Sep 25, 2011

tái xuất giang hồ :pp

đây, cái sự tái xuất giang hồ của bác Nguyễn Việt Hà như thế này đây :p các bác đọc thấy liên văn bản vãi chưởng không hề hề



tái xuất giang hồ

Đây là một mẫu câu hung hiểm kinh điển, thường chỉ được đắc địa khi dùng cho đàn ông, còn tại sao ở đàn bà ít dùng thì giải thích sau. Nó xuất hiện khá nhiều trong những trường ca chiến trận từ thời lỗi lạc thi hào Homer cho đến tận thời các trường thiên võ hiệp của nhị vị đại gia tuyệt đại song hùng Kim Dung, Cổ Long. Ở đây, khái niệm “giang hồ” nên hiện đại khoáng đạt hiểu, không chỉ có giới dao búa võ lâm mà còn cả giới kinh doanh showbiz, nơi mà những thảm án kinh hoàng luôn trùng trùng điệp điệp. Còn nghĩa cả câu thì cực kỳ đơn giản, khi một đại hiệp lừng danh nào đó, một ma đầu khét tiếng nào đó, thậm chí một nhạc sĩ hoặc một ca sĩ ầm ĩ nào đó, sau một hồi bằn bặt im hơi lặng tiếng bỗng nhiên tự dưng lại thò đầu ra lộ diện. Trước đó họ mất tích (chữ dùng cho trường hợp Nhạc và Ca) hoặc quy ẩn (dùng trong trường hợp Hiệp và Ma) với vô vàn lý do vừa phi thường vừa vớ vẩn. Hoặc nhân văn siêu hình theo kiểu ngộ đạo, chán đến tận cổ nỗi thảm máu chảy thành sông thây chất thành núi bèn bải hoải buông dao đi tìm Phật. (Ở những “ca” này thường họ bỏ đi một mình). Hoặc dung tục cụ thể theo kiểu đời thường, bị đồng nghiệp dìm hàng bị bầu sô quỵt bạc, ngao ngán đen trắng thói đời đành miễn cưỡng tìm chỗ núp. (Ở những “ca” này thường họ bỏ đi với người tình).

Trước khi “ẩn” hay “núp”, đa phần bọn họ đều tổ chức một lễ gọi là “rửa tay gác kiếm”. Nếu không đủ tiền làm ở khách sạn 5 sao thì đương nhiên phải tổ chức tại gia ví như trường hợp Lưu Chính Phong trong bộ “Tiếu ngạo giang hồ”, vốn xuất xứ là đệ nhị cao thủ của phái Hành Sơn thuộc Ngũ Nhạc kiếm phái. Nghi lễ đại loại có một chậu bằng vàng đựng nước mưa long lanh tinh sương, để cạnh là binh khí tùy thân như đao thương giáo mác. Và do chưa hẳn là sát thủ nên nhạc sĩ có thể chỉ để đàn cạnh chậu, ca sĩ chỉ có thể để “míc”. Trước đông đảo quan khách, khổ chủ sẽ đọc vài lời tạ từ thảm thiết giải thích tại sao mình phải rút khỏi chỗ đẫm “mầu” như thế, nơi có không biết bao nhiêu bọn thèm lớn đang khao khát xông vào. Rồi cao thủ sẽ bẻ kiếm rửa tay vào chậu vàng, nhạc sĩ sẽ đập đàn đút tay vào túi quần, còn ca sĩ sẽ vụt tan micờrô chùi tay vào khăn mùi soa. Tất tất được rưng rưng diễn ra trên nền nhạc kiểu lâm khốc hao hao như “Tình thôi xót xa” hoặc tủi thân dịu dàng gần giống như “Còn ta với nồng nàn”. Việc “xuất” thế là xong.

So với việc “xuất” để “núp”, việc “xuất” để “tái” mang nguyên nhân động cơ ly kỳ rắc rối hơn nhiều. Có trường hợp như Achilles, đại anh hùng Hy Lạp trong trường ca “Odyssey” mà dựa vào đó Hollywood đã làm phim cực kỳ ăn khách “Cuộc chiến thành Troy”. Tráng sĩ này võ công siêu cao thiên hạ vô đối nhưng vì tự ái với sếp, nên dỗi, quyết định rửa tay gác kiếm. Achilles có một thằng “đệ” là Patroclus, tuổi còn trẻ nên máu lắm, thích mượn quần áo của anh hung hăng ăn diện đi lại trên rừng võ. Thế rồi trong một lần tao ngộ chiến, anh ta bị dũng sĩ Hector, hoàng tử thành Troy, không những đâm chết mà còn trấn luôn cả bộ cánh hàng hiệu. Nghe tin thảm, vừa tiếc em và cũng có đôi phần tiếc của, Achilles tái xuất giang hồ. Cú xuất hiện lại của chàng làm toàn thể võ lâm rúng động, thậm chí lịch sử chiến tranh của nhân loại còn quẹo hẳn sang hướng khác. Việc Achilles hở hang gót chân bị bắn chết đã trở thành một điển cố được giới showbiz ưa dùng khi phải mô tả một cảnh ngớ ngẩn kiểu như một thập thành đại gia nhỡ sa vào tay một ngây thơ người mẫu.

Tuy nhiên, chuyện hở gót của Achilles xưa quá. Gần đây, cú tái xuất của một nam ca sĩ hở gần hết mới thật sự chấn động. Anh này khi còn hành hiệp biểu diễn trên sân “thảo” khấu thường được vỉa hè trân trọng ví với đại danh ca người Mỹ “Mai Cồ Rách Sơn”. Rồi anh “Sơn” Việt đi núp, hình như lý do là giữ gìn trinh tiết. Đột nhiên vào một ngày đột ngột anh ta đột “xuất tái” với tuyên ngôn kinh hoàng “Tôi thắp hương cầu Trời cầu Phật mỗi ngày và sẵn sàng cho nửa gia tài nếu có ai đó lấy được trinh tiết đời mình” (Tiền Phong ra 28/08/2011). Với cú sát chiêu đẫm đầy chân thành này, anh “Rách Sơn” thật sự là người lành. Quần hùng hai đạo Hắc Bạch đồng thanh hoan hô anh.

Việc tái xuất giang hồ hiếm hoi có ở đàn bà đã được tác giả Con Sâu trên tờ “TT và VH” số ra 06/08/2011, lý giải. Phụ nữ thường khó có thể làm đi làm lại một cái gì lâu, ví như viết văn chẳng hạn, bởi do bọn họ “hơi ngắn”. Lý luận này phảng phất chịu ảnh hưởng từ tâm pháp võ học phái Võ Đang, một phái võ của đám đạo sĩ chuyên nâng cao võ công bằng cách luyện khí. “Dở hơi” là không đủ khí, còn ngắn hơi là “đoản khí”. Người mà hơi ngắn khí đoản thì đương nhiên võ công thấp, miễn cưỡng tái xuất giang hồ là việc rất không nên, hung hiểm vô chừng.

Nói cho cùng, giang hồ tái xuất là một chuyện đại sự, thiên nan vạn nan. Nó khác xa với việc một văn sĩ quèn giữ mục cho một tờ báo rồi vì những lý do nào đấy nghỉ viết vài ba số. Đến khi viết lại thì anh này ngấm ngầm coi mình đã “tái xuất giang hồ”.

Đáng thương thay, thực chất của việc này cũng chỉ là một thứ “đình công đòi tăng lương” vô cùng vớ vẩn.

                                                                                                                             nguyễn việt hà

7 comments:

  1. một chín một mười.

    ReplyDelete
  2. ôi giời, dao găm phút chót :))

    ReplyDelete
  3. Thật là vãi chưởng. Ngôn ngữ kiếm hiệp bàn chuyện trời Tây, showbiz. Rửa tay gác kiếm còn gọi là "kim bồn tẩy thủ", rửa tay chậu vàng. Theo thiển ý, "đoản khí" chỉ dùng cho kẻ anh hùng theo ngôn từ kiếm hiệp "mỹ nhân tình trường, anh hùng khí đoản". Còn đối với đàn bà cứ dùng từ của CVD "ngắn hơi hay thì là không bơi" cho mùi mẫn :)

    ReplyDelete
  4. gớm đong đưa cũng thể một vài con sâu ;p mà thôi bác VH ngoằn nghèo được rồi, NL việc gì :(

    ReplyDelete
  5. À, thế ra thế này thì gọi là liên văn bản ạ :D

    ReplyDelete
  6. liên văn bản quá đi chứ :p

    à cái này cháu lekhanhha cũng có thể đọc này:

    theo định nghĩa "tiêu chuẩn" đưa ra trong "Palimpsestes" (Genette, 1982), liên văn bản là quan hệ có sự hiện diện của văn bản khác trong văn bản này, đi từ hiện diện cụ thể như trích dẫn cho tới những cái vô hình và trừu tượng hơn như là ám chỉ, "parodie" và "pastiche", nghĩa là phạm trụ "nhại"

    sự lý thuyết hóa của Genette đầy đủ đến nỗi sau này người ta cũng chẳng thêm gì vào nữa, có mỗi một cái của một bà, gọi là quan hệ "reference" (dẫn chiếu)

    ReplyDelete
  7. Em chỉ rụt rè đóng góp vài thuật ngữ chuyên môn thế này ạ. Ca sĩ làm lễ "quy ẩn giang hồ" thì người ta gọi là lễ "phong" mic (phong: phong bế). Còn nhạc sĩ mà "rửa tay gác phím" thì người ta gọi là lễ "đoạn cầm". Hic.

    ReplyDelete