Sep 6, 2011

Của các bác đây

Cho các bác hâm mộ bạn Ngốc (tên nó trong nguyên bản tiếng Tây Ban Nha là Imbécil, trong bản tiếng Pháp thì gọi là "Le Bêta"). Warning là đừng đọc truyện sau đây khi đang ăn hoặc đang uống nhé :p, nhìn chung kiểu hài hước của các bác Latinh hay như thế này lắm.

Những đứa trẻ màu xanh lơ

Sự thật có thật duy nhất mà mẹ tôi từng nói kể từ khi chúng tôi quen biết nhau (sắp được mười năm rồi) là Ngốc là đứa trẻ ít ngăn nắp nhất hành tinh. Nó khát khi không có nước, nó buồn ngủ khi không có giường, đói khi không có gì ăn, và muốn đi ị khi không có phòng vệ sinh. Và nó không bao giờ biết chờ đợi. Nếu nó khát, chúng tôi phải vào ngay quán cà phê đầu tiên nhìn thấy; nếu nó đói, phải mua bánh ngọt cho nó; nếu nó đánh mất cái ti giả, phải đến hiệu thuốc nào còn mở cửa dù đã là bốn giờ sáng và, nếu nó muốn vào phòng vệ sinh, điều duy nhất nó biết làm là để hai tay ra đằng sau mông, mặt đỏ lựng lên và, như mẹ tôi vẫn nói, điều gì đến sẽ đến. Chúa mới biết chúng tôi phải chạy với tốc độ nào để lên khỏi tàu điện ngầm và tìm cho ra một gốc cây! Nó đã tiến bộ: hồi ba tuổi, nó tụt quần xuống ngay giữa phố, bây giờ nó nhịn được cho đến quán cà phê gần nhất. Tuy nhiên, không muốn cũng phải tin thôi, nó vẫn luôn luôn có cái tính sốt ruột như trước. Nếu muốn một cái kem, nó sẽ gào lên và, chừng nào mẹ tôi còn chưa mua cho nó, nó sẽ vẫn cứ tiếp tục. Tôi, trên thực tế, điều này thật ra tôi thấy ổn, vì nhờ những lần gào thét của nó mà tôi cũng có quyền được một cái kem miễn phí, từ lâu nay, tôi vẫn hay khuyến khích nó khóc lóc một chút để làm cho mẹ tôi dịu xuống. Nhưng nếu như mà cái thằng bợm ấy không cảm thấy muốn ăn kem, thì bạn có thử làm cái thủ thuật nho nhỏ để mua chuộc nó, nó vẫn chẳng buồn cố gắng gì hết cả đâu. Tôi lại gần nó và thì thầm vào tai nó: “Nào, làm đi, sau đó anh sẽ cho em đi cùng anh và Tai To ra công viên”, thế mà nó, nó sẽ bắt đầu hát, ngó lơ đi chỗ khác như thể tôi không tồn tại. Nó là một đứa trẻ rất tàn bạo.

Thế nên khi nhìn thấy nó trong một góc phòng thử đồ, trong trang phục màu xanh lơ kiểu sành điệu, hai tay để đằng sau mông, tôi bắt đầu nổi cáu:

- Mày đừng có làm cái gì đó vào trong cái quần không thuộc về chúng ta chứ.

- Bé em ỉa.

Bé em ỉa. Câu của nó đấy. Tôi thì tôi thấy với một đứa bé tí như thế câu nói này hơi bị mạnh mẽ quá, nhưng không có cách nào dạy nó được một câu khác. Một lần, tôi đã mất đúng một tuần để nhắc đi nhắc lại với nó:

- Em phải nói là em đi ị, vì những đứa bé như em không nói là đi ỉa đâu.

Thế là nó nhìn tôi và nói với tôi, vẻ mặt của nó là vẻ mặt của một đứa bé thiên thần:

- Bé em đi ị.

Tôi vỗ tay hoan hô và cho nó một trong những bức ảnh của tôi làm phần thưởng. Cũng phải trả giá thì tôi mới trở thành huấn luyện viên của nó được đấy. Tôi cho nó hết bức ảnh này đến bức ảnh khác. Nhưng điều khó tin nhất là, khi thời điểm của sự thật xảy đến, khi nhu cầu của nó đã trở nên bức bách lắm rồi, nó vẫn lặp lại cùng sai lầm ấy, thông báo với chúng tôi như sau:

- Bé em ỉa.

Kết quả của toàn bộ câu chuyện đó là tôi đã phải chuyển sang cho nó cả bộ sưu tập ảnh của tôi mà những giờ rèn giũa kiểu Anh quốc vẫn cứ xôi hỏng bỏng không. Để dàn xếp mọi chuyện, mẹ tôi thò đầu vào qua cánh cửa phòng bếp nói với tôi:

- Để cho nó yên ngay lập tức, theo như mẹ biết thì con có phải là viện sĩ hàn lâm về ngôn ngữ đâu.

Bạn thấy đấy, tôi thì ra sức cố gắng làm mọi thứ cho em trai tôi, nhưng mẹ tôi thì cứ lao vào ngăn cản.

Trong góc phòng thay đồ, mặt Ngốc mỗi lúc một đỏ hơn, cũng giống hệt như mọi khi. Bác Luisa lo lắng vì không nghe thấy chúng tôi nói gì, bởi từ vài phút em trai tôi và tôi chỉ thì thầm với nhau.

- Bọn trẻ, bọn trẻ, bác vừa nói vừa gõ cửa, có chuyện gì thế, mở cửa ra, bác không hề tin tưởng một chút nào vào các cháu đâu.

Bạn sẽ hiểu đây là những thời khắc vô cùng căng thẳng. Tôi nói với Ngốc:

- Xin mày đấy, đừng có làm thế.

Vì tôi biết là với nó, cứ cố khăng khăng cũng chẳng ích gì. Một tiếng động khả nghi vang lên.

- Một quả rắm nhỏ, Ngốc nói.

Nó ưa giải thích, đề phòng bạn có chút nghi ngờ nào đó.

- Hai rồi, tôi thông báo khi nghe thấy một tiếng động nữa.

Không khí trong phòng thay đồ trở nên xám xịt, tôi không nói quá lời đâu. Thật may mắn vì cửa phòng không bịt kín lên tận trần. Nếu chúng tôi dang ở trong thang máy thì tôi tin mình đã bắt đầu kinh sợ nỗi thiếu dưỡng khí. Tôi bắt tay vào việc. Tôi cởi cái quần xanh lơ kiểu sành điệu ra, đó là thứ khiến tôi lo ngại hơn cả, rồi tôi bảo nó là chúng tôi sẽ chạy thật nhanh đến chỗ phòng vệ sinh.

- Bé em không đến được đấy đâu.

- Được mà, bé em làm được mà, rồi bé em sẽ thấy: mày phải thít vào như thế này này, mạnh vào, thật mạnh, đến nỗi phải nhắm tịt mắt vào ấy, rồi mày sẽ thấy mọi chuyện khá hơn nhiều.

Nó làm theo mọi động tác mà tôi dạy cho, nó bắt chước thật là giống, trừ một chi tiết quan trọng mà tôi quên biến mất: tôi bảo nó thít, nhưng là vào phía trong. Thế nhưng nó lại thít ra phía ngoài. Mặt nó không còn đỏ lựng như trước, và nó nhìn tôi với vẻ mặt đứa trẻ thiên thần. Trông nó rất nghiêm túc.

- Được rồi. Ra rồi.

Tất cả những điều đó chúng tôi nói thật nhỏ để bác Luisa, vẫn tiếp tục dùng móng tay gãi cánh cửa, không nghe thấy gì.

- Mày bị đần hay sao đấy hả? tôi gằn giọng nói với nó.

Nó bắt đầu rung rung cái cằm như khi sắp khóc. Nhưng không giống như những lần nó bật ra những tiếng hét, không, mà đây là những giọt nước mắt đặc biệt, câm lặng, những giọt nước mắt làm tất cả chúng tôi ở nhà phát khóc, vì nỗi đau đớn mà chúng gây ra cho chúng tôi.

- Nào, đừng có khóc, để tao thu xếp vụ này.

Tôi tự thấy mình đang đảm trách vai trò người anh trai cứu thế. Người anh trai đưa đứa em thoát khỏi nhà tù; người anh trai sẽ đi tìm đứa em say rượu nằm thẳng cẳng trên hè phố; người anh trai trả những món nợ cho đứa em. Người anh trai cứu thế: tôi là vậy đấy. Tôi cởi quần cho nó, gắng hết sức để không hít thở, tránh cái mùi ấy chạy vào mũi tôi. Cứt nằm trong quần sịp của nó, tôi bọc cả lại khéo léo hết mức có thể. Tôi luồn cái gói xuống khe cửa để đẩy sang phòng bên cạnh. Thoát được khỏi bằng chứng phạm tội rồi, chúng tôi mở cửa và tôi nói với bác Luisa:

- Quần áo vừa lắm ạ.

- Mãi mới thấy ra. Bác chờ các cháu được nửa tiếng rồi đấy.

Bác thò đầu vào phòng thử đồ và ném một cái nhìn dò xét vẻ rất sát nhân.

- Sao mà trong này mùi kinh thế!

- Ngốc vừa thả hai quả rắm nhỏ đấy ạ.

- Chúa ơi, đồ con lợn! bác vừa nhìn tôi vừa nói.

Đó chính là sự thật về cuộc đời tôi đấy: em trai tôi làm những trò lợn và tôi là người phải gánh chịu.

- Thế tại sao cái thằng này lại trần truồng? bác Luisa hỏi.

- Đấy là vì mẹ cháu đấy ạ, sáng nay mẹ cháu quên mặc quần sịp cho nó, tôi đáp bằng một phản xạ mau chóng đến mức ngay chính bản thân tôi cũng thấy ngạc nhiên.

- Mẹ gì mà lại thế!

Bác Luisa mua quần sịp cho chúng tôi. Cho cả hai, vì bác nhất quyết muốn xem quần của tôi, và rồi bác phát hiện là nó bị thủng. Bác cho chúng tôi mặc những thứ đồ mới toanh, rồi bác dẫn chúng tôi vào phòng vệ sinh, dấp nước lên tóc chúng tôi và chải ngược ra đằng sau. Đây là lần đầu tiên chúng tôi mặc những chiếc sơ mi cứng như vậy. Có thể nói rằng chúng tôi không có cổ. Chúng tôi thấy rất ngượng khi phải ra phố trong bộ đồ như thế. Đây quả đúng là một siêu thị tạo biến đổi mạnh mẽ. Các cô bán hàng bảo sao mà chúng nó xinh thế, chúng xinh quá đi và, trong khi bác Luisa trả tiền, tôi và Ngốc đứng tạo dáng người bị liệt bên cạnh mấy thằng bé ma nơ canh cho tới lúc không thể nhịn cười được nữa. Bác Luisa cầm lấy tay chúng tôi và bảo chúng tôi, bây giờ, bác rất thích cùng chúng tôi đi ra phố, còn trước đây chúng tôi là những đứa trẻ làm người khác phải hổ thẹn. Trong khi đi xuống các cầu thang cuốn, chúng tôi nghe thấy những tiếng hét của một người vừa bước ra khỏi khu phòng thử đồ, nói rằng ai đó đã ị và để lại cứt ở bên trong.

- Thật là chẳng biết phép tắc gì nữa, bác Luisa nói, vẻ rất ghê sợ, bọn họ đi ị ở trong phòng thử đồ, tè ở ngoài đường, nôn vào các góc phố. Thế giới này điên mất rồi. Các thiên thần bé nhỏ của bác, bác nói, giờ đây đã vô cùng tự hào vì chúng tôi, những đứa trẻ màu xanh lơ, chúng ta phải sống ở trong một cái thế giới như vậy đấy.

Và chúng tôi, hai đứa trẻ mới, chúng tôi mỉm cười với bác như thể chưa từng bao giờ gây điều xấu cho một con ruồi.

9 comments:

  1. Bác thật là tàn bạo, không kém gì Manolito. Sao bác lại đưa ra cái phần nhiều ấy thế này cơ chứ! Trong tập này mà toàn thế tôi sẽ dỗi, tôi không mua đâu...

    ReplyDelete
  2. cũng không đến nỗi đâu, chỉ thoang thoảng :p

    ReplyDelete
  3. Cute ^^

    Nhưng cháu thắc mắc nhá, tại sao trong sách tất cả những đứa quậy phá đều là hero, còn những đứa gương mẫu thường là anti-hero? Cháu hồi nhỏ gương mẫu lắm đấy, đeo kính và không bao giờ xả rác bừa bãi :p

    ReplyDelete
  4. ui xời đâu, cả hai thằng đều phá kinh dị

    ReplyDelete
  5. Không, là nói chung, như trong Emil, Nicolas, Pippi, Doraemon (dù thằng Nobita đeo kính). Nói chung trong sách thì thế thôi chứ ngoài đời mấy đứa này không đấu lại cháu ngoan Bác Hồ đâu

    ReplyDelete
  6. lần nào thấy bễ và đời ra bã là lại đọc Manolito (hai việc này ngẫu nhiên xảy ra khá gần nhau, đại để là mấy lúc đi đường cúi mặt nhiều nên thấy được bao nhiêu là tiền rơi :v) lúc đọc cứ có ý nghĩ là sao bà tác giả ấy có thể hiểu và viết về trẻ con chuẩn thế nhỉ? Chú còn nhớ cái cmt mua sách trẻ con trước không ^^ lần ấy dẫn đến kết quả là mua 2 quyển sách của NVV, cái quyển có tranh ý, cũng không đến nỗi fail :v

    ReplyDelete
  7. chịu :v đại khái lần ấy chú rep lại là tác giả nữ VN giờ ít chịu viết sách cho trẻ con :v

    ReplyDelete
  8. 😆🤣🤣 cám ưn VVD đã lục giúp

    ReplyDelete