Sep 19, 2011

Trong vòng một cuộc đời

Năm năm gần đây, Philip Roth, một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ, thích viết tiểu thuyết ngắn. Trong số bốn tiểu thuyết ngắn viết trong giai đoạn này, Người phàm (Everyman) (2006) đã ra mắt bạn đọc Việt Nam (Thùy Vũ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011).

Tài năng của Philip Roth không chỉ được thể hiện bằng danh sách giải thưởng dài đến khó tin (chỉ còn thiếu Nobel Văn chương) mà còn bằng một điều tiên quyết để một nhà văn thực sự trở thành vĩ đại: tài nắm bắt cuộc sống ở những điểm cốt yếu nhất. Philip Roth làm việc này với sự chuẩn xác và bình thản của một con người nhiều trải nghiệm, biết bỏ qua những nhao nhác thông thường của cuộc đời, bỏ cả hình thức tiểu thuyết đồ sộ trước đây từng giúp ông thu hoạch danh tiếng (nhất là loạt sách về nhân vật Zuckerman) để đến với một hình thức tiểu thuyết vô cùng gọn nhẹ và bình dị, nhưng làm người đọc hiểu rằng sự hiểu đời của ông sâu sắc đến khó ngờ.

Philip Roth từng làm được điều này rất hoàn chỉnh trong một tiểu thuyết ngắn khác mang tên Indignation (2008), nhưng ở Người phàm thì ta thực sự thấy tinh túy của một giọng văn độc đáo, ảm đạm nhưng không bi lụy, phấn khích nhưng lạnh lẽo và tỉnh táo đến khắc nghiệt. Người phàm đi vào trong vòng một cuộc đời bình thường để phác họa hình dung của một nhà văn lớn về đời người nói chung.

Nhân vật chính của Người phàm, một người làm trong ngành quảng cáo tương đối thành đạt, cũng không ít thành công trong tình trường: khi đã nhiều tuổi ông còn lấy được cô vợ thứ ba là người mẫu, nhưng ở cuối đời mình nhân vật ấy hiểu một cách sâu sắc rằng cuộc sống về bản chất là những gì đang tan rã, mai một không thể cứu vãn. Lâu lắm rồi ta mới thấy một tác phẩm của Philip Roth không đậm đặc tình dục, thứ đã góp phần then chốt trong việc tạo nên cả danh tiếng lẫn tai tiếng cho văn chương của ông, mà ở Người phàm, nhà văn đối diện với một cái gì thật sâu xa, khó nắm bắt, một tinh chất nào đó của cuộc đời. Một bài điểm sách trên tờ New York Magazine đã nói rất đúng rằng Người phàm nỗ lực đi sâu vào “tính chất phổ quát ở phạm vi nhỏ”.

Những quan sát buồn bã của nhân vật chính về sự tàn phai của cuộc đời, mỉa mai thay (mỉa mai u tối là một đặc sản của văn chương Philip Roth), còn cần đặt vào đối sánh với kim cương, loại vật chất bất hoại mà bố của chuyên gia quảng cáo từng kinh doanh trong suốt nhiều năm, và thêm vào đó nữa, con người liên tục phải qua những cuộc phẫu thuật quan hệ tới tính mạng ấy lại còn chứng kiến người thân của mình sống rất thọ và không bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe. Vốn đã không lấy gì làm cao thượng trong tính cách, nỗi đau đớn pha lẫn ghen tị ở ông càng tăng lên mãi. Nỗi đau đớn ấy, Philip Roth để cho nhân vật phụ Millicent Kramer phát biểu thật ngắn gọn: “Đau đớn khiến ta cô độc quá” (tr. 116).

Người phàm đặt ra một vấn đề: những người thành công trong cuộc sống có thực sự thành công hay không? Nỗi tuyệt vọng về việc thua kém thực tại ở nhân vật chính được Philip Roth miêu tả thật tinh tế trong đoạn ông già sắp chết bỗng le lói tia hy vọng sống khi nói chuyện được với một cô gái trẻ hay chạy bộ qua trước cửa. Thế nhưng hão huyền sẽ mãi chỉ là hão huyền, bởi, với ông, hay với hầu khắp “người phàm”, “dường như tất cả [mọi thứ trong cuộc đời] đều sai lầm” (tr. 99).

4 comments:

  1. là phải có gì đó để lại cho (hai) đứa con (trai)

    ReplyDelete
  2. Bai diem sach nay NL viet that hay!

    ReplyDelete
  3. chào bạn
    chúc chủ nhật vui

    ReplyDelete
  4. Tạm biệt Philip Roth!

    ReplyDelete