Oct 12, 2018

Một câu chuyện Nam Tư

Giờ mới lại tiếp tục được câu chuyện đã bắt đầu từ tận ởkia.

Sự thiếu vắng Danilo Kiš là tội ác đích thực đối với mọi nền dịch thuật nào (thực sự) muốn mình là một nền dịch thuật không lệch lạc.

Bài dưới đây lấy từ cuốn sách dưới đây:


(chịu khó với một số cái tên riêng rất nhiều âm hưởng barbaric nhé)



Chứng nhân buộc tội Karlo Štajner

Danilo Kiš


Những linh hồn chết

Tháng Sáu năm 1956, trong một khoang rất chi xịn của đoàn tàu đặc biệt chạy giữa Matxcơva và Kiev, có hai đại diện xuất chúng nhất của chính quyền Liên Xô và chính quyền Nam Tư ngồi đó: Khrouchtchev và Tito, cùng ngự tiền đổng lý [lạm dụng từ ngữ chút] của họ. Khỏi cần phiên dịch. Vì chương trình nghị sự quá nặng (cần phải san bằng nhiều khác biệt về phương diện ý luận đã dồn tụ lại trong vòng tám năm “cách ly” của Nam Tư), có rất ít thời gian cho những vấn đề phụ. Tận dụng một khoảnh khắc ông chủ nhà (tức Khrouchtchev) có tâm trạng hứng khởi, Tito với tay qua bàn chìa cho ông, giống như người ta đưa menu cho thực khách, bản danh sách những linh hồn chết. Cảnh tượng ấy đậm chất Gogol. “Này, đây là danh sách một trăm mười ba cựu công chức của chúng tôi bên Liên Xô. Họ sao rồi?” Khrouchtchev liếc xuống bản danh sách những linh hồn chết, rồi đưa nó sang cho cận thần: “Hai hôm nữa tôi sẽ trả lời anh.” Đúng hai ngày sau đó, cuối một cuộc họp, ở đoạn cognac và xì gà, Khrouchtchev thông báo, đùng một cái, mấy ngón tay chuối mắn gõ gõ lên một tờ giấy: “Totchno sto nietou.” (Đúng một trăm người không còn trên cõi đời này nữa.)

Thế là, theo lệnh từ cấp cao nhất, cỗ máy gớm ghiếc KGB chạy rùng rùng để tìm lại, đâu đó trong khoảng mênh mông Siberia, mười ba người cộng sản Nam Tư còn sống sót. Và chính bằng cách ấy, giữa những con người sống dở chết dở kia, tại thành phố Krasnoïarsk xa vời, người ta phát hiện Karlo Štajner, sau chừng hai mươi năm của nhà tù và trại, theo quyết định cuối cùng của Ủy ban An ninh Quốc gia, đã bị kết án đi đày suốt đời. (Ông thuộc vào số những người được gọi là “được trả tự do”!)

Štajner: “Khi ấy tôi chỉ biết là Tito còn sống… Tin đồn về chuyện đó tới được chỗ chúng tôi. Trong thời gian lưu đày, ở Maklakovo, một hôm tôi đi xem phim ngoài rạp. Khrouchtchev đã có chuyến đi sang Belgrade và công nhận những gì ông ta công nhận. Trong khuôn khổ tin tức thời sự, họ đã chiếu vài sự kiện bên Nam Tư. Và tôi nghĩ mình đã nhìn thấy Djura Cvijić. Đâu đó, trên một diễn đàn. Tôi đã nghĩ: Giờ anh ấy lên đến chức gì rồi nhỉ? Ít nhất thì cũng phải cỡ ủy viên Bộ Chính trị. Chúng tôi từng biết nhau rất rõ, và bức thư của tôi gửi cho đại sứ quán Nam Tư tại Matxcơva, tôi đề tên người nhận là anh ấy…” (Phỏng vấn tháng Ba 1981.) Nơi cái thế giới sặc mùi Gogol của các linh hồn chết kia, sự châm biếm hòa trộn vào với bi kịch: người bạn hồi trẻ đó, cựu công chức của Đảng, đã chết được mười tám năm tính tới thời điểm Štajner gửi thư cho ông! Bị thanh trừng, vì tội “phản bội”, ở một trại Siberia, hoặc tại nhà tù Boutyrki.


Không có sẹo

Năm 1976, tại quầy bar Intercontinental, Zagreb, tôi sắp sửa gặp tù nhân thoát khỏi Goulag lừng danh, tác giả cuốn sách nổi tiếngBảy nghìn ngày ở Siberia(người từng là một hướng dẫn viên quý giá đối với tôi khi tôi viết Boris Davidovitch), người mà tôi đề tặng một truyện ngắn trong tập sách của tôi. Một ông trông nhậm lẹ, khuôn mặt tươi tỉnh, thân hình vững chãi, vóc dáng tầm thước, tóc cắt ngắn (ông cầm mũ ở tay), tiến lại gần bàn chúng tôi. Không, đó không phải ông! Đó chẳng thể là ông!

[bonus: thủ bút và chữ ký của Danilo Kiš, mượn từ VHT:




hết bonus]


“Štajner đây.” Mặc dù hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi ông từ Siberia trở về - đủ để các vết thương đóng sẹo - những vết sẹo (tôi tự hỏi) đâu rồi? Cũng tương tự như vẫn ghi khắc trên mặt những kẻ sát nhân, Soljénitsyne kể với chúng ta, dấu hiệu của cuộc sát nhân, dưới hình thức một vệt nhăn thẳng đứng nơi khóe miệng, phải có một dấu hiệu, một vết sẹo, thấy rõ trên khuôn mặt các nạn nhân, giống các vết dấu của Đức Ki-tô.

“Anh đã viết, đâu đó trong Boris Davidovitch, người đàn ông hiền hòa, không chút dữ tợn, không bi thống ấy nói, rằng nhân vật chính của anh đi dạo vào buổi tối quanh điện Kremlin. Chắc anh sẽ phải sửa lại điều đó khi nào sách tái bản… Bất kỳ ai lảng vảng quanh điện Kremlin vào quãng thời gian đó, nhất là một người nước ngoài, như nhân vật chính của anh, hẳn sẽ bị bắt ngay lập tức.” Tôi hứa sẽ sửa điều đó trong lần tái bản. Cũng như vài chi tiết khác nữa mà ông gợi ý với tôi. Tôi hỏi ông muốn uống gì. Ông đáp là gì cũng được. “Còn tôi, tôi sẽ uống một cốc vodka.” Štajner, đầy bối rối, như thể không muốn làm tôi phật ý, đáp: “A! không, cám ơn. Gì cũng được cả, trừ vodka. Hai mươi năm nay tôi không uống một giọt. Và tôi cũng không sẵn sàng uống… Vẫn trong cuốn sách của anh, lúc nào đó, anh nhắc tới giấy bồi”, ông tiếp tục nói sau khi chúng tôi đã quyết định chọn một loại cognac Pháp (để hồi tưởng thời xa xưa tươi đẹp). “A! anh bạn trẻ” - Štajner giơ hai tay lên trời - “giấy bồi nào đây, bên Nga, hồi đó!” Tôi tìm cách giải thích cho ông rằng tôi đã thấy nhắc đến thứ giấy bồi ấy trong một cuốn bách khoa thư, vả lại thì tôi sử dụng cái đó chính như một điều kỳ quặc, giống như một sự lệch thời. Štajner lắc đầu, giống một người đã quá quen với chuyện người ta không tin lời mình, ngay cả khi chuyện liên quan tới những điều to lớn hơn nữa. (Nhưng các vết sẹo đâu mất rồi? tôi tự hỏi, nhìn vào cặp mắt thành thực và dịu dàng ấy. Các vết sẹo đâu mất rồi?)


“Phụ nữ là tương lai của đàn ông.”

Trong một lần gặp sau đó, vẫn ở Zagreb, Karlo giới thiệu tôi với vợ ông, Sonia người Nga, người được ông đề tặng cuốn sách của ông: “Cuốn sách này được đề tặng cho Sonia vợ tôi, người đã trung thành đợi tôi.” Mọi so sánh, một liên tưởng tới nàng Pénélope trong huyền thoại hẳn sẽ gây xúc phạm. Quả thật, trong khi Pénélope của người Hy Lạp dệt tấm thảm của nàng suốt hai mươi năm, trong yên bình tuyệt đối, dưới bầu trời rạng rỡ của Hy Lạp, đuổi đi đám cầu hôn đông đảo - trước lòng ngưỡng mộ của tất tật - thì trong phiên bản hiện đại của huyền thoại Xô viết, Sonia là “vợ của một kẻ thù của nhân dân”, bị làm nhục, truy đuổi, hành hạ. Sau đây là số phận của những người phụ nữ không chịu công khai chối bỏ chồng mình: “Tại nhà tù Boutyrki có ba trăm phụ nữ cùng đám con nhỏ dưới một tuổi của họ. Tròn một tuổi, chúng sẽ bị mang đi khỏi mẹ chúng đưa tới một trại của NKVD. Đó là các cảnh không thể chịu đựng nổi.” (Štajner, tr.23.) Hoặc nữa: “Nhiều người đàn ông để mặc vợ con họ không chỗ dựa và họ biết rằng những người ấy sẽ càng phải chịu nhiều đau khổ hơn nếu là gia đình của một “kẻ thù của nhân dân”. Không ai có thể tưởng tượng nổi tình cảnh khủng khiếp của các thành viên gia đình tù nhân ở Liên Xô: những người vợ bị đuổi khỏi chỗ làm, những đứa con bị đuổi khỏi trường học, tịch thu nhà cửa, lưu đày… Rất hiếm khi họ hàng chịu giúp đỡ những con người bất hạnh đó: bản thân họ cũng có nguy cơ bị bắt. Hàng nghìn phụ nữ ly hôn. Các tờ báo Liên Xô đăng đầy lời các phụ nữ từ chối chồng của họ đã bị bắt giữ, hoặc lời những đứa con chối bỏ bố mẹ chúng bởi vì họ là “kẻ thù của nhân dân”.” (Štajner, tr.229.)


Những cặp mắt sâu hoắm như giếng nước

Tất tật những gì Sonia từng phải trải qua, trong vòng hai mươi năm chờ đợi của bà, chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết được một phần, được kể lại trong cuốn sách của Karlo Štajner: vào lúc ông bị bắt, Sonia đang ở những tháng cuối kỳ mang thai của bà. Đứa bé gái được sinh ra sau đó sẽ chết vì bần cùng, lạnh, vì bệnh tật. Rồi tới những ngày dài đợi chờ, không phải cái khung thêu, mà là những hàng người xếp dài, các loại công việc cỏ vê, sự lai vãng các bộ, nỗi sợ những tiếng đập cửa, những bức thư quá mức hiếm hoi mà người ta rình rập, những đồng xu khốn khổ mà người ta dành dụm để có thể gửi gì đó cho Karlo đang bị lưu đày… Tôi nhắc lại: mọi so sánh với Pénélope của huyền thoại hẳn sẽ chỉ là một trò chơi dễ dãi gây nhiều xúc phạm cho Sonia Štajner.

Tôi nhìn bà Štajner, rồi tôi cụp mắt xuống. Ánh mắt ấy không sao mà chịu nổi! Không, Sonia Marmeladova là hình ảnh của một nỗi đau tuyệt đối có tính cách con người, một nhân vật văn chương - theo nghĩa tồi tệ nhất của cụm từ ấy - của giấy, của sự trữ tình thuần khiết, niềm vui sống. Nhưng trong cặp mắt của Sonia khác kia (Štajner), trong cặp mắt trũng sâu trên khuôn mặt người phụ nữ đẹp ấy (của người phụ nữ vẫn còn đẹp ấy), tôi khám phá một điều cho đến khi đó tôi còn chưa bao giờ thấy: cặp mắt chết! Không giống mắt của một người mù, không phải những con mắt bị mù, mà là cặp mắt như chưa có nhà văn nào từng bao giờ miêu tả, như rất ít người từng thấy, cặp mắt đã chết trên một khuôn mặt sống. (Và tôi trở nên bất lực trước ánh mắt ấy, bởi chẳng ai từng có bao giờ miêu tả một điều tương tự, vậy nên tôi đang nói tới một hiện tượng mà độc giả không thể nhận ra, với đó những lời giải thích tâm lý học chẳng dùng để làm gì.) Đôi mắt của Sonia Štajner không trống rỗng biểu đạt, chúng chết như ở một người chết, cặp mắt vô hồn, ánh mắt đông cứng, đó là cặp mắt nơi chỉ còn lại độc tro của thứ than hồng ngày xưa, một thứ tro nóng bỏng, không phải một xoáy nước, mà là một cái giếng sâu nơi ánh nắng không sao lọt xuống, cặp mắt sâu hoắm giống những cái giếng nơi người ta chỉ có thể, lúc cúi mình xuống, nhìn thấy sự bất động của nước màu lục sẫm và trong suốt, những cái giếng chỉ phản chiếu những ngôi sao đã tắt trên một bầu trời đã chết. Và giữa chúng là một vệt hằn rất sâu, dấu vết của sự tuẫn đạo.

Và giờ đây, mãi giờ đây, tôi mới thấy lộ ra ở Karlo Štajner, theo cách thức gián tiếp, cái mà tôi từng tìm kiếm: hai mươi năm đó, hơn bảy nghìn ngày, trải qua nơi các vùng đất xa xăm của Siberia, quá cả vòng cực. Nỗi nhục, những cú đánh, nỗi sợ, cái đói, cái lạnh, cái chết.


Tiểu sử ngắn

Tiểu sử của Karlo Štajner giống hàng nghìn người khác tại châu Âu, nhất là Trung Âu. Sơ đồ ai cũng đã quá rành: một người con trai gia đình vô sản dấn bước vào con đường dài của tranh đấu và của các lý tưởng, rồi rốt cuộc có mặt ở “Đệ tam Rome”, tức là Matxcơva. Sau đây là chính Štajner tóm tắt những năm tuổi trẻ của ông, trong một văn bản đánh máy: “Sinh đầu thế kỷ, bên Áo, ông là, ngay hồi cuối Thế chiến thứ nhất, lúc đó đang làm thợ sắp chữ nhà in, thành viên chủ chốt của Đoàn thanh niên cộng sản. Ông từng làm việc cho Quốc tế cộng sản thanh niên. Trong những năm hai mươi, vì có liên hệ chặt chẽ với những người cộng sản Nam Tư, ông sang Nam Tư làm việc. Tại Zagreb, theo lệnh của Đảng, ông thành lập và điều hành nhà in chuyên in các ấn phẩm bí mật của Đảng. Ông hợp tác với nhiều nhà cách mạng của chúng ta thời ấy, hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau, đi nhiều nơi, từng bị bắt giam ở Zagreb, Paris, Viên, làm việc cho Komintern tại Berlin và cuối cùng, năm 1932, theo lệnh của Đảng Cộng sản Nam Tư, sang Liên Xô… Một tháng sau khi tới Matxcơva, nơi ngay lập tức ông tự giới thiệu mình thích hợp với bộ phận Balkan của Komintern, ông được cử làm giám đốc nhà in và nhà xuất bản của Quốc tế cộng sản, hồi đó là một vị trí cao cấp. Ông làm việc ở đó bốn năm. Ông đang giữ chức vụ ấy thì bị bắt, vào năm 1936.”

Phần còn lại đã quá nổi tiếng, phần còn lại làm nên chất liệu cho cuốn sách 7000 ngày ở Siberia.


Số phận của một cuốn sách

“Tại các nhà tù của NKVD, trên sa mạc giá lạnh của Miền Bắc Rộng Lớn, mọi nơi nào nỗi đau đớn của tôi vượt quá các giới hạn của cái có thể chịu đựng, tôi chỉ còn lại độc một ham muốn duy nhất: sống sót sau tất tật những chuyện này để kể cho thế giới và nhất là cho bạn bè ở Đảng của tôi mọi nỗi kinh hoàng mà chúng tôi đã phải gánh chịu” (Lời tựa). Bản thảo cuốn sách của Štajner đã sẵn sàng vào năm 1958, hai năm sau khi ông từ Siberia trở về, tức là cùng năm với Quần đảo Goulagcủa Soljénitsyne. Điều gì đã xảy đến với bản thảo của Štajner cho tới năm 1972, suốt mười bốn năm trời? Štajner đã không biến được từ đó thành một cuốn sách, nhưng, gần đây, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã hé lộ một phần nhỏ của bí ẩn đó: “Bản thảo nằm ì ra đó suốt nhiều năm. Không cách nào in nó ra được. Các nhà xuất bản hẳn rất muốn, nhưng ai đó gây khó dễ… Tôi đã đưa một bản cho Zagreb… một bản khác cho Belgrade… Chúng đều biến mất… Đúng, biến mất! Hết sức đơn giản: không còn dấu vết nào của chúng nữa. Đó là điều người ta đã nói với tôi… Nhưng bản gốc thì nằm ở chỗ an toàn, nhà em trai tôi, tại Lyon… Siberia đã khiến tôi trở nên ma lanh…” Nhưng, vì các chính sách toàn cầu thì cũng tùy thuộc vào ý thức cá nhân và những chủ định riêng, bản thảo đã được chấp nhận vào năm 1971, rõ ràng là với sự nhất trí của đích thân Tito… Khi nó được in ra, cuốn sách 7000 ngày ở Siberianhận được một trong những phần thưởng văn chương uy tín nhất của Nam Tư: giải thưởng “Cuốn sách của năm”, nó mang tên nhà thơ Nam Tư, bạc ti dăng-người tuẫn đạo, Ivan Goran Kovačić. Giữa ấn bản đầu ấy (1972) và ấn bản nước ngoài đầu tiên, bên Đức, sẽ trôi qua thêm bốn năm nữa. Và lúc này, ngoài ấn bản của Gallimard, đó là bản dịch duy nhất trên thế giới cuốn sách trọng yếu của Štajner. Tôi biết rằng, để thể hiện lòng biết ơn cá nhân của ông đối với Tito, người đã, bằng sự can thiệp của mình, cứu mạng ông, và nhân danh kỷ luật đảng mà, rất rõ ràng, tận cho đến ngày hôm nay ông vẫn không từ bỏ (ông là đảng viên Đảng Cộng sản Nam Tư, một trong những người đầu tiên, từ năm 1919 [chú thích: Karlo Štajner qua đời năm 1992]), Štajner từ chối một nhà xuất bản Mỹ, bởi vì đó là “nhà xuất bản của Djilas”. Đó là những điều các đồng chí trong Đảng của ông nói với ông. Và trong mắt Sonia, sâu hoắm như giếng nước, thoáng qua một cái bóng sợ hãi: “Karlo, cẩn thận đấy!” Về phần các nhà xuất bản nước ngoài, dẫu thế nào thì họ cũng đã không thể in cuốn sách trước khi nó được xuất bản tại Nam Tư: “Tôi đã muốn trước tiên nó được xuất bản ở đây”, Štajner nói trong cuộc phỏng vấn thượng dẫn. Và sau khi cuốn sách được in, những âm mưu bí hiểm bắt đầu hình thành quanh ông: Cơ quan quản lý các tác giả Nam Tư, vốn dĩ là nơi đứng ra làm trung gian với các nhà xuất bản nước ngoài, nhận được những đề nghị in sách từ rất nhiều nước phương Tây, cũng như Mỹ. Trong một bức thư, Štajner kể, Cơ quan cho biết họ sung sướng được thông báo với ông về các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm đến cuốn sách của ông. Và Štajner tới Belgrade. “Chuyện đủ mức quan trọng để tôi đi chuyến ấy.” Chính vào lúc đó một nữ nhân viên của Cơ quan tuyên bố với ông như sau: “Tôi đã nhận được lệnh không được nhúng mũi vào vụ này và tôi khuyên ông chấm dứt mọi liên lạc với các nhà xuất bản nước ngoài.” (Sonia: “Karlo, cẩn thận đấy!”) Như vậy, bản thảo, được dịch ra, cũng bắt đầu lạc đi mất ở chỗ các nhà xuất bản nước ngoài. “Với người Ý, giống hệt vậy… Tôi đã sang Florence để thương thuyết. Người ta chở tôi đến một ngôi nhà tại vùng ngoại ô xa xôi. Hôm ấy tôi đã tự nhủ: “Khỉ thật, nếu mình thoát khỏi đây mà vẫn còn sống, thì đây sẽ là Norilsk [thuộc hệ thống goulag Liên Xô] thứ hai!” Tôi có cảm giác mình đang ở chỗ của lũ sát nhân. Họ ngồi đó, hút thuốc. Tức là có thể coi đang ở chỗ một nhà xuất bản. Tôi xin thú nhận, đã lâu lắm tôi không cảm thấy sợ tới mức ấy cho tính mạng của tôi. Dẫu sao tôi cũng nói với họ là thôi bỏ cuốn sách đi. Chuyện nó cũng bị “thất lạc” ở đó chẳng hề khiến tôi thấy ngạc nhiên. Không ai biết tôi đã thương thuyết với ai. Cả tôi, cũng như bất kỳ người nào… Khi tôi hỏi thông tin ở chỗ nhà xuất bản, người ta nói với tôi rằng cái người đó không làm việc ở chỗ họ… Về phần mình, tôi chẳng hề nghi ngờ về danh tính những kẻ có can dự vào tất tật chuyện đó.” (Phỏng vấn, 1981.)

Như vậy, do một sự hội tụ lạ thường của các hoàn cảnh, lời chứng trọng yếu của Karlo Štajner đến được với độc giả Pháp chừng hai mươi năm sau khi nó được viết ra, và mười năm sau ấn bản Nam Tư. Nhưng nó đã đến được.


Lương tri riêng

Năm 1977, trong một buổi thuyết trình trước thanh niên Belgrade, trước câu hỏi của một chàng trai khuynh tả: “Suốt trong hai mươi năm khổ sai, ông có giữ vững lòng trung thành với các lý tưởng thời trẻ của ông hay không?”, Štajner không do dự đáp: “Chúng tôi, những người tù khổ sai, chúng tôi chỉ là súc vật, những con người bị làm cho chỉ còn các bản năng sinh học thấp nhất, chỉ còn những nhu cầu sống còn sơ đẳng nhất. Ở đó, không có chỗ cho ý luận; “ý luận” duy nhất là: làm sao sống sót.” Nhiều người dự hôm ấy, trong số đó có các sinh viên Áo, Đức, Pháp, Ý, xôn xao lên ra dấu phản đối: Štajner đã không thốt ra những lời được gợi ý sẵn cho ông bởi câu hỏi, chúng giúp các ý thức đẫm ý luận được giải thoát khỏi nỗi sám hối. Štajner đã có nhiều lòng tin vào lương tri riêng của ông hơn, vào kinh nghiệm sinh học của ông nữa, so với vào ý thức chính trị; ông đã tỏ ra là mình “trưởng thành về tinh thần”, theo nghĩa đạo đức mà Kant mang tới cho từ này: “Hiểu biết, đó là sự trưởng thành về mặt tinh thần; khẩu hiệu của ông là: “Hãy có đủ can đảm mà sử dụng lương tri riêng của mi!””

(1981)





vì rất có liên quan (đến "câu chuyện Nam Tư"), tiếp tục luôn "câu chuyện Séc" (Bohême thì đúng hơn)"câu chuyện Hungary"




Krasznahorkai-Jean Améry-Danilo K.

3 comments:

  1. quỷ tha ma bắt chúng đi! nhưng ko có quỷ ma nào. ngoài chúng.

    ReplyDelete
  2. Danilo Kis là người, theo miêu tả của Kundera, kín đáo nhất, ít xuất hiện nhất trong số các nhà văn Đông Âu lưu vong sống tại Paris trong một phần tư cuối thế kỷ 20

    ReplyDelete
  3. các nhà thơ cần thấy xấu hổ khi đọc cái này dù chỉ một vài trích đoạn. những câu nhận xét về trò so sánh hoa mỹ khoa trương với huyền thoại Hy Lạp cực hay, một cách đơn giản hiện-tượng-luận, mà do mức tương phản với hình ảnh đôi mắt bà Štajner, gợi ý rằng trong văn chương luôn có nhiều trò xuẩn lố bịch đến thế nào!

    ReplyDelete