Feb 25, 2017

Balzac: Một vụ việc ám muội

Tôi vẫn cứ ngồi đó, đọc Balzac cho đến hết buổi chiều.

Cho đến lúc này, ta đã có: Albert Savarus (ngay ở đầu, Balzac mỉa đám sưu tầm, cho rằng bọn sưu tầm kiểu gì cũng bị điên, hehe), đó là một trong những tác phẩm đầu tiên của La Comédie humaine, thuộc "Scènes de la vie privée"; ta đã có Séraphîta, tác phẩm cuối cùng của phần "Études philosophiques"; ta cũng đã có FerragusMặt bên kia của lịch sử hiện thời, tức là tác phẩm mở đầu và tác phẩm kết thúc của phần "Scènes de la vie parisienne".

Trong cấu trúc của mình, La Comédie humaine mở ra bằng "Études de moeurs", phần này gồm tổng cộng sáu loạt "xen", trong đó mở đầu là "Scènes de la vie privée", tiếp đến là "Scènes de la vie de province" (cuộc sống ở tỉnh), rồi đến "Scènes de la vie parisienne", kết thúc bằng Mặt bên kia của lịch sử hiện thời, như đã nói ở trên. Loạt "xen" ngay tiếp theo là "Scènes de la vie politique" (cuộc sống chính trị), ở đây có một trong những kiệt tác lớn nhất của toàn bộ La Comédie humaine: Une ténébreuse affaire, tức Một vụ việc ám muội; ở loạt "xen" tiếp theo các xen "chính trị", "Scènes de la vie militaire" (cuộc sống nhà binh) - loạt này chỉ gồm hai tác phẩm - có một tiểu thuyết lớn khác, Les Chouans (đã có bản dịch tiếng Việt).

Tôi từng có một học kỳ phải nghiên cứu Một vụ việc ám muội, cùng vài tác phẩm khác, nhưng phải đến lần đọc lại này, tôi mới thực sự nhận ra tầm vóc khủng khiếp của nó. Đây là một trong những tiểu thuyết đậm chất Balzac nhất, đáng sợ trong từng dòng, u tối, và rất rõ tương phản giữa to lớn-tỉ mỉ, cao quý-bần tiện, tình yêu-căm hận, âm mưu-ngay thẳng, và nhất là, không một thời điểm nào của câu chuyện buông lỏng gọng kìm gợi ý về định mệnh: số phận là số phận, số phận không phải thứ để mà thoát ra, dẫu có nỗ lực đến đâu; thật ra, về cơ bản, nỗ lực là một sự vô nghĩa lớn. Một vụ việc ám muội rung lên nỗi hãi hùng, không ngừng và không ngừng.

Người ta hào hứng với Javert của Victor Hugo, nhưng nhân vật Corentin của Balzac còn là sáng tạo xuất chúng hơn nhiều, Corentin là kết tinh của thế giới cảnh sát, mật thám, là một bông hoa hiểm ác của thế giới âm mưu. Trong Splendeurs et misères des courtisanes (Bước thăng trầm của kỹ nữ), Corentin, có quan hệ mật thiết với ông lớn Fouché đáng sợ, đã lên đến chức giám đốc cảnh sát chính trị, chính là người ra lệnh bắt Vautrin và Lucien de Rubempré. Nhưng các câu chuyện thuộc "Scènes de la vie politique" và "Scènes de la vie militaire" mới thực sự là sân khấu cho một nhân vật tầm cỡ như Corentin: Corentin đóng vai trò cốt yếu trong Les Chouans của loạt tác phẩm "nhà binh" và trong Một vụ việc ám muội, Corentin là một trong những nhân vật xuất sắc nhất, mặc dù nhân vật chính của tác phẩm là Michu, cũng một con người khủng khiếp, và cô thiếu nữ quý tộc de Cinq-Cygne, thêm một con người khủng khiếp nữa.

Một vụ việc ám muội cũng là một trong mấy khoảnh khắc lớn nhất của văn chương trong chủ đề Napoléon và các trận đánh. Đối với Stendhal, trong La Chartreuse de Parme, đó là trận Waterloo, đối với Tolstoy, trong Chiến tranh và hòa bình, đó là trận Austerlitz, và đối với Balzac, đó là trận Iéna (Jena), và là trong Một vụ việc ám muội này. Balzac là thiên tài trong miêu tả cuộc sống của quý tộc, nhưng cũng là thiên tài, thậm chí còn thiên tài hơn, trong miêu tả kẻ thù số một của giới quý tộc Pháp, Napoléon.

Một vụ việc ám muội u ám, tối, sẫm, bi thảm, nhưng, theo đúng quy luật tương phản, với một số tương phản đã được nêu ở trên, nó lại rất rực rỡ. Nó mở đầu bằng hình ảnh mặt trời, trong một incipit thuộc loại đáng nhớ nhất của lịch sử văn chương.




Một vụ việc ám muội


Tặng ông de Margonne,

Người khách đầy lòng biết ơn của ông tại lâu đài Saché,

De Balzac



Phần thứ nhất

NHỮNG PHIỀN MUỘN CỦA CẢNH SÁT


Mùa thu năm 1803 là một trong những mùa thu đẹp nhất của đoạn đầu thế kỷ này, cái đoạn mà chúng ta gọi là Đế Chế[1]. Vào tháng Mười, vài cơn mưa đã tưới mát các cánh đồng, cây cối vẫn xanh tuyền và rậm lục cho tới tận giữa tháng Mười một. Thế nên dân chúng bắt đầu thiết lập, giữa trời và Bonaparte, khi ấy đã tuyên xưng tổng tài trọn đời, sự thông hiểu mang lại một trong những thanh thế cho con người ấy; và, một điều thật lạ! cái ngày, hồi năm 1812, mặt trời đi vắng với ngài, thì những thịnh vượng của ngài cũng ngưng luôn[2]. Ngày mười lăm tháng Mười một năm đó, quãng bốn giờ chiều, mặt trời như thể rắc xuống một thứ bụi đỏ phủ lên các ngọn cây cổ thụ của bốn hàng du trồng trên một con đường lãnh chúa dài; nó làm ánh lên cát cùng các túm cỏ của một bùng binh rất rộng, loại bùng binh mà ta hay bắt gặp tại các vùng nông thôn nơi trước kia đất quá rẻ, thành thử chẳng việc gì phải dùng để trang trí. Không khí thì trong lành, tứ phía thì êm dịu, đến mức một gia đình đang hóng mát như thể đang là mùa hè. Một người đàn ông vận cái áo vest vải cutin dùng để đi săn màu lục, hàng cúc màu lục và quần ngắn cùng chất vải, đi đôi giày đế mỏng, chân quấn vải cutin cao đến đầu gối, lau chùi một khẩu cạc bin với sự chăm chút mà các thợ săn khéo léo dành cho công việc này, vào những thời khắc nhàn hạ. Người đàn ông ấy không có túi đựng thú săn lẫn thú săn được, rốt cuộc là bất cứ chi tiết nào thông báo hoặc sự khởi hành hoặc sự trở về của cuộc săn, và hai người đàn bà, ngồi gần ông, nhìn ông và như thể bị hành hạ bởi một nỗi kinh hoàng giấu vụng. Bất kỳ ai, trốn trong bụi rậm, trông thấy cảnh tượng này, hẳn cũng sẽ run lên giống như bà mẹ vợ già và vợ của người đàn ông kia đang run. Lẽ dĩ nhiên, một thợ săn không thể hiện ngần ấy cẩn trọng tỉ mẩn để giết con mồi, và không sử dụng, tại tỉnh Aube[3], một khẩu cạc bin nặng nòng xoáy.

“Anh định đi săn hoẵng đấy à, Michu?” người vợ trẻ xinh đẹp vừa hỏi vừa cố nặn ra một vẻ mặt tươi cười.

Trước khi trả lời, Michu săm soi con chó của mình, nó đang nằm ườn sưởi nắng, bốn chân chĩa ra phía trước, mõm gục lên cẳng, trong dáng điệu quyến rũ của lũ chó săn, vừa ngẩng phắt đầu lên hít ngửi về phía trước, hướng con đường lớn chạy dài một phần tư dặm và một đường cắt ngang dẫn sang bên trái của bùng binh.

“Không, Michu đáp, nhưng có một con quái vật mà anh không muốn hụt mất, một con linh miêu.” Con chó, một con giống épagneul tuyệt đẹp, lông trắng đốm nâu, kêu gừ gừ. “Được rồi, Michu lên tiếng, nói với chính mình, lũ gián điệp[4]! trong vùng đang nhung nhúc chúng.”

Bà Michu ngước nhìn trời, vẻ đau đớn. Là một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp với cặp mắt xanh lơ, giống một bức tượng cổ, tư lự và trầm mặc, trông cô dường như đang bị cấu xé bởi một nỗi sầu muộn đen tối và cay đắng. Dáng vẻ người chồng có thể giải thích đến một mức độ nào đó nỗi kinh hoàng của hai người đàn bà. Các quy luật về vẻ bên ngoài là chính xác, không chỉ trong việc áp chúng vào tính cách, mà còn trong tương quan với tính chất định mệnh của sự tồn tại. Có những vẻ ngoài rất tiên tri. Nếu có thể, và sự thống kê sống động này rất quan trọng cho Xã Hội, có một bức tranh chuẩn xác vẽ những ai chết trên đoạn đầu đài, hẳn bộ môn khoa học của Lavater và của Gall sẽ chứng minh một cách không thể chối cãi rằng trên nét mặt của tất cả những người đó, ngay cả ở những ai vô tội, có các dấu hiệu kỳ lạ. Đúng, Định Mệnh in dấu của nó lên khuôn mặt những người phải chết bằng một cái chết bạo liệt nào đó! Thế nhưng, dấu triện này, lồ lộ trong mắt người quan sát, đang hằn rõ trên vẻ mặt giàu biểu cảm của người đàn ông mang khẩu súng cạc bin. Nhỏ thó và béo chắc, thoăn thoắt và lanh lẹ như một con khỉ dẫu tính cách bình lặng, Michu có một khuôn mặt trắng, gân guốc, cương nghị như người Kalmouk, cộng thêm mái tóc đỏ, xoăn, tổng thể trông có vẻ hung dữ. Cặp mắt màu vàng nhạt của ông trưng bày, giống như mắt hổ, một chiều sâu nội tâm nơi cái nhìn của kẻ nào dò xét ông sẽ chìm nghỉm vào, mà chẳng gặp ở đó chuyển động hay sức nóng. Chăm chăm, sáng rực và nghiệt ngã, cặp mắt ấy rốt cuộc sẽ gây sợ hãi. Sự trái ngược thường hằng giữa vẻ bất động của cặp mắt và sự hoạt náo của cơ thể lại càng làm gia tăng cảm giác giá băng mà Michu tạo ra khi thoạt nhìn. Rất chóng vánh ở người đàn ông này, hành động hẳn phụng sự một ý nghĩ duy nhất; cũng như, ở các loài thú, cuộc sống là không suy nghĩ nhằm làm lợi cho trực giác. Từ năm 1793, ông đã để bộ râu màu hung của mình theo hình cái quạt xòe ra. Dẫu cho giả dụ ông không, vào thời kỳ Khủng Bố, là chủ tịch một câu lạc bộ Jacobin[5], thì chỉ riêng cái vẻ đặc biệt ấy của khuôn mặt thôi hẳn cũng đã khiến thật khủng khiếp khi nhìn ông. Khuôn mặt giống mặt Socrate này, với cái mũi tẹt, được choàng lên một vầng trán rất đẹp, nhưng gồ đến độ như thể phủ được bóng xuống mặt. Cặp tai rất vểnh sở hữu một hoạt năng giống như ở các con thú hoang, lúc nào cũng cảnh giác cao độ. Cái miệng, mở hé bởi một thói quen khá hay gặp ở những người nông thôn, để lộ hàm răng khỏe và trắng như các hạt hạnh nhân, nhưng không đều hàng lối. Đám râu trên má dày và bóng loáng bao viền khuôn mặt trắng đôi chỗ đốm tím ấy. Mái tóc cắt ngắn ở phần mái, dài hai bên mai và sau gáy, khiến cho, bởi màu đỏ rực của nó, nổi bật một cách hoàn hảo tất tật những gì lạ thường và định mệnh ở cái vẻ ngoài này. Cái cổ, ngắn và bè, cám dỗ lưỡi dao chém đầu của Luật Pháp. Vào lúc này, mặt trời, phủ trùm lên nhóm người, chiếu sáng rực rỡ ba khuôn mặt kia, mà chốc chốc con chó lại ngẩng lên nhìn. Thêm nữa, cảnh ấy diễn ra trên một sân khấu tuyệt vời. Bùng binh này nằm ở rìa khu vườn Gondreville, một trong những mảnh đất phong nhiêu nhất của nước Pháp và, khỏi phải bàn cãi, đẹp nhất của tỉnh Aube: những con đường lớn trồng du tuyệt đẹp, tòa lâu đài dựng theo các bản vẽ của Mansard[6], khu vườn rộng một nghìn năm trăm arpent[7] có tường bao quanh, chín trang trại lớn, một cánh rừng, các cối xay gió và nhiều đồng cỏ. Mảnh đất gần như vương giả này hồi trước Cách Mạng thuộc về gia đình de Simeuse. Ximeuse là một đất phong nằm ở Lorraine. Cái tên được phát âm là Simeuse, và rốt cuộc người ta viết nó theo cách đọc.

Sản nghiệp lớn của gia đình Simeuse, các nhân vật quyền quý gắn kết với nhà Bourgogne, bắt nguồn từ thời nhà Guise đe dọa nhà Valois. Trước tiên là Richelieu, rồi Louis XIV, nhớ ra lòng tận tụy của gia đình Simeuse đối với nhà Lorraine phiến loạn, và hắt hủi họ. Hầu tước de Simeuse khi ấy, cựu thành viên ủng hộ nhà Bourgogne, cựu thành viên ủng hộ nhà Guise, cựu thành viên Ligue, cựu thành viên Fronde (cụ đã nhận truyền thừa từ bốn niềm căm hận lớn của giới quý tộc dành cho vương quyền)[8], đến sống ở Cinq-Cygne. Vị triều thần này, bị đẩy bật khỏi Louvre, đã lấy vợ góa của bá tước de Cinq-Cygne, nhánh thứ của gia đình de Chargeboeuf lừng danh, một trong những gia đình xuất chúng nhất của vùng thái ấp bá tước Champagne cổ xưa, nhưng cũng trở nên nổi tiếng ngang bằng và thịnh vượng hơn nhánh trưởng. Hầu tước, một trong những người giàu nhất thuở đó, thay vì lụn bại ở triều đình, xây dựng Gondreville, phân chia thành các khu, và ghép thêm vào đó các mảnh đất, chỉ với một mục đích duy nhất là biến nó thành một khu đất săn thượng hạng. Ông cũng xây tại Troyes dinh thự de Simeuse, cách dinh thự de Cinq-Cygne không mấy xa. Ở Troyes, trong suốt một thời gian dài, chỉ có hai ngôi nhà cổ xưa này cùng Tòa Giám mục là các công trình bằng đá. Hầu tước bán Simeuse cho công tước de Lorraine. Con trai ông phá tán tiền tiết kiệm và một chút ít trong cái gia sản lớn ấy, dưới triều của Louis XV; nhưng trước hết người con trai trở thành tư lệnh tàu chiến, rồi phó đô đốc, và sửa chữa những trò rồ dại thời trẻ bằng những quân công chói lọi. Hầu tước de Simeuse, con trai vị thủy sư đó, đã bỏ mạng trên đoạn đầu đài, tại Troyes, để lại hai đứa con trai sinh đôi, họ đi lưu vong[9], và vào thời điểm này đang ở nước ngoài, đi theo số phận của gia đình Condé.

Bùng binh này trước kia là điểm hẹn đi săn của Hầu Tước Vĩ Đại. Trong gia đình, người ta gọi Simeuse người xây dựng Gondreville như vậy. Kể từ năm 1789, Michu sống ở điểm hẹn này, ngay bên trong khu vườn, xây vào thời Louis XIV, và mang cái tên chòi Cinq-Cygne. Ngôi làng Cinq-Cygne nằm ở cuối khu rừng Nodesme (do Notre-Dame viết sai mà ra), con đường bốn hàng du, nơi con chó Couraut đang đánh hơi đám gián điệp, dẫn tới đó. Kể từ khi Hầu Tước Vĩ Đại từ trần, cái chòi này hoàn toàn bị bỏ hoang. Vị phó đô đốc vẫn còn in bóng trên biển và tại triều đình nhiều hơn ở vùng Champagne, và con trai ông giao cái chòi xập xệ cho Michu làm chỗ ở.

Ngôi nhà cao quý này được xây bằng gạch, điểm xuyết thêm đá vân ở các góc, các cánh cửa và cửa sổ. Tứ phía bao bọc hàng rào lưới bằng thứ kim loại tốt, nhưng gỉ hoen. Sau hàng rào là đến một cái hào rộng và sâu, từ đó mọc lên những cây cối cường tráng, với hàng lan can tua tủa những chi tiết sắt uốn trưng bày vô số mũi nhọn hoắt của chúng cho lũ bất lương thấy.

Các bức tường của khu vườn chỉ bắt đầu ở bên kia vòng chu vi tạo ra bởi bùng binh. Bên ngoài, vòng bán nguyệt tuyệt đẹp được vẽ nên bởi các ta luy trồng du, cũng giống như vòng tương ứng bên trong vườn được hình thành từ những khối cây xuất xứ ngoại lai. Vậy nên cái chòi nằm ngay trung tâm bùng binh vạch nên bởi hai cái móng ngựa kia. Michu đã cải tạo mấy căn phòng cũ ở tầng trệt thành một tàu ngựa, chuồng gia súc, một căn bếp và kho đựng củi. Từ vẻ huy hoàng cổ xưa, dấu vết duy nhất còn lại là một phòng sảnh lát đá hoa cương màu đen trắng, nơi người ta bước vào, từ phía khu vườn, nhờ một trong các cửa kiêm cửa sổ gắn những vuông kính nhỏ, như vẫn giống hệt vậy ở Versailles trước khi Lous-Philippe biến nơi đó thành bệnh viện cho các vinh quang của nước Pháp. Bên trong, chòi được chia ra bởi một cầu thang cũ bằng gỗ đã mọt, nhưng đầy tính cách, nó dẫn lên tầng thứ nhất, ở đó có năm phòng, trần hơi thấp. Bên trên nữa là một tầng áp mái mênh mông. Công trình đáng kính này được phủ lên trên cùng bằng một hệ thống mái đồ sộ bốn cạnh với đỉnh chóp được trang trí hai khóm họa tiết bằng chì, và trổ bốn ô tròn nhỏ mà Mansard yêu quý đầy hữu lý[10]; bởi vì ở Pháp, tầng mái và các mái nhà phẳng theo lối Ý là một điều ngớ ngẩn bị khí hậu phản đối dữ dội. Michu để đồ lông và da ở đó. Toàn bộ phần khu vườn bao quanh cái chòi cũ này đều theo kiểu Anh. Cách một trăm mét là một mặt nước xưa là hồ, đã thu nhỏ trở thành một cái ao lắm cá, chứng nhận sự hiện diện của nó cả bằng một màn sương mù mỏng phía trên đám cây cũng như tiếng nghìn con ếch, cóc và các loại lưỡng thê lắm điều khác ộp oạp lúc hoàng hôn. Vẻ tiêu điều của mọi thứ, sự im lặng sâu thẳm của rừng, phối cảnh của con đường lớn với rừng cây xa xa, cả nghìn chi tiết, những hàng rào sắt hoen gỉ, những đống đá phủ rêu mượt, tất tật đều thi vị hóa cho cái công trình này, hiện nó vẫn tồn tại.

Vào thời điểm câu chuyện này bắt đầu, Michu dựa vào một trong các hàng lan can phủ rêu trên đó nổi bật lên túi đựng thuốc súng, cái mũ cát két, khăn mùi soa, một tuốc-nơ-vít, giẻ lau, tóm lại là tất cả các vật dụng cần thiết cho công việc đáng ngờ mà ông đang làm. Ghế của vợ ông được đặt dựa lưng vào bên cạnh cửa ngoài chòi, bên trên đó vẫn còn gia huy của nhà de Simeuse, được chạm đậm nét cùng khẩu hiệu đẹp đẽ: Si meurs![11] Bà mẹ, ăn vận giống như một nông dân, đã đặt ghế của mình trước bà Michu để có thể giấu hai chân khỏi sự ẩm ướt, đặt chúng lên một cây gậy.

“Thằng bé có nhà không? Michu hỏi vợ.

- Nó đang loăng quăng ngoài ao, nó mê lũ ếch và côn trùng lắm”, bà mẹ trả lời.

Michu huýt gió, nghe mà phát run. Sự mau mắn trong cách đứa con trai của ông chạy tới cho thấy tính chất bạo chúa thực thi dưới tay người tá điền[12] của Gondreville. Michu, kể từ năm 1789, nhưng đặc biệt từ 1793, đã gần như trở thành chủ của khu đất này. Nỗi hãi hùng mà ông gây cho vợ, bà mẹ vợ, cho một gia nhân bé nhỏ tên là Gaucher, và cho một cô hầu mang tên Marianne, được đồn đại trong phạm vi mười dặm quanh đó. Có lẽ không nên chần chừ lâu thêm nữa trong việc cung cấp các nguyên do cho tình cảm này, cái tình cảm, vả lại, sẽ hoàn chỉnh, ở phương diện tinh thần, bức chân dung Michu.

Ông hầu tước già de Simeuse mất tài sản vào năm 1790; nhưng, các sự kiện ào đến quá bất ngờ, ông đã không thể giao khu đất Gondreville đẹp đẽ của mình vào những bàn tay trung thành. Bị buộc tội có giao du với công tước de Brunswick và hoàng thân de Cobourg, hầu tước de Simeuse và vợ bị tống vào tù và kết án tử hình bởi tòa án cách mạng Troyes, với chánh án là bố của Marthe. Rồi mảnh đất đẹp này được rao bán công khai. Vào thời điểm hành quyết ông hầu tước và bà hầu tước, người ta nhận ra, chẳng phải là không có chút hãi hùng, người trông coi[13] khu đất Gondreville, người, đã trở thành chủ tịch của câu lạc bộ Jacobin ở Arcis, tới Troyes để chứng kiến. Vốn là con trai một nông dân thuần phác và là trẻ mồ côi, Michu, được hưởng rất nhiều lòng tốt của bà hầu tước, người đã giao cho ông chân trông coi, sau khi sai đưa ông vào sống ở lâu đài để nuôi dạy, bị coi là một Brutus trong mắt những người đang lên cơn ngây ngất; nhưng trong vùng mọi người không còn thấy ông nữa sau tình tiết đẫm màu bội bạc này. Mua khu đất là một người Arcis tên là Marion, cháu gọi là ông của một quản lý tài sản[14] của gia đình de Simeuse. Con người này, vốn là trạng sư trước cũng như sau Cách Mạng, sợ người trông coi, và giao cho ông làm tá điền, trả ông ba nghìn livre tiền công và cho ông hưởng lợi trên các sản vật bán được. Michu, đã được coi là sở hữu chừng chục nghìn franc, được bảo vệ bởi danh tiếng người ái quốc của mình, lấy con gái một thợ thuộc da Troyes, yếu nhân của Cách Mạng tại thành phố này, nơi ông làm chánh án tòa cách mạng. Người thợ thuộc da, con người của lòng tin, xét về tính cách rất giống Saint-Just[15], về sau sẽ dính dáng vào âm mưu của Babeuf[16], và tự sát để tránh bị xử án. Marthe là cô gái đẹp nhất Troyes. Vậy nên, mặc cho sự khiêm nhường gây nhiều cảm động của cô, cô đã bị ông bố đáng sợ bắt phải đóng vai nữ thần Tự Do trong một buổi lễ cộng hòa. Người mua khu đất trong vòng bảy năm không đặt chân tới Gondreville đến ba lần. Ông của ông từng là quản lý tài sản cho nhà de Simeuse, thành thử cả Arcis tưởng đâu công dân Marion đại diện cho các ông de Simeuse. Chừng nào kỳ Khủng Bố còn tiếp diễn, tá điền của Gondreville, người ái quốc tận tâm, con rể chánh tòa cách mạng của Troyes, được ve vãn bởi Malin (từ Aube), một trong các Đại Diện của Tỉnh, còn là đối tượng cho một dạng kính trọng. Nhưng khi Montagne[17] đã thua cuộc, vào lúc ông bố vợ tự sát, Michu trở thành một con dê tế thần; tất cả mọi người vội vã gán cho ông, cũng như cho bố vợ của ông, các hành động mà về phần mình, ông hoàn toàn xa lạ. Người tá điền nổi xung chống lại sự bất công của đám đông; ông trở nên cứng rắn và có một thái độ thù địch. Lời nói của ông trở nên táo bạo. Tuy nhiên, kể từ 18 brumaire, ông giữ nguyên sự im lặng sâu thẳm vốn dĩ là triết lý của những người mạnh; ông không còn chiến đấu chống lại ý kiến chung, ông chỉ hành động mà thôi; lối hành xử khôn ngoan này khiến ông được coi là một kẻ điêu trá, vì ông sở hữu, xét về đất đai, một sản nghiệp chừng một trăm nghìn franc. Trước hết, ông không tiêu xài gì; rồi tài sản này đến với ông một cách đàng hoàng, nhờ món thừa kế từ bố vợ cũng như từ sáu nghìn franc mỗi năm mà vị trí của ông mang lại, cả tiền lãi cũng như tiền lương. Tuy ông làm tá điền từ mười hai năm nay, tuy ai cũng có thể nhẩm tính được tổng số tiền tiết kiệm của ông, nhưng khi, vào đầu kỳ Tổng Tài, ông bỏ năm mươi nghìn franc mua một trang trại, thì vẫn dậy lên những lời buộc tội chống lại cựu thành viên Montagne, người dân Arcis cho rằng ông có ý đồ vớt vát danh tiếng bằng cách tạo lập một tài sản lớn. Thật không may, vào đúng thời điểm người ta bắt đầu lãng quên ông, một vụ việc ngu xuẩn, bị tẩm thuốc độc bởi thói ngồi lê đôi mách nhà quê, lại làm sống dậy lòng tin chung vào tính khí dữ dằn của ông.

Một tối nọ, khi rời khỏi Troyes, đi cùng vài nông dân trong đó có chủ trang trại Cinq-Cygne, ông để rơi một tờ giấy trên đường cái quan; người chủ trang trại, đi cuối cùng, cúi xuống nhặt nó lên; Michu ngoái đầu lại, nhìn thấy tờ giấy trên tay người kia, ông bèn rút phắt một khẩu súng giắt ở thắt lưng, lên đạn và chĩa nó vào người chủ trang trại, ông ta có biết đọc, nói sẽ bắn vỡ óc ông ta nếu dám mở tờ giấy ra xem. Hành động của Michu quá nhanh, quá dữ, giọng nói của ông gây quá nhiều sợ hãi, cặp mắt ông quá long sòng sọc, nên tất cả mọi người sợ lạnh hết lưng. Người chủ trang trại Cinq-Cygne, lẽ dĩ nhiên, trở thành kẻ thù của Michu. Cô de Cinq-Cygne, em họ của hai anh em de Simeuse, chỉ còn lại độc một trang trại, đó là toàn bộ tài sản của cô, và cô sống ở lâu đài Cinq-Cygne. Cô chỉ sống vì hai người anh em sinh đôi họ hàng của cô, cùng họ cô đã chơi đùa hồi còn nhỏ tại Troyes và Gondreville. Anh trai duy nhất của cô, Jules de Cinq-Cygne, đi lưu vong trước anh em de Simeuse, đã chết ở gần Mayence[18]; nhưng do một may mắn khá hiếm có rồi sẽ được kể, cái tên de Cinq-Cygne đã không lụi đi vì thiếu đàn ông. Vụ việc giữa Michu và người chủ trang trại Cinq-Cygne gây tai tiếng lớn trong Khu, và làm sạm lại những sắc bí hiểm bao phủ lấy Michu; nhưng câu chuyện ấy còn chưa phải là duy nhất khiến ông trở nên đáng gờm. Vài tháng sau cảnh trên, công dân Marion cùng công dân Malin tới Gondreville. Có tin đồn là Marion sẽ bán mảnh đất của mình cho Malin[19], người đã được các sự kiện chính trị phụng sự rất nhiều, và vừa được Đệ nhất Tổng tài bổ nhiệm vào Hội đồng Nhà nước để tưởng thưởng cho các công trạng của ông hồi 18 brumaire. Những kẻ sính chính trị ở thành phố Arcis nhỏ bé đoán rằng Marion cho công dân Malin mượn tên thay vì cho anh em de Simeuse mượn tên. Ông cố vấn Nhà nước quyền lực hùng mạnh là nhân vật lớn nhất của Arcis. Ông đã cử một trong những người bạn chính trị của mình tới Dinh Tỉnh trưởng của Troyes, ông đã giúp con trai một chủ trang trại của Gondreville, tên là Beauvisage, được miễn quân dịch, ông giúp đỡ mọi người. Thế nên việc này hẳn sẽ không gặp trở ngại lôi thôi trong vùng, nơi Malin thống trị và là nơi ông vẫn còn thống trị. Ta đang ở bình minh của Đế chế. Những ai ngày hôm nay đọc các câu chuyện về Cách Mạng Pháp hẳn sẽ không bao giờ hiểu những khoảng trống mênh mông mà suy nghĩ công chúng đặt vào giữa các sự kiện gần nhau tới vậy thời đó. Nhu cầu chung hướng tới yên bình và ổn định mà bất kỳ ai cũng cảm thấy sau những bùng nổ dữ dội làm nảy sinh một sự lãng quên hoàn toàn đối với các sự việc nghiêm trọng nhất trước kia. Lịch Sử già đi rất nhanh, thường trực chín muồi bởi các lợi ích mới mẻ và cháy bỏng. Thành ra chẳng một ai, ngoại trừ Michu, tìm kiếm quá khứ của vụ việc này, hóa ra nó hết sức đơn giản. Marion, hồi đó, đã mua Gondreville với giá sáu trăm nghìn franc bằng assignat[20], bán nó với giá một triệu bằng écu; nhưng khoản tiền duy nhất mà Malin bỏ ra là phí trước bạ. Grévin, một chiến hữu cùng ngành luật của Malin, đương nhiên ủng hộ mánh khóe này, và vị cố vấn Nhà nước thưởng cho ông bằng cách khiến ông được phong chưởng khế ở Arcis[21]. Khi tin này bay tới cái chòi, nhờ công người chủ của một trang trại nằm giữa rừng và khu vườn, phía bên trái con đường lớn đẹp đẽ, trang trại mang cái tên Grouage, mặt Michu tái nhợt đi và ông ra khỏi nhà; ông đi rình Marion, và rốt cuộc gặp nhân vật ấy, đang bách bộ một mình trên một lối đi của khu vườn. “Ngài định bán Gondreville? - Đúng, Michu ạ, đúng. Anh sẽ có một ông chủ rất hùng mạnh. Ông cố vấn Nhà nước là bạn của Đệ nhất Tổng tài, ông có mối liên hệ rất mật thiết với tất cả các bộ trưởng, ông ấy sẽ bảo vệ anh. - Tức là ông đã giữ đất cho ông ta? - Tôi không nói điều đó, Marion đáp. Hồi ấy tôi không biết nên dùng tiền của tôi để làm gì, và để cho an toàn, tôi đã chi vào các món tài sản quốc gia; nhưng thật không hợp lý nếu tôi giữ khu đất từng thuộc về gia đình nơi cha tôi… - Từng là gia nhân, quản lý tài sản, Michu nói, đầy bạo liệt. Nhưng ông sẽ không bán nó! tôi muốn nó, tôi có thể trả tiền cho ông. - Anh? - Đúng, tôi, nghiêm túc đấy, và bằng vàng, tám trăm nghìn franc… - Tám trăm nghìn franc? anh lấy số tiền đó ở đâu vậy? Marion hỏi. - Liên quan gì đến ông”, Michu đáp. Rồi, dịu giọng xuống, ông nhỏ giọng nói thêm: “Bố vợ tôi đã cứu sống nhiều người! - Anh chậm chân mất rồi, Michu ạ, việc đã thỏa thuận xong. - Ông hoãn nó lại đi, thưa ông! viên tá điền hét lên, túm lấy ông chủ và siết chặt lấy ông như một cái ê-tô. Tôi bị căm ghét, tôi muốn trở nên giàu có và hùng mạnh; tôi phải có Gondreville! Hãy biết điều đó, tôi không thiết gia cuộc sống, còn ông, hoặc ông bán khu đất cho tôi, hoặc tôi sẽ bắn vỡ sọ ông… - Nhưng ít nhất thì cũng phải có thời gian để tôi xoay xở với Malin chứ, ông ấy không dễ chơi đâu… - Tôi cho ông hai mươi tư tiếng. Nếu ông hở một lời về chuyện này, tôi sẽ lo sao để cắt đầu ông giống như người ta cắt một cây củ cải…” Marion và Malin rời khỏi lâu đài trong đêm. Marion sợ, và kể cho viên cố vấn Nhà nước cuộc gặp kia, nói thêm rằng cần phải để mắt tới viên tá điền. Đối với Marion không thể có chuyện thoái thác bổn phận giao khu đất này cho người đã thực sự chi trả cho ông, và Michu không có vẻ gì là người hiểu được cũng như chấp nhận một lý do như vậy. Vả lại, công việc này, mà Marion làm cho Malin, sẽ là và đã là nguồn gốc cho vận hạn chính trị của ông cũng như của em trai ông. Malin khiến, vào năm 1806, trạng sư Marion được phong chánh tòa của một Tòa án Đế chế, và ngay từ khi chức vụ tổng thu thuế được tạo ra, ông kiếm về cho em trai của viên trạng sư khu vực thu thuế tỉnh Aube. Vị cố vấn Nhà nước bảo Marion ở lì Paris, đồng thời thông báo cho bộ trưởng Cảnh sát[22] để cơ quan này theo dõi viên trông coi. Tuy nhiên, nhằm không đẩy đối tượng đến chỗ thực hiện các hành vi quá khích, và có lẽ cũng là để kiểm soát tốt hơn, Malin vẫn để Michu giữ vị trí tá điền, dưới sự giám sát của viên chưởng khế xã Arcis. Kể từ thời điểm ấy, Michu, mỗi lúc một trở nên trầm lặng và tư lự hơn, gánh lấy danh tiếng một kẻ có khả năng gây một cú táo tợn. Malin, cố vấn Nhà nước, chức vụ mà Đệ nhất Tổng tài khi ấy biến thành ngang hàng với chức bộ trưởng, là một trong những người chấp bút viết Bộ Luật[23], đóng một vai trò to lớn tại Paris, nơi ông đã mua một trong các dinh thự đẹp nhất của faubourg Saint-Germain, sau khi lấy con gái duy nhất của Sibuelle, một nhà cung ứng[24] rất giàu có danh tiếng khá là tệ hại, được ông giao cho liên kết với Marion trong công việc quản lý khu vực thu thuế Aube. Vậy nên ông không đặt chân tới Gondreville quá một lần, vả lại ông giao cho Grévin lo mọi việc liên quan đến các lợi ích của mình. Rốt cuộc thì ông, cựu Đại Diện cho tỉnh Aube, ông có gì phải lo ngại cựu chủ tịch một câu lạc bộ Jacobin của Arcis đây? Tuy nhiên, ý kiến chung về Michu, vốn dĩ đã chẳng mấy thơm tho ở các tầng lớp thấp, đương nhiên cũng được giới tư sản chia sẻ; và Marion, Grévin, Malin, không giải thích cũng chẳng sợ tự gây hại, chỉ đích danh con người ấy như một kẻ vô cùng nguy hiểm. Bị bộ trưởng Cảnh sát hạ lệnh theo dõi sát sao người trông coi, chính quyền cũng không giải tỏa đi cái niềm tin ấy. Trong vùng, rốt cuộc người ta kinh ngạc khi thấy Michu vẫn giữ nguyên vị trí; nhưng người ta coi sự nhượng bộ này là một hiệu ứng của nỗi khiếp hãi mà ông gây ra. Giờ đây ai mà còn không hiểu vẻ sầu muộn sâu sắc mà vợ của Michu thể hiện nữa?

Trước hết, Marthe được nuôi dạy trong niềm tin tôn giáo toàn tòng bởi bà mẹ. Cả hai, tín đồ Công giáo thuần hậu, từng chịu đau khổ vì các ý kiến và lối hành xử của ông thợ thuộc da. Chẳng bao giờ Marthe không đỏ mặt mỗi lần nhớ là mình từng được mang đi diễu khắp thành phố Troyes trong trang phục nữ thần. Bố của cô đã bắt cô phải lấy Michu, mà tai tiếng xấu xí sẽ còn tăng thêm mức độ, nhưng cô quá sợ ông nên không bao giờ dám đánh giá. Tuy nhiên, người phụ nữ này cảm thấy mình được yêu; và, tự trong đáy lòng, sôi động hướng tới người đàn ông đáng kinh khiếp đó thứ tình trìu mến chân thật nhất; cô chưa bao giờ chứng kiến ông làm gì khác ngoài điều đúng, chưa từng bao giờ lời lẽ của ông tàn ác, ít nhất là đối với cô; mà ông lại còn cố công tự đoán mọi mong muốn của cô. Con người bị khinh miệt tội nghiệp ấy, nghĩ vợ thấy mình là người khó chịu, gần như lúc nào cũng đi vắng khỏi nhà. Marthe và Michu, trong nỗi ngờ vực mà người này dành cho người kia, sống trong cái mà ngày nay người ta vẫn hay gọi là một nền hòa bình nhiều súng ống. Marthe, không gặp ai bao giờ, hết sức đau đớn vì những lời bài xích, từ bảy năm nay, giáng lên cô với tư cách con gái của một kẻ chặt đầu người khác, và sự bài xích giáng lên chồng cô với tư cách tên phản bội. Đã hơn một lần, cô nghe thấy những người ở trang trại nằm trên bình nguyên phía tay phải con đường lớn, tên là Bellache và do Beauvisage, một người gắn chặt với nhà de Simeuse, quản lý, nói khi đi qua trước cái chòi: “Đây là nhà của lũ Judas!” Việc khuôn mặt của viên tá điền đặc biệt giống khuôn mặt của tông đồ thứ mười ba, sự giống mà như thể ông còn cố công bồi đắp, quả thật khiến ông phải mang cái hỗn danh hủi lậu ấy trong toàn vùng. Vậy nên nỗi bất hạnh đó, và những âu lo mơ hồ, thường trực về tương lai, làm cho Marthe trở nên tư lự và trầm mặc. Chẳng gì có thể làm người ta buồn bã sâu sắc hơn một sự tụt xuống không đáng phải chịu và từ đó chẳng thể nào có thể gượng dậy được. Một họa sĩ hẳn sẽ có thể vẽ một bức tranh thật đẹp về cái gia đình những kẻ bị khinh miệt ấy, ở ngay giữa một trong những cảnh trí xinh đẹp nhất của vùng Champagne, nơi phong cảnh nhìn chung là buồn thảm.

“François!” viên tá điền hét lên để thúc thằng con trai còn trở nên mau mắn hơn nữa.

François Michu, thằng bé con mười tuổi, sung sướng với khu vườn, cánh rừng, được tùy ý với những trò lặt vặt của mình; nó ăn các thứ quả, nó đi săn, nó chẳng có việc phải lo cũng không dằn vặt; nó là con người hạnh phúc duy nhất của gia đình này, cái gia đình cô lẻ trong một vùng đất bởi vị trí giữa khu vườn và cánh rừng của nó, cũng như cô lẻ xét về mặt tinh thần, trước nỗi kinh tởm chung.

“Nhặt cho bố tất cả những thứ kia, ông bố nói với con trai, chỉ tay vào hàng lan can, và buộc hết lại nhé. Nhìn xem con kìa! có phải con cần yêu bố con và mẹ con hay không?” Thằng bé lao vào ông bố để hôn; nhưng Michu quay người đi để nhấc khẩu cạc bin sang chỗ khác và đẩy nó ra. “Nào! Đôi khi con thóc mách về những chuyện xảy ra ở đây, ông nói, nhìn chằm chằm vào nó với cặp mắt đáng sợ giống mắt mèo rừng. Nhớ rõ điều này nhé: hé lộ bất kỳ điều gì dẫu là nhỏ nhất ở đây, cho Gaucher, cho những người bên Grouage hoặc Bellache, và thậm chí là cho Marianne người rất yêu quý chúng ta, cũng có nghĩa là giết chết bố của con đấy. Miễn sao chuyện đó không lặp lại nữa, bố sẽ tha thứ cho cái lỗi lắm mồm của con hôm qua.” Thằng bé òa khóc. “Đừng khóc, nhưng ai có hỏi gì con, thì con hãy trả lời giống như đám nông dân ấy: Cháu không biết! Trong vùng đang có nhiều bọn lảng vảng, bố thấy không yên tâm và rất không thích. Đi đi! Hai người đã nghe rõ chưa? Michu nói với mấy người đàn bà, cả hai người cũng phải câm miệng hến đấy.

- Anh bạn, anh sẽ làm gì?”

Michu, đang chăm chú ước lượng một nhúm thuốc súng và dốc nó vào nòng khẩu cạc bin, đặt khẩu súng dựa vào hàng lan can và nói với Marthe: “Không ai biết anh có khẩu cạc bin này đâu, em ngồi ra trước nó đi!”

Couraut, đứng bật dậy, sủa điên cuồng.

“Con chó đẹp và khôn quá! Michu kêu lên, chắc chắn là đám gián điệp…”

Họ cảm thấy mình đang bị theo dõi. Couraut và Michu, như thể chỉ có một tâm hồn chung duy nhất, sống cùng nhau giống như người Ả rập và con ngựa của anh ta trên sa mạc. Viên tá điền biết mọi âm điệu trong giọng của Couraut và các ý kiến mà chúng diễn tả, cũng như con chó đọc thấy suy nghĩ của chủ nó trong ánh mắt và cảm nhận được nó tỏa ra trên người ông.

“Em thấy chưa? Michu hạ giọng kêu lên với vợ và chỉ tay về phía hai nhân vật hắc ám xuất hiện trên một lối đi phụ, tiến về phía bùng binh.

- Có chuyện gì đang xảy ra trong vùng thế nhỉ? Dân Paridiêng à? bà già cất tiếng.

- A! kìa! Michu kêu lên. Giấu khẩu cạc bin của anh đi, ông thì thầm vào tai vợ, họ đến chỗ chúng ta đấy.”

Hai người Paridiêng đang đi cắt ngang bùng binh trưng bày những khuôn mặt, chắc hẳn, hết sức điển hình đối với một họa sĩ. Người đầu tiên, có vẻ là thuộc cấp, đi đôi bốt lộn, hơi trễ, để lộ hai bắp chân nhẽo và đôi tất lụa nhiều màu có sự sạch sẽ đáng ngờ. Cái quần ngắn, kẻ sọc màu mơ và đính cúc kim loại, hơi quá rộng; cơ thể rất thoải mái ở trong đó, và các nếp li cũ mòn cho thấy thông qua cách bố trí của chúng một người có công việc bàn giấy. Chiếc áo gi lê vải bông sọc, trang trí quá nhiều hình thêu nổi, mở phanh, chỉ cài duy nhất một cúc ở đoạn trên của cái bụng, làm nhân vật này có dáng vẻ lại càng hoạt kê hơn bởi vì mái tóc ông ta có màu đen, xoăn tít lại như lò xo, che bớt trán đi và dài thõng xuống ở hai bên mai. Hai sợi dây xích buộc đồng hồ bằng thép treo trên cái quần ngắn. Chiếc sơ mi điểm trang một cái cài điểm đá màu trắng và xanh lơ. Cái áo ngoài, màu quế, tự ứng cử cho nhà họa sĩ biếm họa bởi một cái đuôi tôm dài, nhìn từ đằng sau trông thật giống một con cá tuyết, thành thử nó mang luôn cái tên này. Mốt các thứ áo có đuôi cá đã kéo dài mười năm, gần như bằng sự thống trị của Napoléon. Cái cà vạt, lỏng và nhiều nếp nhăn lớn, cho phép cá nhân kia để khuôn mặt chui tọt vào trong đó, đến tận mũi. Khuôn mặt sùi lên của ông ta, cái mũi to tướng và dài màu gạch của ông ta, hai gò má sôi nổi của ông ta, cái mồm móm mém nhưng đầy đe dọa và tham ăn của ông ta, cặp tai xỏ những khuyên vàng lớn của ông ta, vầng trán thấp của ông ta, tất tật các chi tiết dường như kệch cỡm ấy được biến thành khủng khiếp bởi hai con mắt nhỏ xíu được đặt ở vị trí và được khoét giống như mắt lợn và mang vẻ háu đói ghê người, một vẻ tàn nhẫn giễu cợt và gần như vui tươi. Hai con mắt tọc mạch và thấu suốt đó, màu xanh lơ băng giá và như đóng băng lại, có thể được xem như là hình mẫu cho cái con mắt lừng danh, biểu tượng đáng e ngại của cảnh sát, được tạo ra trong Cách Mạng. Ông ta mang đôi găng tay lụa màu đen và cầm một cây gậy trên tay. Chắc hẳn ông ta là một nhân vật của chính quyền nào đó, bởi vì ông ta có, ở trong dáng điệu, trong cách nhón thuốc lá rồi nhét nó vào mũi, vẻ trịnh trọng quan liêu của một con người hạng hai, nhưng lại bướng bỉnh ngoi lên, và được các mệnh lệnh từ trên cao truyền xuống biến trở thành tối cao trong chốc lát.

Người còn lại, với bộ trang phục theo cùng một gu, nhưng thanh lịch và được mặc một cách hết sức thanh lịch, kỹ lưỡng trong từng chi tiết nhỏ nhất, và trong lúc bước đi làm kêu vang tiếng đôi bốt kiểu Suwaroff[25], bên trên là một cái quần bó, áo là một chiếc vest spencer, mốt quý tộc do những người Clichien[26] tiếp nhận, rồi được đám trẻ vàng son tiếp nhận, và vẫn sống sót sau khi những người Clichien cũng như đám trẻ vàng son đã thôi tồn tại. Vào thời đó, có những thứ mốt tồn tại lâu dài hơn các đảng, triệu chứng của vô chính phủ mà năm 1830 đã trưng bày cho chúng ta. Muscadin[27] hoàn hảo này trạc ba mươi tuổi. Cung cách của anh ta tỏa lên mùi cảnh vẻ, anh ta mang những thứ đồ trang sức đắt tiền. Cổ áo sơ mi dựng cao đến tận hai bên tai. Dáng vẻ anh ta, tự tại và gần như hỗn xược, hé lộ một sự vượt trội được che giấu. Khuôn mặt nhợt của anh ta dường như không có lấy một hạt máu nào, cái mũi tẹt và thanh thì có biểu hiện cay độc của mũi nằm trên một cái đầu lâu, và cặp mắt màu lục là bất khả xâm nhập; ánh mắt anh ta cũng kín đáo giống như cái miệng mỏng và mím chặt của anh ta hẳn phải kín đáo. Người đầu tiên như thể là một nhóc con tốt tính nếu so sánh với chàng trai trẻ ngẳng và gầy này, anh ta dùng một cây gậy vụt gió, nắm đấm bằng vàng của nó ánh lên trong nắng. Người thứ nhất có thể tự tay chặt một cái đầu, nhưng người thứ hai thì có khả năng làm giãy giụa, trong các mảnh lưới quăng của vu khống và mưu mẹo, sự vô tội, cái đẹp, đức hạnh, làm chúng chết chìm, hoặc lạnh lùng phục thuốc độc chúng. Con người mặt hồng hào hẳn sẽ an ủi nạn nhân bằng những lời bông đùa giả dối, còn người kia hẳn sẽ thậm chí không nở một nụ cười. Người thứ nhất chừng bốn lăm tuổi, hẳn ông ta thích ăn ngon và thích phụ nữ. Những loại người như thế này đều có các dục vọng khiến bọn họ trở thành nô lệ cho cái nghề của mình. Nhưng chàng thanh niên thì không dục vọng và không tật lỗi. Có là gián điệp, thì anh ta cũng vẫn thuộc về giới ngoại giao, và anh ta làm việc vì một nghệ thuật thuần túy. Anh ta hình dung, người kia thực thi; anh ta là tư tưởng, người kia là hình thức[28].

“Chắc chúng tôi đang ở Gondreville, có phải không thưa bà, bà bạn thân mến? chàng thanh niên hỏi.

- Ở đây người ta không nói bà bạn thân mến, Michu đáp. Chúng tôi vẫn giản dị gọi nhau là nữ công dâncông dân!

- A!” chàng thanh niên kêu lên, vẻ tự nhiên nhất trên đời và không hề tỏ ra sửng sốt.

Các tay chơi, nơi các phòng khách, đặc biệt ở trò écarté[29], thường hay cảm thấy bấn loạn tâm thần vào lúc nhìn thấy ngồi xuống bàn trước mặt mình, giữa lúc họ đang gặp vận đỏ, một tay chơi, với các cung cách, ánh mắt, giọng nói, lối trộn các quân bài đã báo trước cho họ một thất bại. Trước dáng vẻ của chàng thanh niên, Michu cứng người lại, một cảm giác đầy tính tiên tri về thể loại này. Ông thấy ngập tràn trong mình một dự cảm chết người, ông mù mờ thoáng thấy đoạn đầu đài; một giọng nói rít lên với ông, nói rằng tay muscadin này sẽ là định mệnh đối với ông, mặc dù giữa họ chẳng có gì chung. Vậy nên lời lẽ của ông trở nên khắc nghiệt, ông muốn tỏ ra và quả thật ông thô lỗ.

“Chẳng phải các ông bà thuộc về ông cố vấn Nhà nước Malin à? tay Paridiêng thứ hai hỏi.

- Tôi là chủ của tôi, Michu đáp.

- Thế rốt cuộc, thưa các bà, tay thanh niên lại hỏi, với những cung cách lịch thiệp nhất, có phải chúng ta đang ở Gondreville không? Ông Malin đợi chúng tôi ở đó.

- Kia là khu vườn, Michu nói, chỉ tay vào cánh cửa rào dây thép đang mở.

- Thế tại sao bà lại giấu khẩu cạc bin đi thế kia, bạn xinh tươi? tay bạn đường vui tươi của chàng thanh niên hỏi, đi ngang qua cánh cửa rào thì ông ta nhìn thấy nòng súng.

- Anh vẫn cứ làm việc, kể cả là ở nông thôn”, tay thanh niên mỉm cười, kêu lên.

Họ quay trở lại, chất chứa nỗi nghi ngờ rằng viên tá điền có hiểu chuyện, mặc cho vẻ thản nhiên trên khuôn mặt của họ; Marthe để mặc họ nhìn khẩu cạc bin, giữa những tiếng sủa của con Couraut, vì cô tin chắc Michu đang nghiền ngẫm một cú tồi tệ nào đó và gần như thấy sung sướng về sự tinh ý của mấy người lạ. Michu ném lên vợ một ánh mắt khiến cô phát run, ông cầm lấy khẩu súng và nhất quyết tiếp tục nhồi đạn, chấp nhận các nguy cơ chết người của sự khám phá kia và cuộc gặp này; ông như thể không còn thiết sống, và khi ấy vợ ông hiểu rõ quyết tâm hãi hùng của ông.

“Chắc là quanh đây có chó sói đấy nhỉ? tay thanh niên nói với Michu.

- Lúc nào cũng có chó sói ở những nơi nuôi cừu. Các ông đang ở Champagne và đây là một khu rừng; nhưng chúng tôi cũng có cả lợn rừng nữa, chúng tôi có những con thú to và những con thú nhỏ, thứ nào cũng có một ít, Michu đáp, giọng đầy nhạo báng.

- Tôi cược, Corentin ạ, người nhiều tuổi hơn cất tiếng sau khi liếc nhìn kẻ còn lại, rằng ông đây chính là Michu của chúng ta…

- Chúng ta đâu có đứng cùng một chiến tuyến, viên tá điền nói.

- Không, nhưng chúng ta đã điều hành những người Jacobin, công dân ạ, tay nhiều tuổi và vô sỉ đáp, anh ở Arcis, còn tôi thì ở nơi khác. Anh vẫn còn giữ kiểu lịch sự Carmagnole[30]; nhưng nó không còn là mốt nữa đâu, bạn ạ.

- Tôi thấy khu vườn rất rộng đấy, chúng tôi hẳn có thể bị lạc trong đó, nếu anh là tá điền, hãy cho người đưa chúng tôi đến lâu đài”, Corentin nói, giọng trịch thượng.

Michu huýt sáo gọi thằng con trai và tiếp tục loay hoay với khẩu súng. Corentin nhìn Marthe bằng một ánh mắt thờ ơ, trong khi người đồng hành của anh ta thì có vẻ bấn lên; nhưng ông ta nhận ra ở cô các dấu vết của một nỗi sợ hãi mà nhân vật trác táng về già không hiểu nổi, tuy rằng hãi hùng trước khẩu cạc bin. Hai bản tính ấy được vẽ ra thật rõ trong cái điều nhỏ bé thật to lớn này.

“Tôi có hẹn ở bên kia rừng, viên tá điền nói, tôi không thể đích thân làm việc này cho các ông được; nhưng con trai tôi sẽ dẫn các ông đến lâu đài. Thế các ông tới Gondreville bằng đường nào thế? Có phải là đi qua lối Cinq-Cygne không?

- Chúng tôi cũng, giống anh thôi, đã có việc phải làm ở trong rừng, Corentin đáp, không có vẻ gì là mỉa mai.

- François, Michu kêu lên, đưa hai ông đây tới lâu đài theo các lối đi nhỏ, để không ai nhìn thấy, hai ông đây không đi những con đường quen đâu. Nhưng, đến đây cái đã!”, ông nói khi nhìn thấy hai người lạ đã quay lưng bước đi, vừa đi vừa thì thầm với nhau. Michu túm lấy thằng bé, hôn nó gần như một cách kính cẩn và với một dáng điệu càng xác nhận thêm những nỗi khó ở của vợ ông, cô thấy lạnh cả lưng, và nhìn bà mẹ bằng ánh mắt khô khốc, vì cô không thể khóc. “Đi đi”, ông nói. Và ông nhìn nó cho tới lúc hoàn toàn mất hút. Couraut sủa về hướng trang trại Grouage. “Ô! Violette đấy, ông nói. Từ sáng hôm nay ông ấy đảo qua đây lần thứ ba rồi! Đang có âm mưu gì thế nhỉ? Nào đi, Couraut!”

Một lát sau, có tiếng ngựa phi nước kiệu vang lên.

Violette, cưỡi trên lưng một con ngựa tồi, loại ngựa mà các chủ trang trại ven Paris hay dùng, trưng bày, bên dưới một cái mũ tròn vành rộng, khuôn mặt màu gỗ của ông hết sức nhăn nhó, trông lại càng u tối hơn nữa. Cặp mắt màu xám, láu lỉnh và lấp lánh, che giấu sự phản bội nằm trong tính cách của ông. Hai cẳng chân gầy ngẳng, quấn ghệt vải thô màu trắng lên cao tới tận đầu gối, thả lủng lẳng chứ không xỏ vào bàn đạp, và như thể được trì giữ nhờ trọng lượng đôi giày đế sắt to tướng. Bên ngoài áo vest màu xanh lơ ông choàng tấm khăn lớn kẻ vạch trắng đen. Mái tóc màu ghi của ông thả rơi thành từng lọn đằng sau đầu. Bộ trang phục này, con ngựa màu xám có mấy cái chân nhỏ và thấp, cách thức Violette ngồi trên đó, bụng phưỡn ra trước, thân người trên ngả về sau, bàn tay to nứt nẻ màu đất cầm sợi dây cương xấu xí nham nhở, tất tật đều vẽ nên ở ông hình ảnh một nông dân hà tiện, lắm tham vọng, muốn sở hữu đất đai và mua lấy chúng bằng mọi giá. Cái miệng với cặp môi xanh tái của ông, trông như là bị một bác sĩ phẫu thuật dùng dao mổ rạch một đường, vô số nếp nhăn trên khuôn mặt và trán ngăn cản vẻ ngoài biểu lộ, ở đó chỉ các công tua là có thể cất lời. Những đường nét khắc nghiệt, sắc nét kia dường như diễn đạt sự đe dọa, mặc cho cái vẻ khúm núm mà gần như tất cả người nông thôn đều có, và bên dưới đó họ giấu đi các xúc cảm và tính toán của mình, giống những người Phương Đông và người Mọi Rợ che giấu xúc cảm và tính toán dưới một vẻ trịnh trọng không thể lay chuyển. Từ nông dân thuần túy làm công nhật, trở thành chủ trang trại Grouage thông qua một hệ thống độc ác tăng dần, ông còn tiếp tục dùng đến nó sau khi đã giành giật được một vị thế vượt quá những ham muốn ban đầu. Ông muốn điều xấu xảy đến với người khác và muốn điều đó một cách ác liệt. Những lúc nào có thể góp phần vào đó, ông đều giúp một tay, với đầy tình yêu. Violette ghen tị một cách lộ liễu; nhưng, trong mọi trò ma mãnh của mình, ông đều giữ thân bên trong các giới hạn của luật pháp, không hơn không kém một phe Đối Lập ở nghị viện. Ông nghĩ tài sản của mình phụ thuộc vào sự lụn bại của những người khác, và tất tật những gì ở trên ông đối với ông đều là kẻ thù và mọi phương cách sử dụng đều là tốt hết. Cái tính cách này rất hay gặp ở người nông thôn[31]. Áp phe lớn của ông vào thời điểm này là tìm cách thỏa thuận với Malin để kéo dài thời hạn thuê trang trại của ông, nó chỉ còn hiệu lực trong vòng sáu năm nữa. Ghen với tài sản của viên tá điền, ông theo dõi nhân vật ấy một cách sát sao; người trong vùng nói xấu về mối quan hệ của ông với nhà Michu; nhưng, với hy vọng gia hạn hợp đồng thêm mười hai năm nữa, chủ trang trại mưu trí rình một cơ hội lập công cho chính phủ hoặc cho Malin, người vốn dĩ nghi ngại Michu. Violette, được trợ sức bởi người trông coi phụ trách Gondreville, bởi người coi rừng[32] và bởi vài người hay đi nhặt củi, báo cáo cho viên cẩm cảnh sát ở Arcis nhất cử nhất động của Michu. Viên công chức ấy đã tìm cách, nhưng công cốc, biến Marianne, cô hầu của Michu, thành đồng lõa cho chính phủ; nhưng Violette và thủ hạ biết được mọi thứ thông qua Gaucher, tên gia nhân bé nhỏ mà Michu tin tưởng lòng trung thành, nhưng đã phản bội ông vì mấy món vặt vãnh, vì những cái áo gi lê, vòng tai, những đôi bít tất cô tông, đồ ăn. Vả lại cậu thanh niên đó không ngờ đến tầm quan trọng những lời xích tốc của mình. Violette bôi đen mọi hành động của Michu, biến chúng thành các hành động tội phạm bằng những giả định phi lý nhất, mà viên tá điền chẳng hề hay biết, tuy nhiên ông vẫn đoán được vai trò nhơ nhớp mà người chủ trang trại đóng với ông, và thích thú tìm cách lừa lại.   

-----------

[1] Ngày 18 brumaire (18 tháng Sương mù, tức 9/11/1799 - thời Cách mạng Pháp, lịch được quy định lại, cf. chú thích số 22 của Ferragus), có sự hậu thuẫn của Talleyrand (nhân vật xuất hiện nhiều lần trong La Comédie humaine và có đóng vai trò trong chính Một vụ việc ám muội), Bonaparte tiến hành đảo chính, ngay sau đó chế độ Tổng tài được lập ra, với Bonaparte là Đệ nhất Tổng tài. Bonaparte lên ngôi Hoàng đế ngày 2/12/1804, đây là thời điểm Đế chế Pháp được thiết lập, trị vì là Hoàng đế Napoléon Đệ nhất; nền Đệ nhất Cộng hòa Pháp chính thức kết thúc.
[2] Ở thời điểm 1812, dưới sự trị vì của Napoléon, nước Pháp hùng mạnh nhất trong lịch sử, chưa bao giờ biên giới của nó được mở rộng đến như vậy. Đây cũng chính là lúc Napoléon cất quân (quân đội của Napoléon được mệnh danh là “Đội Quân Vĩ Đại” - Grande Armée) đánh nước Nga, khởi đầu cho sự suy sụp.
[3] Câu chuyện xảy ra ở miền Đông nước Pháp; tỉnh (département) Aube là đơn vị hành chính được đặt tên theo dòng sông chảy qua; đây là nơi có vùng Champagne; thủ phủ là thành phố Troyes; một địa danh nữa quan trọng đối với câu chuyện: xã Arcis (Arcis-sur-Aube). “Tỉnh” này không giống với “tỉnh” cũng hay được dùng để dịch từ “province” (sự phân biệt này rất quan trọng đối với độc giả của La Comédie humaine).
[4] Tuy được gọi như vậy, “gián điệp” (espion) nhưng thực chất đó là các nhân viên cảnh sát; một phần không nhỏ của câu chuyện này liên quan tới các hoạt động của cảnh sát Đế chế Pháp.
[5] “Club de Jacobins” là tên gọi thông dụng cho một loại hội nhóm hoạt động mạnh vào thời Cách mạng Pháp; các “câu lạc bộ” này tập hợp những người ủng hộ hiến pháp và dân chúng và đóng vai trò lớn trong các hoạt động cách mạng.
[6] Kiến trúc sư François Mansard (1598-1666).
[7] Đơn vị dùng cho diện tích đất đai, một arpent tương đương khoảng 3.500 mét vuông.
[8] Đoạn này chỉ cần hiểu một cách đơn giản là nhà Simeuse có truyền thống nhiều đời ủng hộ các phe phái quý tộc chống nhà vua. Một vấn đề lớn của nước Pháp là xung đột xảy ra vào đoạn chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ quân chủ chuyên chế, đỉnh cao là Louis XIV (có thể nhìn nhận một cách giản lược là mọi sự rất hỗn loạn trong tầng lớp quý tộc sau thời Trung cổ, khi Nhà nước đe dọa quý tộc, vương quyền muốn trở nên tập trung). Balzac có một kiệt tác lớn lao về các xung đột này: Sur Catherine de Médicis (Về Catherine de Médicis), nằm trong các “ê-tuýt triết học”: cô con gái Catherine của gia đình Médicis nhiều tham vọng nước Ý được đưa sang làm con dâu vua Pháp François Đệ nhất khi mới mười lăm, mười sáu tuổi; François Đệ nhất coi thường người Ý mặc dù giáo hoàng, người của họ Médicis, đứng ra “bảo kê”, nên không cho Catherine lấy thái tử mà chỉ lấy một người con thứ (dẫu vậy, François Đệ nhất sẽ rất yêu quý Catherine); tuy nhiên, thái tử lăn ra chết trong một vụ việc bí ẩn, liên quan đến Montecuculli và Catherine de Médicis vẫn trở thành hoàng hậu, ở triều đại Henri Đệ nhị, sau đó nhiếp chính hai triều làm vua của các con trai, François Đệ nhị và Charles IX; một người con nữa của Catherine de Médicis làm vua nước Pháp sau Charles IX, là Henri Đệ tam, vua cuối cùng của nhà Valois; đó là giai đoạn gia đình de Guise làm mưa làm gió trong triều đình, khuynh loát vương quyền.
[9] Lưu Vong của giới quý tộc Pháp thời Cách mạng 1789: cf. chú thích số 21 của Ferragus.
[10] Đây là các “oeil-de-boeuf” lừng danh trong lịch sử kiến trúc.
[11] Gia huy của các gia đình quý tộc là một đề tài được Balzac hết sức ưa thích. Nhiều tác phẩm trong La Comédie humaine đi rất sâu vào chủ đề ấy. Si meurs!, cụm từ đồng âm với cái họ Simeuse, có thể hiểu là “Nếu tôi phải chết” - chi tiết quan trọng cho câu chuyện.
[12] “Régisseur” không hoàn toàn là “tá điền”, ở đây dịch như vậy cho tiện.
[13] Ngoài là “régisseur”, Michu còn là “garde” của Gondreville.
[14] Các gia đình quý tộc có gia nhân cao cấp là “intendant”, chuyên coi sóc các loại tài sản.
[15] Nhân vật Saint-Just đã trở thành huyền thoại, tượng trưng cho phẩm chất không thể lung lạc, bất khả lũng đoạn.
[16] Cf. Les Misérables của Victor Hugo.
[17] Thời Cách mạng Pháp, phái Montagne (tức là “Núi”, những người theo phái này gọi là các “Montagnard”) là nhóm chính trị ủng hộ Cộng hòa; ở thời điểm Quốc ước (Convention nationale), họ đối lập với phái Girondins.
[18] Tức là thành phố Mainz của Đức, không xa Frankfurt-am-Main. 
[19] Chú ý cái họ của “Malin”: đây chính là từ khởi nguồn cho từ “ma lanh” trong tiếng Việt, với hàm nghĩa nhiều liên quan đến quỷ sứ; Malin là nhân vật còn xuất hiện vài lần nữa trong La Comédie humaine.
[20] Từ 1789 đến 1796, đây là loại tiền tệ được sử dụng; nó được bảo chứng trên trị giá đất tịch thu của Nhà thờ; loại tiền này không thể quy đổi sang tiền thông thường (vàng, bạc, xu) và nhanh chóng trở thành tiền giấy, cũng nhanh chóng mất giá nghiêm trọng.
[21] Các ông chưởng khế (notaire) và hoạt động của ngành luật thực sự xuất hiện khắp nơi trong La Comédie humaine; cf. chú thích số 14 của Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.
[22] Cơ quan phụ trách an ninh từ thời Đốc chính (Directoire) là “ministère de la Police” (Bộ Cảnh sát/Công an). Trong vòng nhiều năm (cả thời kỳ Tổng tài lẫn thời Đế chế) bộ trưởng là Fouché, nhân vật rất đáng sợ, cho đến tận năm 1810; Fouché sẽ quay trở lại giữ chức vụ này ở giai đoạn Bách Nhật; sau khi Louis XVIII đã lên nắm quyền, vẫn có thời điểm Fouché làm bộ trưởng Cảnh sát. Louis XVIII giải tán cơ quan này (sáp nhập vào Bộ Nội vụ) năm 1818; đến Đệ nhị Đế chế (Napoléon Đệ tam), cơ quan này được tái thành lập, nhưng chỉ tồn tại một thời gian rất ngắn.
[23] Bộ luật Dân sự Pháp (Code Civil, hay Code Napoléon) lừng danh; Balzac rất nhiều lần chỉ trích và chế nhạo bộ luật này trong các tác phẩm của La Comédie humaine.
[24] Thêm một kiểu nhân vật xuất hiện rất nhiều trong La Comédie humaine: “fournisseur” tức nhà cung ứng; các nhà cung ứng thường xuyên bị Balzac mỉa mai thậm tệ.
[25] Tức là đại tướng quân oai hùng Alexander Suvorov nước Nga.
[26] “Club de Clichy” (các thành viên gọi là “Clichien”): tổ chức thành lập sau khi Robespierre đổ (sự biến ngày 9 thermidor), tồn tại trong vài năm, tập hợp các dân biểu hữu khuynh, trong đó nhiều người từng bị bắt vào thời Khủng bố, có thể coi là đối lập với các “club de Jacobins” tả khuynh (cf. chú thích số 5).
[27] Từ dùng để chỉ các thanh niên ăn vận rất thanh lịch; “muscadin” ban đầu chỉ cụ thể những người như vậy tiếp sau 9 thermidor, nhằm thách thức cánh Jacobin.
[28] Peyrade, người nhiều tuổi hơn, hướng dẫn Corentin trong những bước chập chững của nghề cảnh sát, nhưng Corentin nhanh chóng vượt rất xa ông thầy.
[29] Một trong các trò chơi “xã hội” phổ biến thời ấy, cf. chú thích số 24 của Albert Savarus. 
[30] Tên một bài hát phổ biến thời Cách mạng Pháp, ý Peyrade nói Michu đã không “thức thời” vì vẫn còn luẩn quẩn với các lý tưởng cách mạng. 
[31] Rất khó mà biến được Balzac thành một nhà văn của giới cần lao, với những nhận xét như thế này (xuất hiện rất nhiều dưới ngòi bút Balzac). Thế nhưng, một việc tưởng chừng không thể làm được như vậy, vẫn đã được làm, ở một số nơi.
[32] “Garde champêtre” là một chức danh được lập ra nhằm hỗ trợ hoạt động của cảnh binh tại vùng nông thôn; những người coi rừng quản lý cánh đồng, rừng, sông suối.



(còn nữa)



Balzac: Albert Savarus
Balzac: Séraphîta
Balzac: Ferragus
Balzac: Mặt bên kia của lịch sử hiện thời

4 comments:

  1. mấy bài balzac này chất lượng quá

    ReplyDelete
  2. mới thêm một số đoạn ở đây và một số đoạn ở "Albert Savarus"

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2017/02/albert-savarus.html

    ReplyDelete
  3. cái này đúng là "thôi miên" đây. cứ như đọc một truyện trong Cựu ước mà lại có chất baroque. và phức tạp. đoạn từ chỗ 2 Paridieeng xuất hiện thấy như lảng vảng Murakami sau này?

    ReplyDelete
  4. Thank you for any other great post. Where else may anybody get that type of
    information in such an ideal means of writing? I've a presentation next week, and I am at the look for such
    info.

    ReplyDelete