căn cứ một sự xao động nó lớn hơn so với lúc ngài đi, cuộc đi khỏi của giáo chủ, đến lượt mình ngài cũng về nằm giường, cùng đoàn hộ tống đông đảo các nhà quý phái cùng những bậc nữ lưu.

Vả, chỉ cần ra cửa sổ mà dòm là trông rõ hết, các chớp cửa còn chưa khép lại.

Đức Giáo Chủ đi qua sân, đích thân Monsieur đưa, trên tay ngài cầm một ngọn đuốc; sau đó là tới thái hậu, được Madame thân tình đưa tay vịn, hai bà vừa đi vừa thì thầm với nhau như hai bà bạn lâu năm.

Đằng sau hai cặp ấy tất tật mọi người diễu hành, các bà lớn, lũ thị đồng, chưởng cơ; đèn đuốc chiếu sáng lòa cả cái sân như là đang có hỏa hoạn, lửa cháy bập bùng; rồi tiếng chân bước cùng các giọng nói mất hút dần đi về phía các từng lầu trên.

Chừng ấy chẳng ai còn nghĩ tới ông vua đứng chống cùi chỏ lên thành cửa sổ, buồn bã ngắm nhìn cả dòng lũ ánh sáng kia, lắng nghe toàn bộ tiếng ồn ào kia xa dần; không ai, nếu đó chẳng phải là người lạ mặt tại ngôi khách sạn Médicis, mà ta đã thấy choàng áo đen đi ra ngoài từ lúc trước.

Chàng ta leo thẳng lên lâu đài, chàng vác bộ mặt sầu muộn của mình đi lảng vảng quanh tòa cung điện, lúc đó vẫn có nhiều dân chúng vây quanh, và khi thấy chẳng có ai canh gác cửa lớn cũng như cái cổng, do chỗ lính tráng của Monsieur giao hảo với lính nhà vua, tức là lén lút uống rượu với nhau, hay nói đúng hơn, chẳng lén lút chút nào, người lạ bèn băng qua đám đông, rồi đi ngang sân, rồi tới tận chỗ đầu cầu thang dẫn sang chỗ giáo chủ.

Rất có lẽ, cái khiến chàng đi về phía đó là ánh đuốc bập bùng và dáng điệu tất tả của đám thị đồng, lũ người phục vụ

Nhưng chàng bị chặn đứng lại, một thanh gươm giơ ra, rồi có tiếng hét của lính canh.

- Ngài đi đâu vậy, hở ông bạn? lính gác hỏi chàng.

- Ta lên chỗ nhà vua, người lạ đáp, bình thản và kiêu hãnh.

Người lính bèn gọi một chưởng cơ của Đức Giáo Chủ, kẻ này, bằng cái giọng đám chạy việc vẫn hay dùng để chỉ lối cho một kẻ đến một bộ nào mà cầu cạnh, buông thõng một câu:

- Cầu thang đối diện.

Rồi viên chưởng cơ, chẳng còn lý gì tới người lạ mặt nữa, lại nói tiếp câu chuyện bị ngắt giữa chừng.

Người lạ, chẳng nói chẳng rằng, tiến về phía cái cầu thang.

Phía bên này, chẳng còn tiếng ồn, không còn đèn đuốc.

Tối lắm, ở chính giữa bóng tối đó có thể thấy một viên lính gác đi thơ thẩn giống hệt một bóng ma.

Im lặng, nó cho phép nghe tỏ tiếng bước chân, đi kèm với tiếng đinh thúc ngựa vang lên trên đá lát sàn nhà.

Tên lính thuộc vào số hai chục ngự lâm quân được phái phục vụ vua, anh ta đứng gác với vẻ cứng đơ và ý thức của một pho tượng.

- Ai?

- Bạn, người lạ đáp.

- Ông muốn gì?

- Nói chuyện với nhà vua.

- Ồ! ồ! ngài thân mến ơn, chắc chẳng được nào.

- Tại sao?

- Vì hoàng thượng đi nằm rồi.

- Đã đi nằm?

- Vâng.

- Có hề chi, tôi cần nói chuyện với ngài.

- Còn tôi xin nói với ông, điều đó là không thể.

- Tuy vậy…

- Đi ngay!

- Công xinh là thế à?

- Tôi không có việc gì để nói với ông hết. Đi ngay!

Và lần này anh lính chẳng những nói mà còn giơ tay lên dọa; nhưng người lạ không nhúc nhích, cứ như là chân chàng đã mọc rễ ra rồi.

- Thưa ông ngự lâm quân, chàng nói, ông là nhà quý phái?

- Tôi được hân hạnh ấy.

- Vậy thì, tôi cũng thế, và giữa các nhà quý phái với nhau ta cũng phải biết nể vì chứ.

Anh lính hạ vũ khí, tỏ vẻ tin tưởng vào phẩm giá đi kèm với những lời vừa xong.

- Nói đi, thưa ông, anh ta nói, và nếu ông hỏi một điều mà tôi có thẩm quyền…

- Cám ơn. Ông có thượng cấp chứ?

- Thống lĩnh của chúng tôi, có, thưa ông.

- Vậy thì tôi muốn được hầu chuyện thống lĩnh của anh.

- A! cái đó thì lại khác. Mời ông lên đi.

Người lạ chào anh lính, vẻ kính cẩn lắm, chàng bèn leo lên cầu thang, trong khi tiếng hét: Thống lĩnh, có người đến gặp! được truyền từ người lính này sang cho người lính khác, đi trước người lạ và tới quấy nhiễu cơn mơ màng đầu tiên của viên thống lĩnh.

Lê chiếc bốt, dụi mắt và cài cúc áo choàng, viên thống lĩnh bước ba bước ra trước mặt người lạ.

- Tôi có thể giúp gì cho tôn ông đây? ông hỏi.

- Ông là người phụ trách canh gác, thống lĩnh ngự lâm quân, phải chăng?

- Tôi được hân hạnh ấy, viên thống lĩnh đáp.

- Thưa ông, tôi nhất thiết cần nói chuyện với đức vua.

Viên thống lĩnh chăm chú nhìn người lạ, ánh mắt ấy dầu chóng vánh tới đâu cũng đủ để ông thấy mọi thứ gì ông muốn thấy, tức là vẻ cao quý trầm trọng nó ẩn bên dưới một bộ trang phục tầm thường.

- Tôi không cho ngài là một thằng điên, ông nói, ấy vậy nhưng tôi đoan chắc ngài đủ sức biết, thưa ngài, rằng người ta đâu có thể cứ thế mà bước vào chỗ của một ông vua nếu không được phép.

- Ngài sẽ cho phép, thưa ông.

- Thưa ngài, cho phép tôi được ngờ điều đó; vua mới về được một khắc nay, chắc lúc này hoàng thượng đang thay đồ. Vả, ngài đã truyền công xinh rồi.

- Chừng nào biết ta là ai, người lạ đáp, hất cao cái đầu lên, ngài ấy sẽ bỏ công xinh ngay.

Càng lúc viên thống lĩnh càng thấy kinh ngạc hơn, cùng thấy mình bị chinh phục nhiều hơn.

- Nếu tôi đồng ý vào trong thông báo, thì ít nhất tôi cũng sẽ được biết là tôi thông báo ai chứ, thưa ngài?

- Ông thông báo là có Đức Vua Charles Đệ nhị, vua Anh-cát-lị, Ê-cốt và Ái-nhĩ-lan.

Viên thống lĩnh thốt ra một tiếng kêu sửng sốt, bước lùi lại, rồi người ta thấy hiện lên trên bản mặt nhợt nhạt của ông một xúc cảm đau thương, cái xúc cảm lúc nào con người cương nghị cũng tìm cách chôn sâu vào đáy lòng.

- Ồ! vâng, thưa bệ hạ, thực có thế, lẽ ra tôi đã phải nhận ra bệ hạ chứ.

- Ông đã trông thấy tranh chân dung ta?

- Thưa không, tâu bệ hạ.

- Vậy ra trước đây ông đã nhìn thấy ta tại triều đình, trước khi ta bị đuổi khỏi nước Pháp?

- Dạ không, thưa bệ hạ, cũng chẳng phải vậy nốt.

- Thế cách nào mà ông lại nhận ra ta được, nếu ông không biết cả chân dung lẫn bản thân ta?

- Tâu bệ hạ, tôi từng gặp tiên vương phụ thân của bệ hạ vào một khoảnh khắc khủng khiếp.

- Cái ngày…

- Dạ, thưa vâng.

Một đám mây u tối lướt qua trên vừng trán nhà vua; rồi, ngài đưa tay xua nó đi:

- Ông thấy có khó khăn nào để thông báo cho tôi vào gặp bệ hạ chăng? ngài hỏi.

- Thưa bệ hạ, xin ngài thứ lỗi cho tôi, viên thống lĩnh đáp, nhưng tôi đã không sao đoán ra nổi một ông vua bên dưới vẻ ngoài giản dị quá đỗi này: ấy thế nhưng, tôi vừa có vinh hạnh được nói với Bệ Hạ rằng tôi từng gặp Hoàng Thượng Charles Đệ nhất… Nhưng, xin lỗi, để tôi chạy đi báo cho bệ hạ của tôi.

Rồi, ông quay trở lại ngay:

- Chắc hẳn Hoàng Thượng muốn giữ bí mật về cuộc hội kiến này chứ? ông hỏi.

- Ta không đòi điều đó, nhưng nếu mà có thể…

- Có thể, thưa bệ hạ, bởi vì tôi có thể tránh cái việc báo tin cho ông đệ nhất cận thần bên chỗ văn phòng; nhưng để làm được như vậy, Bệ Hạ cần đồng ý đưa cho tôi thanh gươm của ngài.

- Có thế thật. Ta quên biến mất là không ai được mang vũ khí vào gặp vua Pháp.

- Bệ Hạ sẽ ra ân miễn điều đó nếu ngài muốn, nhưng vậy thì tôi buộc lòng phải thông báo qua chỗ ngự tiền đổng lý.

- Gươm của ta đây, thưa ông. Giờ ông vui lòng đi báo cho Bệ Hạ của ông được rồi chứ?

- Xin ngài đợi một lát, thưa bệ hạ.

Rồi viên thống lĩnh chạy ngay tới gõ vào cửa thông, viên hầu phòng bèn mở liền.

- Đức Hoàng Thượng nhà vua nước Anh! viên thống lĩnh nói.

- Đức Hoàng Thượng nhà vua nước Anh! hầu phòng nhắc lại.

Nghe thấy vậy, một nhà quý phái mở toang hai cánh cái cửa dẫn vào chỗ nhà vua, và Lô y Thập tứ, đầu không mũ, người không đeo gươm, áo chẽn mở phanh, bước ra, ngài tỏ rõ là ngài đang sửng sốt lắm.

- Ngài, người anh em của ta! ngài ở Blois này! Lô y Thập tứ kêu lên, phất tay ra dấu bảo nhà quý phái cùng hầu phòng đi sang phòng bên.

- Bệ Hạ, Charles Đệ nhị đáp lời, tôi đang trên đường đi sang Ba lê mong gặp được Bệ Hạ, đúng lúc đó tin tức trong dân chúng cho tôi biết ngài sắp tới ngôi thành này. Tôi bèn nán lại ở đây, vì tôi có điều này hệ trọng lắm cần nói với ngài.

- Ngài thấy cái phòng này có phù hợp hay chăng, người anh em?

- Rất tuyệt, thưa bệ hạ, chắc người ta không nghe được chúng ta nói gì.

- Ta đuổi cận thần cùng hầu phòng của ta ra ngoài rồi: chúng đang ở phòng bên. Kia, đằng sau vách, có một phòng cabinet riêng biệt kề tiền phòng, còn trong tiền phòng ngài đã chỉ gặp độc một viên thống lĩnh, phải chăng?

- Vâng, thưa bệ hạ.

- Vậy thì ngài nói đi, người anh em, ta nghe đây.

- Thưa bệ hạ, tôi xin nói, cầu mong Hoàng Thượng thương xót đến những nỗi bất hạnh ập xuống nhà chúng tôi.

Vua Pháp đỏ mặt, nhích cái ghế bành của ngài lại gần ghế của vua Anh.

- Bệ hạ, Charles Đệ nhị nói, tôi thấy không cần phải hỏi Hoàng Thượng có biết rõ câu chuyện đau thương của tôi hay chăng.

Lô y Thập tứ lại càng đỏ mặt tợn hơn, rồi ngài đặt tay ngài lên tay vua nước Anh:

- Người anh em, ngài nói, nói ra điều này thì xấu hổ lắm, nhưng hiếm khi nào giáo chủ nhắc chuyện chính sự trước mặt ta. Chưa hết: trước đây ta sai Laporte, hầu phòng của ta, dạy cho ta môn lịch sử, nhưng lão kia bắt ngừng những bài học ấy và đuổi Laporte đi mất, thế cho nên ta xin người anh em Charles của ta kể cho ta hay mọi chuyện giống như ngài kể cho một ai đó chẳng biết gì sất.

- Vâng, thưa bệ hạ, nếu đẩy câu chuyện đi ngược lên xa hơn, tôi sẽ có cơ may chạm tới trái tim của Hoàng Thượng sâu hơn.

- Nói đi, người anh em, nói đi.

- Thưa bệ hạ, ngài cũng biết rằng hồi 1650 tôi được vời đến Edimbourg, trong chiến dịch Ái-nhĩ-lan của Cromwell, rồi tôi đăng quang lên ngôi tại Stone. Một năm sau đó, bị thương ở một trong những tỉnh mà Cromwell đã cưỡng đoạt, ông ta quay ra đối đầu với chúng tôi. Gặp ông ta là mục đích của tôi, rời khỏi xứ Ê-cốt là mong muốn của tôi.

- Thế nhưng, đức vua trẻ tuổi đáp, Ê-cốt gần như là quê hương của ngài đấy, người anh em.

- Phải rồi; nhưng đối với tôi người Ê-cốt là những đồng bào sao mà tàn nhẫn! Thưa bệ hạ, họ đã bắt tôi phải chối bỏ tôn giáo của ông cha tôi; bọn họ còn treo cổ lord Montrose, cận thận thân tín nhất của tôi, vì ông ấy không chịu thề nguyền liên kết, và do chỗ con người tử đạo khốn khổ ấy, khi được một ân huệ trước khi chết, đã đòi phải xẻ người ông ấy ra số mảnh bằng với số thành phố bên Ê-cốt, sao cho khắp mọi nơi người ta đều phải chứng kiến lòng trung của ông ấy, tôi chẳng thể nào rời một thành phố hay tới một thành phố khác mà không đi ngang một mảnh thân xác đó, nó đã hoạt động, đã chiến đấu, đã hít thở vì tôi.

“Vậy nên, tôi đã phải liều mình băng ngang cả đạo quân của Cromwell, về Anh. Quan Giám Quốc truy đuổi theo sau cuộc bỏ trốn lạ thường ấy, mục đích của nó là một cái vương miện. Nếu tới được London trước ông ta, chắc hẳn tôi chiến thắng ông ta trong cuộc chạy đua, nhưng ông ta bắt kịp tôi tại Worcester.

“Thần linh Anh-cát-lị đã chẳng còn ở với chúng tôi, mà ở bên phía ông ta. Thưa bệ hạ, ngày 3 tháng Chín 1651, đúng ngày kỷ niệm một trận đánh khác, trận Dumbar, tôi bại trận, mà vốn dĩ lúc còn ở Ê-cốt thế tôi cũng đã yếu rồi. Hai nghìn người ngã xuống quanh tôi, thì khi ấy tôi mới chịu nghĩ đến chuyện lui bước. Sau rốt, phải chạy trốn.

“Ngay từ lúc đó chuyện đời tôi biến thành cuốn tiểu thuyết. Bị đuổi rát quá, tôi phải cắt phăng mái tóc, cải trang thành tiều phu. Suốt một ngày tôi phải vắt vẻo ngồi trên cành một cây sồi, sau đó nó có tên cây sồi nhà vua, giờ người ta vẫn gọi như vậy. Những cuộc phiêu lưu của tôi trên hạt Strafford, từ đó tôi đi khỏi với cô thiếu nữ con gái chủ nhà từng tiếp đón tôi ngồi sau trên lưng ngựa, những phiêu lưu ấy vẫn còn được người ta truyền tụng lắm, lại còn viết thành một bản ba lát nữa. Rồi một ngày tôi sẽ viết hết chúng ra, thưa Hoàng Thượng, với mục đích giáo huấn cho các ông vua anh em của tôi.

“Tôi sẽ kể, tới chỗ ông Norton, tôi gặp một ông thầy tu triều đình đang xem người ta chơi ném ky, cùng một ông hầu già nua òa lên khóc và gọi tên tôi, thiếu điều ông ấy cầm bằng đã giết chết tôi đi mất rồi, bằng lòng trung quân của ông ấy, cũng ngang mức với ví như ông ấy phản bội tôi. Sau rốt, tôi sẽ kể về những nỗi hãi hùng của tôi; Hoàng Thượng ôi, quả có thế đấy, những nỗi hãi hùng của tôi, khi mà, tại nhà cô lô nen Windham, một tên thợ đóng móng ngựa đến xem ngựa của chúng tôi bảo rằng chúng đã được bịt móng trên miền Bắc.

- Lạ chưa, Lô y Thập tứ thầm thì, ta đã chẳng hề hay biết tất tật các chuyện ấy. Ta chỉ có biết ngài xuống tàu ở Brighelmsted, cùng là ngài lên bờ tại Normandie.

- Ôi! Charles nói, nếu ngài bỏ quá cho, Chúa ơi! các vị vua vẫn thường không biết gì về chuyện của nhau như thế đấy, vậy ngài muốn họ giúp đỡ lẫn nhau sao đây?

- Nhưng nói ta nghe, người anh em, Lô y Thập tứ nói tiếp, đã bị hắt hủi như vậy rồi ở bên Anh, làm sao ngài vẫn còn hy vọng điều gì từ cái đất nước bất hạnh đó, từ cái dân chúng nổi loạn đó?

- Ôi! thưa Bệ Hạ! đấy là bởi, kể từ trận Worcester, mọi sự đã thay đổi rất nhiều bên ấy! Cromwell đã chết sau khi ký với nước Pháp một bản hiệp ước nó có ghi tên ông ta bên trên tên của bệ hạ đó. Ông ta chết vào ngày 3 tháng Chín năm 1658, lại thêm một ngày kỷ niệm trận Worcester, rồi cả trận Dumbar nữa.

- Con trai ông ta tập ấm thế chỗ rồi còn gì.

- Nhưng một số người tuy có vợ con mà chẳng người nối dõi. Di sản của Olivier quá nặng đối với Richard. Richard chẳng theo cộng hòa cũng không bảo hoàng; Richard, hắn để mặc đám gác dan ăn mất bữa tối của hắn, lại để mặc cho lũ tướng lĩnh của hắn trị vì nền cộng hòa; Richard đã tự tuyên bố bỏ chế độ giám quốc ngày 22 tháng Tư năm 1659. Cách đây ngoài một năm rồi, thưa Hoàng Thượng.

“Kể từ bấy, nước Anh chỉ còn là một sòng bài đổ bác mà thôi, tất tật bọn họ cùng chơi trò gieo xúc xắc để giành giật vương miện của tiên vương phụ thân tôi. Hai tay chơi khét tiếng nhất là Lambert và Monck. Thưa Bệ Hạ, đến lượt mình, tôi cũng muốn chơi cùng, món tiền cược của tôi là tấm áo choàng nhà vua của tôi. Thưa Bệ Hạ, cần một triệu để mua chuộc một trong hai tay chơi kia, biến hắn thành một đồng minh, hoặc là hai trăm nhà quý phái của ngài nhằm đuổi bọn chúng ra khỏi cung điện White-Hall của tôi, giống Đức Jesus từng đuổi lũ lái buôn khỏi ngôi đền.

- Như vậy, Lô y Thập tứ đáp, ngài tới đây để yêu cầu ta…

- Sự giúp đỡ của hoàng thượng; tức là không chỉ những gì các ông vua cần phải làm cho nhau, mà cả những Ki-tô hữu giản đơn cũng cần phải làm cho nhau; sự giúp đỡ của ngài, thưa Bệ Hạ, hoặc bằng tiền, hoặc bằng người; có sự giúp đỡ của ngài, thưa Bệ Hạ, chỉ trong vòng một tháng, hoặc tôi khiến được Lambert đối đầu với Monck, hoặc tôi lại làm cho Monck đối đầu với Lambert, tôi sẽ giật lại được di sản tiên vương mà chẳng phải tiêu tốn đến một đồng ghi-nê của nước tôi, một giọt máu thần dân tôi, bởi vì hiện chúng đang say sưa với cách mạng, chế độ giám quốc cùng chế độ cộng hòa lắm, chúng chẳng đòi hỏi gì hơn là được lảo đảo bước đi để rồi lăn ra ngủ ở trong vương quyền; được ngài giúp đỡ, thưa Bệ Hạ, tôi sẽ nợ ngài còn nhiều hơn nợ cha tôi. Tội nghiệp tiên vương quá! Người đã phải trả giá cao đến vậy cho sự suy sụp của nhà chúng tôi! Ngài cũng thấy, thưa Hoàng Thượng, tôi bất hạnh đến mức nào, tôi tuyệt vọng đến mức nào, bởi vì tôi lại còn đi buộc tội cha tôi nữa!

Và máu dồn lên bộ mặt tái nhợt của Charles Đệ nhị, trong chốc lát ngài đưa hai tay ôm lấy đầu và như thể quáng mắt vì chỗ máu đó đang sôi lên trước nỗi báng bổ từ đứa con hư.

Đức vua trẻ tuổi cũng không kém phần bất hạnh so với người anh em lớn tuổi hơn của ngài; ngài cựa mình trong cái ghế bành, không biết phải nói sao.

Sau rốt, Charles Đệ nhị, nhờ vào mười tuổi đoạn trường nhiều hơn mà vượt trội trong cái sức mạnh chế ngự xúc cảm, cất lời được trước.

- Thưa Bệ Hạ, ngài nói, câu trả lời của ngài là gì? tôi đợi nó giống một kẻ bị tội đợi bản án. Tôi có phải chết không?

- Người anh em, đức vua Pháp đáp lời Charles Đệ nhị, ngài hỏi ta một triệu, ngài hỏi ta! nhưng ta còn chưa bao giờ có đến một phần tư số ấy; nhưng ta chẳng có gì! Ta không còn là vua Pháp, cũng giống hệt ngài không còn là vua Anh. Ta là một cái tên, một con số mặc trên người đồ nhung thêu hoa, chỉ mỗi vậy thôi. Ta ở trên một cái ngai, đó là ưu thế duy nhất của ta trước Hoàng Thượng. Ta chẳng có gì, ta chẳng thể làm gì.

- Có đúng vậy được chăng! Charles Đệ nhị kêu lên.

- Người anh em, Lô y hạ giọng, ta từng phải chịu những nỗi khốn cùng mà ngay những nhà quý phái nghèo nhất của ta cũng chưa từng kinh qua. Nếu Laporte khốn khổ của ta vẫn còn ở đây, ông ấy sẽ nói cho ngài rằng ta từng ngủ trong chăn rách, thò cả chân ra ngoài; ông ấy sẽ nói với ngài rằng, về sau, lúc ta đòi có xe ngựa, người ta đã lôi từ dưới nhà kho ra cho ta những cỗ xe đã bị chuột gặm phân nửa; ông ấy sẽ nói cho ngài biết rằng, khi ta đòi dùng bữa, người ta chạy đi hỏi lũ đầu bếp bên chỗ giáo chủ xem còn cơm thừa canh cặn gì để vua ăn hay chăng. Mà kìa, cả hôm nay nữa, hôm nay, ngày ta tròn hăm hai tuổi, hôm nay, ngày ta đến cái tuổi đủ sức hoàn toàn trông coi triều chính, hôm nay, ngày lẽ ra ta phải được trao chìa khóa kho lẫm, được chấp chính, được cái quyền tối thượng quyết xem sẽ hòa bình hay là sẽ chiến tranh, thì ngài thử nhìn quanh ta mà xem, ngài hãy xem người ta để lại cho ta những gì: ngài hãy coi thử sự bỏ bê này, vẻ đìu hiu này, nỗi im ắng này, trong khi mà bên kia, kìa, ngài hãy nhìn ở bên kia, hãy nhìn nỗi sốt sắng ấy, những đèn đuốc ấy, các vinh dự ấy! Đó! đó, ngài thấy chăng, đó mới là nhà vua đích thực của nước Pháp, người anh em ạ.

- Chỗ ngài giáo chủ?

- Chỗ giáo chủ, phải rồi.

- Vậy tôi bị kết án xong rồi rồi, thưa Bệ Hạ.

Lô y Thập tứ chẳng nói gì.

- Bị kết án là đúng đấy, vì sẽ chẳng bao giờ tôi đây chịu đi xin xỏ cái kẻ hẳn từng đã bỏ cho thân mẫu tôi cùng em gái tôi chết lạnh, chết đói, mà đó là con gái và cháu gái của Đức Henri Đệ tứ****** đấy nhé, nếu như mà ông de Retz cùng pắc-lơ-măng không cấp củi và bánh mì cho họ.

- Chết ư! Lô y Thập tứ thì thầm.

- Thì, vua Anh nói tiếp, Charles Đệ nhị khốn khổ, cũng là cháu gọi Đức Henri Đệ tứ là ông giống như ngài, thưa Bệ Hạ, vì chẳng có cả pắc-lơ-măng lẫn hồng y de Retz, sẽ chết đói giống em gái và mẹ của hắn thiếu điều cũng đã chết đói rồi.

Louis nhíu mày, ngài bồn chồn lấy tay xoắn các đăng ten trên măng sét của mình.

Nỗi câm lặng này, sự bất động kia, được dùng làm mặt nạ che đi một mối xúc cảm thấy thật rõ, tác động mạnh lên vua Charles, ngài cầm lấy tay chàng trai trẻ.

- Cám ơn, ngài nói, người anh em; ngài đã thương xót cho tôi, đó là tất tật những gì mà tôi có thể đòi từ ngài, trong tình thế của ngài đang ở vào.

- Bệ hạ, đột nhiên Lô y Thập tứ ngửng phắt đầu lên, nói, ngài vừa nói là ngài cần một triệu, hoặc hai trăm nhà quý phái?

- Thưa Bệ Hạ, một triệu là sẽ đủ cho tôi dùng.

- Ít quá nhỉ.

- Nếu đưa cả cho một người thì cũng là nhiều đó. Thường, sẽ tốn ít hơn nếu muốn mua lấy những lòng tin tưởng; nhưng tôi, tôi sẽ toàn phải điều đình với đám người thích ăn của đút thật đẫm.

- Hai trăm nhà quý phái, ngài thử nghĩ mà xem, vị chi chỉ nhỉnh hơn một đội lính mà thôi.

- Thưa Bệ Hạ, trong gia đình tôi có một câu chuyện lưu truyền, đó là có bốn người, bốn nhà quý phái Pháp, tận tụy với cha tôi, thiếu điều thì đã cứu được cha tôi, lúc đó đã bị pắc-lơ-măng xử án, bị cả một đạo quân canh giữ, bị vây quanh bởi cả một quốc gia.

- Như vậy, nếu ta có thể đưa cho ngài một triệu hoặc hai trăm nhà quý phái, ngài sẽ được hài lòng, và ngài sẽ xem ta là người anh em tốt của ngài, phải chăng?

- Tôi sẽ coi ngài là cứu tinh của tôi, và nếu như tôi lại lên được ngai vàng của cha tôi, nước Anh sẽ, ít nhất chừng nào tôi còn trị vì, là một người em gái của nước Pháp, đúng như ngài giống như một người anh em đối với tôi.

- Vậy, người anh em, Lô y đứng dậy, nói, điều mà ngài do dự không dám đề nghị, ta sẽ đề nghị hộ cho! điều mà ta chưa từng bao giờ muốn làm cho chính ta, thì ta sẽ làm vì ngài. Ta sẽ đi gặp vua nước Pháp, ông vua kia kìa, ông vua giàu, ông vua hùng mạnh, và ta sẽ cầu xin, chính ta, một triệu đó, hoặc hai trăm nhà quý phái, rồi chúng ta sẽ thấy!

- Ôi! Charles kêu lên, ngài quả là một người bạn cao quý, thưa Bệ Hạ, một tấm lòng do Chúa khuôn đúc! Ngài cứu tôi đấy, người anh em ạ, và chừng nào ngài cần tới cái mạng mà ngài đang trả lại cho tôi đây, xin ngài cứ đòi nó!

- Im nào! người anh em, im nào! Lô y hạ giọng thật thấp. Làm sao để người ta không nghe thấy lời ngài đấy nhé! Bọn ta còn chưa xong việc đâu. Đi hỏi tiền ở chỗ Mazarin! vậy còn hơn so với băng ngang một khu rừng bị yểm bùa trong đó mỗi cái cây lại nhốt một con quỷ; thế còn hơn là ra đi chinh phục một thế giới đấy!

- Tuy nhiên, thưa Bệ Hạ, nếu ngài là người đề nghị…

- Ta đã nói với ngài rằng ta chưa bao giờ đề nghị, Lô y đáp, kèm với vẻ kiêu hãnh khiến vua Anh tái mặt đi.

Và bởi nhà vua, hồ như bị dính thương, bước lùi lại:

- Xin thứ lỗi, người anh em, ngài lại nói; ta không có một bà mẹ, một người em gái đang đau khổ; ngai vàng của ta thì cứng và trơ trọi, nhưng ta được ngồi trên ngai của ta. Xin thứ lỗi, người anh em, đừng trách cứ ta vì lời vừa rồi nhé: nó là lời của một kẻ ích kỷ mà thôi; vậy, ta sẽ chuộc lại nó bằng một sự hy sinh. Ta sang gặp ông giáo chủ đây. Đợi ta nhé. Ta sẽ quay lại.






X

Phép số học của ông de Mazarin


Trong lúc nhà vua vội vã rảo bước về phía cánh lâu đài mà hồng y đang trú, chỉ dắt theo người hầu phòng, viên thống lĩnh ngự lâm quân bước ra, thở phì phò giống như một người vừa mới phải nín hơi thở lâu quá, từ căn phòng cabinet nhỏ chúng tôi đã nhắc, vua cứ tưởng đâu nó đơn độc lắm lắm. Cabinet nhỏ ấy trước từng thuộc về căn phòng; nó chỉ bị ngăn cách bởi một lần vách mỏng. Vậy cho nên sự phân chia ấy, chỉ là phân chia cho mắt mà thôi, chứ tai mà tọc mạch thì cứ tha hồ ma nghe mọi sự gì diễn ra bên phòng.

Vậy, chẳng cần hồ nghi rằng viên thống lĩnh ngự lâm quân đã nghe hết sạch những gì vừa xảy ra chỗ Đức Hoàng Thượng.

Nghe những lời cuối của đức vua trẻ tuổi, ông vội đi ra, vừa kịp lúc để chào ngài khi ngài đi qua, và để đưa mắt dõi theo cho tới lúc ngài biến mất vào trong hành lang.

Rồi, lúc ngài đã biến đi mất, ông lắc đầu, cú lắc đầu độc nhất vô nhị chỉ mình ông mới có, và với cái giọng nói mà bốn mươi năm không sống trên xứ Gascogne vẫn không làm mất đi được âm sắc đặc Gát-x-công đó:

- Công với chẳng việc, não quá! ông nói; ông chủ hãm quá!


-----------


* Catherine de Médicis là con dâu của Phơ-lăng-xa Đệ nhất, lấy Henri Đệ nhị. Vốn Catherine nhỏ tuổi gầy yếu sang triều đình Pháp chẳng có hy vọng gì nhiều lắm đâu, nhưng bỗng thái tử lăn ra chết, chồng của Catherine lên làm vua. Catherine là mẹ của tận mấy ông vua nước Pháp. Marie de Médicis là hoàng hậu khác, về sau nhiều so với Catherine. Gia đình Médicis bên xứ Florence đại để hơi giống về tâm ý với Lã Bất Vi bên Đông phương ta, trong dòng họ có nhiều giáo hoàng và nhiều vợ vua lắm.
** Tuy tên như vậy (“ancre” còn có nghĩa là cái mỏ neo) nhưng đây lại cũng là một người Ý-đại-lị (giống Cropole chính là Cropoli), Concino Concini, từng can dự không ít vào chuyện triều chính Phan lang sa và bị giết phăng; về sau câu chuyện sẽ cho ta biết thêm về Concini.
*** Henri Đệ tam là một trong ba con trai làm vua của Cathérine de Médicis (hai vua khác cũng là con của bà hoàng hậu nổi tiếng: François II và Charles IX). Henri Đệ tam ngài ấy là vua cuối cùng của nhà Valois, ngay sau đó là đến kỳ ngự trị dài của nhà Bourbon (Henri Đệ tứ chính tên là Henri de Bourbon). Henri Đệ tam dùng người ám sát cừu thù quận công de Guise nhưng bản thân ngài cũng sẽ chết do bị ám sát, bởi tay một thầy tu. Henri Đệ tứ, đến lượt mình, cũng lại bị ám sát nốt.
**** Chư quân chắc còn chưa quên, cái bà hoàng hậu vợ đức tiên vương Lô y Thập tam này, vì tình ái tặng cho Bức-kinh-gâm quận công Anh quốc chuỗi vòng đeo cổ, rồi kíp khi giáo chủ Richelieu xúi vua tổ chức dạ tiệc bắt bà phải đeo vòng, bà hoảng quá tưởng chừng nguy đến nơi rồi, may được Đác-ta-nhăng cùng ba người ngự-lâm pháo-thủ tình nguyện xả thân đi sang Anh-cát-lị nhận lại vòng, kịp cho bà đeo, mà khỏi tội lớn. Nếu lỡ quên, mời chư quân coi lại bộ Ba người ngự-lâm pháo-thủ của bản thư-xã.
***** Concino Concini vốn người xứ Phô-lăng-xơ, sang Pháp cùng Marie de Médicis khi thiếu nữ trở thành hoàng hậu, vợ của Henri Đệ tứ. Tham vọng rất lớn, Concini leo cao rất mau chóng, bị giới quý tộc Pháp hồi đó căm ghét vô chừng, nhân vật đặc biệt chống đối là hoàng thân de Condé. Concini sớm trở thành hầu tước, thống chế, nhưng chính trị mà Concini thực thi thì nhiều màu nhũng loạn. Là sủng thần của Marie de Médicis, Concini cũng lấy luôn đệ nhất nữ quan của bà hoàng hậu, là Dori. Concini là người đưa Richelieu lên cao, ở bước khởi đầu. Lô y Thập tam hồi ấy mới lên lên, ngài không chịu nổi vì bị ức hiếp quá, ngài mới lập mưu cùng ông de Luynes, hãm được Concini trên cầu Louvre, sai vũ sĩ giết phăng đi. Cũng chính sau khi Concini bị giết, Marie de Médicis mới bị giam vào lâu đài Blois. Vợ của Concini thì bị kết án là phù thủy, chết thiêu.
****** Vốn, Lô y Thập tứ gọi Henri Đệ tứ là ông nội, do ngài là con trai Lô y Thập tam, còn Charles Đệ nhị lại gọi Henri Đệ tứ là ông ngoại, mẹ ngài là một con gái của tiên vương. Vậy, Lô y Thập tứ và Charles Đệ nhị là anh em họ rất gần.    




(còn nữa)



Tử tước de Bragelonne (1)

6 comments:

  1. Bên đức vua, nhưng cách hai bước về sau, là ông hoàng de Condé, ông Dangeau cùng lối hai chục triều thần nữa, người của họ và đồ đạc của họ bám gót, khép lại cuộc diễu hành trông thật giống khải hoàn.

    Dịch đọc chả ra làm sao thế này thì cứ đăng blog thôi, đừng in nhỉ?

    ReplyDelete
  2. ơ, có điều gì ngăn cản đi chỗ khác mà đọc à?

    tiếp tục: sau A-tố (tức Athos, chú ý đây cũng là tên một quả núi nổi tiếng) một cựu nhân vật nữa sắp xuất hiện trở lại

    ReplyDelete
  3. tiếp tục

    ngự lâm quân, phái nồn li, đã xuất hiện

    ReplyDelete
  4. phi nán lờ mông, à... moong ;)

    ReplyDelete