(đã tiếp tục "tiếp Sách dở": đã sắp đến được đoạn nói rất chính xác hiện nay category sách nào ở Việt Nam là khủng khiếp hơn cả, cũng tiếp tục bài về Hermann Broch, "Pasenow-Esch-Huguenau" và bài "Thể động và hành động" về triết học của Louis Lavelle)
(những sổ ghi chép: nếu đó không phải là một thể loại thì ít nhất cũng là một truyền thống, xem chẳng hạn ởkia: tôi sẽ còn quay trở lại kỹ càng hơn với những quyển sổ: đó là truyền thống của giấy, bút, ngăn kéo và cái chết; bài ởkia cũng không kém phần quan trọng)
Ở lần đầu tiên gặp một người bạn - xét cho cùng, rất có thể đã có cuộc gặp ấy (gặp: đó là sự rạch vỡ tồn tại) chỉ vì Cioran; tức là, con người của sự hào phóng ấy vẫn không ngừng hào phóng, kể cả là từ bên kia nấm mồ - tôi đã sửng sốt (có lẽ không nói được gì suốt mấy phút) khi người bạn nói đến một người phụ nữ trong cuộc đời Cioran: Simone Boué (thêm một Simone nữa). Tức là, cả tôi nhiều khi cũng rất định kiến, tôi đã đinh ninh rằng một nhân vật như vậy thì nằm ngoài mọi sự tình cảm thông thường con người, nhất là không dính dáng gì tới cuộc sống "đôi cặp" (từ này của Mặc Đỗ). Và cũng tức là, tôi đọc Cioran trong vòng rất nhiều năm, nhưng gần như không hề biết gì về tiểu sử Cioran. Lần ấy, người bạn tặng cho tôi ấn bản Tác phẩm Cioran, La Pléiade - cho đến lúc đó, về cơ bản tôi đọc bằng ấn bản Quarto.
Cioran là triết gia của thế kỷ 20 (theo cùng nghĩa Schopenhauer mới là triết gia của thế kỷ 19: cả hai nhân vật ấy đều hiểu ngay từ đầu rằng triết học của trường đại học (và những thứ đi kèm, những thứ song song, những thứ mô phỏng), cần phải tránh xa: Schopenhauer từng viết một tiểu luận về riêng điều này).
Khi Cioran đã qua đời, Simone Boué sắp xếp giấy tờ mà Cioran để lại và quyết định cho in hơn ba mươi quyển sổ tay (giống hệt nhau - tức là cùng một loại sổ, giống y sì nhau), đó là quyển sách trong ảnh. Khi cuốn sách sắp in xong thì Boué cũng qua đời. Lời tựa (mà Simone Boué kịp viết) cho cuốn sách hết sức khiêm nhường, nhưng tôi nghĩ tôi thấy được rằng Simone Boué có vai trò lớn hơn nhiều so với mọi sự tỏ ra. Xét cho cùng, bất kỳ người đàn ông nào cũng cần (cũng nên, vẫn nên) có một người phụ nữ - nếu mà được.
(nhọ cho những đàn ông nào dây phải Môi Thâm and Co., kể cả ở cấp độ như Phan Đăng Di, Việt Tú hay - ô - Việt Văn; hay thể loại mở mồm là "giữ lễ" nhưng như hủi)
Trên đây là ba trang đầu tiên của cuốn sách in các Cahiers của Cioran (quyển sách dày tổng cộng một nghìn trang): Cioran bắt đầu viết những quyển sổ sẽ làm nên tác phẩm posthumous cách đây đúng 52 năm (cũng tháng Sáu).
Tôi nhớ đến một cuốn sách nhỏ (một cuốn sách nhỏ lớn) của Mario Andrea Rigoni, được dịch từ tiếng Ý năm 2009 sang tiếng Pháp dưới nhan đề Cioran dans mes souvenirs: kỷ niệm của một người từng là bạn của Cioran. Rigoni gặp Cioran (rất tình cờ) lần đầu tiên tại Paris đầu thập niên 70: khi ấy Rigoni mới ngoài hai mươi tuổi. Rigoni và Cioran sẽ trở nên thân thiết với nhau - họ có cùng một một mối quan tâm lớn, nhà thơ Leopardi (Rigoni là một chuyên gia lớn về Leopardi - với không ít sự thúc đẩy từ Cioran, còn Cioran thấy Leopardi đặc biệt gần gũi với mình; Rigoni sẽ nói, về sau, rằng đó là hai người thuộc cùng một gia đình tinh thần), cho tận đến khi Cioran qua đời, năm 1995. Cuốn sách của Rigoni có nhiều phần (đều ngắn), đầu tiên là một "chân dung" Cioran (Cioran đặc biệt thích thể loại chân dung, và từng thực hiện một Anthologie du portrait, từ Saint-Simon đến Tocqueville). Rigoni kể có lần, tại một hiệu sách cũ trên phố Odéon (tức là phố nhà Cioran: từ năm 1937, Cioran sống tại các khách sạn nhỏ, suốt khoảng một phần tư thế kỷ, đó là một con người của cuộc sống khách sạn, xem thêm về điều đó ởkia; về sau mới có căn hộ nhỏ xíu tầng trên cùng ở phố Odéon), Cioran và Rigoni lục sách, tìm được hai quyển, mà Rigoni sẽ còn giữ mãi về sau, một trong đó là Souvenirs của Tocqueville. Cũng nhờ Rigoni, tôi mới biết Cioran rất thích đọc tiểu sử Talleyrand: vậy thì chắc chắn Cioran từng đọc cuốn sách của Blei về Talleyrand.
Đầu thập niên 80, một nhân vật trẻ tuổi nữa cũng sẽ gặp Cioran: đó là Linda Lê, ở tuổi mười tám.
Henri Michaux, một người bạn rất thân của Cioran, viết "bài thơ" có lẽ lớn nhất bằng bản di chúc quy định đám tang của chính mình: không ai trong gia đình Michaux được có mặt, chỉ vài người được xuất hiện (trong đó có Cioran). Tôi nghĩ đến bộ ba Cioran-Beckett-Michaux (cho dù bộ ba Eliade-Ionesco-Cioran hay được nhắc đến hơn). Có lẽ điều đáng kinh ngạc hơn cả ở họ là cả ba, không ai tự sát (Beckett sẽ qua đời tại nhà dưỡng lão, trong trạng thái không còn đầu óc - Rigoni cũng kể về những khoảnh khắc cuối đời của Cioran, và nói đến cảm giác phi lý vì chứng kiến "hero" của sự sáng suốt lúc đó không còn thực sự tỉnh táo đầu óc nữa). Nhưng đấy là vì họ đã tự sát suốt cuộc đời: sống sự tự sát trong mọi khoảnh khắc của cái mà người ta gọi là cuộc đời (có lẽ là một cách gọi nhầm lẫn).
Tôi còn có thể nhắc đến nhiều gặp Cioran nữa (trong đó có cả những màn màu mè không mấy thành thực: thành thực, đó là điều, mà nếu cần phải nói con người mình là như thế nào, Cioran sẽ nói trước hết - như trong Cahiers viết, chứ không phải hiểu biết hay trí tuệ, những thứ thật ra Cioran rất coi thường - nhưng tôi sẽ bỏ qua, vì chẳng ích gì), như Ernesto Sabato, hay một phụ nữ, vốn dĩ từng là học trò của Roger Caillois bên Argentina, quay về Paris, tình cờ tìm được tại hiệu sách một cuốn sách của Cioran, đọc nó và bị nó cuốn vào, kể với Caillois chuyện đó và Caillois bèn hẹn cho người phụ nữ ấy gặp Cioran; đến ngày hẹn (tại quán cà phê), người phụ nữ đến đầu tiên, còn Caillois đến cuối cùng (giống như phần lớn những người trung gian): khi thấy Cioran, người phụ nữ bật nghĩ trong bụng: "Nhưng đây là Nietzsche".
Trong Cahiers, tới một thời điểm, Cioran viết mình rất tiếc vì đã không thực sự đọc nhiều August Strindberg, có lẽ đó là người duy nhất còn có thể dạy cho Cioran thêm về nỗi hãi hùng của cuộc đời, của sống. Một cuốn sách lớn, đối với Cioran, sống lâu dài nhờ những nhầm lẫn mà nó gây ra. Ngay ở trang đầu - như trong bức ảnh đầu tiên trên đây - Cioran nhắc đến Emily Dickinson. Nhiều năm, thơ của Dickinson là dưỡng chất cho Cioran (Cioran nói mình sẵn sàng đổi tất tật nhà thơ trên đời để lấy chỉ một mình Emily Dickinson), Emily Dickinson, người gọi Chúa là "our old neighbour". Cioran trượt từ tình yêu thời trẻ, Rilke, sang Dickinson, khi đã bắt đầu già; Cioran cũng nói, phải từ năm mươi tuổi trở đi mới thực sự đọc được Goethe.
Không ai biện hộ cho nước Pháp giỏi hơn Cioran: "Không thể có chuyện một đất nước toàn những kẻ hà tiện như thế lại có thể hời hợt được".
Đọc một người, ta sung sướng và sửng sốt khi tìm thấy những chỗ giống (đối với tôi, đó là sự đọc Tocqueville hay mối quan tâm tới Talleyrand, chẳng hạn), nhưng sự đọc đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta thấy được con người ấy khác với ta đến mức nào. Đừng giống, hay đúng hơn, đừng quá giống.
Tới một chỗ, trong sổ, Cioran chép câu thơ của Maiakovski (một trong những điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt gần gũi với Cioran nằm ở chỗ đó cũng là một người rất ngán trò chơi của các trích dẫn: Cioran đặc biệt ít trích dẫn, kể cả trong những quyển sổ - hoặc cũng có thể Simone Boué đã bỏ đi phần lớn; dẫu thế nào thì đọc cũng không phải là để tìm trích dẫn: ngược lại, cần phải viết để thậm chí người khác không thể trích dẫn được mình, cũng như phải viết sao để không bao giờ lo bị rơi vào sách giáo khoa, tức là bị chiêu hồi), đại ý nói tới nỗi cô đơn cùng "trang giấy trắng lắm lời", và Cioran than thở, tờ giấy trắng đối với mình bao giờ cũng chỉ là sự khô kiệt, băng giá, chứ chẳng chịu nói gì.
Một trong những bất ngờ lớn nhất đối với tôi là bắt gặp một lần Cioran chép lại một câu của Balzac (liên quan đến cái chết): Cioran hoàn toàn không thuộc về phía của Balzac (mà thuộc về phía của Chamfort). Thậm chí, Cioran còn thấy không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có thể đọc được hết Vở kịch con người. Nhất là lại còn đọc đến hai lần: chi tiết có người đọc hai lần Vở kịch con người Cioran nói tới trong tiểu luận về Mircea Eliade, vì Eliade từng đọc hai lần thật (một lần ở Bucarest, một lần ở Paris). Cioran chỉ đọc Balzac khi còn là một thiếu niên. Nhưng không hẳn là chuyện dài - vì ngược lại, Cioran đặc biệt mê Proust (Cioran phát hiện được Beckett chính nhờ cuốn sách của Beckett viết hồi trẻ, Proust). Nhận xét của Cioran về văn chương Proust, đối với tôi thuộc hàng sâu sắc nhất trong lịch sử đọc Proust: Cioran nói rằng Proust tuy dài như vậy nhưng lại chính là một moraliste (luân lý gia) đích thực, và trong các câu của Proust liên tiếp có các châm ngôn (aphorisme). Đối với Cioran, trong toàn bộ tiểu thuyết Pháp chỉ có tập cuối Tìm thời gian mất tức Le Temps retrouvé (cùng Adolphe) không rơi vào sự fabriqué.
Một quãng thời gian Cioran viết các Cahiers trùng với quãng Cioran hay viết thư cho Armel Guerne. Đọc các Cahiers cùng những bức thư ấy là một điều tuyệt diệu - một điều tuyệt diệu nhân đôi. Thuốc độc có thể biến thành thuốc bổ - ít nhất thì người ta cũng đã nghĩ ra phương pháp "vi lượng đồng căn" từ lâu. Guerne, một nhà thơ, là người dịch toàn tập Novalis sang tiếng Pháp, cũng là người dịch nhiều tiểu thuyết của Melville (cùng rất nhiều thứ khác). Guerne và Cioran hay viết thư cho nhau đúng vào thời điểm Đạo Đức Kinh bản dịch của Guerne mới được ấn hành - khỏi phải nói một cuốn sách như vậy có thể gây từng nào sung sướng cho một người như Cioran. Vợ chồng Guerne rời khỏi Paris, đến sống ở một "moulin" (cối xay gió) mạn Bordeaux. Cioran và Simone Boué từng có lần ghé qua đó.
Armel Guerne cũng là người dịch Martin Buber sang tiếng Pháp, cuốn sách lớn dưới đây:
cuốn sách gồm các câu chuyện "hassidique". Truyền thống hassidique của người Do Thái gắn liền với những câu chuyện (récit). Một nhân vật lớn của truyền thống ấy: chúng ta vừa quay trở lại một cách kỹ càng, xem ởkia.
Quay trở lại với chuyện tự sát: trong Cahiers Cioran ghi lại không ít cú tự sát của những người bạn. Một người bạn của Cioran tự sát tại Paris vào năm 1970 (nhảy từ trên cầu xuống sông Seine): Paul Celan (chính Cioran là người có vai trò không nhỏ để Paul Celan tìm được việc làm kiếm sống, dạy học tại trường ENS). Trước thời điểm 1970 hơn hăm lăm năm là câu chuyện một người bạn nữa (cũng Rumani) của Cioran: Benjamin Fondane. Đây không phải một vụ tự sát đúng nghĩa, nhưng không hề xa: Benjamin Fondane bị nazi bắt trong một cuộc vây ráp người Do Thái Paris, lẽ ra Benjamin Fondane sẽ dễ dàng được thả, vì có vợ người Pháp, nhưng vì em gái cũng bị bắt nên Benjamin Fondane ở lại nơi giam giữ và sẽ chết tại Auschwitz.
Cũng giống Sabato, hồi trẻ Cioran đến Pháp hai lần (chứ không phải chỉ một). Về sau này, người ta sẽ in một cuốn sách Cioran viết hồi ấy (bằng tiếng Rumani), De la France. Người ta cũng sẽ in lại những gì cậu sinh viên triết học trẻ tuổi hồi đó từng viết, để chuẩn bị cho một công trình nghiên cứu - sẽ bị vứt bỏ, như ai cũng biết. Hồi ấy, Cioran nghiên cứu Henri Bergson.
(còn nữa)
Cái nhìn của
Hãy suy nghĩ chống lại chính mình
Sức mạnh của sự vắng
Về nỗi bất tiện khi bị sinh ra trên đời
Cioran: châm ngôn
Cioran về Beckett
Cioran: Giã biệt triết học
Cioran về Borges
Cioran và tôi
Sao anh nhắc Môi Thâm hoài vậy. Có phải Cát Khuê LTTH không vì em nhớ có đọc 1 bài CK phỏng vấn CVD, lâu rồi.
ReplyDeleteCho qua phà đi anh. Không phải ghen hihi chỉ là không thích vào đọc blog anh mà cứ bị vướng víu với người chả ra làm sao
hay! vì nếu hiện hữu là thuốc độc thì tự sát chính là thời độ của thực tại rồi.
ReplyDeleteSống sự tự sát trong mọi khoảnh khắc
ReplyDeleteCả vì các ông “hero” ấy mạnh hơn cuộc đời- nếu cuộc đời là tên của nó. Nó phải tự sát, chứ đâu phải những người đương đầu với nó.
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteCó lẽ điều đáng kinh ngạc hơn cả ở họ là cả ba, không ai tự sát (Beckett sẽ qua đời tại nhà dưỡng lão, trong trạng thái không còn đầu óc - Rigoni cũng kể về những khoảnh khắc cuối đời của Cioran, và nói đến cảm giác phi lý vì chứng kiến "hero" của sự sáng suốt lúc đó không còn thực sự tỉnh táo đầu óc nữa). Nhưng đấy là vì họ đã tự sát suốt cuộc đời: sống sự tự sát trong mọi khoảnh khắc của cái mà người ta gọi là cuộc đời (có lẽ là một cách gọi nhầm lẫn).
ReplyDelete