Jun 6, 2015

[tiện bút] hà nội: các khu tập thể, thẳng và nghiêng

ngày trước, ngày nay và ngày sau



Ngày nay, khó mà hình dung người ta từng có thể thực sự ở sát nhau như thế nào. Khu tập thể có ba đơn nguyên, ba cầu thang riêng rẽ, mỗi tầng có bốn căn hộ, nhưng trừ hai căn hộ nằm giữa lúc nào cũng chỉ thuộc về duy nhất một gia đình, hai căn hộ nằm về hai góc đối xứng nhau, vốn dĩ có diện tích lớn hơn hẳn, thường chia làm đôi. Sẽ là thuận tiện nhất nếu có một ai đó sống độc thân, anh ta hoặc chị ta sẽ ở phần nhỏ hơn - một căn phòng chừng mười lăm mét vuông - dành phần chính còn lại, hai căn phòng tổng cộng khoảng hai mươi lăm mét vuông, ở giữa có bức tường thủng ngăn cách, cho một hộ gia đình. Tất nhiên, lý tưởng nhất là được cả một căn hộ loại đầu hồi này: khi ấy, ví dụ như với căn hộ tầng năm nơi tôi ở, có tận ba hướng cửa sổ, nhìn chung sẽ không bao giờ bị nóng kể cả vào những ngày mất điện, chuyện rất hay xảy ra hồi ấy. Nhưng chỉ các căn hộ loại này ở tầng một, tầng hai dành cho gia đình các lãnh đạo mới được hưởng diễm phúc đó. Càng lên cao càng gần thiên đường, người ta càng sống chen chúc hơn: từ tầng ba trở lên, mọi căn hộ đầu hồi đều là nơi sống chung của mấy gia đình.

Nhà tôi chỉ là một căn phòng, nhưng có đến hai cửa sổ nhìn ra hai hướng. Cửa sổ thứ nhất nhìn xuống ba cái hồ liên tiếp. Vì hay ngồi đó nhìn ra bên ngoài, dần dần đối với tôi, hồ ở thành phố đồng nghĩa với bọn trẻ con chết đuối. Vài tuần lại có một đứa được người ta vớt lên. Đám ma sẽ đi qua hồ trước tiên, bài vị đặt bên bờ hồ, người nhà đứa bé xấu số khóc lóc rầm rĩ, khấn vái ở đó, có nhiều nhà còn lớn tiếng trách móc Hà Bá bắt đứa trẻ đi, rồi, rất tiện, tôi chỉ cần chuyển sang cửa sổ thứ hai là theo dõi được đoạn cuối của đám ma. Cửa sổ ấy nhìn xuống ngay con đường uốn cong dẫn tới cái lò gạch; con đường đất này có đặc biệt nhiều cỏ gà, tôi thường xuống đó vào buổi chiều, tha thẩn vạch đất vạch cỏ tìm những tướng cỏ gà thiện chiến nhất, chúng có màu tía đậm, mùi rất hăng và bên trong có những con vật nhỏ xíu, chẳng rõ gọi là gì. Cỏ gà thiện chiến khi vụt vào cọng cỏ gà của đối phương vẫn còn nguyên nhưng chặt được đứt đầu món cỏ gà kia. Bao nhiêu cái đầu cỏ gà chiến binh đã rụng xuống sau những cuộc đấu, những nhát vụt thật lực; bọn trẻ con ham giết chóc, khoái nhất là dùng que tre vụt đứt đầu mọi thứ cành cây non mới nảy. Nếu để cho lũ trẻ con thực sự tự do, chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn chúng sẽ tiêu diệt toàn bộ cây cỏ trên mặt đất. Đi quá lò gạch một đoạn là đến nghĩa địa, tiếng kèn tò te tí thảm thiết đưa những quan tài nho nhỏ, đoàn người đeo khăn xô nối đuôi nhau tiễn biệt một thằng bé mới bị chết đuối là một cảnh tượng vô cùng sống động. Giờ đây rất ít người còn nhớ, nơi này hồi ấy ngay gần bãi rác của thành phố, gần như không hề có phố xá, bước ra là có thể dễ dàng nhìn thấy xác một con chó chết đang dần trương phình rồi tan rã.

Con đường chúng ta đi được tạo nên từ vô vàn xác chết vô danh trong một quá khứ mịt mù. Một trong những biến cố đầu tiên xảy ra ở căn nhà ấy khi tôi mới chuyển tới không lâu là sự xuất hiện của một con chim. Tôi và thằng Mâng (tôi đã quên tên thật, chỉ còn nhớ biệt danh của nó) nhà hàng xóm mới quen đang ngồi bên cửa sổ nhìn lũ trẻ con tắm dưới hồ thì một cái gì lao vụt đến dữ dội, đập vào song cửa rồi rơi tụt xuống, mắc lại trên bậu cửa bên ngoài. Đó là một con chim rất to, mà cả thằng Mâng lẫn tôi đều không biết là loài chim gì. Nó bay ngang qua đúng chỗ này thì chết. Lẽ ra nó phải tung đôi cánh lớn bay trên không trung, về một phương trời xa xăm, thì lại chết nơi đây, một cách thảm hại, trên bậu cửa sổ nhà tôi, ngay trước mặt tôi. Thằng Mâng bàn đem nướng con chim lên để ăn, nhưng tôi quyết định mang nó xuống khu đất sau nhà chôn. Khu đất ấy rộng ngút tầm mắt và hoang vu, giờ đây nằm sát một trong những phố đông đúc nhất thành phố, và trên nó đã mọc lên một tòa nhà cao tầng. Thời ấy, thời của những khu nhà tập thể gần bãi tha ma, Hà Nội không bao giờ, ngay cả trong những hình dung phấn khích điên rồ nhất, tưởng tượng ra được những tòa nhà cao ba mươi tầng như bây giờ.

Trong căn hộ, nơi tôi thích nhất là khoảng không gian tiếp giáp với cửa ngoài. Lẽ ra nó phải là tiền sảnh, nhưng lại được dùng để chứa đồ, rất nhiều đồ lặt vặt, không ít củi để đun bếp, ngoài cùng dựng vài cái xe đạp, đi qua không để ý rất dễ bị xước chân do va phải mấy cái pê đan. Rất nhiều lần tôi mơ thấy cảnh tất cả đống củi kia bốc cháy đùng đùng. Vào lúc bốn giờ chiều, ánh nắng xiên kiểu gì đó làm chỗ này bỗng chia làm đôi, theo một đường vát nghiêng vô cùng sắc nét, làm một nửa tối om còn nửa kia sáng bừng, lợt nhợt bay vô chừng những hạt rất nhỏ, những bụi bặm li ti mà tôi thích nghĩ là vụn nắng hơn.

Tôi từng là thằng bé ngồi bên cửa sổ nhìn những đám ma diễu qua và chôn những con chim chết lao vào song cửa sổ. Lý tưởng về cái đẹp của tôi là tia nắng xiên nghiêng lúc bốn giờ chiều, chia cuộc đời làm hai nửa sáng tối.

Đường nắng xiên nghiêng ở kho chứa đồ nhà tôi ấy, mặc dù nghiêng nhưng chính là thứ duy nhất thực sự thẳng, thẳng một cách sắc nét, trong thế giới những khu tập thể, nơi không một bức tường nào hoàn toàn phẳng, đóng đinh rất khó, mọi sàn nhà lát đá hoa đều gập gồ, đường chỉ trét xi măng lúc nào cũng phồng lên, chực phòi ra như tuyên bố cho các chủ nhân rằng họ chỉ là chủ nhân bề ngoài, chủ nhân vờ vịt, chủ nhân đích thực của những căn hộ này phải là những sinh linh vô hình nằm bên dưới sàn nhà, trong các khoảng trống mà những viên đá hoa khấp khểnh tạo ra. Các khu nhà tập thể là những tập hợp xuất sắc nhất của những xộc xệch. Cuộc sống lúc nào cũng náo nhiệt nhưng cứ có vẻ gì đó không thật, chỉ là cảnh tượng bày ra đó cho những sinh linh vô hình, những linh hồn lũ trẻ chết đuối xem cho đỡ buồn tủi mà thôi.

Khu nhà tôi thì không đến nỗi nào, nhưng cách một quãng, bên kia khu đất trống và một con đường đất lúc nào cũng lõng bõng nước để gợi nhớ đến tiền thân ao đầm của nó, một khu nhà tập thể khác không may mắn bằng. Nó đã hỗn láo với những gì chứa đựng bên dưới mảnh đất nơi nó mọc lên, một mảnh đất hẳn đầy những hồn ma dữ, chắc nó đã làm các hồn ma không vừa lòng thế nào đó, nên chỉ sau một thời gian ngắn, ai cũng nhận ra là nó đang nghiêng dần đi. Nó sẽ trở thành “khu nhà bị lún” nổi tiếng trong thành phố, một bằng chứng không thể hùng hồn hơn được rất nhiều người nhắc đến nhằm chứng minh rằng có một thời việc xây dựng nhà cửa đã được tiến hành tồi tệ khủng khiếp, rằng mọi thứ có thể lệch lạc đến mức nào. Nhưng đó là chuyện sau này, và là chuyện của người lớn, tức là chẳng mấy quan trọng. Với bọn trẻ con chúng tôi, khu nhà nghiêng đích thực là một kỳ quan, hay ho hơn những khu nhà thẳng tầm thường rất nhiều. Một số đứa thuộc loại biết tuốt so sánh nó với tháp nghiêng Pisa bên Ý; khu nhà này còn vĩ đại hơn nhiều, với kích thước như thế, và nhất là bên trong nó vẫn có người sống, ít nhất là mấy năm đầu, khi người ta còn chưa thực sự lo ngại đến một ngày nó sẽ đổ ụp.

Trò chơi của chúng tôi là tụ tập ở bãi đất tương đối khô ráo gần khu nhà. Cuộc biểu diễn bắt đầu: lần lượt từng đứa bước lên. Yêu cầu là hai chân phải đặt bằng trên mặt đất, hoàn toàn không di chuyển, toàn bộ thân người cũng phải giữ thật thẳng. Rồi bắt đầu đổ người về phía trước, thật từ từ. Giỏi nhất là đứa nào nghiêng được một góc giống y độ nghiêng của khu nhà. Có thể dễ dàng nhìn ra đứa nào thực sự nghiêng được giống như thế. Càng ngày trò này càng trở nên khó hơn, theo đà nghiêng của tòa nhà mẫu, rồi đến lúc không đứa nào làm nổi nữa. Nhưng cũng chỉ cần vậy: sau này nhiều thằng bé sẽ trở thành siêu sao trong màn nhảy bắt chước Michael Jackson.

Một lần, đuổi nhau với thằng Mâng bên nhà nó, tôi húc thẳng vào người mẹ nó, đầu tôi cắm vào hai bầu vú to vĩ đại của bà ấy. Cảm giác vừa đê mê vừa sợ hãi còn đeo đẳng tôi rất lâu, khiến tôi hiếm khi nào mò sang nhà nó. Nó thường sang nhà tôi chơi hơn.

Nhưng có một lần, thằng Mâng không để tôi lảng chuyện. Nó bảo:

“Mày làm giống tao đi. Hôm qua, tao vừa nhòm vào chuồng xí đúng lúc chị Huyền đang ở trong đó. Cái của chị Huyền to bằng ngần này này. Tao nhìn thấy hết.”

Nó xòe rộng hết cỡ một bàn tay để tôi hiểu “cái của chị Huyền” có kích cỡ kỳ diệu đến mức nào. Nhà thằng Mâng là căn hộ cùng tầng và đối diện với nhà tôi, đối xứng phía bên kia. Nhà nó ở phần diện tích lớn hơn, căn phòng còn lại là của chị Huyền, một bà chị quá lứa to béo, mặt đầy mụn và có đầu óc hơi ngớ ngẩn, nghe đâu là cháu một ông phó giám đốc, được nhận vào làm chân tạp vụ và để được hợp lý hóa chuyện phân nhà. Rõ ràng phía bên ấy và phía bên nhà tôi là hai đối cực: phía bên địa phận của thằng Mâng là lãnh thổ của những người đàn bà to béo, do vậy cũng là dễ hiểu khi nó không coi phụ nữ gầy thực sự là phụ nữ. Bên phía nhà tôi (một khu tập thể nhếch nhác và xiên xẹo cũng có hai phía, giống như thế giới thượng lưu cảnh vẻ trong tiểu thuyết của Marcel Proust) lại toàn phụ nữ mảnh khảnh.

Thằng Mâng không buông tha tôi, nó nói tiếp:

“Mày cũng làm giống tao đi, bên nhà mày cũng giống hệt bên nhà tao, rình dễ ợt. Rồi bảo tao xem của chị H. như thế nào. Chắc bằng cái kẹo bột chứ mấy. Mẹ tao nói cái nhà ấy phụ nữ toàn có rắn rết bò trong người, mày thử xem có đúng không, xem có thấy đầu con rắn nào thò ra từ chỗ ấy không.”

Tôi lặng ngắt, dồn toàn bộ sức lực trong người để kiềm chế, nhưng máu vẫn dồn hết lên hai bên thái dương, giật giật như trong cơn sốt. Cũng may mà thằng Mâng thấy tôi không mặn chuyện nên đã sớm chuyển đề tài.

Dẫu vậy, ngày hôm đó cũng không trôi qua một cách yên bình. Khi xuống sân chơi, tôi gây sự với nó nhân lúc tranh giành một con quay, để có cớ đấm cho nó vài phát. Nó rất ức, vì nó biết là tôi đấm thật chứ không chỉ hăm dọa như mọi khi. Cũng có thể nó lờ mờ đoán được nguyên nhân.

Cái thằng ục ịch và được nuôi dưỡng bởi những người đàn bà to béo ấy hóa ra cũng thù dai và biết cách trả thù. Hôm sau, làm lành qua loa với nhau xong, chúng tôi cùng đi cắt trộm dây bìm bìm làm đạn súng cao su. Thằng Mâng chủ động rủ tôi. Khi đã thu gom xong chiến lợi phẩm về nhà tôi, tôi đang lúi húi chọn và phân loại “đạn” thì nghe thằng Mâng gọi “Ê, mày”. Vừa quay đầu lại thì viên đạn bìm bìm của nó lao tới, trúng vào mắt trái tôi. Mắt phải còn lành của tôi, trong khoảnh khắc tôi đưa tay lên ôm lấy chỗ đau, lờ mờ nhìn thằng bạn to béo quay bộ mặt đầy thỏa mãn rồi bỏ đi, về với lãnh thổ của những người đàn bà mang các bộ vú khổng lồ.

Nhưng thằng Mâng nói đúng: nếu muốn, tôi hoàn toàn có thể rình trộm để nhìn chị H. trong toa lét. Việc này quá dễ dàng. Tôi cũng chẳng phải một đứa bé được giáo dục kỹ càng về sự riêng tư, của mình cũng như của người khác - thời ấy, làm gì có đứa trẻ nào như thế - chỉ có trò bắn súng cao su (lần ấy tôi may mắn không bị chột nhưng mãi đến sau này, những khi trở trời, con mắt bị thằng Mâng bắn vẫn nhức buốt) hoặc trò nghiêng người bắt chước một khu nhà nghiêng.

Sau này, có những khoảng thời gian dài, tôi chỉ đọc đi đọc lại Franz Kafka và Marcel Proust - chỉ họ làm tôi cảm thấy chịu đựng được trong cuộc đời hoang vu, Proust thì làm tôi cảm thấy hạnh phúc, còn Kafka thì nuôi dưỡng sự chán nản của tôi bằng những tiếng thầm thì đầy cảm thông: “Xuống nữa đi, xuống thấp hơn nữa đi, sa mạc trước mặt còn mênh mông lắm, vẫn chưa là gì đâu, nếu may mắn thì sa mạc còn là bất tận cơ”.

Căn phòng độc thân của tôi gần như không bao giờ có người lai vãng. Một người đàn ông lỉnh kỉnh những thứ lặt vặt và những kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm, là loại đàn ông đáng ngao ngán nhất trên đời.

Nói thật lòng, tôi cũng không hoàn toàn tuyệt vọng. Vấn đề chỉ là có quen được hay không. Dẫu có khó khăn đến thế nào, cái gì rồi cũng quen được hết. Và dù gì, tôi cũng có Kafka và Proust lúc nào cũng ở bên cạnh tôi, sẵn sàng ủng hộ tôi bằng những gì họ có, bầu bạn với tôi. Một người là bất hạnh, người kia là hạnh phúc. Bởi vì cuộc đời cứ tự chia làm hai, hạnh phúc và bất hạnh, ánh sáng và bóng tối, tốt nhất là cứ liên tục chuyển từ nửa này sang nửa kia. Mà cũng đâu có cách nào khác.

Hoang vu cứ việc tiếp nối hoang vu, dẫu sao mọi chuyện cũng không thể nào tệ hơn được nữa.

Tôi sẽ không bao giờ biết câu trả lời. Cuộc đời này đâu phải là để hiểu. Nó chỉ gồm ánh sáng và bóng tối, ngoài đó ra đâu còn gì khác. Do ngẫu nhiên mà người này ở ngoài ánh sáng, người kia ở trong bóng tối, lại có người chứa chấp cả ánh sáng và bóng tối một cách hỗn độn. Phần lớn thuộc loại thứ ba này. Có gì đâu để giải thích.

Buổi tối mùa đông ấy, tôi bước ra ngoài đường rồi lang thang vô định.

Những buổi tối mùa đông, Hà Nội lúc nào cũng tiêu điều. Trên phố giờ đây không còn nhìn thấy xác chó nằm chết từ từ phân hủy nữa, nhưng vẻ tiêu điều vẫn lưu cữu, truyền lại từ thăm thẳm thời gian quá khứ. Ra đến phố Tôn Đản, những hàng cây che tối từng khoảng vỉa hè. Gần như không có ai trên đường. Đến một khoảng tối, bỗng tôi dừng bước. Hà Nội của tôi buồn quá. Hà Nội lúc nào cũng tối và buồn. Thành phố này có quá nhiều người chết, họ chẳng chịu đi chỗ khác mà cứ ở lại mãi đây. Vui gì mà ở lại? Cơn gió thổi đến, như một tiếng thở dài phát ra từ trong lòng thành phố, xuyên qua bao phố phường quạnh quẽ và hoang vắng. Tiếng thở dài của thành phố bỗng thúc giục tôi làm một việc đã lâu lắm rồi tôi không làm, từ hồi mọi thứ còn rất khác: hai chân bất động, tôi bắt đầu nghiêng người về phía trước, nghiêng mãi, nghiêng mãi. Tôi nghiêng người chào thành phố buồn bã của tôi, sự tiêu điều của tâm hồn tôi nghiêng xuống trước linh hồn thành phố, được làm nên từ biết bao nhiêu hồn ma, trong đó có hồn ma của những đứa trẻ chết đuối mà tôi đã nhìn dõi theo trên chặng đường cuối cùng ra bãi tha ma. Cuộc đời, nói cho cùng, là một nghĩa địa trải rộng buồn bã, không có điểm cuối.

Giá tôi có thể cứ thế nghiêng mãi rồi đổ ập xuống, vỡ vụn tan nát trên lớp gạch lát vỉa hè khấp khểnh.

27 comments:

  1. Mới thêm 1 tuổi nữa được cỡ 1 tháng chứ mấy mà sao u hoài thế ạ ;)

    ReplyDelete
  2. ta chào nhau giữa con đường ^^

    ReplyDelete
  3. Chú Linh ơi, chú không xài fb nữa ạ?

    ReplyDelete
  4. "...có một thời việc xây dựng nhà cửa đã được tiến hành tồi tệ khủng khiếp, rằng mọi thứ có thể lệch lạc đến mức nào." Cháu phát ốm lên với những lời sáo rỗng này mất!

    ReplyDelete
    Replies
    1. đọc giỏi đấy :D bắt phát trúng ngay cái câu kém nhất

      viết review sách đi ^^

      Delete
    2. Hinh như "khăn sô" chứ không phải "khăn xô" bạn Nhị ạ.

      Delete
    3. Ko có nút like thật phiền. Tiện bút này tuyệt cú mèo!

      Delete
  5. ô, "khăn sô" hay "khăn xô" nhỉ

    ReplyDelete
  6. Google toàn khăn xô. Nhưng mà không biết tại sao tên là xô.

    ReplyDelete
  7. yep, chắc "sô" thì mới đúng đấy, từ từ để tìm hiểu thêm ^^

    ReplyDelete
  8. Chú đang nghĩ gì nhỉ? Cháu đọc mãi, tất cả đều quen đối với một đứa từng mê mẩn văn dịch. Nhưng ở đây không thấy một ai.

    ReplyDelete
    Replies
    1. lại ghi thêm một điểm nữa

      khả năng đọc xuất sắc đấy

      đừng bỏ mất

      Delete
  9. Có cửa, có chim, rồi cuối cùng vẫn không có, chán nhỉ.

    ReplyDelete
  10. Rời khỏi kỷ niệm, rời khỏi các ông Kafka, Proust tí đi... Tìm em nào mang bộ vú (chứ k phải bộ óc) khủng mà bầu bạn- có thể đỡ hoang vu chăng?!

    ReplyDelete
  11. chị Nhị Linh làm tí Charlotte cho nó máu nhỉ
    https://www.youtube.com/watch?v=9lYJwNdv3CU

    ReplyDelete
    Replies
    1. hôm nay không chơi DW9 nữa à
      hết lập hạ rồi
      đừng hờn bệ rạc thêm
      đền chầu Heineken với 555 vừa nằm vừa hút
      đem ra biển mà ngắm bikini

      Delete
  12. good good, răng hô mới xinh, ít nhất thì hơn mồm móm, xem phim "Ma Femme est" chưa?

    ReplyDelete
  13. Oh, bad boy, bad reputation let me kiss you ^^

    ReplyDelete
  14. yes phải tuyệt đối đáng ghét

    ReplyDelete
  15. đáng ghét chẳng liên quan gì ở đây

    ReplyDelete
  16. Nơi tôi sinh Hà Nội.
    Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy

    ReplyDelete
  17. nhất là đừng răng khểnh, nhất là đừng khểnh cả hàm
    chưa xem Ma femme, ưu tiên Happily Ever After, vì Charlie Chocolate và Creep, thật ngu khi bập vào Nympho, gần đây lại còn biết nó ra mắt đúng vào quãng Kate Barry chết
    DW9: trời nóng chuột bọ kiến gián bò ra làm hỏng bao nhiêu bánh kẹo, tốt nhất là vươn vai một cái rồi ta đi vào
    u make sense, but u r really a pain in the ss

    ReplyDelete
  18. hoặc như Vanessa Paradis

    ReplyDelete
  19. hay hay cái mỹ linh, Lone ạ

    ReplyDelete