Nov 12, 2017

Merleau-Ponty: parcours

Maurice Merleau-Ponty  một khoảnh khắc lớn của hiện tượng luận (một khoảnh khắc lớn khác của hiện tượng luận, theo một nghĩa khác: xem ở kia; "hiện tượng học": hehe, tôi chuẩn bị viết tiếp bài "Ý luận", chính là nơi tôi sẽ nói rất rõ tại sao không thể gọi cái đó là "hiện tượng học" mà là "hiện tượng luận"; bài về lý thuyết văn học và triết học cũng sắp tiếp tục, tôi còn chưa viết xong "introduction" cho nó :p tất cả sẽ cho thấy những người suốt ngày mở miệng "triết học triết học" ở Việt Nam suốt thời gian vừa qua đã tài tình đến thế nào trong việc hiểu sai mọi thứ).

Trong một bộ sách hai tập mang đúng tên Parcours, trong đó tập 1 về đoạn 1935-1951, tập 2 về đoạn 1951-1961 (1961 là năm Merleau-Ponty chết) (loại sách tập hợp hết cả những gì chưa in thành sách của một ai đó lại như thế này gây khủng hoảng lớn: Gilles Deleuze trước khi chết cấm người ta in loại sách đó, nhưng rồi người ta vẫn in: thêm một di chúc bị phản bội; bộ Dits et Écrits - ngoại truyện - của Michel Foucault bốn tập rất nhiều nghìn trang), có tài liệu rất đáng quan tâm dưới đây:






ba trang đầu CV do Merleau-Ponty tự viết; đây là thời điểm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, Merleau-Ponty làm hồ sơ để ứng cử chân giáo sư tại Collège de France.

Merleau-Ponty sẽ trở thành giáo sư của Collège de France. Người ta kể các "cours" của Merleau-Ponty rất đông người nghe. Nhiều thập kỷ về trước, Henri Bergson cũng giảng triết học ở đây, đó là cả một huyền thoại, có ảnh chụp người ta đu vào cửa sổ bên ngoài để nghe Bergson nói. Cùng thời với Bergson, một nhân vật lớn nữa cũng giảng tại đây: Paul Valéry. Antoine Compagnon, ở chân giảng về văn chương hiện nay, cũng có lượng thính giả khổng lồ. Merleau-Ponty trở thành giáo sư Collège de France một cách nhanh chóng. Cuối thập niên 50, một người bạn thân của Merleau-Ponty, Claude Lévi-Strauss, cũng trở thành giáo sư ở đây, sau hai lần ứng cử thất bại; văn phòng của Lévi-Strauss trước đây giờ là văn phòng của Compagnon; khoảng thời gian giữa họ, có mấy giáo sư Collège de France rất đáng nhớ, Michel Foucault và Roland Barthes; một hôm, Barthes sẽ bị tai nạn ngoài đường sau khi từ đây đi ra, và chết vì vậy.

Đọc CV, ta sẽ biết chính xác vài chi tiết về cuộc đời Merleau-Ponty. Merleau-Ponty sinh năm 1908 tại Rochefort. Nếu tôi không nhầm (chắc không nhầm) đây chính là địa danh khét tiếng của trại tù khổ sai; Rochefort, cùng hai địa danh khét tiếng nữa phục vụ cùng mục đích: Toulon và Brest (Jean Genet có cuốn tiểu thuyết Querelle de Brest). Vautrin, nhân vật xuất hiện ở đoạn cuối Hết ảo tưởng dưới cái lốt thầy tu Carlos Herrera vừa kịp để cứu Lucien Chardon rồi sẽ đi xuyên suốt tiểu thuyết sau đó, Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, là cơ hội để Balzac nói về cuộc sống tù đày, trong đó Rochefort dĩ nhiên không thể thiếu. Vautrin, biệt danh "Trompe-la-Mort" (Lừa Thần Chết), rồi cũng chính là Jacques Collin đã xuất hiện ngay từ Goriot.

Năm 1926, ở tuổi 18, Merleau-Ponty trở thành học sinh École Normale Supérieure de la rue d'Ulm (ENS); bốn năm sau (1930) nhận bằng agrégation (ngành triết học, tất nhiên) rồi đi nghĩa vụ quân sự một thời gian. Merleau-Ponty sẽ đi dạy học tại mấy lycée, Beauvais (chính là nơi ngày nay rất nổi tiếng vì có sân bay của một hãng hàng không giá rẻ, cũng là địa danh khiến Michel Houellebecq rất tai tiếng vì chép béng những gì wikipédia viết về nó đưa vào một cuốn tiểu thuyết) và Chartres (rất quen thuộc đối với những người mộ đạo), thành "répétiteur" tức là một chức danh dành cho các giáo viên trẻ tại ENS, trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ và bị động viên đi lính, một thời gian ngắn. Cũng liên quan đến "agrégé-répétiteur" tại ENS, ta sẽ bắt gặp câu chuyện Michel Foucault-Jacques Derrida, sau này.

Bây giờ đến trang thứ hai ("parcours" của Merleau-Ponty rất đặc trưng cho trí thức Pháp, nhất là những ai theo ngành triết): sau vài năm đi dạy học ở các tỉnh, Merleau-Ponty về lại Paris, dạy tại các lycée Carnot và Condorcet (ai có biết về tiểu sử Marcel Proust sẽ biết Proust từng là học sinh trường Condorcet gần Saint-Lazare, bạn học có những người như Daniel Halévy, Robert Dreyfus, Fernand Gregh hay Jacques Bizet tức là con trai nhạc sĩ Georges Bizet và Madame Straus, một nhân vật hết sức quan trọng, hình mẫu lớn cho Proust viết À la recherche du temps perdu, tức là Tìm thời gian mất). Cùng lúc đó, là các hoạt động nghiên cứu; thời điểm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40, Merleau-Ponty viết luận án tiến sĩ (Merleau-Ponty lấy bằng tiến sĩ năm 1945) và ngay sau đó là những chân giảng dạy bậc đại học: Lyon, rồi Paris (các bài giảng của Merleau-Ponty giai đoạn Sorbonne 1949-1951 về sau đã được in thành sách); cùng lúc, vẫn giảng tại ENS (đã trở thành "chargé de conférences" chứ không còn là "agrégé-répétiteur" như giai đoạn trước, 1946-1949: điều này liên quan đến bằng tiến sĩ). Đặc biệt, quãng 1947-1950 Merleau-Ponty là thành viên "jury", hội đồng giám khảo tuyển lựa học sinh thi vào ENS; hội đồng này đặc biệt quan trọng, vì thí sinh ngoài các bài viết còn phải qua một số bài thi nói.

Như vậy, trong CV, Merleau-Ponty không hề nhắc đến việc mình là thành viên sáng lập tờ tạp chí huyền thoại Les Temps Modernes (năm 1945). Merleau-Ponty và Sartre đã quen biết và thân thiết với nhau từ lâu (Sartre sinh năm 1905, vào ENS cùng năm với Paul Nizan; Sartre và Merleau-Ponty có vài năm đồng môn, nhưng Sartre thi agrégation năm đầu cùng Raymond Aron, năm sau đó - vì lần đầu tiên trượt - cùng Simone de Beauvoir, Merleau-Ponty thi năm tiếp theo đó).

Có một vấn đề nho nhỏ mà tôi nhìn thấy khi xem kỹ CV của Merleau-Ponty: Merleau-Ponty lấy bằng tiến sĩ năm 1945, nếu tôi không nhầm thì đề tài là La Structure du Comportement, thế nhưng trong CV viết rõ (phần "publications") là La Structure du Comportement xuất bản năm 1941 và trong chú thích của người biên soạn Parcours nói đến ấn bản của PUF năm 1942. Vậy là thế nào nhỉ? Tôi sẽ tìm hiểu thêm điều này.

Tuy nhiên, hoàn toàn có khả năng Merleau-Ponty lấy một tác phẩm đã viết để lấy bằng tiến sĩ. Chuyện này không quá hiếm. Ta còn nhớ câu chuyện về bằng tiến sĩ của Wittgenstein: đó chính là Tractatus. Rốt cuộc, cả đời Wittgenstein chẳng in cuốn sách nào ngoài Tractatus, mà thật ra cũng chỉ vì cái bằng tiến sĩ. Nói như vậy cũng không đúng hẳn: Wittgenstein in hai cuốn sách chứ không phải một; cuốn thứ hai liên quan đến đoạn Wittgenstein đi về vùng nông thôn dạy học cho bọn trẻ con, và viết một cuốn cẩm nang liên quan đến công việc này. Đó chính là cuốn sách thứ hai mà Wittgenstein từng cho xuất bản khi còn sống; câu chuyện về cuốn sách thứ hai này còn hấp dẫn hơn so với Tractatus, tôi sẽ sớm trở lại với nó, tất nhiên trong một "registre" khác.

Những cái luận án tiến sĩ: ngoài Wittgenstein ta còn có câu chuyện rất đặc biệt về một cái bằng tiến sĩ. Đó là bằng tiến sĩ văn chương của Samuel Beckett (Beckett là "lecteur étranger" tại ENS chính vào quãng thời gian Merleau-Ponty học ở đây): một luận án tiến sĩ bịa ra toàn bộ nội dung, một cú xì căng đan của học giới nước Anh. Tôi rất nghi còn có thêm một câu chuyện (rất là hay, hoặc cũng có thể không hay lắm) liên quan đến mấy cái bằng tiến sĩ, đó chính là bằng tiến sĩ của tôi :p

Nói tóm lại, Merleau-Ponty có một CV rất ngắn gọn (có thể nói là sơ sài) về "parcours", với rất ít chi tiết và điểm mốc thời gian. Tiếp sau là tên những cuốn sách đã in ở thời điểm đó, vài bài báo (tất cả chúng đều đã được in thành sách, sau này). Tiếp đó là phần trình bày về kế hoạch giảng dạy (nếu trở thành giáo sư Collège de France: CV này được thực hiện cho hồ sơ ứng cử chức giáo sư), phần này sẽ còn dài hàng chục trang. Đoạn mở đầu đặc biệt quan trọng, nội dung của nó như sau:

"Những tác phẩm đầu tiên đã in của chúng tôi gắn liền với một vấn đề thường hằng trong truyền thống triết học, nhưng nó trở nên cấp bách hơn kể từ khi các bộ môn khoa học về con người phát triển, đến mức dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong cái biết của chúng ta, cùng lúc với triết học của chúng ta. Đó là sự lệch giữa cái nhìn mà con người có thể có về chính mình, nhờ suy tư hoặc nhờ ý thức, và cái nhìn mà anh ta có được nhờ nối các hành xử của mình vào với những điều kiện bên ngoài mà hiển nhiên là chúng có lệ thuộc."


CV trên đây là tài liệu số XX, tài liệu số XXIII của bộ Parcours sẽ liên quan đến một vụ việc mà tôi không quan tâm nhưng chắc chắn ai cũng thích biết: vụ cãi cọ rồi đoạn tuyệt (nói đúng hơn là "nghỉ chơi") giữa Merleau-Ponty và Sartre. Thế cho nên tôi sẽ nói đến nó, votre serviteur:



Câu chuyện về vụ nghỉ chơi giữa Sartre và Merleau-Ponty có vô số tình tiết, hoặc ít nhất trong sự trình bày (nhiều trang) của François Ewald thì nó gồm không ít tình tiết, mà tôi rất ngại phải kể từng tí một. Tóm lại Sartre đăng một bài trên tờ Les Temps Modernes về một vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cộng sản, với nhiều ý mà Merleau-Ponty không đồng tình, nhưng nhất là Sartre "vượt mặt" Merleau-Ponty trong khi Merleau-Ponty đang danh chính ngôn thuận là chủ bút của tờ tạp chí. Câu chuyện còn liên quan đến vài người nữa, trong đó có Claude Lefort, một người rất thân cận với Merleau-Ponty (học trò và cũng là bạn, và cũng chính là người sẽ san định di cảo Merleau-Ponty sau này), thật ra sự bất đồng ý kiến chính yếu, đi kèm cả các bài tranh luận công khai, là giữa Sartre và Lefort, rồi cuộc điện thoại kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, nghe nói nảy lửa, giữa Sartre và Merleau-Ponty. Rốt cuộc, tình bạn lâu năm giữa họ đã không thể cứu vãn. Chương cuối cuốn sách Les Aventures de la dialectique của Merleau-Ponty được dành cho Sartre.

Câu chuyện xảy ra vào năm 1953.

Xung quanh đó, Sartre và Merleau-Ponty gửi thư cho nhau, những bức thư ấy được đưa vào tài liệu số XXIII của Parcours II. Trong bức ảnh dưới cùng, ta thấy Sartre nhắc ngay đến "Le Castor", ý nói rằng trước khi viết thư cho Merleau-Ponty thì Sartre đã nói chuyện với "Le Castor". Le Castor là biệt danh của Simone de Beauvoir, và ta hiểu tại sao lại xuất hiện Beauvoir ở đây: chính Beauvoir mới thân thiết với Merleau-Ponty; hồi còn rất trẻ, có một bộ ba rất thân với nhau, là Simone de Beauvoir, Maurice Merleau-Ponty và Claude Lévi-Strauss.




nhân tiện:
+ đã xong hoàn toàn bài "André Breton hay cuộc đi tìm khởi đầu" của Octavio Paz
+ tiếp tục Adolphe của Benjamin Constant



Merleau-Ponty: Biện chứng
Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới

10 comments:

  1. Triết học đúng là mốt thật đấy bác, bây giờ người ta không đọc văn chương không phải vì không đọc được mà với lý lẽ là triết mới là nền tảng văn chương, vậy nên đọc triết thì khỏi đọc văn. Chưa kể bác ngồi chương trình hội thảo mà bác nói về triết thì kiểu gì cũng có chút danh giá hơn nói về một quyển sách mới ra. Tóm lại triết học muôn năm, hehe. Btw, trường của bác toàn mấy ông lớn nhỉ, để trở thành giáo sư ở đấy có giống kiểu xét duyệt Nobel không? Là được các giáo sư khác recommend cùng với một công trình học thuật nào đó?

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. tiếp tục

    bác muốn hỏi về ENS? đoạn sau "parcours" của Merleau-Ponty sẽ cung cấp một cái nhìn tương đối rõ ràng về điều đó

    còn Collège de France thì lại là một chuyện khác

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, tôi chờ, thú thực tôi không phân biệt được mấy cái này, cảm ơn bác!

      Trần Bình

      Delete
    2. Chào anh! Em rất thích các bài viết của anh. Anh có thể cho em xin địa chỉ gmail của anh được không NhịLinh?

      Delete
  3. "Đó là sự lệch giữa cái nhìn mà con người có thể có về chính mình, nhờ suy tư hoặc nhờ ý thức, và cái nhìn mà anh ta có được nhờ nối các hành xử của mình vào với những điều kiện bên ngoài mà hiển nhiên là chúng có lệ thuộc." - triết học như thế là sự nối dài của tôn giáo ra ngoài cương vực của tôn giáo; hay thật ra phải nói là vào cái bóng khuất dưới chân cây đèn tôn giáo. tò mò quá đi mất!

    ReplyDelete
  4. điều là sự phân biệt giữa "suy tư" và "ý thức".
    điều đó có nhẽ chỉ nhờ hiện tượng luận phương pháp mới có thể.
    cái nhìn phân tách giữa sự trình hiện và truyền tải các ý nghĩa với sự tuôn chảy của "ý thức" như là yếu tính của việc mình-đang-sống.

    ReplyDelete
  5. thật ra con người có "nghĩ" không, hay xét cho cùng nghĩ cũng là một ảo tưởng, hay nói đúng hơn người ta chỉ nghĩ là mình nghĩ (dixit NL) :p

    ReplyDelete
  6. hehe nếu một mặt nó là ảo tưởng còn mặt kia nó là tiếng rồi là chữ

    ReplyDelete
  7. đấy (sự "là tiếng rồi là chữ") chính là một căn bản ở một nhân vật giai đoạn giữa thế kỷ 19 và 20, Hugo von Hofmannsthal: Ahnung là thứ "ở trước", chưa đến biên giới, nhưng nhất thiết phải có, thì ở bên kia, trong đường biên giới, mới có các chữ, các từ, với tư cách biểu hiện của "nghĩ"

    ReplyDelete
  8. và ahnung thì làm cho "các bộ môn khoa học về con người phát triển, đến mức dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong cái biết của chúng ta, cùng lúc với triết học của chúng ta."

    ReplyDelete