Jun 27, 2015

Nabokov Ông hoàng đen tối

Còn bây giờ, đã đến lúc nói chuyện về Vladimir Nabokov. Không phải Lolita, mà là Nabokov.

Câu chuyện Lolita đã xong xuôi lâu rồi.

Trong quãng thời gian diễn ra "vụ Lolita", một fiasco đích thực, tôi rất thích thú theo dõi một số khía cạnh, không phải mọi khía cạnh, chỉ những gì mà tôi quan tâm. Tôi rất thích thú vì có cơ hội nhận ra một số nhân vật trước đây tôi từng nghĩ cũng có tí não bên trong sọ dừa hành xử ngu xuẩn như thế nào. Sự ngu xuẩn của con người là đề tài hay nhất, không gì vượt lên trên được (thế nên ta phải ngả mũ trước Flaubert, một cách kính cẩn và ngưỡng mộ, dẫu cho làm thế thì có khả năng làm trơ ra cái sọ dừa ít não). Có người nhanh chóng tỉnh ngộ và rút chân, nhưng hay nhất là một số lẳng lặng xoay theo chiều gió, đúng nghĩa là khi vui thì vỗ tay vào. Mà điều đó, theo tôi, là hiển nhiên: cái bọn trưng sách vở làm đồ trang sức lúc nào cũng có cách hành xử như vậy hết.

Tạm gác lại mấy chuyện ấy (có thể một lúc nào đó tôi sẽ quay trở lại với đích danh một số nhân vật), bởi vì giờ đây đã đột nhiên xuất hiện một tỉ chuyên gia Nabokov tự xưng, nên ta nói chuyện về Nabokov cái đã. Cũng vì đã có quá nhiều chuyên gia rồi nên thôi ta bỏ qua những thứ lặt vặt, để chỉ nói về vài điều nhé.

(Tôi rất thích khi một số chuyên gia ấy xưng xưng rằng muốn hiểu Nabokov thì phải giỏi toán thế này thế kia; toán học bao giờ cũng là nỗi mê tín lớn lao, là sự sùng mộ của các dân tộc kiểu như Việt Nam. Ở Việt Nam, người ta nghĩ những người giỏi toán làm được mọi việc. Điều này tất nhiên rất ngớ ngẩn. Sự mê tín này ăn rất sâu, trước đây khi tôi còn hay đọc các bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Việt Nam, và những người dính dáng chặt chẽ đến văn chương, tôi kinh ngạc nhận ra mười ông thì chín ông hùng hồn tuyên bố hồi bé mình học chuyên toán.)

Tôi từng viết một bài về Nabokov (có lẽ là bài quan trọng nhất về Nabokov trong mấy năm vừa rồi - cũng chẳng cần khiêm tốn làm quái gì), trong đó tôi đã gọi Nabokov là "ông hoàng" (xem thêm ở đây). Các chuyên gia về Nabokov chắc không thấy gì để phản đối ở đó. Đúng, Nabokov là một ông hoàng. Nhưng từ đó, vẫn cần nhìn tiếp.

Mệnh đề thứ nhất của tôi, rất đơn giản:

1) Nếu ở lại châu Âu, Vladimir Nabokov sẽ chỉ là một nhà văn hạng hai.

Châu Âu già cỗi mà ta hay chế giễu thật ra có một bản lĩnh phi thường về nhìn nhận giá trị. Nabokov của Tiếng cười trong bóng tối, của Sebastian Knight, là một nhà văn xuất sắc, nhưng không hơn, tức là loại nhà văn mà mỗi năm xuất hiện một mớ ở châu Âu. Không cách gì Nabokov có thể đạt tới vị trí hạng nhất ở châu Âu được, có quá nhiều nhà văn khác kỳ lạ hơn nhiều, độc đáo hơn nhiều, giỏi hơn nhiều. Giỏi nhưng chưa đủ giỏi, đó là nỗi ấm ức của Nabokov.

Nước Mỹ là coup de théâtre kiệt xuất của Nabokov.

Đến một thời điểm nào đó, muốn vươn lên tiếp, một nhà văn phải có chuyển hóa. Chuyển hóa của Nabokov là việc sang Mỹ sống (ta cũng phải biết, khi nhận được món tiền lớn nhờ bán bản quyền làm phim Lolita, Nabokov đã nhanh chóng ôm tiền về châu Âu, sống ở Thụy Sĩ). Nước Mỹ là lựa chọn không thể tốt hơn, đối với một người giỏi tính toán các nước cờ như Nabokov. Ở đây, xuất hiện một chi tiết vô hình, nhưng cực kỳ quan trọng.

Nabokov bắt tay với nước Mỹ, đó chính là hành động mà người ta gọi một cách ẩn dụ là ký hợp đồng với quỷ.

Các nhà văn tầm thường rất hay mang bản hợp đồng (vô hình, tất nhiên) này ra mà cười cợt. Goethe rồi Mann đều bị nó ám ảnh, và Rushdie khi viết hồi ký ngay lập tức cũng nói đến bản hợp đồng này. Không có bản hợp đồng ấy, không bao giờ Rushdie có thể viết được Những đứa con của nửa đêm. Đây không phải chuyện để đùa cợt. Ta nhận ra một nhà văn là tầm thường khi họ cười cợt bản hợp đồng với quỷ này. Hóa ra, trong cái túi phùng phình mà họ mang theo trong văn nghiệp của mình, không hề có bản hợp đồng. Ta cứ tưởng họ ghê gớm lắm, té ra họ còn chưa đến được mức có thể được đề nghị ký bản hợp đồng ấy.

Trong trường hợp Nabokov, con quỷ là nước Mỹ, Nabokov đã ký bản hợp đồng ấy. Nước Mỹ có tất cả mọi thứ, nhưng lại thiếu một thứ, thiếu một cách tàn bạo, một cách đau đớn. Nó thiếu huyền thoại, mà chúng ta, ai cũng cần huyền thoại hết (xem thêm ở đây). Kể từ khi con cá voi trắng của Melville tạo ra một huyền thoại, kể từ khi chú bé Sawyer và chú bé Finn của Mark Twain tạo ra những huyền thoại về nước Mỹ, đã quá nhiều thời gian trôi qua, lại đến lúc cần một huyền thoại nữa. Lolita là kết quả của bản hợp đồng ấy. Nước Mỹ có thêm một huyền thoại, và Nabokov thì tha hồ tung tăng bắt bướm ở châu Âu.

2) Những điều gì là thực sự to tát trong cuộc đời sáng tạo của Nabokov?

Dĩ nhiên, đầu tiên là Lolita, chẳng gì nó cũng là kết quả của một bản hợp đồng quá oách.

Nhưng ngoài đó ra, còn gì? Một ít Pale Fire, một ít Ada, một ít Speak, Memory. Không nhiều lắm đâu. Nabokov thuộc loại nhà văn nắm quá chặt. Chặt và lỏng là hai thái độ then chốt trong cuộc sáng tạo. Lúc đầu, ai cũng phải chặt hết. Nhưng những người vĩ đại nhất đều biết đến lúc cần lỏng ra. Nabokov thì không, càng ngày càng chặt, chặt mãi chặt mãi. Thái độ nghiệt ngã của Nabokov chính là bắt nguồn từ đó, chứ không phải vì cuộc đời tàn nhẫn như Orhan Pamuk từng giải thích rất vớ vẩn, cũng không vì một cuộc đời trác táng (Nabokov thuộc loại khắc kỷ chứ không phải trụy lạc).

Tất nhiên, Nabokov còn đồ sộ vượt ra ngoài phạm vi những quyển tiểu thuyết. Trong số những gì nhiều ý nghĩa còn lại có bản dịch trường ca của Puskin, và những bài đọc sách nữa. Giờ phải nhìn sâu vào những bài đọc sách này. Không một nhà văn lớn nào không có những bài đọc sách kiệt xuất.

Chính ở đây, tính chất quá chặt của Nabokov hiển lộ rất rõ. Nabokov đã đọc hỏng Kafka, đọc hỏng Flaubert. Chặt quá thì làm sao hiểu nổi mấy nhân vật quá mức lỏng ấy. Nabokov không sánh nổi với một người mà chính ông từng hạ cố khen vài câu đãi bôi, là Borges: Borges đọc Kafka rất oách, rất sâu sắc, hơn xa Nabokov (ngoài Borges, Nabokov còn khen cái truyện có cái thằng đi câu cá rồi con cá bị rỉa hết, ý nói Ông già và biển cả của Hemingway đấy; một người nữa mà Nabokov có dành lời khen là Alain Robbe-Grillet, Marienbad thì giờ đây đọc thấy nản lắm rồi).

Nhưng thôi, mấy vụ này, dĩ nhiên các chuyên gia Nabokov mới xuất hiện không đủ trình để nói chuyện. Nên tôi chỉ nói đến duy nhất một đóng góp kiệt xuất của Nabokov, mà chắc chắn chưa một ai nhìn ra: đó chính là trường hợp Dostoievski.

Nabokov đã làm một việc là mạt sát, sỉ nhục (đến phi lý) Dostoievski. Bản thân những gì Nabokov từng viết về Dostoievski thì không giá trị cho lắm, nhưng cảm nhận của Nabokov về văn chương Dostoievski thì kiệt xuất. Ta phải hiểu một điều này: có những hiện tượng rất kỳ quái, những nhà văn rất lớn nhưng bị khai thác khủng khiếp quá, thành ra chẳng còn gì để nói nữa. André Gide dành hẳn một cuốn sách cho Dostoevski từ rất sớm, và kể từ đó người phương Tây làm cho Dostoievski cạn kiệt về ý nghĩa. Hai nhân vật chung nhau số phận đó, là Dostoievski và Nietzsche; nhưng Nietzsche có bị khai thác đến đâu thì cũng không hết được, còn Dostoievski? Giờ đây, chỉ một thái độ khả dĩ chấp nhận được: đọc hết Dostoievski trước khi tròn mười tám tuổi, rồi sau đó đừng nói đến nữa.

Nabokov, với bạo lực ngôn ngữ của mình, hóa ra đã làm được một điều rất ý nghĩa, trong trường hợp Dostoievski. Cảm nhận ấy rất quan trọng: ví dụ, bây giờ mà ôm lấy Henry Miller để hít hà thì chỉ có thể là rất ngớ ngẩn.

-----------

Giờ, ta quay sang một câu chuyện nhẹ nhàng hơn. Nabokov dẫu sao cũng là một chủ đề quá khó. Hôm trước (xem thêm ở đây), tôi định nhắc đến nhân vật nữ phóng viên mảng điện ảnh của tờ báo lớn nhất nước một lần rồi thôi. Dẫu thế nào, tôi cũng chỉ đánh giá đó là một phụ nữ nông nổi, bị dắt mũi, giật dây, đem thân mang sách lậu đi bán, để cả Sài Gòn nó nhìn thấy mặt, cũng chẳng đáng quan tâm mấy.

Thế nhưng nhân vật này dám mò vào đây, và tất nhiên là lại không dám ký tên:


Rất giống trong tiểu thuyết trinh thám: các điều tra viên nhiều kinh nghiệm đều biết rằng, tuy điều này nghe rất phi lý, kẻ sát nhân rất hay lén lút quay trở lại hiện trường gây án, vì bị thúc đẩy bởi một xung động hết sức khó hiểu.

Bạn nữ phóng viên này đánh giá đối thủ (là tôi) quá thấp. Tôi đã nói là tôi nhận ra bất kỳ ai, kể cả không ký tên, hoặc ký tên giả, nếu tôi muốn. Mà không tin à?

Thế thì cho bạn rợn tóc gáy thêm một phát nhé: ngay sau khi tôi viết về Dương Tường (xem thêm ở đây), thì trên một cái blog rất bỉ ổi xuất hiện ngay một bài chửi tôi. Chỉ cần liếc một cái là tôi biết, tác giả bài ấy không phải chủ cái blog đó, mà là bạn nữ phóng viên kia. Chẳng bao giờ tôi cần đọc kỹ nội dung những gì bạn viết hết, vì một đời làm báo mấy chục năm, đã bao giờ bạn viết nổi một câu văn cho ổn thỏa đâu, tôi quan tâm để làm quái gì. Nhưng những cái thứ bạn viết nó có cái mùi riêng, nhận ra ngay khó gì: mùi của cái thứ mà dân Hà Nội gọi là "rồ vồ cột điện". Là phóng viên của tờ báo lớn nhất nước, mà phải làm mấy cái trò như thế à?

Năm xưa, chừng 2006-2007, bạn bám riết tôi đòi phỏng vấn. Tôi chẳng thấy hay ho gì nên từ chối suốt. Bạn bèn làm trò này: nhờ một người bạn mà tôi có quen rủ tôi đi cà phê (tôi còn nhớ rõ, hồi ấy trên phố Trần Hưng Đạo, số 66, có một quán cà phê, giờ đã đóng cửa), rồi trong lúc đang cà phê thì bạn cử phóng viên ảnh của báo (hồi đó bạn còn làm ở tờ TN) qua chụp ảnh tôi. Khi nhận ra ý định, tôi đã phản ứng đến nỗi người bạn kia rất xấu hổ. Người bạn ấy là đạo diễn điện ảnh Phan Đăng Di.

Mình nói nốt: cái thứ phóng viên văn hóa ở Việt Nam, mình biết rất rõ. Nhất là mảng phim ảnh. Vài người trước đây cũng có tí khả năng, giờ thì hỏng hẳn, sau quá nhiều thời gian bầy nhầy của mấy trò nhận tiền để hội đồng nâng hoặc hội đồng đập một bộ phim nào đó. Các bạn phóng viên giờ về cơ bản đã không còn đủ sức biết một bộ phim nào là hay, bộ phim nào là dở nữa rồi. Gần đây tôi có quan sát xung quanh bộ phim Dịu dàng (xem thêm ở đây), bộ phim Việt Nam duy nhất đáng xem mấy năm gần đây. Tôi đã thấy các phóng viên làm đủ mọi trò để dìm nó xuống. Thế là đủ hiểu rồi đấy.

-----------

Trong cái lũ theo đuôi trong "vụ Lolita", tôi thấy cần nhắc đặc biệt đến một nhân vật: Nguyễn Trung Kiên (url facebook ở đây).

Êu, Kiên, chúng ta biết nhau từ rất lâu rồi, nên không phải rào đón, nhé. Cả một đời lê la hóng hớt, theo voi hít bã mía, chưa chán hay sao. Mình chẳng muốn động đến bạn đâu, nhưng mình có một nguyên tắc, chửi mình thì nhìn chung mình ngó tí rồi thôi, nhưng nếu đã động đến một số người mà mình coi là bạn (tất nhiên trong số đấy không có bạn Nguyễn Trung Kiên đâu) thì nhiều khả năng mình sẽ ăn thua đủ đấy.

Vì chúng ta quen biết, nên cách đây hơn một năm mình cũng đã báo trước với bạn là sẽ có ngày chúng ta cần nói chuyện rồi đấy. Vừa hay, quyển Trần Đức Thảo sắp ra, mình thích nói chuyện về những thứ cụ thể như thế. Ta đợi đến lúc đó nhé. Mình thích nói chuyện về các trí thức thuộc địa Việt Nam lắm. À, mình cũng mới viết về Nguyễn Mạnh Tường đấy (xem ở đây này).


11 comments:

  1. Hôm nọ Nhị mà không ôm comment chưa chắc bạn í đã lên tiếng.

    ReplyDelete
  2. Anonymous là những kẻ không được Google chấp nhận, nếu không thì cũng thuộc loại nhát gan, ném đá, à không cả ném hoa giấu tay, chấp làm gì. Mình có thế nào mới có nhiều người "quan tâm" chứ. Nên quan tâm làm chi tập trung vào chuyên môn thôi.

    ReplyDelete
  3. Đanh đá, kiệt hiệt

    ReplyDelete
  4. Thi thoảng Nhị Linh review phim nhé?

    ReplyDelete
  5. Cái bác Kiên này cứ theo mình quảng cáo sách mãi. Lúc đầu mình cũng muốn thử mua, sau thấy có vẻ không ổn. Sợ quá. Nghỉ kết bạn luôn rồi. Với lại mình nghĩ, rất ít người ở Việt Nam có cái gì đó đáng một chút về Trần Đức Thảo. Phần đông cũng muốn theo hình ảnh ông ấy để đánh bóng mình thôi.

    ReplyDelete
  6. Ôi rõ chán. Một người tài hoa, độc đáo, tương lai thênh thang như NhịLinh sao lại sa vào mấy cái trò chửi ruả nhỏ nhen?

    - Gió, muà nào cũng Chướng.

    ReplyDelete
  7. toán học bao giờ cũng là nỗi mê tín lớn lao, là sự sùng mộ của các dân tộc kiểu như Việt Nam. Ở Việt Nam, người ta nghĩ những người giỏi toán làm được mọi việc. Điều này tất nhiên rất ngớ ngẩn. Sự mê tín này ăn rất sâu, -------> Thanks,bác đã giúp tôi nhận diện ra kẻ thù lẩn quất trong cuộc đời tôi bấy lâu nay.

    ReplyDelete
  8. Có nên mua sách của Nabokov do Thiên Lương dịch không nhỉ? Tôi vẫn không thích tay này vì vụ bản dịch Lolita của Dương Tường.

    ReplyDelete
  9. có mỗi một cách nhìn nhận thôi: xem người dịch có phải độc giả văn chương hay không, có phải độc giả của tác giả mà họ dịch hay không

    ReplyDelete
  10. Cảm ơn cậu. Hôm nọ đi nhà sách gặp một loạt 4 hoặc 5 quyển của Nabokov do T.L dịch, không mua thì sợ lỡ cơ hội mà mua thì sợ chất lượng bản dịch không tốt.

    ReplyDelete
  11. thay vì "sợ lỡ cơ hội", hay là đừng nghĩ là trên đời có tồn tại "cơ hội" đi, vậy là chỉ một phát đã thoát được cái thói sợ bị thiệt

    ReplyDelete