May 10, 2017

[tiện bút] 7

Trên đời có hai loại người: thứ nhất là loại đi bàn tán về chuyện của người khác, và thứ hai là loại tạo ra chuyện để cho người khác bàn tán. Khỏi phải nói thêm về tỉ lệ đối chiếu (xét về số lượng) giữa hai loại này. Ngoài số lượng không phải bàn đến, chất lượng lại càng khỏi cần bàn hơn.

Khi viết về khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ, đương nhiên tôi biết như thế mới chỉ là một phần rất nhỏ, có thể coi là một dạo đầu rất chưa đáng kể.

Đàn ông thì chiếm hữu, phụ nữ thì sở hữu. Đến một lúc nào đó, nếu người đàn ông không hiểu ra, những thứ anh ta mang trên người, như vòng, đồng hồ, mọi thứ trang trí, gôm xịt trên tóc, thậm chí đến cả thắt lưng, tất tật những thứ ấy đều phải bỏ đi hết, chỉ được phép giữ lại những gì thiết yếu nhất, thì coi như người đàn ông ấy sẽ muôn đời không hiểu được bất kỳ một điều gì. Thời hiện đại ngày nay còn gây rắc rối hơn nữa, mà một biểu hiện chính là các hình xăm.

Phụ nữ không thể không sở hữu, trong khi đàn ông thì không thể giữ bất kỳ cái gì. Không phải ngẫu nhiên mà sự hà tiện tạo ra đề tài lớn đến thế cho sự châm biếm tàn độc nhất: Molière thần thánh, rồi, tất nhiên, Balzac vĩ đại, và không chỉ vậy: Địa Ngục của Dante dành một khu rất sâu cho bọn hà tiện, khá là gần trung tâm với quả Lucifer ba đầu. Hà tiện không phải tính cách, hà tiện chính là tội lỗi; sự hà tiện ở đàn ông chính là một nỗi bần tiện kinh khủng.

Đó chính là bởi sự sở hữu thì thuộc công việc của phụ nữ. Không phải họ thích, hay muốn, mà phải như vậy. Trước đây, trong cuộc sống con người, chi tiêu, kinh tế trong nhà là địa hạt của phụ nữ. Chính vì thế, kinh tế học và các kinh tế gia luôn luôn có cái gì đó khiến ta thấy rất buồn cười, một cái gì đó rất không đúng.

Và, trong văn chương Việt Nam, nhà văn nào biểu hiện điều này rõ nhất, nhà văn nào khinh bỉ đến vô biên thói "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" ở đàn ông?

Nào, lại bất ngờ chưa, tôi sẽ nói một điều còn chưa ai thấy bao giờ: đó chính là Nguyễn Tuân.

(tôi rất hy vọng, rất rất hy vọng; à mà nói thế thôi, tôi biết thừa là quá mong manh, rằng đã có người thấy được tại sao rất nhiều năm nay tôi tìm mọi cách đi vào thế giới đích thực của Nguyễn Tuân; tôi không có nhu cầu chứng minh đó là một văn chương hay: văn chương hay thì tôi không quan tâm; tôi muốn nói lên rằng, văn chương của Nguyễn Tuân là một văn chương đúng; đúng thì sẽ lớn, hay thì không chắc; đây cũng chính là điểm mấu chốt để sửa đổi một thứ ngày nay toàn bị gọi rất sai là "mỹ học"; khi một văn chương là đúng, nó rung rất đúng nhịp, hay nói một cách khác, chỉ văn chương đúng mới là văn chương, ngoài ra là rác)

Phụ nữ sở hữu là bởi ở họ có sự trống rỗng mênh mông.

Cần phải làm đầy sự trống rỗng ấy, thì một cái gì đó hỗn loạn mới có cơ may trở thành một tồn tại. Còn đàn ông có trống nổi đâu mà đòi chứa cái gì :p

Balzac, ta đã biết, miêu tả sự điên (đúng hơn là sự rồ) của trò sưu tầm, ở đoạn đầu tiểu thuyết Albert Savarus. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một khía cạnh. Trong một cuốn tiểu thuyết khác, Balzac cho thấy công việc sưu tầm là quan trọng như thế nào, đó là Le Cousin Pons.

Người ta sưu tầm không phải là để sở hữu. Người ta sưu tầm là để hướng tới sự chuyển hóa. Các đồ vật nếu chỉ ở đó như món sở hữu, thì chuyện đồng nghĩa với người sở hữu bị các đồ vật ám (và sẽ rất, rất tệ đấy). Trong cuộc sống của người đàn ông, có một phương diện vô cùng quan trọng, là sự táy máy tay chân, tức là cái người ta hay gọi là bricolage: trước một đồ vật, người đàn ông phải tìm cách biến đổi nó. Một người đàn ông có quá nhiều tiền là một người bị nguyền rủa.

Nếu nắm được như vậy rồi, ta sẽ đồng thời chạm được đến một lĩnh vực phức tạp vô cùng tận: sự tha hóa.

Rất đơn giản, với những khác biệt mà ta có thể nói là "đến tận nền móng", đàn ông và phụ nữ tha hóa khác nhau. Nhìn chung, người đàn ông tha hóa khi bụng anh ta phệ, còn phụ nữ tha hóa khi người đó quắt lại theo năm tháng, và trở nên nghiệt ngã (với người khác) đến mức không có giới hạn. (xem thêm ở kia)

Và, cũng chính bởi khác nhau đến mức ấy, mới tồn tại một thứ, mà người ta gọi là tình yêu.

Các nhà văn lớn nhất của chủ nghĩa lãng mạn luôn luôn tìm cách làm người ta hiểu, love/amour không phải là passion.

Sự lẫn lộn hai thứ ấy có biểu hiện muôn vàn. Hai người sống với nhau vài chục năm đầy tin tưởng, chung thủy vô song, nhưng đó vẫn không phải tình yêu. Thế nhưng có khi chỉ một ánh mắt, một ngón tay chạm vào má, mà vào thời điểm ấy đương sự tưởng chừng là một "passion", thậm chí một mảnh nhỏ thoáng qua không đáng kể của "passion", lại chính là tình yêu.

Tình yêu liên quan đến tâm hồn. Quay trở lại câu đầu tiên của bài này (mà, cũng như mọi khi, tôi chẳng biết là tôi đang viết cái khỉ gì): trên đời có hai loại người, loại có tâm hồn, và loại không có. Ở đây không phải chuyện "có tâm hồn" như người ta vẫn nói một cách dễ dãi (và rất ngu). Trong một thế giới dựa trên sự bình đẳng, gần như tất cả đều nghĩ ai cũng như ai, có khác biệt chăng cũng chỉ là sở thích khác nhau, vài thứ lặt vặt lung tung. Rất có thể như vậy, nhưng cũng rất có thể không phải là như vậy.

Năm 27 tuổi (tức là năm 1810), Stendhal cuối cùng cũng kiếm được chức vụ (không tệ) trong chính quyền ở Paris. Stendhal nhanh chóng nhận ra hạnh phúc của trang phục và tiền bạc không là gì, tham vọng chỉ là một thứ ngớ ngẩn, điều có ý nghĩa là yêu và được yêu (yêu và được yêu cũng sẽ trở thành trung tâm trong các tiểu thuyết của Balzac). Cuộc đời Stendhal là sự kéo dài của nỗi tuyệt vọng không tìm được người phụ nữ đúng cho mình (cũng như văn chương có đúng thì mới là văn chương, tình yêu không đúng có lẽ không phải là tình yêu - từ đây ta quay lại "passion", hoặc thậm chí còn chẳng phải "passion" gì hết cả), và cuộc đào luyện tâm hồn Stendhal, một tâm hồn dịu dàng nhất từng tồn tại, nằm ở đó. Trong cuộc sống giữa con người, Stendhal, một độc giả của Chamfort (làm sao mà thoát được khỏi Chamfort đây? tôi nghĩ là không thể) trích Chamfort trong Nhật ký, theo đó nếu trong ngày ta phải gặp người này người kia, nghĩa là có "cuộc sống xã hội", thì tốt nhất ngay từ sáng hãy nuốt một con cóc. Một con cóc rất là quan trọng. Và đến ngày 9 tháng Mười năm 1810, Stendhal viết, vẫn trong Nhật ký, tất nhiên (năm 1823 Racine et Shakespeare mới in, còn Đỏ và Đen thì mãi tận 1830): "Lợi thế của độ cao, áp dụng với tất cả mọi người, giữ cho xa khỏi tôi mọi con người bất hạnh kia, và bởi vì bất hạnh cho nên độc ác".

Tâm hồn là điều kiện, đồng thời là môi trường của tình yêu.

Hai nhà văn miêu tả tầm quan trọng (nói "tầm quan trọng" vẫn còn là giảm bớt mức độ quá nhiều) của tâm hồn trong tình yêu theo đường lối trác tuyệt nhất chính là Stendhal và Balzac.

Hai tâm hồn làm thế nào để "nhận ra nhau"? Khi mà mọi thứ khác, từ lời nói, cử chỉ, tất tần tật, đều đã không còn vai trò hay ý nghĩa gì nữa, thì tức là người ta không còn có thể dựa vào bất kỳ cái gì. Một người đàn ông ngồi đối diện với một phụ nữ, làm thế nào anh ta hiểu đúng vào thời điểm này, vì không còn thời điểm nào khác, vì điều kiện và môi trường đã biến thành cơ hội (và cơ hội chỉ đến đúng một lần duy nhất, nhìn chung không có ngoại lệ), anh ta phải vượt qua nỗi tê liệt của bản thân mình, để đi vòng qua cái bàn, sang bên kia, nơi người phụ nữ đang ngồi - mà không có bất kỳ "lời mời chào" nào (làm sao mà có được, khi mà bản thân người phụ nữ cũng không biết)? Làm sao mà biết được?

Thì hai tâm hồn cần phải đọc nhau. Và phải đọc cho đúng: chẳng có cách nào khác.

Tâm hồn là điều kiện và môi trường của tình yêu, thì đọc lại là điều kiện và môi trường của tinh thần. Chúng rất có khả năng dẫn tới cơ hội, một cách hoàn toàn tương đồng như trên đã nói.

Ở đây, ta sẽ nhắc đến một nhân vật siêu hạng, mà đối với tôi chính là Homer của thế kỷ 20: Ezra Pound.


(còn nữa)


nhân tiện: đã viết tiếp "hiện tượng luận về mối quan hệ thầy trò"

10 comments:

  1. Thực ra yêu đương cũng như đọc sách. Nếu trong tình yêu cần yêu đúng thì đọc sách cũng cần "đọc đúng". Quan trọng là ở chữ "đúng". Khó nhất cũng ở chữ "đúng". Chẳng ai dám chắc vào chữ "đúng". Chỉ có điều này là tôi chắc: Tôi, sau này trong rất nhiều tội lỗi phạm phải, sẽ không bao giờ bị phán xét vì tội phá rừng :P

    ReplyDelete
  2. Ngoài ra, chúc mừng số 7 :p

    ReplyDelete
  3. cái đu quay này sẽ vừa quay vừa chuyển từ phương nằm ngang sang phương thẳng đứng nhỉ?

    ReplyDelete
  4. chắc sẽ như thế này chứ:

    "Red rose proud rose sad rose of all my days
    Come near me while I sing the ancient ways"
    (Yeats)

    :p

    ReplyDelete
  5. Trên đời có hai loại người: thứ nhất là loại đi bàn tán về chuyện của người khác, và thứ hai là loại không làm như vậy. Trên đời có...

    ReplyDelete
  6. ... có loại nói bằng mặc cảm tội lỗi, có loại không

    ReplyDelete
  7. Đọc bài của anh mà quen rồi thì chắc không sao, chứ mà không quen, thấy căng thẳng kinh lên được. Kiểu như là đọc một văn bản viết bằng một thứ tiếng mà mình rất lơ tơ mơ, thấy từ nào cũng có vẻ quen, cũng có vẻ hiểu.. mà ghép lại thì hết sức...ba chấm. Dù thế, vẫn luôn thích đọc những bài Tiện bút của anh, không hiểu lắm không có nghĩa là không thấy thú vị :D

    ReplyDelete
  8. Sức mạnh thần bí của số 7 "thần thánh" :v https://khoahoc.tv/suc-manh-than-bi-cua-so-7-trong-cac-nen-van-hoa-55061

    ReplyDelete