Chúng ta cũng nên tiếp tục vài câu chuyện vẫn còn đương dang dở chứ nhỉ: cụ thể là câu chuyện ởkia, câu chuyện về các nhà thơ Việt Nam, đồng thời cũng là câu chuyện về những cái ổ sản xuất thơ dở.
Gần đây một clip xuất hiện, trong đó Nguyễn Duy, nhà thơ của chúng ta, nói cái gì đó.
Nguyễn Duy nói gì, tôi cũng không thực sự biết; có một điều bí mật như sau, thật ra rất là bí mật nhưng thôi để tôi nói: giới văn nghệ sĩ Việt Nam, các trí thức Việt Nam mà ngồi với nhau, họ sẽ nói chuyện gì? Họ sẽ nói tuyền những điều ngu ngốc, và nhất là, văn nghệ sĩ chỉ gặp nhau để nói xấu sau lưng người khác. Ngoài đó ra, không có bất kỳ gì khác. Và rất lắm khi (chủ yếu là vậy), họ ngồi nói những điều ngu xuẩn và nói xấu người khác, đồng thời được người khác trả tiền. Không hiếm gặp cảnh tại một bữa như thế, ngay mở màn, có một tay nào đó chẳng rõ ở đâu ra, bỗng đứng dậy kính cẩn nói, xin phép các anh bữa này để thằng em đây trả tiền.
Cho nên, không cần quan tâm Nguyễn Duy nói gì cho lắm. Tôi chỉ quan tâm, sau một số năm không gặp, mặt của Nguyễn Duy như thế nào.
Nhưng, cái mặt rất đáng quan tâm chứ, phỏng? Lại còn mặt của nhà thơ.
Chẳng phải, cách đây vài chục năm, một nhà thơ từng đặt tên cho cả một tập thơ của mình bằng cụm từ có chữ "mặt" à? xem ởkia.
Nhưng trước hết, tôi sẽ nói, thơ dở nghĩa là như thế nào, và tại sao Nguyễn Duy và rất nhiều đồng đẳng lại có thể coi là những cái ổ sản xuất thơ dở. Với toàn bộ sự nhún nhường lúc nào tôi cũng có, tôi không bao giờ chơi trò vague terms. Tức là, không nói mơ hồ, không sử dụng thứ ngôn ngữ nhậu nhẹt (mà chủ yếu là nhậu lẫn nhau) của các vị.
Thơ dở là tất cả mọi thứ thơ có đặc tính sau đây: đó là thơ hiện ra ở đó không phải vì nó thực sự ở đó, mà bởi nó được chống đỡ, vì nó tồn tại dựa trên một cái tồn tại khác. Thơ nào tồn tại dựa trên tồn tại của nhà thơ, thơ đó là dở. Tức là, nhà thơ ở đó để làm giá đỡ cho thơ của họ. Chừng nào tồn tại này còn thì thơ của họ trông như là tồn tại, dẫu không phải là như vậy. Thơ nào cần sự tồn tại như thế, thơ đó là thơ dở. Cứ tưởng là cây đứng vững vàng, nhưng đó là dây leo, cây tầm gửi, các thứ cây cần được bắc giá cho để mà mọc. Đó là bí, đó là bầu.
Tôi không nhắc đến bí hay bầu một cách vu vơ. Ẩn dụ bầu bí ở đây rất thích hợp, ẩn dụ ấy lại cũng do một nhà thơ tạo ra, Nguyễn Khoa Điềm: "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn những bí và bầu thì lớn xuống".
Nỗi bất hạnh của nhà thơ là tạo ra cái thứ thấp kém hơn bản thân họ. Bởi cái trác tuyệt ở một người như Nguyễn Duy (và cả một loạt nhân vật khác mà ta vẫn có thói quen gọi là "nhà thơ") không phải thơ Nguyễn Duy, mà là mặt của Nguyễn Duy.
-----------
Có mấy khoảnh khắc mặt của Nguyễn Duy hiện lên rất rõ nét.
Tôi nhớ, đó là cuối thập niên 90 (của thế kỷ trước), tại Hà Nội. Ngày nay nếu nói phố Hàng Bài rất vắng, chắc chẳng ai tin, nhưng hồi ấy phố Hàng Bài rất vắng, ít nhất là có những lúc nó vắng chứ không đông (quãng thời gian ấy, tôi gặp Đỗ Đức Hiểu - lần duy nhất tôi gặp ông Đỗ Đức Hiểu - tại nhà ông ấy, nó nằm ở góc Bà Triệu-Hàng Bài, trong một cái ngõ đặc biệt xập xệ); một ngày cuối năm trời đẹp, tôi đi bộ trên phố Hàng Bài. Không xa rạp chiếu phim Tháng Tám (tôi rất ít khi vào rạp ấy xem phim, chỉ nhớ nó có một dạng gác xép, rất kiểu paradiso, và đặc biệt bẩn) có một nhà trưng bày. Nhà trưng bày trên phố Hàng Bài, dân Hà Nội chắc ai cũng biết (không chỉ trên phố Tràng Tiền mới có, mà phố Hàng Bài cũng có). Tôi đi qua đó, và tôi nhìn thấy một người. Đó là một người - không có gì phải nghi ngờ - vô cùng hạnh phúc. Sự hạnh phúc nó trào lên qua từng lỗ nhỏ của khuôn mặt, niềm hạnh phúc dâng tràn vô bờ bến. Thật khó ngờ nổi là con người lại có thể hạnh phúc được đến mức ấy.
Đó là Nguyễn Duy, đang bán lịch. (giờ ai còn nhớ "lịch Nguyễn Duy" không nhỉ? trên lịch sẽ in thơ Nguyễn Duy ấy)
Nguyễn Duy bán lịch và mang một khuôn mặt vô cùng hạnh phúc, bởi vì bán lịch chạy. Đó là một khuôn mặt lý tài và hạnh phúc.
-----------
Bạn đồng hành (cụm từ này xuất hiện với tần suất rất lớn trong xã hội đậm màu nouveau riche: ta liên tục nghe thấy "xin cảm ơn xyz đã đồng hành với chương trình etc.") của nouveau riche luôn luôn là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ. Vây quanh một nhân vật nào đó được cho là nhiều tiền (gọi là "đại gia" theo idiom đặc biệt xấu xí của thời chúng ta) thế nào cũng có một vài khuôn mặt nhà thơ (thường là nửa mùa), nhà văn (hay được gọi là nhà văn chỉ vì là con trai của một nhà thơ nào đó), nhạc sĩ (có một nhạc sĩ nouveau riche kếch sù, ấy là một nouveau riche gốc Từ Sơn: nhưng tại sao cái xứ Bắc Ninh lại đóng góp cho chúng ta nhiều nouveau riche thế nhỉ? có lẽ đây chính là vinh quang của Bắc Ninh thời này, và cũng có thể, chính bởi vì có rất nhiều nouveau riche nên con đường 1A năm xưa thơ mộng dẫn từ Hà Nội lên Bắc Ninh bao nhiêu năm nay không làm xong nổi, thậm chí không thẳng nổi, cứ một đoạn lại bị ngắt ra - đó là phong cách của nouveau riche trong làm đường).
Nguyễn Duy xuất hiện ở mọi nơi nào đẫm màu nouveau riche. Các bữa tiệc nouveau riche cần người làm hề, xưa nay đều vậy. Thời nào cũng có những nhà thơ của hệ phái câu thơ thi xã; một nhà thơ (may quá, không phải Nguyễn Duy) công khai tuyên bố mình là người "hầu chúa múa tối ngày". Giờ vẫn múa suốt.
Muốn tìm đương kim chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, chắc chắn nhất là cứ tới các bữa tiệc nouveau riche. Cái vị trí này sao mà liên tục có các nhân vật bề ngoài trông thì khác nhau nhưng giống hệt nhau ở chỗ viết thì không biết, đọc cũng không biết nốt, nhưng cánh hẩu với đủ mọi loại tụ bạ. Cứ quần tam tụ ngũ là có chú (và cô). Có lẽ, nouveau riche kiểu Hà Nội cũng có chỗ xuất sắc riêng, đâu chịu thua kém Bắc Ninh.
(còn nữa)
nhân tiện: đã tiếp tục Tử tước de Bragelonne (rốt cuộc, người lạ mặt đầy bí ẩn ở ngôi khách sạn thành Blois kia là ai? mọi sự dường như đã sắp xếp để sắp có một cuộc gặp trong đêm, cuộc gặp ấy sẽ gây tác động lâu dài lên toàn bộ cục diện Âu châu trung kỳ thế kỷ mười bảy)
sự thể có vẻ là nếu tách hai chữ "nhà thơ" ra thì ko còn "cái mặt" và occasionally tách "cái mặt" ra thì ko còn "nhà thơ". tức là sự thể đến nỗi "nhà thơ" là một ý ẩn dụ. còn thơ dở, nói theo một giáo sư, là hơn chín mươi phần trăm những gì được gọi là "thơ". ở cái buổi phi phoóc môn bất thành bún thì tỉ lệ một trăm phần trăm cũng chẳng nói lên gì.
ReplyDeletemột số cái mặt nó "mặt" hơn những cái mặt khác, bởi vì nó rất mặt
ReplyDeletevisage, visagéité, visagéification
Deletegiờ mặt Nguyễn Duy rất phừng phừng tuyên bố đủ kiểu
ReplyDeleteLịch bán chạy chứ, bán lịch chạy như kiểu vừa chạy vừa bán :)
ReplyDelete