Oct 20, 2018

Câu chuyện của sưu tầm (1)

"Nếu có Chúa thật, thì ắt hẳn Chúa ấy có tinh thần của một nhà sưu tầm."

(NL)


(nhân tiện: đã tiếp tục "Bùi Giáng trên gdpt", đã bắt đầu chuyển qua một tiết mục vô cùng gay cấn; đồng thời cũng tiếp tục luôn "Một câu chuyện Nam Tư" - Danilo K. và August Strindberg)

(mở thêm một ngoặc đơn nữa - tức là, rất giống các nhà hiện tượng luận [mà ở đây bỗng bị gọi một cách rất phửng là "hiện tượng học"]; nhiều khi có cảm giác các nhà hiện tượng luận chẳng làm gì khác ngoài bỏ rất nhiều thứ, mọi thứ, vào giữa những cái dấu ngoặc đơn, để - nhân có cơ hội quá tuyệt vời, nói rằng tôi không phải là một nhà sưu tầm; chính cái post ởkia nhằm để nói điều đó, để nói tôi không phải một nhà sưu tầm, chưa bao giờ tôi là một nhà sưu tầm, đồng thời cũng để nói thêm tôi không hề thuộc vào một số "phạm trù" khác nữa; thế rồi cứ để đó chưa viết, vả lại xét cho cùng có lẽ cũng chẳng cần thiết; tuy nhiên, cần phải khẳng định, tôi không phải là một nhà sưu tầm, nhưng điều đó không ngăn cản tôi không [lại thêm một "không" nữa] xa lạ với thế giới của sưu tầm và các bộ sưu tập; thêm nữa, có điều gì ngăn cấm tôi, đôi khi, tỏ ra cứ như là này hoặc nọ đâu: tuyệt đối không có)


Tôi mở đầu chuỗi về sưu tầm bằng Walter Benjamin. Không phải chỉ vì như ởkia, Benjamin viết về một nhà sưu tầm, hay nói đúng hơn, về thuộc tính nhà sưu tầm của một nhân vật (Benjamin sở hữu một cái nhìn nếu muốn tóm tắt ngắn gọn thì có thể trình bày như sau: cái nhìn ấy cứ dõi vào đâu thì tức khắc cái đó lộ ra vô vàn thứ chẳng một ai ngờ đến từ trước - cả một thế giới). Benjamin nên xuất hiện trong một cuộc sưu tầm các nhà sưu tầm và trong một cái nhìn vào thế giới của sưu tầm còn vì Benjamin cũng là người ở sát sạt công việc của sưu tầm, thậm chí không ngại chui hẳn luôn vào đó, và như vậy, sở hữu câu chuyện của sưu tầm.



(lại tiếp tục mở thêm ngoặc đơn: Ich packe meine Bibliothek aus là một text vô cùng nổi tiếng, độc giả tiếng Anh dễ dàng đọc được nó, nhưng nếu tôi nhớ không nhầm, tập sách Benjamin do Hannah Arendt thực hiện chỉ có một mình nó trong số những gì Benjamin viết dưới perspective của công việc sưu tầm sách, như vậy là quá ít, vì Benjamin có rất nhiều điều để nói về sưu tầm, về sự sưu tầm của chính mình cũng như về các nhà sưu tầm khác, như Eduard Fuchs; rất tương tự, quyển sách rất dày thuộc loại "reader" do Susan Sontag thực hiện - lần này là tác phẩm của Roland Barthes - tuyệt đối không chọn bài nào Barthes viết về kịch, hay nói đúng hơn, xem kịch, như thế nghĩa là bỏ đi mất chính phần đẹp nhất)

Hiện nay, người ta vẫn lưu giữ được một bộ sưu tập có thể coi là hoàn chỉnh của Walter Benjamin: bộ sưu tập sách trẻ con. Câu chuyện liên quan tới cuộc ly dị của Benjamin. Giống nhiều nhà sưu tầm khác, khi ly hôn, Benjamin không giữ được tất cả mọi thứ của nả riêng (các nhà sưu tầm nên hết sức cố gắng trên phương diện này: nước, lửa, mối nhiều khi không tai quái và gây nhiều tổn thất bằng một cuộc chia lìa lứa đôi); người vợ của Benjamin sẽ giữ (nhất định không đưa lại) bộ sưu tập sách trẻ con, cũng chính vì vậy, ngày nay nó vẫn còn, và được lưu trữ tại một bảo tàng hay trung tâm nào đó, Đức hoặc Áo (có lúc, Benjamin phải gửi Bertolt Brecht giữ hộ sách, khi đó Brecht ở Đan Mạch; đoạn sống lưu vong khốn khổ của Benjamin tại Paris thì đã quá quen thuộc).

Benjamin rất thích sách trẻ con (còn Robert Walser thì đặc biệt mê đọc truyện tình cảm). Một phần lớn nhờ vậy, Benjamin sẽ lần ra (do xem tranh minh họa) câu chuyện cây thông Nô-en: nó xuất hiện từ lúc nào, trước đó thì sao, tại sao cứ Nô-en người ta lại có cây thông trang trí trong nhà, etc. Quyển sách trong ảnh (không chỉ có bài Ich packe meine Bibliothek aus mà còn nhiều bài khác liên quan đến sách và sưu tầm) giúp ta dựng lên bức chân dung của một tinh thần: tinh thần sưu tầm.

Một nhà sưu tầm sách thì như thế nào? một nhà sưu tầm sách - trước hết, điều này là đương nhiên - thì có rất nhiều sách. Nhưng nhiều sách nghĩa là như thế nào? một ví dụ về như thế nào là rất nhiều sách, xem ởkia. Nhưng - đây là nghịch lý - những người có nhiều sách, thậm chí rất nhiều sách, về cơ bản không phải là nhà sưu tầm. Ta chỉ có nhà sưu tầm khi đi vào chuyển động của sưu tầm. Điều này, ở dưới tôi sẽ còn trở lại.


Khi đã sang sống lưu vong ở Paris, Benjamin gần như vẫn tiếp tục sưu tầm sách (sưu tầm sách hơi giống heroin, một khi đã, etc.); có lần, Benjamin nói chuyện với một bouquiniste Paris, tức là kiểu người không hẳn là nhà sưu tầm sách nhưng hết sức quan trọng trong công việc sưu tầm, nguồn cung cấp cho các bộ sưu tập. Người đó khen Benjamin có hiểu biết không kém bất kỳ nhân vật oách nào trong giới sưu tầm sách ở Pháp, hay cái gì đó tương tự; lời khen chắc hẳn thành thực nên Benjamin rất lấy làm tự hào, cho nên kể lại.

Tiếp đến một nghịch lý nữa: sự sưu tầm ở Walter Benjamin lấn vào sự đọc; điều này rất không đương nhiên, vì dẫu vẻ bên ngoài có là như thế nào, chuyển động của đọc rất hiếm khi trùng vào với chuyển động của sưu tầm. Người nào sưu tầm thường sẽ không thực sự đọc, vì cái nhìn sưu tầm rất khác, người nào đọc thường lại rất xa lạ với sưu tầm, vì người đọc có cái nhìn vào những quyển sách rất khác, so với nhà sưu tầm.

Walter Benjamin chắc chắn là một trong vài nhân vật (rất ít) đọc giỏi nhất một thời. Đọc giỏi chứ không phải (chưa chắc) đọc nhiều. Trong cuốn sách trên đây, thu hút tôi hơn cả là một bản danh sách, dưới đây là một ít lấy từ đó.

Danh sách những cuốn sách mà Benjamin đọc. Bản danh sách ngày nay không còn đầy đủ: phần của 461 quyển đầu tiên đã biến mất, giờ ta chỉ còn từ số 462 trở đi (và kết thúc ở số 1712). Một ít lấy từ đó:






Đối với tôi, sự liệt kê trên đây thuộc vào những gì hấp dẫn nhất của thế giới Walter Benjamin, như chúng ta còn có thể biết được.


Nếu tôi nhớ không nhầm (chắc không nhầm), lần đầu tiên tôi đọc Benjamin là tiểu luận Benjamin viết về Die Wahlverwandtschaften của Goethe, cách đây gần hai mươi năm. Điều đó (đọc Benjamin viết về Goethe) không có vinh dự đặc biệt nào, chỉ đơn giản hồi ấy tôi đang phải học trên giảng đường Sorbonne cuốn tiểu thuyết của Goethe - trong bối cảnh đó, người ta rất dễ đọc Benjamin, mà đằng nào cũng chẳng thoát được. Kết quả là cái môn có Die Wahlverwandtschaften (thêm vào đó luôn, Pride and Prejudice của Austen) chẳng vì thế mà khấm khá hơn (cũng phải nói là tôi trốn học đi chơi hơi nhiều) nhưng Goethe ít làm tôi sửng sốt hơn so với Benjamin làm tôi sửng sốt. Chắc tôi cũng giống cỡ một trăm phần trăm người khác đọc Benjamin lần đầu, không thấy mình thực sự hiểu điều gì. Nhưng tôi cũng nghĩ tôi giống chừng dưới năm phần trăm trong số đó, chính vì như vậy (mọi thứ đều mù mờ) cho nên cái tên Walter Benjamin không bao giờ tôi quên nữa (rất hợp lẽ: Benjamin thuộc số các tác giả dễ dàng thoát được khoảng trên chín mươi phần trăm độc giả lỡ sờ vào mình). Tôi sẽ không trở thành độc giả đích thực của Benjamin ngay lập tức (cho tới gần đây tôi vẫn không hề biết Benjamin bình luận Gottfried Keller siêu hạng như thế nào) - nhưng Benjamin đã trở thành, đối với tôi, tương tự một "biểu tượng", theo nghĩa của Eugen Fink: một biểu tượng thì có tính cách "bổ sung", khớp vào. Không phải một người ham mê các tiểu sử, tôi không sớm biết kỹ càng về cuộc đời Benjamin, mà cứ biết dần từng đoạn: dẫu sao, hình ảnh Walter Benjamin nghiêm trang, chăm chú, giấy bút cầm trên tay tại các buổi séminaire của một nơi ngày nay không còn mấy ai biết, Collège de Sociologie (Roger Caillois, Michel Leiris, Georges Bataille) rất hấp dẫn tôi. Sự viết của Benjamin trắc trở đến mức, trong kỳ lưu vong Paris, những gì Benjamin viết rất hay bị tờ tạp chí NRF từ chối đăng. Có ở Đức hay ở Pháp thì Benjamin cũng không bao giờ trở thành một trí thức đắt khách.

Benjamin càng trở nên hấp dẫn hơn với phương diện sưu tầm. Có một khía cạnh mystique ở Walter Benjamin, trong đó sự sưu tầm đóng góp không nhỏ: Eugen Fink nói rằng chơi có tương quan chặt chẽ với cult; mà con người hiện đại không có nhiều chỗ để chơi; sưu tầm chính là một phương thức để bù trừ cho điều đó. Sưu tầm là một dạng công việc có code chặt chẽ mặc dù không mấy hiển ngôn, và nó là một trong (rất ít) dạng hoạt động khiến con người thoát khỏi câu thúc của nhiều thứ, nhất là của thời đại.

Nói tóm lại: Benjamin đọc và Benjamin sưu tầm: hai phương diện. Thêm hai phương diện nữa: đối với tôi, Benjamin vừa xa lạ vừa gần gũi. Tôi nghĩ, cảm giác thân thuộc được hình thành từ chính hai đối lập ấy. Ta gần nhưng không thân thuộc với những gì không có chút xa lạ nào; sự xa lạ giống như yếu tố gắn lại, dính vào (hoặc đính vào). Ít nhất, hỗn hợp gần gũi-xa lạ đảm bảo cho sự thoát khỏi thờ ơ: niệm năng của con người, nói chung, không cho phép con người thờ ơ với những gì xa lạ (hay, bí hiểm). Nhưng, nhất thiết cũng phải có sự gần gũi.

Benjamin không thuộc vào số những nhân vật khiến tôi đọc (tôi muốn nói rằng một số nhân vật làm nảy sinh ở tôi ham muốn đọc cái gì đó), nhưng danh sách những gì Benjamin đọc trên đây (trích) làm tôi sửng sốt, lần đầu tiên thấy nó, ở chỗ Benjamin đọc giống hệt tôi. Về cơ bản, trong năm trang trên đây, chỉ Raimund và Zangwill tôi còn chưa đọc bao giờ (nhưng đã nhiều lần tôi cảm thấy muốn đọc Zangwill, và chắc sẽ đọc). Tất nhiên, một số nhân vật, tôi biết sẽ chẳng bao giờ tôi đọc, trong danh sách trên đây có Wilkie Collins, chẳng hạn. Tôi cũng nghĩ sẽ chẳng bao giờ tôi đọc Anthony Trollope hay Bulwer Lytton. Có những vạch đã có từ trước, giống như một con đường, một lối đi tồn tại nhưng như thể bị che phủ, bởi lá cây, chẳng hạn, nhưng cũng có thể bởi nước.

Năm trang danh sách trên đây cho thấy Benjamin đọc Dostoievski, rất nhiều. Nhưng tôi thích nhất khi thấy Benjamin đọc Le Centaure của Maurice de Guérin; Calderon và Stifter mà tôi đọc không phải Calderon và Stifter như Benjamin đọc trong danh sách, nhưng đó là các nhân vật mà tôi biết kiểu gì tôi cũng sẽ đọc hết sạch. Nhưng danh sách nói lên, Benjamin là một độc giả lớn của Balzac. Chỉ trong vòng năm trang, đã thấy La Fille aux yeux d'or, Leb wohl tức là bản dịch tiếng Đức của Adieu, tức là Vĩnh biệt, El Verdugo tức là truyện ngắn nhất của Vở kịch con người, La Rabouilleuse cuốn tiểu thuyết thuộc "bộ" về các nhân vật sống "célibataire", thuộc phần "tỉnh", rồi Pierrette, cũng là một "célibataire" nữa. Benjamin đọc Proust và Baudelaire như thế nào thì ai cũng biết rồi, nhưng Balzac thì không hẳn. Tôi tự hỏi, Benjamin có thuộc vào số những người đọc hết toàn bộ La Comédie humaine hay không; cho tới giờ, tôi đã xác định được một người, không những đã đọc hết mà còn đọc tận hai lần: đó là Mircea Eliade; thậm chí tôi còn biết, lần đọc thứ nhất ở Bucarest, lần thứ hai ở Paris. Nhưng Balzac đặc biệt quan trọng đối với Walter Benjamin không chỉ ở phương diện đọc, mà còn, và nhất là, ở chính phương diện sưu tầm - đây sẽ là cả một chủ đề riêng của tôi, Benjamin và Balzac.


"Bản danh sách Walter Benjamin" là một danh sách rất thuần túy, hiểu theo nghĩa không có gì khác ngoài sự liệt kê. Nhưng cũng không hẳn như vậy; thỉnh thoảng Benjamin có ghi rõ hơn thông thường, một ví dụ lấy từ năm trang trên đây: số 467, Les Diaboliques của Jules Barbey d'Aurevilly, kèm thêm trong ngoặc đơn (Benjamin cũng thích các ngoặc đơn, ít nhất là hơn ngoặc kép: tôi nghĩ tôi đã rút ra được một kết luận, những ai không thực sự biết viết bao giờ cũng dùng nhiều ngoặc kép, ít nhất là hơn so với ngoặc đơn - và ngược lại) dòng chữ cho biết đã không đọc hai truyện cuối. A, nhưng Benjamin: tại sao lại không đọc hai truyện ấy? Lẽ ra nên đọc chúng chứ? Và sau đó, đã có bao giờ đọc chưa?

Dưới đây là một số ghi chú mà tôi thấy vô cùng huyền hoặc (cela donne à rêver):



số 620: "pour vieilles dames", tức là "cho bà già"; lời phê bình rất thâm thúy

và thêm hai bình luận vô cùng ngắn gọn nữa: ở số 794, "niais" (ngẫn) và, ngay bên dưới, "camelote" (rởm)





Walter Benjamin: "Eduard Fuchs, nhà sưu tầm và sử gia"
Những cuốn sách mất
vài tập hợp
Walter Benjamin: Tuổi thơ Berlin (năm đoạn)
Rilke, Benjamin và Gide
Walter Benjamin về Marcel Proust


6 comments:

  1. sau một cuộc điều tra thận trọng dở dang người ta bảo nhau mọi sự do cái chữ "nhà": nếu ko có một tiếng "nhà" thì các danh hiệu gắn vào đâu. ừ phải có cái cuống huân chương chứ. đang hỉ hả thì ông vua tới. cái cuống đó vừa xuất hiện thì tất cả im bặt.

    ReplyDelete
  2. tiếp tục: như thế nào là một nhà sưu tầm?

    ReplyDelete
  3. Mỗi lần chuyển thành phố của nả cũng hao hụt đi ít nhiều nhưng mà không sao hết. cũng như làm sao ta có thể giữ hết những chiều chủ nhật như thế này:D

    ReplyDelete
  4. một viết tắt của "sưu tầm" là "R&D"

    ReplyDelete
  5. nó chính là một dạng chuyển động, rất không dễ miêu tả

    ReplyDelete
  6. đỉnh supérieur

    ReplyDelete