Jun 25, 2018

Mười năm sau nữa (tức Tử tước de Bragelonne) (1)

Trước tiên xem ởkia.

Le Vicomte de Bragelonne là cuốn sách thực sự dài đầu tiên mà tôi đọc bằng tiếng Pháp. Năm ấy, tôi mười bốn tuổi (cũng có thể mười lăm, nhưng có lẽ mười bốn là chính xác), sau khi nhiều lần đọc hai bộ trước (bằng tiếng Việt), tìm quanh quẩn mãi không thấy bản tiếng Việt của Tử tước de Bragelonne (tức Mười năm sau nữa), tôi quyết định đọc bằng tiếng Pháp. Tương tự như vậy, đối với Balzac, đọc xong Bette bằng tiếng Việt, tìm mãi không thấy bản tiếng Việt của Pons nên Pons đã trở thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Balzac tôi đọc bằng tiếng Pháp; chuyện này tôi đã kể ở đâu đó, hình như, d'ailleurs. Trước Balzac và Dumas tôi đã đọc nhiều Jules Verne theo cách thức tương tự (nghĩa là bị dẫn dắt chủ yếu bởi sự sốt ruột).

Đọc Le Vicomte de Bragelonne tức là, rất đơn giản: mãi mà không hết. Các chương (đánh số La Mã) trở thành nỗi ám ảnh lớn: L, rồi LX, rồi C, rồi thêm mãi và thêm mãi. Nếu tôi nhớ không nhầm, hồi năm mười bốn tuổi ấy tôi đã đọc Le Vicomte de Bragelonne cho đến cùng. Cũng có thể tôi nhớ nhầm, nhưng có một điều tôi nhớ chắc chắn, nó đã ngốn của tôi một lượng thời gian khổng lồ, không biết bao nhiêu cơn điên tiết - cuộc đọc ấy nuốt trọn vô số buổi chiều của tôi. Những buổi chiều bỗng ngắn lại, thậm chí bốc hơi bay mất, vì tử tước, vì Alexandre Dumas, vì quyển sách cầm nặng trĩu tay: một quyển sách phi nhân tính, hoàn toàn có thể giết người (không hề theo nghĩa bóng một chút nào).

Nhưng, nếu những cuộc đọc gây ấn tượng mạnh đều xui khiến tôi đi đến một vụ dịch sách, thì đời tôi chắc chắn không còn phút nào để thở, để chinh chiến và yêu đương - thậm chí, còn chẳng có thời gian để đọc bất kỳ cái gì. Le Vicomte de Bragelonne, tôi quyết định nhảy xuống nước với nó (thêm một cú nhảy nữa, thêm vào vô số cú nhảy khác), còn bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh.

Tiên sinh Nguyễn Văn Vĩnh năm xưa dịch Les Trois Mousquetaires siêu hạng: ai đã đọc Ba người ngự-lâm pháo-thủ của tiên sinh ắt không có hứng thú gì với bản dịch nào khác nữa. Đó mới là Alexandre Dumas. Ngoài Bovary, ngoài L'Insoutenable mà tôi đã nhắc đến trong đường link đầu tiên, bản dịch tiếng Việt Les Trois Mousquetaires phổ biến của Anh Vũ và Trần Việt là lại thêm một căn cứ lớn nữa mà tôi dùng để đánh giá khả năng đọc: ai thấy nó là một bản dịch tốt ắt là một kẻ không hề có khả năng đọc. Giả vờ tất tật.

Thế cho nên, không có gì lạ, Tử tước de Bragelonne "của tôi" sẽ rất Nguyễn Văn Vĩnh. Làm sao mà khác được đây.





Sách này không phải là một áng văn-chương tuyệt-tác, không có nghĩa lý sâu sắc gì đâu. Duy đối với độc-giả nước ta, nó có hai lẽ nên dịch:

Lẽ thứ nhất là ta xem truyện ấy biết được cái tính hào-hiệp, cái khí-khái của người nước Pháp tuy là về thuở qua rồi, nhưng xét trong cái tâm-tính người Pháp thời nay, cũng còn có nhiều ảnh-hưởng.

Lẽ thứ hai là câu chuyện kể rất vui tai, nó gần với lối văn giã-sử của ta của Tàu, xem không phải nghĩ.

Cho nên bản thư-xã đã dịch nó ra ở đây, để chư quân cùng đọc. Sách này là để tiếp-nối cái bộ truyện Ba người ngự-lâm pháo-thủ bản thư-xã đã in trước đây.



Alexandre Dumas

Tử tước de Bragelonne



I

Bức thư


Vào quãng giữa tháng Năm năm 1660, lúc chín giờ sáng, mặt trời tới độ gay gắt đang hong khô sương đọng trên lũ đinh hương của lâu đài Blois, một toán người ngựa nhỏ, gồm ba người đàn ông và hai thằng con con theo hầu, đi qua cây cầu dẫn vào thành phố, họ không gây ra điều nào nhớn nhác cho đám người đi dạo trên bờ ke, những kẻ đó trước hết chỉ khẽ đưa tay lên đầu để chào, thứ đến bọn họ cử động cái lưỡi nhằm nói lên ý sau đây bằng thứ tiếng Pháp thuần hạng nhất tính trên cả nước Pháp:

- Monsieur* đi săn về.

Nhiên hậu chỉ có vậy.

Tuy nhiên, trong khi lũ ngựa leo cái dốc không mấy thoải dẫn từ dưới sông lên lâu đài, một đám người làm công tại các cửa hiệu sáp lại gần con ngựa đi cuối, trên lưng nó, móc vào cái quai yên cương, lúc lỉu chim săn được buộc túm mỏ vào với nhau.

Nhìn một thôi, lũ người hiếu kỳ, bộ dạng thô lậu, tỏ ra khinh khỉnh chẳng buồn che giấu trước mớ thành quả còm cõi quá mức, rồi bọn họ bàn tán với nhau về sự bất lợi của thuật đi săn bằng chim ưng, sau đó bọn họ quay lại với công việc riêng. Nhưng có một tên trong đám đó, to béo ục ích má phính có tính tình vui nhộn, bỗng hỏi tại sao Monsieur, quý hồ mặc sức chơi nhởn vì kiếm được nhiều món lớn đến vậy, lại đi sung sướng với một trò tiêu khiển thảm thế kia:

- Mày há không biết, đó là câu trả lời hắn nhận về, trò tiêu khiển chính yếu của Monsieur chính là tự mình buồn chán với mình đó ư?

Tên trai trẻ hay hớn hở nhún vai, ý của cử chỉ ấy rõ ràng minh bạch như ban ngày:

“Nếu vậy thì, tôi đây thà làm một tên Phu còn hơn thành một ông quận công.”

Ai nấy trở lại làm việc.

Trong lúc đó Monsieur đi tiếp, bộ dạng ngài u buồn nhưng cùng một lúc cũng rõ thật là uy nghi, đến độ có thể đoan chắc ngài sẽ gây xiết bao ngưỡng mộ cho bọn khán giả, nếu như mà có khán giả; nhưng những người trưởng giả thành Blois không tha thứ cho Monsieur vì đã chọn thành phố tươi tắn này làm chỗ tha hồ mà thỏa nỗi buồn chán riêng; và hễ cứ lần nào thoáng trông thấy cái nhân vật uy nghiêm nhưng mà buồn nản quá kia, tức thì bọn họ vừa ngáp dài vừa lẩn đi mất, hoặc rúc đầu về phòng riêng, để mà tìm cách thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng khiến người ta nom thấy phải trở nên cũng đờ đẫn luôn toát ra từ bản mặt dài ngoẵng nhợt nhạt kia, cặp mắt sâu hoắm kia, và cái dáng dấp uể nhọc kia. Thành ra đức quận công oai phong gần như chắc cú luôn luôn thấy phố phường trống trải tịch liêu mỗi khi nào ngài xuất hiện.

Ấy thế nhưng, đám cư dân thành Blois thật hỗn xược, cái hỗn xược rất đáng coi là tội, bởi Monsieur vốn dĩ ta đây, sau đức vua, gia dĩ lại còn trước cả đức vua, là vị chúa lớn nhất của vương quốc đó. Đúng thế đấy, Thượng Đế, dẫu đã ban cho Louis Thập tứ, khi ấy đang ở ngai, cái may mắn được là con trai của Louis Thập tam, thì Người lại ban cho Monsieur vinh dự khủng khiếp là thứ nam của Henri Đệ tứ. Như vậy nghĩa là, ít nhất thì như vậy lẽ ra không thể có chuyện cái thành phố Blois này coi là một nguyên do nhỏ để mà kiêu căng, vì Gaston d’Orléans ngài ấy đã hạ cố chọn lâu đài cũ tại đây làm nơi đặt triều đình cho ngài.

Nhưng phận của ông quận công vĩ đại này là ở chỗ nào đi nữa ngài cũng chỉ giành được sự quan tâm và ngưỡng mộ rất mực thảm hại của đám công chúng. Monsieur cũng đã quá quen với điều đó đi rồi.

Chắc lẽ chính sự ấy khiến ngài có cái vẻ buồn chán êm đềm kia. Monsieur từng bận rộn hết nhẽ trong đời. Đâu thể có chuyện chừng một chục cái đầu bạn bè chiến hữu thân thiết bị rơi mà người ta lại không có chút ít nhộn nhàng lên. Nhưng, vì kể từ khi ông Mazarin chấp chính người ta chẳng cắt lấy cái đầu của ai nữa, Monsieur hóa ra không còn việc gì để làm, thế nên tinh thần ngài bị ảnh hưởng dữ đa.

Ấy để nói đời ông quận công khốn khổ buồn hiu hắt. Sau cuộc đi săn nhỏ nhặt sáng ra trên bờ sông Beuvron hay nơi cánh rừng Chiverny, Monsieur vượt sông Loire, tới lâu đài Chambord ăn trưa, ngon miệng hoặc không ngon miệng, và thế là thành phố Blois chẳng còn nghe nhắc gì tới lãnh chúa chủ nhân mãi cho đến cuộc săn tiếp sau đó.

Như trên là nỗi buồn chán extra muros; còn về cái sự nản bên trong thì ôi thôi, đây chúng tôi sẽ cho chư quân thấy là nó như thế nào, nếu chư quân chịu cùng chúng tôi đi theo chân toán người, leo lên tới cổng lớn oai vệ của tòa lâu đài.

Monsieur cưỡi một con ngựa nhỏ thó nhanh lẹ lắm, trên lưng nó đặt yên cương rộng bản phủ nhung đỏ Flandre, hai bên bàn đạp trông như thể giày buộc dây; con ngựa ấy màu vàng hung; áo chẽn Monsieur mang, bằng nhung đỏ sẫm, tiệp duyệt với chiếc áo bành tô đi cùng tông, tất cả tiệp luôn với đồ lề ngựa; phải căn cứ cái tổng thể nhiều sắc đỏ ấy thì mới phân biệt rõ được ông hoàng cho khỏi lẫn với hai người đồng hành, một ăn vận tím, người kia thì lục. Kẻ bên trái, tức kẻ mặc đồ tím, là giám mã; còn kẻ bên phải, đồ lục, là quan chủ ngự xạ.

Một trong hai thằng thị đồng cầm cây sào trên đậu hai con ưng, thằng còn lại thì mang tù và đi săn, nó hờ hững thổi vào đó khi còn cách lâu đài hai chục bước chân. Sự sự vây quanh ông hoàng uể nhọc đều làm mọi việc gì cần phải làm bằng nỗi uể nhọc.

Nghe tiếng tù và, tám tên lính gác, vốn dĩ đang đi lại đờ đẫn sưởi nắng trên cái sân vuông chằn chặn, chạy bổ đi lấy kích của chúng, thế rồi Monsieur trang trọng tiến vào lâu đài.

Ngài đã mất hút vào sau cổng rồi, dăm bốn thằng lơ vơ, vốn dĩ từ đường bên dưới bám theo đằng sau toán người, suốt chặng không ngớt chỉ trỏ lũ chim treo lủng lẳng, tản đi, buông lời bình luận những gì chúng vừa thấy; và rồi, chúng biến khỏi, phố đó, quảng trường và cái sân vắng trơ ra.

Monsieur lẳng lặng nhảy xuống ngựa, về phòng, thằng hầu nhỏ của ngài giúp ngài thay quần áo; và bởi Madame còn chưa sai người đến nhận lệnh cho bữa trưa, Monsieur bèn nằm thượt lên một cái trường kỷ đánh một giấc say sưa làm cứ như đã mười một giờ đêm rồi.

Tám tên lính gác, hiểu nhiệm vụ của bọn chúng đã xong xuôi cho ngày hôm ấy, đổ ra nằm trên mấy cái ghế băng bằng đá ngay dưới nắng; lũ trông ngựa thì dắt ngựa về tàu và, ngoài vài con chim loạn xạ chí chóe nhau, kêu chiêm chiếp rất ác mó, giữa mấy bụi quế trúc, có thể nói rằng trong lâu đài mọi thứ đều thiếp ngủ giống hệt Đức Ông Hoàng Thúc.

Hốt nhiên, ngay chính giữa sự im lìm êm thế và lặng thế, bỗng chỏi lên một chuỗi cười nghe rất thốn, lừng vang, nó làm vài tên lính đang chìm lỉm trong giấc ngủ trưa mở hé một mắt ra nhìn.

Tiếng cười ký xuất từ một cửa sổ lâu đài, đang được nắng chiếu dữ, nắng bọc lấy cửa sổ giữa những bóng đổ to lớn do các ống khói tạo ra, quãng gần trưa vẫn thường hay như vậy.

Bao lơn nhỏ rào sắt uốn lượn nhô ra từ cái cửa sổ đặt một chậu quế trúc màu đỏ, một chậu khác, hoa báo xuân, thêm một cây hoa hồng hấp tấp gớm nó có cành lá, màu lục đẹp tuyệt, trên phủ đầy vảy nhỏ óng ánh báo hiệu sắp có những bông hoa hồng nở ra.

Trong căn phòng được cửa sổ đó chiếu sáng, có một cái bàn vuông phủ thảm cũ nhiều hình hoa to tướng, ấy là thảm Harlem; giữa bàn đặt một lọ sành cổ cao cắm hoa ngũ sắc cùng huệ chuông; mỗi bên bàn ngồi một cô thiếu nữ.

Tư thế của hai gái nhỏ kia sao mà lạ kỳ: trông chúng cứ như là hai con nhóc đào tị tu viện vậy. Một đứa, chống cùi chỏ lên mặt bàn, tay thì cầm cái lông ngỗng, nó viết chữ lên một tờ giấy loại rất đẹp của bên Hà Lan làm ra; con bé còn lại, quỳ trên một cái ghế, thế cho nên nó vươn được cả đầu và thân người qua thành ghế, dòm được vào tận giữa bàn, để mà xem đứa kia viết. Vậy mà có la hét inh ỏi, đùa nhả lắm, rồi cười rất hung, trong số những tiếng cười đó một cái, chói lói hơn những cú cười khác, đã gây kinh động cho chim chóc dưới chỗ mấy bụi đinh hương và khuấy đảo giấc ngủ những người lính gác của Monsieur.

Đây chúng ta đang ở mục chân dung, chúng tôi hy vọng chư quân lượng thứ giùm cho, giờ đã tới hai chân dung cuối cùng của thiên này rồi đó, chúng tôi hy vọng là vậy.

Gái nhỏ tựa thân mình trên ghế, nó là đứa ồn ào, nó là đứa cười to, nhưng đó cũng là một gái đẹp chừng mười chín hai chục xuân xanh, da nâu nâu, tóc lại cũng nâu, rạng rỡ, với cặp mắt nó cháy bùng bên dưới mày ngài làn thu thủy đẹp tươi, nhất là với hàm răng, thật là hoa cười ngọc thốt chỉ có điều không mấy đoan trang, như ngọc như ngà, môi thì tựa san hô màu máu đào.

Cử động nào của nó trông cũng như thành tựu của một vở trò kịch câm vậy; nó có sống đâu, mà nó bật lên bật xuống đó.

Gái còn lại, đứa đang viết, đưa mắt xanh thẳm trong veo không gợn mây như bầu trời ngày hôm ấy, đưa mắt nhìn đứa kia đang làm rầm làm rĩ. Tóc của nó, màu vàng sẫm như là tro bếp vậy, vấn lên khéo lắm, nhả xuống rơi thành từng lọn từng lọn mượt mà dọc hai bầu má in xà cừ; bàn tay thon mảnh của nó lướt trên giấy, bàn tay gầy quá nên tố cáo nó còn rất nhỏ thôi. Mỗi khi con bạn nó rú lên cười, nó lại nhún, điệu như rất uể, cặp vai trắng của nó có dạng hình phải nói là thi vị và ngọt ngào, nhưng xét kỹ ở chúng hẵng còn thiếu mất đi cái lối xa xỉ nó được làm nên từ sức sống hùng mạnh và khuôn thước, ta hẳn rất muốn thấy những cái đó trên hai cánh tay nó, trên cả hai bàn tay của nó nữa.

- Montalais! Montalais! rốt cuộc nó cất lời, giọng sao mà dịu êm mà ve vuốt, nghe không khác nào tiếng hát, chị cười ghê quá đi, chị cười giống đàn ông; chẳng những chị sẽ bị các ông lính gác nghe thấy, mà đồ chừng chị cũng sẽ không nghe được tiếng chuông của Madame gọi đâu.

Cô gái trẻ tên Montalais kia, vẫn không ngừng cười, không ngừng loay hoay, kể cả lúc đã có lời răn đó rồi, đáp như thế này:

- Louise hỡi, em khỏi dạy khôn chị, em yêu em quý; em cũng biết các ông lính gác, ấy là em gọi bọn họ như vậy, mới bắt đầu ngủ thôi, pháo đại bác có nổ đùng bên tai họ cũng chẳng chịu dậy đâu; em lại biết chuông của Madame thì ngoài cầu Blois có cơ vẫn nghe thấy rồi còn gì, cho nên chị sẽ nghe thấy, hễ mà người ta có gọi chị lên hầu Madame. Em buồn bực là vì tôi cười trong lúc em đang viết đó thôi; em sợ là sợ bà de Saint-Remy mẹ của em lên trên này, vì vốn dĩ bà thỉnh thoảng làm thế những lúc bọn ta cười quá; em sợ mẹ em nom thấy tờ giấy to này, trên nó suốt từ một khắc** nay em mới chỉ viết được mỗi mấy từ: Ông Raoul. Nhưng mà coi bộ em đúng, Louise yêu Louise quý ạ, vì sau mấy từ ông Raoul ấy, người ta có thể viết vô số từ khác, nhiều ý nghĩa và nóng bỏng đến độ bà de Saint-Remy mẹ thân thương của em chắc cháy đùng đùng lên được lắm. Này! em nói xem có phải vậy không?

Nói đoạn Montalais lại càng cười dữ hơn, quấy phá ồn ào thêm nữa.

Con bé tóc vàng chừng như tức lắm rồi; nó xé tờ giấy, trên đó thật như lời hai chữ Ông Raoul viết rất nắn nót, rồi, mấy ngón tay run lẩy bẩy của nó vò tờ giấy lại và ném luôn qua cửa sổ.

- Kìa! kìa! cô de Montalais kêu hoảng, kìa là con cừu non của chúng ta, Chúa Jesus Hài Đồng của chúng ta, con bồ câu của chúng ta đang tức tối kìa!… Thôi nào đừng sợ, em Louise; bà de Saint-Remy sẽ chẳng lên đây đâu, mà nếu bà có lên thì em cũng thừa biết tai chị thính lắm mà. Vả, người ta được phép quá đi chứ, viết thư cho một người bạn thân từ cả chục năm nay thì có làm sao nao, đã thế lại còn mở đầu thư bằng mấy chữ: Ông Raoul, em nghe chị nói có phải không?

- Thôi, em không viết thư cho chàng nữa, gái trẻ đáp.

- A! có thế thật, vậy là Montalais bị trừng trị đích đáng rồi đây! đứa con gái tóc nâu hay đùa nhả cười váng lên. Nào, nào, lấy tờ giấy khác đi, rồi ta hãy mau chóng cho xong vụ thư từ. Ơ mà! chuông vừa kêu rồi đó! Á! trời ơi, mà kệ! Madame cứ đợi, hoặc là sáng nay Madame sẽ thiếu mất nữ nhân tùy tòng thứ nhất!

Đúng là đã có tiếng chuông vang lên; nó muốn thông báo Madame đã sửa soạn xong và đang đợi Monsieur, ngài sẽ đưa tay dắt phu nhân từ xa-loong vào phòng ăn.

Nghi thức trọng thể xong xuôi đâu đấy, phu quân đại nhân và phu nhân dùng bữa rồi chia tay nhau cho tới bữa sau, bất di bất dịch vào lúc hai giờ.

Nghe thấy tiếng chuông, một cánh cửa dẫn thông vào bếp phía bên trái sân mở ra, hai viên chủ sự đi đầu, theo sau là tám chú phụ bếp vác một cái cáng chất các món ăn đậy nắp bạc giống cái chuông.

Một trong hai chủ sự, ý chừng nhân vật cấp cao hơn, lẳng lặng đưa cây gậy nhỏ chọc vào một trong đám lính gác đang nằm ngáy trên ghế băng; va lại còn hảo tâm đến độ đặt luôn vào tay tên lính say giấc nồng kia cây kích của hắn dựng vào tường gần đó; tên lính, chẳng hỏi lấy một lời, đi hộ tống nhục phạn của Monsieur vào phòng ăn, một chú thị đồng cùng hai chủ sự phía trước.

Khắp nơi nào nhục phạn diễu qua, lính tráng liền nâng vũ khí của bọn họ lên.

Cô de Montalais cùng bạn từ trên cửa sổ ngó xuống nghi lễ ấy, dầu họ đã quen quá với nó đi rồi. Vả họ chỉ trô trố mắt nhìn để chắc dạ là bọn mình sẽ không gặp phiền toái gì mà thôi. Thành ra đoàn người gồm phụ bếp, lính gác, thị đồng và chủ sự chỉ mới đi qua, bọn họ lại ngồi xuống bên bàn, và nắng, mới vừa xong còn chiếu rạng hai cái mặt khả ái, giờ chỉ còn rọi vào đám quế trúc, hoa báo xuân cùng cây hồng.

- Hừ! Montalais quay về chỗ, buột miệng, không có tôi Madame vẫn thản nhiên dùng bữa.

- Ồ! Montalais, chị sẽ bị trừng phạt đấy, gái trẻ kia đáp lời, êm ả ngồi xuống chỗ của nàng.

- Phạt! a! phải rồi, thế tức là không được ra ngoài đi dạo; thế thì tôi lại càng mong được phạt ấy chứ lại! Đi ra ngoài, trên cỗ xe to đùng, phải ngồi vắt vẻo chỗ cửa xe; rẽ trái, ngoặt phải trên những đường với lối lóc chóc ổ trâu ổ gà, hai tiếng trời mới đi hết một dặm; rồi quay về thẳng tới cánh bên lâu đài có cửa sổ Marie de Médicis, và rồi Madame chẳng lần nào quên nói câu này: “Ai mà tin nổi rằng hoàng hậu Marie đã tẩu thoát từ kia!… Cao tận lối bốn mươi bảy bộ cơ đấy!… Bà mẹ cùng hai hoàng tử và ba công chúa!”*** Louise em ơi, nếu đó mà gọi một trò tiêu khiển được, thì tôi xin chịu ngày nào cũng bị phạt, nhất là khi hình phạt lại là được ở lại đây với em mà viết các cái thư hay ho như là thư mà chúng ta đang viết đây.

- Montalais! Montalais! ta có các bổn phận cần phải thực hiện.

- Em thích nói gì thì cứ việc nói, em yêu, em tha hồ được tự do ở cái triều đình này mà. Duy em gặt hái được nhiều lợi thế mà khỏi lo đến trách nhiệm, em là nữ nhân tùy tòng của Madame hơn mức của tôi nhiều lắm, bởi vì Madame ngài chuyển tình trìu mến với ông dượng em sang cả cho em; thế cho nên em vào ngôi nhà sầu thảm này giống lũ chim bay vào cái tháp kia, tận hưởng khí trời, quẹt mỏ lên các hoa tươi, mổ hạt thỏa chí, chẳng có việc gì để phải lo, cũng chẳng nỗi buồn nản nào để chịu đựng. Có lẽ đâu em lại đi nói với chị về những bổn phận phải thực hiện! Có thế thực, cô em lười biếng xinh đẹp của tôi ơi, các bổn phận của cô em là gì nào, nếu chẳng phải là viết thư cho anh chàng Raoul đẹp mã? Ấy thế mà cô lại còn không chịu viết cho chàng ta nữa, đã hẳn tôi thấy chính cô em cũng hơi lơ là bổn phận đấy nhé.

Louise làm ra bộ nghiêm trang, đưa tay chống cằm, lấy giọng ngây thơ vô chừng mà buông lời vàng:

- Ý hẳn chị trách em vì em được sung sướng đây, nàng nói. Chị có trái tim không thế hả chị? Chị thì có tương lai; chị là người của triều đình; đức kim thượng, nếu ngài lấy vợ, sẽ gọi Monsieur về gần ngài; chị sẽ được mục kích những bữa tiệc rực rỡ, chị sẽ gặp nhà vua, người ta nói ngài đẹp lắm, duyên dáng lắm cơ đấy.

- Không chỉ có thế đâu, tôi sẽ còn gặp Raoul nữa kia, chàng ta ở chỗ Đức Ông Hoàng Thân mà lại, Montalais láu lỉnh nói chêm vào.

- Raoul khốn khổ! Louise thở dài, bộ dạng não nuột.

- Đến lúc viết thư cho chàng rồi đây, cô em xinh đẹp yêu quý của tôi; nào, ta bắt đầu trở lại mấy cái từ Ông Raoul lừng danh kia nhé, nó đã lấp lánh ở trên đầu tờ giấy bị xé đi lúc nãy.

Nói đoạn nàng chìa cho cô bạn nhỏ cái lông ngỗng và, nở nụ cười ôi sao mà duyên, úy lạo cho bàn tay để hối thúc nó mau mau thảo mấy chữ đã được định sẵn rồi.

- Sao giờ? gái trẻ hơn cất tiếng hỏi.

- Giờ thì sao nữa, cứ viết những gì mà cô nghĩ đi thôi chứ, Louise hỡi, Montalais nói.

- Chị chắc là em đang nghĩ gì đó thật à?

- Cô đang nghĩ tới một người, vậy thì cũng thế thôi, hoặc là tệ hơn nữa.

- Chị nghĩ thế thật, Montalais?

- Louise, Louise, đôi mắt xanh của em sâu như bể, tôi đã được ngắm bể ở Boulogne hồi năm rồi đấy nhé. Không, tôi nhầm, bể thì nhiều phản trắc, mắt của cô ắt phải sâu thẳm giống như làn thiên thanh phía trên cao kia kìa, đó, đó, trên đầu chúng ta.

- Nào thì! chị đã đi guốc trong bụng em thế rồi, chị nói thử em nghe là em đang nghĩ gì coi.

- Trước nhất, cô không nghĩ Ông Raoul; mà cô nghĩ: Raoul thương mến.

- Ô?

- Đừng hơi một tí đã đỏ mặt như thế chứ. Raoul thương mến, cứ coi là vậy đi nhé, chàng cầu xin em viết thư cho chàng rồi gửi tới Paris, ở đó công việc phục vụ Đức Ông Hoàng Thân đang giữ chân chàng. Bởi lẽ chắc chàng đang buồn chán lắm, thì chàng mới đi tìm những tiêu khiển từ kỷ niệm một con bé nhà quê…

Louise đứng bật dậy.

- Không, Montalais, nàng chúm miệng cười trông rõ xinh mà rằng, không, em không nghĩ chút nào như vậy đâu. Đây, đây mới là điều em đang nghĩ.

Và nàng mạnh bạo cầm lấy cái lông ngỗng, vững tay viết những dòng sau đây:


“Chắc em sẽ thấy là em bất hạnh lắm nếu chàng bớt khăng khăng đòi từ em một kỷ niệm. Ở nơi này mọi thứ đều cất tiếng nói về những năm thiếu thời của chúng ta, chúng sao mà thấm thoắt thoi đưa, như bóng câu bỏ trốn êm đềm đến vậy, sẽ chẳng bao giờ những năm tháng nào khác thay thế được sức quyến rũ của chúng trong trái tim.”


Montalais, nhìn ngòi bút lướt trên giấy, đọc ngược chiều những gì cô bạn nhỏ của nàng đang viết, đưa tay lên vỗ hòng ngăn lại.

- Gớm hay quá! nàng nói, đấy thẳng thớm là phải vậy chứ, nỗi lòng phải vậy chứ, mà em viết hay quá đi! Em làm sao cho đám Paridiêng kia biết nhé, em yêu em quý, rằng thành Blois là chốn sản sinh ra ngôn ngữ cao quý.

- Chàng biết đối với em, gái trẻ đáp lời, Blois từng là thiên đường.

- Chị cũng đang định nói chính điều đó đấy, mà em nói nghe như thiên thần ấy.

- Em xong rồi đây, chị Montalais ạ.

Và cô gái tiếp tục, như sau:


“Chàng nghĩ đến em, chàng nói, thưa ông Raoul; em xin cảm tạ chàng; nhưng điều ấy sao có thể khiến em kinh ngạc nỗi nào, vốn dĩ em đây biết đã bao lần trái tim chúng ta từng đập cận kề bên nhau.”


- Ồ! ồ! Montalais thốt lên, cẩn thận đấy nhé, con chiên lành của chị, cô đang trưng bày ra nhiều lông len quá đấy, mà đằng kia thì đầy rẫy chó sói.

Louise dợm trả lời thì có tiếng ngựa phi mau vang lên dưới cổng tòa lâu đài.

- Gì thế nhỉ? Montalais nói, bước lại chỗ cửa sổ. Trời ơi, một kỵ sĩ lẫm liệt quá!

- Ồ! Raoul! Louise kêu lên, nàng cũng lao ra cửa sổ giống bạn, rồi mặt nàng tái nhợt đi, nàng hổn hển ngã người xuống bên cạnh bức thư còn chưa viết xong.

- Tay tình nhân khôn gớm, phải nhận là vậy! Montalais kêu lên, đến rõ là đúng lúc đi thôi.

- Chị đi đi, chị đi đi, em xin chị! Louise thì thầm.

- Cha chả! chàng ta có biết chị đâu; cứ để chị ở lại xem chàng tới đây làm gì.






II

Kẻ sứ giả


Cô de Montalais nói rất đúng, chàng kỵ sĩ trẻ tuổi trông thật lẫm liệt oai phong quá.

Đó là một trang thiếu hiệp tuổi độ hăm bốn hăm lăm, khôi vĩ, dong dỏng, trên người chàng mặc bộ áo dấu nhà binh của thời ấy, nó duyên dáng lạ. Đôi giày bốt lớn miệng trên loe như phễu bọc lấy cái bàn chân mà chắc hẳn cô de Montalais sẽ không buông lời chê bôi nếu như có lúc nào cô biến thành nam tử tu mi. Bàn tay thanh mảnh nhưng nóng nảy của chàng ta giật cương hãm ngựa ngay giữa sân, tay kia nhấc cao cái mũ cắm nhiều lông chim, nó ở trên cao đó tỏa bóng xuống khuôn mặt chàng vừa trang nghiêm nhưng lại cũng thơ ngây lắm.

Đám lính gác, nghe tiếng ngựa phi, choàng tỉnh, đứng bật dậy cả lũ.

Chàng kỵ sĩ để mặc cho một trong số chúng lại gần, chàng cúi người, giọng nói của chàng đanh thép rõ ràng, khiến cho từ trên cửa sổ cao hai nàng thiếu nữ đang mượn hoa nép mình nghe rõ mồn một:

- Vào báo với Điện hạ Đại nhân có sứ giả muốn gặp, chàng nói.

- A! a! tên gác hét lên; ngài chưởng cơ ơi, có một sứ giả đấy!

Nhưng anh lính trung hậu thừa biết sẽ chẳng có viên chưởng cơ nào thò mặt ra, nguyên chưởng cơ duy nhất có cơ hiện ra thì lại đang ở tít tận sâu trong lâu đài, nơi mấy căn phòng trông xuống khu vườn. Hắn bèn vội nói thêm:

- Ngài quý phái ơi, quan chưởng cơ đi tuần mất rồi, nhưng ngài ấy vắng mặt thì chúng con đã có ngài de Saint-Remy, quan chủ sự, để bẩm báo.

- Ngài de Saint-Remy! kỵ sĩ nhắc lại, mặt đỏ lựng.

- Ngài biết ngài ấy?

- Ờ, thì có… Báo cho ông ấy đi, anh kia, làm sao thì làm, Điện hạ cần được báo tin càng sớm càng hay.

- Nghe chừng việc gấp gáp đây, anh lính nói, chừng như tự nhủ, nhưng lại vẫn mong nhận được lời đáp.

Sứ giả gật đầu ra dấu đúng thế đó.

- Nếu vậy thì, anh lính lại nói, tôi sẽ chạy đi tìm quan chủ sự luôn đây.

Trong lúc ấy chàng tuấn kiệt xuống ngựa, đám lính còn lại đang trầm trồ ngắm nhìn từng cử động của con tuấn mã chàng vừa cưỡi, thì anh lính kia quay trở lại, nói như sau:

- Xin thứ lỗi, nhà quý phái, xin cho biết quý tính?

- Tử tước de Bragelonne, mang tin từ Điện hạ Hoàng thân de Condé Đại nhân.

Anh lính cúi người rạp đất đầy cung kính, thế rồi cứ như là cái tên nhân vật từng chiến thắng ở Rocroi rồi lại ở Lens chắp cánh cho anh ta, anh ta lướt như bay trên các bậc cầu thang dẫn lên thềm vào chỗ mấy tiền phòng.

Ông de Bragelonne chưa kịp có thời gian buộc ngựa vào hàng lan can sắt của cái thềm trước thì ông de Saint-Remy đã hộc tốc chạy ra, một tay ông để bên dưới bưng lấy cái bụng to dữ, tay còn lại ông chém chém huơ huơ vào không khí giống một ngư phủ đưa mái chèo rẽ sóng nước.

- A! ông tử tước, ông lại có mặt ở Blois này! ông ấy kêu lên; nhưng mà tuyệt quá! Xin chào, ông Raoul, xin chào!

- Cung hạ, ông de Saint-Remy.

- Bà de La Vall… à tức là tôi muốn nói bà de Saint-Remy sẽ mừng lắm vì được gặp anh đấy! Tới đây đi. Điện hạ Đại nhân đang dùng bữa, có cần vào báo luôn cho ngài không? sự việc nghiêm trọng chứ?

- Có và không, ông de Saint-Remy ơi. Dầu có thế, chỉ chậm một chốc lát thì cũng có thể gây ra nhiều phiền toái lớn cho Điện hạ Đại nhân đấy.

- Đã vậy thì ta bất tuân thượng lệnh luôn, ông tử tước nhỉ. Tới đây đi. Vả, Monsieur hôm nay tâm trạng ngài khả ái lắm. Anh lại còn mang tin tức đến cho chúng tôi nữa đấy nhỉ?

- Tin lớn, thưa ông de Saint-Remy.

- Và là tin tốt, tôi cho là vậy?

- Tuyệt đỉnh.

- Tới đây nhanh lên, nhanh nữa lên! ông già kêu, vừa rảo bước ông lại vừa chỉnh trang người ngợm trang phục.

Raoul đi theo ông, mũ cầm tay, chàng thấy hơi hoảng vì tiếng cựa giày chàng vang lên trang trọng quá trên nền gỗ những căn phòng rộng mênh mông.

Chàng mới vừa biến mất vào bên trong cung điện, tức thì cửa sổ ngoài sân lại thấp thoáng bóng hồng, nghe tiếng thẽ thọt lao xao thì biết ngay hai thiếu nữ kinh động lắm; hai con bé mau chóng có chủ trương, vì một trong hai cái mặt biến mất đi; đó là con bé tóc nâu; con bé kia thì ở lại đằng sau bao lơn, náu mình dưới đám hoa, trô trố mắt nhìn xuyên qua kẽ cành lá, xuống chỗ cái thềm nhà ông de Bragelonne vừa bước qua để vào trong cung điện.

Trong lúc ấy cái đối tượng của xiết bao hiếu kỳ kia đi tiếp, bám gót ông chủ sự. Có tiếng chân người rộn lên, hương thơm của rượu vang và thịt thà, rồi thì tiếng lanh canh đồ pha lê bát đĩa, khiến chàng biết mình đã đến nơi rồi.

Lũ thị đồng, người hầu và các ông chưởng cơ, ngồi đầy trong phòng nhỏ án ngữ trước phòng ăn lớn, tiếp đãi người mới tới bằng sự lịch thiệp đã đi vào ngạn ngữ tại vùng này; vài người có biết Raoul, gần như ai ai cũng biết chàng từ Paris đến. Chừng như chàng tới đây làm gián đoạn mọi sự lại trong một lúc.

Ấy là vì một thị đồng đang rót rượu hầu Đức Ông thì nghe tiếng đinh thúc ngựa vang lên ở phòng bên, nó trẻ con quá nên quay phắt đầu lại để nhìn, mà không nhớ nó đang bận tay rót rượu, thế là nó không rót vào cốc của hoàng thúc, mà rượu tuôn xuống khăn trải bàn.

Madame, vốn dĩ không bị bận rộn tâm trí như đức phu quân vinh quang của bà, nhận ngay ra thằng thị đồng hư quá.

- Này này! bà nói.

- Này! Monsieur nhắc lại, chuyện gì?

Ông de Saint-Remy thò đầu qua cửa, liền tận dụng ngay thời cơ.

- Kẻ nào dám quấy quả ta? Gaston vừa nói vừa kéo lại gần ngài một khúc bự thuộc về một trong những con cá hồi cỡ lớn nhất từng có bao giờ ngược dòng sông Loire để mà bị bắt giữa khoảng Paimboeuf và Saint-Nazaire.

- Dạ, dạ, có sứ giả từ Paris đấy ạ. Ồ! nhưng Đức Ông cứ dùng bữa cho xong đi ạ, sau đó chúng ta còn khối thời gian mà.

- Từ Paris! quận công kêu lên, cái phuộc sét của ngài rơi xuống đánh bịch! Một sứ giả từ Paris, ông vừa nói? Sứ giả từ đâu vậy?

- Từ chỗ ngài Hoàng Thân ạ, viên chủ sự vội đáp.

Thiên hạ hay gọi ngài de Condé như thế.

- Một sứ giả từ chỗ ngài Hoàng Thân? Gaston hỏi lại, lộ rõ vẻ lo lắng, những người có mặt không ai là chẳng nhận ra, sự đó lại càng làm tăng thêm nhiều lắm nỗi hiếu kỳ chung.

Có lẽ Monsieur tưởng đâu mình được đưa trở lại cái thời của các âm mưu sung sướng, hồi mà tiếng sập cửa cũng mang tới cho ngài xiết bao xúc cảm, cái thời mọi bức thư đều có thể đựng một bí mật Quốc gia Đại sự, cái thời mọi thông điệp đều nhắm đến một mưu cơ nó u tối và nó phức tạp. Có lẽ cả vì đại danh Đức Hoàng Thân xuất hiện dưới những vòm cao lâu đài Blois giống in một con ma.

Monsieur đẩy cái đĩa ra xa.

- Tôi bảo tín sứ đợi chứ ạ? ông de Saint-Remy hỏi ngài.

Madame liếc mắt nhìn, làm Gaston bạo dạn hẳn lên, ngài bèn đáp:

- Không, dẫn người đó vào đây ngay tức khắc. À mà ai thế?

- Một nhà quý phái của vùng ta, ông tử tước de Bragelonne.

- A! phải, tốt lắm!… Saint-Remy, đưa anh ta vào đi.

Thốt ra xong những từ ấy, rất mực nghiêm trang như lệ, Monsieur ngơ ngẩn nhìn các bọn đang phục dịch ông, tất tần tật, thị đồng, chưởng cơ rồi giám mã, bèn bỏ khăn ăn, dao, cốc, rồi rút ngay về phía căn phòng thứ hai, cuộc rút lui vừa mau chóng lại vừa hỗn loạn.

Đội quân nhỏ ấy tóe đi mất theo hai hàng, còn Raoul de Bragelonne bước vào phòng ăn, ông de Saint-Remy đi trước dẫn đường.

Lúc ngắn ngủi được một mình, trong khi cuộc rút lui kia diễn ra, Đức Ông Hoàng Thúc kíp lấy một bộ mặt nhà ngoại giao. Ngài không ngoảnh mặt ra nhìn, mà đợi quan chủ sự dẫn kẻ sứ giả tới trước mặt mình.

Raoul bước đến chỗ đầu cái bàn, chàng đứng ở giữa Monsieur và Madame. Từ đó chàng cúi người thật sâu để chào Monsieur, rồi chàng lại cúi người khiêm cung kính cẩn trước Madame, đoạn thẳng người dậy, chờ Monsieur mở lời.

Quận công hẵng cứ đợi cửa giả đóng lại im ỉm đã, ngài không ngoái đầu để mà xem đâu nhé, làm thế thì thật chẳng xứng với địa vị ngài; nhưng ngài lắng tai nghe rất kỹ tiếng các ổ khóa, làm như vậy, tất lẽ ngài có vẻ đang rất bí mật.

Cửa đã đóng lại rồi, Monsieur ngước nhìn tử tước de Bragelonne, đoạn ngài nói như sau đây:

- Chừng như ông đây từ Paris tới?

- Vừa mới xong, thưa Đức Ông.

- Nhà vua mạnh giỏi chứ?

- Bệ hạ được ơn trên nên ngài khỏe lắm, bẩm Đức Ông.

- Chị dâu ta thì sao?

- Bẩm, Đức thái hậu Ngài ngự vẫn đau trong người như thế. Nhưng từ một tháng nay, ngài đã khá hơn.

- Chúng bảo với ta, ông đây do Đức Ông Hoàng Thân cử đến? Chắc chúng nhầm.

- Dạ thưa không, bẩm Đức Ông. Hoàng Thân giao cho tôi nhiệm vụ mang tới Điện Hạ Chủ nhân bức thư này đây, tôi cũng được lệnh chờ phúc đáp.

Raoul có chút kinh động vì cuộc đón tiếp sao lạnh lùng và tỉ mẩn quá; giọng chàng hồ như tụt xuống ngang mức những giọng nói trầm.

Quận công đã quên mất nguyên do phải tỏ ra bí ẩn như vừa xong, ngài lại thấy sợ.

Mắt hoảng loạn, ngài ngó bức thư của hoàng thân de Condé, gỡ niêm ra giống ngài đang mở một cái gói tình nghi, đoạn ngài quay đầu đi, hòng thỏa sức đọc nó mà chẳng ai thấy nổi đọc nó thì ngài cảm thấy những gì.

Madame cũng lo sợ bằng như đức phu quân oai nghiêm, bà dõi nhìn theo từng cử động của ngài.

Raoul thì tỏ vẻ thản nhiên lắm, lúc này đã được giải thoát khỏi sự chú tâm của các chủ nhân, chàng đưa mắt nhìn ra cửa sổ đang mở, trước mặt chàng nhìn thấy khu vườn cùng các bức tượng đặt trong đó.

- A! đột nhiên Monsieur kêu to, ngài lại còn nở một nụ cười sáng ngời, tin mầng lắm đấy nhé, thư thì viết rất hay, cha chả, ông Hoàng Thân! Đây, phu nhân đọc đi.

Bàn rộng quá nên quận công có vươn tay cũng không với nổi tới chỗ của phu nhân; Raoul vội mau mắn biến thành người trung chuyển; điệu bộ chàng làm việc ấy trông duyên tệ, phu nhân bèn cảm ơn chàng, khiến tử tước chàng ta lấy làm rất mầng.

- Anh khá biết nội dung thư, phỏng? Gaston hỏi Raoul.

- Vâng, có biết, thưa Đức Ông: ngài Hoàng Thân trước hết nói cho tôi biết, rồi Điện hạ mới suy nghĩ và cầm bút để viết.

- Chữ đẹp tệ, Madame nói, nhưng tôi không đọc được.

- Anh đọc cho Madame nghe đi, thưa ông de Bragelonne, quận công truyền lệnh.

- Phải đấy, anh đọc đi, nhờ anh, thưa anh.

Raoul bèn đọc, Monsieur lại đổ hết nỗi chú tâm của ngài vào để nghe lại.

Dưới đây là nội dung thư:


“Đức Ông ôi,

Nhà vua sắp đi lên biên thùy; ngài hẳn biết hôn sự của Bệ hạ ngã ngũ tới nơi rồi; nhà vua ban cho tôi vinh dự được làm tổng quản phụ trách cho chuyến ngự hành, tôi đây vốn biết Bệ hạ sẽ vui mầng lắm nếu được ghé ở Blois một ngày, tôi dám cầu mong Điện hạ Quận công cho phép kẻ tiện nhân này sử dụng nhờ tòa lâu đài của ngài. Nếu lời tôi đột ngột quá gây cho Điện hạ Đại nhân nỗi bối rối nào, thì kính xin ngài cứ nói cho sứ giả mang thư, đó là một nhà quý phái thân với tôi, ông tử tước de Bragelonne. Hành trình tôi đang định liệu sẽ tùy thuộc vào quyết định của Điện hạ Đại nhân, tôi sẽ chuyển thay vì qua ngả Blois mà đi Vendôme hoặc Romorantin. Tôi dám hy vọng Điện hạ Đại nhân lượng cả đoái xét niềm mong mỏi của tôi, bằng chứng cho lòng tận tụy vô bờ bến, cũng như mong muốn của tôi làm đẹp lòng ngài.”


- Chẳng gì tốt đẹp hơn cho chúng ta được nữa, Madame nói, trong suốt thời gian đọc thư phu nhân đã hơn một lần đưa mắt dò xét chồng bà. Đức vua ở đây! bà kêu lên, chừng như hơi lớn tiếng quá, nếu mà nhìn vào điều cần phải giữ bí mật chuyện này.

- Ông ơi, quận công cất lời, ông sẽ cảm ơn hoàng thân de Condé giùm ta nhé, và ông nói cho ngài toàn bộ lòng biết ơn của ta đối với ý tốt của ngài ấy muốn dành cho ta.

Raoul nghiêng người.

- Bệ hạ tới hôm nào? quận công lại hỏi.

- Đức vua, thưa Đức Ông, tối nay đến nơi, hầu như chắc vậy.

- A, nhưng thế thì làm sao họ kịp biết câu trả lời của ta, nếu như ta từ chối?

- Tôi được lệnh, thưa Đức Ông, gò ngựa băng về Beaugency nếu có sự gì, để báo tin cho phu trạm, rồi phu trạm sẽ trở ngược về sau báo sự ấy cho Đức Ông Hoàng Thân.

- Tức là Bệ hạ đang ở Orléans?

- Dạ, gần hơn nữa, thưa Đức Ông: chắc Bệ hạ lúc này đã tới Meung rồi.

- Triều đình đi cùng ngài chứ?

- Dạ vâng, bẩm Đức Ông.

- À mà, ta còn quên hỏi ông tin tức của Đức Hồng Y.

- Dạ, đức ngài chừng như rất được mạnh, thưa Đức Ông.

- Mấy cô cháu gái có đi cùng chứ?

- Dạ không, thưa Đức Ông; Đức Ngài đã ra lệnh cho các cô de Mancini đi Brouage rồi. Họ đi đường tả ngạn sông Loire trong khi Triều Đình thì đi bên phía hữu ngạn.

- Gì cơ! cô Marie de Mancini tách khỏi triều đình! Monsieur hỏi, nỗi e dè của ngài đã được giảm bớt đi nhiều lắm.

- Nhất là cô Marie de Mancini đấy ạ, Raoul kín đáo đáp lời.

Một nụ cười thoáng qua, phế tích khó nhận thấy còn sót lại từ tinh thần xưa kia của ngài vốn dĩ sôi sục mưu cơ, làm sáng bừng lên cặp gò má tái nhợt của quận công.

- Cám ơn, ông de Bragelonne, Monsieur bèn nói; chắc anh sẽ không muốn chuyển lời ta muốn nói với ông Hoàng Thân, ấy là ta thấy anh khả ái lắm; nhưng thôi, để ta tự nói với ngài ấy điều này.

Raoul nghiêng mình để cảm tạ Monsieur vì vinh dự ngài dành cho chàng.

Monsieur ra dấu với Madame, bà bèn nhấn một cái chuông nhỏ đặt bên tay phải.

Ngay tức khắc ông de Saint-Remy bước vào, rồi căn phòng đông chật những người là người.

- Các ông, quận công mở lời, Đức Kim Thượng ban cho ta vinh dự tới ở Blois một hôm; ta trông chờ sao cho đức vua, tức là cháu ta, sẽ không phải hối tiếc vì ân sủng đã giáng hạ cho nhà của ta.

- Đức vua vạn tuế! các ông chưởng cơ nồng nhiệt hét lên, nhưng ông de Saint-Remy hét to nhất.

Gaston cúi đầu xuống, ngài có vẻ u buồn lắm; cả đời, ngài đã phải nghe hay nói cho đúng, ngài đã phải trần mình chịu đựng cái tiếng hét: Đức vua vạn tuế! này đây. Lâu nay, không còn nghe thấy nó nữa, ngài đã để cho tai ngài được nghỉ ngơi, thế rồi một vương triều trẻ trung hơn, nhiều sức sống hơn, rực rỡ hơn, bỗng hiện ra trước mặt ngài giống như một lời khiêu khích mới nó đau đớn hơn rất nhiều.

Madame hiểu những đau xót trong trái tim rụt rè và u uẩn kia; phu nhân đứng dậy khỏi bàn, Monsieur như cái máy cũng đứng dậy theo, và tất tật kẻ hầu người hạ, vo ve lên giống đàn ong, vây lấy Raoul để hỏi han chàng.

Madame, thấy vậy, bèn gọi ông de Saint-Remy.

- Đây không phải lúc để chuyện nhảm, mà đây là lúc làm việc, bà nói, giọng của bà lúc này là giọng của một nội tướng đang tức giận.

Ông de Saint-Remy vội xăng xái giải tán vòng tròn các chưởng cơ vây quanh Raoul, thành thử chàng ra được đến tiền phòng.

- Phải chăm sóc chàng quý phái đó cho cẩn thận đấy nhé, Madame nói với ông de Saint-Remy.

Ông già vội chạy theo Raoul.

- Madame hạ lệnh cho chúng tôi săn sóc anh đấy, ông nói; thêm nữa trong lâu đài có một phòng ngủ cho anh.

- Cám ơn, ông de Saint-Remy, Bragelonne đáp, ông cũng biết là tôi đang vội đi đến chỗ bá tước cha của tôi để thực hiện các bổn phận riêng.

- Có thế, có thế, thưa ông Raoul, anh làm ơn chuyển tới ông những lời kính cẩn khiêm hạ của tôi nữa nhé.

Raoul lại rời khỏi ông quý phái già và đi tiếp.

Lúc chàng đi qua dưới cái cổng, tay nắm dây cương dắt con ngựa, từ một ngõ nhỏ tối tăm một giọng nói thì thào gọi chàng.

- Ông Raoul! giọng nói ấy kêu.

Chàng trai trẻ sửng sốt quay sang, thấy một cô thiếu nữ tóc nâu đang đặt một ngón tay lên môi và chìa tay cho chàng.

Chàng không hề biết cô thiếu nữ.






III

Cuộc gặp


Raoul tiến về phía thiếu nữ vừa gọi chàng.

- Nhưng còn con ngựa của tôi, thưa cô? chàng nói.

- Ông bận bịu gớm đấy nhỉ! Đi ra đi; ngay chỗ cái sân thứ nhất có căn nhà kho rộng đấy, buộc ngựa của ông lại đó rồi khá mau đến đây.

- Xin tuân lời, thưa cô.

Raoul mất chưa đầy bốn phút là làm xong cái việc vừa được bảo cho mà làm; chàng quay lại chỗ cánh cửa nhỏ, tại đó, trong bóng tối, chàng nom thấy nữ nhân dẫn đường huyền bí đợi sẵn trên mấy bậc đầu tiên của một cầu thang xoay.

- Ông có đủ đởm lược để đi theo tôi không đó, hỡi chàng kỵ sĩ lang thang? cô thiếu nữ hỏi, nàng cười là cười cái thoáng ngập ngừng mà Raoul tỏ ra.

Chàng đáp lại bằng cách lao mình đi sau nàng dấn sâu vào cầu thang tối um. Họ lên ba từng lầu, chàng sau lưng nàng, tay chàng thỉnh thoảng động chạm vào người nàng những lúc lần tìm lan can mà vịn, cái váy lụa thì lướt sột soạt qua vách cầu thang. Cứ mỗi khi Raoul hụt bước chân, cô gái dẫn đường lại hét lên suỵt! hết sức nghiêm khắc, và chìa cho chàng bàn tay êm ái thơm hương.

- Có thế này, ta sẽ lên tới tháp canh lâu đài mà chẳng hề bị mệt mỏi nỗi nào, Raoul nói.

- Như thế có nghĩa là ông đang hồi hộp lắm, lại cả mệt mỏi và lo lắng nữa; nhưng xin ông an lòng, ta tới nơi rồi đây.

Cô gái đẩy một cánh cửa, ngay tắp lự, chẳng hề có bước trung gian nào, nó mở tung làm ùa xuống thềm cầu thang ánh sáng tràn ngập, Raoul hiện ra ở đó, tay nắm lấy lan can.

Cô thiếu nữ vẫn đi tiếp, chàng theo bước; nàng ta vào một căn phòng nhỏ, Raoul cũng bước vào luôn.

Ngay khi bước vào bên trong cái bẫy, chàng nghe thấy một tiếng hét lớn, bèn quay ngoắt đầu lại nhìn, chàng thấy cách đó hai bước chân, tay chắp lại, mắt thì nhắm nghiền, cái cô con gái tóc vàng xinh đẹp kia, con người mắt xanh biếc ấy, hai bờ vai thì trắng muốt, nàng nhận ra chàng, bèn gọi ngay “Raoul”.

Chàng nhìn nàng và thấy ra xiết bao là tình yêu, xiết bao niềm hạnh phúc trong ánh mắt của nàng, chàng như thể bủn rủn cả người mà ngã quỳ gối xuống ngay ở giữa căn phòng, miệng chàng cũng thì thầm một cái tên: “Louise”.

- Ôi trời ơi, Montalais! Montalais! nàng thì thầm, lừa dối em như thế này là tội lỗi lớn lắm đấy nhé.

- Tôi! lừa dối cô?

- Có thế thật còn gì, chị bảo là chị xuống dưới đó hỏi tin tức, vậy mà chị lại dẫn ông đây lên.

- Phải thế thôi. Nếu không làm cách nào anh ta nhận bức thư mà cô đã viết cho anh ta, hở?

Nói đoạn, nàng ta chỉ bức thư hẵng còn nằm trên bàn. Raoul tiến lên một bước định cầm lấy nó, nhưng Louise đã mau hơn, nàng kíp thò tay ra chặn chàng lại, dầu trong động tác ấy lẫn vào một vẻ ngần ngừ rất cổ điển nó thật đáng chú ý.

Thành ra Raoul gặp trúng cái bàn tay ấm rực ấy, run rẩy ấy; chàng tiện thể nắm ngay lấy nó, cung kính đưa nó lên môi, nhưng vì cung kính quá nên chàng đặt lên đó một hơi thở chứ không phải một nụ hôn đâu.

Cô Montalais đã nhân cơ hội cầm lấy thư, gập nó lại cẩn thận, đúng theo cách phụ nữ vẫn hay gập, thành ba nếp, rồi nhét nó vào ngực áo.

- Đừng sợ, Louise, nàng nói; ông đây sẽ không thể nào lấy nó ở đây, giống như đức vua Louis XIII quá cố đã không lấy được thư cất trong nịt ngực cô de Hautefort.

Raoul đỏ mặt nhìn nụ cười của hai gái trẻ, chàng không nhận thấy hai tay chàng vẫn đang cầm tay Louise.

- Rồi nhé! Montalais nói, cô thì đã tha thứ cho tôi, Louise nhỉ, vì dẫn ông đây lên; còn ông, chắc ông chẳng trách tôi nỗi nào khi đi theo tôi để tới gặp cô đây. Thế tức là, mọi việc đều đã bình định xong xuôi, giờ ta nói chuyện với nhau thân ái như những người bạn lâu năm thôi. Louise, em giới thiệu chị với ông de Bragelonne đi nào.

- Thưa ngài tử tước, Louise nói, dáng vẻ đoan trang hiền thục, điểm tô nụ cười tươi tắn thơ ngây, tôi xin có vinh hạnh được giới thiệu với ngài cô đây, Aure de Montalais, nữ nhân tùy tòng của Madame Lệnh Bà Điện Hạ, thêm vào đó nữa cô đây còn là bạn của tôi, bạn tốt bạn quý lắm nhé.

Raoul trịnh trọng thi lễ.

- Còn tôi, Louise, chàng nói, em không giới thiệu tôi với cô đây nào!

- Ồ! chị ấy biết chàng mà! cái chi mà chị ấy chả biết!

Câu nói ngây ngô làm Montalais phải lăn ra cười, nó làm Raoul thở dài vì sung sướng, đích thị chàng đã hiểu câu nói ấy như sau: Cô gái biết tất tật về tình yêu chúng mình.

- Lễ nghi xong cả rồi nhé, thưa ông tử tước, Montalais nói; ông ngồi xuống cái ghế bành này đi, rồi ông khá chóng nói cho chúng tôi cái tin ông đã phi ngựa như bay mang tới đây.

- Thưa cô, cái đó không còn là bí mật nữa rồi. Đức vua, trên đường đi Poitiers, sẽ dừng chân tại Blois để vấn an Điện hạ Đại nhân.

- Đức vua ở đây! Montalais kêu lên, hai tay nàng vỗ vào nhau; ta sẽ được ngắm triều đình! Em có thể nào mường tượng điều đó hay không, hả em, Louise? triều đình Paris cơ nhé! Ôi! Chúa! Nhưng chừng nào, thưa ông?

- Chắc tối nay đấy, thưa cô; mai thì đã hẳn.

Montalais tỏ lộ vẻ não nùng.

- Không kịp sắm sửa rồi! không kịp may lấy một cái rốp đẹp nữa rồi! Ở đây chúng tôi quê mùa như gái bên xứ Ba Lan vậy! Trông chúng tôi sẽ giống hệt các bức chân dung từ hồi mồ ma Đức vua Henri Đệ tứ! A! thưa ông, sao ông lại mang tin xấu thế đến cho chúng tôi!

- Thưa các cô, lúc nào các cô cũng sẽ rất xinh.

- Não lắm!… lúc nào chúng tôi cũng sẽ xinh, phải rồi, bởi vì đẻ ra chúng tôi đây đã là hai ả tố nga rồi; nhưng mà chúng tôi sẽ lố tận mạng, ấy là vì mốt mới đã bỏ quên chúng tôi mất rồi… Hỡi ôi! lố ơi là lố! bọn họ sẽ thấy tôi lố ấy nhỉ?

- Ai kia chị? Louise thơ ngây hỏi.

- Ai kia? cô lạ quá đi đấy cô em yêu quý ạ!… Hỏi tôi như vậy đấy hả? Người ta có nghĩa là tất cả mọi người; người ta, ấy là triều thần, ấy là các vị lãnh chúa; người ta, ấy chính là nhà vua.

- Chị thứ lỗi cho em, chị ơi, nhưng vì ở nơi này tất cả mọi người đã có lệ chúng ta ra sao thì họ cứ thấy vậy…

- Đúng rồi chứ sao; nhưng chuyện sắp đổi cả rồi, và chúng ta sẽ lố lắm đấy, cả với Blois luôn; bởi người ta sẽ được chiêm ngưỡng các thứ mốt Ba lê để mà đối chiếu, và rồi người ta sẽ hiểu chúng ta chỉ biết theo mốt Blois! Trời ơi tôi chết mất thôi!

- Xin cô hãy bình tâm, thưa cô.

- Ái chà! mà kệ chứ, kẻ nào cứ muốn thấy tôi là không hợp nhãn bọn họ! Montalais nói, ý chừng sâu sắc triết lý tợn.

- Những kẻ đó chắc phải khó tính lắm, Raoul nói đệm vào, chàng rất mực trung thành với các nguyên tắc về phong nhã.

- Cám ơn, thưa ông tử tước. Như vậy ta đang nói tới chuyện đức vua ngự giá đến Blois này?

- Cùng cả triều đình.

- Các cô de Mancini có đi cùng không?

- À, họ thì lại không.

- Ấy nhưng người ta bảo hoàng thượng không rời nổi cô Marie cơ mà?

- Thưa cô, thì đức vua vẫn cứ phải rời thôi. Đức hồng y muốn thế. Ngài ấy đày mấy cô cháu gái đi Brouage rồi.

- Ngài ấy! đồ tồi đạo đức giả!

- Suỵt! Louise nói, nàng vội đưa ngón tay đặt lên cặp môi hồng hồng.

- Chà! chẳng ai nghe thấy gì đâu. Tôi đây cứ nói lão già Mazarino Mazarini là một kẻ đạo đức giả đấy, lão chả nóng lòng muốn cô cháu của lão trở thành hoàng hậu nước Pháp ấy chứ, nhưng lại cứ vờ vịt.

- Không đâu, thưa cô, vì Đức hồng y ngài ấy đang đưa Bệ hạ đi lấy Marie-Thérèse nhỏ tuổi làm vợ.

Montalais trố mắt nhìn Raoul, rồi nói với chàng:

- Dân Paridiêng như anh tin mấy chuyện cổ tích đó thật đấy à? Thế ra, ở Blois này chúng tôi còn khá khẩm hơn các anh.

- Thưa cô, nếu nhà vua đi quá Poitiers, nếu ngài ngự sang bên đất Y-pha-nho, nếu các trương mục của bản khế ước hôn sự được thỏa thuận xong xuôi giữa don Luis de Haro và Đức Hồng Y, thì cô sẽ thấy đấy chẳng còn là trò trẻ con nữa đâu.

- Ái chà! nhưng đức thoàng thượng, ngài là vua đấy chứ?

- Thì đã hẳn, thưa cô, nhưng đức ngài thì lại là hồng y giáo chủ.

- Ý hẳn đức vua không phải là người? Tức là bệ hạ không yêu gì Marie de Mancini?

- Ngài ngự yêu nàng lắm đó.

- Ôi chao! thì ngài sẽ cưới nàng; chúng ta sẽ gây cuộc chiến tranh với xứ Y-pha-nho; ông Mazarin sẽ phải tiêu đến vài triệu mà ông ấy dành dụm được cất riêng; các nhà quý phái của chúng ta sẽ lập những chiến công để chống lại đám Castillan kiêu hùng, nhiều người sẽ đội vành nguyệt quế mà mã đáo, chúng tôi sẽ kết hoa quàng lên người các chiến sĩ. Đấy, tôi hiểu chính trị là như thế đấy.

- Montalais, chị điên quá, Louise nói, cứ hễ có chuyện rồ dại là chị thích thú được ngay, chị giống lũ bướm đêm gieo mình vào ngọn lửa.

- Louise, cô thì chỉ lý lẽ suốt, rồi ra cô sẽ chẳng bao giờ yêu nổi ai đâu.

- Ồ? Louise nói, vẻ nhẹ nhàng trách cứ, Montalais, chị phải hiểu chứ! Đức hoàng thái hậu muốn con trai mình lấy cô bé kia; chị muốn nhà vua không vâng lời mẹ của ngài? Một trái tim vương quyền như thế mà lại đi nêu tấm gương xấu được ư? Nếu nghiêm đường cấm ngặt chuyện ái tình, thì ta phải đuổi ái tình đi thôi!

Louise thở dài não nuột; Raoul cụp mắt nhìn xuống vẻ cam chịu. Montalais thì phá lên cười.

- Còn tôi, tôi đâu có nghiêm đường, nàng nói.

- Chắc chàng đã có tin về sự ông bá tước de La Fère được mạnh giỏi hay chăng, Louise nói sau khi thở dài, tiếng thở dài ấy tỏ lộ xiết bao đau thương nó lẩn trong dáng vẻ của nàng.

- Chưa, thưa cô, Raoul đáp, tôi còn chưa về thăm phụ thân tôi; nhưng tôi đang trên đường về nhà ông đấy chứ, thì cô de Montalais chặn đường tôi lại; tôi hy vọng ông bá tước được khỏe khoắn. Cô đã không nghe thấy có gì đáng lo, có phải không?

- Không có gì đâu, ông Raoul, không có gì đâu. Ơn Chúa!

Tới đây thì một niềm im lặng bày ra, ở trong đó hai tâm hồn cùng theo đuổi một ý nghĩ hiểu nhau thấu nhẽ, dầu chẳng hề có đến một ánh mắt nhìn qua.

- A! Chúa ơi! đột nhiên Montalais kêu lên, có người đang đi lên!…

- Ai được nhỉ? Louise vừa hỏi vừa lo lắng đứng bật dậy.

- Thưa các cô, tôi làm phiền các cô quá đỗi; chắc là tôi đã không được kín đáo, Raoul nói ấp úng, cảm thấy rất bất tiện.

- Tiếng bước chân nặng nề đây, Louise nói.

- A! nếu đó chỉ là ông Malicorne, Montalais lại nói, thì chúng ta chẳng cần để tâm đâu.

Louise và Raoul nhìn nhau, họ tự hỏi ông Malicorne là ai.

- Đừng lo, Montalais nói tiếp, ông ấy không ghen đâu.

- Nhưng, thưa cô, Raoul nói.

- Tôi hiểu chứ… Ừ thì! người ấy cũng kín đáo ngang cỡ với tôi đây.

- Chúa ơi! Louise kêu lên, nàng áp tai vào cánh cửa mở hé để nghe, em nhận ra tiếng bước chân của mẹ em!

- Bà de Saint-Remy! Trốn đâu bây giờ? Raoul hỏi, vội vã giật váy Montalais, chừng như nàng đang hoảng hốt quá mức.

- Đúng, nàng nói, đúng, tôi cũng nhận ra tiếng giày cót két. Đích thị là bà mẹ tuyệt vời của chúng ta!… Ông tử tước, thật tệ vì cửa sổ nhìn xuống đường và cao tận năm mươi bộ cơ đấy.

Raoul nhìn bao lơn, dáng điệu sợ hãi, Louise tóm lấy tay chàng giữ lại.

- À mà! mình điên rồi! Montalais nói, chẳng phải là có cái tủ đựng quần áo lễ đó hử? Nó được sinh ra đúng là cho việc này rồi.

Vừa kịp lúc, bà de Saint-Remy leo lên nhanh hơn so với lệ; bà đi lên hết cầu thang đúng khi Montalais, in các cảnh của kịch khi gặp chuyện bất ngờ, dùng cả thân mình đóng cửa tủ lại.

- A! bà de Saint-Remy kêu lên, con đang ở đây hả, Louise?

- Vâng! thưa mẹ, nàng đáp, mặt nàng còn tái nhợt hơn so với nếu giả dụ bị bắt quả tang vừa gây một tội ác lớn.

- Tốt! tốt!

- Mời bà ngồi, thưa bà, Montalais nói, đẩy cho bà de Saint-Remy một cái ghế bành, đặt nó sao cho bà xây lưng về phía tủ.

- Cám ơn, cô Aure, cám ơn; tới đây mau lên, con gái, mau.

- Mẹ muốn con đi đâu, thưa mẹ?

- Về phòng chứ còn đi đâu nữa; chẳng phải con sẽ sửa soạn điểm trang à?

- Ối chà! Montalais nói, vội giả dạng mình đang kinh ngạc lắm, trong lòng nàng sợ Louise làm điều gì ngốc nghếch nó tiết lộ mọi sự.

- Tức là các cô còn chưa được tin? bà Saint-Remy hỏi.

- Tin nào thế ạ, thưa bà, tin nào mà bà lại muốn hai chúng con biết được trên cái tổ chim này?

- Gì cơ!… các cô đã không gặp ai?…

- Thưa phu nhân, phu nhân nói toàn những điều như đánh đố, phu nhân lại đang đun lửa liu riu tra tấn chúng con nữa! Montalais kêu lên, hoảng sợ vì thấy Louise mỗi lúc một thêm nhợt nhạt, chẳng biết phải cầu tới thần thánh phương nào đây.

Mãi rồi, nàng bắt chợt được từ cô bạn nhỏ một ánh mắt biết nói, một ánh mắt khiến cho một bức tường cũng trở nên linh động được lắm. Louise chỉ cho bạn cái mũ, cái mũ vô lối của Raoul đang nằm chình ình ngay trên bàn.

Montalais bèn lao người về phía trước, tay trái nàng túm lấy nó, rồi chuyền nó qua bên tay phải ở đằng sau lưng, giấu biến nó đi, nàng làm mọi động tác ấy mà vẫn tiếp tục nói không thôi.

- Được rồi! bà de Saint-Remy nói, một sứ giả đến đây báo cho chúng ta biết là đức vua sắp giá lâm. Vậy cho nên, thưa các cô, cần phải thật đẹp xinh!

- Mau lên đi, mau lên đi! Montalais kêu lên, đi theo mẹ cô ngay, Louise, để tôi lại đây chỉnh trang lại bộ áo cánh của tôi.

Louise đứng dậy, mẹ nàng nắm lấy tay nàng lôi tuột ra ngoài chỗ đầu cầu thang.

- Đi thôi, bà nói.

Và, ở bên dưới:

- Mẹ đã cấm con lên chỗ Montalais cơ mà, sao con vẫn lên trên đó?

- Mẹ ôi, chị ấy là bạn của con mà. Mới lại con cũng chỉ mới lên đó thôi.

- Con bé ấy không giấu kẻ nào để con khỏi trông thấy đấy chứ?

- Mẹ!

- Mẹ đã nhìn thấy một cái mũ đàn ông; đó là mũ của cái thằng dở người kia, của cái đồ tồi đó!

- Mẹ! Louise kêu lên.

- Cái thằng Malicorne lười chảy thây ấy. Một nữ nhân tùy tòng mà lại đi giao du với hạng người như vậy… phì!

Các giọng nói mất hút đi tận sâu phía dưới cái cầu thang hẹp.

Montalais đã không bỏ sót lời nào trong đó, các vọng âm vẳng lại như thể qua một cái phễu.

Nàng nhún vai, rồi, trông thấy Raoul đã ra khỏi chỗ trốn và cũng đã lắng nghe:

- Montalais khốn khổ! nàng nói, vì tình bạn mà phải chịu đau thương!… Malicorne khốn khổ!… vì tình mà bị thương đau!

Nàng ngừng ánh mắt trên cái mặt nửa bi nửa hài của Raoul, vốn dĩ chỉ trong vòng ngày hôm nay chàng đã bắt chợt rõ nhiều điều bí mật.

- Ôi! thưa cô, chàng nói, làm sao để tỏ lòng biết ơn trước lòng tốt của cô đây?

- Rồi sẽ có ngày chúng ta tính sổ với nhau, nàng đáp; lúc này, thưa ông de Bragelonne, ông đi lẹ đi, bởi bà de Saint-Remy chẳng rộng lượng gì đâu, rồi thì bà ấy chỉ cần có chút thiếu kín miệng thôi là sẽ ngay tức khắc có khám soát ở đây, sẽ rầy rà to cho tất cả chúng ta. Tạm biệt!

- Nhưng Louise… Làm sao để biết?…

- Đi đi! đi ngay đi! đức vua Louis XI biết rõ mình làm gì khi ngài nghĩ ra bưu xá.

- Hỡi ôi! Raoul thốt.

- Và chẳng phải tôi ở chỗ này, tôi đây, mà vốn dĩ tôi đáng giá ngang mọi bưu xá của vương quốc đấy ư? Chạy nhanh đi lấy ngựa của ông đi! giả dụ bà de Saint-Remy có leo lên đây trở lại để lên lớp cho tôi, bà ấy cũng sẽ không gặp phải ông nữa.

- Bà ấy sẽ nói cho cha tôi đấy nhỉ? Raoul thì thầm.

- Và ông sẽ bị nghiêm huấn! A! tử tước, nhìn qua là đã biết ông từ triều đình tới: ông nhút nhát in đức vua. Pẹt! Ở Blois này, chúng tôi lý gì đâu tới quyền huynh thế phụ! Cứ thử hỏi Malicorne mà coi.

Nói đoạn, nàng thiếu nữ rồ dại túm lấy vai Raoul đẩy chàng ra khỏi cửa; chàng lẩn mình đi qua cổng, tìm lại con ngựa, nhảy lên lưng nó rồi lao đi, như thể tám lên lính gác của Monsieur đang bám theo sát gót.






IV

Cha và con


Raoul đi theo ngả con đường chàng biết rõ, rất đỗi thân thương trong ký ức của chàng, con đường dẫn từ thành Blois về ngôi nhà của bá tước de La Fère.

Xin chư quân miễn cho chúng tôi khỏi phải tả lại chốn này. Vốn dĩ chư quân từng cùng chúng tôi bước vào đó những lúc khác; vốn dĩ chư quân biết rõ nó rồi. Có điều, tính từ lần gần đây nhất ta thăm thú nơi đó, các bức tường đã thêm sắc xám, gạch tường thì đã điểm sắc đồng thêm phần hòa điệu; cây cối thì lớn bổng hẳn lên, cái cây kia xưa nó lòa xòa những cành gầy guộc bên trên hàng giậu, giờ đây nó tròn trịa, um tùm, rậm lục, tỏa bóng dày dặn hắt ra xa, bên dưới các cành lá phồng nhựa sống, nhờ hoa và quả của nó, che mát cho khách bộ hành.

Raoul nom thấy từ xa mái nhà nhọn hoắt, hai tòa tháp nhỏ, chuồng chim trên rặng cây du, cùng từng đám bồ câu chúng không ngớt bay lượn, mà chẳng bao giờ rời xa cho nổi, quanh cái chóp xây bằng gạch, hệt những kỷ niệm êm đềm vấn vít quanh một tâm hồn thanh bạch.

Lại gần hơn, chàng nghe thấy tiếng ròng rọc nghiến ken két do sức nặng của những cái xô to tướng; chừng như chàng cũng nghe thấy luôn tiếng thở than sầu muộn của nước rơi ngược trở lại xuống giếng sâu, cái thanh âm buồn, thê lương, trang trọng nó giáng mạnh vào tai đứa trẻ nhỏ và tai của nhà thi sĩ, những kẻ hay mơ mộng mà người Anh gọi là splass, các thi sĩ Ả rập thì gọi là gasgachau, còn người Phan lang sa chúng ta, vốn dĩ muốn thành thi sĩ lắm đi, chúng ta chỉ có thể diễn tả bằng một lối nói vòng: Tiếng của nước rơi xuống nước.

Đã hơn một năm nay Raoul chưa về thăm cha. Suốt quãng thời gian ấy chàng ở chỗ ông Hoàng Thân.

Thật thế, sau tất tần tật những xúc cảm của Fronde**** mà xưa kia chúng tôi từng gắng sức thuật lại đoạn đầu, Louis de Condé đã gây cuộc hòa hoãn chính thức cùng triều đình, trang trọng và thẳng thắn.


----------- 


* Tiếng “monsieur” ngày nay tầm thường lắm, dùng để chỉ tất cả hạng đàn ông trên đời, chứ hồi này, “Monsieur” là danh từ riêng dùng cho Đức ông Hoàng đệ, anh em đức vua. Trong truyện, Gaston d’Orléans tức là em trai tiên vương Lô y Thập tam, tất nhiên khi Lô y Thập tứ đã ở ngôi rồi, Gaston vẫn được gọi là “Monsieur” nhưng còn gọi “Grand Monsieur” nữa bởi lúc đó còn có thêm “Petit Monsieur”, tức là Philippe. Gaston nổi tiếng tài giỏi nhưng hung tợn, thích việc phản đối, chẳng coi ai ra gì, đại để mục hạ vô nhân giống nhiều hoàng thân quốc thích bên Đông phương chúng ta, hết dấy binh tạo phản chống Đức Hồng y Richelieu và ông anh Lô y Thập tam lại lập mưu chống Đức Hồng y nữa là Mazarin cùng bà chị dâu của mình, đương khi Đức Lô y Thập tứ còn bé chịu nhiếp chính. Ỷ y tài năng, nhưng vương (tước chính thức là quận công) lại ít khí khái, hay khai thú về đồng đảng, khiến cho nhiều người phải vạ mất đầu. Vương nổi danh về cuộc sống trác táng; bọn thanh niên coi truyện này khá lấy vương Gát-tông Đoọc-lăng làm tấm gương, nhưng ấy là tấm gương nên tránh chứ không phải gương mà theo nỗi nào. Vương có lâu đài Blois để ở, ấy là quà tặng đám cưới của vua ban cho. Thời điểm diễn ra câu chuyện Tử tước de Bregelonne, vương sắp chết.
** Một khắc tức là mười lăm phút.
*** Marie de Médicis bị con trai Lô y Thập tam giam lỏng tại lâu đài Blois, do bà hoàng hậu âm mưu nham hiểm chống tiên vương cùng Richelieu đại nhân. Bà là phu nhân thứ hai của Henri Đệ tứ, ông vua lấy bà vì Marguerite sau nhiều năm không sinh được con (kể cả với ông lẫn với nhiều tình nhân của bà) và Henri ly hôn nổi. Ông Dumas bịa: ý chừng Madame d’Orléans (trong truyện sẽ có một duchesse d’Orléans khác, trẻ hơn, sẽ xuất hiện sau) muốn nói Marie cùng năm đứa con (hai con trai trong số đó chính là Lô y Thập tam và Monsieur Gaston d’Orléans) trốn đi bằng cách trèo cửa sổ, nhưng Lô y Thập tam lúc này đã lớn và chính là người nhốt mẹ vào lâu đài chứ không đi trốn cùng bao giờ. Nhưng bịa như vậy cũng hay lắm. Cũng chính vì vụ đào thoát đã đi vào truyền thuyết này, Marie sẽ làm lành được với con trai qua trung gian Richelieu (sau đó chừng như bà hối lắm, liền dần dà trở thành người bảo trợ nghệ thuật, có chủ ý làm nhiều tòa công trình lớn, ngày nay vẫn còn tượng của bà tại khu vườn Lục xâm bảo, mà bà góp phần dựng). Lâu đài Blois là chốn diễn ra nhiều sự biến quan trọng của vương triều Phan lang sa, cũng là nơi hung hiểm đầu rơi máu chảy nhiều, ví như Henri Đệ tam giết cừu thù quận công de Guise tại đây, và cũng tại đây được tổ chức họp hội nghị lớn mệnh danh “États généraux”, chính vì thế trong Tử tước de Bragelonne nhiều lần tác giả gọi lâu đài Blois là “cung điện des États”.
**** Thời của các Lô y Thập (tam và tứ), vương quyền muốn trở nên chuyên chế, cho nên vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của giới đại quý tộc: đức vua, thời trước, bất quá cũng chỉ là một lãnh chúa lớn được bầu lên để cai quản, giờ lại muốn xưng cô trị vì toàn thiên hạ, đời nào các nhà quý phái hiển hách chịu. Loạn Fronde bùng nổ rất cương mãnh, nhất là hồi giữa Thập thất thế kỷ, bọn đầu lãnh kiện tướng có thể kể “ba con-“: Condé, Conti và Gondi (tức de Retz).    




(còn nữa)



Dumas:

Les Trois Mousquetaires
Hai mươi (tức Hai mươi năm sau)


Nguyễn Văn Vĩnh:

Trung Bắc
Nguyễn Văn Vĩnh trả lời phỏng vấn
Nguyễn Văn Vĩnh là ai
Sử ký Thanh Hoa

21 comments:

  1. chúc mừng quyển sách phi nhân nay đã thành nhân ở chỗ bản thư-xã! cũng nhân tiện chúc mừng cái tiếng Việt thưở đề-huề nay đã quay được lại, mà, nói như bọn cổ nhân trẻ, là lợi hại hơn xưa.

    ReplyDelete
  2. mấy lời ký chú đinh ninh

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. cái gì cũng dịch tí rồi bỏ dịch làm gì?

    ReplyDelete
  4. nếu chẳng để làm gì thì cũng đủ để chọc tức bọn ngu thế nào cũng lao vào nói những câu tương tự

    ReplyDelete
  5. Sao Đại thư-xã không xuất bản sách như Nguyễn Văn Vĩnh tiên sinh để chúng tại hạ còn dễ bề chiêm ngưỡng, chứ để online thề này thì cũng hơi phi nhân tính :)

    ReplyDelete
  6. sao không thế này mà lại là thế kia

    tại sao lại thế? tại làm sao lại thế

    anw, NVV cũng có in mọi thứ thành sách quái đâu, chắc tại Đông Dương thuở ấy chả có đủ giấy cho ngài dùng

    ReplyDelete
  7. In được những kẻ khốn nạn là kỳ tài lúc đó

    ReplyDelete
  8. Awesome things here. I'm very happy to look your article.
    Thanks a lot and I am looking ahead to touch you.
    Will you please drop me a mail?

    ReplyDelete
  9. à nhưng tôi lại không nghĩ Những kẻ khốn nạn là nhát vĩ đại nhất của NVV

    ReplyDelete
  10. merci

    bien, on continue: que fera Raoul le bel homme à la triste cour de son Altesse prince d'Orléans?

    ReplyDelete
  11. mais ce n'est qu'une simple constatation

    Đường xa vạn dặm, courage à toi

    ReplyDelete
  12. Không biết có biết tiếng Việt không, câu cú dịch đọc chả đâu vào đâu

    ReplyDelete
  13. luôn thể đi này, cho nó tiện:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2016/03/walter-benjamin-tuoi-tho-berlin-nam-doan.html

    ReplyDelete
  14. "- Madame, vous parlez par énigmes et vous nous faites mourir à petit feu!"

    ReplyDelete
  15. Tôi xem những bản tiếng Việt xưa nay đều thấy thiếu 1 đoạn ở giữa truyện, được tóm tắt rằng Louis XIV cướp người yêu và hại chết Raoul. Không biết sách bản tiếng Pháp cũng vậy hay là ở VN bị vậy thôi?

    ReplyDelete
  16. để tránh spoiler, xin đợi xem các phần tiếp theo (sắp có)

    ReplyDelete
  17. Tử tước chàng ôi, em muốn cùng chàng trở về những mùa cổ điển!

    ReplyDelete