Về Francis Ponge, xem thêm ởkia.
Có lẽ không ai thích hợp hơn Francis Ponge để viết về "xà phòng": "Ponge"-"Éponge"-"Savon".
Francis Ponge là bậc thầy của một thời (đối với thế hệ như Roland Barthes, nhưng nhất là Philippe Sollers - thế hệ nhà văn trước đó, Alain-Fournier hay Jacques Rivière và nhiều người khác tìm được hình ảnh tương tự ở Francis Jammes). Đó là dạng nhà thơ thách thức, một nhà thơ thách thức đến cả vũ trụ.
Ponge cũng là người tạo ra một trong hai moment lớn của Malherbe: moment thứ nhất là câu thơ lừng danh của Boileau, "Enfin Malherbe vint" (L'Art poétique) - đó là khi Boileau xác định Malherbe là nhà thơ Pháp thứ nhất đưa được nhịp điệu vào thơ. Ponge là người làm cho Malherbe trở lại thêm một lần nữa, trong thế kỷ 20.
(còn nữa riêng cho phần "giới thiệu" - nhân tiện, đã tiếp tục "Kiệt tác (không người biết)" và "Nghĩa cái chết")
Francis Ponge
Xà phòng
Roane, tháng Tư 1942
Nếu tôi xát vào tay, xà phòng sẽ lên bọt, sướng vui…
Càng làm tay mừng rỡ, dịu mềm,
trơn và dẻo hơn, thì nó càng thêm nhả bọt, càng
đồ sộ thêm lên, óng ánh xà cừ, cơn cuồng riêng.
Viên đá thần!
Nó lại càng, với không khí và nước
tạo những chùm như nho biết nổ
và thơm…
Nước, không khí và xà phòng
quyện vào nhau, chơi
trò nhảy cừu, tạo
những kết hợp không hẳn hóa học
mà là thể chất, thể dục, uốn dẻo…
Hay là cả tu từ, nhỉ?
Có rất nhiều điều để nói về xà phòng. Chính xác là tất tật những gì nó kể về chính nó cho tới sự biến mất hoàn toàn, cạn kiệt của chủ thể. Đấy chính là đối tượng phù hợp với tôi.
*
* *
Xà phòng có nhiều điều để nói. Thì nó cứ nói, liến thoắng, hào hứng. Chừng nào nói xong, nó chẳng tồn tại nữa.
*
* *
Là một loại đá, nhưng nó không để mặc cho tự nhiên thích làm gì nó thì làm: nó trượt khỏi những ngón tay ta và tan đi ngay trước mắt nhìn thay vì bị nước thích làm gì thì làm.
Khi ấy trò chơi nằm đúng ở chỗ giữ lấy nó giữa những ngón tay ta và dùng lượng nước thích hợp mà hành hạ nó, nhằm có được từ nó một phản ứng đồ sộ và óng ánh xà cừ…
Bằng như ngược lại, bỏ bẵng nó ở đó, nó sẽ chết ở đó vì rối trí.
*
* *
Là một loại đá, nhưng (đúng! là-một-loại-đá-nhưng) nó không để các lực của tự nhiên vầy vò ra sao thì ra: nó trượt khỏi những ngón tay chúng, tan biến ở đó, ngay trước mắt.
Nó tan ngay trước mắt, thay vì để cho nước thích làm gì thì làm.
*
* *
Không có gì, trong tự nhiên, so sánh được với xà phòng. Không hòn cuội (hòn muội), không hòn đá nào trơn như thế, mà phản ứng giữa những ngón tay ta, nếu ta cầm được nó, dùng lượng nước thích hợp hành hạ nó, một đống bọt dãi dung tích đồ sộ và óng ánh xà cừ như thế, lại là ngần ấy chùm quả tròn thừa mứa.
Đống nho rỗng, đống nho thơm của xà phòng.
Những khối quần cư.
Nó ngốn đẫy không khí, ngốn luôn cả nước khắp xung quanh những ngón tay ta.
Mặc dù trước tiên xà phòng nằm đó nghỉ, ì ra và vô định hình trong đĩa đựng, nó nắm trong tay quyền năng biến tay ta thành ra hòa thuận, sướng vui khi dùng nước, lạm dụng nước ở mọi chi tiết nhỏ nhất của nó.
Và chúng ta cũng trượt giống thế từ các từ đến các biểu nghĩa, với một sự say sáng suốt, hay nói đúng hơn, một sự sục sôi, một cuộc lục bục lạnh của bảy sắc dẫu trong ngần, vả lại từ đó chúng ta bước ra với hai bàn tay thuần khiết hơn so với trước khi khởi đầu bài tập ấy.
Xà phòng là một loại đá, nhưng không tự nhiên: nhạy, mẫn cảm, phức tạp.
Nó có một dạng phẩm cách đặc thù.
Không chịu tha hồ thích thú (hoặc ít nhất giết thời gian) để mặc cho các lực của tự nhiên thích làm gì thì làm, nó trượt khỏi những ngón tay chúng; tan ra ngay trước mắt, thay vì để cho nước vầy vò ra sao thì ra.
Coligny, 3 tháng Sáu 1943
Không có gì trong tự nhiên giống như xà phòng. Không hòn đá nào trơn như thế, mà phản ứng giữa những ngón tay ta - nếu ta cầm được nó, dùng lượng nước thích hợp hành hạ nó - một đống bọt dãi dung tích đồ sộ và óng ánh xà cừ như thế, lại là ngần ấy chùm quả tròn thừa mứa.
Một người có hai bàn tay bẩn xuất hiện. Vậy là miếng xà phòng bị bỏ quên sẽ hiến mình cho anh ta. Chẳng phải không kèm chút đỏng đảnh. Nó choàng lên người những tấm voan óng ánh, bảy màu và, cùng lúc, tìm cách biến đi, chạy trốn. Chẳng hề có thứ đá nào hay bỏ chạy hơn được nữa trong tự nhiên. Nhưng khi đó trò chơi nằm đúng ở chỗ giữ lấy nó giữa những ngón tay ta và dùng lượng nước thích hợp mà hành hạ nó, nhằm có được từ nó một thứ nhớt dãi đồ sộ và óng ánh xà cừ, bằng như ngược lại, cứ bỏ nó ở trong nước, nó sẽ chết ở đó vì rối trí.
Ấy là bởi con người, quả thật, không thể trút bỏ ghét bẩn trên người bằng nước thông thường, dẫu là dưới những dòng thác chảy dữ dội, cũng như bằng gió mát, dẫu nó thơm đến mức nào, hay bằng sự im lặng, rồi thì lời cầu nguyện (dẫu là, nơi dòng Jourdain, ngập mình tới bụng), cũng như bằng sự tự sát ở dòng suối đen nhất (mặc cho đủ mọi loại định kiến về điều này).
Ta hãy đi xa hơn, và nói rằng đối với bất kỳ sự tẩy ghét bẩn nghiêm túc nào, một mẩu xà phòng là nhất thiết; hãy nói rằng vậy là đủ cho cái đó.
Cho việc toa lét trí năng, một mẩu xà phòng nhỏ. Chỉ cần dụng nó cho thật khéo là đã đủ. Khi mà hàng dòng thác nước trắng cũng chẳng tẩy được chút nào ghét bẩn. Cũng như sự im lặng. Cũng như cú tự sát của bạn nơi dòng suối đen nhất, ôi độc giả tuyệt đối.
Trước tiên là một nỗi e dè, một tư thái, một sự kiên nhẫn trên đĩa đựng, thảy đều hoàn hảo như ở một viên cuội. Nhưng cùng lúc, kém xù xì hơn, ít khô hạn hơn. Chắc chắn là cái gì đó nhẫn nại, đầy và nghiêm ngắn, nhưng cũng lả lướt, hồ hởi, lịch sự, mềm, dễ chịu khi cầm trong tay. Và thơm (dẫu không phải sui genesis). Có lẽ thô thiển hơn, nhưng để bù lại, quảng giao hơn.
Cái đó phát xuất từ thứ dầu cấu tạo nên nó và làm ra tầng sâu các phẩm tính của nó. Chẳng hề có vỏ, cũng không biểu bì: vì đâu có chút ý định nào hướng tới thực thể tự trị.
Trong khi viên cuội thì còn hơn là căm ghét con người: như thể nó hoàn toàn lờ tịt con người đi - xà phòng lại được làm ra cho con người, nó không quên điều đó; đừng quên một chút nào nghĩa vụ của nó.
Giờ, bộ ba hình thành. Một
Sự cường điệu, nỗi hào hứng, thói liến thoắng.
Bảy sắc, dẫu là cuộc lục bục lạnh rất mực trong ngần…
Đúng. Dẫu thoạt tiên nằm ì đó vô định hình trong đĩa đựng, xà phòng nắm trong tay quyền năng biến tay ta thành ra hòa thuận, sướng vui khi dùng nước, lạm dụng nước ở mọi chi tiết nhỏ nhất của nó, biến nó, đối với chúng ta, trở nên gắn bó, đầy chăm lo, chú tâm, chuyển hóa nó tài tình đến độ kể từ nay nó muốn khiêu vũ không ngừng nghỉ với chúng ta trong những khoăn voan, váy xống, khăn dài vũ hội của nó. Và chúng ta, từ phía mình, làm cho nó cạn kiệt, đến tận những giới hạn cuối cùng… Ta cảm thấy rõ ở đây có gì đó quỷ quyệt, một dạng lạm dụng lẫn nhau…
(Chẳng gì giống một thùng nhào bột hơn so với một cái chậu, nhưng đó là thùng nhào bột nơi con người bao giờ cũng chỉ thấy hai bàn tay hắn.)
… Và chúng ta trượt như thế từ các từ sang những biểu nghĩa… giữa một cơn say sáng suốt và lấp lánh màu, hay nói đúng hơn là một sự sôi sục, một sùng sục lạnh từ đó vả lại chúng ta bước ra, và đây chính là bài học lớn - với hai bàn tay sạch sẽ hơn, thuần khiết hơn so với trước khi khởi đầu bài tập ấy.
*
* *
Xà phòng được con người chuẩn bị nhằm sử dụng cơ thể nó; tuy nhiên, nó không sẵn lòng để cho làm vậy. Viên đá cuội trơ ì ấy cũng khó cầm lấy như một con cá. Nó vừa tuột khỏi tay tôi và giống như một con ếch rơi tõm trở lại xuống bồn… ngay tắp lự phát ra, tai hại, cụm mây xanh của sự mờ dần, của rối mù…
*
* *
Lối sống mới tuyệt diệu làm sao, xà phòng cho chúng ta thấy!
Vầng trán nó khô đi dưới ánh nắng, sạm đen lại, cứng lại, nhăn lại, nứt ra. Những nỗi lo âu làm nó nứt toác ra. Nhưng chẳng bao giờ so với lúc thụ động như thế, bị lãng quên, nó tự bảo trì tốt hơn.
Trong nước, ngược lại, nơi nó trở nên mềm, hoạt bát đi lại, như thể thoải mái lắm - trong đó người ta khó nhọc lắm mới túm được nó - nơi nó dịch chuyển, trở nên khéo léo, rồi liến thoắng, hùng biện - lúc ấy nó tự tiêu tốn bản thân nó với một tốc lực gây lo ngại, nó không ở lại đó vô sự đâu… Phải chăng đó là cái mà người ta gọi là sống một cuộc đời bốc đồng…? Tôi cũng thấy ở đó rất rõ dấu hiệu của một phẩm hạnh đặc thù…
*
* *
Đối với một xà phòng, các đức hạnh chính yếu là lòng hào hứng và sự liến thoắng. Ít nhất thì cũng là sự dễ dàng trong diễn đạt. Cái đó, vốn dĩ quá mức giản đơn, còn chưa từng bao giờ được nói. Ngay cả là qua miệng các chuyên gia quảng cáo thương mại. Kìa! Piverhay Cadum trả cho tôi bao nhiêu nào? - Chẳng đến một xu teng! Bọn họ chưa từng bao giờ nghĩ tới điều đó! Thế nhưng chúng ta sẽ cho bọn họ thấy điều mà chúng ta biết làm…
*
* *
Có cái gì đó đáng kính ngưỡng nơi nhân cách của xà phòng. Tại sao kính ngưỡng? Là bởi hành xử của nó vừa dễ chịu ở cùng độ lại vừa hoàn toàn không sao mà bắt chước.
Kìa, một dạng đá cuội tầm thường đang nằm bẹt đó nghỉ trong cái đĩa đựng thô thiển nhất (đôi khi sứt sẹo nhất) trong nhà.
Bởi xà phòng có phẩm hạnh đặc thù. Đó là một thứ đá, nhưng không chấp nhận để cho mình bị các lực của tự nhiên đơn phương thích làm gì thì làm. Nó trượt khỏi các ngón tay chúng, dính vào chỗ nào đó dưới đáy rồi ở đó tan ra trong nháy mắt thay vì để cho nước vầy vò ra sao thì ra.
Con người lạm dụng cái đó. Nếu anh ta xát nó vào tay, xà phòng liền lên bọt, sướng vui. Càng lên cơn cuồng, dớt nhãi của nó càng đồ sộ thêm lên và óng ánh xà cừ, nó lại càng làm tay mừng rỡ, dịu mềm, trơn, dẻo, êm.
Viên đá thần!
… Nó lại càng, với không khí và nước tạo những chùm như nho biết nổ và thơm.
Khi ấy không khí, nước và xà phòng quyện vào nhau, chơi trò nhảy cừu, tạo ra những kết hợp cường điệu và nhẹ mà một hơi thở, một nụ cười, chút hơi quá mức của phù phiếm bên trong, sự quá đà nhỏ nhặt nhất làm nổ tung…
Hoặc giả một thảm họa của nước.
Người ta đang cảm thấy tôi đã nói quá lời về các phát triển, các biến tấu; rằng ở đây có một cái gì như phong cách xà phòng, trơn êm, bung bọt - giống nhớt dãi ở mõm con ngựa phi nước đại -.
Lẽ dĩ nhiên tôi đã không cố tình.
Mà vẫn biết rằng sẽ chỉ cần một đoạn đầy lý trí (hay mỉa mai?) thuần là đã đủ để tôi rửa sạch, làm tan biến và tráng nước tất tật những cái đó.
Coligny, 9 tháng Sáu 1943
Trong tự nhiên chẳng gì có thể so sánh với xà phòng. Không thứ đá nào khiêm nhường hơn, cũng không, cùng lúc, tuyệt diệu hơn.
Nói cho đúng, có cái gì đó đáng kính ngưỡng trong nhân cách nó. Lối hành xử của nó là không thể bắt chước.
Cái đó khởi sự bằng một nỗi e dè hoàn hảo.
Xà phòng trước hết tỏ bày một sự kiềm chế hoàn hảo, dẫu ít nhiều thơm hương theo lối kín đáo. Và rồi, ngay khi người ta động đến nó, tôi sẽ không nói lúc đó thứ lửa nào, tất nhiên rồi, nhưng cả một đà bật mới tuyệt diệu làm sao! Nỗi hào hứng cực đỉnh trong sự trao mình! Sự hào phóng mới lớn làm sao! Sự liến thoắng mới lớn làm sao, gần như không thể vắt kiệt, chẳng thể nào tưởng tượng!
Vả, người ta có thể vứt bỏ nó đi ngay, nhưng cuộc phiêu lưu ấy, cuộc gặp ngắn ngủi ấy để lại ta - đây chính là điểm trác tuyệt - với hai bàn tay thuần khiết hơn so với từng bao giờ ta có được.
*
* *
Do các phẩm chất của thứ đối tượng đó, tôi phải phát triển cái đó một chút, làm cho nó phồng bọt trước mắt các vị.
Xà phòng
Coligny, tháng Sáu 1943
CHỦ ĐỀ TRỪU TƯỢNG
(Khái niệm vệ sinh trí năng)
Nếu tôi muốn chứng tỏ rằng sự thuần khiết không đạt được bằng im lặng, mà bằng bất kỳ sự thực thi nào của lời lẽ (trong một số điều kiện, một đồ vật nhỏ bé nực cười nào đó cầm trên tay), tiếp theo là một thảm họa đột nhiên của nước sạch,
Thì đối tượng nào có thể thích hợp hơn so với xà phòng đây?
*
* *
Ham muốn mãnh liệt được làm vệ sinh.
Độc giả thân mến, tôi cho rằng đôi khi bạn muốn vệ sinh?
Cho việc vệ sinh trí năng của bạn, độc giả, sau đây là một văn bản về xà phòng.
*
* *
Coligny, tháng Sáu 1943
… Đây nhé, độc giả yêu quý, cho việc vệ sinh trí năng của bạn (nếu bạn là một trong những người bạn của tôi, đôi khi bạn cảm thấy vô chừng nhu cầu ấy), đây là một mẩu nhỏ của xà phòng đúng nghĩa.
Cho việc đó cần - và vậy là đủ, nhưng cần - trong tay (trong miệng) một cái gì đó nhiều tính cách vật chất hơn và có lẽ ít tự nhiên hơn, một cái gì đó nhân tạo và liến thoắng, một cái gì đó vừa bày ra, phát triển lại vừa mất hút đi, cạn kiệt cùng lúc. Một cái gì đó rất giống lời lẽ dùng trong một số điều kiện…
… Nói ngắn gọn: một mẩu nhỏ xà phòng.
*
* *
Cho việc đó cần cái lõi sương mù xanh nhạt ấy. Lốc xoáy ấy của những tầng cầu hết sức mong manh.
Màn dàn dựng kỳ ảo (uyên áo) ấy, đằng sau đó biến mất đi ký ức.
Ký ức về toàn bộ sự bẩn tan đi và chắc chắn giải pháp tồi tệ nhất trong chuyện này nằm ở chỗ ý nghĩ khăng khăng của ta hoặc bố mẹ ta bắt buộc ta đằm mình xuống, hai tay bắt chéo, một dòng chảy nhợt nhạt nào thông vào Biển Chết.
Da được lột! Nhà bóng lộn!
*
* *
Coligny, tháng Bảy 1943
Quả trứng, con cá bơn
bẹt gí ấy - hạt hạnh nhân
nhỏ tí ấy, sao mà nó
phát triển mau
(gần như ngay tắp lự)
thành cá Trung Hoa
Với những khăn voan, kimono
tay áo rộng
Cử hành hôn lễ
với nước. Ấy là váy cô dâu của nó để cưới nước.
*
* *
Sao mà nói hết nổi,
khi đó là xà phòng!
… Thế nhưng cần phải trả nó về cho đĩa đựng, cho vẻ ngoài nghiêm ngặt, cho hình ô van khắc kỷ, cho lòng kiên nhẫn khô và quyền năng phục vụ của nó.
*
* *
Coligny, 6 tháng Bảy 1943
CHỦ ĐỀ (khô và khiêm nhường trong đĩa đựng) VÀ CÁC BIẾN TẤU (thể tích đồ sộ và óng ánh xà cừ) về
XÀ PHÒNG (tiếp theo là một đoạn về tráng bằng nước trắng).
Cho việc vệ sinh trí năng, một mẩu xà phòng, dùng thật khéo, là đủ. Nơi mà hàng thác nước thôi cũng chẳng tẩy nổi chút nào ghét bẩn.
Cả im lặng, cả sự tự sát của bạn ở dòng suối đen nhất cũng không, ôi chàng thanh niên tuyệt đối.
*
* *
Này: Phải! Sống bên dưới cái bơm nước thì có để làm gì đâu. Thậm chí cũng chẳng để làm gì, việc lưu trú trong dòng nước Jourdain. (Chỉ một chậu nước trắng thì còn tốt hơn nhiều…) Nếu không cầm trong tay (nếu không dùng đến) cái hòn cuội tầm thường (với bản tính thần kỳ) kia… và nếu không để cho nó cất lời.
Người ta mới chỉ vừa đề nghị nó thôi, tức thì một sự hùng biện mới lớn làm sao!
Cùng lòng hào hứng mới lớn làm sao, sự liến thoắng óng ánh lớn làm sao nó bao quanh những bàn tay bứt nó ra khỏi nỗi im lìm riêng, rồi toàn bộ cơ thể người đã giải phóng nó.
Nỗi sướng vui mới lớn làm sao, mà chúng ta rất cần nhận ra!
Có lẽ bạn đã hiểu tôi rồi và hẳn tôi có thể dừng ở đây. Nhưng gì cơ! Chính bản tính chủ thể của tôi cho phép tôi tự tận hưởng chính tôi và khiến bạn được tận hưởng các phát triển đồ sộ hơn, nhưng nhẹ và (sao mà hợp) phù du và nhiều tính cách thanh tẩy.
*
* *
Coligny, 8 tháng Bảy 1943
XÀ PHÒNG
Ơn Chúa, chút nói năng lúng búng thì rất hợp, khi vấn đề là xà phòng, chạm tới xà phòng. Lúng búng thì tốt hơn nói khi chạm tới xà phòng. Và không phải lo lắng về điều đó, cũng như lo cho việc lúc nào cũng nói về cùng một điều. Người ta có thể, người ta phải nói lúng búng. Lúng búng, tức là phải nói gì? Tự lố bịch hóa bản thân mình một chút, lố bịch hóa các lời lẽ một chút. Nhưng lúc nào cũng cầm xà phòng trong tay. Và rồi, đặt nó xuống đĩa đựng, cắt ngang bài tập bằng một thảm họa của nước trắng (rô bi nê bật, chỉ một đoạn văn là đủ).
Và sau đây là điều tuyệt diệu, ấy là từ đó người ta bước ra với hai bàn tay sạch hơn, hai bàn tay thuần khiết hơn.
*
* *
Quả thật, đã rõ là người ta không thể trút bỏ ghét bẩn theo đúng cách nếu chỉ có nước không. Dẫu cho là dưới những dòng thác tinh khiết nhất. Hay trong nỗi im lặng của dòng suối đen nhất và lạnh nhất, nơi cám dỗ có thể hiện ra, ôi chàng thanh niên tuyệt đối, để tự trầm mình. Thậm chí người ta có thể nào lặn xuống cái giếng từ đó vọt ra sự thật, không! Chẳng gì trong tất tật những thứ ấy đủ để khiến dẫu chỉ nhíu mày, ghét bẩn trên biểu bì. Vậy nên, chẳng ích gì khi sống dưới máy bơm, với nguy cơ ở đó mà nấc cụt mãi không thôi, từ cái sống sang cái chết. Và tôi sẽ chỉ nói đến, để ghi nhớ, giải pháp cổ lỗ hơn cả, ấy là đằm mình ướt đến thắt lưng, hai tay khoanh lại, nơi một dòng chảy nhợt nhạt nào thông vào Biển Chết (trong một thứ nước chảy về phía Biển Chết) và lụt xụt ở đó vài bông bọt của cầu nguyện, đưa hai ngón tay ướt nước lên sờ trán, rốn và hai bên ngực.
Ngược lại hãy nói với tôi về chậu nước vớ vẩn nhất cùng mẩu xà phòng nhỏ nhất!
*
* *
Có rất nhiều điều để nói về xà phòng. Chính xác là mọi thứ gì nó tự kể về bản thân nó, khi người ta dùng nước, cách nào đó, hành hạ nó. Dường như ngay lập tức nó có xu hướng nói rất nhiều. Thì nó cứ nói đi. Với sự liến thoắng, với lòng hào hứng. Cho tới khi biến mất do cạn kiệt chủ đề của chính nó. Chừng nào ngừng nói rồi, thì nó không tồn tại nữa. Càng nói dài, càng có thể nói lâu, thì nó càng tan chậm hơn, càng có phẩm chất cao hơn.
Lẽ dĩ nhiên, luôn luôn là cùng một điều, nó nói. Và nó nói theo lối thờ ơ với bất kỳ ai. Nó biểu đạt theo cùng cách thức với tất cả mọi người.
Viên đá lắm mồm…
Việc có nhiều và gần như bất tận điều để nói về xà phòng, là quá hiển nhiên. Và có lẽ lúng búng, chứ không phải nói. Ở đây cần đến một sự liến thoắng cực điểm nào đó. Và một nỗi hào hứng nào đó trong việc tự mất hút, tự giao nộp.
Hẳn cũng chẳng phải ngần ngừ trong việc luôn luôn nói lại các điều. Và luôn luôn nói chúng theo cùng một cách. Và nói chúng theo cùng cách cho bất kỳ ai - với niềm sướng vui, cái đó thì rõ rồi. Nhưng điều tuyệt diệu hơn cả là người ta bước ra từ các bài tập ấy với hai tay thuần khiết hơn. Đó là bài học lớn.
Và việc bài tập đó thích hợp hơn cả cho vệ sinh trí năng, cái đó cũng quá dễ hiểu.
*
* *
KHÚC DẠO ĐẦU CHO XÀ PHÒNG
Sống ngay bên dưới máy bơm thì cũng chẳng để làm gì. Chỉ tổ nấc cụt mà thôi. Và thắng lợi của cái phi lý thuộc thể loại ấy chẳng phải là lội xuống cho ngập ngang thắt lưng một thứ nước chạy trốn về phía Biển Chết, hai tay khoanh lại.
Tốt hơn hết, tin tôi đi, là trong cái chậu vớ vẩn nhất… Nhưng chính thế, nhìn nó mà xem, bên dưới vòi rô bi nê, sốt ruột như điên được tháo cái lưỡi khô của xà phòng.
Văn bản ngay trên đây, được ngâm lên chậm rãi, tức là, trong trường hợp ấy, được chép lại thật đẹp, tôi thấy đủ hoàn chỉnh để có thể gửi cho hai người bạn thân nhất của tôi khi đó, Albert Camus và Jean Paulhan.
Từ Paulhan, tôi đã không nhận được lời hồi đáp. Nhưng rất sớm từ Camus, câu trả lời dưới đây:
*
* *
Trích từ một bức thư của Albert Camus:
“Về phần xà phòng, tôi thấy hơi khó nắm bắt chủ ý của anh, trong khi thói thường, các chủ ý của anh rất sáng sủa đối với tôi. Có lẽ là có quá nhiều nói tắt, tôi cũng không nhận được rõ nữa. Có lẽ, vẫn không hề phải hy sinh gì hết ở cốt yếu, hẳn anh có thể làm mềm những chỗ ráp, bôi dầu trơn vào các điểm nối. Tuy nhiên đừng thay đổi văn bản. Nhưng anh thấy rõ hơn tôi. Vả lại, điều này sẽ gây ra một vấn đề lớn. Theo tôi, không thể nào có sự làm chủ nếu không có buông xuôi, đôi lúc. Anh, sự buông xuôi của anh nhìn chung là thói châm biếm. Nhưng châm biếm cũng là một nói tắt. Và chính bởi thế đọc các văn bản của anh độc giả có cảm giác sự nhạy cảm của mình vừa bị hiếp, trí năng của mình thì bị dựng ngược lên, và họ có lý. “Họ”, đó chính là anh.
Nhưng Mười hai bài nhỏ của anh đã khiến tôi thấy ở anh một sự buông xuôi khác hẳn, mà tôi những muốn thỉnh thoảng lại được thấy (chính vì thế mà tôi thích nhất Viên cuội và các mẩu về cây cối). Lẽ dĩ nhiên, tôi nói “thỉnh thoảng”, vì cốt yếu nghệ thuật của anh không nằm ở đó. Nó nằm trong những gì anh chọn làm và anh làm một cách hoàn hảo.”
*
* *
Sự im lặng của Paulhan, những e dè của Camus đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, và dần dà tôi đi đến chỗ, nhằm biến các chủ ý của tôi trở nên sáng sủa hơn, sáng sủa hết mức, thế nhưng chẳng hề thay đổi gì hết trong văn bản mà tôi đã thấy hài lòng, chẳng hề thêm vào đó gì hết, không đến cả một câu, không đến cả một từ, hình dung ra một dạng phân bổ những yếu tố của văn bản này, tôi muốn nói các mệnh đề khác nhau (hiểu theo nghĩa văn phạm) mà nó được tạo nên.
Một dạng phân bổ, theo nghĩa một đạo diễn (cái nhân vật mà các bạn hay gọi, các bạn ấy, là nhà quản lý) phân bổ các giọng nói khác nhau, các nhân vật khác nhau, văn bản mà anh ta có sứ mệnh biến thành biểu diễn.
Tôi xin nhấn mạnh vào điểm bản thân văn bản của tôi sẽ không vì thế mà bị biến đổi theo bất cứ cách nào. Vấn đề chỉ là dàn dựng nó mà thôi.
Và đây là những gì tôi làm được, hồi đầu mùa hè năm 1944.
Camus, hồi đó rất quan tâm đến sân khấu, được tôi thông báo các chủ ý qua thư (vì lúc ấy anh đang ở Paris nơi chẳng hạn anh đóng góp vào việc dàn dựng và diễn trong phạm vi nhỏ vở kịch của Picasso: Le désir attrapé par la queue) hối thúc tôi viết cho xong vở kịch nhỏ này về Xà phòng. Nhưng tôi chẳng lòng dạ đâu, khi đã xong xuôi, với tình trạng hồi đó nước Pháp đang rơi vào (đầu mùa hè năm 1944), gửi nó cho anh.
Vậy nên đây là những gì tôi đã làm được, cho riêng mình tôi:
XÀ PHÒNG
[bỏ qua vở kịch]
CHỦ ĐỀ XÀ PHÒNG
… Và giờ đây, độc giả thân mến, cho việc vệ sinh trí năng của bạn, là một mẩu xà phòng nhỏ. Được dụng thật khéo, ta hãy chắc cú thế là đủ rồi. Hãy cầm trên tay viên đá thần ấy.
*
* *
Có cái gì đó đáng kính ngưỡng trong nhân cách, tính cách của xà phòng; gì đó không thể bắt chước trong hành xử của nó.
Cái đó phát xuất từ thứ dầu cấu tạo nên nó và làm ra tầng sâu các phẩm tính của nó. Chẳng hề có vỏ, cũng không biểu bì: vì đâu có chút ý định nào hướng tới thực thể tự trị.
Trong khi viên cuội thì còn hơn là căm ghét con người: như thể nó hoàn toàn lờ tịt con người đi - xà phòng lại được làm ra cho con người, nó không quên điều đó; đừng quên một chút nào nghĩa vụ của nó.
Đó là một viên đá chưa từng tồn tại trong tự nhiên. Nó tự luồn lỏi vào đó, đầy dễ dàng, duyên dáng, chằm vặp, một trung gian nhân, thảy đều hoàn hảo.
*
* *
Như vậy thì hẳn không phải gì nhiều nhặn, dẫu đó đã là những phẩm tính rất đáng coi trọng. Nhưng chúng ta hãy ghi nhận các phẩm tính khác, còn gây xúc động hơn nhiều.
Chúng ta hãy quan sát nó trong môi trường nước. Ở đó nó thể hiện ngay tắp lự một dạng náo động đầy thẹn thùng. Nó qua lại, chạy trốn, ngúng nguẩy đủ kiểu, tự choàng lên mình những tấm voan và rốt cuộc muốn tan đi, trả lại linh hồn và trả lại thể xác, thay vì để mặc cho bị sờ mó, mân mê theo một chiều bởi tay nước.
Chúng ta hãy nói rằng ở đó nó có một tồn tại phá tán? Chắc hẳn rồi… Nhưng điều đó cũng hoàn toàn có thể được hiểu là một dạng phẩm hạnh riêng.
Vì thế mà, vả lại, nước bị ấn tượng mạnh, rối trí, bị trừng phạt hết sức nghiêm túc. Nó không dễ dàng rũ bỏ được các dấu vết tội ác của mình. Chỉ có thể rũ bỏ đi được nhờ một ào tới to lớn những cứu viện, nhờ gọi số lượng đến.
Lúc này, chúng ta hãy vớt xà phòng ra khỏi nước và nhìn nhận cả hai bên đối thủ. Nó, hao hụt đi rất nhiều, mỏng vẹt đi, nhưng không phải là ở nơi phẩm tính. Còn kẻ kia, trở thành cả một dung lượng rối bời to tướng, mất mặt rồi. Ai là người chiến thắng đây?
*
* *
Nhưng chúng ta hãy tiếp tục theo đuổi, rồi thì chúng ta sẽ đạt đến được lẽ sống, đến đích (hay số phần) của xà phòng.
(còn nữa)
tiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeletetiếp tục, và đã sắp đến phần gay cấn: trong bài thơ về xà phòng sẽ đột nhiên xuất hiện Albert Camus và Jean Paulhan
ReplyDelete❤️
ReplyDeleteBọt xà phòng sẽ tan, trượt khỏi tay nhanh đến chẳng kịp nhìn thấy bảy sắc nếu không có phép lặp. Sự lặp lại cần thiết, nhiều khi.
ReplyDelete