Apr 1, 2013

George Orwell: Tưởng niệm Catalonia

George Orwell không chỉ là tác giả của Chuyện ở nông trại (và 1984), cũng không chỉ là tác giả "truyện ngụ ngôn". George Orwell là một nhà văn chính trị đặc biệt sáng suốt và vô cùng quan trọng của thế kỷ XX.

Đoạn dưới đây là Chương 11 trong tác phẩm Homage to Catalonia, có thể gọi là "ký sự chính trị" rất nổi tiếng của George Orwell. Tác phẩm xuất bản năm 1938, người dịch: An Lý. George Orwell đã xuất phát từ trải nghiệm cá nhân mà viết Tưởng niệm Catalonia, phân tích tình trạng chính trị hỗn loạn của Tây Ban Nha giai đoạn vẫn hay được sử gia gọi là "Nội chiến", một cuộc "nội chiến" huy động và thu hút không biết bao nhiêu trí thức cánh tả phương Tây vào một thời kỳ bừng bừng nhiệt huyết.

Và, không thể khác, lịch sử tự động dắt dây nhau, những phân tích của George Orwell dưới đây nhắc chúng ta nhớ lại cách thức người ta từng đối xử với những người Đệ Tứ tại Việt Nam vào quãng 1945-1946.



Tưởng niệm Catalonia (Chương 11)


An Lý dịch



Nếu anh không quan tâm đến đấu đá chính trị cùng mớ hổ lốn những chính đảng và chi nhánh, mang toàn những cái tên rối rắm (không khác gì nhớ tên các tướng lĩnh Trung Quốc các phe), thì hãy bỏ qua phần này. Kinh khủng nhất là phải vọc vào những tiểu tiết trong cuộc bút chiến liên đảng phái; cảm giác không khác gì lặn ngụp trong thùng phẩn. Nhưng cố gắng xác định đâu là sự thực, trong phạm vi làm được, lại là một điều cần thiết. Cuộc ẩu đả bẩn thỉu trong cái thành phố xa lắc này quan trọng hơn nhiều thoạt nhìn ban đầu.

Sẽ không bao giờ có được bản tường trình hoàn toàn chính xác không thiên vị về trận thành Barcelona, vì những ghi chép cần có đều không tồn tại. Các sử gia đời sau rồi sẽ không có gì mà dựa vào, ngoài vô thiên lủng tuyên truyền của các đảng cũng như kết tội lẫn nhau. Bản thân tôi cũng có rất ít dữ liệu ngoài những gì chính mắt mình chứng kiến và những gì nghe từ những người chứng khác, những người tôi coi là tin tưởng được. Tuy nhiên tôi có thể phản bác những dối trá thuộc loại ngông cuồng nhất, đem lại một góc nhìn tương đối khác cho sự việc.

[Trong nửa đầu chương Orwell trình bày lại những phân tích căn bản về trận thành Barcelona: đã thực sự xảy ra những gì; hậu quả của trận chiến; liệu có động cơ nào ẩn sau trận chiến; thử lý giải đúng và sai trong đó. Tiếp đó là phân tích những điểm vô lý hoặc bóp méo trong “báo chí Cộng sản” về trận chiến nói chung, và vai trò của POUM (Đảng Công nhân Thống nhất Mác xít) nói riêng.]

Tôi đã đưa ra các lý do giải thích tại sao tôi cho rằng những gì phía Cộng sản trình bày về trận thành Barcelona không thể chấp nhận là đúng đắn. Bây giờ tôi sẽ nói thêm về luận điệu kết tội chung, rằng đảng POUM là một tổ chức phát xít ngầm, tay sai của Franco và Hitler.

Lời kết tội này lặp đi lặp lại trong báo chí phe Cộng sản, nhất là từ đầu năm 1937 trở đi. Nó nằm trong chiến dịch toàn cầu của Đảng Cộng sản chính thống [vs các đảng tự nhận theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng không phải là “Đảng Cộng sản” của nước sở tại - AL] đánh lại “bọn Trotsky”, mà POUM bị coi là nhóm tiêu biểu ở Tây Ban Nha. “Trotskyism,” như tờ Frente Rojo (tờ báo Cộng sản ở Valencia) cho biết, “không phải là một chủ thuyết chính trị. Trostkyism là một tổ chức chính thức của bọn tư bản, một đám khủng bố Phát xít chuyên gây tội ác và phá hoại thành quả của nhân dân.” Đảng POUM là một tổ chức “Trostkyist” cùng cánh với bọn Phát xít, thuộc về “bọn nội gián Franco cài cắm lại”. Điều đáng chú ý ngay từ đầu là không hề có bằng chứng nào đưa ra hậu thuẫn cho lời kết tội này: nó nghiễm nhiên được khẳng định như một nguồn tin thẩm quyền. Thêm nữa, cuộc đả kích POUM đi kèm theo bôi nhọ cá nhân ở mức điên cuồng nhất, và hoàn toàn không đếm xỉa đến những hậu quả có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh chống phát xít. So với nhiệm vụ bôi nhọ POUM, xem ra nhiều ngòi bút Cộng sản coi việc để lộ bí mật quân sự chỉ là chuyện vặt. Ví dụ một số Daily Worker tháng Hai năm đó, một nhà báo (Winifred Bates) đã được phép nêu rằng ở mặt trận do POUM nắm giữ, quân số chỉ bằng một nửa số liệu họ đưa ra. Điều này không đúng, nhưng có thể giả thử người viết tin là như vậy. Như thế bà ta, cũng như tờ Daily Worker, hoàn toàn chấp nhận giao vào tay quân địch loại thông tin quan trọng nhất có thể xuất hiện trên mặt báo. Còn trên New Republic, Ralph Bates khẳng định các đội quân POUM đang “đá bóng với quân Phát xít trong khu phi quân sự” vào giữa lúc, trong thực tế, các đội quân POUM đang phải chịu thương vong nặng nề và vài người bạn của chính tôi đã trúng thương hoặc tử trận. Lại nữa, còn bức biếm họa ác ý lan truyền khắp nơi, đầu tiên ở Madrid, sau đó ở Barcelona, vẽ POUM đang lột khỏi đầu cái mặt nạ hình búa liềm, bên trong là bộ mặt có hình thập ngoặc. Nếu không phải đã gần như nằm trọn trong tay Cộng sản thì Chính phủ [Cộng hòa] sẽ không đời nào cho phép một thứ như vậy được phát tán giữa thời chiến. Đấy là một đòn giáng vào tinh thần không chỉ các nhóm quân POUM, mà cả bất kỳ ai tình cờ chiến đấu gần họ; khó mà phấn chấn được khi biết đội quân sát sườn mình là một bầy phản bội. Trong thực tế tôi không tin những lời sỉ vả đổ lên họ ở hậu tuyến thực sự có tác động xấu gì lên tinh thần các dân quân POUM. Nhưng hẳn nhiên chủ đích của vụ này là vậy, và cần phải vạch rõ những kẻ tung tin đồn đó đã đặt thù địch chính trị cao hơn khối thống nhất chống Phát xít.

Cáo buộc nhằm vào đảng POUM tóm tắt lại là thế này: là một nhóm hàng chục nghìn người, hầu như tất cả đều là công nhân, chưa kể vô số tình nguyện viên và cảm tình viên ngoại quốc, hầu hết đang tị nạn từ các nước phát xít, và thêm vài nghìn dân quân nữa, chỉ đơn thuần là một tổ chức gián điệp tay sai phát xít. Điều đó quá sức vô lý và chỉ cần xét quá khứ của POUM là đủ thấy không thể tin được. Tất cả những thủ lĩnh của POUM đều đã kinh qua quá trình cách mạng dày dặn. Nhiều người đã can dự vào cuộc nổi loạn 1934, phần lớn từng phải đi tù vì hoạt động trong phong trào xã hội chủ nghĩa dưới chính quyền Lerroux hay thời quân chủ. Năm 1936, chủ tịch đảng lúc ấy là Joaquín Maurín là một trong những hạ nghị sĩ đã lên tiếng cảnh cáo Cortes [Quốc hội Tây Ban Nha] về ý định nổi loạn của Franco. Ít lâu sau khi chiến tranh nổ ra, ông bị Phát xít bắt trong lúc cố gắng tổ chức chống cự ở hậu tuyến Franco. Vào thời điểm Franco nổi loạn, POUM đóng vai trò đáng kể trong phe kháng cự, nhất là ở Madrid nơi rất nhiều đảng viên đã bỏ mình trong cuộc chiến giữa thành phố. Đấy là một trong những tổ chức đầu tiên triệu tập dân quân ở Catalonia và Madrid. Thật khó mà giải thích đó lại là hành động của một chính đảng tay sai phát xít được. Một chính đảng tay sai phát xít thì đã chạy thẳng sang hàng ngũ đối địch từ đầu.

Trong giai đoạn chiến tranh cũng không hề có dấu hiệu cho thấy những hoạt động theo Phát xít. Tất nhiên vẫn có thể lập luận - tuy suy đến cùng tôi không đồng ý với lập luận này - là khi kêu gọi một chính sách có tính cách mạng hơn, POUM đã gây chia rẽ các lực lượng phe Chính phủ và vì thế đã tiếp tay cho Phát xít; tôi nghĩ bất kể Chính phủ nào thuộc loại cải lương đều có lý nếu coi một chính đảng kiểu như POUM là mối phiền hà. Nhưng cái đó rất khác với phản bội trắng trợn. Không có cách nào lý giải được, nếu POUM thực sự là một tổ chức phát xít, thì tại sao dân quân POUM vẫn trung thành với Cộng hòa. Ở đây đang nói đến tám hay mười nghìn người giữ những vị trí rất quan trọng trên chiến tuyến, giữa điều kiện khắc nghiệt trong mùa đông 1936-37. Nhiều người trong số đó bám chiến hào liên tục bốn hay năm tháng trời. Sẽ khó mà giải thích nổi sao họ không bỏ về hay bỏ sang phía địch là xong. Lúc nào họ cũng hoàn toàn có thể làm như vậy, và tại nhiều thời điểm việc đó đã có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến. Nhưng họ vẫn chiến đấu tiếp, và liền ngay sau khi POUM vừa bị cấm với tư cách một đảng chính trị, lúc sự kiện đó hãy còn nóng hổi trong trí nhớ bất kỳ ai, thì đội dân quân - lúc đó còn chưa phân lại vào hàng ngũ Quân đội nhân dân - đã bị điều vào đợt công kích nướng quân vào mé Đông Huesca, mấy nghìn người bị giết chết chỉ trong một hai ngày. Ít nhất cũng phải thấy hiện tượng bắt tay với kẻ địch và đào ngũ đều đặn chứ. Nhưng như tôi đã nói trong các chương trước, số lượng đào ngũ nhỏ đến không đáng kể. Thêm nữa, ít ra cũng phải thấy tuyên truyền ủng hộ Phát xít, thái độ bi quan thất bại hoặc những thứ loại đó. Nhưng hoàn toàn không tồn tại những việc này. Hiển nhiên chắc chắn có gián điệp do Phát xít cài vào hoặc những kẻ khiêu khích [agent provocateur] trong hàng ngũ POUM; trong chính đảng phái Tả nào cũng có mặt chúng, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ở POUM nhiều hơn trong các nhóm khác.

Quả là một vài bài đả kích trên báo chí Cộng sản có nói, một cách miễn cưỡng, rằng chỉ có các lãnh đạo POUM mới là tay sai phát xít chứ không phải hàng ngũ tốt đen. Nhưng đây chẳng qua là ý đồ chia tách hàng ngũ tốt đen khỏi lãnh đạo bên trên. Còn lời cáo buộc nhìn chung ám chỉ cả những đảng viên bình thường, cả những dân quân, tất cả đều đồng lõa với nhau; vì rõ ràng nếu Nin, Gorkin và những người khác thực sự làm tay sai phát xít thì cấp dưới của họ, trực tiếp gặp gỡ họ, phải biết rõ hơn là các nhà báo ở London, Paris, New York chứ. Dù sao đi nữa, khi POUM bị cấm thì cảnh sát mật trong tay Cộng sản đã mặc định là tất cả đều có tội ngang nhau, và bắt bớ bất kỳ ai có liên hệ với POUM rơi vào tay họ, không chừa cả người bị thương, y tá bệnh viện, vợ các đảng viên POUM và trong vài trường hợp cả trẻ em nữa.

Cuối cùng, ngày 15-16 tháng 6 POUM đã bị cấm và bị tuyên bố là một tổ chức bất hợp pháp. Đấy là một trong những cử chỉ đầu tiên của chính quyền Negrín vừa lên nắm quyền tháng Năm. Khi Ủy ban chấp hành POUM đã bị bắt nhốt hết trong tù, báo chí Cộng sản tung ra cái gọi là phát hiện về một âm mưu Phát xít kinh động. Một thời gian dài báo chí Cộng sản khắp thế giới ầm ĩ lên vì vụ này (tờ Daily Worker 21/6 tóm tắt lại nhiều báo Cộng sản Tây Ban Nha):

ÂM MƯU CỦA BỌN TROSTKYIST TÂY BAN NHA VỚI FRANCO

Sau khi bắt giữ một số lớn những tay Trotskyist hàng đầu ở Barcelona và các nơi khác… cuối tuần vừa qua đã phát hiện ra những chi tiết xung quanh một vụ gián điệp kinh tởm chưa từng thấy trong thời chiến, và là lật tẩy tồi tệ nhất về thói phản bội Trotsky cho đến nay… Những văn bản cảnh sát tịch thu được, cùng với cung khai đầy đủ của hơn 200 kẻ đã bị bắt, chứng minh rằng, v.v. và v.v.

Những lật tẩy này “chứng minh” gì, rằng lãnh đạo POUM đã truyền bá bí mật quân sự cho tướng Franco qua đường vô tuyến, thường xuyên liên lạc với Berlin và đang cộng tác với tổ chức phát xít bí mật ở Madrid. Thêm vào đó còn những chi tiết sốt dẻo về lá thư bí mật viết bằng mực tàng hình, về một văn bản kỳ bí chỉ ký chữ N (tức là Nin), cùng đủ thể loại khác nữa.

Nhưng kết cuộc cuối cùng là thế này: sáu tháng sau sự kiện đó, vào thời điểm tôi đang viết đây, phần lớn các lãnh đạo POUM vẫn còn ngồi tù, nhưng chưa bao giờ bị đem ra xử, và những cáo buộc liên lạc vô tuyến với Franco v.v. thậm chí còn chưa bị đưa ra thành cáo trạng. Nếu thực sự phạm tội gián điệp họ đã bị xét xử và đem bắn trong chưa đến một tuần, như bao nhiêu vụ gián điệp Phát xít trước đó. Nhưng chẳng hề có lấy một mẩu bằng chứng nào được đưa ra, trừ những phát ngôn vô sở cứ trên báo chí Cộng sản. Còn hai trăm bản “cung khai đầy đủ”, giá tồn tại thật chắc đã đủ thuyết phục bất kỳ ai, thì chẳng thấy nhắc đến bao giờ nữa. Thực tình đấy chỉ là hai trăm giấc mơ ban ngày của ai đó mà thôi.

Hơn thế nữa, phần lớn các thành viên Chính phủ Tây Ban Nha đã rút lại ủng hộ các cáo buộc nhằm vào POUM. Gần đây nội các đã bỏ phiếu năm trên bảy đồng ý thả những tù chính trị chống phát xít; hai phiếu chống là các bộ trưởng theo Cộng sản. Tháng Tám vừa qua, một phái đoàn quốc tế do hạ nghị sĩ [Anh] James Maxton đứng đầu đã tới Tây Ban Nha, điều tra các cáo buộc POUM và vụ mất tích của Andrés Nin. Prieto, Bộ trưởng Quốc phòng, Irujo, Bộ trưởng Tư pháp, Zugazagoitia, Bộ trưởng Nội vụ, Ortega y Gasset, Tổng công tố, Prat García cùng những người khác, tất cả đều phủ nhận có tin rằng các lãnh đạo POUM là gián điệp. Irujo còn nói thêm đã xem lại hồ sơ vụ việc và thấy những “bằng chứng” sẽ không cái nào trụ vững nếu đưa ra xem xét, và rằng văn bản được cho là Nin đã ký thì “không có giá trị” - nghĩa là giả mạo. Prieto coi các thủ lĩnh POUM là nguyên do gây ra trận chiến ở Barcelona tháng Năm, nhưng gạt bỏ cáo buộc họ là gián điệp cho Phát xít. “Tệ hại nhất,” ông nói thêm, “là việc bắt giữ các lãnh đạo POUM không phải do Chính phủ quyết định, mà là bộ phận cảnh sát tự cho mình quyền bắt giữ. Trách nhiệm không phải ở những người đứng đầu lực lượng cảnh sát, mà là cấp dưới, đã bị phe Cộng sản thâm nhập như thường lệ.” Prieto còn dẫn thêm nhiều vụ cảnh sát bắt bớ trái pháp luật nữa. Tương tự, Irujo tuyên bố lực lượng cảnh sát đã “hoạt động bán độc lập” và thực tế nằm trong tay những phần tử Cộng sản nước ngoài. Prieto có ám chỉ khá thẳng với phái đoàn, là Chính phủ không thể làm mếch lòng Đảng Cộng sản được chừng nào Nga còn đang cung cấp vũ khí cho họ. Khi một phái đoàn khác đứng đầu là hạ nghị sĩ John McGovern tới Tây Ban Nha tháng Mười hai sau đó, họ cũng nhận được những câu trả lời tương tự, và Zugazagoitia Bộ trưởng Nội vụ nhắc lại ám chỉ của Prieto còn rõ ràng hơn. “Chúng tôi được Nga giúp đỡ, và buộc phải cho phép một vài hành động mình không ưa.” Minh họa thêm cho tính tự trị của cảnh sát, có một chi tiết đáng nói là dù đã có lệnh được Giám đốc nhà tù và Bộ trưởng Tư pháp cùng ký, McGovern cùng phái đoàn vẫn không được phép vào thăm một trong những “nhà tù mật” do Đảng Cộng sản điều hành ở Barcelona.1

Tôi nghĩ như vậy là đủ hiểu rõ vấn đề. Cáo buộc POUM hoạt động gián điệp chỉ dựa hoàn toàn theo những bài báo trên báo chí Cộng sản và hoạt động của cảnh sát mật trong tay Cộng sản. Các lãnh đạo POUM cùng hàng trăm hay hàng nghìn thành viên khác vẫn đang ở tù, và sáu tháng vừa qua báo chí Cộng sản vẫn đang to tiếng đòi xử tội “quân phản bội”. Nhưng Negrín cùng những người khác đã tỉnh táo mà từ chối mở cuộc tàn sát nhất loạt “bọn Trotskyist”. Nếu nghĩ đến sức ép đặt lên họ, phải thấy đấy là một hành động rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó, sau những gì tôi vừa trích dẫn trên đây, khó có thể tiếp tục tin rằng POUM thực sự là một tổ chức gián điệp của Phát xít, trừ khi tin nốt rằng cả Maxton, McGovern, Prieto, Irujo, Zugazagoitia và số còn lại cùng là tay sai phát xít như nhau.

Cuối cùng, về cáo buộc POUM là một đảng “Trotskyist”. Chữ này ngày nay bị ném ra mỗi lúc một thêm tùy tiện, lại thường dùng một cách rất dễ gây hiểu nhầm, và thường là nhằm cố tình gây hiểu nhầm. Bỏ một phút định nghĩa nó là một điều đáng làm. Chữ “Trotskyist” được dùng chỉ ba thứ rất khác nhau:

(1) Một người, cũng như Trotsky, ủng hộ “cách mạng thế giới” thay cho “Chủ nghĩa xã hội trong một nước”. Nói rộng hơn là một nhà cách mạng cực đoan.

(2) Một thành viên của tổ chức thực tế do Trotsky đứng đầu.

(3) Một tay Phát xít trá hình cách mạng, hoạt động cụ thể là phá hoại ở Liên Xô, nhưng chung hơn là gây chia rẽ và phá đám các lực lượng cánh tả.

Theo nghĩa (1), POUM rất có thể miêu tả bằng chữ Trotskyist. Cũng như đảng ILP [Đảng Lao động Độc lập] ở Anh, SAP [Đảng Công nhân Xã hội] ở Đức, phái Xã hội Cánh tả ở Pháp, vân vân. Nhưng POUM không có liên hệ gì với Trotsky hay với tổ chức Trotskyist (“Leninist Bolshevik”). Khi chiến tranh nổ ra, những người Trotskyist từ ngoại quốc đến Tây Ban Nha (chừng mười lăm hai mươi người) ban đầu có làm việc cho POUM, vì đó là đảng gần với quan điểm của họ nhất, nhưng không gia nhập POUM; sau này Trotsky ra lệnh cho đảng mình công kích chính sách POUM, nên các thành viên Trotskyist đã bị thanh lọc hết khỏi các cơ quan của đảng, dù một số còn ở lại trong dân quân. Nin, lên lãnh đạo POUM sau khi Maurín rơi vào tay phát xít, một thời từng là thư ký của Trotsky, nhưng đã cắt đứt với Trotsky vài năm trước và lập ra POUM, kết hợp từ nhiều thành viên Cộng sản Đối lập với một chính đảng có sẵn là Khối Công Nông. Báo chí Cộng sản vẫn thường viện ra thời kỳ Nin liên hệ với Trotsky để chứng tỏ POUM bản chất là Trotskyist. Theo lối đó có thể lập luận Đảng Cộng sản Anh thực chất là một tổ chức phát xít, vì John Strachey có thời liên hệ với Sir Oswald Mosley.

Theo nghĩa (2), định nghĩa chính xác duy nhất của chữ này, thì POUM chắc chắn không phải một đảng Trotskyist. Phân biệt điều này là cần thiết, vì đa phần đảng viên Cộng sản đều mặc định rằng ai là Trotskyist theo nghĩa (2) thì cũng chắc chắn là Trotskyist theo nghĩa (3) - nghĩa là toàn bộ tổ chức Trotskyist chỉ đơn giản là bộ máy gián điệp cho phát xít. “Trotskyism” chỉ bắt đầu được công luận quan tâm khi xảy ra các phiên tòa xử tội phá hoại ở Nga, và gọi anh A là tên Trotskyist cũng ngang với gọi hắn là kẻ sát nhân, kẻ khiêu khích v.v. Nhưng cùng lúc ấy bất kỳ ai chỉ trích chính sách Cộng sản từ quan điểm Tả cũng có thể bị tố là Trotskyist. Như vậy có phải là khẳng định bất kể ai theo đuổi mục tiêu cách mạng cực đoan đều là tay sai phát xít?

Trong thực tế, có thể vậy mà cũng có thể không, tùy tình hình địa phương. Khi Maxton dẫn phái đoàn đến Tây Ban Nha như tôi vừa nhắc, Verdad, Frante Rojo cùng các báo Cộng sản khác ở Tây Ban Nha lập tức làm ầm lên coi Maxton là “tên phát xít Trotskyist”, gián điệp của Gestapo vân vân. Thế nhưng giới Cộng sản Anh lại rất thận trọng tránh nhắc lại cáo buộc này. Trên báo chí Cộng sản Anh, Maxton chỉ còn là “tên phản động, kẻ thù của giai cấp công nhân”, vừa đủ mập mờ một cách tiện lợi. Lý do tất nhiên chỉ là vì những bài học nhớ đời trước đó đã tặng cho báo chí Cộng sản Anh một nỗi sợ hãi lành mạnh đối với luật vu cáo. Lời cáo buộc này không được nhắc lại ở một đất nước nơi nó có thể bị buộc phải chứng minh, là đủ để thừa nhận đấy là một lời dối trá.

Có thể nghĩ tôi đã viết về những cáo buộc vu cho POUM dài hơn cần thiết. So với những khổ nạn to lớn xảy ra trong nội chiến, những cắn xé kiểu nồi da nấu thịt không thể tránh khỏi bất công và buộc tội oan giữa các đảng phái này xem ra tưởng như nhỏ nhặt. Nhưng không hoàn toàn thế. Tôi tin là những vu cáo và những chiến dịch báo chí thuộc loại này, cũng như những thói quen tư duy đứng đằng sau chúng, có thể gây những tổn thất nặng nề cho mục đích chống Phát xít.

Bất kỳ ai có quan tâm chút đỉnh đến chủ đề này đều biết chiến thuật của phe Cộng sản, đối phó với các địch thủ chính trị bằng cách chồng chất cáo buộc lúc một cao, là không có gì lạ. Ngày hôm nay đi đâu cũng nghe “phát xít Trotsky”, hôm qua còn là “phát xít Xã hội”. Mới sáu hay bảy năm trước các phiên xử của Nhà nước Nga vừa “chứng minh” rằng các thủ lĩnh của Quốc tế 2, ví dụ như Léon Blum và nhiều thành viên cốt cán của Đảng Lao động Anh, còn đang ấp ủ một mưu đồ khổng lồ định đem quân xâm lược Liên Xô. Nhưng ngày hôm nay các đảng viên Cộng sản Pháp lại vừa lòng để Blum lãnh đạo mình, còn đảng viên Cộng sản Anh lại rối rít tìm cách lọt vào Đảng Lao động. Tôi không tin thủ đoạn này lại có ích, dù về mặt đấu đá đảng phái đi nữa. Bên cạnh đó, không thể không thấy sự căm hờn và chia rẽ gây ra bởi lời buộc tội “phát xít Trotskyist”. Khắp nơi các đảng viên Cộng sản tốt đen bị phân tán vào cuộc săn lùng các “tay Trotskyist” một cách vô nghĩa, và những đảng kiểu như POUM bị đẩy vào thế chỉ đơn thuần là chống Cộng sản, một vị trí hết sức vô tích sự. Ngay tại đây đã thấy nhen nhóm một cuộc chia rẽ nghiêm trọng trong phong trào công nhân thế giới. Thêm vài lời vu cáo những nhà Xã hội chủ nghĩa kỳ cựu nữa, thêm vài mưu đổ tội như những cáo buộc POUM nữa, là vực chia rẽ có thể không còn vượt nổi. Hy vọng duy nhất là kìm lại những đấu đá chính trị ở một mức còn có chỗ cho bàn luận cặn kẽ. Giữa phái Cộng sản và những người “tả” hơn, hoặc tự nhận mình “tả” hơn so với họ, có một điều khác biệt rõ rệt. Phái Cộng sản cho rằng có thể đánh bại Phát xít bằng cách liên minh với vài bộ phận trong giai cấp tư sản (Mặt trận Dân tộc); phái đối lập cho rằng nước đi này chẳng qua chỉ tạo thêm mảnh đất cho chủ nghĩa Phát xít sinh sôi. Câu hỏi này cần được giải quyết trước; quyết định sai có thể đẩy chúng ta vào hàng thế kỷ gần nô lệ. Nhưng chừng nào lập luận duy nhất vang lên chỉ là tiếng gào “Phát xít Trotskyist!” thì còn chưa thể bắt đầu đối thoại. Tôi, chẳng hạn, sẽ không thể tranh luận ai đúng ai sai trong trận Barcelona với một đảng viên Cộng sản, vì không có đảng viên Cộng sản nào - đấy là nói không có “đảng viên tốt” nào - có thể thừa nhận tôi đã trình bày trung thực các sự việc. Nếu trung thành với “đường lối” đảng mình, người đó sẽ phải tuyên bố tôi nói dối, hoặc đỡ hơn thì cũng là tôi đang lầm lẫn không cứu chữa được, và bất kỳ ai liếc qua trang nhất tờ Daily Worker cả nghìn dặm cách hiện trường sự việc cũng đều nắm rõ tình hình Barcelona hơn tôi. Trong những trường hợp thế này không thể còn tranh luận gì được; tiền đề cơ bản còn không thể thống nhất. Nói những người như Maxton là tay sai phát xít thì được ích lợi gì? Chỉ được cái làm cho tranh luận nghiêm túc không còn cơ hội nữa. Chẳng khác gì giữa chừng cuộc đấu cờ vua bỗng một bên gào lên rằng đối thủ của mình phạm tội đốt nhà hoặc đa thê. Vấn đề thực sự cần bàn đến thì không nói tới. Vu cáo chẳng giải quyết được gì cả.

[Hết chương 11]


1. Báo cáo về hai phái đoàn này có thể xem Le Populaire, 7/9, La Flèche, 18/9; Báo cáo về phái đoàn Maxton đăng trên Independent News (219 Rue Saint-Denis, Paris) và sách bỏ túi của McGovern, Terror in Spain.


Bài liên quan:

- Sách (XXII) Lại bất ngờ
- Chuyện ở nông trại bên Trung Quốc
- Chuyện ở nông trại bên Việt Nam
- Chuyện ở nông trại: Giới thiệu George Orwell

2 comments:

  1. Nhã Nam có xuất bản cuốn này trong tương lai không ạ ?

    ReplyDelete
  2. Sách được in rồi nè:

    Catalonia - Tình Yêu Của Tôi là tác phẩm đứng thứ 3 trong bảng tổng sắp 100 tác phẩm non-fiction hay nhất thế kỉ XX do tờ National Review bình chọn, còn nhà xuất bản Random House thì xếp nó ở vị trí thứ 42. Nó cũng cho ta thấy một hình ảnh George Orwell hoàn toàn khác với một Orwell - tác giả của Trại súc vật và 1984.

    Nghiên cứu thế kỉ XX mà không đọc cuốn sách này là một thiếu sót lớn. - Nhà bình luận Arthur Herman.

    Thông Tin Chi Tiết

    Công ty phát hành Alphabooks
    Nhà xuất bản NXB Thế Giới
    Trọng lượng vận chuyển 380 grams
    Kích thước 14 x 20.5 cm
    Số trang 300
    Ngày xuất bản 07/2013

    ReplyDelete