Đọc sách, nhiều khi những thành phần phụ lại hấp dẫn hơn bản thân nội dung chính của cuốn sách. Có người đọc thấy dở quá thì gấp sách lại, cũng có người bắt gặp một câu, một từ hay quá thì lặng lẽ bỏ sách xuống bàn, mặc quần áo ra bờ sông dạo mát cho nguôi bớt những sôi nổi phát sinh trong lòng. Lại có những người chỉ quan tâm bìa sách hình thù ra sao, nhan đề dùng font chữ gì, người ta tán dương nó thế nào ở lời tựa, lời bạt và bìa sau, rồi đề từ, đề tặng, lề sách rộng hay hẹp, trang “xi nhê” viết có cẩn thận không… Sự đọc là muôn hình vạn trạng.
Tất tật những chi tiết phụ mà không phụ ấy, thuật ngữ chuyên môn gọi là “cận văn bản”, ở gần văn bản và lăm le xâm chiếm mối quan tâm của độc giả. Nghe đâu có một lý thuyết gia nước ngoài viết hẳn một quyển sách rõ dày bàn về lĩnh vực “cận văn bản” này, cuốn sách bán chạy hơn cả tiểu thuyết trinh thám.
Chẳng hạn như đọc thơ Đường, lẽ dĩ nhiên thống thiết mà ngâm nga “Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ” của thi sĩ Bạch Cư Dị hay hào hùng “Xa lân lân mã tiêu tiêu” của Đỗ Phủ thì thú lắm, nhất là ở không khí “mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng” (Lưu Quang Vũ) như thế này, nhưng lòng còn bận xăng tăng giá và môi trường xuống cấp thì cũng có thể chỉ khiêm tốn mà nhấm nháp các thành phần phụ. Những thành phần phụ ấy, nghĩ thật kỹ, mới thật là một mảng lịch sử sinh hoạt trung thực, chứ nguyên tác các bài thơ hình như nếu không “khói trên sông” thì sẽ là “nâng chén”, nếu không phải “mỹ nhân” thì sẽ lại “anh hùng”, rồi thì “nói chí”, “hoa nở”, “trăng tàn”…
Có những nhan đề bài thơ Đường thật bất hủ. Thi sĩ thời ấy hóa ra cũng có nhu cầu nói năng cụ thể và có khả năng là thích đùa: nếu Lý Bạch không đặt tên bài thơ của mình là “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” (Tiễn Mạnh Hạo Nhiên ở Hoàng Hạc lâu đi Quảng Lăng) thì đời sau khó mà hiểu rõ chủ định của bốn câu thơ là gì. Thích đùa là những bài thơ có số chữ nhan đề bằng đến phân nửa tổng cộng số chữ cả bài thơ, mà những ví dụ oanh liệt ta có thể liệt kê như sau: “Hạo Sơ thượng nhân kiến di tuyệt cú, dục đăng Tiên Nhân sơn, nhân dĩ tạ chi”, Trần Trọng Kim dịch là “Sư Hạo Sơ gửi bài tuyệt cú mời lên núi Tiên Nhân sơn, nhân đó từ chối không đi” (Liễu Tông Nguyên); “Dữ Lô viên ngoại Tượng quá Thôi xử sĩ Hưng Tôn lâm đình”. Trần Trọng Kim dịch là “Cùng đi với Viên ngoại Lô Tượng qua nhà ở trong rừng của xử sĩ Thôi Hưng Tôn” (Vương Duy); “Họa Dương thượng thư bãi tướng hậu, hạ du Vĩnh Yên thủy đình, kiêm chiêu bản Tào Dương thị lang đồng hành”, Trần Trọng Kim dịch là “Họa thơ của Dương thượng thư sau khi thôi làm tướng, mùa hạ, rủ bạn Tào Dương thị lang cùng đi chơi thủy đình ở Vĩnh Yên” (Bạch Cư Dị).
Còn ở thời nay, nhiều lúc phải xem tác giả cuốn sách, bài báo đề gì sau dấu chấm hết thì mới lờ mờ đoán được tâm ý thực của họ, chẳng hạn như dưới mấy bài suy tưởng nhiều tâm tư nhưng tâm tư nào cũng nhạt hoét thường người ta hay ký “Sân bay Rome, một ngày nhiều gió”, “Trong khi đợi đến giờ hẹn với Ngài CEO Intel”, “Đưa con trai đi đánh golf lần đầu”. Vân vân và vân vân.
Thành phần sau dấu chấm này, một cách kinh điển, có thể xem Vũ Đình Long, tác giả vở kịch Chén thuốc độc: “Gác Tân Dân, ngày Trung thu Mậu Tý” hoặc “Viết tại biệt thự Tân Dân ở Mục Xá tháng trọng đông Quí Mùi”. Nhiều người có nhu cầu ghi chú lại địa điểm và thời gian viết ra thiên tuyệt bút, nhất là khởi đầu và kết thúc của một cơn hứng khởi nghệ thuật: “Hà Nội, 3/1989-21/2/1997”. Lại có những tác giả thời nay muốn khẳng định tinh thần hiếu cổ đậm đà của mình: “Yên Hòa thư trai - Đầu xuân Mậu Tý”, hay tự đặt cho mình những bút hiệu giả cổ tuyệt đẹp, như “Lâm Khang chủ nhân” (ôi, đọc cái hiệu này, tôi rất nhớ tiên sinh Mộng Liên Đường chủ nhân!). Lại có người kín đáo kiêu hãnh cho biết tuy viết lách nhưng họ không hề nghèo, họ đề chẳng hạn: “Biệt thự Thu Trang” vào dưới bài viết của mình.
Nhiều lúc, đọc sau dấu chấm hết còn thú vị hơn đọc phần chính văn.
Con Sâu
Viết tại cái hang ẩm ướt của nó,
trong những ngày mưa thu lạnh lẽo dài dặc
chờ đợi được hóa thân thành cánh bướm huy hoàng.
ở đây không có cái nút like như facebook nhỉ:D
ReplyDeleteCòm trên của bạn Chanh cốm?
ReplyDeleteBác này đi guốc trong bụng người đọc mất rồi.
ReplyDeleteFantastic job! It is nice to know that all the information I need is right in front of me.
ReplyDeletebuy catia 6
thêm một bài viết cũ vẫn nóng hôi hổi hơi thời đại bác ạ. giờ thì tạm hiểu tại sao bác buông xuôi "thật ra... mà thôi" hoài rồi ~|*
ReplyDeletekhỉ thật, bài này đọc lại thấy hay thế :p
ReplyDeleteLâm Khang chủ nhân giờ có vẻ vẫn oe oe lắm hehe
ngán lắm đám người muốn mãi mãi tuổi lên ba
ReplyDelete