Dec 9, 2017

McDonald's ở Bờ Hồ Hà Nội

Một điều gì đó rất ngu xuẩn chợt chạy qua óc tôi,  nói rằng: Có một điều gì đó rất ngu, nhưng xét cho cùng lại không thực sự ngu. Tôi không hoàn toàn hiểu được, ít nhất là không hiểu được ngay. Quá nhanh, và cũng quá mơ hồ. Điều gì nhỉ? xét cho cùng cũng không có gì: một góc phố (Hàng Bài cắt với Hàng Khay, tức là cuối phố Tràng Tiền, tức là Paul Bert: Bert là một toàn quyền Đông Dương xưa kia, xưa kia của một quãng "Đông Dương thuở ấy"), mấy thanh gỗ thưa ghép lại bằng mấy thanh gỗ đặt theo chiều dọc, trên đó có dòng chữ "MCDONALD'S" và hình hai đường cong màu vàng (giống viền mắt con vịt Donald, rất có thể, nhưng cũng không hoàn toàn). Ở Trung Quốc, đó là "Jin Gong Men"; từng có thời điểm McDonald's ở sát sạt Thiên An Môn gây ra rất lắm chuyện; một bản tin gần đây cho thấy, đã có 2.500 quán McDonald's ở Trung Quốc, và theo dự định, từ nay đến 2022, mỗi năm sẽ có thêm 500 quán mới.

Vậy là quán cà phê Ciao đã xóa sổ: quán cà phê dường như đã làm nên chủ đề cho một bài hát thuộc thể loại pop trước đây. Ciao nhường chỗ cho McDonald's, ở đúng đối diện (xiên chéo qua một ngã tư đặc biệt tấp nập) với nơi đặt những câu khẩu hiệu đặc trưng nhất cho Hà Nội một thời. Nhìn toàn thể, không có gì đáng nói. Nhưng không, đã có một cái gì đó được hoàn thành. Một cái gì đó hoàn thành, đủ một biểu nghĩa rất lớn - ít ra là không nhỏ: cuối phố Tràng Tiền là McDonald's, còn đầu phố Tràng Tiền? Dĩ nhiên là Nhà Hát lớn Hà Nội.

Nhưng tòa Opéra mô phỏng Opéra Garnier ở Paris không quan trọng bằng một công trình khác, ngay gần đó: từ đầu phố Tràng Tiền, bùng binh ngã sáu (quảng trường Cách Mạng Tháng Tám hay quảng trường 19/8 - cái tên này dường như chẳng mấy ai biết, rất ít người Hà Nội biết), nhìn về tay trái: đó là khách sạn Métropole. Nói đúng hơn, Khách sạn Métropole, Nhà hát Opéra và Quán ăn McDonald's đã vẽ nên một hình tam giác. Một - một gì nhỉ? biểu tượng? chưa chắc, tôi sẽ còn trở lại với điều này - cái gì đó đã hoàn chỉnh. Một cái hồ, và một tam giác ở ngay bên cạnh cái hồ đó.

Khách sạn Métropole nghĩa là gì? Nghĩa là chuyện tất cả vợ chồng sắp cưới đều ra chụp ảnh, đứng quanh khu Métropole và chụp ảnh (xem ở kia). Kể cả khi dẫu cho tỉ lệ ly dị ở Việt Nam dường như đã đạt đến mức trên một nửa, thì bất chấp hết, Métropole vẫn cứ là lời hứa cho hạnh phúc gia đình (trong giả dụ cặp vợ chồng trẻ không đủ tiền để đi chụp ảnh ở Maldives, Santorini hoặc bét ra Paris, nhất là đoạn giữa cây cầu Bir-Hakeim, nơi các cặp Hàn Quốc và Trung Quốc cạnh tranh với các cặp Việt Nam, tất tật đều đi xe Cadillac). Khách sạn Métropole là một ký hiệu, kể cả khi người ta chẳng hay biết về những vị khách danh tiếng từng ở đó, chẳng hạn như Charlie Chaplin, chẳng hạn như Graham Greene.

Quán ăn McDonald's, trước hết, không gây hấn. Ít nhất là không tạo cảm giác gây hấn. Một hình ảnh con thỏ thì có thể gây hấn, thế cho nên Playboy mở ở đoạn Bờ Hồ gần trụ sở báo Hà Nội Mới một thời gian ngắn thì biến mất (xem ở kia). Hai vòm cung màu vàng thì không hề gây hấn. Nhưng hai vòm cung ấy có thể nói gì?

Sống ở thành phố nghĩa là gì? sống ở thành phố nghĩa là buồn. Bởi vì đó là buồn, cho nên trông nó rất vui, rất nhộn nhịp. Bởi vì con người cảm thấy có một cái gì đó ngăn trở họ với bản tính của chính họ? bởi vì cứ như thể bị văng ra ngoài? bởi vì những tiếng ồn liên miên không ngừng xuyên qua mọi thứ gì là riêng tư, mọi thứ gì thuộc về bản thể sâu kín? Milan Kundera kinh ngạc vì ở ngoài đường ai ai cũng cắm cái gì đó vào tai. Có rất nhiều điều, và nhiều điều ấy làm cho, ở phương diện này, con người giống y hệt một loài: chim sẻ. Con người ở thành phố  chim sẻ. Chim sẻ không rời xa được sự náo nhiệt, tiếng của con người, chúng bị ánh sáng của thành phố thu hút quá mức, nên chúng sẽ không di cư về phía Nam để tránh rét vào mùa thu, giống như các loài chim khác. Con người sống ở thành phố vừa giống như con rùa đi đâu cũng mang theo cái mai (walkman, iPod, etc.) vừa giống như con chim sẻ, không rời xa đi được. Sống ở thành phố nghĩa là buồn, một nỗi buồn đặc thù, mà Baudelaire gọi là "spleen". Baudelaire chính là khoảnh khắc của nỗi buồn sự sống nơi thành phố kết tinh lại. Một ý thức con người, ý thức ấy là ý thức về bất hạnh.

Sống ở thành phố: cuộc liên tiếp trải qua những saltus, các chuyển biến đột ngột mà ý thức bản tính của con người không bao giờ có thể theo kịp. Luôn luôn là sự hụt chân, vấp, rơi xuống, từ cửa xe bus xuống hè đường, và cũng là rơi vào vực thẳm của chính bản thân mỗi con người. Tất cả những điều ấy làm sản sinh ra một thứ, một sản phẩm đích thực của cuộc sống con người kể từ khi thành phố đã trở thành bản tính thứ hai: nostalgie, nỗi hoài nhớ, nỗi hoài nhớ này đặc thù, nó gây chóng mặt, sự chóng mặt, đến lượt nó, cũng lại rất đặc thù, một sự chóng mặt của saltus. Không có thành phố, thì người ta sẽ không thực sự hoài nhớ. Thành phố tạo nên bộ khung cho nỗi hoài nhớ. Trong thành phố Hà Nội, đông đặc người coi thời thuộc địa là vàng son, quá khứ bao cấp là tuyệt đỉnh, và nước Liên Xô là thiên đường đã mất.

Nhưng thành phố cũng tạo nên bộ khung, một bản tính thứ hai nữa, cho một điều ở trung tâm của cuộc sống con người: ngôn ngữ.

Một thành phố là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ có chuyển động riêng của nó, khó nói được chuyển động ngôn ngữ mô phỏng chuyển động cuộc sống nơi thành phố, hay chuyển động của cuộc sống thành phố mô phỏng chuyển động của ngôn ngữ. Langue là bầu trời, parole là mặt đất, langage là những gì tạo nên bầu trời-mặt đất. Tu từ học thì giống như những đám mây, chúng trượt đi trong chuyển động riêng, chịu sự chi phối của langue, chúng nối không gian lại. Tu từ học là mưa. Nhưng Saussure còn dựng ra một sơ đồ nữa: có một hệ thống, và có các ngữ đoạn. Ngữ đoạn hoạt động trong hệ thống, tùy thuộc vào hệ thống (vô hình). Biên giới của mỗi thành phố cũng vô hình: hiện tại, không một ai có thể thực sự nói đến đâu thì hết Hà Nội. Một thành phố sẽ trở thành một thành phố đích thực khi nó là vô tận.

Ẩn dụ và hoán dụ làm nên phần chính yếu của tu từ học: ngôn ngữ sẽ không vận hành được nếu thiếu chuyển động, nghĩa là thiếu ẩn dụ và hoán dụ, những thứ liên tục trượt. Một thành phố không thể đứng yên: định mệnh của thành phố là chuyển động. Là trượt đi. Một cái xe chạy trên phố, và những con người đi lại. Kể cả khi ở yên một chỗ, một người vẫn tiếp tục tham gia các chuyển động, ở một số dạng. Ẩn dụ và biểu tượng, trái với lương tri vẫn hay hiểu, lại chính là những gì ngôn ngữ học không quan tâm, bởi vì chúng nghèo nàn. Ẩn dụ tức là giống, biểu tượng cũng tức là giống. Quan hệ ở đây là sự tương đồng (analogie). Ẩn dụ tức là so sánh không có như, và biểu tượng nghĩa là, ở bên dưới cái đó lại có một cái nữa, tận dưới sâu, và hai cái đó giống nhau, tương tự với nhau. Một quan hệ như vậy là quan hệ nghèo nàn: biểu nghĩa của chúng không đáng nói.

Thế giới của ngôn ngữ và thế giới của cuộc sống thành phố có chuyển động đặc thù trong hoán dụ. Hoán dụ tức là đặt cạnh nhau. Cái này ở cạnh cái kia, và ở cạnh cái khác nữa: biểu nghĩa trở nên đặc biệt giàu. McDonald's ở bên cạnh Opéra và ở bên cạnh Métropole: đây là một biểu nghĩa. Đồng thời, nó là một cấu trúc, hay nói giản dị hơn, một hình kỷ hà (cf. Edmund Husserl, "Sự ra đời của hình học", nếu đọc bằng tiếng Pháp, nhất định sẽ phải đọc qua bản dịch của một nhân vật chắc hẳn bất ngờ: Jacques Derrida).

Nhưng biểu nghĩa sẽ hướng về đâu? Trong một chằng chịt, điều gì sáng lên làm lộ rõ bản chất nghèo nàn (bản chất=nghèo nàn). Tôi nghĩ là tôi có thể nói đến hai điều, ít nhất đó là hai điều đã rơi được vào pha ngôn ngữ.

McDonald's ở Bờ Hồ Hà Nội là biểu hiện của một thứ: liberalism. Liberalism được thể hiện bằng cụm từ "chủ nghĩa tự do" trên một số cuốn sách xuất bản tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, chủ yếu của nhà xuất bản Tri Thức.

Nhưng, "liberalism" không có gì liên quan đến tự do. Ta sẽ thấy ở đây, tiếp tục, một sự trượt đặc thù của hoán dụ: nói ngắn gọn là lấy cái này để nói thay cho cái kia. Tất nhiên là tôi biết, việc gọi liberalism là "chủ nghĩa tự do" về cơ bản chỉ vì những người gọi nó như vậy không hiểu thật ra từ đó muốn nói gì, nhưng tôi không định nhìn nhận như vậy, tôi cũng không định kết tội ai. Tôi chỉ muốn nói rằng lựa chọn từ chịu chi phối của một số thứ. Trong đó có mặc cảm.

Vậy thì, liberalism nghĩa là gì? Liberalism, trong yếu tính của nó, nghĩa là "tolérance". Và đúng, cái mà ta gọi là "hiện đại" có hình thành được là nhờ rất nhiều vào điều này, trong xung đột ghê gớm với nhiều điều khác. Ta có "tolérance" về tôn giáo, "tolérance" về "sắc tộc": tolérance này là sự mở rộng (extension) đến các giới hạn rất xa của chính hoán dụ; một sự tolérance đồng nghĩa với sự chấp nhận đặt cạnh nhau của rất nhiều thứ, có thể nghĩ là đến mức vô hạn. Bỗng tôi nhớ đến một bài báo cách đây đã nhiều năm, nó tên là "Việt Nam một dân tộc khoan hòa". Không đáng ngạc nhiên cho lắm, khi tác giả của bài báo ấy tên là Dương Trung Quốc. Và tất nhiên, có thể là "tolérance" cả về mặt thời gian, nói chính xác hơn là về mặt thời khắc biểu, thế cho nên một số nghề được gọi là "liberal" chủ yếu vì những người làm nghề ấy không thực sự chịu sự câu thúc về mặt thời gian. Nhưng từ đây mà nghĩ đến "tự do" thì đúng là một "complaisance". Đây là một từ hết sức quan trọng.

Bởi vì, tolérance và complaisance ở sát cạnh nhau. Trong rất nhiều trường hợp, tolérance=complaisance. Người ta sẽ nói việc McDonald's xuất hiện ở Hà Nội là một xu thế tất yếu (cụm từ này xinh nhỉ), nhưng rất có thể, đây chỉ là kết quả của một sự trượt, theo hai bước: từ liberalism đến "tự do" và tiếp tục sang đến tolérance=complaisance.

Không, tôi không định kết tội hay ám chỉ điều gì. Tôi chỉ đang nhìn thấy một số chuyển động. Chúng vô hình, và tôi đang cố gắng tóm bắt lấy chúng, trước khi chúng tan biến đi mất, quay trở lại "vùng mờ" (Jung) của chúng.

Lần đầu tiên tôi đi ra khỏi biên giới Việt Nam là mùa hè năm 2000. Khi ấy, tôi đi Hongkong. Trong mắt của tôi năm hai mươi tuổi, mấy người lính vũ trang tận chân răng tại sân bay Chek Lap Kok là những người khổng lồ. Xe bus hai tầng chính là một kỳ quan; tôi từng đi những chuyến thật dài, khi mà xe rất vắng, tôi trèo lên trên tầng, ngồi ghế trên cùng, để nhìn; kết quả là tương đối chóng mặt; những chuyến xe bus đông người thì đúng là địa ngục: giọng Quảng Đông của các bà đi chợ giống như súng liên thanh. Tôi vào một hiệu sách trên Haiphong Road, tôi mua được một bộ Tam Quốc diễn nghĩa và một tập Đường thi, tôi rất sung sướng vì ở Hongkong đến cả báo cũng viết chữ phồn thể - chữ giản thể tôi chịu không đọc được. Tại một bến xe bus, chuẩn bị sang đến Kowloon - tôi hình dung xưa kia nó chính là cái bến phà mà Nguyễn Tuân từng đưa mấy cô gái xóm chị em ta về, như đã kể trong Một chuyến đi, ghi lại một chuyến giang hồ đất khách cuối thập niên 30 của thế kỷ 20 - lần đầu tiên tôi ăn McDonald's.

Tôi không có nhiều kỷ niệm để kể về McDonald's. Sau khi đi Hongkong, mùa hè năm 2002, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Paris. Trong ngày đầu tiên, bữa trưa đầu tiên, tôi đến mua đồ ăn tại quán McDonald's trên phố Soufflot (phố chạy từ Panthéon nối với cổng Jardin du Luxembourg; Soufflot là tên kiến trúc sư xây Panthéon), vì tôi đói và không biết ăn gì. Đó là lần cuối cùng trong đời tôi ăn McDonald's. Câu chuyện hết sức nghèo nàn, nếu muốn thêm một chút pathétique thì chỉ cần thêm rằng, hôm đầu tiên của tôi ở Paris, tôi cảm thấy tôi lên cơn sốt, vì ăn McDonald's. Và dẫu sao, tôi vẫn mong, nếu phải lựa chọn, và có thể lựa chọn, Hà Nội sẽ giống như Hongkong, chứ đừng đần độn như Singapore.

Sự complaisance của những người "liberal" ở Việt Nam có thể lên đến mức nào? Trong cuộc ủng hộ Bob Kerrey, ta có một nhân vật thứ ba, sau Nguyên Ngọc và Chu Hảo, một nhân vật có biểu nghĩa không nhỏ: Vũ Thành Tự Anh. Và ở đây, sự trượt nghĩa có biểu nghĩa: tolérance (nếu ta chấp nhận nó là động lực, giống như là động lực, ở bên dưới) thuần túy chỉ để che đậy một điều, lợi ích.

Đây là một điểm quan trọng: càng ngày tôi càng có cảm giác, trong sự trượt đi thường trực và vĩnh cửu của mọi thứ, tính chất đặc thù của trượt, ngày nay, là lộn ngược. Người nào vì lợi ích thì sẽ nhấn mạnh vào vô vị lợi - một trong những "từ khóa" của cuộc sống tinh thần ở Việt Nam hiện nay. Khi ta thấy "Reading Circle", thì nên hiểu ngay, chẳng có "reading" nào cả, còn circle, nó có thể là gì? Thì nó giống logo McDonald's còn gì. Cách đây một số năm, ở trọng tâm của cuộc sống tinh thần Việt Nam, các trí thức tích cực phê phán giáo dục. Nhưng dường như sau khi mở được trường riêng rồi, chẳng ai phê phán nữa. Một trong số các nhân vật ấy, thêm một biểu nghĩa không nhỏ (biểu nghĩa này có các yếu tố sau: du học nước ngoài, có đầu óc liberal, luôn luôn nhấn mạnh vào "kinh tế học thể chế"), giờ đây đã trở thành người đi diễn thuyết về "lãnh đạo sáng tạo". Diễn thuyết về "lãnh đạo sáng tạo" chính là "dạy làm giàu". Dạy làm giàu chính là dạy làm sao để không bao giờ giàu. Một trí thức phản biện xã hội hoàn toàn có thể là một nhân vật của phong trào "Làm giàu không khó".

Và, cả một bộ khung đã hình thành: tại sao cái điện thoại lại được gọi là "smartphone", chính là bởi vì nó stupid, ít nhất là trong chừng mực cái điện thoại kiểu ấy làm con người trở nên stupid. Trong thế giới của sách (ảnh tượng sâu nhất của cuộc sống trí tuệ - thêm một khái niệm nữa của Jung), chuyện còn rõ ràng hơn nữa. Quyển sách nào trên bìa có ghi "best-seller" thì gần như 100% nó là một cuốn sách dở. Một cuốn sách xứng đáng vứt vào thùng rác. Điều này khá tương tự với một trong hai điều mà Roland Barthes từng nói về văn chương: Roland Barthes từng nói rất nhiều điều về văn chương, tất nhiên, nhưng có hai điều đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, nhà văn là một dạng Orphée: một Orphée từ địa ngục quay trở về dương thế, với điều thân yêu nhất đi ngay đằng sau lưng; nhưng chỉ cần Orphée ngoái đầu lại nhìn, thì cái điều đó tức khắc tan biến mất, không thể cứu vãn; thứ hai - điều mà chúng ta quan tâm - nằm ở chỗ: văn chương (mà người ta gọi là) "hiện đại" là một thứ đeo mặt nạ trên mặt, và đi đâu nó cũng đưa tay lên chỉ vào cái mặt nạ đó. Nó tự tố cáo nó, nó tự nhận nó là như thế - nhưng vấn đề là chẳng ai tin: từ câu chuyện thằng bé chăn cừu không làm được ai tin về chuyện có chó sói đến cái nhân vật đeo mặt nạ và tự chỉ vào mặt nạ, có cả một đường trượt không ngắn.

Quán ăn McDonald's mới mở ở Bờ Hồ Hà Nội ngay lập tức làm tôi nghĩ đến một nhân vật: Tạ Chí Đại Trường. Sử gia vĩ đại từng nói một điều mỗi lúc càng trở nên đúng hơn. Thần linh bên ngoài lại chiến thắng sau khi đội quân nước ngoài đã thất trận. Thời điểm của thua lại cũng chính là thời điểm của thắng. Opéra và Métropole chính là thần linh ngoại nhập đã được bản địa chấp nhận. Chúng đã phát ra biểu nghĩa của thiêng, cho nên các cặp vợ chồng trẻ đến đó để chụp ảnh. Sự bất hợp lý, xét cho cùng, chỉ là một biểu nghĩa của sự hợp lý. Điều mà Leclerc không làm được thì một ngôi nhà, xét cho cùng, rất tầm thường, lại làm được. Viền lên một số tòa công trình là ánh rực rỡ, ánh vàng của cái thiêng. Một cái thiêng trông rất không thiêng. Nhưng xét cho cùng, phàm thì làm sao bàn được đến thiêng? Trong tâm lý của người Việt Nam, "trần sao âm vậy", trong truyền thống gnostique, hay mystique, nếu muốn rộng hơn, cũng y hệt: As Above, So Below. Logo của McDonald's viền vàng, và trông không hề gây hấn, không hề tạo ra cảm giác nguy hiểm. Đến cả sự thiêng có lẽ cũng đã đi vào pha biểu nghĩa lộn ngược, giống cái stupid smartphone.

Và tôi đã nhớ ra cái gì đó ngu nhưng không thực sự ngu: đó chính là một câu, nói đúng hơn là một mệnh đề, trong một cuốn sách best-seller, một cuốn sách của Thomas Friedmann, mệnh đề ấy là: các đất nước (quốc gia) có quán ăn McDonald's không bao giờ gây chiến tranh với nhau.

Tôi còn nhớ được, vì chính tôi là người dịch cuốn sách ấy sang tiếng Việt. Về sau, tôi cũng chẳng hiểu thế quái nào nữa, nó lại thành của người khác. Đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện ấy, không có gì đáng kinh ngạc, là một nhân vật liberal nổi tiếng ở Việt Nam. Nhưng, đừng lo, tôi không tính đâu, tôi cho luôn từ ngày ấy rồi. Nhưng tôi sẽ không ăn McDonald's bao giờ.



13 comments:

  1. Trời ơi, bác nói tôi mới lên tiki xem lại, đúng là họ đổi luôn tên bác, tôi còn giữ bản cũ này

    ReplyDelete
  2. nghe văng vẳng bài "Que serra ..."
    Hanoi lại chưa từng là "thiêng" theo đúng nghĩa. vì cái đất í, theo Tạ Chí Đại Trường, đa thần trong căn cốt và luôn luôn hành hương về tàu về chân lạp. kịp đến khi có ki-tô thì "thánh địa" cũng ko đến lượt cái đất sau đó sẽ là Hà Nội.
    nên chi hai cái dấu "mắt ngỗng" nhưng vàng ở cạnh "bồ hồ" có vẻ như một sự tiếp tục của tính liên tục (khục khục)
    rất hay là tạo ra một "cái khung".

    ReplyDelete
  3. không bao giờ không có thiêng, đa thần thì thiêng ở trong tính chất đa thần

    kể cả không thần thì vẫn thiêng

    vấn đề nằm ở chỗ sự biến nghĩa nằm cả ở mức độ của thiêng

    ReplyDelete
  4. một linh mục nổi tiếng từng nói: cái thiêng ví như đường chân trời.
    một đất "thiêng" là nơi người ta đến để thấy được chân trời, rồi lại quay về với tổ ấm cũng vốn có đủ từ Bà Tiên Răng đến Ông Thần Bếp.
    uh thì đất nào chẳng có "thiêng".
    nhưng đa thần đất này cũng giống như cái R.B gọi là "các đối âm của lịch sử" mà ko có/tới "Cách Mạng Pháp", hay tương tự điều CVD thấy là "de n’apercevoir que ce qui a pris forme avec contours plus ou moins définis et non leur “formation”,"
    cái thiêng là cái ko biến đổi, một chất ét-xăng.
    nhưng nó luôn bị nhại ở tầng "formation", "trong sự trượt đi thường trực và vĩnh cửu của mọi thứ," mà chẳng phải do cao siêu gì chỉ là do những đợt sóng "vô vị lợi" vô bờ bến "ngu nhưng không thực sự ngu" sáu mươi mấy năm qua, hehe

    ReplyDelete
  5. Ôi, sao người ta có thể đổi tên như vậy được chứ. Sao bác không phản ứng lại điều đó vậy ạ ?

    ReplyDelete
  6. tại sao á? nhưng xét cho cùng tôi thấy như thế là rất tốt: bỗng dưng không cần làm gì mà tôi lại thoát khỏi một thứ mà chỉ vì "complaisance" tôi đã nhận làm, nó làm tôi hối hận ngay lập tức

    thêm vào đó, tôi hiểu được một người như Nguyễn Quang A là như thế nào, khi cần thì lăn ra nhờ vả, đến khi chỉ muốn hỏi một câu thôi thì ngài biến mất

    thật ra, năm 2006 tôi đã gửi khiếu nại đến nxb Trẻ rồi, sau khi phân tích văn bản và thấy họ dùng bản cũ của tôi có sửa đi, nhưng tôi thấy sốt ruột với việc đó, lại có nhiều việc khác, nên tôi quyết định cho họ luôn

    cần gì

    ReplyDelete
  7. Cháu cũng thích tiếng Trung phồn thể. Vụ cách mạng bảng chữ cái chỉ làm rối chuyện. Mà hình như chú từng nói thích đọc chữ phồn thể ở mục châm ngôn trên này rồi nhỉ? :))

    ReplyDelete
  8. Hay. Hồi SV cũng hay ăn Mac mà h thì ko thể nuốt nổi. Cho hỏi 1 câu là sao CVD ko thấy viết gì về W. Faulkner

    ReplyDelete
  9. khoe quá khứ du học nước ngoài đấy, rất đặc trưng của bọn du học, hở là khoe, cả kín lẫn hở

    chưa tìm sao biết là không

    đừng gọi tên nữa, nghe ngứa lắm

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chẳng hiểu khoe cái bỏ mẹ gì. Ko thấy hastag thì tìm phát rồ lên à

      Delete
  10. Hy vọng ở quanh bờ hồ (in nghiêng) hôm qua anh đã có cái view bắn phâo hoa đẹp như này ^^
    https://m.youtube.com/watch?v=iamjgE3Gxo0
    ❤️

    ReplyDelete
  11. ô, chậc chậc, chết thật

    ReplyDelete
  12. Lại mò ra một cuốn anh dịch mà không biết hehe. Đào mộ nửa đêm.

    ReplyDelete