Dec 12, 2017

Sociologie và socio-logique

Nhân một sự kiện nho nhỏ, chúng ta lại tiếp tục Roland Barthes.

Và đây sẽ là Roland Barthes ở tư cách độc giả của Claude Lévi-Strauss (điều này đã nói qua ở kia). Tất nhiên, phải là Lévi-Strauss: tinh thần của thế kỷ 20 có được hay không là nhờ vài người, trong số đó, Lévi-Strauss. Muốn hiểu bất kỳ điều gì, điều không thể khác là phải đọc Lévi-Strauss, và đọc tất tật, đọc cho đến cả những cuốn ít được biết đến như Histoire de Lynx, La Voie des masques, cả đến cuốn sách viết rất muộn, về mặt trăng, nhân dịp đi Nhật Bản, trong đó Lévi-Strauss kể hồi bé mình say mê sưu tầm những món đồ nhỏ bé của nước Nhật như thế nào.

Sự kiện nho nhỏ là tôi đã đọc đến tập thứ ba bộ toàn tập Barthes:


Cho đến giờ, đã có ai "theo" vụ này không nhỉ? (chuyện "theo", xem ở kia). Nói đúng hơn, tôi đã đọc gần hết tập ba này, đang rất máu lửa với tiểu luận của Barthes về thánh Loyola, người lập ra dòng Tên. Sau đây sẽ chỉ còn hai tập nữa.

Barthes viết "Sociologie và socio-logique" (nhan đề quá rõ ràng, và lại có hàm nghĩa rất hay nên tôi để yên không dịch) nhân hai cuốn sách của Lévi-Strauss mới xuất bản vào thời điểm ấy, đó là Le Totémisme aujourd'huiLa Pensée sauvage (trong cuốn này, Lévi-Strauss gạt Jean-Paul Sartre ra). Bài đăng trên tờ Information sur les sciences sociales, tháng Chạp năm 1962.

Barthes và Lévi-Strauss có mối quan hệ rất đặc biệt. Một hôm, có một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng (Greimas, nếu tôi nhớ không nhầm, chắc không nhầm) dẫn Barthes đến nhà Lévi-Strauss, rồi ngồi dưới quán cà phê bên kia đường đợi. Barthes lên nhà Lévi-Strauss để thuyết phục Lévi-Strauss làm giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho mình. Lévi-Strauss đã từ chối. Barthes sẽ không bao giờ có bằng tiến sĩ (về một số bằng tiến sĩ đáng nhớ, xem ở kia).

Như trên đã nói: không thể không đọc Lévi-Strauss. Tôi dịch bài dưới đây để cho thấy một độc giả của Lévi-Strauss nghĩa là như thế nào. Điều này tương đối quan trọng, vì sắp tới chúng ta sẽ cần đề cập một độc giả khác của Lévi-Strauss: Nguyên Ngọc.



nhân tiện: đã tiếp tục tiểu luận về phong cách Proust của Leo Spitzer và thêm những bài thơ của Baudelaire (à, mà có ai để ý không nhỉ: nếu Proust nghĩa là hạnh phúc thì Baudelaire nghĩa là bất hạnh; nếu mở rộng hơn: ta có Stendhal hạnh phúc rồi Baudelaire bất hạnh rồi Proust hạnh phúc rồi Céline bất hạnh; tắt bật không ngừng)




Sociologie và socio-logique


Nghiên cứu tổ chức tâm lý xã hội các village de toile [loại “làng” (village) đại loại gồm những túp lều hoặc cũng có thể kiên cố hơn “lều”, đặt tại những nơi nghỉ mát], được dựng lên bởi các câu lạc bộ lữ hành tại một số điểm ven bờ Địa Trung Hải, một nhà xã hội học người Pháp [chú thích trong sách: “Henri Raymond, trong một tác phẩm chưa in. Tuy nhiên có thể xem cùng tác giả, về chủ đề này: “Nghiên cứu một ngôi làng nghỉ mát”, Revue française de sociologie, tháng Bảy-tháng Chín 1960”] có nhận xét sau đây: cấu trúc của những ngôi làng nhân tạo này, bố trí bên trong các “địa điểm” của chúng, nửa công năng, nửa có tính chất nghi thức, dường như thờ ơ với phong cảnh trong đó chúng phát triển: chẳng gì ngăn cản việc dựng ra một ngôi làng hoàn chỉnh, với những cái lều, các nơi ăn uống, khiêu vũ, trò chuyện, trò chơi và tắm, tại một nơi sầu não, với các hình thức xấu xí: rõ ràng không có xung đột nào giữa chức năng hội hè của làng lữ hành và sự khắc kỷ, thậm chí sự thiếu hài hòa, của chốn tiếp nhận nó. Một ví dụ như vậy hẳn sẽ khiến Cl. Lévi-Strauss quan tâm: hoàn toàn không phải, một cách hời hợt, bởi vì có tương đồng về đối tượng giữa village de toile và làng “nguyên thủy”, mà bởi cả hai đều được xây dựng theo một số quan hệ không gian, nghĩa là theo một logic nhất định, và logic này liên quan đến, trong cả hai trường hợp, cả một trình hiện thế giới, như vậy làm chứng rằng khắp mọi nơi, từ Úc “nguyên thủy” cho đến Địa Trung Hải văn minh hóa, đều có một trách nhiệm của các hình thức [cụm từ “trách nhiệm của hình thức” nên được coi là một trong những chủ âm trong toàn bộ trước tác của Roland Barthes]. Bởi vì nếu nhận xét của Henri Raymond là có cơ sở, nếu village de toile, rõ ràng là sự kiện hiện đại và ở khía cạnh này cho thấy một xã hội học về giải trí, có thể được định nghĩa, ở bên ngoài tất định luận địa dư hay tâm lý, như một tổ chức của các chức năng, thì sẽ xuất hiện bổn phận phải tiến hành các phân tích theo típ mới, và sự sinh ra khả dĩ của một xã hội học cấu trúc (hoặc ít nhất, sự gặp giữa dân tộc học và xã hội học trong lòng một nhân học cấu trúc). Với những điều kiện nào? Đó là điều cần xem xét.

Hai tác phẩm gần đây nhất của Claude Lévi-Strauss, Le Totémisme aujourd’hui [cuốn sách này gần đây đã có bản dịch tiếng Việt: nhưng tại sao lại “định chế totem” nhỉ? và “định chế totem” nghĩa là gì?] và La Pensée sauvage, mời gọi cuộc kiểm tra ấy (dẫu cho nó ngắn đến đâu, ở đây): cuốn sách thứ nhất là bởi, mặc cho đối tượng đặc chất dân tộc học (totémisme) của nó, nó tấn công vào một trong những thái độ thường hằng của khoa học hiện thời, nghĩa là cung cấp một sự ưu việt cho các nội dung của những biểu tượng xã hội, chứ không phải cho các hình thức của chúng; cuốn thứ hai là vì, ngoài sự đào sâu và mở rộng suy tư cấu trúc mà nó thể hiện, nó còn gợi ý và phác họa ở nhiều chỗ các phân tích những sự kiện hiện đại, tuân theo đặc tính xã hội học (bricolage, nghệ thuật đương đại, đồ ăn, các tên riêng, trang phục). Nhà xã hội học, hay, để nói rộng hơn, nhà phân tích xã hội hiện thời như vậy có được những nguyên tắc nghiên cứu và các ví dụ mà anh ta có thể lấy để đối chiếu với suy tư của chính mình.

Ta đã thấy rằng village de toile tạo ra một đối tượng tuyệt hảo cho phân tích cấu trúc, trong chừng mực sự xây dựng nó (và do đó sự sử dụng nó) hàm ý một socio-logique, mà người phân tích có nhiệm vụ tái cấu tạo. Ví dụ này có lạ thường không? Đâu là những đối tượng của xã hội hiện đại bày ra cho phân tích cấu trúc? Đâu có thể là trường của một xã hội học về các chức năng (theo nghĩa logic của từ này)? Chính ở đây định đề của phương pháp tự trả lời: có khả năng, đối với Cl. Lévi-Strauss, tất cả những “sản xuất” con người, đồ vật, nghi thức, nghệ thuật, thiết chế, vai trò, sử dụng, chẳng bao giờ đến được sự tiêu thụ nếu không bị đặt bởi tay chính xã hội vào trung gian intellect; không có một praxis nào mà tinh thần con người không chiếm lấy, mà nó không tẽ nhỏ và tái cấu tạo dưới hình thức một hệ thống các thực hành [trích dẫn một câu (dài) từ La Pensée sauvage]. Nếu intellect là một trung gian tối cao, nếu nó nhất thiết áp đặt một hình thức cho vật chất và cho các hành động chuyển hóa nó hoặc tiêu thụ nó (nhưng hình thức này dĩ nhiên biến đổi tùy theo các xã hội), thì chẳng có lý do gì để loại bỏ đi từ phân tích cấu trúc bất kỳ đối tượng nào, dẫu có tính chất xã hội (nhưng có gì khác ngoài đó không?): người ta có bày ra cho anh ta cái gì đi nữa, thì nhà phân tích cũng phải tìm thấy lại ở đó dấu vết của tinh thần, công việc tập thể đã được thành tựu bởi suy nghĩ nhằm đặt cái thực vào tuân thủ trong một hệ thống logic của các hình thức; như vậy dẫu cho đó là một ngôi làng, một thứ quần áo, một bữa ăn, một lễ hội, một sử dụng, một vai trò, một dụng cụ, một thiết chế hay một hành động, dẫu là hành động sáng tạo, nếu nó được chuẩn hóa, dẫu tất tật các yếu tố này của vật chất xã hội đều thuộc về một xã hội “nguyên thủy”, lịch sử hay hiện đại, thì tất cả chúng đều hé lộ cái sociologique kia, được định ra, được gọi đến và ở nhiều điểm được tạo lập bởi tác phẩm của Cl. Lévi-Strauss. Nhìn chung, đối với cái cốt yếu của các thượng tầng kiến trúc, chẳng gì có thể, xét về lệ, phân chia dân tộc học khỏi xã hội học và lịch sử (với điều kiện nó ngừng là một lịch sử sự kiện): đấy là bởi cái khả tri thì ở khắp mọi nơi, cho nên không thể có trong các khoa học nhân văn các đối tượng bị biệt lập; đấy là bởi xã hội, dẫu nó là gì, làm cái việc là cấu trúc hóa ngay tức thì cái thực, cho nên phân tích cấu trúc là cần thiết.

Như vậy dân tộc học cấu trúc do Cl. Lévi-Strauss tạo dựng, thông qua phương pháp và các mục đích của nó, hàm ý một tính chất phổ quát của trường, cái khiến ông gặp tất tật mọi đối tượng của xã hội học. Tuy nhiên cần phải nêu nhận xét (mà không nhắc lại một cuộc tranh luận cũ [chú thích trong sách: “Về các mối quan hệ của dân tộc học, nhân học và xã hội học, cf. Cl. Lévi-Strauss, Anthropologie structurale”]) rằng đối tượng xã hội học khác với đối tượng dân tộc học ở hai điểm (ở đây chỉ nói đến những khác biệt có ích lợi về mặt cấu trúc). Trước hết là điều này: cái mà người ta gọi là massification [từ masse/mass] dường như gây thất bại cho phương pháp cấu trúc trong chừng mực số [nombre], dường như vậy, chỉ có thể được chế ngự bằng các phương pháp thống kê: nơi mà phân tích cấu trúc tìm các sự lệch [écart] về số lượng (giữa các đơn vị), thì xã hội học thống kê lại tìm các trung bình; phân tích cấu trúc hướng đến sự kiệt cùng, còn xã hội học thì đến tính chất bao trùm. Ngoài ra cũng cần nói rõ số thì làm biến đổi điều gì. Xã hội masse được đặc trưng hóa bởi sự nhân lên theo đường lối cơ học của mỗi mẫu mà nó lập dựng: một tờ báo, một chiếc xe ô tô, một cái áo măng tô được tái sản xuất ở mức hàng nghìn bản; cùng village de toile như thế còn được tìm thấy tại mười điểm quanh Địa Trung Hải. Nhưng nếu các nguyên mẫu có số lượng hạn chế (và đúng vậy) thì, nói cho đúng, chẳng gì ngăn cấm sự cấu trúc: cấu trúc [structurer] (có cần nhắc lại không?) hoàn toàn không phải là đếm các đơn vị, mà làm hé lộ các khác biệt; chẳng quan trọng mấy, từ quan điểm của cái khả tri, nếu số lượng xe 2 CV Citröen vượt rất xa số lượng xe của Facel-Vega; điều đáng quan tâm, nhằm hiểu không phải thị trường xe ô tô, mà “hình ảnh” xe ô tô, là hai mẫu này tồn tại thông qua một khối [một cơ thể] (một “hệ thống”) gồm các khác biệt ở mặt thiết chế. Ở khía cạnh này, một xã hội học cấu trúc hẳn có cơ may tôn trọng hơn nhiều so với một xã hội học khác những nét tinh tế, lệch lạc, chệch lối, của xã hội masse, những gì mà xã hội học thống kê cho là không mấy quan trọng [insignifiants]: không có chuyện vì một sự kiện là hiếm cho nên nó biểu nghĩa kém đi; bởi vì cái biểu nghĩa không phải bản thân hiện tượng, mà là mối quan hệ của nó với các hiện tượng khác, hoặc đối nghịch [antagoniste] hoặc tương liên [corrélatif]; xã hội học thống kê ít nhiều hàm ý một xã hội học theo chuẩn; điều mà, ngược lại, người ta có thể hy vọng từ một xã hội học cấu trúc là nó thực sự là một xã hội học về tính chất toàn thể, bởi vì, trong mắt nó, không mối quan hệ nào, dẫu có kết hợp được những yếu tố hiếm, có thể trở nên “ngoại lệ”: có ít người điên hơn nhiều so với người tỉnh; nhưng điều hết sức quan trọng ngay lúc đầu, nằm ở chỗ xã hội, trên phương diện thiết chế, tiến hành một mối quan hệ thuộc dạng loại trừ [Roland Barthes nhắc ngay tới cuốn sách về điên của Michel Foucault ở đây]; văn chương tốt là một thứ sản phẩm có sự tiêu thụ hiếm; nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ tự thân xã hội lập ra một quan hệ có tính chất cấu trúc giữa hai văn chương: tốt và dở: cái định nghĩa văn chương “tốt” không phải, ngay lúc đầu, là một nội dung cảm năng, mà là một vị trí nhất định trong một hệ thống chung của các sản xuất những sự viết. Cho nên hẳn sẽ chỉ cần hé lộ các mẫu, vốn không nhiều, mà các xã hội của chúng ta dồn dập ném vào trong lưu thông là đã có thể vươn tới được khối các hình thức, rồi khối các quan hệ, nhờ đó mà xã hội tự nó biến được những văn chương của nó và những xe ô tô của nó trở nên khả tri, hay chính xác hơn, biến được thế giới trở nên khả tri thông qua những xe ô tô của nó và những văn chương của nó.

Lẽ dĩ nhiên, số lượng người mua xe 2 CV hay xe Facel-Vega không phải là điều vớ vẩn: nó có một tầm quan trọng quyết định khi vấn đề là phải nghiên cứu kinh tế thị trường xe ô tô và kiểu sống của người tiêu dùng. Nhưng, từ một quan điểm cấu trúc, đó không phải một ký hiệu, mà chỉ là một dấu chỉ [indice: khái niệm của một nhánh ngôn ngữ học quan trọng]: số lượng người mua xe 2 CV gợi nhắc sự sử dụng đặc biệt của một từ, mà sự lặp lại trong *discours* “để lộ ra” hoàn cảnh, tâm trạng và cả, nếu muốn, *vô thức* của người nói; việc một xã hội nào đó thích hơn, khi giá là bằng nhau, mẫu xe ô tô này hơn mẫu xe ô tô khác, lựa chọn thực tế ấy cấp thông tin, hoàn toàn không phải về cấu trúc, mà về cách thức đặc biệt mà một nhóm xã hội (những người mua mẫu xe) dùng cấu trúc đó. Chính vì thế, rất nghịch lý, các mối quan hệ của xã hội có giai cấp và xã hội masse hẳn sẽ chỉ có thể được phân tích ở cấp độ một xã hội học cấu trúc, thứ chắc hẳn có thể phân biệt được giữa nghĩa của các mẫu toàn thể và sự tiêu dùng đặc biệt của chúng.

Tuy nhiên còn một điểm nữa, nơi các xã hội dân tộc học và xã hội học khác nhau theo một cách thức, dường như vậy, quan trọng hơn so với tại điểm liên quan đến số. Các xã hội được gọi là nguyên thủy là những xã hội không có chữ viết. Từ đó mà viết và tất cả các hình thức có tính chất thiết chế của *discours* phái sinh từ đó được dùng để định nghĩa trong chính sự đặc thù của chúng các xã hội xã hội học (kể cả, dĩ nhiên, các xã hội lịch sử): xã hội học là sự phân tích các xã hội “viết”. Điều này hoàn toàn không bó hẹp vai trò của nó: thật khó hình dung bất cứ điều gì, trong xã hội hiện đại, không trải qua, vào một thời điểm nào đó, trung gian viết; không chỉ viết thì nhân đôi mọi chức năng ở các nơi khác dành cho giao tiếp miệng (huyền thoại, truyện, thông tin, chơi), mà nó còn phát triển rất mạnh mẽ để phục vụ cho những phương tiện giao tiếp khác: phục vụ cho hình ảnh (trong báo chí có minh họa), phục vụ cho bản thân các vật (các vật “gặp” viết ở mức catalog và quảng cáo, chúng, ta có thể ngờ điều này, là những thành tố hùng mạnh của sự cấu trúc hóa [chú thích trong sách: “Quảng Cáo cho tới lúc này vẫn được nghĩ bằng các khái niệm thuộc “motivation”, chứ không phải bằng các khái niệm thuộc “signification”.” - chính ở giai đoạn này, Roland Barthes đặc biệt quan tâm đến quảng cáo, với tư cách ký hiệu]. Thế nhưng, viết có chức năng cấu tạo nên các kho chứa của ngôn ngữ [langage: langage là sự kết hợp của langue và parole]; những kho này, theo đường lối định mệnh, được gắn với một quá trình cô đặc hóa nhất định của giao tiếp ngôn ngữ (người ta đã có thể nói đến một quá trình vật hóa của ngôn ngữ [chú thích trong sách: “Cf. J. Gabel, La Fausse Conscience”]): viết sản sinh ra những viết, hoặc, nếu thích hơn, những “văn chương”, và chính thông qua những viết hoặc những văn chương này mà xã hội masse đúc thực tại của nó thành các thiết chế, thực hành, vật và thậm chí thành các sự kiện, bởi vì kể từ nay sự kiện luôn luôn được viết. Nói cách khác, luôn luôn có một thời điểm khi xã hội masse đi tới chỗ cấu trúc cái thực thông qua ngôn ngữ, vì nó “viết” không chỉ những gì mà các xã hội khác “nói” (những truyện), mà còn cả những gì mà các xã hội kia chỉ tạo ra (các dụng cụ) hoặc “hành động” (nghi lễ, tập tục). Thế nhưng, ngôn ngữ, ta đã biết, bản thân nó đã là một cấu trúc [điểm vô cùng then chốt] - và thuộc vào những cấu trúc mạnh nhất có thể có. Như vậy xã hội masse cấu trúc cái thực theo hai cách đồng phát: bằng cách sản xuất ra nó và bằng cách viết ra nó: một cái xe ô tô cùng một lúc là yếu tố của một cấu trúc “xe ô tô” và đối tượng của một *discours* (quảng cáo, trò chuyện, văn chương); nó bày ra trước sự khả tri bằng hai con đường: con đường của các hình thức và con đường của các từ. Định rõ mối quan hệ giữa hai cấu trúc này hẳn là điều vô cùng quan trọng: viết xác nhận, uốn cong đi hay nói ngược lại phiên bản không-viết của cái khả tri đã được cung cấp bởi bản thân các thực hành? Village de toile có thực (hay ít nhất là có tính chất vật chất) có vẫn là village de toile trên các tờ bướm quảng cáo và trong những cuộc trò chuyện hay không? Nói khác đi, ngôn ngữ, tại các xã hội ngả về viết, ngôn ngữ có một chức năng thuần dénotation hay, ngược lại, chức năng connotation phức tạp [hai khái niệm lớn của ngôn ngữ học Saussure]? Ở trường hợp thứ hai, phân tích cấu trúc hẳn sẽ chẳng có thể làm gì khác ngoài phát triển, nếu có thể nói vậy, một xã hội học về connotation, mà các chất liệu hẳn hiển nhiên sẽ có tính chất ngôn ngữ, mà đối tượng hẳn sẽ là cấu trúc thứ hai do xã hội áp đặt, bằng cách viết nó ra, cho một cái thực đã được nó cấu trúc vào thời điểm nó làm ra.

Còn lại vấn đề phương pháp. Vấn đề nằm ở đâu? Ở chỗ tìm ra hệ thống hoặc các hệ thống phân loại của một xã hội [chú thích trong sách: trích La Pensée sauvage: “Như Durkheim dường như từng đôi khi thoáng nhìn thấy, chính trong một sociologique có nền tảng của sociologie”]: mỗi xã hội sắp xếp các vật theo cách riêng của nó, và cách này cấu tạo nên bản thân sự khả tri mà nó tự mang lại cho mình: phân tích xã hội học phải có tính chất cấu trúc, không phải vì các vật được cấu trúc “một cách tự thân”, mà bởi các xã hội không ngừng cấu trúc chúng [chú thích trong sách: trích thêm một câu trong La Pensée sauvage: “Việc đặt thành cấu trúc hẳn sở hữu… một tính hiệu quả nội tại, dẫu cho các nguyên tắc và phương pháp mà nó lấy làm cảm hứng có thể là gì”];



(còn nữa)




đọc lý thuyết:


Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nhìn lại lý thuyết

5 comments:

  1. Roland Barthes là một intellect qua đó ta tiêu thụ những cái khả tri, cho dù, như chính ông vừa nói, những cái như thế đầy dẫy trong xã hội.
    "dân tộc học cấu trúc do Cl. Lévi-Strauss tạo dựng, thông qua phương pháp và các mục đích của nó, hàm ý một tính chất phổ quát của trường," và do vậy Bức Màn Sắt chống cấu trúc luận. nhưng có lẽ đáng kể hơn là đến cư dân của hậu-bức màn vẫn chống cấu trúc luận một cách "vô thức": chỉ thích "số", dị ứng với "lệch" và "khác biệt", coi các kiểu "model" là "mẫu" và kiên quyết coi "toàn thể" chỉ là những hệ thống trong duy chỉ một loại quan hệ hệ thống hóa lẫn nhau.

    ReplyDelete
  2. "không có một praxis nào mà tinh thần con người không chiếm lấy, mà nó không tẽ nhỏ và tái cấu tạo dưới hình thức một hệ thống các thực hành" - "xã hội, dẫu nó là gì, làm cái việc là cấu trúc hóa ngay tức thì cái thực," - ", phân tích cấu trúc hẳn sẽ chẳng có thể làm gì khác ngoài phát triển, nếu có thể nói vậy, một xã hội học về connotation, mà các chất liệu hẳn hiển nhiên sẽ có tính chất ngôn ngữ, mà đối tượng hẳn sẽ là cấu trúc thứ hai do xã hội áp đặt, bằng cách viết nó ra, cho một cái thực đã được nó cấu trúc vào thời điểm nó làm ra." vậy, ngôn ngữ, "langage", là "praxis", liệu có phải ở vào vị thế một hệ tiên đề cho xh học ko nhỉ? trong khi các đặc tính cấu trúc của nó, như denotation-connotation, mang quan hệ không gian rõ rệt từ phát âm đến giao tiếp và hiểu, xem như thuộc về socio logique.

    ReplyDelete
  3. có lẽ Barthes hướng đến điều đó, ít nhất thì có tương đồng giữa ngôn ngữ học cổ điển (nhất là dòng Ấn-Âu, Schlegel, Humboldt etc.) cùng ngôn ngữ học Saussure và xã hội học thống kê (hoặc thực chứng) cùng một xã hội học kiểu khác

    ReplyDelete
  4. "Village de toile có thực (hay ít nhất là có tính chất vật chất) có vẫn là village de toile trên các tờ bướm quảng cáo và trong những cuộc trò chuyện hay không?" - câu này đặc biệt Hy Lạp.
    và "không phải vì các vật được cấu trúc “một cách tự thân”, mà bởi các xã hội không ngừng cấu trúc chúng" thì bống sáng tỏ rằng "một xã hội học về connotation" sẽ là căn bản để nhìn nhận sự khả tri trong "thế giới phẳng", có phỏng?

    ReplyDelete
  5. chính xác, và thế giới là phẳng bởi vì phẳng theo một kiểu khác nhưng vẫn không ngoài tương quan (ở mức độ cấu trúc) với sự phẳng tại các thế giới "nguyên thuỷ", hiến sinh vẫn còn nguyên và potlatch chỉ hơi thay đổi hình thức

    ReplyDelete