Tôi đã chờ rất lâu (như đã nói ở kia) vì tôi muốn một ai đó khác chứ không phải tôi nói được chính xác về Nguyễn Huy Thiệp (cũng như văn chương cần đúng chứ không phải hay, phê bình trước hết phải chính xác, trong nhìn nhận, cũng như trong sắp xếp - đây là câu chuyện của giá trị, đây cũng là câu chuyện của ý nghĩa). Một số văn chương không thuộc về lối của tôi (Borges, Nabokov hay Nguyễn Huy Thiệp), tôi giữ khoảng cách với những văn chương ấy và không bao giờ thực sự muốn chạm đến những văn chương ấy.
Nhưng giờ ta sẽ nói đến Nguyễn Huy Thiệp, tôi sẽ chỉ lấy từ Nguyễn Huy Thiệp điều tối thiểu mà tôi cần. Sau khi viết về truyện Không có vua, tôi đã biết là không cần nói thêm nhiều lắm.
Các nhà phê bình Việt Nam hết sức sai lầm khi nghĩ rằng cần ở gần các "đối tượng" của mình thì mới hiểu được họ. Các mối quan hệ cá nhân giết chết sự hiểu. Phan Ngọc từng nói, trong tiểu luận về văn chương Nguyễn Tuân, rằng trong suốt rất nhiều năm, mình tránh gặp Nguyễn Tuân. Trực giác này hết sức đúng: cho đến giờ, vẫn chỉ mới có Phan Ngọc thực sự hiểu Nguyễn Tuân; bài viết của Phan Ngọc về Nguyễn Tuân là một kiệt tác của phê bình Việt Nam.
Không gặp, tức là giữ khoảng cách. Khoảng cách, đến lượt nó, trở thành cự ly. Cần phải có cự ly chuẩn. Marcel Proust từng than phiền: người ta cứ nghĩ Proust dùng "kính hiển vi", trong khi Proust biết rằng mình sử dụng "kính viễn vọng". Dẫu là hiển vi hay viễn vọng thì vẫn có một điều chung: cần phải chỉnh tiêu cự thì mới nhìn rõ nét được. Điều này (khoảng cách, cự ly) thuộc về cái nhìn của cấu trúc. Một nhà phê bình văn học có thể không nhất thiết phải là một môn đệ của cấu trúc luận, nhưng kiểu gì, một phần nào đó, cũng phải có hình dung về cấu trúc. Không thể có cái nhìn của phê bình nếu không có cấu trúc.
Hoặc quá gần, hoặc quá xa, người ta đều không thể nhìn rõ - cái nhìn, trong các trường hợp đó, trở nên ảo tưởng.
Cách đây khoảng một năm rưỡi, ở trường hợp Nguyễn Huy Thiệp (nhân vật mà tôi luôn luôn giữ khoảng cách), tôi tìm được chi tiết cuối cùng mà tôi còn thiếu: khởi đầu của Nguyễn Huy Thiệp là khi nào?
Các nghiên cứu của Mai Anh Tuấn vào giai đoạn ấy cho biết Nguyễn Huy Thiệp đã bắt đầu viết các bản thảo từ trong thập niên 70 của thế kỷ 20, tức là trước rất lâu sự "xuất hiện chính thức" của Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi đi tìm điều đó là bởi từ trước tôi đã biết rất rõ "thời điểm cuối cùng" của Nguyễn Huy Thiệp.
Điểm cuối của văn chương Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn "Cánh buồm nâu thuở ấy" (cụ thể là đăng trên số Xuân của tờ Thanh niên, đầu năm 2005).
Nguyễn Huy Thiệp, trước hết, là câu chuyện rất lớn của khởi đầu và kết thúc. Nguyễn Huy Thiệp đi vào con đường văn chương Việt Nam bằng sự bùng nổ từ thập niên 70 đến những năm đầu thế kỷ 21, sự bùng nổ ấy ban đầu được cất giấu kín đi, không ai nhìn thấy.
Con đường văn chương Việt Nam là gì? Là con đường gồm các văn chương không lệch khỏi một lối đi nào đó. Những văn chương ấy, cho tới thời điểm hiện tại, có một số biểu hiện chung. Trong đó "con đường Nguyễn Du" hết sức quan trọng; tôi sẽ không gọi Nguyễn Du là hình mẫu, nhưng đó là gợi ý lớn nhất. Dường như, một số văn chương có sự hồi đáp, làm vang lên một tiếng vọng trở lại Nguyễn Du và con đường của Nguyễn Du.
Trước hết, đó là vòng tròn. Điều này tôi đã nói tương đối rõ khi viết về văn chương Dương Nghiễm Mậu (xem ở kia). Vòng tròn nghĩa là, khi đã mở ra, thì phải khép lại, nếu không sẽ không có vòng tròn nào cả; cho dù trông có phong phú đến như thế nào, mọi thứ cũng không tồn tại thực sự nếu không khép lại một cách đầy đủ (tức là, tương đương với chuyện không tạo ra được cấu trúc riêng: không có tồn tại nếu thiếu cấu trúc - trong tính chất riêng cũng đồng thời có các điểm chung).
Cũng trong bài về Dương Nghiễm Mậu, tôi đã nói rất cụ thể, Khái Hưng, Nhượng Tống và Dương Nghiễm Mậu chính xác là một nửa những gì kiệt xuất nhất của con đường văn chương Việt Nam (chỉ đơn giản, văn chương của họ đúng với một con đường). Ba nhân vật còn lại (nửa còn lại) là những ai? Đó là Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh.
Bài "Con đường Nguyễn Du", ngoài một số ý nghĩa khác, có ý nghĩa này: tôi cố gắng chỉ ra, trong yếu tính của văn chương Việt Nam, như thể hiện ở Nguyễn Du: có bên này và bên kia (sống và chết, ở riêng trường hợp Nguyễn Du); bên này và bên kia, ở đây và ở kia, cái này và cái kia - tất nhiên, những điều này vẫn tuyệt đối liên quan đến "câu chuyện vòng tròn".
Ở Dương Nghiễm Mậu, tương đối nổi bật "cái này" và "cái kia" trong cấu trúc nền tảng (tương tự trường hợp Nguyễn Du). Các nhân vật còn lại không đơn giản như vậy.
Tôi từng nghĩ, Nhượng Tống là "văn chương và cách mạng", nhưng về sau tôi thấy cần phải sửa lại: bởi vì Khái Hưng mới là như vậy. Vòng tròn Khái Hưng nghĩa là văn chương và cách mạng; vòng tròn Nhượng Tống nghĩa là văn chương và sự ngây thơ. Còn Nguyễn Tuân? Tôi nghĩ, đó là văn chương và tội lỗi. Riêng về Nguyễn Tuân, thời gian tới đây tôi sẽ đi sâu vào hơn.
Trong bài "Con đường Nguyễn Du", tôi nói đến Văn Cao. Một số người hiểu ngay là tôi nói không thực sự đúng. Đúng, "trong khi ngộ biến tùng quyền biết sao", tôi đã "mượn" Văn Cao để trám vào một vị trí không thực sự chuẩn xác, vì vào thời điểm ấy điều tôi cần là chỉ ra "con đường văn chương Việt Nam" có những lặp lại.
Nhân vật cần đặt ở đó không phải Văn Cao, mà là Bảo Ninh. Tôi đã sắp viết xong bài về Nỗi buồn chiến tranh.
Như vậy, ta có Khái Hưng, Nhượng Tống, Nguyễn Tuân, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Ta cũng có, ở đằng sau, người giữ nhịp, là Nhất Linh ở một giai đoạn, về giai đoạn về sau, vai trò ấy rơi vào Dương Thu Hương (Dương Thu Hương là tác giả của ba kiệt tác: Những thiên đường mù thì tôi nghĩ ai cũng thấy ngay, một số người cũng dễ dàng thấy kiệt tác thứ hai là Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, nhưng kiệt tác thứ ba chắc chắn không mấy người thấy: đó là Hành trình ngày thơ ấu).
Nhưng tại sao lại có thể là sáu người? Cần phải bảy chứ? Một con người của cái nhìn cấu trúc sẽ phản đối tôi.
Đúng, lẽ ra phải là bảy. Nhân vật thứ bảy lẽ ra phải là Nguyên Hồng. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại với Nguyên Hồng. Nhưng Nguyên Hồng gần đủ mà không thực sự đủ.
Và sẽ lại có người hỏi: đấy mới chỉ là văn xuôi, còn thơ?
Đúng, phải nói đến thơ.
Văn xuôi - vì tính chất chiều ngang của nó - thật ra mới khó nhìn nhận (chỉ nhìn được dưới thấp nếu ở trên cao, còn cái gì cao thì từ dưới thấp vẫn có thể thấy, cf. Machiavelli), thơ thì cao vút lên, cái gì thực sự cao thì sẽ thấy ngay. Đây là thất tinh của thơ Việt Nam: Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Dần, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bắc Sơn. Và phía sau, cũng như thể "giữ nhịp", là các nhà thơ như Văn Cao hay Quang Dũng.
Và bởi vì đã bắt đầu bằng Nguyễn Huy Thiệp, ta cũng cần kết thúc với Nguyễn Huy Thiệp: vòng tròn Nguyễn Huy Thiệp nghĩa là gì? Là cùng một lúc văn chương và sự vô tri. Vô tri là một trong những gì lớn nhất, là thứ không bao giờ được coi thường.
Một biểu hiện sự vô tri của Nguyễn Huy Thiệp: ngoài các "tiểu luận", đó là chuyện Nguyễn Huy Thiệp lăng xê một số nhà thơ.
Xét cho cùng, tôi vẫn không hề thực sự động sâu vào văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, tôi vẫn để lại đó, rất có thể sẽ có người nhìn ra. Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp tập trung vào một hình ảnh, một hình ảnh rất đơn giản, và có liên quan đến nước.
Anh có thể giải thích thêm một chút về vai trò của "người giữ nhịp" không ạ? Giữ nhịp nghĩa là sao và làm người giữ nhịp là làm gì :p
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2016/05/tieu-luan-thu-hai-ve-tu-luc-van-doan.html
ReplyDeleteVăn chương Nguyễn Huy Thiệp ở ngoài Việt Nam thì sao?
ReplyDeletethực tình bác nên nói thêm về Bảo Ninh để anh em hiểu tại sao văn ông ấy lớn vậy, chứ tôi thấy Bảo ninh viết không có gì đặc biệt, nhưng đúng là trong phạm trù đúng thì cuốn của ông ấy trám vào một chỗ khuyết trong cách nhìn chiến tranh việt nam
ReplyDeleteCrois-tu qu'une fois qu'on a fait une thèse sur Thiep, on puisse écrire exactement de lui ? Je pourrais plutôt dire ce que je pense de lui, mais sans détenir la vérité. Encore ma vie devient de plus en plus difficile, mais bon je fais des efforts. Et puis si j'écrivais sur lui, je devrais écrire en français, car je reste complètement bloquée quand je veux le faire en vietnamien (je ne trouve pas un vocabulaire précis et sensible comme je le souhaite). J'ai déjà fait jadis un séminaire sur Thiep à l'Université de Pédagogie à Saigon, c'est que t'étais pas au courant. En attendant que j'aille de nouveau sur le front un jour, tu peux déjà dire deux trois choses de lui, ce qui me servirait d'amorce et attiserait mon plaisir :-)
ReplyDeleteon peut parler de (presque) toutes les choses (parfois sans vergogne, sans ambages) dans cette époque, non? on peut même faire des thèses universitaires sur presque n'importe quoi :p
ReplyDeletec'est que, sans prétendre détenir la vérité sur quoi que ce soit, tant s'en faut, il me semble qu'on devrait l'approcher d'une manière singulière correspondant plus ou moins à son esprit singulier qui défie toute interprétation, comme d'ailleurs toute grande écriture
cela dit, son écriture me paraît "nécessaire", sans rien de plus, elle pourrait être impitoyable, parfois implacable, mais assez loin (parce que "déviée") d'une "irritation" tonique qu'on sent en lisant d'autres écritures qui s'échappent, d'une manière intrinsèque, à l'ignorance
Et puis, H. N. Hien n'est pas si tort que ça en ce qui est la féminité salvatrice. Mais ce qui m'intéresse particulièrement est caché derrière cette féminité tant adorée :-) C'est l'image du poète, ou de l'homme aimé (de cette féminité). J'aimerais bien écrire quelque chose là-dessus, un jour :-p
DeleteHôm nay nói chuyện với một người bạn, cả hai thống nhất là NL dũng cảm nhất nước Việt. Độc cô cầu bại, bài viết thú vị.
ReplyDeletehehe, bác ơi, Nhị Linh từ lâu đã đơn thương độc mã rồi
Deletetừ rất lâu rồi, chàng đã đi quá xa ;)
Deletenói chung là không bình luận cá nhân
Deleteanw, nhân tiện: không phải từ rất lâu, mà là ngay từ đầu
(có gì đi nữa thì cũng đừng dùng từ "thú vị", đối với tôi đấy là một trong những từ vô vị nhất trên đời)
ReplyDeleteTừ trái nghĩa với từ vô vị là ý vị nhỉ
ReplyDeleteAnh thấy Thiệp khuyên các nhà văn học trong trường viết văn Nguyễn Du đúng đấy. Viết không được chân thật mà phải chân chân chân-thật thật thật, đủ 03 chân.
Không biết độ này bác Tin Văn có khoẻ không nhỉ, không thấy trang nhà có baì mới.
ReplyDeletebác Tin Văn còn đang bựn facebook, khổ thế chứ lị
DeleteÔng ấy vẫn còn
DeleteHic hic ...chưa có quyển thơ nào của Thanh Tâm Tuyền, dư không anh ơi ???
ReplyDeletexem ở đây này:
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2015/10/rat-nhieu-tho-qua-nhieu-tho.html
rất hay, là cái chuyện cấu trúc. nhưng, từ phía đồng đại, khi người ta cần biểu thị nỗi mặc cảm của mình, thì cái người ta cần chỉ là đơn giản một nhà văn thôi. "đúng" vào thời khoảng đó. chuyện một "giáo hội thầm lặng" của trỗi dậy thơ văn thời 70s quá đúng và hứa hẹn nhiều đấy nhỉ?
ReplyDeletesâu sắc, cảm giác mình là con ếch dưới đáy giếng vô cùng sâu
ReplyDelete